Chú Giải Sáng Thế Ký 04:01-08 Ca-in và A-bên

5,888 views

900113 Chú Giải Sáng Thế Ký 4:1-8
Ca-in và A-bên

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 4:1-8

1 Loài người đã ăn ở với Ê-va, vợ mình. Nàng đã thụ thai, sinh ra Ca-in và nói: Nhờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà tôi có được một người. [Ca-in có nghĩa là sở hữu.]

2 Nàng lại sinh ra em của nó, là A-bên. A-bên đã là người chăn chiên, còn Ca-in đã là người làm ruộng. [A-bên có nghĩa là hơi thở hoặc mong manh.]

3 Sau nhiều ngày, đã xảy ra việc Ca-in đã đem thổ sản làm của lễ dâng lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

4 Còn A-bên, ông cũng đã đem các con đầu lòng trong bầy của mình cùng mỡ của chúng dâng lên. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã nhìn đến A-bên và nhìn đến lễ vật của ông.

5 Nhưng với Ca-in và với lễ vật của ông, Ngài đã chẳng nhìn đến. Ca-in đã giận lắm. Nét mặt của ông đã gằm xuống.

6 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với Ca-in: Sao ngươi giận và sao nét mặt của ngươi gằm xuống?

7 Nếu ngươi làm lành, ngươi sẽ chẳng được chấp nhận sao? Còn nếu ngươi chẳng làm lành thì tội lỗi nằm chờ nơi cửa. Nó thèm ngươi lắm nhưng ngươi phải quản trị nó.

8 Ca-in đã thuật lại với A-bên, em mình. Khi họ đang ở ngoài đồng thì Ca-in đã trỗi dậy, nghịch lại A-bên, em mình, và đã giết em.

Sáng Thế Ký đoạn 4 ghi lại ba sự kiện đau buồn xảy ra trong các thế hệ đầu tiên của dòng dõi loài người. Đó là các sự kiện:

  • anh em ruột giết hại lẫn nhau;
  • mở đầu của chế độ đa thê;
  • và mở đầu của sự giết người để trả thù.

Tuy nhiên, đoạn 4 được kết thúc bằng một sự kiện mang đến niềm hy vọng cho dòng dõi loài người. Đó là: loài người bắt đầu kêu cầu danh Chúa.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về câu chuyện anh giết em vì ganh tị, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 4:1-8.

1 Loài người đã ăn ở với Ê-va, vợ mình. Nàng đã thụ thai, sinh ra Ca-in và nói: Nhờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà tôi có được một người. [Ca-in có nghĩa là sở hữu.]

2 Nàng lại sinh ra em của nó, là A-bên. A-bên đã là người chăn chiên, còn Ca-in đã là người làm ruộng. [A-bên có nghĩa là hơi thở hoặc mong manh.]

Trước hết, chúng ta để ý câu 1 không viết là: “A-đam đã ăn ở với Ê-va, vợ mình” nhưng viết là: “Loài người đã ăn ở với Ê-va, vợ mình!” Trong khi câu 25 thì viết là “A-đam lại ăn ở với vợ mình!”

Mặc dù cả hai từ ngữ này đều có cách viết giống nhau và phát âm giống nhau, nhưng khi được dùng như một danh từ chung thì có nghĩa là “loài người”, khi được dùng như một danh từ riêng, thì là tên gọi của người đàn ông đầu tiên trên đất, phân biệt với những người đàn ông khác. Xin đọc lại bài chú giải Sáng Thế Ký 2:15-25 [1].

Chúng ta có thể hiểu rằng, trong câu 1 nói đến A-đam như là đại diện cho toàn thể loài người, lần đầu tiên tiến hành công cuộc tái hợp với phần xương thịt đã lấy ra từ thân thể của mình, tức là Ê-va, để thực hiện công việc lưu truyền dòng dõi loài người. Còn câu 25 nói đến mối quan hệ vợ chồng của gia đình A-đam. Để phân biệt với mối quan hệ vợ chồng của gia đình Ca-in.

Chúng ta không biết A-đam được bao nhiêu tuổi thì sinh ra Ca-in. Chúng ta cũng không biết Ca-in lớn hơn A-bên bao nhiêu tuổi. Thánh Kinh cũng không cho chúng ta biết chi tiết về các con gái của A-đam mà một trong số đó đã trở thành vợ của Ca-in.

Khi đọc Sáng Thế Ký 5:3 thì chúng ta biết A-đam được 130 tuổi mới sinh ra người con trai thứ ba, đặt tên là Sết, như đã chép trong Sáng Thế Ký 4:25. Sáng Thế Ký 5:4 cho biết, sau khi sinh Sết thì A-đam còn sinh ra nhiều con trai và con gái. Chúng ta hiểu rằng, Ca-in cũng như Sết đã cưới một trong các em gái của họ.

Tiếp theo, chúng ta cần biết rằng: Từ ngữ Hê-bơ-rơ được dịch là “ăn ở với” trong nguyên ngữ là động từ “biết”. Chữ biết này có nghĩa hẹp như chúng ta vẫn dùng trong các câu nói: Tôi biết đọc, biết viết. Tôi biết tiếng Anh. Tôi biết lái xe… Nhưng nó cũng mang nghĩa bóng là một sự biết lẫn nhau trong mối quan hệ hiệp một. Chữ “biết” được Thánh Kinh dùng để nói về mối quan hệ vợ chồng không phải chỉ hàm ý về sự quan hệ tính dục, mà nhấn mạnh đến sự hiệp một đến nỗi cả hai cùng hiểu biết nhau cách thấu đáo, người này biết người kia như biết chính mình. Thánh Kinh cũng dùng chữ biết này để nói đến mối quan hệ giữa Thiên Chúa và những ai thuộc về Ngài.

Tên “Ca-in” có nghĩa là: sở hữu. Tên “A-bên” có nghĩa là: một hơi thở nhẹ được thổi ra bằng miệng. Nghĩa bóng là: mong manh; hư không; chóng qua. Một số người cho rằng cái tên “A-bên” chính là lời tiên tri về đời sống ngắn ngủi của A-bên.

Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhớ rằng, trong buổi ban đầu, mỗi từ ngữ A-đam và Ê-va nói ra đều là lần đầu tiên được nói và được mang cái ý nghĩa mà A-đam hoặc Ê-va đặt cho nó. Nói cách khác, mỗi một từ ngữ A-đam và Ê-va nói ra là một sự sáng tạo chữ nghĩa.

Vì thế, rất có thể không phải Ê-va đặt một cái tên mang nghĩa mong manh, hư không, và chóng qua cho con của mình, mà có lẽ vì người đầu tiên mang cái tên ấy có đời sống ngắn ngủi, nên từ đó, danh từ “A-bên” mới mang nghĩa bóng là mong manh, hư không, và chóng qua!

Dù sao đi nữa, tên của hai người con đầu của A-đam và Ê-va, với ý nghĩa sở hữu và mong manh, dường như nói lên một điều thực tế, đó là: tất cả những gì loài người sở hữu sau khi phạm tội, đều mong manh, vô nghĩa, và chóng qua! Chỉ có những gì đến từ Thiên Chúa sau khi loài người được tái sinh, thì mới còn lại đời đời.

Trong Ma-thi-ơ 23:35 và Lu-ca 11:50-51, Đức Chúa Jesus Christ gọi A-bên là người công chính và là một trong các tiên tri. Trong Hê-bơ-rơ 11:4 thì cho chúng ta biết, A-bên được xưng là công chính vì đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời được thể hiện qua việc làm:

“Bởi đức tin, A-bên đã dâng lên Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn của Ca-in. Bởi đó ông đã được làm chứng là công chính, qua sự Đức Chúa Trời làm chứng về lễ vật của ông. Cũng nhờ đó dù đã chết ông vẫn còn nói.”

Chúng ta có thể nói rằng, người đầu tiên chết vì đức tin của mình đặt để nơi Thiên Chúa, chết vì vâng phục Thiên Chúa, chết vì thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa, chính là A-bên!

Chúng ta không biết vì lý do gì mà Ca-in chọn nghề làm ruộng còn A-bên chọn nghề chăn nuôi. Có lẽ vì Ca-in là con đầu lòng nên theo A-đam cày cấy đất, trồng trọt thực phẩm cho cả nhà. Chúng ta cũng được biết rằng, đất đã bị rủa sả vì cớ sự phạm tội của loài người và hình phạt của A-đam là phải canh tác cực nhọc, làm đổ mồ hôi mới có được thực phẩm. Vì thế, Ca-in theo cha làm nghề nông là điều dễ hiểu.

Riêng A-bên chọn nghề chăn nuôi, mặc dù suốt hàng ngàn năm trước thời Cơn Lụt Lớn thì loài người không ăn thịt; có lẽ là vì A-bên muốn bảo đảm cho gia đình của mình luôn có đủ sinh tế để dâng lên Thiên Chúa, và có đủ lông chiên để dệt thành quần áo che thân.

Chúng ta không có chi tiết nào khác trong Thánh Kinh để giúp cho chúng ta biết A-đam và Ê-va đã nuôi dạy Ca-in cùng A-bên như thế nào. Nhưng chắc rằng họ đã thuật lại cho con cháu mình sự phạm tội của họ, và cũng nói cho con cháu mình biết về một Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên muôn loài. Cảnh vườn tại Ê-đen với các chê-ru-bim có gươm lửa sáng lòa chính là chứng cớ cho câu chuyện của A-đam và Ê-va.

Cả Ca-in và A-bên đều tin sự thực hữu của Thiên Chúa nhưng Ca-in không vâng theo lời phán dạy của Thiên Chúa về sự dâng của tế lễ, trong khi A-bên thì hoàn toàn vâng phục. Chẳng những A-bên tin cậy Thiên Chúa, vâng phục Thiên Chúa, mà ông còn lấy làm vui được thờ phượng, hầu việc Thiên Chúa, nên ông đã chọn nghề chăn nuôi.

3 Sau nhiều ngày, đã xảy ra việc Ca-in đã đem thổ sản làm của lễ dâng lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

4 Còn A-bên, ông cũng đã đem các con đầu lòng trong bầy của mình cùng mỡ của chúng dâng lên. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã nhìn đến A-bên và nhìn đến lễ vật của ông.

5 Nhưng với Ca-in và với lễ vật của ông, Ngài đã chẳng nhìn đến. Ca-in đã giận lắm. Nét mặt của ông đã gằm xuống.

Nhóm chữ “sau nhiều ngày” có nghĩa là: sau khi Ca-in và A-bên đã trưởng thành, làm việc, và thu hoạch được kết quả. Rất có thể, đây là lần đầu tiên Ca-in cùng A-bên dâng của lễ lên Thiên Chúa. Có thể chính Thiên Chúa phán trực tiếp với Ca-in và A-bên về cách thức dâng tế lễ, mà cũng có thể Thiên Chúa phán dạy cho A-đam và A-đam truyền dạy lại cho các con mình. Điều rõ ràng là: Cả Ca-in và A-bên đều biết Thiên Chúa muốn họ dâng của tế lễ như thế nào. Trong khi A-bên vâng phục Thiên Chúa và dâng tế lễ đẹp lòng Thiên Chúa, thì Ca-in không vâng phục Thiên Chúa, theo ý riêng dâng của lễ lên Thiên Chúa.

Kết quả là Thiên Chúa vui nhận của lễ của A-bên và quan tâm đến A-bên, nhưng Ngài không nhận của lễ của Ca-in cũng không quan tâm đến Ca-in. Ca-in vì vậy tức giận, nét mặt biến đổi và nhìn chăm chăm xuống đất để suy tính, tìm cách làm cho hả cơn giận. Thái độ giận, gằm nét mặt vẫn là điều xưa nay loài người vấp phạm.

6 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với Ca-in: Sao ngươi giận và sao nét mặt của ngươi gằm xuống?

7 Nếu ngươi làm lành, ngươi sẽ chẳng được chấp nhận sao? Còn nếu ngươi chẳng làm lành thì tội lỗi nằm chờ nơi cửa. Nó thèm ngươi lắm nhưng ngươi phải quản trị nó.

Chúng ta khó mà hình dung ra vào thuở ban đầu Thiên Chúa đã trực tiếp trò chuyện với loài người như thế nào. Có phải Ngài đã hiện ra trong hình dáng của loài người như Ngài sẽ hiện ra và trò chuyện với Áp-ra-ham sau này? (Sáng Thế Ký 18). Hay là, từ trong sự vinh quang của Ngài mà Ngài trò chuyện với loài người, như Ngài sẽ làm như vậy với dân I-sơ-ra-ên từ trên đỉnh Núi Si-na-i? (Xuất Ê-díp-tô Ký 19).

Câu hỏi Thiên Chúa phán hỏi Ca-in đi thẳng vào vấn đề. Ngài xem việc dâng tế lễ của Ca-in không phải là một việc làm lành, vì thế, Ngài không chấp nhận tế lễ của ông.

Trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, biết bao nhiêu người đã thờ phượng và hầu việc Chúa theo cung cách của Ca-in: theo ý riêng thay vì theo ý Chúa, theo những điều răn và sự giảng dạy của loài người thay vì theo Lời Chúa, để tôn vinh mình thay vì tôn vinh Chúa, để mong Chúa biết ơn mình thay vì tỏ lòng biết ơn Chúa! Sự thờ phượng và hầu việc Chúa như vậy là một việc làm ác, là tội lỗi.

Khi một người không làm lành thì người ấy đã phạm tội và tội lỗi sẽ dẫn đến tội lỗi, tội lỗi sẽ sinh ra tội lỗi. Người ấy đã là tội nhân, bị nô lệ cho tội lỗi và tội lỗi thèm khát dẫn người ấy đi sâu vào sự phạm tội. Chữ “cửa” được dùng theo nghĩa bóng là cửa lòng, cửa linh hồn, cửa đời sống. Đó là ý nghĩa của thành ngữ: Tội lỗi nằm chờ trước cửa và thèm muốn tội nhân!

Một người muốn quản trị tội lỗi thì phải nhờ nơi sức toàn năng của Thiên Chúa. Để có thể nhận được sức toàn năng của Thiên Chúa mà quản trị tội lỗi, thì phải thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa. Ngay trong giờ phút đó, nếu Ca-in ăn năn, xưng nhận tội trước Chúa và cầu xin sự tha thứ từ nơi Ngài, thì Ngài sẽ tha thứ cho ông và ban cho ông năng lực thắng được sự ganh tị, giận dữ trong lòng.

8 Ca-in đã thuật lại với A-bên, em mình. Khi họ đang ở ngoài đồng thì Ca-in đã trỗi dậy, nghịch lại A-bên, em mình, và đã giết em.

Tiếc thay, Ca-in đã không ăn năn nhưng tiếp tục để cho tội lỗi điều khiển ông, và phạm thêm tội giết người!

Chúng ta không biết Ca-in thuật lại cho A-bên nghe cuộc đối thoại giữa ông với Chúa vào lúc nào và ở đâu. Nhưng lòng ganh tị và tức giận của ông cứ tăng lên theo thời gian, và khi Ca-in cùng A-bên đang ở ngoài đồng, thì Ca-in đã giết chết A-bên. Thánh Kinh không nói Ca-in giết A-bên bằng cách nào, nhưng có lẽ ông đã bất ngờ dùng dao hoặc gươm tấn công A-bên. Thánh Kinh cho biết, máu của A-bên đã đổ xuống trên đất, và máu vô tội đó đã lên tiếng kêu oan.

Khi chúng ta sống cho bản thân của mình thì chúng ta dễ dàng trở thành kiêu ngạo, dẫn đến sự làm theo ý riêng, dẫn đến ganh tị, và phát sinh ra vô số tội lỗi ngày càng nghiêm trọng. Còn nếu chúng ta hết lòng yêu kính Chúa, khao khát được sống theo điều răn của Chúa, thì chúng ta sẽ không có những ý tưởng tiêu cực, tội lỗi. Trái lại, chúng ta luôn bình an, thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ và hiểu biết được thánh ý của Chúa dành cho chúng ta.

Ca-in tiêu biểu cho loại người sống theo ý riêng. A-bên tiêu biểu cho loại người sống theo ý Chúa. Dù rằng, trong cuộc đời này, theo cái nhìn của thế gian, thì thường khi những người sống theo ý riêng được thịnh vượng về vật chất và có thể bức hiếp những người sống theo ý Chúa. Nhưng vấn đề là kết quả đời đời của mỗi người tùy theo mỗi việc họ làm ra, chứ không phải những gì mỗi người thu thập được hay phải chịu đựng trong cuộc đời này.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/05/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/?p=1166

hoặc: https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.