Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 08:26-40 Hoạn Quan Ê-thi-ô-bi

1,759 views

YouTube: https://youtu.be/t6VS0p0OInQ

44022 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26-40
Hoạn Quan Ê-thi-ô-bi

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26-40

26 Thế rồi, thiên sứ của Chúa đã phán với Phi-líp rằng: Hãy trỗi dậy! Đi về phía nam, đến con đường đi xuống từ Giê-ru-sa-lem vào trong Ga-xa. Đó là đồng vắng.

27 Người đã trỗi dậy và đi. Kìa, có một người Ê-thi-ô-bi, một hoạn quan cầm quyền của Nữ Hoàng Can-đác của người Ê-thi-ô-bi. Người cai quản hết thảy kho tàng của bà. Người đã đến tận Giê-ru-sa-lem để thờ phượng,

28 và đang trở về, ngồi trên xe ngựa của mình mà đọc sách tiên tri Ê-sai.

29 Đấng Thần Linh đã phán với Phi-líp rằng: Hãy lại gần và theo sát xe ngựa đó!

30 Phi-líp đã chạy đến, và nghe người ấy đọc sách tiên tri Ê-sai, thì nói rằng: Ông hiểu những gì ông đọc chăng?

31 Người ấy nói: Làm sao tôi có thể hiểu, trừ khi ai đó hướng dẫn tôi? Rồi, người đã gọi Phi-líp lên, ngồi với người.

32 Chỗ Thánh Kinh người ấy đã đọc là đoạn này: Ngài đã bị kéo đi như con chiên đến hàng làm thịt. Lại như chiên con câm trước kẻ hớt lông nó. Ngài chẳng mở miệng mình.

33 Trong sự nhục nhã của Ngài thì sự công chính của Ngài đã bị cất đi. Ai sẽ thuật lại về thế hệ của Ngài? Vì sự sống của Ngài đã bị cất khỏi đất! [Ai sẽ thuật lại sự gian ác của những người sống cùng thời với Ngài? Ê-sai 53:7-8]

34 Viên hoạn quan đã nói với Phi-líp rằng: Tôi xin hỏi ông, đấng tiên tri đã nói điều đó về ai? Về chính mình người hay về ai khác?

35 Phi-líp đã mở miệng mình, bắt đầu từ chỗ Thánh Kinh đó mà giảng Tin Lành về Đức Chúa Jesus cho người.

36 Trong khi họ đi dọc đường, họ đã đến một nơi có nước. Viên hoạn quan nói: Này, nước đây! Có sự gì ngăn cấm tôi chịu báp-tem chăng?

37 Phi-líp đã nói: Nếu ông tin trọn lòng, điều đó có thể được. Người trả lời rằng: Tôi tin Jesus Christ là Con của Đức Chúa Trời.

38 Người truyền cho xe ngựa dừng lại; rồi họ đã cùng đi xuống nước, cả Phi-líp lẫn viên hoạn quan, và [Phi-líp] đã làm báp-tem cho người.

39 Khi họ lên khỏi nước, linh của Chúa đã đem Phi-líp đi. Viên hoạn quan chẳng thấy người nữa, mà vui mừng, tiếp tục lên đường.

40 Phi-líp được thấy trong thành A-xốt. Người đã du hành và giảng trong hết thảy các thành cho tới khi người đến tận Sê-sa-rê.

Hội Thánh của Chúa bắt đầu với những người thuộc dân I-sơ-ra-ên. Tiếp theo là những người I-sơ-ra-ên lai chủng với các dân tộc khác, tức là những người Sa-ma-ri. Sau cùng là các dân ngoại. Người dân ngoại đầu tiên được tháp vào Hội Thánh là một viên hoạn quan người Ê-thi-ô-bi; và sự việc đã được Đức Thánh Linh thần cảm cho Lu-ca ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26-40.

26 Thế rồi, thiên sứ của Chúa đã phán với Phi-líp rằng: Hãy trỗi dậy! Đi về phía nam, đến con đường đi xuống từ Giê-ru-sa-lem vào trong Ga-xa. Đó là đồng vắng.

Thế rồi” là sau khi Phi-e-rơ và Giăng đã rời thành Sa-ma-ri, lên đường về lại Giê-ru-sa-lem.

Danh từ “thiên sứ của Chúa” được dùng trong câu này không có mạo từ xác định nên không thể là thân vị Ngôi Lời hay thân vị Đức Chúa Trời. Quý ông bà anh chị em có thể tra xem danh từ “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” và “Thiên Sứ của Đức Chúa Trời” trên khu mạng từ điển của Hội Thánh, để hiểu cách chi tiết về ý nghĩa của hai danh xưng này [1]. Đây có thể là thiên sứ Gáp-ri-ên thường phụ trách đưa tin, mà cũng có thể là thiên sứ phụ trách bảo vệ Phi-líp.

