Chú Giải I Cô-rinh-tô 11:17-34 Lễ Nghi Tiệc Thánh

3,007 views

 

YouTube: https://youtu.be/DjAMahCnb4A

Chú Giải I Cô-rinh-tô 11:17-34
Lễ Nghi Tiệc Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 11:17-34

17 Tôi truyền lời này, tôi chẳng khen, vì các anh chị em nhóm hiệp không vào trong sự tốt hơn mà vào trong sự tệ hơn.

18 Trước hết, khi các anh chị em nhóm hiệp trong Hội Thánh, thật, tôi nghe rằng, có sự phân rẽ trong các anh chị em. Tôi phần nào tin.

19 Vì phải có sự phe đảng trong các anh chị em, để cho những người đã được thử nghiệm, đã được tiếp nhận, được tỏ ra trong các anh chị em.

20 Vậy, khi các anh chị em nhóm hiệp tại một chỗ, chẳng phải để ăn bữa ăn tối của Chúa.

21 Vì trong sự ăn, mỗi người ăn trước người khác bữa ăn tối cho mình. Nên người thì thật chịu đói, còn kẻ thì say sưa.

22 Sao vậy? Các anh chị em chẳng có nhà để ăn và uống sao? Hay là các anh chị em khinh bỉ Hội Thánh của Đức Chúa Trời, làm cho những người không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói gì với các anh chị em? Có nên khen các anh chị em trong việc này? Tôi chẳng khen đâu.

23 Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi cũng đã trao cho các anh chị em. Ấy là Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã lấy bánh

24 và đã tạ ơn. Ngài đã bẻ ra và phán rằng: Các ngươi hãy nhận! Các ngươi hãy ăn! Đây là thân thể của Ta, vì các ngươi mà vỡ ra. Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta.

25 Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối, Ngài lấy chén và phán: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; các ngươi hãy làm điều này mỗi khi các ngươi uống, để nhớ đến Ta.

26 Nên mỗi lần các anh chị em ăn bánh này và các anh chị em uống chén này, các anh chị em hãy rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.

27 Vậy, ai ăn bánh này hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân thể và máu của Chúa.

28 Nhưng mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh ấy và uống chén ấy.

29 Vì người nào ăn và uống cách không xứng đáng, không phân biệt thân thể của Chúa, thì người ấy ăn và uống sự hình phạt cho mình.

30 Bởi cớ đó, trong các anh chị em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!

31 Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét.

32 Nhưng bởi những sự phán xét của Chúa mà chúng ta bị sửa phạt, để chúng ta không bị định tội với thế gian.

33 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Vậy thì, lúc các anh chị em nhóm hiệp để ăn, hãy chờ đợi nhau.

34 Nếu như có ai đói, người ấy hãy ăn ở nhà, để cho các anh chị em không nhóm hiệp vào trong sự hình phạt. Còn các việc khác, tôi sẽ sắp xếp sau khi tôi đến.

Lễ là sự tôn kính. Nghi là hình thức thể hiện. Lễ nghi là cách thức thể hiện lòng tôn kính đối với một ai đó hoặc đối với một sự kiện nào đó.

Trong Hội Thánh, con dân Chúa vâng giữ ba lễ. Một lễ do Đức Chúa Trời ban truyền và hai lễ do Đức Chúa Jesus Christ ban truyền. Lễ do Đức Chúa Trời ban truyền là Lễ Sa-bát, tức là lễ nghỉ lao động vào ngày Thứ Bảy để nhóm hiệp thờ phượng Chúa và thông công với nhau (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11; Lê-vi Ký 23:1-3; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:12-15; Hê-bơ-rơ 10:25). Hai lễ do Đức Chúa Jesus Christ ban truyền là Lễ Báp-tem và Lễ Tiệc Thánh. Quý ông bà anh chị em có thể đọc và nghe các bài giảng về Lễ Sa-bát, Lễ-Báp-tem, và Lễ Tiệc Thánh trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1], [2], [3].

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về lễ nghi Tiệc Thánh, như đã được ghi lại trong I Cô-rinh-tô 11:17-34.

17 Tôi truyền lời này, tôi chẳng khen, vì các anh chị em nhóm hiệp không vào trong sự tốt hơn mà vào trong sự tệ hơn.

Động từ “truyền” (G3853) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh vừa có nghĩa là thông báo một sự việc, vừa có nghĩa là ra lệnh hoặc giao trách nhiệm. Trong câu này, Phao-lô dùng nó với ý nghĩa là ông thông báo cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô sự nhận định và cảm xúc của ông, về việc xấu họ đã làm ra trong khi dự Tiệc Thánh.

Con dân Chúa nhóm hiệp trong danh Chúa là điều đáng khen, nhưng Phao-lô không khen con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về sự nhóm hiệp của họ. Vì sự nhóm hiệp của họ không phải là sự nhóm hiệp đem lại sự gây dựng mà là sự nhóm hiệp đem lại sự phân rẽ.

