Chú Giải Ê-sai 17: Ê-sai 17 và Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83

416 views

YouTube: https://youtu.be/UcDrZHQ67gI

202314 Bài Giảng Trong Năm 2023
Chú Giải Ê-sai 17
Ê-sai 17 và Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ê-sai 17

1 Gánh nặng về Đa-mách. Này, Đa-mách bị bỏ đi, không là thành nữa. Nó sẽ trở nên một đống đổ nát.

2 Các thành của A-rô-e bỏ hoang sẽ làm chỗ cho những bầy súc vật nằm nghỉ mà chẳng có sự kinh động.

3 Các đồn lũy của Ép-ra-im sẽ chẳng còn. Vương quốc của Đa-mách và dân sót của A-ram là sự vinh quang của con cái I-sơ-ra-ên. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân tuyên phán.

4 Sẽ xảy ra, trong ngày đó, sự vinh quang của Gia-cốp sẽ thấp đi, sự mập mạp của xác thịt nó sẽ trở nên gầy ốm.

5 Sẽ giống như con gặt gom các ngọn lúa, rồi gặt các bông lúa với tay mình; sẽ giống như người nhặt những bông lúa nơi đồng bằng Rê-pha-im.

6 Sẽ còn lại của mót, như sự rung cây ô-li-ve, còn hai ba trái trên đỉnh cao, hoặc bốn năm trái trên những nhánh nhiều trái. Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên tuyên phán.

7 Trong ngày đó, người sẽ trông lên Đấng Tạo Hóa của mình, và mắt người sẽ nhìn đến Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên.

8 Người sẽ không trông đến các bàn thờ, là công việc của tay mình; và không nhìn những vật các ngón tay mình đã làm ra, hoặc các tượng Át-tạt-tê, hoặc các trụ thờ mặt trời.

9 Trong ngày đó, các thành bền vững của người sẽ như rừng bỏ hoang, đỉnh cao mà họ lìa bỏ trước mặt con cái I-sơ-ra-ên sẽ trở nên hoang phế.

10 Vì ngươi đã quên Thiên Chúa của sự cứu rỗi ngươi, chẳng nhớ Vầng Đá của sức mạnh ngươi. Vậy nên ngươi sẽ trồng những cây vừa ý mình và sẽ gieo những nhánh lạ.

11 Trong ngày ngươi sẽ trồng thì ngươi rào giậu, trong buổi sáng, ngươi sẽ làm cho hạt giống của ngươi nảy mầm. Nhưng mùa gặt là một đống dồn lại trong ngày đau yếu và buồn thảm.

12 Khốn cho đám đông của nhiều dân tộc! Ồn ào như tiếng ồn của các biển. Khốn cho các quốc gia tràn tới! Xông đến như sự tràn tới của các dòng nước mạnh.

13 Các quốc gia sẽ xông đến như sự tràn tới của nhiều dòng nước. Nhưng Ngài sẽ quở trách chúng, thì chúng sẽ trốn đi xa, sẽ bị đùa đi như rơm trên núi trước gió, như luồng bụi trước cơn bão.

14 Vào buổi chiều, này, có sự sợ hãi. Trước lúc ban mai, chúng nó đã là hư không. Ấy là phần của những kẻ bóc lột chúng ta và phần gieo thăm của những kẻ cướp chúng ta.

Sách Ê-sai được viết trước khi dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc trên vùng đất Ca-na-an hàng ngàn năm. Nhưng phần lớn các lời tiên tri trong sách Ê-sai lại liên quan dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc thù nghịch dân I-sơ-ra-ên trong những ngày cuối cùng. Ngay sau Ê-sai đoạn 11 và 12 là lời tiên tri về sự đến của Đấng Christ, Ê-sai đoạn 13 đến đoạn 24 là lời tiên tri về các dân tộc thù nghịch bao quanh I-sơ-ra-ên và chính dân I-sơ-ra-ên, trong những ngày cuối cùng, từ trước Kỳ Tận Thế cho tới sau Kỳ Tận Thế. Vì thế, Ê-sai 17 là lời tiên tri sẽ ứng nghiệm trong những ngày cuối cùng.

Ê-sai 17 gồm có 14 câu với tiêu đề: “Lời Tiên Tri về Đa-mách”. Nhưng chỉ có ba câu đầu tiên là nói về Đa-mách, các câu còn lại nói về I-sơ-ra-ên và các quốc gia đem quân tấn công I-sơ-ra-ên. Nhiều nhà giải kinh cho rằng, Ê-sai 17 đã ứng nghiệm vào năm 732 TCN, khi vua của A-si-ri đem quân đánh chiếm Đa-mách, theo lời yêu cầu của A-cha, vua của vương quốc Giu-đa (II Các Vua 16:9). Tuy nhiên, Vua Tiếc-la Phi-lê-se của A-si-ri đã không hủy diệt thành Đa-mách. Thành Đa-mách vẫn tồn tại cho tới ngày nay.

Ngoài ra, Ê-sai 14 được viết trong năm Vua A-cha qua đời, khoảng năm 715 TCN (Ê-sai 14:28). Như vậy, ít ra Ê-sai 17 đã được viết ra vào năm 715, tức là 17 năm sau khi đế quốc A-si-ri đã tấn công Đa-mách. Vì thế Ê-sai 17 không thể là lời tiên tri về sự A-si-ri tấn công Đa-mách vào năm 732 TCN. Chúng ta có thể xem Ê-sai 17 là lời tiên tri chưa ứng nghiệm. Vì thế, có thể nó sẽ ứng nghiệm trong những ngày sắp tới, nếu cuộc chiến hiện nay giữa I-sơ-ra-ên và Ha-mác (Hamas) biến thành cuộc chiến được tiên tri trong Thi Thiên 83 [1].

Bản Đồ Minh Họa Vị Trí Mười Dân Tộc Tham Dự
Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83

Nguồn: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/10/CuocChienThiThien_83.png

Nhìn vào bản đồ minh họa vị trí 10 sắc dân sẽ liên kết với nhau, tấn công I-sơ-ra-ên trong cuộc chiến theo Thi Thiên 83, chúng ta thấy:

  • A-si-ri bao gồm các quốc gia: Iraq, Syria, Iran, và Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay.

  • Các sắc dân: Ha-ga-rít, Am-môn, Mô-áp, Ê-đôm đều thuộc về vương quốc Giô-đanh ngày nay.

  • Ích-ma-ên thuộc về Ả-rập Sau-đi ngày nay.

  • Ghê-banh và Ti-rơ thuộc về Li-băng (Lebanon) ngày nay.

  • Phi-li-tin thuộc về khu tự trị Gaza và Tây Ngạn (West Bank) ngày nay.

  • A-ma-léc thuộc về Ai-cập (Egypt) ngày nay.

Đa-mách là thủ đô của Syria. Hiện nay, I-sơ-ra-ên vẫn luôn không kích các căn cứ quân sự chung quanh Đa-mách, là nơi tàng trữ vũ khí của Iran dùng yểm trợ cho lực lượng khủng bố Héc-bô-la (Hezbollah) ở Li-băng. Syria cũng thỉnh thoảng pháo kích vào lãnh thổ I-sơ-ra-ên.

Trong tình thế hiện tại, cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và Ha-mác có thể biến thành cuộc chiến theo Thi Thiên 83 bất kỳ lúc nào. Khi đó, chắc chắn Syria sẽ trực tiếp tham chiến và rất có thể Syria sẽ dùng vũ khí hóa học tấn công I-sơ-ra-ên, khiến cho I-sơ-ra-ên bị tổn thất nặng về nhân mạng, dẫn đến sự I-sơ-ra-ên dùng đầu đạn hoặc bom nguyên tử để tiêu diệt thủ đô Đa-mách. Sự tiêu diệt thủ đô Đa-mách cũng là lời cảnh cáo buộc các quốc gia tham chiến còn lại phải đầu hàng I-sơ-ra-ên.

Nếu Ê-sai 17 là lời tiên tri về phần cuối của cuộc chiến theo Thi Thiên 83 thì chúng ta có thể hiểu phân đoạn này như sau:

1 Gánh nặng về Đa-mách. Này, Đa-mách bị bỏ đi, không là thành nữa. Nó sẽ trở nên một đống đổ nát.

Danh từ “gánh nặng” (H4853) vừa có nghĩa là sự mang, vác nặng nề vừa có nghĩa là lời tiên tri. Vì thế, “gánh nặng về Đa-mách” vừa có nghĩa là lời tiên tri về Đa-mách, vừa có nghĩa là những sự khốn khó của Đa-mách.

Nhóm chữ “Đa-mách bị bỏ đi, không là thành nữa” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa đen là: Đa-mách bị đem ra khỏi sự là một thành phố.

Câu “Nó sẽ trở nên một đống đổ nát”, diễn tả sự sụp đổ hoàn toàn, không còn có thể được sử dụng.

Đa-mách vừa là một thành phố lâu đời nhất, vừa là kinh đô lâu đời nhất trong thế gian. Nó được hình thành không bao lâu, sau Cơn Lụt Lớn. Lần đầu tiên Đa-mách được nói đến trong Thánh Kinh là trong Sáng Thế Ký 14:15. Đa-mách cũng là quê hương của người quản gia trung tín của Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 15:2). Sứ Đồ Phao-lô đã gặp Đức Chúa Jesus trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách. Hiện nay, Đa-mách là thủ đô của Syria với dân số khoảng 2.100.000 người. Nếu tính luôn các vùng phụ cận của Đa-mách thì có hơn năm triệu người. I-sơ-ra-ên chỉ cần một quả bom cỡ nhỏ như B61-13 của Mỹ để hủy diệt Đa-mách [2].

Câu 2 và câu 3 tiếp theo có thể hàm ý, Syria bất ngờ dùng các hỏa tiễn có đầu đạn hóa học tấn công nhiều nơi trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên, hủy diệt toàn bộ sự sống tại các nơi ấy, nên I-sơ-ra-ên phải dùng bom nguyên tử hoặc hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử trên thủ đô của Syria.

2 Các thành của A-rô-e bỏ hoang sẽ làm chỗ cho những bầy súc vật nằm nghỉ mà chẳng có sự kinh động.

3 Các đồn lũy của Ép-ra-im sẽ chẳng còn. Vương quốc của Đa-mách và dân sót của A-ram là sự vinh quang của con cái I-sơ-ra-ên. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân tuyên phán.

Các thành của A-rô-e” là các thành phố ở về phía nam của I-sơ-ra-ên. Các thành này được nói đến trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 2:36 và Giô-suê 13:16. Sau khi dân chúng tại những nơi đó bị chết thì không còn có dân cư trú nữa nên các thành trở nên hoang tàn, làm nơi thả rong súc vật. Hoàn cảnh này cũng đã được tiên tri trong Ê-sai 27:10: “Vì thành bền vững sẽ trở nên biệt lập, chỗ ở sẽ bị bỏ và để hoang như đồng vắng. Tại đó, bò con sẽ ăn cỏ. Tại đó, nó sẽ nằm và ăn nuốt những nhánh cây.”

Ép-ra-im” tiêu biểu cho vùng lãnh thổ phía bắc của I-sơ-ra-ên, là nơi thuộc vương quốc I-sơ-ra-ên trước kia. Các đồn lũy của Ép-ra-im là các căn cứ quân sự quan trọng ở về phía bắc của I-sơ-ra-ên. Các căn cứ quân sự này cũng sẽ bị tấn công bằng vũ khí hóa học và bị tiêu diệt.

Vương quốc của Đa-mách tức là quốc gia Syria. Dân sót của A-ram là dân Syria còn sót lại. Tên Syria là tên của quốc gia, còn tên A-ram là tên của dân tộc. Câu “Vương quốc của Đa-mách và dân sót của A-ram là sự vinh quang của con cái I-sơ-ra-ên” hàm ý, dân I-sơ-ra-ên chiến thắng dân A-ram.

Từ câu 1 đến câu 3 là lời tuyên phán thứ nhất của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu với danh xưng “Vạn Quân”. Danh xưng “Vạn Quân” có nghĩa “các đạo binh” được dùng trong trường hợp này để nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa là Đấng cầm quyền trên mọi binh lực. Ngài là Đấng cho phép những sự thắng trận và thua trận xảy ra.

4 Sẽ xảy ra, trong ngày đó, sự vinh quang của Gia-cốp sẽ thấp đi, sự mập mạp của xác thịt nó sẽ trở nên gầy ốm.

Trong ngày đó” là trong ngày kết thúc cuộc chiến theo Thi Thiên 83. Dù I-sơ-ra-ên thắng trận, chiếm được nhiều phần lãnh thổ của các kẻ thù nhưng sự tổn thất về nhân mạng của I-sơ-ra-ên cũng rất lớn. Số dân chúng và binh lính của I-sơ-ra-ên bị chết vì vũ khí hóa học có thể lên đến vài triệu người, khiến cho có nhiều thành phố bị bỏ hoang sau chiến tranh. Đó chính là “sự vinh quang của Gia-cốp sẽ thấp đi, sự mập mạp của xác thịt nó sẽ trở nên gầy ốm.”

5 Sẽ giống như con gặt gom các ngọn lúa, rồi gặt các bông lúa với tay mình; sẽ giống như người nhặt những bông lúa nơi đồng bằng Rê-pha-im.

Sự kiện Syria tàn sát dân I-sơ-ra-ên từ bắc xuống nam bằng các hỏa tiễn mang đầu đạn hóa học xảy ra một cách dễ dàng như sự thợ gặt gặt lúa hay như sự người mót lúa nhặt những bông lúa trong khu vực đồng ruộng mầu mỡ của Rê-pha-im. Rê-pha-im là một thung lũng phì nhiêu nằm về phía nam của Giê-ru-sa-lem.

6 Sẽ còn lại của mót, như sự rung cây ô-li-ve, còn hai ba trái trên đỉnh cao, hoặc bốn năm trái trên những nhánh nhiều trái. Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên tuyên phán.

Dân I-sơ-ra-ên sống sót trong các khu vực bị tấn công bằng vũ khí hóa học rất là ít, không khác gì vài trái ô-li-ve còn sót lại trên cây, khi người ta rung cây cho trái chín rụng xuống để thu hoạch. Những trái sót đó được dành cho những người nghèo đi mót thổ sản. Có thể đó là những người ở xa trung tâm các vụ nổ hoặc những người có trang bị mặt nạ chống hơi độc.

Từ câu 4 đến câu 6 là lời tuyên phán thứ nhì của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu với danh xưng “Thiên Chúa” để nhấn mạnh đến sự kiện, Ngài là Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên. Đấng giữ lời hứa của Ngài trong sự hình phạt họ cách nghiêm khắc vì sự phạm tội của họ; nhưng vẫn bảo tồn họ, vì lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.

7 Trong ngày đó, người sẽ trông lên Đấng Tạo Hóa của mình, và mắt người sẽ nhìn đến Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên.

Trong ngày đó” là trong ngày kết thúc cuộc chiến theo Thi Thiên 83. Chữ “người” được dùng để chỉ về dân I-sơ-ra-ên.

Cho tới hiện tại, dù dân I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời tái lập quốc đã hơn 75 năm nhưng đó chỉ là sự tái sinh thuộc thể của dân I-sơ-ra-ên. Về thuộc linh, họ vẫn đang sống trong tội, ngoại trừ một số ít người tin nhận Tin Lành và một số ít người giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa, theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh Cựu Ước. Nhưng trong ngày cuộc chiến theo Thi Thiên 83 kết thúc, với sự tổn thất nặng nề, dân I-sơ-ra-ên sẽ bắt đầu hết lòng tìm cầu Thiên Chúa.

8 Người sẽ không trông đến các bàn thờ, là công việc của tay mình; và không nhìn những vật các ngón tay mình đã làm ra, hoặc các tượng Át-tạt-tê, hoặc các trụ thờ mặt trời.

Các bàn thờ” tiêu biểu cho những gì mà dân I-sơ-ra-ên nương cậy, là những việc do tay họ làm ra, như: sức mạnh về quân sự, kinh tế, kỹ thuật. Sau cuộc chiến theo Thi Thiên 83, họ sẽ không còn nhìn đến các thành quả, các sản phẩm của chính họ mà họ cho rằng có thể bảo vệ họ.

Át-tạt-tê là nữ tà thần của sự giàu có và hạnh phúc được thờ lạy bởi các sắc dân Ca-na-an. “Các tượng Át-tạt-tê” trong lời tiên tri này có lẽ tiêu biểu cho sự dân I-sơ-ra-ên trông cậy nơi các hiệp ước giữa I-sơ-ra-ên và các dân Ả-rập Hồi Giáo.

Các trụ thờ mặt trời” là nơi cúng tế mặt trời, xem mặt trời như một thần linh. Lời này có lẽ tiêu biểu cho sự dân I-sơ-ra-ên trông cậy nơi khoa học, kỹ thuật.

Nói cách khác, dân I-sơ-ra-ên đã thần tượng hóa nhiều thứ, nương cậy nơi chúng thay vì nương cậy nơi Thiên Chúa Toàn Năng.

9 Trong ngày đó, các thành bền vững của người sẽ như rừng bỏ hoang, đỉnh cao mà họ lìa bỏ trước mặt con cái I-sơ-ra-ên sẽ trở nên hoang phế.

Trong ngày kết thúc cuộc chiến theo Thi Thiên 83, các căn cứ quân sự của I-sơ-ra-ên sẽ bị bỏ hoang. Đỉnh cao tiêu biểu cho các cơ quan quyền lực của I-sơ-ra-ên cũng bị bỏ hoang vì những người cầm quyền đã lánh mình trong các nơi trú ẩn. I-sơ-ra-ên vẫn có thể điều khiển các hỏa tiễn có chứa các đầu đạn nguyên tử của mình. Quân lực của I-sơ-ra-ên đang hành quân trên các vùng đất của kẻ thù vẫn còn. Nhưng nhiều thành phố và căn cứ quân sự trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên bị bỏ hoang, vì số người chết do vũ khí hóa học của Syria.

10 Vì ngươi đã quên Thiên Chúa của sự cứu rỗi ngươi, chẳng nhớ Vầng Đá của sức mạnh ngươi. Vậy nên ngươi sẽ trồng những cây vừa ý mình và sẽ gieo những nhánh lạ.

Lý do dân I-sơ-ra-ên thắng cuộc chiến theo Thi Thiên 83 nhưng bị tổn thất nặng nề là vì họ tự nương cậy nơi chính mình, các hiệp ước, các loại vũ khí, và trí thức về khoa học kỹ thuật hơn là nương cậy nơi Thiên Chúa.

Trồng những cây vừa ý mình” là dân I-sơ-ra-ên sắp đặt những chương trình, kế hoạch và trang bị cho mình cách đắc ý. Họ nghĩ rằng, chúng sẽ giúp cho họ bình an và thịnh vượng.

Gieo những nhánh lạ” là dân I-sơ-ra-ên đưa vào những chương trình và kế hoạch của họ những ý tưởng tuyệt vời nhất, trang bị cho mình những vũ khí tối tân nhất từ các quốc gia tây phương. Như người làm vườn gieo trồng trong vườn mình những nhánh nho được cắt ra từ những gốc nho danh tiếng từ nơi xa.

11 Trong ngày ngươi sẽ trồng thì ngươi rào giậu, trong buổi sáng, ngươi sẽ làm cho hạt giống của ngươi nảy mầm. Nhưng mùa gặt là một đống dồn lại trong ngày đau yếu và buồn thảm.

Dân I-sơ-ra-ên cẩn thận bảo vệ mọi sự trang bị, phòng vệ của họ. Họ khiến cho mọi sự sẵn sàng cho mọi tình huống. Họ nghĩ rằng, họ sẽ chiến thắng vẻ vang nếu chiến tranh xảy ra. Họ giống như người làm vườn làm hết những gì cần làm để khi thời vụ đến thì có sự thu hoạch tốt. Nhưng thực tế, họ chiến thắng trong sự kiệt quệ và buồn thảm. Sự chiến thắng kẻ thù bởi sức riêng không đem lại vinh quang đáng có như sự chiến thắng bởi sức của Thiên Chúa mà họ đã nhiều lần trải nghiệm trong quá khứ.

12 Khốn cho đám đông của nhiều dân tộc! Ồn ào như tiếng ồn của các biển. Khốn cho các quốc gia tràn tới! Xông đến như sự tràn tới của các dòng nước mạnh.

13 Các quốc gia sẽ xông đến như sự tràn tới của nhiều dòng nước. Nhưng Ngài sẽ quở trách chúng, thì chúng sẽ trốn đi xa, sẽ bị đùa đi như rơm trên núi trước gió, như luồng bụi trước cơn bão.

Từ câu 12 đến câu 14 là lời tiên tri về các dân tộc liên kết với nhau để tấn công I-sơ-ra-ên nhưng họ sẽ bị chính Thiên Chúa ra tay đánh bại. Nhiều dân tộc hợp thành một đám đông với cùng một mục đích là tiêu diệt I-sơ-ra-ên. Có lẽ mười sắc dân Hồi Giáo tập trung quân lực của họ để từ bốn phía tràn vào lãnh thổ của I-sơ-ra-ên, ngay sau khi Syria bắn các hỏa tiễn có đầu đạn hóa học vào lãnh thổ I-sơ-ra-ên. Nhưng có thể vào lúc ấy, Thiên Chúa sẽ dùng các thiên tai để ngăn cản chúng. Các cơn động đất có thể xảy ra. Các cơn bão lớn có thể xảy ra. Các cơn dịch bệnh có thể xảy ra. Cũng có thể một cơn mưa vẫn thạch khiến cho đá và lửa từ trời rơi xuống trên họ.

14 Vào buổi chiều, này, có sự sợ hãi. Trước lúc ban mai chúng nó đã là hư không. Ấy là phần của những kẻ bóc lột chúng ta và phần gieo thăm của những kẻ cướp chúng ta.

Cùng lúc Thiên Chúa dùng các thiên tai để chận đứng sự tiến công của liên minh các dân Hồi Giáo thì I-sơ-ra-ên cũng quyết định dùng bom hoặc đầu đạn nguyên tử tiêu diệt thủ đô Đa-mách của Syria. Tất cả đều xảy ra vào buổi chiều tối, là lúc vừa bước sang một ngày mới. Thiên tai xảy ra vào buổi chiều tối càng khiến cho các đội quân thù nghịch I-sơ-ra-ên bị rối loạn càng hơn. Trước khi bình minh đến thì Đa-mách đã trở thành một đống đổ nát và toàn bộ quân lực của các quốc gia tiến công I-sơ-ra-ên đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân đội I-sơ-ra-ên đang hành quân trên đất địch sẽ chiếm đóng các phần lãnh thổ của kẻ thù. Các mỏ dầu sẽ được I-sơ-ra-ên chiếm đóng và dùng vũ khí hạt nhân canh giữ để buộc các quốc gia trên thế giới ngồi lại đàm phán.

Các quốc gia trên thế giới sẽ phải chấp nhận các điều kiện của I-sơ-ra-ên để ký kết với I-sơ-ra-ên quyền được tiếp tục sử dụng dầu từ các mỏ dầu do I-sơ-ra-ên chiếm đóng. I-sơ-ra-ên vẫn được chiếm đóng các phần lãnh thổ của kẻ thù. I-sơ-ra-ên vẫn cho canh giữ các mỏ dầu bằng các đầu đạn nguyên tử. Khi ấy sẽ là lần đầu tiên I-sơ-ra-ên hoàn toàn chiếm giữ trọn vẹn các phần đất Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ. Đó cũng sẽ là lần đầu tiên I-sơ-ra-ên sống trong tình trạng không cần tường thành bao bọc, bảo vệ. Và đó chính là tình trạng của I-sơ-ra-ên, khi cuộc chiến theo Ê-xê-chi-ên 38-39 sẽ xảy ra sau đó, không bao lâu. Cuộc chiến theo Ê-xê-chi-ên 38-39 sẽ do Nga và Thổ-nhĩ-kỳ liên minh tấn công I-sơ-ra-ên [3], [4].

Ngươi sẽ nói rằng: Ta sẽ đi đến đất có làng không có thành quách, ta sẽ đến với những dân yên lặng, an ổn, hết thảy ở trong những nơi không có tường, không then và không cửa.” (Ê-xê-chi-ên 38:11).

Chúng tôi mong rằng, cuộc chiến theo Thi Thiên 83 sẽ xảy ra trước khi Hội Thánh được Chúa đem ra khỏi thế gian. Vì khi Hội Thánh chứng kiến thủ đô Đa-mách bị hủy diệt, nhiều người đang có nếp sống hâm hẩm trong Hội Thánh sẽ thức tỉnh. Và đó cũng là cơ hội tốt để Hội Thánh rao giảng Tin Lành lần cuối cùng cho thế gian.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/11/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-thi-thien-83/

[2] https://youtu.be/xvHFTEcqrl8

[3] https://kytanthe.net/017-cuoc-chien-theo-e-xe-chi-en-38-39-1/

[4] https://kytanthe.net/018-cuoc-chien-theo-e-xe-chi-en-38-39-2/

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Vâng Lời Cha”
https://karaokethanhca.net/con-xin-vang-loi-cha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.