Hãy trỗi dậy” hoặc “hãy đứng lên” là một thành ngữ, vừa có nghĩa là hãy đứng lên, vừa có nghĩa là hãy hành động cách mạnh mẽ và dứt khoát. Tương tự như vậy là động từ “trỗi dậy” hoặc động từ “đứng lên”, trong Thánh Kinh, chúng được dùng để diễn tả hành động đứng lên để làm một việc gì.

Đi về phía nam” có nghĩa là từ thành Sa-ma-ri, Phi-líp phải đi về hướng nam để quay trở lại thành Giê-ru-sa-lem. Chúng ta nên nhớ, lý do Phi-líp rời thành Giê-ru-sa-lem là để lánh nạn, tránh sự bách hại lớn đang xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Cách đó không bao lâu, Chấp Sự Ê-tiên đã bị dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo kéo ra bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, ném đá cho tới chết. Nhưng nay thiên sứ phán bảo Phi-líp quay trở lại Giê-ru-sa-lem thì ông đã vâng theo, mà không thắc mắc.

Khi đã về đến Giê-ru-sa-lem thì Phi-líp phải từ Giê-ru-sa-lem đi sang hướng tây nam để đến Ga-xa. Ga-xa này chính là dải đất Gaza (Gaza Strip) tự trị của người Pa-lét-tin (Palestine) ngày nay [2].

Đó là đồng vắng” dùng để gọi con đường đi từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-xa. Ga-xa là trạm dừng chân cuối cùng, trước khi vào lãnh thổ xứ Ê-díp-tô, để từ đó xuôi nam đến Ê-thi-ô-bi.

Sơ đồ hành trình của Phi-líp trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26, 40
Bấm vào hình để phóng lớn. Nguồn:
https://thebiblejourney.org/

27 Người đã trỗi dậy và đi. Kìa, có một người Ê-thi-ô-bi, một hoạn quan cầm quyền của Nữ Hoàng Can-đác của người Ê-thi-ô-bi. Người cai quản hết thảy kho tàng của bà. Người đã đến tận Giê-ru-sa-lem để thờ phượng,

28 và đang trở về, ngồi trên xe ngựa của mình mà đọc sách tiên tri Ê-sai.

Trên chặng đường từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-xa, Phi-líp đã gặp một viên hoạn quan người Ê-thi-ô-bi đang du hành bằng xe ngựa. Thánh Kinh không ghi lại tên của viên hoạn quan nhưng cho biết, ông là người cai quản hết thảy kho tàng của Nữ Hoàng Can-đác xứ Ê-thi-ô-bi, vào thời bấy giờ. Chức vụ của viên hoạn quan này tương đương như chức bộ trưởng ngân khố quốc gia ngày nay.

Hoạn quan là người đàn ông có quan chức, phục vụ trong cung điện của vua chúa thời phong kiến, nhưng phải chịu cắt đi bộ phận sinh dục để ngăn ngừa sự phạm tà dâm với các phụ nữ trong cung đình.

Nữ Hoàng Can-đác”: Can-đác không phải là tên riêng của một người làm nữ hoàng mà là danh hiệu để gọi những người làm nữ hoàng của xứ Ê-thi-ô-bi; tương tự như danh hiệu Pha-ra-ôn được dùng để gọi những người làm vua xứ Ê-díp-tô; hoặc danh hiệu Sê-sa được dùng để gọi những người làm vua đế quốc La-mã. Danh từ Can-đác (Kandate) trong tiếng Ê-thi-ô-bi bao gồm các nghĩa: hoàng thái hậu để chỉ mẹ của vua; thái hậu nhiếp chính để chỉ mẹ của vua thay vua trị nước khi vua còn thơ ấu; và cũng được dùng để chỉ các phụ nữ trong hoàng tộc. Nhưng từ khoảng năm 170 TCN thì danh từ Can-đác cũng được dùng để gọi một phụ nữ cầm quyền cai trị quốc gia một cách độc lập. Nữ Hoàng Can-đác trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:28 là Nữ Hoàng Ê-men-ta-ti-rê (Amantitere), cai trị Ê-thi-ô-bi từ khoảng năm 25 đến khoảng năm 41 [3].