Giới từ “vào trong” được dùng trong câu này giúp cho chúng ta hình dung ra một cách sống động, về sự mỗi việc làm của con dân Chúa sẽ dẫn họ vào trong những hoàn cảnh như thế nào, đem họ vào trong những sự xấu hoặc tốt như thế nào. Chúng ta cần phải nhận thức rằng, mỗi việc làm của chúng ta sẽ khiến chúng ta bước vào trong một hoàn cảnh gây dựng và khích lệ, làm gương tốt cho mọi người; hay bước vào trong một hoàn cảnh đem lại sự thiệt hại cho chúng ta và những người chung quanh, làm gương xấu, làm cho danh Chúa bị chê cười giữa vòng những người không tin Chúa.

18 Trước hết, khi các anh chị em nhóm hiệp trong Hội Thánh, thật, tôi nghe rằng, có sự phân rẽ trong các anh chị em. Tôi phần nào tin.

19 Vì phải có sự phe đảng trong các anh chị em, để cho những người đã được thử nghiệm, đã được tiếp nhận, được tỏ ra trong các anh chị em.

Điều đầu tiên Phao-lô muốn nói là ông tin một phần nào những tin đồn mà ông nghe được, về sự phân rẽ trong những buổi nhóm hiệp của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Tin đồn có lẽ là do con dân Chúa ở các nơi khác có dịp ghé ngang Cô-rinh-tô và dự nhóm với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô; hoặc là do chính một số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Họ nhìn thấy sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô và họ đã thuật lại trong các Hội Thánh địa phương mà họ có dịp đi đến. Phao-lô tin phần nào tin đồn vì ông đã biết, trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có sự phe đảng (I Cô-rinh-tô 1-3). Và Phao-lô cũng biết rằng, Chúa cho phép những kẻ kiêu ngạo, những giáo sư giả gây ra sự phe đảng trong các Hội Thánh địa phương là để thử nghiệm con dân Chúa. Nhờ sự thử nghiệm ấy mà những con dân chân thật của Chúa được tỏ ra, được xác nhận. Những con dân chân thật của Chúa được gọi là những người đã được thử nghiệm với ý nghĩa, không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào mà họ không vượt qua. Vì thế, họ sẽ không theo phe đảng, không làm ra những việc nghịch lại Lời Chúa, nghịch lại tình yêu của Đấng Christ đang đổ đầy trong họ. Vì thế, họ được gọi là những người đã được tiếp nhận. Họ đã được tiếp nhận bởi Đức Chúa Trời như những con trai và con gái của Ngài, thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài. Họ đã được tiếp nhận bởi Đấng Christ như các chi thể của Ngài, hiệp một với Ngài. Họ đã được tiếp nhận bởi Đức Thánh Linh như những công cụ làm tôn vinh danh Chúa, đầy dẫy thánh linh của Ngài. Và họ đã được tiếp nhận bởi Hội Thánh như những anh chị em cùng Cha, cùng đức tin, cùng nhau phụng sự Chúa.

Phần Phao-lô chưa tin cho đến khi ông nhìn thấy hoặc được sự xác nhận của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là các chi tiết nghiêm trọng về sự hành xử sai trái của họ.

20 Vậy, khi các anh chị em nhóm hiệp tại một chỗ, chẳng phải để ăn bữa ăn tối của Chúa.

21 Vì trong sự ăn, mỗi người ăn trước người khác bữa ăn tối cho mình. Nên người thì thật chịu đói, còn kẻ thì say sưa.

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng, Hội Thánh vào thuở ban đầu có thói quen nhóm hiệp mỗi ngày tại nhà riêng của con dân Chúa và ăn tối chung với nhau (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:44-47). Thường thì Hội Thánh nhóm hiệp tại nhà của những người giàu để có đủ chỗ cho mọi người. Trong bữa ăn tối đó, họ cùng ăn bánh không men và uống nước nho để dự Tiệc Thánh, mà họ gọi là ăn bữa ăn tối của Chúa.

Thành Cô-rinh-tô là một thương cảng lớn nằm trên giao lộ thương buôn từ đông sang tây và là trạm trung chuyển hàng hóa cho những tàu buôn ở hai bên bờ bắc và nam của Địa Trung Hải. Trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có những người giàu, phần lớn là các chủ thương thuyền, chủ nhà kho, chủ nhà trọ, chủ các cửa hàng hoặc các ngân hàng. Một số khác trong Hội Thánh là những người bình dân, lao động, làm thuê, làm mướn. Những người giàu thường đến dự nhóm sớm và ăn uống quá độ, không chừa thức ăn cho những người đến sau. Khi những người bình dân, lao động tan ca, xong việc, đến dự nhóm thì thức ăn không còn đủ cho họ ăn.

