Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 04:13-22 Lòng Khảng Khái của Phi-e-rơ và Giăng

1,494 views

YouTube: https://youtu.be/pf82zuOrDjs

44011 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13-22
Lòng Khảng Khái của Phi-e-rơ và Giăng

  Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Kho chứa PDF các bài giảng:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13-22

13 Khi chúng thấy sự nói năng dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, nhận biết rằng, họ là người bình dân và không học, thì chúng lấy làm lạ. Chúng cũng biết rõ, họ từng ở với Đức Chúa Jesus.

14 Nhưng thấy người được chữa lành đứng với họ, chúng không có lời gì để phản bác.

15 Chúng ra lệnh cho họ ra khỏi phiên tòa. Chúng hội ý với nhau,

16 nói: Chúng ta sẽ làm gì với các người này? Vì ấy thật là một phép lạ đáng kể đã được làm bởi họ, tỏ ra cho hết thảy những cư dân Giê-ru-sa-lem, mà chúng ta không thể chối bỏ.

17 Nhưng để chẳng lan truyền thêm nhiều trong dân chúng, chúng ta hãy hăm dọa họ với lời hăm dọa rằng, từ nay, họ chớ nói với người nào trong danh ấy.

18 Chúng gọi họ, ra lệnh cho họ, không được nói hay dạy gì trong danh của Đức Chúa Jesus.

19 Nhưng Phi-e-rơ và Giăng đã trả lời, nói với họ: Các ông hãy xét lấy, có phải nghe theo các ông hơn thay vì nghe theo Đức Chúa Trời là điều công chính trước mặt Đức Chúa Trời?

20 Vì chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe.

21 Chúng lại hăm dọa, rồi đã thả họ, không tìm thấy cách nào để hình phạt họ; vì cớ dân chúng, bởi ai nấy đã tôn vinh Đức Chúa Trời về việc đã xảy ra.

22 Vì người mà phép lạ chữa lành ấy đã xảy ra cho là người đã hơn bốn mươi tuổi.

Thật rất đáng ngạc nhiên, khi Lời Chúa cho chúng ta biết, những người cai trị dân I-sơ-ra-ên thời ấy, những người tự xưng mình thông thạo Thánh Kinh, những người từng nghe Đức Chúa Jesus giảng dạy, được trực tiếp nhìn thấy phép lạ và nghe lời công bố của Phi-e-rơ, mà vẫn cứng lòng không tin. Chẳng những không tin mà họ còn tìm cách ngăn cản, không cho người khác có cơ hội nghe biết về lẽ thật. Và cũng rất đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy, một Phi-e-rơ từng nhát sợ, chối Chúa ba lần trước những tôi tớ của thầy tế lễ thượng phẩm, nay lại can đảm đối đầu với cả tập thể lãnh đạo của dân I-sơ-ra-ên. Tập thể ấy đã yêu cầu nhà cầm quyền La-mã lên án chết Đức Chúa Jesus chỉ vài tháng trước đó.

Qua những gì được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13-22 mà chúng ta cùng nhau học trong bài này, chúng ta thấy rõ, có hai điều sẽ không bao giờ thay đổi:

  • Người tự làm cứng lòng mình để sống theo những sự tham muốn của xác thịt sẽ không bao giờ ăn năn.

  • Người thật lòng ăn năn và tin nhận Đấng Christ sẽ can đảm trước mọi thế lực của ma quỷ và loài người, để bảo vệ lẽ thật.

Chúng ta cũng học thêm một lẽ thật, là sự khôn sáng sẽ đến từ Đức Thánh Linh cho bất cứ ai thuộc về Đấng Christ. Sự khôn sáng ấy học thức của thế gian không thể sánh bằng.

13 Khi chúng thấy sự nói năng dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, nhận biết rằng, họ là người bình dân và không học, thì chúng lấy làm lạ. Chúng cũng biết rõ, họ từng ở với Đức Chúa Jesus.

Danh từ “sự nói năng dạn dĩ” (G3954) được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là nói một cách lưu loát và thẳng thắn, không quanh co khuất lấp, không ấp úng ngập ngừng. Một người có thể nói năng dạn dĩ như vậy phải là người vừa có sự trí thức, vừa có sự can đảm, vừa có tài diễn thuyết. Nhưng Phi-e-rơ và Giăng lại thuộc hạng người bình dân và không học.