Xứ Ê-thi-ô-bi nằm về phía nam của xứ Ê-díp-tô. Từ Giê-ru-sa-lem về Ê-thi-ô-bi phải đi ngang xứ Ê-díp-tô. Ngày nay, xa lộ đi từ Ê-thi-ô-bi đến Giê-ru-sa-lem có chiều dài là 2.564 km [4]. Nhưng ngày xưa thì chặng đường có thể lên đến 3.000 km. Vận tốc trung bình của xe ngựa có hai ngựa kéo là khoảng 20 km một giờ. Một ngày hành trình là khoảng tám tiếng với chặng đường khoảng 160 km. Như vậy, viên hoạn quan phải đi xe ngựa suốt khoảng 20 ngày từ Ê-thi-ô-bi để đến Giê-ru-sa-lem, thờ phượng Thiên Chúa; và phải đi thêm khoảng 20 ngày để từ Giê-ru-sa-lem trở về Ê-thi-ô-bi. Viên hoạn quan thật có tấm lòng tin kính Thiên Chúa. Dù vậy, vì không phải là dân I-sơ-ra-ên nên viên hoạn quan chỉ có thể thờ phượng Thiên Chúa trong khu vực dành cho dân ngoại, trong khuôn viên của Đền Thờ Thiên Chúa.

Chúng ta không biết nhờ đâu mà viên hoạn quan Ê-thi-ô-bi biết đến Chúa và tin kính Ngài, đọc Lời Ngài. Nhưng ông thật là một tấm gương sáng cho chúng ta, khi ông không ngại khó, không ngại khổ, không ngại nguy hiểm, sẵn sàng vượt chặng đường xa hàng mấy ngàn cây số để được thờ phượng Chúa, tại Đền Thờ Thiên Chúa.

29 Đấng Thần Linh đã phán với Phi-líp rằng: Hãy lại gần và theo sát xe ngựa đó!

Chúng ta đã học biết rằng, khi Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh phán dạy hoặc tác động trong tâm thần của chúng ta thì Thánh Kinh dùng danh xưng “Đức Thánh Linh” để gọi Ngài. Danh hiệu Đức Thánh Linh là để phân biệt Đấng Thần Linh của Thiên Chúa ngự trong thân thể xác thịt của con dân Chúa với tâm thần của con dân Chúa, và với các tà linh, uế linh nhập vào thân thể của loài người. Nhưng khi Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh phán dạy hoặc hành động bên ngoài thân thể của con dân Chúa thì Thánh Kinh dùng danh xưng “Đấng Thần Linh”.

So sánh:

  • Đấng Thần Linh (The Spirit): G3588 G4151

  • Đức Thánh Linh (The Holy Spirit): G3588 G4151 G3588 G40

  • Tâm thần của loài người (the spirit): G3588 G4151

  • Tà linh, uế linh, tức là ma quỷ (the spirit; the unclean spirit): G3588 G4151; G3588 G169 G4151

Các chữ số như G3588 hoặc G4151 là các mã số Strong để tra tìm ý nghĩa các từ ngữ Hy-lạp trong nguyên ngữ Thánh Kinh Tân Ước. Quý ông bà anh chị em có thể tra xem trên khu mạng từ điển của Hội Thánh [1]. Khu mạng từ điển đang trong tiến trình phiên dịch Anh Việt nên sẽ có nhiều từ ngữ chưa được dịch đến.

Như vậy, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã phán với Phi-líp từ bên ngoài thân thể xác thịt của ông. Ngài đã truyền cho Phi-líp lại gần và theo sát xe ngựa của viên hoạn quan. Tốc độ đi trung bình của loài người khoảng 5 km một giờ và tốc độ chạy trung bình khoảng 8 km một giờ. Trong khi đó, tốc độ trung bình của xe ngựa khoảng 20 km một giờ. Điều đó có nghĩa là Phi-líp phải chạy với vận tốc hơn 20 km một giờ để có thể bắt kịp và theo sát xe ngựa của viên hoạn quan. Đây chính là một phép lạ. Chính Đấng Thần Linh đã ban ơn cho Phi-líp có thể chạy với vận tốc có thể gấp ba vận tốc bình thường. Phi-líp chỉ cần vâng theo lời phán của Chúa và cất bước chạy hướng về chiếc xe ngựa, thì phép lạ xảy ra.

Trong đời sống của con dân Chúa, phép lạ luôn xảy ra khi chúng ta hoàn toàn tin cậy và vâng lời Thiên Chúa. Phần của chúng ta là tin cậy và vâng lời. Phần của Thiên Chúa là làm phép lạ để chúng ta có thể sống đúng theo Lời Chúa và hoàn thành ý định của Ngài trong đời sống của chúng ta. Thường khi sự tin cậy và vâng phục Chúa cũng thể hiện qua sự tin cậy và vâng phục những người Chúa đặt để làm công việc chăn dắt chúng ta. Lời Chúa dạy rõ:

Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.” (Hê-bơ-rơ 13:17).