Mặc dù Tiệc Thánh là bánh không men và nước nho, nhưng trong bữa ăn thường ngày thì vẫn có đủ các loại thức ăn, kể cả bánh có men và các thứ rượu. Thức ăn trong những bữa ăn chung thường là do những người giàu có bỏ tiền ra mua hoặc từ nhà mang đến. Chính vì thế mà họ tự cho họ có quyền ăn uống thoải mái, không kể đến những người nghèo không thể tự đóng góp. Trong khi lý do ăn chung của Hội Thánh lúc ban đầu là để những người nghèo trong Hội Thánh không bị đói.

22 Sao vậy? Các anh chị em chẳng có nhà để ăn và uống sao? Hay là các anh chị em khinh bỉ Hội Thánh của Đức Chúa Trời, làm cho những người không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói gì với các anh chị em? Có nên khen các anh chị em trong việc này? Tôi chẳng khen đâu.

“Sao vậy?” Có nghĩa là tại sao các anh chị em lại hành xử như vậy? Nếu mục đích của bữa ăn là để thỏa mãn cho riêng mình thì mỗi người đều có nhà riêng để ăn uống tùy ý. Sao lại làm như vậy trong buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, khiến cho những con dân Chúa nghèo khó về vật chất phải tủi nhục? Hành xử như vậy chính là khinh bỉ Hội Thánh của Chúa, xúc phạm các chi thể trong thân thể của Chúa; đáng bị quở trách nặng.

23 Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi cũng đã trao cho các anh chị em. Ấy là Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã lấy bánh

24 và đã tạ ơn. Ngài đã bẻ ra và phán rằng: Các ngươi hãy nhận! Các ngươi hãy ăn! Đây là thân thể của Ta, vì các ngươi mà vỡ ra. Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, động từ “trao” và động từ “bị nộp” trong câu 23 đều cùng là một chữ (G3860). Với chủ động cách nó có nghĩa là trao tận tay để giữ gìn, để sử dụng, để thi hành, để chăm sóc, hoặc để quản lý, như Phao-lô trao lại cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô lễ nghi Tiệc Thánh mà ông đã trực tiếp nhận từ Đấng Christ. Với thụ động cách nó có nghĩa là bị giao nộp để bị xét xử, để bị giam giữ, để bị tra tấn, để bị xử chết; hoặc là bị giao nộp vào tay kẻ thù vì bị phản bội. Trong trường hợp của Đức Chúa Jesus Christ thì Ngài bị một trong các sứ đồ của Ngài phản bội Ngài, giao nộp Ngài cho những kẻ thù ghét Ngài.

Phao-lô khẳng định là ông nhận từ nơi Chúa lễ nghi Tiệc Thánh và ông đã đích thân trao lại cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô để họ thi hành. Chi tiết này một lần nữa cho chúng ta thấy, Phao-lô nhận Tin Lành trực tiếp từ Đấng Christ chứ không qua một sứ đồ nào hay một ai khác. Phao-lô đã quả quyết trong thư gửi cho Hội Thánh tại Ga-la-ti:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố với các anh chị em rằng, Tin Lành đã được tôi giảng, chẳng phải bởi loài người; vì tôi không nhận và cũng không học nó bởi một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ.” (Ga-la-ti 1:11-12).

Thế mà ngày nay, có một số người tự xưng là Thần học gia lại hoàn toàn phủ nhận Tin Lành do Phao-lô rao giảng. Họ cho rằng, Phao-lô là sứ đồ giả và giáo sư giả. Họ cho rằng, Tin Lành mà Phao-lô rao giảng không cùng là một Tin Lành của Đấng Christ. Họ không cần biết rằng, chính Sứ Đồ Phi-e-rơ đã bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đứng lên giữa cuộc hội nghị của các sứ đồ và các trưởng lão tại thành Giê-ru-sa-lem, công nhận Tin Lành mà Phao-lô rao giảng (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:7-11).

Từ đầu thế kỷ 20, bắt đầu với phong trào nói tiếng lạ, đặt tay té ngã; rồi đến phong trào không công nhận Thánh Kinh là Lời Chúa, phong trào không công nhận Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, phong trào không công nhận Sứ Đồ Phao-lô, phong trào thờ lạy “Đức Chúa Trời Mẹ”, phong trào “Cội Nguồn Hê-bơ-rơ”… Sa-tan và các quỷ sứ của nó đang tận lực đánh phá Hội Thánh, lừa gạt loài người trong những ngày cuối cùng. Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa! Hội Thánh có Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, có sự chăn dắt của Đấng Christ, có sự soi dẫn của Đức Thánh Linh nên các cửa của âm phủ, tức các quyền lực của sự chết, của sự tối tăm, của những sự ác, sẽ không thắng được Hội Thánh. Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa! Ngày vinh quang của Hội Thánh đã rất gần!

Dù Phao-lô không có mặt bên cạnh Đức Chúa Jesus Christ trong đêm Ngài bị Giu-đa Ích-ca-ri-ốt giao nộp cho thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão của dân Do-thái; nhưng qua sự mạc khải từ Đấng Christ, thì ông biết rõ diễn tiến của buổi Tiệc Thánh đầu tiên.

So sánh I Cô-rinh-tô 11:23-24 với Ma-thi-ơ 26:26 và Mác 14:22 chúng ta biết, trong bữa ăn tối kỷ niệm Lễ Vượt Qua thì Đức Chúa Jesus Christ đã lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra, trao cho các môn đồ. Như vậy, Đức Chúa Jesus Christ đã biến bữa ăn tối trong đêm Lễ Vượt Qua thành Tiệc Thánh. Bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua là bữa ăn sau khi mặt trời lặn của ngày 13, bước vào ngày 14 Tháng Nissan, tức Tháng Một, theo lịch Đức Chúa Trời ban cho dân I-sơ-ra-ên. Một ngày theo Thánh Kinh bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại cho đến khi mặt trời lặn của ngày kế tiếp. Vì thế, một ngày mới bắt đầu với buổi tối, qua một buổi đêm, qua một buổi ngày, và kết thúc vào cuối buổi chiều. Buổi chiều là khoảng thời gian bốn tiếng đồng hồ liền trước khi mặt trời lặn (khoảng 2 đến 6 giờ chiều). Buổi tối là khoảng thời gian bốn tiếng đồng hồ liền sau khi mặt trời lặn (khoảng 6 giờ chiều đến 10 giờ tối), còn gọi là canh một.

Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6, chiên con của Lễ Vượt Qua phải được giết sau khi mặt trời lặn kết thúc ngày 13 và bước vào buổi tối của ngày 14. Rồi ngay trong buổi tối của ngày 14 thì dân I-sơ-ra-ên ăn bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua. Có lẽ bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua bắt đầu vào khoảng 7 giờ tối của ngày 14. Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ của Ngài đã ăn bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua vào đúng buổi tối của ngày 14, trước khi Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự vào khoảng 9 giờ sáng của ngày 14. Còn dân I-sơ-ra-ên thời ấy thì giết chiên con của Lễ Vượt Qua vào buổi chiều của ngày 14 và ăn bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua vào buổi tối của ngày 15 (Giăng 18:28). Ngày nay, dân I-sơ-ra-ên cũng vẫn ăn bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua vào buổi tối của ngày 15. Nói cách khác, từ trước thời của Đức Chúa Jesus thì dân I-sơ-ra-ên đã giữ Lễ Vượt Qua không đúng theo thời điểm Đức Chúa Trời đã quy định. Điều này có thể xảy ra trong khoảng thời gian chừng 400 năm Đức Chúa Trời im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên. Đó là khoảng thời gian từ khi Tiên Tri Ma-la-chi qua đời cho đến khi Giăng Báp-tít xuất hiện.

Danh từ “Tiệc Thánh” trong tiếng Việt cũng như danh từ “Bữa Ăn Tối của Chúa” hoặc danh từ “Sự Thông Công Thánh” trong tiếng Anh (“The Lord’s Supper” và “The Holy Communion”) không có trong Thánh Kinh. Đức Chúa Jesus Christ chỉ nói một cách đơn giản: “Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta.”

Bánh tiêu biểu cho thân thể xác thịt của loài người và sự sống thuộc thể. Bánh không men tiêu biểu cho đời sống vô tội, vì men được Thánh Kinh dùng làm tiêu biểu cho tội lỗi (Lu-ca 12:1; I Cô-rinh-tô 5:6-8; Ga-la-ti 5:9). Chúa đã ví tấm bánh không men được Ngài bẻ ra như thân thể xác thịt của Ngài sẽ bị đánh đập và bị đóng đinh trên thập tự giá để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người. Bánh không men cũng tiêu biểu cho đời sống mới thánh khiết trong Chúa của những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Sự kiện miếng bánh không men được Chúa bẻ ra, phát cho các môn đồ, tiêu biểu cho sự Ngài tự hy sinh thân thể của mình để chuộc tội cho nhiều người. Thân thể của Ngài phải bị roi đòn, máu chảy thịt rơi, gai đâm, rồi chịu bị đóng đinh vào thập tự giá, chịu bị giáo đâm ngang hông. Sự kiện các môn đồ nhận và ăn mẩu bánh không men từ tay Chúa tiêu biểu cho sự họ tiếp nhận bản thể của Chúa vào trong bản thể của họ, trở nên một với Ngài, và được thánh hóa bởi bản tính thánh khiết của Ngài.

Đức Chúa Jesus Christ muốn những người tin nhận Ngài ăn bánh không men để nhớ đến Ngài là nhớ đến sự Ngài phải chịu khổ và chịu chết để cứu chuộc họ. Nhờ đó, họ sẽ nhớ đến cái giá phải trả cho sự phạm tội và tình yêu của Ngài đối với họ, để họ vững vàng càng hơn trong đức tin và mạnh mẽ càng hơn trong sự chống lại mọi cám dỗ của tội lỗi.

25 Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối, Ngài lấy chén và phán: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; các ngươi hãy làm điều này mỗi khi các ngươi uống, để nhớ đến Ta.

“Cũng một thể ấy” là cùng một cách mà Đức Chúa Jesus Christ đã làm, như khi Ngài lấy bánh không men, bẻ ra và trao cho các môn đồ.

Lu-ca 22:20 cho biết, khi bữa ăn kết thúc thì Đức Chúa Jesus Christ đã lấy chén trao cho các môn đồ. Chén là vật dụng đựng thức uống vào thời bấy giờ. Thức uống trong bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua là nước nho, tức chất nước được ép ra từ những trái nho, không phải là rượu nho. Trong cả ba sách Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca đều ghi rõ là “uống từ trái nho”, tức nước nho (Ma-thi-ơ 26:29; Mác 14:25; Lu-ca 22:18). Rượu nho là nước nho để cho lên men. Trong ngày Lễ Vượt Qua và trong bảy ngày của Lễ Bánh Không Men theo sau, dân I-sơ-ra-ên không ăn uống thức gì có chất men. Men cũng phải được đem ra khỏi nhà của họ. Chất men được tiêu biểu cho tội lỗi nên rượu nho hay nước nho đã lên men không thể tiêu biểu cho máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ.

Thánh Kinh Tân Ước khi nói đến rượu thì dùng danh từ rượu (G3631). Mác 15:23 ghi lại sự kiện quân lính cho Đức Chúa Jesus Christ uống rượu pha với một dược nhưng Ngài đã từ chối, không uống. Giăng 4:46 nhắc lại sự kiện Đức Chúa Jesus đã biến nước thành rượu trong một tiệc cưới tại thành Ca-na. Còn nhiều nơi khác trong Tân Ước, khi nói đến rượu đều dùng danh từ rượu (G3631); nhưng danh từ rượu không hề được nhắc đến trong bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua.

“Giao ước mới”, tức Tân Ước, được lập ra trên đồi Gô-gô-tha, là giao ước thay thế cho giao ước đã được lập ra tại núi Si-na-i, khi Mười Điều Răn được ban hành. Từ khi giao ước mới được lập ra thì giao ước được lập ra tại núi Si-na-i trở thành giao ước cũ, còn gọi là Cựu Ước.

Thánh Kinh được chia thành hai phần, gọi là phần Cựu Ước và phần Tân Ước. Phần Cựu Ước bao gồm 39 sách, được viết ra trong khoảng thời gian chừng 1.000 năm, sau khi giao ước cũ được thành lập. Phần Tân Ước bao gồm 27 sách, được viết ra trong khoảng thời gian chừng 50 năm, sau khi giao ước mới được thành lập.

Tân Ước thay thế Cựu Ước nhưng không hủy bỏ Cựu Ước. Trái lại, Tân Ước bao gồm cả Cựu Ước và thêm vào các điều khoản giúp những đòi hỏi về luật pháp trong Cựu Ước được đáp ứng cách trọn vẹn mà vẫn cứu được loài người ra khỏi hậu quả của tội lỗi.

Cựu Ước đòi hỏi những ai vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thì phải bị xử chết. Tân Ước vẫn giữ nguyên các điều khoản của Cựu Ước nhưng thêm vào điều khoản cho phép những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội, và được Đức Thánh Linh ban cho thánh linh để sống một đời sống mới thánh khiết trong Đức Chúa Jesus Christ.

Tân Ước khiến cho sự dâng tế lễ chuộc tội một cách tiêu biểu qua sự dâng mạng sống của các con thú trở thành hiện thực, qua sự Đấng Christ dâng chính thân thể của Ngài trên thập tự giá, làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Từ đó, chấm dứt mọi nghi thức dâng sinh tế chuộc tội. Tân Ước khiến cho sự con dân Chúa dâng của lễ hằng hiến bằng mạng sống của những con chiên trở thành hiện thực, qua sự con dân Chúa dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời. Tân Ước khiến cho sự con dân Chúa dâng các của lễ tạ ơn trở thành hiện thực, qua sự tôn vinh Chúa, rao truyền danh Chúa, và làm các việc lành trong danh của Ngài. Tân Ước cũng khiến cho Đức Chúa Jesus Christ trở thành thầy tế lễ thượng phẩm và mỗi con dân Chúa là thầy tế lễ phụng sự Đức Chúa Trời.

