Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL038 Bài Giảng Trên Núi: Sự Tha Thứ, Sự Kiêng Ăn, Của Cải Thật, Ngọn Đèn của Thân Thể

403 views

YouTube: https://youtu.be/T0C8Ac_ugIk

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL038 Bài Giảng Trên Núi: Sự Tha Thứ, Sự Kiêng Ăn,
Của Cải Thật, Ngọn Đèn của Thân Thể
Ma-thi-ơ 6:14-23

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 6:14-23

14 Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những lỗi của họ, Cha trên Trời của các ngươi cũng sẽ tha thứ cho các ngươi.

15 Nhưng nếu các ngươi không tha thứ cho người ta những lỗi của họ, Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những lỗi của các ngươi.

16 Khi các ngươi kiêng ăn, đừng như là những kẻ giả hình với nét mặt buồn rầu. Vì họ nhăn mặt của họ để tỏ cho người ta biết, họ kiêng ăn. Thật, Ta nói với các ngươi, họ có đủ phần thưởng của họ.

17 Nhưng ngươi, khi kiêng ăn, hãy xức dầu đầu ngươi và rửa mặt ngươi,

18 để không tỏ cho người ta sự kiêng ăn; nhưng tỏ cho Cha ngươi, trong nơi kín nhiệm. Cha ngươi, Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.

19 Đừng thu chứa của cải trên đất cho các ngươi; nơi mối mọt và sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm đào khoét và lấy trộm.

20 Nhưng hãy thu chứa của cải trên trời cho các ngươi; nơi chẳng mối mọt cũng chẳng sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm chẳng đào khoét cũng chẳng lấy trộm.

21 Vì của cải các ngươi ở đâu, lòng các ngươi cũng sẽ ở đó.

22 Ngọn đèn của thân thể là con mắt. Vậy, nếu mắt ngươi tốt lành thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng.

23 Nhưng nếu mắt ngươi là xấu, cả thân thể ngươi sẽ bị tối tăm. Vậy, nếu sự sáng trong ngươi là tối tăm thì sự tối tăm lớn biết bao!

Trong bài này, chúng ta học về đề tài thứ tám cho đến thứ mười một của Bài Giảng Trên Núi: Sự Tha Thứ, Sự Kiêng Ăn, Của Cải Thật, và Ngọn Đèn của Thân Thể.

Sự Tha Thứ

14 Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những lỗi của họ, Cha trên Trời của các ngươi cũng sẽ tha thứ cho các ngươi.

15 Nhưng nếu các ngươi không tha thứ cho người ta những lỗi của họ, Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những lỗi của các ngươi.

Trong câu 14, Đức Chúa Jesus giải thích thêm về lời cầu nguyện Ngài dạy cho các môn đồ trong câu 12. Khi con dân Chúa cầu xin sự tha thứ từ Đức Chúa Trời thì họ cũng phải có lòng thương xót và sẵn lòng tha thứ cho những người phạm lỗi, phạm tội nghịch lại họ. Sự tha thứ mà con dân Chúa phải tha thứ cho người khác phải là sự tha thứ thật lòng, nghĩa là trong lòng hoàn toàn không còn giận, không còn ghét người đã xúc phạm mình hoặc làm hại mình. Trái lại, phải là sự thương xót và muốn cầu thay cho người ấy. Sự tha thứ này không đòi hỏi kẻ thù nghịch hoặc kẻ làm hại mình phải xin lỗi hay ăn năn. Trước đó, trong phần mở đầu bài giảng, Đức Chúa Jesus đã phán dạy:

Phước cho những ai thương xót! Vì họ sẽ được thương xót.” (Ma-thi-ơ 5:7).

Tuy nhiên, có một số điều chúng ta cần chú ý:

  • Tha thứ không có nghĩa là bao che sự phạm pháp của người khác. Nếu sự xúc phạm chúng ta, làm hại chúng ta cũng là sự vi phạm luật pháp quốc gia thì chúng ta phải để cho luật pháp phán xử người phạm pháp. Về phần chúng ta, lòng chúng ta tha thứ cho người ấy, xin Đức Chúa Trời ban cho người ấy cơ hội biết đến Ngài và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

  • Tha thứ không có nghĩa là bao che sự gian trá của người khác. Dù chúng ta tha thứ cho kẻ xấu nhưng chúng ta cũng cảnh báo người khác về kẻ xấu để đừng có thêm người bị hại.