Danh từ “người bình dân” (G2399) có nghĩa là một người dân bình thường ít học hoặc không học, làm thuê, hoặc làm các nghề lao động vất vả chỉ đủ sống.

Tính từ “không học” (G62) có nghĩa là không biết chữ, không có kiến thức phổ thông.

Mặc dù thư I và II Phi-e-rơ được viết bằng tiếng Hy-lạp với lối văn trau chuốt, nhưng không do Phi-e-rơ trực tiếp viết ra mà là do Si-la viết giúp cho Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 5:12). Sách Giăng và các thư I, II, III Giăng cũng được viết bằng tiếng Hy-lạp với lối văn trau chuốt nhưng không do Giăng trực tiếp viết ra, mà là do ai đó trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã giúp ông viết ra. Riêng sách Khải Huyền là do Giăng tự mình viết. Vì khi sách Khải Huyền được viết thì Giăng đang bị cầm tù trên đảo Bát-mô, không có người giỏi tiếng Hy-lạp giúp ông viết sách. Cũng vì thế mà sách Khải Huyền được viết bằng lối văn cục mịch với nhiều lỗi văn phạm.

Khi một người thật sự thuộc về Đấng Christ, người ấy sẽ có sự khôn sáng Đức Thánh Linh ban cho. Khi một người thật sự thuộc về Chúa cần giảng giải hay biện luận với người thế gian, chính Đức Thánh Linh sẽ nói qua môi miệng của người ấy. Người ấy không cần phải suy nghĩ trước phải nói gì, không cần phải thực tập cách nói, và nhất là không cần phải học thuật hùng biện của người thế gian.

Nhưng khi họ đem nộp các ngươi thì chớ lo các ngươi sẽ nói như thế nào hoặc nói gì. Vì trong giờ đó, sẽ ban cho các ngươi điều các ngươi sẽ nói. Vì chẳng phải là các ngươi nói, nhưng Đấng Thần Linh của Cha các ngươi nói trong các ngươi.” (Ma-thi-ơ 10:19-20).

Nhưng khi họ giải giao các ngươi, đừng lo trước cũng đừng nghĩ trước các ngươi sẽ nói điều gì, mà hãy nói bất cứ điều gì được ban cho các ngươi trong giờ ấy. Vì không phải là các ngươi nói nhưng Đức Thánh Linh nói.” (Mác 13:11).

Khi họ đem các ngươi đến các nhà hội và các bậc cầm quyền cùng các bậc có thẩm quyền, thì chớ lo điều gì hay cách nào các ngươi sẽ đối đáp, hoặc sẽ nói lời gì. Vì trong giờ ấy, Đức Thánh Linh sẽ dạy các ngươi những gì phải nói.” (Lu-ca 12:11-12).

Vì thế, con dân chân thật của Chúa không cần lo lắng về việc phải nói những gì trước những kẻ bách hại mình.

Mặc dù Lu-ca không ghi lại những gì Giăng đã nói, nhưng câu 1 và câu 13 xác định, Giăng cũng có nói chứ không phải chỉ một mình Phi-e-rơ.

Những người cai trị dân I-sơ-ra-ên và các thầy thông giáo biết rằng, cả Phi-e-rơ và Giăng đều là người bình dân, không học, từng ở với Đức Chúa Jesus. Điều đó có nghĩa là họ biết rõ lý lịch của Phi-e-rơ và Giăng. Họ từng nhiều lần thấy Phi-e-rơ và Giăng có mặt bên cạnh Đức Chúa Jesus. Họ từng thấy Phi-e-rơ và Giăng bên cạnh Đức Chúa Jesus trong hai lần Ngài dọn sạch Đền Thờ; trong những lần Đức Chúa Jesus lên Đền Thờ để cầu nguyện; và có lẽ trong những lần Ngài giảng dạy, chữa bệnh, đuổi quỷ trong thành Giê-ru-sa-lem.

14 Nhưng thấy người được chữa lành đứng với họ, chúng không có lời gì để phản bác.

Với chứng nhân của phép lạ được làm ra trong danh của Đức Chúa Jesus Christ đang đứng trước mặt, những kẻ cầm quyền trong dân I-sơ-ra-ên đã không thể nào có lời gì để phản bác Phi-e-rơ và Giăng. Họ đã hỏi Phi-e-rơ và Giăng bởi thẩm quyền nào và trong danh ai mà hai ông đã làm phép lạ và rao giảng về sự người chết sống lại. Hai ông đã mạnh dạn và thẳng thắn trả lời, bởi thẩm quyền từ Đức Chúa Trời và trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng đó không phải là điều họ muốn nghe. Mục đích câu hỏi của họ không phải là để tìm hiểu lẽ thật mà để tìm cách bác bỏ lời rao giảng của hai sứ đồ.

Ngày nay, cũng có nhiều người trong các giáo hội mang danh Chúa thắc mắc về sự rao giảng lẽ thật của các con dân chân thật của Chúa. Nhưng mục đích sự chất vấn của họ không phải để tìm hiểu lẽ thật mà để tìm cách bác bỏ lẽ thật. Vì họ đã bị sự giảng dạy tà giáo của các giáo hội che mờ mắt thuộc linh của họ. Họ bị các giáo hội mang danh Chúa dùng tà giáo che khuất lẽ thật của Lời Chúa khỏi họ, vì chính bản thân họ vẫn đang sống trong tội lỗi. Họ vẫn đang kiêu ngạo, tự ái không đúng, và tham muốn những sự thuộc về thế gian. Những người thật lòng tin Chúa, khao khát được hiểu biết Lời Chúa và sống theo Lời Chúa, dù là tin Chúa qua các giáo hội, sẽ nhanh chóng tiếp nhận lẽ thật, khi họ được nghe những lời rao giảng chân thật.

15 Chúng ra lệnh cho họ ra khỏi phiên tòa. Chúng hội ý với nhau,

16 nói: Chúng ta sẽ làm gì với các người này? Vì ấy thật là một phép lạ đáng kể đã được làm bởi họ, tỏ ra cho hết thảy những cư dân Giê-ru-sa-lem, mà chúng ta không thể chối bỏ.

Giới cầm quyền của dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ tin nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời, tin nhận Thánh Kinh Cựu Ước là Lời của Đức Chúa Trời. Họ cũng tin nhận phép lạ chữa lành người què chỉ có thể đến từ Đức Chúa Trời. Nhưng họ bị dị ứng với danh của Đức Chúa Jesus Christ. Vì họ không muốn công nhận Ngài là Đấng Christ. Có lẽ theo suy nghĩ của họ, Đấng Christ phải được sinh ra trong một gia đình I-sơ-ra-ên giàu có, được dạy dỗ bởi các bậc thầy về Lời Chúa, như bản thân họ; và nhất là đứng về phía họ, thay vì công kích họ.

Sau khi nghe Phi-e-rơ và Giăng rao giảng, họ đã ra lệnh cho Phi-e-rơ và Giăng, cùng người què đã được chữa lành ra khỏi phiên tòa để họ họp bàn, tìm cách đối phó với sự thật. Một sự thật mà họ không có cách nào chối cãi và đã được chứng kiến bởi hàng ngàn người. Họ phải công nhận sự thật nhưng họ muốn tìm cách bưng bít, che giấu sự thật để bảo vệ quyền lực, danh tiếng, và lợi ích của họ.

17 Nhưng để chẳng lan truyền thêm nhiều trong dân chúng, chúng ta hãy hăm dọa họ với lời hăm dọa rằng, từ nay, họ chớ nói với người nào trong danh ấy.

Phương cách thông dụng xưa nay của những kẻ muốn bắt ép lẽ thật vẫn là mua chuộc, hăm dọa, và diệt trừ những ai chúng không thể mua chuộc hoặc hăm dọa. Những kẻ cầm quyền cai trị dân I-sơ-ra-ên đã dùng lời dọa nạt để ngăn cản Phi-e-rơ, Giăng, và người què đã được chữa lành; không cho phép nói với ai rằng, người què đã được chữa lành trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Họ e sợ rằng, sự rao truyền về phép lạ quá lớn này do Đấng Christ thực hiện, sẽ khiến cho có nhiều người tin nhận Đấng Christ. Có nhiều người tin nhận Đấng Christ thì tội ác giao nộp Đấng Christ vào tay nhà cầm quyền La-mã của họ sẽ bị công chúng lên án, như chính lời của họ đã xác nhận trong Công Vụ Các Sứ Đồ 5:28.

18 Chúng gọi họ, ra lệnh cho họ, không được nói hay dạy gì trong danh của Đức Chúa Jesus.

Mệnh lệnh không được nói gì trong danh của Đức Chúa Jesus là không được nói người què đã được chữa lành trong danh của Đức Chúa Jesus, không được nói về sự sống lại của Ngài. Mệnh lệnh không được dạy gì trong danh của Đức Chúa Jesus là không được giảng dạy những gì Đức Chúa Jesus đã giảng dạy. Thánh Kinh không ghi lại nội dung lời hăm dọa của những kẻ cầm quyền nhưng dựa vào Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 5, thì biện pháp đối phó của họ là từ tìm cách giết chết cho đến đánh đòn.

19 Nhưng Phi-e-rơ và Giăng đã trả lời, nói với họ: Các ông hãy xét lấy, có phải nghe theo các ông hơn thay vì nghe theo Đức Chúa Trời là điều công chính trước mặt Đức Chúa Trời?

Phi-e-rơ và Giăng đã khảng khái đáp lại lời hăm dọa của những kẻ cầm quyền bằng một câu hỏi mà chính những kẻ ấy cũng phải ngấm ngầm nhận rằng, nghe theo họ là phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời.

Điều công chính là điều không nghịch lại các điều răn và ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý muốn, mệnh lệnh của những kẻ cầm quyền truyền cho Phi-e-rơ và Giăng là nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì thế, nếu nghe theo họ thay vì nghe theo Đức Chúa Trời thì sẽ phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời.

Chính những kẻ cầm quyền phải công nhận phép lạ chữa lành người què từ trong bụng mẹ đã hơn 40 tuổi là sự đến từ Đức Chúa Trời. Chính Phi-e-rơ và Giăng công bố phép lạ ấy được làm ra trong danh của Đức Chúa Jesus và Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài sống lại từ trong những kẻ chết. Vì thế, việc công bố phép lạ được làm ra trong danh của Đức Chúa Jesus, việc công bố sự sống lại của Đức Chúa Jesus, việc rao giảng những gì Đức Chúa Jesus đã giảng dạy là việc làm đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời. Còn việc nghe theo những kẻ cầm quyền, không nói, không dạy trong danh của Đức Chúa Jesus là điều không công chính trước mặt Đức Chúa Trời.

20 Vì chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe.

Phi-e-rơ và Giăng có ý nói rằng, hai ông đã tự mình thấy và nghe về mọi sự Đức Chúa Jesus giảng dạy; thấy và nghe về sự Đức Chúa Jesus bị đóng đinh đến chết trên thập tự giá và đã sống lại. Vì thế, hai ông phải công bố lẽ thật về Đức Chúa Jesus, rằng: Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống (Giăng 6:69). Ngài chính là Đấng Mê-si-a mà dân I-sơ-ra-ên đã trông đợi hàng ngàn năm qua.

Con dân chân thật của Chúa không thể không nói về ơn cứu rỗi mình đã nhận từ Đức Chúa Trời. Con dân chân thật của Chúa không thể không nói về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho những người chưa được cứu rỗi. Không một thế lực nào, không một sự hăm dọa nào có thể bịt miệng con dân Chúa. Vì họ không thể không nói về ơn cứu rỗi mầu nhiệm mà chính họ đã kinh nghiệm. Vì nói về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời là mệnh lệnh của Đấng Christ (Mác 16:15; Ma-thi-ơ 28:19-20).

21 Chúng lại hăm dọa, rồi đã thả họ, không tìm thấy cách nào để hình phạt họ; vì cớ dân chúng, bởi ai nấy đã tôn vinh Đức Chúa Trời về việc đã xảy ra.

22 Vì người mà phép lạ chữa lành ấy đã xảy ra cho là người đã hơn bốn mươi tuổi.

Có lẽ trong khi những kẻ cai trị của dân I-sơ-ra-ên đang tra xét và hăm dọa Phi-e-rơ, Giăng, cùng người què đã được chữa lành, thì từ bên ngoài Đền Thờ cho đến bên trong các hành lang của Đền Thờ, hàng ngàn người đã cùng nhau lan truyền về phép lạ và cùng nhau tôn vinh Đức Chúa Trời. Đối với họ, sự kiện người bị què từ trong lòng mẹ, hàng ngày vẫn ngồi ăn xin trước cửa Đền Thờ trong mấy chục năm qua, nay được chữa lành chỉ có thể là phép lạ đến từ Đức Chúa Trời. Và đó chính là lẽ thật.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/06/2021

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Yêu Tôi Nhiều Lắm”
https://karaokethanhca.net/ngai-yeu-toi-nhieu-lam/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.