Các điều luật về nghi thức thờ phượng Chúa, về chức vụ thầy tế lễ, và các hình phạt tử hình vì vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước đã được thay thế bằng các nghi thức và sự tha thứ trong Tân Ước. Nhưng Mười Điều Răn thì không hề thay đổi, không hề bị xóa bỏ. Vì Mười Điều Răn là nền tảng mọi luật pháp của Thiên Chúa. Bất cứ sự vi phạm điều răn nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời trong thời Tân Ước cũng đều là phạm tội. Khi Đức Chúa Jesus Christ chữa lành cho một người bị bệnh đã 38 năm và khi Ngài tha thứ cho một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, thì Ngài đã phán: “Đừng phạm tội nữa!” (Giăng 5:14; 8:11). Lời phán ấy của Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là: đừng trở lại phạm bất cứ điều răn nào trong Mười Điều Răn. Loài người bị kể là có tội khi phạm Mười Điều Răn. Vậy, đừng phạm tội nữa có nghĩa là đừng tái phạm Mười Điều Răn; trong đó có điều răn phải tôn thánh ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát đã được Đức Chúa Trời ban phước và làm cho nên thánh từ khi sáng thế (Sáng Thế Ký 2:3).

Tân Ước được gọi là giao ước mới trong máu của Đức Chúa Jesus Christ là vì giao ước ấy được lập ra bởi sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Điều luật mới trong giao ước mới là: Bởi sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ mà loài người được tha tội, nếu họ thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Con dân Chúa uống chén nước nho tiêu biểu cho sự họ tiếp nhận sự sống thánh khiết của Đấng Christ vào trong bản thể của họ, làm cho họ được sống lại và được rửa sạch bản tính tội lỗi của họ. Đức Chúa Jesus Christ muốn con dân Chúa uống chén nước nho trong danh Chúa để họ nhớ đến sự Ngài đã đổ máu, cứu chuộc họ từ trong sự chết đời đời; và để họ nhớ đến giá trị cao quý tuyệt đối của sự sống mới từ Thiên Chúa đang tuôn chảy trong họ mà hết lòng sống thánh khiết theo Lời Chúa.

26 Nên mỗi lần các anh chị em ăn bánh này và các anh chị em uống chén này, các anh chị em hãy rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.

“Ăn bánh này và uống chén này” là ăn bánh không men và uống nước nho với ý thức là nhớ đến sự hy sinh của Đấng Christ, tức là dự Tiệc Thánh. Thánh Kinh không quy định khi nào thì con dân Chúa dự Tiệc Thánh, mặc dù Hội Thánh ban đầu dự Tiệc Thánh vào mỗi bữa ăn tối chung của Hội Thánh. Điểm chính yếu là con dân Chúa dự Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa. Tại nhà riêng, con dân Chúa có thể dự Tiệc Thánh vào mỗi bữa ăn tối của gia đình. Còn trong mỗi buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, dù không cùng ăn bữa tối với nhau, con dân Chúa cũng nên dự Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa.

Động từ “rao” (G2605) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là công bố, tức là thông báo trước công chúng. Rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến mỗi khi dự Tiệc Thánh có nghĩa là nhắc lại sự chết của Chúa trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người. Nghĩa rộng hơn là mỗi khi nhớ đến Chúa thì rao giảng Tin Lành cho tới lúc Chúa đến. Rao giảng Tin Lành là khiến cho sự chết của Chúa được kết quả càng hơn. Cho dù sự rao giảng Tin Lành của chúng ta có thể nhiều lúc không khiến cho những người nghe tin nhận Tin Lành, nhưng sự rao giảng của chúng ta chính là sự tôn vinh Đấng Christ, công bố lẽ thật về tình yêu và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người. Sự rao giảng Tin Lành của chúng ta cũng chính là sự chúng ta thể hiện tình yêu của mình đối với những người chưa được cứu.

Ngày nay, có nhiều con dân Chúa suốt một thời gian dài không hề rao sự chết của Chúa, không hề giảng Tin Lành cho ai. Ngày nay, với phương tiện truyền thông mạng, việc rao giảng Tin Lành đã trở nên rất dễ dàng. Ai cũng có thể tạo ra các trang mạng xã hội như Facebook, và dùng đó làm phương tiện rao giảng Tin Lành. Điều đáng buồn là có rất nhiều người xưng nhận mình là con dân Chúa nhưng lại dùng các trang mạng xã hội để “rao” những chuyện của thế gian thay vì rao giảng Tin Lành. Nhiều người dùng trang mạng xã hội của mình quảng cáo cho các giáo hội và những sự giảng dạy tà giáo của họ. Những người ấy dường như không ghi nhớ Lời Chúa dạy về mục đích mỗi việc làm của con dân Chúa, hoặc họ không có thần trí để nhận biết đâu là lẽ thật của Lời Chúa và đâu là tà giáo.