  • Tha thứ không có nghĩa là tiếp tục để kẻ xấu thân cận với mình để có thể lợi dụng mình, làm hại mình, lây tiếng xấu cho mình. Chúng ta cần đoạn tuyệt với kẻ ấy cho tới khi kẻ ấy thật lòng ăn năn.

Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi vô cớ bị xúc phạm, bị làm hại, bị đối xử bất công là giận và ghét người làm ra sự ấy. Thực tế thì con người xác thịt luôn giận và ghét ai làm thiệt hại mình, dù là do nơi lỗi của mình. Là con dân Chúa khi có người phạm lỗi hay phạm tội nghịch lại chúng ta thì chúng ta cần đến với Chúa và dâng trình sự việc lên Ngài ngay. Trước hết, chúng ta hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho phép sự việc xảy ra để rèn luyện chúng ta, theo mục đích của Ngài, như đã chép:

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài. Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con Đầu Lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29).

Kế tiếp, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta hiểu Ngài muốn chúng ta học tập những gì trong sự việc này. Sau cùng, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta thương xót, tha thứ, và cầu thay cho người xúc phạm hoặc làm hại mình, đồng thời ban cho chúng ta sự khôn sáng để ứng xử sao cho mỗi hành động của chúng ta đều vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

Tại sao chúng ta phải tha thứ cho những người xúc phạm hoặc làm hại chúng ta? Là vì tất cả những lỗi, những tội của bất cứ ai làm ra cho bất cứ người nào cũng đã được Đức Chúa Jesus Christ trả giá trên cây thập tự. Nếu Đức Chúa Jesus đã trả giá cho những sai phạm của những người ấy rồi thì sao chúng ta lại không tha thứ cho họ? Chúng ta có thể hiểu rằng, chính Đức Chúa Trời đã tha thứ cho họ qua sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Còn họ có tin nhận sự tha thứ của Ngài hay không là thuộc về quyền tự do của họ. Quyền tự do ấy Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người. Việc họ tin nhận hay không tin nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời là giữa họ và Đức Chúa Trời, không liên quan gì đến chúng ta. Phần của chúng ta là chúng ta không thể không tha thứ cho người mà Đấng Christ đã trả giá cho sự phạm lỗi, phạm tội của họ.

Điều quan trọng chúng ta cần phải nhớ là, nếu chúng ta không thương xót thì chúng ta sẽ không được thương xót. Nếu chúng ta không tha thứ cho người có lỗi, có tội nghịch lại mình thì Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ cho chúng ta về những sự chúng ta có lỗi, có tội nghịch lại Ngài. Chúng ta chỉ có thể thật lòng tha thứ khi chúng ta có tình yêu của Đức Chúa Trời trong chúng ta, biết thương xót như Đức Chúa Trời thương xót chúng ta.

Sự Kiêng Ăn

16 Khi các ngươi kiêng ăn, đừng như là những kẻ giả hình với nét mặt buồn rầu. Vì họ nhăn mặt của họ để tỏ cho người ta biết, họ kiêng ăn. Thật, Ta nói với các ngươi, họ có đủ phần thưởng của họ.

Theo Thánh Kinh Cựu Ước, Thiên Chúa chỉ truyền lệnh cho dân I-sơ-ra-ên kiêng ăn trong ngày Lễ Chuộc Tội, nhằm ngày 10 tháng Bảy, theo Lịch Chúa ban cho họ. Ngày nay, gọi là Lịch Hê-bơ-rơ hoặc Lịch Do-thái.

Và sẽ là một lệ định thường xuyên cho các ngươi: Vào tháng Bảy, ngày mười trong tháng, các ngươi sẽ ép linh hồn của các ngươi, không làm một việc nào, dù là người bản xứ hay khách kiều ngụ giữa các ngươi. Vì trong ngày đó, sẽ làm lễ chuộc tội trên các ngươi, thanh tẩy các ngươi để các ngươi được tinh sạch khỏi hết thảy những tội lỗi của các ngươi, trước Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 16:29-30).

Thành ngữ “ép linh hồn” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là kiêng ăn trong sự hạ mình, đau buồn. Sự kiêng ăn theo mệnh lệnh của Thiên Chúa là giúp cho dân I-sơ-ra-ên thể hiện sự đau khổ, hạ mình, ăn năn về sự phạm tội của mình để họ có thể nhận ơn tha thứ của Đức Chúa Trời. Về sau, sự kiêng ăn còn được dân I-sơ-ra-ên thực hiện khi có những sự đau buồn xảy ra, như khi có người thân qua đời, khi thành Giê-ru-sa-lem bị thất thủ, khi tai họa sắp xảy ra cho dân sự, hoặc khi nài xin ơn từ Đức Chúa Trời.

Nhưng sự kiêng ăn được Đức Chúa Jesus nói đến trong phân đoạn Thánh Kinh này là sự kiêng ăn để biệt riêng mình tương giao với Đức Chúa Trời mà có lẽ do những người Pha-ri-si đặt ra. Giới Pha-ri-si nổi lên trong khoảng thời gian từ năm 165 TCN đến năm 160 TCN. Thời điểm đó nằm trong khoảng thời gian chừng 400 năm Đức Chúa Trời đã hoàn toàn im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên, sau thời Tiên Tri Ma-la-chi. Danh từ “Pha-ri-si” (G5330) có nghĩa là những người tự biệt riêng để phụng sự Thiên Chúa. Phái Pha-ri-si tự xem họ là những người được biệt riêng để lo việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh [1]. Có lẽ vì thế mà họ đã đặt ra lệ kiêng ăn. Theo một tài liệu giáo lý trong Hội Thánh lúc ban đầu thì người Pha-ri-si kiêng ăn vào ngày Thứ Hai và ngày Thứ Năm. Con dân Chúa lúc ấy được kêu gọi kiêng ăn vào ngày Thứ Tư và Thứ Sáu để tránh trùng với ngày kiêng ăn của những người Pha-ri-si bị xem là những kẻ giả hình [2].

Qua lời phán của Đức Chúa Jesus, chúng ta hiểu rằng, những người giả hình khi kiêng ăn đã làm ra vẻ mặt đau khổ, buồn rầu để được công chúng nhìn thấy, biết họ đang kiêng ăn mà khen ngợi họ. Như vậy, mục đích sự kiêng ăn của họ không còn là để biệt riêng mình tương giao với Đức Chúa Trời, mà là để tìm kiếm tiếng khen của loài người. Cũng chính vì thế mà hành động kiêng ăn của họ là hành động giả hình.

17 Nhưng ngươi, khi kiêng ăn, hãy xức dầu đầu ngươi và rửa mặt ngươi,

18 để không tỏ cho người ta sự kiêng ăn; nhưng tỏ cho Cha ngươi, trong nơi kín nhiệm. Cha ngươi, Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.

Đức Chúa Jesus không bảo các môn đồ của Ngài kiêng ăn để tỏ lòng tin kính Đức Chúa Trời hay để biệt riêng thời gian tương giao với Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài cũng không bác bỏ sự kiêng ăn. Thực tế, có lần Ngài dạy cho các môn đồ biết rằng, có thứ quỷ dữ mà họ cần phải cầu nguyện và kiêng ăn thì mới có thể đuổi được (Ma-thi-ơ 17:21). Vì thế, trong lời phán trên đây, Ngài dạy các môn đồ của Ngài, nếu họ muốn kiêng ăn để tương giao với Đức Chúa Trời thì hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt cho tỉnh táo, không để cho người khác biết mình kiêng ăn. Sự xức dầu và rửa mặt cũng là hành động vệ sinh thân thể, trước khi biệt riêng thì giờ tương giao với Đức Chúa Trời.