Trong giao tiếp với con dân Chúa, tôi gặp nhiều trường hợp con dân Chúa tâm tình với tôi về nan đề của họ; và nhờ tôi góp ý, khuyên bảo. Nhưng khi tôi góp ý, khuyên bảo mà lời của tôi dù đúng theo Lời Chúa và hợp lý, nhưng không hợp với ý muốn hoặc sự suy nghĩ của người có nan đề, thì người ấy không làm theo. Thế rồi, người ấy cứ tiếp tục nói với tôi về nan đề. Có khi tôi nhắc đi nhắc lại ý kiến và lời khuyên đến hơn ba lần, mà có người vẫn không làm theo, nhưng cứ tiếp tục nói về nan đề. Cũng có một số con dân Chúa tiếp nhận lời khuyên bảo của tôi như trẻ con vâng lời cha mẹ. Chỉ hỏi lại cho rõ khi có điều gì chưa hiểu. Tôi nhận thấy đời sống của những người như vậy đầy phước hạnh. Tôi biết ơn Chúa đã dùng tôi để dẫn dắt họ vượt qua những khó khăn trong đời sống. Tôi biết ơn họ đã vâng phục người chăn để cho tôi có niềm vui khi thấy đời sống của họ đầy ơn Chúa, đầy các phép lạ đến bởi đức tin và lòng vâng phục.

Tôi nói điều này không phải để khoe mình là người thông thái, biết cách giải quyết mọi nan đề cho mọi người. Tôi chỉ là công cụ trong tay Chúa, được Chúa dùng để chăn dắt con dân của Ngài. Sự khôn sáng của tôi là đến từ Chúa. Tôi cũng không đòi hỏi con dân Chúa phải làm theo mọi lời góp ý, khuyên bảo của tôi. Mỗi người có quyền tự do lựa chọn và mỗi người đều có thể đến với Chúa để hỏi Chúa xem có nên làm theo lời góp ý, khuyên bảo của tôi hay không. Nhưng nếu có ai đó đã chọn không làm theo thì xin đừng tiếp tục nói với tôi về cùng một nan đề nữa.

Tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho tôi sống gần đến 67 tuổi, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, được nhiều cơ hội và phương tiện học hỏi, nhờ đó, tôi cảm thông được với những người có nan đề và hiểu được lời góp ý, khuyên bảo mà Chúa cảm động lòng tôi để tôi chia sẻ với con dân Chúa.

30 Phi-líp đã chạy đến, và nghe người ấy đọc sách tiên tri Ê-sai, thì nói rằng: Ông hiểu những gì ông đọc chăng?

Viên hoạn quan đã đọc Thánh Kinh ra tiếng, nhờ đó mà Phi-líp có thể nghe biết ông đang đọc sách Ê-sai. Phi-líp đã trực tiếp hỏi ngay viên hoạn quan rằng, ông có hiểu điều ông đang đọc hay không, mà không có lời chào hay lời tự giới thiệu về mình.

Chúng ta hãy hình tưởng ra cảnh chiếc xe ngựa do hai con ngựa kéo, được người đánh xe điều khiển. Viên hoạn quan ngồi trong thùng xe, lớn tiếng đọc Thánh Kinh. Phi-líp từ xa chạy theo kịp chiếc xe, vẫn vừa chạy, vừa nhìn qua khung cửa sổ của thùng xe, vừa lên tiếng hỏi viên hoạn quan.

Chúng ta không biết, vì sao viên hoạn quan đang đọc sách Ê-sai. Rất có thể viên hoạn quan đã đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua và ở lại cho tới khi kết thúc Lễ Ngũ Tuần. Thời gian ông lưu trú tại Giê-ru-sa-lem là vào khoảng hai tháng. Trong khoảng thời gian ấy, ông đã nghe về câu chuyện chịu thương khó, chịu chết, sống lại và thăng thiên của Đấng Christ; được nghe nhiều phép lạ đã xảy ra cho các môn đồ của Đấng Christ; được nghe có nhiều người tin nhận Đấng Christ. Có thể vì thế mà trên đường về, viên hoạn quan đã đọc sách Ê-sai để tìm hiểu lời tiên tri về Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ.

Việc đọc Thánh Kinh ra tiếng là một điều rất có ích lợi. Nó giúp cho chúng ta kiểm chứng điều mắt mình thấy, miệng mình đọc bằng sự tai mình nghe. Nó giúp cho chúng ta dễ hiểu hơn và nhớ lâu hơn. Tôi được biết có một con dân Chúa có thói quen chép lại Thánh Kinh. Thói quen ấy giúp ích rất nhiều cho sự hiểu và ghi nhớ Lời Chúa. Cũng chính vì thế mà tôi khuyên các cháu thiếu nhi, mỗi ngày chép và đọc câu gốc 10 lần, rồi buổi tối suy ngẫm câu gốc trước khi ngủ.

31 Người ấy nói: Làm sao tôi có thể hiểu, trừ khi ai đó hướng dẫn tôi? Rồi, người đã gọi Phi-líp lên, ngồi với người.

Viên hoạn quan đã không lấy làm lạ về chuyện có người chạy kịp với xe ngựa của mình mà thật thà trả lời câu hỏi của Phi-líp. Rồi sau đó, ông đã mời Phi-líp lên xe, cùng ngồi với mình. Có lẽ, dù chưa biết Phi-líp có thể hướng dẫn mình về Lời Chúa hay không, nhưng có người quan tâm đến điều mình đọc đã khiến cho viên hoạn quan thích thú, muốn được trao đổi, trò chuyện với Phi-líp.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng, Chúa biết trước mọi sự và biết tấm lòng của mỗi người. Ngài biết viên hoạn quan có tấm lòng tin kính Chúa và muốn học biết về Chúa nên Ngài đã sai Phi-líp đến với ông. Nếu có ai thật lòng tìm kiếm Chúa thì Ngài biết rõ, và nếu cần, Chúa sẽ làm ra phép lạ để giúp người ấy đến với Ngài. Vì thế, chúng ta không cần phải lo rằng, có những người có lòng tìm kiếm Chúa nhưng không có phương tiện để đến với Ngài. Không lẽ, một Đức Chúa Trời Toàn Năng là “Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4) mà lại không thể đáp ứng, ban phương tiện cho người thật lòng tìm kiếm Ngài? Bổn phận của chúng ta là cầu thay cho mọi người (I Ti-mô-thê 2:1) và hết lòng rao giảng Tin Lành, dù gặp thời hay không gặp thời (II Ti-mô-thê 4:2). Mọi sự còn lại nằm trong bàn tay của Thiên Chúa Toàn Năng đầy lòng từ ái. Vì “với Thiên Chúa mọi việc đều được” (Ma-thi-ơ 19:26).

32 Chỗ Thánh Kinh người ấy đã đọc là đoạn này: Ngài đã bị kéo đi như con chiên đến hàng làm thịt. Lại như chiên con câm trước kẻ hớt lông nó. Ngài chẳng mở miệng mình.

33 Trong sự nhục nhã của Ngài thì sự công chính của Ngài đã bị cất đi. Ai sẽ thuật lại về thế hệ của Ngài? Vì sự sống của Ngài đã bị cất khỏi đất! [Ai sẽ thuật lại sự gian ác của những người sống cùng thời với Ngài? Ê-sai 53:7-8]

Qua nội dung của câu 32 và 33 mà chúng ta biết rằng, viên hoạn quan đang đọc Thánh Kinh theo Bản Dịch 70. Bản Dịch 70 là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, do 72 người I-sơ-ra-ên được tuyển chọn từ trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên, mỗi chi phái sáu người. Năm sách đầu của Cựu Ước được phiên dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Các sách còn lại được phiên dịch vào thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Ban đầu, Bản Dịch 70 được những người I-sơ-ra-ên sống tại Ê-díp-tô dùng; vì họ đọc và nói tiếng Hy-lạp nhưng không đọc và nói được tiếng Hê-bơ-rơ. Đến thời của Đức Chúa Jesus thì Bản Dịch 70 đã được dùng rộng rãi trong các nhà hội của người I-sơ-ra-ên ở khắp nơi trong đế quốc La-mã. Sau khi Hội Thánh được thành lập thì Bản Dịch 70 đã được dùng trong Hội Thánh. Quý ông bà anh chị em có thể vào khu mạng từ điển của Hội Thánh, tra tìm “Bản Dịch 70” [1]

Phân đoạn Thánh Kinh mà Phi-líp đã nghe viên hoạn quan đọc là phần sau của Ê-sai 53:7 và phần đầu của Ê-sai 53:8. Dưới đây là phần dịch Ê-sai 53:7-8 theo sát nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh:

Người đã bị hiếp đáp và người đã bị khốn khổ, nhưng người đã chẳng mở miệng của mình. Người bị mang như chiên con đến hàng làm thịt và như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông, Người chẳng từng mở miệng. Người đã bị cất đi bởi sự hà hiếp và bởi sự phán xét. Ai sẽ thuật lại về thế hệ của Người? Vì Người đã bị dứt khỏi đất của người sống. Bởi sự phạm pháp của dân Ta mà Người đã bị đánh.” (Ê-sai 53:7-8).

Đấng Christ đã bị hiếp đáp và bị khốn khổ, tức là bị vu khống, bị sỉ nhục, bị đánh đập, bị lên án chết. Nhưng Ngài đã không mở miệng để phản đối hay tự bênh vực. Ngài đã giống như chiên con bị đem đến hàng làm thịt, giống như con chiên im lặng chịu đựng người thợ hớt lông của nó.

Bị cất đi” trong Ê-sai 53:8 hàm ý, bị giết. Đấng Christ đã bị giết bởi sự hà hiếp và bởi sự phán xét bất công của những kẻ cầm quyền. Có ai sẽ suy ngẫm đến sự độc ác của những người thuộc thế hệ giết chết Đấng Christ? Ngài đã bị cất đi mạng sống. Ngài đã bị đánh hạ bởi sự phạm tội của con dân Chúa.

Bản Dịch 70 đã dịch diễn ý phần đầu của Ê-sai 53:8; diễn ý câu: “Người đã bị cất đi bởi sự hà hiếp và bởi sự phán xét” thành: “Trong sự nhục nhã của Ngài thì sự công chính của Ngài đã bị cất đi”. Sự nhục nhã của Đấng Christ là sự Ngài bị vu khống, bị sỉ nhục, bị đánh đập, bị lên án chết. Sự công chính của Đấng Christ là sự Ngài phải được xử trắng án (chính Phi-lát, người xét xử Đấng Christ, đã ba lần tuyên bố rằng, ông không thấy Ngài có tội). Nhưng sự công chính của Ngài đã bị cất đi khỏi Ngài, trong khi Ngài bị làm nhục, bởi sự phán xét không công chính của những kẻ cầm quyền. Cách dịch diễn ý không làm sai lạc Lời Chúa, giúp người đọc dễ hiểu hơn, nhưng không theo sát nguyên ngữ của Thánh Kinh.

34 Viên hoạn quan đã nói với Phi-líp rằng: Tôi xin hỏi ông, đấng tiên tri đã nói điều đó về ai? Về chính mình người hay về ai khác?

Viên hoạn quan đã hỏi Phi-líp ngay chỗ ông đang đọc, nhưng không phải chỉ hai câu Phi-líp nghe ông đọc lớn tiếng, mà là cả phân đoạn Ê-sai 53. Ông muốn biết lời tiên tri trong Ê-sai đoạn 53 là chỉ về chính Ê-sai hay chỉ về ai khác. Lý do ông hỏi như vậy có lẽ là vì ông có biết, Tiên Tri Ê-sai bị cưa làm hai. Theo lịch sử ngoài Thánh Kinh của dân I-sơ-ra-ên thì Tiên Tri Ê-sai đã bị Vua Ma-na-se, con của Vua Ê-xê-chia, sai người cưa ông làm hai. Có lẽ Hê-bơ-rơ 11:37 đã nói đến cái chết bị cưa hai của Tiên Tri Ê-sai.

35 Phi-líp đã mở miệng mình, bắt đầu từ chỗ Thánh Kinh đó mà giảng Tin Lành về Đức Chúa Jesus cho người.

Danh từ “giảng Tin Lành” (G2097) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ rất đặc biệt. Nghĩa đen là thông báo một tin tức tốt lành; nghĩa bóng là thông báo tin tức tốt lành về Nước Trời, như lời công bố của Đấng Christ trong Ma-thi-ơ 24:14.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ: tin lành khác với tin mừng. Tin lành là tin tức tốt lành cho tất cả mọi người; trong khi đó, tin mừng đối với người này có thể là tin buồn đối với người khác. Vì thế, đừng bao giờ gọi Tin Lành của Chúa bằng danh từ “tin mừng”.

Phi-líp đã bắt đầu từ Ê-sai đoạn 53, giảng Tin Lành về Đức Chúa Jesus cho viên hoạn quan Ê-thi-ô-bi. Điều đó có nghĩa là Phi-líp đã giảng cho viên hoạn quan về vai trò, địa vị, và việc làm của Đức Chúa Jesus trong Tin Lành. Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi đã được hứa trong Thánh Kinh. Đức Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời và Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người. Đức Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá để gánh thay hình phạt của sự phạm tội cho toàn thể loài người. Tội lỗi là bất cứ điều gì vi phạm các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết của Đức Chúa Jesus thì người ấy được Đức Chúa Trời tha tội; được Đức Chúa Jesus cứu ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi; được Đức Thánh Linh ngự vào trong thân thể xác thịt, ban cho thánh linh để người ấy sống một đời sống mới, thánh khiết, bình an trong Chúa, dẫn đến sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

Chúng ta hiểu rằng, Phi-líp bắt đầu từ Ê-sai đoạn 53 để giảng Tin Lành về Đức Chúa Jesus có nghĩa là sau đó, Phi-líp đã tiếp tục dùng các phân đoạn khác trong Thánh Kinh Cựu Ước để giảng về Đức Chúa Jesus. Cũng theo Lu-ca, khi Đức Chúa Jesus hiện ra, đi đường với hai môn đồ trên đường từ Giê-ru-sa-lem về Em-ma-út, thì Ngài đã bắt đầu từ các sách của Môi-se, tức là từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký, cho đến các sách của các tiên tri để giảng giải cho họ những điều chỉ về Ngài trong cả Thánh Kinh (Lu-ca 24:27). Nói cách khác, cả Thánh Kinh đều chỉ về Đức Chúa Jesus. Thời của Phi-líp và Lu-ca, Thánh Kinh chỉ có phần Cựu Ước. Ngày nay, chúng ta có Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước được dịch ra ngôn ngữ của chính mình, là một ơn phước lớn của Chúa ban cho những người sống trong thời đại Hội Thánh và Kỳ Tận Thế. Thánh Kinh Cựu Ước tiên tri về Đấng Christ. Thánh Kinh Tân Ước giãi bày về Đấng Christ.

36 Trong khi họ đi dọc đường, họ đã đến một nơi có nước. Viên hoạn quan nói: Này, nước đây! Có sự gì ngăn cấm tôi chịu báp-tem chăng?

Chúng ta không biết từ khi Phi-líp lên xe và giảng Tin Lành cho viên hoạn quan tới khi ông muốn chịu báp-tem là bao lâu. Nhưng chắc chắn là Đấng Thần Linh đã giúp cho viên hoạn quan hiểu rõ những gì Phi-líp rao giảng và khiến cho ông có đức tin nơi Đấng Christ. Vì thế, chính viên hoạn quan đã đề nghị được chịu báp-tem. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng, Chúa đã dự bị cho xe ngựa đi tới chỗ có nước đúng vào thời điểm viên hoạn quan tin nhận Tin Lành. Đây cũng thêm một cơ hội cho chúng ta học và nhớ rằng, người tin Chúa cần được báp-tem càng sớm càng tốt. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, người tin Chúa mà chưa chịu báp-tem (vì không có lòng sốt sắng) thì sẽ không nhận được các sự ban cho của Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh. Người đó vẫn được cứu và nếu tiếp tục giữ vững đức tin cho tới chết thì sẽ được vào Vương Quốc Trời. Nhưng cho tới khi người ấy chịu báp-tem, người ấy sẽ không nhận được các sự ban cho của Đức Chúa Trời, kể cả sự Đấng Thần Linh ngự vào thân thể xác thịt, kể cả sự được Đức Chúa Jesus làm báp-tem trong thánh linh. Vì các sự ban cho của Đức Chúa Trời là ban chung cho Hội Thánh. Một người phải được báp-tem vào trong Hội Thánh thì mới được chia phần về các sự ban cho ấy. Nhưng không phải sự chịu báp-tem giúp chúng ta nhận được đặc quyền ấy, mà là tấm lòng trọn vẹn vâng phục Lời Chúa, sốt sắng làm theo Lời Chúa.

Minh họa: Một đại gia nhận nuôi hai con nuôi và bảo hai con nuôi đến văn phòng quản gia nhận chứng từ xác nhận họ đã là con nuôi của đại gia. Người con nuôi thứ nhất nhanh chóng đến văn phòng quản gia nhận chứng từ và được quản gia giao cho phần tài sản của cha nuôi đã ban cho, để người ấy bắt đầu cuộc sống mới trong địa vị con của một đại gia. Người con nuôi thứ nhì vì một lý do gì đó đã không sốt sắng đến văn phòng của quản gia để nhận chứng từ nên không nhận được phần tài sản mà cha nuôi đã chia cho. Cả hai vẫn là con nuôi của vị đại gia, nhưng người sốt sắng vâng lời cha nuôi thì lập tức có đời sống thuận tiện và thoải mái mà cha nuôi đã sắm sẵn cho mình. Còn người không sốt sắng vâng lời cha nuôi thì dù được làm con nuôi của đại gia nhưng thực tế của đời sống thì chưa có gì thay đổi.

Người mới tin nhận Chúa cần được báp-tem để nhận sự ban cho Đức Thánh Linh, sự đổ đầy thánh linh, thì người ấy mới có thể học và hiểu Lời Chúa. Nhiều giáo hội buộc những người mới tin Chúa phải học giáo lý căn bản, thi đậu bài khảo hạch thì mới làm báp-tem cho họ. Làm như vậy là hoàn toàn trái nghịch mạng lệnh của Đức Chúa Jesus, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19-20. Mạng lệnh của Chúa là: Giảng Tin Lành để muôn dân tin nhận Tin Lành; làm báp-tem cho họ; rồi mới dạy cho họ hết thảy mọi điều mà Chúa đã truyền cho chúng ta.

37 Phi-líp đã nói: Nếu ông tin trọn lòng, điều đó có thể được. Người trả lời rằng: Tôi tin Jesus Christ là Con của Đức Chúa Trời.

Điều kiện duy nhất để được báp-tem vào trong Hội Thánh, được liên kết vào trong chính Chúa là trọn lòng tin nhận Tin Lành. Trọn lòng tin nhận Tin Lành là thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, và hết lòng muốn sống thánh khiết theo Lời Chúa.

Câu tuyên xưng: “Tôi tin Jesus Christ là Con của Đức Chúa Trời” có nghĩa là:

  • Tôi tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, tức là Đấng Cứu Rỗi đã được Đức Chúa Trời hứa trong Thánh Kinh.

  • Tôi tin Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc nhân loại.

  • Tôi tin mọi lời phán dạy của Đức Chúa Jesus và vâng theo mọi lời phán dạy của Ngài.

Đó là điều kiện để một người được sự cứu rỗi, được báp-tem vào trong Hội Thánh, và trở thành một chi thể trong thân thể của Đấng Christ.

38 Người truyền cho xe ngựa dừng lại; rồi họ đã cùng đi xuống nước, cả Phi-líp lẫn viên hoạn quan, và [Phi-líp] đã làm báp-tem cho người.

39 Khi họ lên khỏi nước, linh của Chúa đã đem Phi-líp đi. Viên hoạn quan chẳng thấy người nữa, mà vui mừng, tiếp tục lên đường.

Chúng ta có thể tin rằng, lần này, khi làm báp-tem cho viên hoạn quan thì Phi-líp đã làm báp-tem cho ông vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh.

Sau khi hai người ra khỏi nước thì linh của Chúa, tức năng lực của Đấng Thần Linh, đã đem Phi-líp rời khỏi chỗ đó. Chúng ta có thể hình tưởng rằng, hai người vừa ra khỏi nước thì Phi-líp đã đột nhiên biến mất. Viên hoạn quan không còn thấy Phi-líp nữa, nhưng phép lạ đó lại càng ấn chứng cho viên hoạn quan rằng, Phi-líp đã được Chúa sai đến để giảng Tin Lành cho ông và làm báp-tem cho ông. Ông vui mừng, tiếp tục lên đường, về lại quê hương của ông. Ông vui mừng vì đã được cứu rỗi. Ông vui mừng vì được hiểu biết Lời Chúa. Ông vui mừng vì khi một người thật sự có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của người ấy thì người ấy có sự vui mừng. Chúng ta có thể tin rằng, viên hoạn quan Ê-thi-ô-bi cũng đã được Chúa dùng để đem Tin Lành đến cho dân Ê-thi-ô-bi thời bấy giờ.

40 Phi-líp được thấy trong thành A-xốt. Người đã du hành và giảng trong hết thảy các thành cho tới khi người đến tận Sê-sa-rê.

Thành A-xốt (Azotus) còn gọi là Ách-đốt (Ashdod), ở về phía bắc của thành Ga-xa. Từ đó, Phi-líp đi dọc miền duyên hải lên hướng bắc, lần lượt giảng Tin Lành trong các thành, bao gồm hai thành lớn là thành Giốp-bê (Joppa) và thành Sê-sa-rê (Caesarea).

Tới đây, chúng ta kết thúc bài học này.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/08/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BA%A3i_Gaza

[3] https://www.worldhistory.org/The_Candaces_of_Meroe/

[4] https://www.distancefromto.net/distance-from-ethiopia-to-jerusalem

Karaoke Thánh Ca: “Vững Vàng Lòng Tin”
https://karaokethanhca.net/vung-vang-long-tin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.