Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL057 Lời Cảnh Báo về Sự Bị Bách Hại Vì Danh Chúa

193 views

YouTube: https://youtu.be/cTAU-RI-AXw

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL057 Lời Cảnh Báo về Sự Bị Bách Hại Vì Danh Chúa
Ma-thi-ơ 10:16-36

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 10:16-36

16 Này, Ta sai các ngươi đi như chiên vào giữa bầy sói. Vậy, các ngươi hãy nên khôn khéo như những rắn và đơn sơ như những bồ câu.

17 Hãy coi chừng người ta. Vì họ sẽ nộp các ngươi cho các tòa án. Họ sẽ đánh đòn các ngươi trong các nhà hội của họ.

18 Ngoài ra, vì cớ Ta, các ngươi sẽ bị giải đến trước các thống đốc và các vua, để làm chứng cớ cho họ và các dân ngoại.

19 Nhưng khi họ đem nộp các ngươi, chớ lo các ngươi sẽ nói như thế nào hoặc nói gì. Vì trong giờ đó, sẽ ban cho các ngươi điều các ngươi sẽ nói.

20 Vì chẳng phải là các ngươi nói, nhưng Đấng Thần Linh của Cha các ngươi nói trong các ngươi.

21 Anh em sẽ nộp anh em vào trong sự chết. Cha sẽ nộp con. Con cái sẽ dấy lên nghịch lại cha mẹ mà khiến họ bị chết.

22 Các ngươi cũng sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta. Nhưng ai kiên trì cho tới cuối cùng sẽ được cứu.

23 Khi họ bách hại các ngươi trong thành này, các ngươi hãy trốn qua thành kia. Vì thật, Ta nói với các ngươi, cho tới khi Con Người đến, các ngươi chưa đi khắp những thành của dân I-sơ-ra-ên.

24 Môn đồ thì không hơn thầy; tôi tớ cũng không hơn chủ của mình.

25 Môn đồ mà được như thầy của mình và tôi tớ như chủ của mình, thì cũng đủ rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, thì những người nhà của người ấy còn bị gọi tệ hơn biết bao nhiêu. [Bê-ên-xê-bun được phiên âm từ một danh từ trong tiếng Hê-bơ-rơ (H1176), có nghĩa là “Chúa Ruồi”, tên một tà thần được dân Phi-li-tin thờ lạy.]

26 Vậy, các ngươi đừng sợ họ! Vì chẳng có việc gì che kín mà sẽ chẳng bị phơi bày, giấu giếm mà sẽ chẳng được làm cho biết.

27 Những gì Ta phán với các ngươi trong nơi tối tăm, các ngươi hãy nói trong nơi sáng láng. Những gì các ngươi nghe vào lỗ tai, các ngươi hãy giảng ra trên những mái nhà.

28 Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được cả linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.

29 Không phải hai con chim sẻ bị bán với giá một đồng xu sao? Nhưng không một con nào trong chúng rơi xuống đất mà không bởi ý của Cha các ngươi.

30 Tóc trên đầu các ngươi cũng đã được đếm hết rồi.

31 Vậy, các ngươi đừng sợ! Các ngươi có giá trị hơn nhiều con chim sẻ.

32 Vậy nên, bất cứ ai sẽ xưng nhận trong Ta trước loài người, Ta cũng sẽ xưng nhận trong người ấy trước Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời.

33 Nhưng bất cứ ai sẽ chối Ta trước loài người, Ta cũng sẽ chối người ấy trước Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời.

34 Đừng tưởng rằng, Ta đến để ban sự bình an trên đất. Ta đã đến, không phải ban sự bình an nhưng gươm.

35 Vì Ta đến để phân rẽ: Một người nghịch lại cha mình, con gái nghịch lại mẹ mình, con dâu nghịch lại mẹ chồng mình.

36 Và những kẻ thù nghịch của một người sẽ là những người nhà mình.

Sau khi truyền lệnh cho mười hai sứ đồ đi khắp các làng và các thành của dân I-sơ-ra-ên để rao giảng Tin Lành thì Đức Chúa Jesus đã cảnh báo họ, về sự bách hại mà họ sẽ phải đối diện. Sự bách hại không phải chỉ xảy ra với mười hai sứ đồ của Đức Chúa Jesus mà là cho bất cứ ai rao giảng Tin Lành, cho bất cứ ai tin nhận Tin Lành, và cho bất cứ ai sống theo Tin Lành, trong mọi thời đại.

Chúng ta cần ghi nhớ điểm quan trọng này: Những lời phán dạy của Đức Chúa Jesus, dù là cho mười hai sứ đồ, hoặc cho tất cả các môn đồ của Ngài, hoặc cho những người dân đi theo Ngài thì cũng là lời phán dạy chung cho con dân Chúa từ khi ấy cho tới Kỳ Tận Thế. Điển hình là những lời Đức Chúa Jesus phán với các môn đồ, được ghi lại trong Ma-thi-ơ đoạn 24. Rõ ràng là các môn đồ của Chúa vào thời ấy đã không sống cho tới Kỳ Tận Thế. Nhưng Chúa vẫn dùng cách gọi “các ngươi”, khi Ngài nói đến những sự sẽ xảy ra liền trước và trong Kỳ Tận Thế.

Vì thế, chúng ta hãy tập thói quen đón nhận những lời phán của Chúa, như là Ngài đang phán với chúng ta.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu lời phán của Chúa qua từng câu, trong Ma-thi-ơ 10:16-36.

16 Này, Ta sai các ngươi đi như chiên vào giữa bầy sói. Vậy, các ngươi hãy nên khôn khéo như những rắn và đơn sơ như những bồ câu.

Chiên thuộc loài gia súc, hiền lành. Sói thuộc loài dã thú, săn bắt và ăn thịt chiên. Chiên được dùng tiêu biểu cho con dân Chúa, như Thi Thiên 100:3 đã so sánh. Sói được dùng tiêu biểu cho người trong thế gian không tin kính Thiên Chúa, luôn tìm cách bách hại con dân Chúa. Các sứ đồ của Chúa được Ngài sai đi rao giảng Tin Lành sẽ đi vào giữa những người xấu xa, gian ác trong thế gian. Họ phải khôn khéo để tránh những sự bị bách hại, bị lường gạt. Họ phải đơn sơ để tránh bị hiểu lầm.

Khôn khéo như rắn là biết nhận thức và tránh xa sự nguy hiểm, tránh xa kẻ thù. Đơn sơ như bồ câu là ngay thẳng, rõ ràng, không khuất lấp để tránh bị hiểu lầm.

17 Hãy coi chừng người ta. Vì họ sẽ nộp các ngươi cho các tòa án. Họ sẽ đánh đòn các ngươi trong các nhà hội của họ.

18 Ngoài ra, vì cớ Ta, các ngươi sẽ bị giải đến trước các thống đốc và các vua, để làm chứng cớ cho họ và các dân ngoại.

Hãy coi chừng người ta” là hãy đề cao cảnh giác trước những người không tin Chúa. Những người không tin Chúa chỉ làm những gì có lợi cho họ và những gì đúng với tín ngưỡng tôn giáo của họ. Khi bị đụng chạm quyền lợi, họ sẽ thưa kiện con dân Chúa ra các tòa án. Khi bị xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, họ sẽ hành hung con dân Chúa. Vào thời của Đức Chúa Jesus, những người theo Do-thái Giáo đánh đòn những ai xúc phạm tín ngưỡng Do-thái Giáo của họ, ngay trong các nhà hội của họ. Thậm chí, họ còn ném đá cho tới chết, như họ đã làm đối với Chấp Sự Ê-tiên. Họ cũng nhiều lần tìm cách ném đá Đức Chúa Jesus; và một lần ném đá Sứ Đồ Phao-lô gần chết. Ngày nay, dân I-sơ-ra-ên vẫn chống đối và sỉ nhục những người rao giảng Tin Lành. Còn những người theo Hồi Giáo sẽ hành hung và thậm chí giết chết những ai rao giảng Tin Lành, trong các quốc gia theo Hồi Giáo.

Thống đốc và vua tiêu biểu cho những nhà cầm quyền cao cấp trong chính quyền. Chính Đức Chúa Jesus đã từng bị giải ra trước Thống Đốc Phi-lát và Vua Hê-rốt An-ti-ba. Sứ Đồ Gia-cơ đã bị giết bởi Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba. Sứ Đồ Phao-lô đã từng bị giải ra trước Thống Đốc Phê-lít, Thống Đốc Phê-tu, Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba, và Hoàng Đế Nê-rô.

Mỗi khi người giảng Tin Lành bị giải ra trước những nhà cầm quyền của đời này thì đó là lúc họ trở thành chứng cớ cho sự Tin Lành đã được giảng ra cho những người ấy; và cũng là chứng cớ cho sự những người ấy bách hại con dân Chúa. Nếu những nhà cầm quyền ấy không ăn năn thì chứng cớ đó sẽ được đem ra kết tội họ, trong ngày phán xét chung cuộc.

19 Nhưng khi họ đem nộp các ngươi, chớ lo các ngươi sẽ nói như thế nào hoặc nói gì. Vì trong giờ đó, sẽ ban cho các ngươi điều các ngươi sẽ nói.

20 Vì chẳng phải là các ngươi nói, nhưng Đấng Thần Linh của Cha các ngươi nói trong các ngươi.

Có hai điều con dân Chúa không cần phải sắp xếp trước lời nói. Đó là khi rao giảng Tin Lành và khi bị giải ra trước những nhà cầm quyền, vì sự rao giảng Tin Lành.

Tin Lành là điều kỳ diệu nhất xảy ra cho một người. Người ấy không cần phải sắp xếp, không cần phải được huấn luyện để nói về Tin Lành. Giả sử, chúng ta đang bị kẹt trong một căn nhà bị cháy, được nhân viên cứu hỏa xông vào, giải cứu chúng ta, đem chúng ta ra khỏi biển lửa. Thế thì chúng ta có cần sắp xếp hay có cần được huấn luyện để nói cho người khác biết, chúng ta đã được cứu như thế nào không?

Khi bị giải ra trước những nhà cầm quyền vì sự rao giảng Tin Lành thì đó chính là cơ hội để rao giảng Tin Lành cho họ. Vì thế, con dân Chúa cứ tận dụng cơ hội để giảng Tin Lành cho những nhà cầm quyền. Sau đó, nếu có những sự chất vấn, buộc tội thì chính Đức Thánh Linh sẽ ban cho lời khôn sáng để đáp trả. Mà thực tế là chính Đức Thánh Linh đáp trả qua môi miệng của con dân Chúa. Vì thế, khi bị những nhà cầm quyền bắt vì rao giảng Tin Lành, con dân Chúa chỉ cần cầu nguyện, xin Đức Thánh Linh giúp mình rao giảng Tin Lành cho họ, và thay mình đáp trả những sự tra vấn của họ.

21 Anh em sẽ nộp anh em vào trong sự chết. Cha sẽ nộp con. Con cái sẽ dấy lên nghịch lại cha mẹ mà khiến họ bị chết.

Trong gần hai ngàn năm lịch sử của Hội Thánh trên đất, trải qua nhiều thời đại, ở tại nhiều đất nước, con dân Chúa vẫn thường bị bách hại cho đến chết. Chính người nhà của họ giao nộp họ cho những nhà cầm quyền có chính sách bách hại Hội Thánh. Chỉ cần mang danh là người tin nhận Đức Chúa Jesus thì đủ để mang án chết. Ngày nay, tại Bắc Hàn và tại các quốc gia Hồi Giáo, nhà cầm quyền lên án chết những ai rao giảng và những ai tin nhận Tin Lành, những ai phân phát và cất giữ Thánh Kinh. Tại Phi Châu, những người theo Hồi Giáo vẫn tấn công, tàn sát con dân Chúa.

22 Các ngươi cũng sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta. Nhưng ai kiên trì cho tới cuối cùng sẽ được cứu.

Bị ghét vì danh của Đức Chúa Jesus là bị ghét vì tin nhận Ngài, sống giống như Ngài, rao giảng về Ngài. Nhóm chữ “mọi người” được dùng trong câu này của Đức Chúa Jesus là chỉ về hết thảy những ai không tin nhận Ngài, hoặc không thật lòng tin nhận Ngài. Người không thật lòng tin nhận Ngài là người mang danh là môn đồ của Ngài nhưng không sống giống như Ngài.

Thực tế cho thấy, nhiều người mang danh là con dân Chúa trong các giáo hội nhưng ghét những ai sống giống như Đức Chúa Jesus.

Bị ghét vì danh Chúa, chịu khổ vì danh Chúa là điều đương nhiên sẽ đến với bất cứ ai thật lòng tin nhận Ngài, sống theo Ngài, rao giảng về Ngài. Nhưng có nhiều người chối bỏ đức tin nơi Đấng Christ khi họ xem trọng người thân hơn Chúa, hoặc khi họ bị bách hại khốc liệt. Những người như vậy bị trật phần ân điển. Nhưng những người trung tín chịu khổ vì danh Chúa sẽ được giải cứu trong đời này lẫn trong đời sau. Trong đời này, Chúa sẽ giải cứu họ khỏi hoàn cảnh bị bách hại. Trong đời sau, Chúa sẽ giải cứu họ khỏi sự hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Động từ “kiên trì” trong nguyên ngữ Hy-lạp (G5278) có nghĩa đen là: cứ ở lại, chịu đựng, không bỏ chạy; có nghĩa bóng là: bình tĩnh và can đảm chịu đựng sự bất công. “Kiên trì cho tới cuối cùng” có nghĩa là trung tín sống như Đức Chúa Jesus cho tới khi ra khỏi cuộc đời này. Sự cuối cùng đối với người kiên trì trong Đấng Christ là sự người ấy qua đời, hoặc được Đấng Christ biến hóa thân thể xác thịt của người ấy và đem người ấy ra khỏi thế gian.

23 Khi họ bách hại các ngươi trong thành này, các ngươi hãy trốn qua thành kia. Vì thật, Ta nói với các ngươi, cho tới khi Con Người đến, các ngươi chưa đi khắp những thành của dân I-sơ-ra-ên.

Mục đích của sự con dân Chúa cần phải trốn từ thành này sang thành khác khi bị bách hại vừa để con dân Chúa tránh sự bách hại vừa để tiếp tục sự rao giảng Tin Lành. Nhiều người lầm tưởng rằng, chịu khổ vì danh Chúa là không trốn tránh khi bị bách hại. Nhưng câu 16 và câu 23 là mệnh lệnh Đức Chúa Jesus truyền cho con dân Chúa phải khôn khéo, tránh sự bị bách hại.

Những thành của dân I-sơ-ra-ên” bao gồm tất cả những nơi nào dân I-sơ-ra-ên tập trung sống với nhau, không nhất thiết phải là trong xứ Giu-đê và trong xứ Ga-li-lê.

Khi Con Người đến” có thể hiểu là khi Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Thực tế, mười hai sứ đồ của Chúa đều đã qua đời, trước khi họ đi khắp các thành của dân I-sơ-ra-ên để rao giảng Tin Lành. Ngày nay, con dân Chúa vẫn tiếp tục rao giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên nhưng chắc chắn là cho tới khi Đấng Christ đến, con dân Chúa vẫn chưa đi đến khắp các thành của người I-sơ-ra-ên. Điển hình là ngay tại Iran và Thổ-nhĩ-kỳ, hai quốc gia theo Hồi Giáo, cấm rao giảng Tin Lành, vẫn đang có những cộng đồng người I-sơ-ra-ên sinh sống. Theo thống kê, có hơn 8.000 người I-sơ-ra-ên đang sống tại Iran và có hơn 14.000 người I-sơ-ra-ên đang sống tại Thổ-nhĩ-kỳ [1].

Sự Tin Lành được rao giảng khắp đất cho mỗi quốc gia, mỗi chi tộc, mỗi ngôn ngữ, và mỗi dân tộc chỉ có thể được thực hiện bởi thiên sứ vào giữa Kỳ Tận Thế, như đã tiên tri trong Khải Huyền 14:6.

24 Môn đồ thì không hơn thầy; tôi tớ cũng không hơn chủ của mình.

25 Môn đồ mà được như thầy của mình và tôi tớ như chủ của mình, thì cũng đủ rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, thì những người nhà của người ấy còn bị gọi tệ hơn biết bao nhiêu. [Bê-ên-xê-bun được phiên âm từ một danh từ trong tiếng Hê-bơ-rơ (H1176), có nghĩa là “Chúa Ruồi”, tên một tà thần được dân Phi-li-tin thờ lạy.]

Câu 24 thường được hiểu là học trò thì không thể nào giỏi hơn thầy dạy mình, tôi tớ thì không thể nào cao sang hơn người chủ mà mình phục vụ. Nhưng ý chính ở đây là học trò và tôi tớ thì không được đối xử cao trọng hơn thầy và chủ của mình. Nếu học trò và tôi tớ được cư xử ngang hàng với thầy và chủ của mình thì như vậy cũng là đủ, không thể mong đợi hơn.

Nếu người thế gian đã không tôn trọng Đấng Christ, gọi Ngài bằng một danh xưng của tà thần thì không thể nào họ tôn trọng các môn đồ của Ngài.

Danh từ “Bê-ên-xê-bun” (G954) được phiên âm từ một danh từ ghép trong tiếng Hê-bơ-rơ (H1176). Đó là “ba-anh” (H1168) có nghĩa là: chúa, chủ; và “giê-hu” (H2070) có nghĩa là: ruồi. Vậy, “Ba-anh-giê-hu” hay “Bê-ên-xê-bun” có nghĩa là “Chúa Ruồi”. Danh từ này được các giống dân Ca-na-an dùng để gọi tà thần có năng lực xua đuổi ruồi cho họ. Những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo thì cho rằng Bê-ên-xê-bun là chúa quỷ, tức Sa-tan (Ma-thi-ơ 12:24; Mác 3:22; Lu-ca 11:15).

26 Vậy, các ngươi đừng sợ họ! Vì chẳng có việc gì che kín mà sẽ chẳng bị phơi bày, giấu giếm mà sẽ chẳng được làm cho biết.

27 Những gì Ta phán với các ngươi trong nơi tối tăm, các ngươi hãy nói trong nơi sáng láng. Những gì các ngươi nghe vào lỗ tai, các ngươi hãy giảng ra trên những mái nhà.

Con dân Chúa không cần sợ những kẻ bách hại mình, không cần sợ những sự vu khống và buộc tội của họ. Lẽ thật mà con dân Chúa rao giảng và phẩm chất cao quý của con dân Chúa sẽ được phơi bày công khai, khi thời điểm tới. Và khi thời điểm tới, những sự vu khống, bất công của những kẻ xấu cũng sẽ được phơi bày công khai. Vì thế, con dân Chúa cứ vững lòng, rao giảng lẽ thật của Lời Chúa, và cứ vững lòng, sống theo Đấng Christ.

Hai nhóm chữ “trong nơi tối tăm” và “trong nơi sáng láng” đều là thành ngữ chỉ về sự riêng tư và sự công khai. Những gì Đức Chúa Jesus phán dạy các môn đồ của Ngài cách riêng tư thì họ cần rao giảng công khai cho dân chúng.

Nghe vào lỗ tai” hàm ý, nghe cách bình thường, nhỏ nhẹ. Trong các nhà hội của dân I-sơ-ra-ên, vào thời của Đức Chúa Jesus, những người giảng Lời Chúa thường rao giảng cách bình thường, nhỏ nhẹ cho một người ngồi gần bên mình. Người ấy sẽ lớn tiếng lặp lại những gì đã nghe cho hội chúng. Có trường hợp người rao giảng chia sẻ bằng tiếng Hê-bơ-rơ thì người ấy sẽ dịch lời đã giảng sang ngôn ngữ mà hội chúng có thể hiểu. Người lặp lại hay phiên dịch lời giảng thường là học trò của người giảng.

Giảng ra trên mái nhà” hàm ý, lớn tiếng rao giảng nơi công cộng. Mái nhà trong xứ Ca-na-an thường là mái bằng. Người ta có thể sinh hoạt trên mái nhà, như Phi-e-rơ lên mái nhà để cầu nguyện (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9). Đứng trên mái nhà rao giảng là một hình thức công bố trước công chúng.

Ngày nay, con dân Chúa nên rao giảng công khai những gì mình nhận được, qua sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh, trong khi suy ngẫm về Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh tại Việt Nam có linh vụ “Hội Thánh Suy Ngẫm Lời Chúa”, qua đó, con dân Chúa người Việt có thể rao giảng những gì mình đã học được từ trong Lời Chúa [2], [3], [4]. Nguyện xin Chúa cứ ban ơn cho quý ông bà, anh chị em trong sự suy ngẫm Lời Chúa, sống theo Lời Chúa, và chia sẻ Lời Chúa.

28 Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được cả linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.

Những kẻ giết được thân thể bao gồm ma quỷ lẫn loài người. Trong câu chuyện của ông Gióp, ma quỷ đã có thể cùng lúc giết mười đứa con của ông và giết một số tôi tớ của ông. Sự loài người giết lẫn nhau đã xảy ra từ thời Ca-in giết A-bên. Trong gần hai ngàn năm lịch sử của Hội Thánh, hàng triệu con dân Chúa đã bị giết vì giữ vững đức tin nơi Đấng Christ. Thậm chí, hàng triệu con dân Chúa bị giết vì những kẻ xưng mình là môn đồ của Đấng Christ, xưng mình là Hội Thánh của Đấng Christ [5].

Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ là: Tất cả mọi việc xảy ra đều nằm trong sự cho phép của Thiên Chúa, như Đức Chúa Jesus đã khẳng định trong câu 29. Thiên Chúa dùng mọi sự xảy ra để làm ích cho những ai yêu kính Ngài, như Đức Thánh Linh đã khẳng định trong Rô-ma 8:28. Vì thế, ngay cả khi mạng sống của chúng ta có thể bị ma quỷ hay loài người cất đi, thì cũng chỉ là sự Đức Chúa Trời dùng phương cách đó để đem chúng ta ra khỏi thế gian này, vào trong thiên đàng. Sự chịu chết vì danh Chúa của chúng ta cũng là nguyên cớ để chúng ta nhận được phần thưởng lớn từ Đấng Christ.

Tất cả những kẻ có thể giết chết thân thể xác thịt của chúng ta không thể giết được linh hồn của chúng ta. Khi xác thịt bị giết thì tâm thần và linh hồn bị phân rẽ khỏi xác thịt. Khi linh hồn bị giết thì linh hồn bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể giết được thân thể xác thịt lẫn linh hồn. Chỉ Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm cho thân thể xác thịt được sống lại, tái kết hiệp với linh hồn và chịu khổ đời đời trong hỏa ngục. Đó chính là sự thân thể xác thịt và linh hồn bị hủy diệt trong hỏa ngục.

Một số giáo hội mang danh Chúa nhưng rao giảng tà giáo, như: Chứng Nhân Giê-hô-va, Cơ-đốc Phục Lâm, và vài nhánh Ân Tứ, Ngũ Tuần, dạy rằng, sự linh hồn và thân thể bị hủy diệt trong hỏa ngục là sự bị tiêu tan thành hư không, không còn nhận thức, không còn cảm xúc. Tuy nhiên, từ ngữ “hủy diệt” (G622) chỉ có nghĩa là: bỏ đi; làm cho trở nên vô giá trị. Vậy, linh hồn và thân thể bị hủy diệt trong hỏa ngục là linh hồn và thân thể xác thịt trở nên vô dụng, không còn giá trị, bị Thiên Chúa bỏ mặc đời đời trong hỏa ngục.

Tất cả những thiên sứ phạm tội, kể cả Sa-tan, và tất cả những người không vâng phục Thiên Chúa, không tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài đều sẽ chịu đau khổ đời đời trong hỏa ngục. Đức Chúa Jesus cho biết, sự chịu khổ trong hỏa ngục sẽ là ngày đêm cho tới đời đời (Khải Huyền 20:10).

29 Không phải hai con chim sẻ bị bán với giá một đồng xu sao? Nhưng không một con nào trong chúng rơi xuống đất mà không bởi ý của Cha các ngươi.

30 Tóc trên đầu các ngươi cũng đã được đếm hết rồi.

31 Vậy, các ngươi đừng sợ! Các ngươi có giá trị hơn nhiều con chim sẻ.

Danh từ “chim sẻ” (G4765) có thể dùng để gọi chim sẻ mà cũng có thể dùng để gọi bất cứ loài chim nhỏ nào. Một đồng xu có giá trị thấp nhất trong đơn vị tiền, vào thời bấy giờ. Cho dù mạng sống của một con chim sẻ có giá trị rất thấp về mặt tiền bạc, nhưng nếu không bởi sự cho phép của Đức Chúa Trời thì không một con chim nào có thể bị rơi xuống đất. Mạng sống của mỗi người, nhất là mạng sống của mỗi con dân Chúa, có giá trị hơn mạng sống của một con chim sẻ rất nhiều. Nếu Đức Chúa Trời đã quan tâm đến mạng sống của một con chim sẻ thì Ngài còn quan tâm đến mạng sống của một người biết bao?

Trung bình, người tóc đỏ có khoảng 90.000 sợi tóc, người tóc đen có khoảng 100.000 sợi tóc, người tóc nâu có khoảng 110.000 sợi tóc, và người tóc vàng có khoảng 150.000 sợi tóc [6]. Ý nghĩa của sự “tóc trên đầu các ngươi cũng đã được đếm hết rồi” là Đức Chúa Trời biết hết từng chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống của mỗi người. Và mỗi một sự xảy ra cho mỗi người đều nằm trong sự cho phép của Đức Chúa Trời. Vì thế, con dân Chúa chỉ cần hoàn toàn tin cậy, phó thác đời sống mình trong tay Chúa, không cần phải lo lắng, sợ hãi bất cứ ai hay bất cứ sự gì. Con dân Chúa chỉ cần trung tín, giữ vững đức tin, sống theo Lời Chúa, làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mình.

Chúng ta cần phân biệt những việc Đức Chúa Trời cho phép xảy ra và những việc xảy ra theo ý muốn của Ngài. Ý muốn của Đức Chúa Trời là mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật. Và Ngài đã ban sự cứu rỗi cùng lẽ thật cho loài người. Sự cứu rỗi đến qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Lẽ thật đến qua Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là Thánh Kinh. Nhưng Đức Chúa Trời cho phép bất cứ ai cũng có thể từ chối tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài, từ chối đến với lẽ thật, và cứ tiếp tục sống trong tội.

Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy biết bao nhiêu sự gian ác, bất công xảy ra, với biết bao nhiêu là nạn nhân của những sự gian ác, bất công ấy, nhất là những trẻ con vô tội. Thật rất khó để cho chúng ta hiểu, vì sao một Đức Chúa Trời yêu thương và công chính lại cho phép những sự ấy xảy ra. Nhưng nếu không có sự cho phép tự do lựa chọn và cho phép tự do hành động để thể hiện sự lựa chọn, thì sẽ không có sự thật sự thể hiện đức tin và tình yêu của loài người đối với Thiên Chúa. Đức Chúa Trời biết ai thật sự có đức tin và tình yêu đối với Ngài nhưng Ngài muốn các thiên sứ và loài người biết được điều ấy, qua sự Ngài cho phép loài người tự do lựa chọn và tự do hành động. Và hơn ai hết, mỗi một chúng ta cần kinh nghiệm sự tự do lựa chọn và tự do hành động, để biết chắc mình tin cậy và kính yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi sự, cho dù có phải trả giá bằng những đau khổ trên thân thể xác thịt và phải mất đi mạng sống.

Là con dân Chúa, chúng ta được Đức Chúa Trời yêu và bảo vệ chúng ta như con ngươi của mắt Ngài. Nhưng khi cần, Ngài sẽ cho phép những bất công, gian ác, tai ương, hoạn nạn, tật bệnh xảy ra cho chúng ta để chúng ta thể hiện đức tin và tình yêu của chúng ta nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ câu chuyện của Gióp và những lời tâm tình của Sứ Đồ Phao-lô, đã được ông ghi lại trong II Cô-rinh-tô 11:23-28.

32 Vậy nên, bất cứ ai sẽ xưng nhận trong Ta trước loài người, Ta cũng sẽ xưng nhận trong người ấy trước Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời.

33 Nhưng bất cứ ai sẽ chối Ta trước loài người, Ta cũng sẽ chối người ấy trước Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời.

Xưng nhận trong Đấng Christ, là xưng nhận mình thuộc về Đấng Christ. Đấng Christ xưng nhận trong chúng ta là Ngài xưng nhận Ngài thuộc về chúng ta. Nếu chúng ta công khai xưng nhận mình thuộc về Đấng Christ, trước loài người; thì Ngài cũng sẽ xưng nhận Ngài thuộc về chúng ta, trước Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta vì bất cứ lý do gì chối bỏ, không xưng nhận mình thuộc về Đấng Christ, trước loài người; thì Ngài cũng sẽ không xưng nhận Ngài thuộc về chúng ta, trước Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jesus dùng cách nói: “Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời” để khẳng định là Ngài đang nói về Đức Chúa Trời. Đây cũng là một tuyên xưng đặc biệt mà trước đó, chưa từng có người nào tuyên xưng Đức Chúa Trời, Đấng ở trên các tầng trời, là Cha của mình. Lời tuyên xưng đó của Đức Chúa Jesus vừa khẳng định thân vị loài người của Ngài là Con của Đức Chúa Trời, vừa giúp cho con dân Chúa làm quen với ý tưởng, Đức Chúa Trời là Cha của những ai tin nhận Đấng Christ. Vì sau đó, Ngài gọi Đức Chúa Trời là “Cha của Ta và Cha của các ngươi, Đức Chúa Trời của Ta và Đức Chúa Trời của các ngươi” (Giăng 20:17).

34 Đừng tưởng rằng, Ta đến để ban sự bình an trên đất. Ta đã đến, không phải ban sự bình an nhưng gươm.

35 Vì Ta đến để phân rẽ: Một người nghịch lại cha mình, con gái nghịch lại mẹ mình, con dâu nghịch lại mẹ chồng mình.

36 Và những kẻ thù nghịch của một người sẽ là những người nhà mình.

Gươm” tiêu biểu cho chiến tranh, loạn lạc, và sự phân rẽ.

Đức Chúa Jesus đến thế gian không phải để đem lại sự bình an trên đất theo cách thế gian mong đợi. Vì sự bình an thật sẽ không thể nào có được, khi loài người vẫn sống trong tội lỗi, vẫn tìm cách thỏa mãn những thú vui tội lỗi, bất chấp sự thiệt hại gây ra cho bản thân và người khác. Trong thế gian và ngay trong một gia đình, luôn có sự thù nghịch và sự phân rẽ. Điều này đã được khẳng định trong Mi-chê 7:2-6.

Đức Chúa Jesus đến thế gian để trước hết, đem lại sự bình an trong tâm thần và linh hồn của mỗi người, khi họ tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài và được phục hòa với Đức Chúa Trời. Kế tiếp là Ngài đem lại sự phân rẽ giữa những người tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời với những ai không tin nhận ơn ấy. Ngài làm công việc chuẩn bị công dân cho Vương Quốc Trời sẽ được thể hiện trên đất, khi Ngài đến thế gian lần thứ nhì với danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”.

Cách tốt hơn hết đối với mỗi con dân chân thật của Chúa là phân rẽ khỏi những người thân không tin Chúa mà bách hại mình. Con dân Chúa được phép ly dị chồng hoặc vợ không tin Chúa, lìa khỏi người thân không tin Chúa, như mệnh lệnh Chúa đã phán truyền trong II Cô-rinh-tô 6:14-18. Riêng đối với các cháu thiếu nhi, thiếu niên thì các cháu phải chờ cho đủ 18 tuổi để ra khỏi gia đình, theo luật pháp của quốc gia. Đối với con dân Chúa có con cháu ngỗ nghịch, không tin kính thì hãy phân rẽ chúng, khi chúng đủ 18 tuổi.

Chính sự phân rẽ những người thân không tin Chúa giúp cho chúng ta được bình an và chuyên tâm làm lành. Cho dù chúng ta yêu những người thân của mình đến mức nào thì cũng không thể nào bằng Chúa yêu họ. Vì thế, phân rẽ họ theo mệnh lệnh của Chúa chính là chúng ta làm điều tốt nhất cho họ và cho bản thân mình. Nếu người thân nói rằng, họ yêu chúng ta nhưng lại không chịu tin nhận ơn cứu rỗi của Chúa và sống theo Lời Chúa, thì chỉ là họ lợi dụng chúng ta để chúng ta phục vụ cho họ sống nếp sống trong tội của họ mà thôi. Chúa không kêu gọi chúng ta chịu khổ, làm nô lệ cho những người thân không tin Chúa. Ngài truyền cho chúng ta phải phân rẽ khỏi họ. Nếu chúng ta chọn không phân rẽ khỏi họ thì chúng ta nghịch lại mệnh lệnh của Chúa; và đương nhiên chúng ta phải gánh lấy những đau khổ vô ích.

Ngày Đấng Christ đến đã rất gần. Nguyện Đức Chúa Trời ban cho mỗi chúng ta luôn có đầy sự khôn sáng để ứng xử trong mọi hoàn cảnh; và có đủ năng lực để chịu khổ vì danh Chúa, cho tới cuối cùng.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/03/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.jpost.com/opinion/article-730103

[2] https://t.me/+iKZahqDUf4cyOTQ5

[3] https://www.thanhkinhvietngu.net/suy-ngam-loi-chua/

[4] https://threesixteenfamily.com/suyngamloichua/

[5] https://od.lk/f/MV8zMDk1MDExMTZf

[6] https://www.hairpalace.co.uk/how-many-hairs-on-a-human-head/

Karaoke Thánh Ca: Con Sẽ”
https://karaokethanhca.net/con-se/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.