Nơi kín nhiệm” trong lời phán của Đức Chúa Jesus có thể hiểu là trong tấm lòng, trong tư tưởng của người kiêng ăn. Nơi đó chỉ Đức Chúa Trời thấy được. Ngài nhìn thấy lòng tha thiết muốn bỏ qua sự ăn uống để được chuyên tâm tương giao với Đức Chúa Trời của người kiêng ăn. Thực tế, trong cuộc sống, có nhiều khi người ta đam mê việc gì đó mà bỏ cả ăn uống, ngủ nghỉ. Nếu một người tự nguyện bỏ đi việc ăn uống để biệt riêng mình, tương giao với Đức Chúa Trời thì việc ấy phải xuất phát từ lòng đam mê, chứ không vì một lý do gì khác. Người kiêng ăn vì yêu kính Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được Ngài ban thưởng. Về thuộc linh, người ấy sẽ có được giờ phút ngọt ngào trong khi kiêng ăn, cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Về thuộc thể, Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho người ấy các ơn phước vật chất mà người ngoài có thể nhìn thấy.

Của Cải Thật

19 Đừng thu chứa của cải trên đất cho các ngươi; nơi mối mọt và sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm đào khoét và lấy trộm.

20 Nhưng hãy thu chứa của cải trên trời cho các ngươi; nơi chẳng mối mọt cũng chẳng sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm chẳng đào khoét cũng chẳng lấy trộm.

Sự thu chứa của cải trên đất được nói đến ở đây là sự thu chứa những gì được thế gian xem là có giá trị, như: vàng bạc, đá quý, tiền, nhà cửa, đất vườn… gọi chung là tài sản. Sự thu chứa tài sản trên đất là điều kém khôn sáng vì hai lẽ sau đây: thứ nhất, nếu đã là thu chứa thì có nghĩa là không tận dụng; thứ nhì, khi qua đời không thể đem theo, mà đời người thì có thể bị kết thúc bất kỳ lúc nào. Lời Chúa dạy rõ:

Nhưng Đức Chúa Trời phán với ông: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại từ nơi ngươi. Vậy, những vật ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu-ca 12:20).

Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.” (I Ti-mô-thê 6:7).

Ngoài ra, tài sản được thu chứa có thể bị trộm cắp hoặc bị hư hỏng theo thời gian.

Đức Chúa Jesus khuyên các môn đồ của Ngài hãy thu chứa tài sản vật chất ở trên trời. Có nghĩa là hãy dùng tài sản vật chất để làm ra những việc lành. Trong Vương Quốc Trời, những việc làm lành ấy sẽ được chính Ngài ban thưởng cho họ.

Nếu xét về phương diện quý báu thì có lẽ thời gian của một người là tài sản quý nhất của người ấy. Vì thời gian làm ra tiền bạc, của cải. Nhưng thời gian không phải là thứ có thể thu chứa. Hoặc là chúng ta dùng nó hoặc là chúng ta mất nó. Vậy, là con dân Chúa chúng ta sẽ dùng thời gian như thế nào để tạo ra tài sản ở trên trời? Nếu chúng ta dùng thời gian để đọc và suy ngẫm Lời Chúa rồi cẩn thận làm theo thì chúng ta có lợi trong đời này lẫn trong đời sau. Vì chúng ta sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và sẽ hành động thông sáng (Giô-suê 1:8). Nếu chúng ta hành động thông sáng thì chúng ta sẽ hoàn thành những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Những việc lành đó sẽ được Đấng Christ ban thưởng cho chúng ta. Và nếu chúng ta dành thời gian để nói về Chúa, về Tin Lành, giúp một người thật lòng tin nhận Tin Lành, được cứu rỗi thì chúng ta đã thu chứa cho mình một tài sản rất lớn ở trên trời. Vì linh hồn của một người quý hơn cả thế gian. Chúng tôi hiểu và tin rằng, sự đưa dắt một linh hồn đến với sự cứu rỗi sẽ được Chúa ban cho phần thưởng có giá trị hơn cả thế gian.

21 Vì của cải các ngươi ở đâu, lòng các ngươi cũng sẽ ở đó.

Sự thật là của cải chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó. Nếu chúng ta chỉ biết thu chứa của cải trên đất thì lòng chúng ta chỉ hướng về những sự trên đất, hướng về những sự giúp chúng ta bảo vệ và thu chứa càng hơn của cải. Nếu chúng ta biết dùng của cải trên đất để làm những việc lành thì lòng chúng ta luôn hướng về sự làm lành, là những sự đem lại tài sản còn lại đời đời ở trên trời. Lòng chúng ta luôn hướng về Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta ở trên trời để tôn vinh và cảm tạ Ngài, dâng trình mọi thành quả của việc sử dụng tài sản lên Ngài.

Ngọn Đèn của Thân Thể

22 Ngọn đèn của thân thể là con mắt. Vậy, nếu mắt ngươi tốt lành thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng.

23 Nhưng nếu mắt ngươi là xấu, cả thân thể ngươi sẽ bị tối tăm. Vậy, nếu sự sáng trong ngươi là tối tăm thì sự tối tăm lớn biết bao!

Đèn là để chiếu sáng, xua tan bóng tối, giúp người ta tránh sự nguy hiểm và làm được việc muốn làm.

Đức Chúa Jesus ví mắt là đèn của thân thể không phải hàm ý con mắt soi sáng cho thân thể mà là con mắt tỏ ra thân thể có sự sáng hay không. Mắt tốt lành là mắt của một thân thể đầy dẫy sự sáng thuộc linh đến từ Đức Chúa Trời, nên sự sáng được chiếu ra trong ánh mắt. Mắt xấu là mắt của một thân thể không có sự sáng thuộc linh, nên không có sự sáng được chiếu ra trong ánh mắt.

Sự sáng thuộc linh trong thân thể đến từ Đức Chúa Trời chính là sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Ánh mắt của người thật sự tin Chúa, đã được dựng nên mới, hết lòng sống theo Lời Chúa sẽ khiến cho người khác nhìn vào thấy được tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Đức Chúa Trời trong họ. Vì người tin Chúa đã được thoát ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Đức Chúa Trời. Người ấy ở trong sự sáng của Đức Chúa Trời và sự sáng của Đức Chúa Trời ở trong người ấy.

Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]” (I Phi-e-rơ 2:9).

Người có sự sáng của Đức Chúa Trời trở thành sự sáng của thế gian. Chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định như vậy, trong Ma-thi-ơ 5:14.

Ánh mắt của người không tin Chúa thì không thể chiếu ra sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Vì họ không có sự vinh quang của Ngài. Ngày nào một người còn sống trong tội lỗi thì ngày đó người ấy vẫn thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Sự tối tăm trong thân thể của người không tin Chúa là rất lớn. Vì trong họ chỉ có sự tối tăm của sự đau khổ và sự chết.

Thực tế, xưa nay vẫn có rất nhiều người xưng mình là con dân của Đức Chúa Trời, tưởng mình là con dân của Đức Chúa Trời nhưng họ hoàn toàn không có sự vinh quang của Ngài. Bởi vì họ vẫn còn đang sống trong tội, vẫn thản nhiên vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, khi họ ham thích những thú vui tội lỗi và tin theo sự giảng dạy tà giáo trong các giáo hội.

Ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần nhưng số người thật sự tin và sống theo Lời Chúa lại rất ít. Đó là thực tế đau buồn. Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta được ở trong số ít đó. Nguyện sự thương xót của Đức Chúa Trời bao phủ dân tộc Việt Nam để trước khi Đấng Christ đến, ngày càng có nhiều con dân Chúa người Việt thức tỉnh, thờ phượng Ngài trong thần trí và trong lẽ thật; ngày càng có nhiều người Việt Nam được biết đến Tin Lành và được cứu rỗi. A-men!

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/06/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/8-pha-ri-si

[2] https://reformedwiki.com/read-didache-kirsopp (Chapter 8, verse 1).

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Con”
https://karaokethanhca.net/long-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.