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

“Hỡi các con yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần trí, nhưng hãy thử cho biết các đấng thần linh có phải thuộc về Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã vào trong thế gian.” (I Giăng 4:1).

Nếu ai đọc hoặc nghe một bài viết, một bài giảng mà không đối chiếu với Lời Chúa để xem có hoàn toàn đúng Lời Chúa hay không, lại vội vàng chia sẻ với người khác, thì người ấy đã tắc trách. Trong trường hợp bài viết hoặc bài giảng ấy không đúng với Lời Chúa thì người giúp phổ biến bài ấy có cùng trách nhiệm với tác giả. Xin đọc bài: “Trách Nhiệm của Con Dân Chúa Khi Phổ Biến Hoặc Không Phổ Biến Một Bài Giảng” trên khu mạng timhieutinlanh.com [4].

27 Vậy, ai ăn bánh này hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân thể và máu của Chúa.

“Ăn bánh này hoặc uống chén của Chúa” là dự phần về bản thể và sự sống của Đấng Christ. Vì thế, người dự Tiệc Thánh mà vẫn đang sống trong tội hoặc đã phạm tội mà chưa ăn năn, chưa xưng tội với Chúa thì người ấy dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng. Người dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng còn là người không rao truyền sự chết của Chúa, tức không rao giảng Tin Lành. Những người dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng đều là những người mắc tội với thân thể và máu của Chúa. Trong trường hợp của những người vẫn sống trong tội hoặc có tội mà không ăn năn, không xưng tội thì họ đã như giày đạp Chúa:

“Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.” (Hê-bơ-rơ 10:29).

Trong trường hợp của những người không rao giảng Tin Lành thì họ đã không vâng phục Chúa, không biết ơn Chúa, không tôn vinh thân thể và máu của Chúa đã hy sinh để cứu chuộc họ.

28 Nhưng mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh ấy và uống chén ấy.

“Mỗi người phải tự xét lấy mình” là việc con dân Chúa cần làm trước khi dự Tiệc Thánh. Tự xét lấy mình là tự mình xem xét chính mình, xem mình có đang sống trong tội hay không? Có lỡ phạm tội nào đó mà chưa ăn năn, chưa xưng tội với Chúa hay không? Xét xem mình có quyết tâm rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến hay không?

Trong các buổi Tiệc Thánh của Hội Thánh, chúng ta vẫn thường dành ra một phút để mọi người có cơ hội tự xét mình. Dĩ nhiên, trước khi dự nhóm mọi người đã cầu nguyện với Chúa và xét mình trước Chúa. Nhưng một phút yên lặng để mọi người xét mình lần chót trước khi dự Tiệc Thánh là cơ hội dành cho những ai vừa lỡ phạm tội trong khoảng thời gian từ lúc cầu nguyện trước đó cho tới lúc chuẩn bị dự Tiệc Thánh; hoặc cho những ai đến thời điểm đó vẫn cứng lòng, chưa chịu ăn năn, xưng tội đã phạm.

29 Vì người nào ăn và uống cách không xứng đáng, không phân biệt thân thể của Chúa, thì người ấy ăn và uống sự hình phạt cho mình.

Một người ăn bánh không men và uống nước nho qua lễ nghi Tiệc Thánh là để nhớ đến sự hy sinh của Chúa trong sự cứu chuộc mình và để nhắc mình phải rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Đồng thời cũng là vâng theo lời phán truyền của Chúa về việc dự Tiệc Thánh để nhớ Chúa. Vì thế, người nào đang sống trong tội hoặc phạm tội mà chưa ăn năn, chưa xưng tội, hoặc không rao truyền sự chết của Chúa, thì người ấy tự nhận lấy hình phạt vào trong thân thể của mình về tội xem thường Chúa.

30 Bởi cớ đó, trong các anh chị em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!

“Bởi cớ đó” là bởi sự dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng. Những người dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng thì tự nhận lãnh hình phạt vào trong thân thể của họ về tội xem thường thân và máu của Chúa nên thân thể xác thịt của họ trở nên yếu đuối, dễ nhiễm bệnh, và nhiều người bị chết.

Động từ “ngủ” được Thánh Kinh dùng để chỉ về sự chết của thân thể xác thịt, khi thân thể thiêng liêng, là tâm thần, và bản ngã, là linh hồn, rời khỏi nó.

31 Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét.

Tự xét mình để kịp thời ăn năn tội và xưng tội với Chúa; tự xét mình để sốt sắng rao truyền sự chết của Chúa, giúp cho chúng ta không bị Chúa phán xét khi chúng ta dự Tiệc Thánh.

Một số người cũng tự xét mình và thấy mình phạm tội, nhất là tội giận ghét anh chị em cùng Cha, nhưng họ cứng lòng, không chịu ăn năn. Họ thà không dự Tiệc Thánh chứ không chịu ăn năn tội và xưng tội với Chúa để được Chúa tha tội và có thể dự Tiệc Thánh. Họ đã xem cái “tôi” của họ lớn hơn Chúa. Họ đã tự biến mình thành Đức Chúa Trời của chính mình. Họ đã bỏ qua lời Đức Thánh Linh kêu gọi họ ăn năn. Đến một lúc, lòng họ sẽ bị chai lì và họ không thể ăn năn. Họ sẽ bị hư mất đời đời vì lòng kiêu ngạo và lòng tự ái không đúng của họ.

32 Nhưng bởi những sự phán xét của Chúa mà chúng ta bị sửa phạt, để chúng ta không bị định tội với thế gian.

Nhưng nếu chúng ta không tự xét mình mà dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng, thì Chúa sẽ phán xét chúng ta và sửa phạt chúng ta. Sự sửa phạt của Chúa là để chúng ta sớm thức tỉnh mà ăn năn tội và xưng tội với Chúa. Nhờ đó, chúng ta được Chúa tha tội và không bị Chúa định tội như những người không tin nhận Chúa. Nếu Chúa sửa phạt mà chúng ta vẫn không ăn năn thì chúng ta sẽ bị hư mất như những người thuộc về thế gian.

33 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Vậy thì, lúc các anh chị em nhóm hiệp để ăn, hãy chờ đợi nhau.

34 Nếu như có ai đói, người ấy hãy ăn ở nhà, để cho các anh chị em không nhóm hiệp vào trong sự hình phạt. Còn các việc khác, tôi sẽ sắp xếp sau khi tôi đến.

Mặc dù ngày nay Hội Thánh ít khi có dịp kết hợp buổi ăn tối với Tiệc Thánh nhưng Hội Thánh vẫn có những bữa ăn chung. Trong bữa ăn chung của Hội Thánh, mọi người nên chờ đợi nhau và chia đều thức ăn cho nhau. Không nên dành riêng những thức ăn ngon nhất và đặc biệt cho hàng trưởng lão. Cũng không nên dọn bàn riêng, mâm riêng cho các trưởng lão.

“Các việc khác” là những thắc mắc khác được Hội Thánh tại Cô-rinh-tô viết trong thư, hỏi ý kiến của Phao-lô.

Mục đích chính của Tiệc Thánh là để nhớ đến Chúa. Mục đích của Tiệc Thánh không phải là để Chúa thêm sức thiêng, hoặc ban phước đặc biệt cho những người dự Tiệc Thánh. Bánh không men và nước nho không hề biến thành thịt và máu của Chúa như sự giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo. Thân và máu của Chúa cũng không hiện diện trong bánh không men và nước nho như sự giảng dạy của Giáo Hội Lutheran. Trong thực tế thì cả hai giáo hội này cũng như hầu hết các giáo hội mang danh Chúa đều dùng rượu nho làm Tiệc Thánh chứ không dùng nước nho. Đó là một sự sai lầm nghiêm trọng.

Một người đã thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, dù chưa kịp làm báp-tem vẫn được dự Tiệc Thánh. Trẻ con cũng được dự Tiệc Thánh vì chính Chúa phán rằng, hãy để cho trẻ con đến với Ngài (Ma-thi-ơ 19:14; Mác 10:14; Lu-ca 18:16). Quý ông bà anh chị em có thể đọc hoặc nghe thêm bài giảng “Lễ Tiệc Thánh” trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [2].

Tiệc Thánh là một việc làm thể hiện đức tin của con dân Chúa vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ, vào sự hiệp một của Hội Thánh và Đấng Christ, để con dân Chúa có dịp xét mình, so với tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa, có dịp nhớ đến Chúa và nhắc mình về sự rao giảng sự chết của Ngài, tức rao giảng Tin Lành, cho tới lúc Ngài đến.

Mỗi khi dự Tiệc Thánh, con dân Chúa hãy suy ngẫm lời phán tha thiết của Đức Chúa Jesus Christ: “Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta.” Mỗi người hãy tự hỏi, mình yêu Chúa đến mức nào? Mình nhớ gì về sự hy sinh của Chúa để cứu chuộc mình ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi? Mình sẽ sống như thế nào để đáp ứng với tình yêu của Chúa? Mình có sốt sắng rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến hay không?

Nhiều người xưng nhận là họ biết ơn Chúa và kính yêu Chúa. Nhưng Lời Chúa dạy:

“Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).

Chúng ta hãy thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Chúa và đối với nhau bằng những việc làm đúng theo lẽ thật.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/05/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-13-le-sa-bat/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-14-le-tiec-thanh/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-15-le-bap-tem/

[4] https://timhieutinlanh.com/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/

Karaoke Thánh Ca: “Rồi Ngày Đến”
https://karaokethanhca.net/roi-ngay-den/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu