Chú Giải I Cô-rinh-tô 09:01-27 Quyền Lợi và Sự Hy Sinh của Sứ Đồ Phao-lô Trong Chức Vụ

3,465 views


YouTube: https://youtu.be/kArCbiKooU0

Chú Giải I Cô-rinh-tô 9:1-27
Quyền Lợi và Sự Hy Sinh
của Sứ Đồ Phao-lô Trong Chức Vụ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 9:1-27

1 Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi chẳng phải được tự do sao? Tôi chẳng phải từng thấy Jesus Christ là Chúa của chúng ta sao? Các anh chị em chẳng phải là công việc của tôi trong Chúa sao?

2 Nếu tôi không phải là sứ đồ cho những người khác, thì tôi thật là sứ đồ cho các anh chị em. Vì ấn chứng chức vụ sứ đồ của tôi là các anh chị em ở trong Chúa.

3 Ấy là lời bênh vực của tôi đối với những kẻ phán xét tôi.

4 Chúng tôi không có quyền ăn và uống sao?

5 Chúng tôi không có quyền dẫn theo một người chị em là vợ cũng như các sứ đồ khác, như các em của Chúa, và như Sê-pha sao?

6 Hay chỉ tôi với Ba-na-ba không có quyền miễn làm việc?

7 Trước giờ, có ai đi lính mà tự trả lương? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái của nó? Hay có ai chăn bầy mà không dùng sữa của bầy?

8 Có phải tôi nói những điều ấy theo thói người ta quen nói? Hay luật pháp cũng chẳng nói như vậy sao?

9 Vì có chép trong luật pháp của Môi-se: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Có phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? [Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4]

10 Hay Ngài cũng nói câu đó về chúng tôi? Vì về chúng tôi mà có chép rằng: Ai cày ruộng phải cày bởi sự trông cậy; và ai đạp lúa bởi sự trông cậy thì dự phần trong sự trông cậy của mình.

11 Nếu chúng tôi đã gieo những sự thuộc linh cho các anh chị em thì có phải là một việc lớn nếu chúng tôi sẽ gặt từ các anh chị em những sự thuộc thể?

12 Nếu những người khác dự phần trong sự có quyền ấy trên các anh chị em thì chúng tôi chẳng xứng đáng hơn sao? Dù vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự kẻo chúng tôi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ.

13 Các anh chị em chẳng biết rằng, những ai làm việc thánh thì ăn những của dâng trong đền thờ; còn những ai hầu việc nơi bàn thờ thì được chia phần nơi bàn thờ sao?

14 Cũng vậy, Chúa đã định rằng, những ai rao giảng Tin Lành thì sẽ sống bởi Tin Lành. [Ma-thi-ơ 10:10]

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.

16 Vì nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có gì để khoe mình, vì sự cần thiết đặt trên tôi. Nhưng khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Lành.

17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì tôi có phần thưởng. Nhưng nếu tôi không vui lòng thì chức quản lý cũng vẫn được phó thác cho tôi.

18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Rằng, trong sự rao giảng Tin Lành, tôi giãi bày Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Tôi chẳng lạm dụng quyền của tôi trong Tin Lành.

19 Dù tôi là tự do đối với mọi người, nhưng tôi tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người, để cho tôi được nhiều người hơn.

20 Với những người Do-thái, tôi trở nên như một người Do-thái, để tôi được những người Do-thái. Với những người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như một người ở dưới luật pháp, để tôi được những người ở dưới luật pháp.

21 Với những người không luật pháp, tôi trở nên như một người không luật pháp, chẳng phải không luật pháp đối với Thiên Chúa nhưng hợp pháp đối với Đấng Christ, để tôi được những người không luật pháp.

22 Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối, để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người.

23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.

24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.

25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.

26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;

27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Ngoài Sứ Đồ Phao-lô, Thánh Kinh không ghi lại cách chi tiết mục vụ của các sứ đồ khác. Vì thế, chúng ta không có dữ kiện để so sánh sự hy sinh và gian khổ trong chức vụ giữa Phao-lô và các sứ đồ khác. Tuy nhiên, qua những lời tâm tình của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô đoạn 9 và II Cô-rinh-tô đoạn 11, chúng ta có thể hình dung ra, phần nào sự hy sinh và gian khổ trong chức vụ sứ đồ của ông. Chúng ta sẽ học về II Cô-rinh-tô đoạn 11 sau. Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau học về I Cô-rinh-tô đoạn 9.

1 Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi chẳng phải được tự do sao? Tôi chẳng phải từng thấy Jesus Christ là Chúa của chúng ta sao? Các anh chị em chẳng phải là công việc của tôi trong Chúa sao?

Mặc dù Sứ Đồ Phao-lô là người rao giảng Tin Lành tại Cô-rinh-tô và thành lập Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, nhưng sau khi ông rời khỏi đó, có một số giáo sư giả đã đến Cô-rinh-tô và bác bỏ thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô. Rất có thể, trong lá thư Hội Thánh tại Cô-rinh-tô gửi cho Phao-lô cũng có nhắc đến sự các giáo sư giả phủ nhận thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô, nên trong đoạn 9 này, ông đã khẳng định chức vụ sứ đồ của mình.

Bốn câu hỏi Phao-lô đặt ra trong câu 1 đều thuộc loại câu hỏi chờ đợi câu trả lời xác định; nghĩa là câu trả lời sẽ là: “Phải!”

Phao-lô thật sự là một sứ đồ của Chúa, vì chính Chúa đã gọi ông vào chức vụ sứ đồ. A-na-nia, người đặt tay trên Phao-lô, cầu nguyện cho ông được sáng mắt trở lại, là một chứng nhân cho sự Chúa kêu gọi Phao-lô vào chức vụ sứ đồ:

“Nhưng A-na-nia đáp lời: Lạy Chúa, tôi có nghe từ nhiều người về người này, biết bao điều dữ người đã làm cho những thánh đồ của Ngài tại Giê-ru-sa-lem. Ở đây, người có thẩm quyền từ các thầy tế lễ cả để bắt trói hết thảy mọi người kêu cầu danh Ngài. Nhưng Chúa phán với ông: Hãy đi, vì người là một đồ dùng được chọn cho Ta, để mang danh Ta trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:13-15).

Phao-lô là một người tự do về phương diện thuộc thể lẫn phương diện thuộc linh. Về thuộc thể, ông là công dân của đế quốc La-mã, hoàn toàn có sự tự do để lựa chọn lối sống và nghề nghiệp. Về thuộc linh, ông đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, là một môn đồ của Chúa, và đương nhiên dự phần trong sự rao giảng Tin Lành. Nói cách khác, ông hoàn toàn có tư cách được gọi làm sứ đồ của Chúa để biệt riêng cho sự rao giảng Tin Lành.

Có lẽ một số giáo sư giả thời ấy, cũng như một số “Thần học gia” chống Phao-lô thời nay, đã lý luận rằng, sứ đồ của Chúa phải là người được nhìn thấy Chúa, nhưng Phao-lô tin Chúa sau khi Chúa thăng thiên thì ông không thể là sứ đồ của Chúa. Tuy nhiên, thứ nhất: Chúa không hề đặt ra điều kiện một người phải nhìn thấy Chúa trước khi Chúa thăng thiên thì mới được làm sứ đồ của Chúa. Sứ đồ của Chúa là người được Chúa sai đi, thay Ngài, giảng Tin Lành cho muôn dân, thành lập các Hội Thánh địa phương. Sứ đồ là một trong các chức vụ trong Hội Thánh, vì thế, ngày nào Hội Thánh còn có mặt trên đất thì ngày ấy vẫn còn có chức vụ sứ đồ trong Hội Thánh. Thực tế, ngày nay bất cứ ai chuyên việc giảng Tin Lành, thành lập các Hội Thánh địa phương, thì người ấy là sứ đồ của Chúa. Thứ nhì: cho dù thấy Chúa là một trong các điều kiện để được làm sứ đồ thì Phao-lô cũng là người được thấy Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:17; 22:17-18; I Cô-rinh-tô 15:8).

Nhưng điều quan trọng hơn hết là thành quả trong chức vụ sứ đồ của Phao-lô, đó là Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Nếu Phao-lô không phải là sứ đồ của Chúa, là người đã trong danh Đấng Christ, rao giảng Tin Lành cho dân thành Cô-rinh-tô và thành lập Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, thì sứ đồ nào đã làm điều đó?

2 Nếu tôi không phải là sứ đồ cho những người khác, thì tôi thật là sứ đồ cho các anh chị em. Vì ấn chứng chức vụ sứ đồ của tôi là các anh chị em ở trong Chúa.

Chức vụ sứ đồ là một chức vụ trong Hội Thánh, mà Hội Thánh chỉ có một, cho nên, Phao-lô chẳng những là sứ đồ đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô mà ông còn là sứ đồ của Chúa đối với tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh, cho dù họ ở bất cứ địa phương nào, sống trong bất kỳ thời buổi nào. Lẽ thật này áp dụng cho tất cả các chức vụ trong Hội Thánh: sứ đồ, tiên tri, người giảng Tin Lành, người chăn và giảng dạy Lời Chúa, gọi chung là các trưởng lão; cùng với chức vụ chấp sự.

Câu nói của Phao-lô hàm ý, nếu có ai, vì thiếu hiểu biết, cho rằng, tôi không phải là sứ đồ đối với họ, vì họ tin Chúa không do sự giảng Tin Lành của tôi, thì tôi vẫn là sứ đồ của các anh chị em. Vì tôi là người giảng Tin Lành cho các anh chị em, khiến cho các anh chị em được trở thành các chi thể của Đấng Christ. Chính sự kiện các anh chị em ở trong Đấng Christ, thuộc về Hội Thánh là sự ấn chứng cho chức vụ sứ đồ của tôi.

3 Ấy là lời bênh vực của tôi đối với những kẻ phán xét tôi.

Động từ “phán xét” (G350) được dùng trong câu này có nghĩa là điều tra, xem xét, dò hỏi để kết luận về một sự việc.

Phao-lô dùng sự kiện con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được nghe ông giảng Tin Lành, trở thành các môn đồ của Chúa, hiệp thành Hội Thánh tại địa phương, làm câu trả lời cho bất cứ ai tra xét về chức vụ sứ đồ của ông.

4 Chúng tôi không có quyền ăn và uống sao?

Đại danh từ “chúng tôi” được dùng trong phân đoạn này bao gồm Phao-lô và Ba-na-ba, như câu 6 cho chúng ta thấy.

Quyền ăn và uống được nói đến ở đây là quyền được những người nghe giảng chu cấp các nhu cầu vật chất, như Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy và được ghi lại trong Lu-ca 10:7-8.

5 Chúng tôi không có quyền dẫn theo một người chị em là vợ cũng như các sứ đồ khác, như các em của Chúa, và như Sê-pha sao?

“Các em của Chúa” là các em trai cùng mẹ của Đức Chúa Jesus. Thánh Kinh dùng danh từ “các anh em ruột”, cho thấy, họ là những người em trai về phần xác của Đức Chúa Jesus, là các con của Giô-sép và Ma-ri. Vì thế, không có chuyện bà Ma-ri đồng trinh trọn đời như Giáo Hội Công Giáo giảng dạy.

“Sê-pha” là một tên khác của Sứ Đồ Phi-e-rơ, do Đức Chúa Jesus đặt cho ông (Giăng 1:42).

Phao-lô hàm ý, ông và Ba-na-ba cũng có đầy đủ quyền lợi của chức vụ sứ đồ như các sứ đồ khác, trong đó có các em của Chúa và Sứ Đồ Phi-e-rơ. Một trong các quyền lợi của sứ đồ là vợ của họ cũng được Hội Thánh tiếp đãi và chu cấp các nhu cầu vật chất, khi cùng đi với họ trong mục vụ.

6 Hay chỉ tôi với Ba-na-ba không có quyền miễn làm việc?

7 Trước giờ, có ai đi lính mà tự trả lương? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái của nó? Hay có ai chăn bầy mà không dùng sữa của bầy?

Phao-lô đưa ra một loạt các câu hỏi cắc cớ, mở đầu là: Có phải trong các sứ đồ thì Phao-lô và Ba-na-ba phải làm việc kiếm sống, không được Hội Thánh tiếp trợ? Nếu là vậy, thì vì sao mà Phao-lô và Ba-na-ba không được quyền nhận sự tiếp trợ của Hội Thánh?

Trong thực tế, Phao-lô làm nghề may trại để tự nuôi sống bản thân và các bạn đồng công của ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:3; 20:34). Ông không hề yêu cầu các Hội Thánh chu cấp để không thêm gánh nặng cho con dân Chúa. Trừ khi các Hội Thánh tự ý chu cấp cho ông thì ông tiếp nhận; hoặc khi cần thì ông kêu gọi các Hội Thánh giữa vòng các dân ngoại đóng góp để tiếp trợ cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trong cơn đói kém.

Phao-lô hỏi tiếp, có ai đi lính mà tự trả lương cho mình? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái của vườn nho do mình trồng? Có ai chăn bầy mà không dùng sữa của bầy? Đây là loại câu hỏi chờ đợi câu trả lời phủ định; nghĩa là câu trả lời sẽ là: “Không có!”

8 Có phải tôi nói những điều ấy theo thói người ta quen nói? Hay luật pháp cũng chẳng nói như vậy sao?

9 Vì có chép trong luật pháp của Môi-se: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Có phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? [Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4]

Những gì Phao-lô đưa ra về quyền lợi của các sứ đồ không phải chỉ là theo cách lý luận của người đời mà còn là theo luật pháp của Thiên Chúa.

Nếu luật pháp của Đức Chúa Trời do Môi-se ghi chép có điều luật lo cho bò, không cho phép người ta khớp miệng nó trong khi nó đạp lúa, để nó có thể ăn lúa trong khi lao động, thì Đức Chúa Trời lại không lo cho các sứ đồ của Chúa trong khi họ hầu việc Chúa sao? Có thể nào luật công bình áp dụng cho loài gia súc lại không áp dụng cho loài người?

10 Hay Ngài cũng nói câu đó về chúng tôi? Vì về chúng tôi mà có chép rằng: Ai cày ruộng phải cày bởi sự trông cậy; và ai đạp lúa bởi sự trông cậy thì dự phần trong sự trông cậy của mình.

Phao-lô hiểu rằng, điều luật về sự chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa là áp dụng chung cho mọi trường hợp lao động. Hễ có làm việc thì được hưởng thành quả của việc làm. Vì thế, nghĩa bóng của Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4 cũng được áp dụng cho Phao-lô và Ba-na-ba, trong sự họ lao động, rao giảng Tin Lành.

Động từ “cày ruộng” không chỉ riêng về sự cày xới đất, mà bao gồm mọi công việc làm ruộng, từ khi cày xới đất cho đến khi gieo giống, làm cỏ, chăm bón, và thu hoạch.

“Ai cày ruộng phải cày bởi sự trông cậy” có nghĩa là nông dân lao động trong sự mong đợi ngày thu hoạch nông sản. Nếu không có lòng mong đợi được thu hoạch những gì gieo trồng thì làm ruộng để làm gì? Chính vì mong đợi kết quả của việc làm mà người lao động sẽ lao động cách chăm chỉ và thực hiện những phương cách làm việc tốt nhất. Như trong trường hợp của nông dân thì sẽ cày thật kỹ, dọn sạch cỏ, chọn giống tốt, gieo giống thật đều, và siêng năng chăm bón ruộng thật tốt.

Động từ “đạp lúa” bao gồm các hành động làm cho hạt lúa rời thân cây lúa. Có thể là đập từng bó lúa vào trong một cái bồ đập lúa [1]; có thể là chất lúa trên sân cho trâu hoặc bò đi vòng quanh, đạp lên những bó lúa [2]. Thời nay, nông dân dùng các loại máy tuốt lúa [3] hoặc xe gặt và tuốt lúa [4]. Ở các quốc gia tiên tiến thì nông dân dùng các loại xe lớn hơn [5], [6].

“Ai đạp lúa bởi sự trông cậy sẽ dự phần trong sự trông cậy của mình” có nghĩa là người đạp lúa mong rằng, sự lao động của mình sẽ làm ra nhiều lúa và mình sẽ được chủ trả công bằng cách chia cho một số lúa. Còn nếu người đạp lúa lao động cho chính mình thì người ấy làm việc với lòng mong đợi số lúa được làm ra để mình có thể dùng nó.

Hai câu nói trên không được ghi lại ở nơi nào khác trong Thánh Kinh. Có lẽ Phao-lô có ý nói rằng, hai câu nói đó được ghi chép trong dân gian cũng được áp dụng cho ông và Ba-na-ba. Không chỉ chúng được áp dụng cho các sứ đồ mà còn được áp dụng cho các chức vụ khác trong Hội Thánh:

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý. Vì Thánh Kinh nói: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Người làm công thì đáng được tiền công của mình.” (I Ti-mô-thê 5:17-18).

Nói chung, ý nghĩa chính của hai câu nói là: ai lao động thì đáng được hưởng thành quả của sự lao động. Ý nghĩa đó đã được Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đúc kết như sau:

“Người cày ruộng đã khó nhọc thì phải là người trước nhất được thu hoa lợi.” (II Ti-mô-thê 2:6).

Xét về ý nghĩa thuộc linh, Hội Thánh là ruộng của Thiên Chúa; các trưởng lão của Hội Thánh, bao gồm: những sứ đồ, những tiên tri, những người giảng Tin Lành, những người chăn và giảng dạy Lời Chúa (Ê-phê-sô 4:11) đều là những nông dân thuộc linh, cùng làm việc với Thiên Chúa để đem lại kết quả lớn trong mùa thu hoạch:

“Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa. Các anh chị em là ruộng của Thiên Chúa, là nhà của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 3:9).

Tất cả những người chuyên tâm trong chức vụ giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh đáng được Hội Thánh chu cấp cho họ về mọi nhu cầu vật chất, như Đức Thánh Linh đã dạy:

“Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy của cải mình cho người dạy. [Được dạy về cách sống theo Lời của Chúa.]” (Ga-la-ti 6:6).

Tuy nhiên, những người giảng dạy Lời Chúa không nên đưa ra sự đòi hỏi, dù họ có quyền được Hội Thánh chu cấp những nhu cầu vật chất cho họ. Lời của Đức Chúa Trời đã dạy rõ bổn phận của con dân Chúa đối với những người giảng dạy Lời Chúa; Đấng Christ đang đi lại giữa Hội Thánh, lãnh đạo Hội Thánh; Đức Thánh Linh luôn tác động trong lòng mỗi con dân Chúa, giúp họ vừa muốn, vừa làm theo thánh ý của Đức Chúa Trời. Vì thế, nếu là Hội Thánh thật của Chúa thì Hội Thánh biết phải làm gì trong sự chu cấp cho những người giảng dạy Lời Chúa.

Có một điều chắc chắn là, ngay cả khi Hội Thánh không có khả năng về vật chất để chu cấp cho người giảng dạy Lời Chúa, thậm chí, có khi con dân Chúa còn không có khả năng tự nuôi mình, thì Đức Chúa Trời sẽ làm ra phép lạ để nuôi cả hai. Câu chuyện người đàn bà góa và Tiên Tri Ê-li được ghi lại trong I Các Vua đoạn 17 là bằng chứng rõ ràng. Điều quan trọng là cả tiên tri lẫn người đàn bà góa đều có đức tin nơi Thiên Chúa. Tiên tri thể hiện đức tin bằng sự công bố phép lạ Chúa sẽ làm. Người đàn bà góa thể hiện đức tin bằng sự sẵn sàng dùng một chút dầu và một chút bột cuối cùng, làm bánh, chia xẻ với tiên tri.

11 Nếu chúng tôi đã gieo những sự thuộc linh cho các anh chị em thì có phải là một việc lớn nếu chúng tôi sẽ gặt từ các anh chị em những sự thuộc thể?

Sự Phao-lô và Ba-na-ba giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô chính là sự gieo những hạt giống thiêng liêng trên đồng ruộng thiêng liêng của Thiên Chúa. Lời Chúa khiến cho đức tin phát sinh, lớn lên và kết quả trong những ai chịu tiếp nhận Lời Ngài. Ngụ ngôn về người gieo giống đã được Đức Chúa Jesus Christ dùng để minh họa về sự rao giảng Lời Chúa [7].

“Gặt từ các anh chị em những sự thuộc thể” có nghĩa là thu nhận sự chu cấp những nhu cầu vật chất từ con dân Chúa, như: chỗ ở, thức ăn, thức mặc, lộ phí…

Việc những người giảng dạy Lời Chúa thu nhận sự chu cấp những nhu cầu vật chất của họ từ con dân Chúa không phải là việc quá đáng. Đó là việc phải lẽ theo tiêu chuẩn và lời dạy của Chúa mà cũng phải lẽ theo tiêu chuẩn của thế gian.

12 Nếu những người khác dự phần trong sự có quyền ấy trên các anh chị em thì chúng tôi chẳng xứng đáng hơn sao? Dù vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự kẻo chúng tôi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ.

Những người khác dự phần trong sự có quyền nhận sự chu cấp những nhu cầu vật chất từ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có lẽ là những người giảng dạy Lời Chúa đang ở tại Cô-rinh-tô. Trong đó, có cả một số giáo sư giả, rao giảng tà giáo. Theo nghĩa rộng, hàm ý việc các viên chức của nhà cầm quyền thu thuế trên con dân Chúa.

So sánh với tất cả những người thu nhận vật chất từ con dân Chúa tại Cô-rinh-tô thì Phao-lô và Ba-na-ba là xứng đáng hơn hết, vì họ là hai người rao giảng Tin Lành cho dân Cô-rinh-tô và thành lập Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Dù vậy, Phao-lô và Ba-na-ba không hề đòi hỏi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô phải chu cấp cho họ. Hai ông đã chịu khó, chịu khổ trong mọi hoàn cảnh, và dành thời gian tự làm việc kiếm sống để không thêm gánh nặng cho họ. Thậm chí, Phao-lô đã nhận sự chu cấp từ các Hội Thánh địa phương khác, trong khi chăn dắt họ, như lời tâm sự của ông trong II Cô-rinh-tô 11:8.

“Kẻo chúng tôi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ” hàm ý, Phao-lô không muốn nhận sự chu cấp của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, và có lẽ tại bất cứ nơi nào, trong giai đoạn ông rao giảng Tin Lành và thành lập Hội Thánh. Ông làm như vậy vừa để không là gánh nặng cho những người mới tin Chúa, vừa để tránh gây sự hiểu lầm là ông rao giảng một thứ tôn giáo để kiếm sống, như trường hợp của các nhà diễn thuyết thời ấy. Đó là hai điều làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Lành của Đấng Christ. Khi các Hội Thánh tại địa phương đã được vững lập thì họ sẽ tự ý chu cấp cho Phao-lô, dự phần trong mục vụ của ông, như Hội Thánh tại Phi-líp (Phi-líp 4:15).

13 Các anh chị em chẳng biết rằng, những ai làm việc thánh thì ăn những của dâng trong đền thờ; còn những ai hầu việc nơi bàn thờ thì được chia phần nơi bàn thờ sao?

14 Cũng vậy, Chúa đã định rằng, những ai rao giảng Tin Lành thì sẽ sống bởi Tin Lành. [Ma-thi-ơ 10:9-10]

Trong thời Cựu Ước, con cháu của Lê-vi phục vụ Đền Thờ Thiên Chúa. Sự phục vụ của họ được gọi là làm việc thánh. Làm việc thánh có nghĩa là làm những việc phụng sự Thiên Chúa do Thiên Chúa giao phó. Họ được quyền ăn một phần trong một số của lễ được dâng trong đền thờ. Những người phục vụ trong chức vụ thầy tế lễ thì được chia phần các của lễ được dâng trên bàn thờ (Dân Số Ký 18; Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:1-8).

Trong thời Tân Ước, các trưởng lão trong Hội Thánh là những người phục vụ con dân Chúa, mà con dân Chúa là những Đền Thờ Thiên Chúa, nên các trưởng lão đáng được những con dân Chúa chu cấp những nhu cầu vật chất.

Riêng đối với những trưởng lão chuyên việc rao giảng Tin Lành thì họ sẽ được những người nghe họ giảng chu cấp cho họ, như lời Đức Chúa Jesus Christ đã phán:

“Đừng sở hữu vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong dây lưng của các ngươi; cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc những giày, hoặc những gậy. Vì người làm việc thì xứng đáng với thức ăn của người ấy.” (Ma-thi-ơ 10:9-10).

Việc người nghe giảng Tin Lành hoặc người nghe giảng dạy Lời Chúa chu cấp nhu cầu vật chất cho người rao giảng là một việc làm công bình vừa theo tiêu chuẩn của Chúa vừa theo tiêu chuẩn của thế gian.

“Chúa đã định” có nghĩa là Chúa đã sắp xếp, đã chỉ định, đã truyền dạy.

“Sống bởi Tin Lành” có nghĩa là có ăn, có mặc trong khi rao giảng Tin Lành từ những người nghe giảng. Không phải là làm giàu bởi sự giảng Tin Lành như một số người tự xưng nhận là người rao giảng Tin Lành ngày nay.

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.

Không riêng gì với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô mà trong suốt phần đời được làm sứ đồ của Phao-lô, ông không bao giờ đòi hỏi con dân Chúa ở bất cứ nơi nào chu cấp cho ông. Những sự chu cấp của con dân Chúa dành cho ông đều là do sự tự nguyện của con dân Chúa, vì họ hiểu biết Lời Chúa và nhận biết bổn phận của họ.

Sự khoe mình của Phao-lô là sự ông nhận lãnh Lời Chúa cách miễn phí thì ông cũng rao giảng cách miễn phí theo mệnh lệnh của Chúa (Ma-thi-ơ 10:8).

Danh từ “sự khoe mình” (G2754) được dùng trong câu này vừa có nghĩa là sự khoe khoang, vừa có nghĩa là sự vui mừng. Cả hai nghĩa đều thích hợp để hiểu câu nói của Phao-lô. Ông khoe về sự ông rao giảng Tin Lành đúng theo mệnh lệnh của Chúa và ông vui mừng trong sự làm theo mệnh lệnh của Chúa. Vì thế, ông không muốn có ai đó cất đi sự khoe mình trong Chúa của ông (I Cô-rinh-tô 1:31; II Cô-rinh-tô 10:17), lẫn sự vui mừng vâng phục Chúa của ông, nếu người ấy hiểu lầm rằng, ông rao giảng Tin Lành để kiếm sống. Ông thà chết còn hơn là để cho bị hiểu lầm như vậy.

16 Vì nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có gì để khoe mình, vì sự cần thiết đặt trên tôi. Nhưng khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Lành.

Sự khoe mình vì đã giảng Tin Lành theo mệnh lệnh của Chúa khác với sự khoe mình vì bất cứ một lý do nào khác. Vì ngoài sự làm theo mệnh lệnh của Chúa trong sự giảng Tin Lành thì không có điều gì khác để cho người rao giảng khoe mình. Nhiều người khoe mình về sự mình giảng Tin Lành có nhiều người tin nhận, như đó là kết quả từ sự hay và giỏi của mình. Lời Chúa dạy:

“Các ngươi cũng vậy, khi làm xong mọi việc đã truyền cho các ngươi thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô ích, đã làm xong điều chúng tôi phải làm.” (Lu-ca 17:10).

Biệt riêng mình để rao giảng Tin Lành cho muôn dân là bổn phận và trách nhiệm của mỗi sứ đồ, là sự cần thiết của chức vụ. Nếu không làm tròn thì sẽ bị Chúa trách phạt. Nếu làm tròn thì sẽ được Chúa khen là trung tín chứ không phải được khen là giảng hay, nói giỏi.

17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì tôi có phần thưởng. Nhưng nếu tôi không vui lòng thì chức quản lý cũng vẫn được phó thác cho tôi.

Bất cứ ai trung tín làm trọn những việc lành đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn và giao cho, thì người ấy sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng cho mỗi việc làm của mình, trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Trung tín làm việc là hết lòng, hết sức mà làm trong danh Chúa, làm theo Lời Chúa, với lòng vui mừng và trông cậy kết quả.

Cũng có những người làm việc mà không vui lòng, như trường hợp của Tiên Tri Giô-na. Trong truờng hợp đó, công việc vẫn phải hoàn thành nhưng người ấy sẽ không có phần thưởng.

“Chức quản lý” của Phao-lô là chức vụ quản lý những sự mầu nhiệm của Tin Lành để rao giảng cho muôn dân.

“Tuy nhiên, chúng tôi giảng sự khôn sáng giữa những người trọn vẹn. Nhưng chẳng phải sự khôn sáng của đời này, cũng không phải của những kẻ cai trị của đời này, là những sự vô ích. Nhưng chúng tôi giảng sự khôn sáng của Thiên Chúa trong sự mầu nhiệm. Là sự kín giấu mà Đức Chúa Trời đã định sẵn trước các thời đại cho sự vinh quang của chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 2:6-7).

“Tôi được làm người phục vụ cho Hội ấy bởi sự quản lý của Đức Chúa Trời, là điều ban cho tôi vì các anh chị em, để làm cho hoàn tất Lời của Đức Chúa Trời, tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời, các dòng dõi, mà nay được tỏ ra cho các thánh đồ của Ngài, là những người mà Đức Chúa Trời muốn cho biết sự giàu có vinh quang của sự mầu nhiệm đó ở giữa các dân ngoại là thế nào. Ấy là Đấng Christ trong các anh chị em, niềm hy vọng của sự vinh quang.” (Cô-lô-se 1:25-27).

Qua các lời tâm tình của Phao-lô, được ghi lại trong Thánh Kinh, chúng ta biết rằng, Phao-lô đã làm tròn thiên chức sứ đồ của mình. Phao-lô là tấm gương sáng cho Hội Thánh trong sự tận tụy hầu việc Chúa.

18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Rằng, trong sự rao giảng Tin Lành, tôi giãi bày Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Tôi chẳng lạm dụng quyền của tôi trong Tin Lành.

Phao-lô đang nói đến phần thưởng hiện tại, ngay trong đời này, lúc ông đang hầu việc Chúa trong chức vụ sứ đồ. Phần thưởng đó là sự vui mừng và sự có thể khoe mình trong Chúa, rằng, ông trung tín rao giảng Tin Lành đúng theo mệnh lệnh của Chúa, không dùng sự rao giảng Tin Lành để trục lợi cho bản thân hay vì bất cứ một mục đích nào khác hơn là phụng sự Chúa và cứu người.

Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa, biết bao nhiêu người đã dùng sự rao giảng Tin Lành, dùng sự giảng dạy Lời Chúa để trục lợi cho bản thân, cho gia đình, cho giáo phái; từ sự tìm kiếm danh tiếng, quyền lực, đến sự làm giàu về vật chất. Đó là chưa kể đến sự lạm dụng những người yếu đuối để phạm tà dâm.

19 Dù tôi là tự do đối với mọi người, nhưng tôi tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người, để cho tôi được nhiều người hơn.

Như đã đề cập trong câu 1, Phao-lô là một người tự do về phương diện thuộc thể lẫn phương diện thuộc linh. Nhưng ông đã đặt mình làm nô lệ cho mọi người để phục vụ họ trong sự đưa họ đến với lẽ thật của Tin Lành để họ được cứu rỗi.

“Tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người” là tình nguyện phục vụ mọi người trong thân phận của một nô lệ, không hề phân biệt ai hết. Dĩ nhiên, đây là nói về sự rao giảng Tin Lành để phục vụ cho quyền lợi thuộc linh cao nhất của mọi người. Nhưng chắc chắn, nếu nhu cầu thuộc thể phát sinh mà Phao-lô có thể đáp ứng thì ông cũng sẽ không ngần ngại phục vụ.

“Được nhiều người hơn” có nghĩa là đưa dắt được nhiều người đến với sự cứu rỗi của Chúa, qua sự rao giảng Tin Lành cho họ.

Đức Chúa Jesus Christ cũng là người phục vụ mọi người:

“Cũng vậy, Con Người đã đến, không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó mạng sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28).

Là con dân Chúa, chúng ta cũng hãy học theo gương của Đức Chúa Jesus Christ và Phao-lô, tự đặt mình làm người phục vụ cho anh chị em cùng Cha của mình. Nghĩa là hết lòng yêu thương, tôn trọng, cứu giúp, và sẵn sàng hy sinh cho anh chị em cùng Cha của mình để họ sớm đạt đến địa vị cao trọng mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho họ. Nếu mỗi người trong Hội Thánh cùng đối xử với nhau như vậy thì Hội Thánh sẽ được vững mạnh ngày càng hơn.

20 Với những người Do-thái, tôi trở nên như một người Do-thái, để tôi được những người Do-thái. Với những người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như một người ở dưới luật pháp, để tôi được những người ở dưới luật pháp.

“Trở nên như một người Do-thái” là vâng giữ các luật lệ, phong tục của dân Do-thái, miễn sao không nghịch lại Lời Chúa.

“Những người ở dưới luật pháp” hàm ý những người theo Do-thái Giáo, vâng giữ luật pháp thời Cựu Ước, còn gọi là Luật Pháp của Môi-se, vì là do Môi-se ghi chép lại.

“Trở nên như một người ở dưới luật pháp” là vâng giữ mọi hình thức của luật pháp Môi-se; như việc cắt bì, việc giữ các lễ hội thời Cựu Ước, việc kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước nhưng không vì lý do để được cứu rỗi.

21 Với những người không luật pháp, tôi trở nên như một người không luật pháp, chẳng phải không luật pháp đối với Thiên Chúa nhưng hợp pháp đối với Đấng Christ, để tôi được những người không luật pháp.

“Những người không luật pháp” là những người không sống theo Luật Pháp của Môi-se, hàm ý, những người thuộc các dân ngoại, không theo Do-thái Giáo.

“Trở nên như một người không luật pháp” là không thực hành mọi hình thức của luật pháp Môi-se; như việc cắt bì, việc giữ các lễ hội thời Cựu Ước, việc kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước. Không có nghĩa là không vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa, được Ngài ban cho luật pháp của Ngài trong thần trí của họ và ghi vào trong lòng của họ (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16) nên đối với Thiên Chúa, họ là những người có luật pháp. Một người vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời từ trong lòng cho đến hình thức bên ngoài là một người không vi phạm luật pháp của Thiên Chúa.

“Hợp pháp đối với Đấng Christ” có nghĩa là hoàn toàn vâng phục mọi sự dạy dỗ của Đấng Christ.

Tính từ “hợp pháp” (G1772) có nghĩa là bị ràng buộc bởi luật pháp. Luật pháp của Đấng Christ là luật pháp của tình yêu: yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người khác như chính mình.

“Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ yêu lẫn nhau; vì ai yêu người khác thì đã làm trọn luật pháp.” (Rô-ma 13:8).

“Tình yêu chẳng làm hại người lân cận. Vậy, tình yêu là sự làm trọn luật pháp.” (Rô-ma 13:10).

“Hãy mang lấy những gánh nặng cho nhau, vì như vậy, các anh chị em làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” (Ga-la-ti 6:2).

Con dân Chúa được tự do đối với Luật Pháp của Thiên Chúa vì trong Đấng Christ họ không còn bị luật pháp lên án phạt. Mọi tội lỗi của họ đã được Đấng Christ trả giá cho họ:

“Cho nên, hiện nay chẳng có án phạt cho những người ở trong Đấng Christ Jesus, là những người không bước theo xác thịt nhưng bước theo thần trí.” (Rô-ma 8:1).

Nhưng không có nghĩa là con dân Chúa tha hồ phạm các điều răn của Thiên Chúa. Vì người cố tình sống trong tội thì sẽ bị hư mất, như Lời Chúa đã nói rõ trong Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:25-31; và II Phi-e-rơ 2:20-22.

22 Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối, để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người.

Những người yếu đuối là những người mới tin Chúa, chưa có sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa, đức tin vẫn còn yếu kém.

“Trở nên như một người yếu đuối” là chấp nhận sự yếu đuối của người ấy trong khi giãi bày cho người ấy những lẽ thật của Thánh Kinh. Rô-ma đoạn 14 đã dạy chúng ta về cách thức cư xử với những anh chị em còn yếu đuối trong đức tin [8], [9].

“Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người” có nghĩa là hòa đồng với mọi người vì sự ích lợi cho mọi người, miễn sao không nghịch lại Lời Chúa.

“Để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người” có nghĩa là tận dụng mọi cách thức đẹp lòng Chúa, cho dù phải chịu khó khăn, thiệt hại để đem sự cứu rỗi đến cho những ai chịu tin nhận Tin Lành. Giá trị của một linh hồn loài người là lớn hơn cả thế gian, vì thế, không một sự hy sinh nào là lớn hơn sự cứu được linh hồn của một người.

23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.

“Điều này” là điều “trở nên mọi sự cho mọi người”.

“Làm bởi Tin Lành” là hành động bởi sự thôi thúc và bởi sức mạnh của Tin Lành.

“Người dự phần của Tin Lành” là người cùng với Tin Lành đem sự cứu rỗi đến cho nhiều người. Tin Lành là năng lực của Thiên Chúa để cứu những ai tin (Rô-ma 1:16), nhưng Tin Lành cần được rao giảng thì mới có người tin (Rô-ma 10:13-14). Vì thế, người rao giảng Tin Lành là người cùng dự phần trong sự cứu người của Tin Lành.

24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.

Trong mọi cuộc chạy đua vào thời của Phao-lô, chỉ có một giải thưởng dành cho người về nhất. Người về nhất phải là người chịu khổ công luyện tập và trong ngày thi đua phải gắng hết sức của mình. Phao-lô ví đời sống mới trong Chúa như là một cuộc chạy đua và ông mượn hình ảnh của người thắng cuộc chạy đua, làm thí dụ để khuyên con dân Chúa hãy sống một đời sống đắc thắng trong Chúa, bởi sự siêng năng và gắng sức sống theo Lời Chúa.

25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.

Động từ “giữ mình” được dùng trong câu này có nghĩa là tự kiềm chế trong sự ăn uống, trong sự quan hệ tình dục, tránh buông tuồng để chuẩn bị cho cuộc thi đua. Tất cả các lực sĩ chạy đua vào thời Phao-lô đều chịu khổ trong sự luyện tập chỉ để được sự vinh quang tạm thời khi thắng cuộc, được tặng cho một mão kết bằng hoa lá, chóng tàn úa. Con dân Chúa giữ mình trong nếp sống thánh khiết và đắc lực hầu việc Chúa để nhận được sự vinh quang đời đời và mão còn lại đời đời. Về các loại mão mà con dân Chúa sẽ nhận được, xin đọc hoặc nghe bài giảng Mão Triều Thiên [10].

26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;

Vì đời sống mới trong Đấng Christ được ví như một cuộc chạy đua nên nếp sống mỗi ngày của chúng ta như là những bước chạy đua. Phao-lô đã chạy cuộc đua của ông một cách chắc chắn có nghĩa là ông sống một đời sống trong Chúa với lòng tin chắc về sự đắc thắng của mình, với lòng trông cậy thành quả sự hầu việc Chúa của mình.

“Người đánh gió” là người đánh vào khoảng không, không đánh trúng mục tiêu.

Phao-lô cũng ví đời sống trong Chúa như đời sống của một người lính chiến và ông đã đánh trúng các mục tiêu, đạt được mục đích của cuộc chiến. Các mục tiêu của cuộc chiến thuộc linh trước hết là chiến thắng chính bản ngã của mình, khiến nó phải chết; kế tiếp là chiến thắng mọi mưu kế của ma quỷ; và sau cùng là hoàn thành mọi việc lành đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn cho mỗi con dân của Ngài (Cô-lô-se 3:5; Ê-phê-sô 6:11; 2:10). Để đắc thắng trong cuộc chiến thuộc linh, con dân Chúa phải giỏi chịu khổ, như Phao-lô đã từng khuyên Ti-mô-thê:

“Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

Hình ảnh của một người chạy đua và hình ảnh của một người lính chiến xung trận là hai hình ảnh sống động, giúp cho con dân Chúa hình dung ra nếp sống của người theo Chúa là một nếp sống của sự tích cực hành động để đạt đến những sự trọn lành, mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho con dân của Ngài.

27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Động từ “kỷ luật” có nghĩa đen là đánh đập làm cho bị thương; có nghĩa bóng là làm cho bị khó chịu, làm cho bị đuối sức. Phao-lô cho biết, ông đã đối xử nghiêm khắc với thân thể xác thịt của mình; mục đích là để dập tắt những sự ham muốn bất chính của nó và tập cho nó điều độ trong những sự ham muốn chính đáng. Vì nếu không, ông có thể buông tuồng theo những sự ham muốn của xác thịt, dù là bất chính hay chính đáng, mà phạm tội, rồi bị hư mất.

I Cô-rinh-tô 9:27 không phải chỉ là lời khuyên và lời cảnh cáo dành cho những người chuyên việc giảng dạy Lời Chúa, mà cũng là lời khuyên chung cho tất cả con dân Chúa. Nếu chúng ta không biết tự kỷ luật thân thể xác thịt của mình thì chúng ta có thể sẽ phạm tội, và bị Chúa loại bỏ khỏi Hội Thánh của Ngài.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/03/2020

Ghi Chú

[1] Bồ đập lúa: https://www.youtube.com/watch?v=w-yOYatGxdU

[2] Trâu đạp lúa: https://www.youtube.com/watch?v=_G8QmXv4QcU

[3] Máy tuốt lúa: https://www.youtube.com/watch?v=ltJszQSAaDc

[4] Xe gặt và tuốt lúa: https://www.youtube.com/watch?v=6auC_mHbcII

[5] Xe gặt và tuốt lúa lớn: https://www.youtube.com/watch?v=maiJyJ_1zu4

[6] Xe thu hoạch ngô: https://www.youtube.com/watch?v=jkNPjH6rRuI

[7] https://timhieutinlanh.com/nuoc-troi-01-su-rao-giang/

[8] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-14_1-12/

[9] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-14_13-23/

[10] https://timhieutinlanh.com/mao-trieu-thien/

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Ban Sự Sống”
https://karaokethanhca.net/ngai-ban-su-song/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu