Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 15:22-41 Phái Đoàn của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem Đến An-ti-ốt

836 views

YouTube: https://youtu.be/HoGUeZ4toYA

44038 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 15:22-41
Phái Đoàn của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem Đến An-ti-ốt
Phao-lô Phân Rẽ Khỏi Ba-na-ba

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 15:22-41

22 Kế đó, các sứ đồ và các trưởng lão với cả Hội Thánh đã quyết định sai các người được chọn giữa họ đến An-ti-ốt với Phao-lô và Ba-na-ba. Giu-đa cũng gọi là Ba-sa-ba, và Si-la, là các người đứng đầu trong các anh chị em cùng Cha.

23 Họ đã viết bởi tay của họ, như sau: Các sứ đồ, các trưởng lão, và các anh chị em cùng Cha chào thăm các anh chị em cùng Cha trong các dân ngoại tại An-ti-ốt, tại xứ Si-ri, và tại xứ Si-li-si!

24 Giờ đây, chúng tôi đã nghe rằng, có mấy người kia đi ra từ chúng tôi, đã khuấy rối các anh chị em với những lời làm rối loạn linh hồn của các anh chị em; nói rằng, phải chịu cắt bì và giữ luật pháp. Chúng tôi đã không truyền lệnh cho họ làm như vậy.

25 Chúng tôi đã đồng lòng, quyết định, gửi các người được chọn đến các anh chị em, với Ba-na-ba và Phao-lô yêu dấu của chúng tôi.

26 Các người đã liều mạng sống của họ vì danh của Chúa chúng ta, Jesus Christ.

27 Vậy, chúng tôi đã sai Giu-đa và Si-la. Qua lời nói, họ thông báo các sự việc.

28 Vì Đức Thánh Linh và chúng tôi đã quyết định: chẳng gán gánh nặng nào hơn cho các anh chị em, ngoài các điều cần thiết này:

29 Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm. Các anh chị em giữ mình khỏi những sự ấy thì sẽ thực hành tốt. Kính chúc bình an!

30 Vậy, thực tế, họ đã lên đường, đến tận An-ti-ốt, nhóm họp một đám đông, trao ra lá thư.

31 Mọi người đã đọc thư xong thì được vui mừng bởi sự khích lệ.

32 Giu-đa và Si-la là các tiên tri, chính họ với nhiều lời nói cũng khích lệ và làm vững lòng các anh chị em cùng Cha.

33 Một thời gian trôi qua, họ đã lên đường trong bình an, từ các anh chị em cùng Cha về với các sứ đồ.

34 Tuy nhiên, Si-la đã quyết định cứ ở lại đó.

35 Phao-lô và Ba-na-ba cũng ở lại tại An-ti-ốt, giảng Tin Lành và dạy Lời Chúa với nhiều người khác.

36 Sau nhiều ngày, Phao-lô đã nói với Ba-na-ba: Bây giờ, chúng ta hãy trở lại thăm các anh chị em cùng Cha của chúng ta trong mỗi thành, trong nơi chúng ta đã công bố Lời Chúa, xem họ như thế nào.

37 Ba-na-ba định đem theo Giăng, cũng gọi là Mác.

38 Nhưng Phao-lô không muốn đem theo kẻ đã lìa khỏi họ từ Bam-phi-li, chẳng đi chung với họ vào trong công việc.

39 Vậy, có sự tranh cãi khiến họ đã phân rẽ khỏi nhau; nên Ba-na-ba đã đem Mác, đi tàu đến Chíp-rơ.

40 Còn Phao-lô đã chọn Si-la, rồi lên đường, được phó vào trong ân điển của Đức Chúa Trời bởi các anh chị em cùng Cha.

41 Người đã trải qua Si-ri và Si-li-si, làm vững vàng các Hội Thánh.

Lời phán quyết của Giám Mục Gia-cơ được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15:19-20 đã trở thành câu trả lời cho phái đoàn của Hội Thánh tại An-ti-ốt, xứ Si-ri. Lời ấy cũng đã được ghi chép thành văn bản, được phái đoàn của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem cầm tay, mang đến cho Hội Thánh tại An-ti-ốt. Điều quan trọng, lời phán quyết ấy không phải chỉ là sự hiểu biết riêng của Gia-cơ, mà là sự hiểu biết về đúng ý nghĩa và năng lực của Tin Lành, được Đức Thánh Linh ấn chứng, trong thần trí của ông.

22 Kế đó, các sứ đồ và các trưởng lão với cả Hội Thánh đã quyết định sai các người được chọn giữa họ đến An-ti-ốt với Phao-lô và Ba-na-ba. Giu-đa cũng gọi là Ba-sa-ba, và Si-la, là các người đứng đầu trong các anh chị em cùng Cha.

Kế đó” là sau khi Gia-cơ dứt lời.

Toàn thể Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, dưới sự chăn dắt của các sứ đồ và các trưởng lão, đã quyết định chọn ra một số người trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, để sai đi cùng Phao-lô và Ba-na-ba đến An-ti-ốt. Trong số các người được chọn và sai đi đó, có Giu-đa cũng gọi là Ba-sa-ba, và Si-la được cử làm hai người đứng đầu phái đoàn.

23 Họ đã viết bởi tay của họ, như sau: Các sứ đồ, các trưởng lão, và các anh chị em cùng Cha chào thăm các anh chị em cùng Cha trong các dân ngoại tại An-ti-ốt, tại xứ Si-ri, và tại xứ Si-li-si!

Có lẽ lá thư đã được chính Giám Mục Gia-cơ viết dưới sự ủy thác của các sứ đồ, các trưởng lão, và cả Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Lá thư được mở đầu với lời chào thăm từ mọi người trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Lá thư được ghi rõ là gửi cho “các anh chị em cùng Cha trong các dân ngoại tại An-ti-ốt, tại xứ Si-ri, và tại xứ Si-li-si”; không phải gửi cho các con dân Chúa người I-sơ-ra-ên.

Mặc dù vấn đề được đặt ra bởi con dân Chúa tại An-ti-ốt, nhưng câu trả lời đã được gửi cho không riêng con dân Chúa tại An-ti-ốt, mà còn cho con dân Chúa thuộc các dân ngoại trong cả xứ Si-ri và xứ Si-li-si. Vì có thể những môn đồ gốc Do-thái Giáo từ xứ Giu-đê không chỉ đến rao giảng tà giáo trong Hội Thánh tại An-ti-ốt mà thôi.

24 Giờ đây, chúng tôi đã nghe rằng, có mấy người kia đi ra từ chúng tôi, đã khuấy rối các anh chị em với những lời làm rối loạn linh hồn của các anh chị em; nói rằng, phải chịu cắt bì và giữ luật pháp. Chúng tôi đã không truyền lệnh cho họ làm như vậy.

Mệnh đề “có mấy người kia đi ra từ chúng tôi” vừa hàm ý, đi ra từ khu vực xứ Giu-đê của chúng tôi, vừa hàm ý, đi ra từ những người I-sơ-ra-ên vốn thuộc Do-thái Giáo như chúng tôi.

Nội dung của lá thư từ các sứ đồ và các trưởng lão, cùng toàn thể con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem, đã khẳng định lời rao giảng về sự phải cắt bì mới được cứu rỗi là tà giáo. Đồng thời cũng khẳng định rằng, những người rao giảng tà giáo đó là theo ý riêng của họ. Họ không hề nhận thẩm quyền từ Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.

Cách nói “làm rối loạn linh hồn của các anh chị em” nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng và tác hại của tà giáo là trực tiếp trên bản ngã của người nghe. Tà giáo có thể được nghe bằng lỗ tai của xác thịt, được suy ngẫm theo lý trí thay vì theo thần trí, tác động đến bản ngã của một người để người ấy có quyết định sai lầm, tin theo tà giáo, dẫn đến sự mất đức tin và sự bị hư mất.

Lời Chúa cũng dạy chúng ta chỉ khuyên người theo tà giáo hai lần. Sau đó thì tránh xa họ, để không phải nghe thêm những lời “làm rối loạn linh hồn” mình.

Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa.” (Tít 3:10).

Chúng ta thấy, ngay từ những năm đầu của Hội Thánh, tà giáo đã do chính một số người trong Hội Thánh rao giảng. Cũng từ xưa, tà giáo vừa do chính người trong Hội Thánh vì thiếu hiểu biết Lời Chúa mà lại kiêu ngạo rao giảng; vừa do các tôi tớ của Sa-tan trà trộn vào Hội Thánh, hoặc ngang nhiên tạo ra các giáo hội, giáo phái mang danh Chúa rao giảng. Lời Chúa đã cảnh giác con dân Chúa.

Nhưng trong dân chúng cũng đã có những tiên tri giả, và ngay cả trong các anh chị em cũng sẽ có những giáo sư giả, là những kẻ sẽ đem vào những tà giáo đáng diệt, đến nỗi chối bỏ Chúa đã chuộc chúng nó, tự đem cho chúng nó sự hủy diệt thình lình.” (II Phi-e-rơ 2:1).

Lời Chúa cũng dạy chúng ta không tiếp đón, không chào hỏi những ai không mang theo họ giáo lý của Đấng Christ.

Bất cứ ai nghịch lại, chẳng ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa. Còn ai ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy có cả Đức Cha lẫn Đức Con. Nếu ai đến với các anh chị em mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ đón kẻ ấy vào nhà, và cũng đừng chào hỏi kẻ ấy.” (II Giăng 9-10).

Những người ở trong Hội Thánh mà tin tà giáo và rao giảng tà giáo là vì họ có sự kiêu ngạo thuộc linh. Họ cho rằng, họ thông hiểu Lời Chúa hơn những người Chúa đặt để làm người chăn và người dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Nhưng thực tế thì họ là những kẻ dốt nát, như Lời Chúa đã chép.

Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao-lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn sáng được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy. Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:15-16).

Những kẻ không vâng phục người chăn và người dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, tin theo tà giáo hoặc rao giảng tà giáo, nếu không kịp thời ăn năn thì sẽ bị hư mất. Tuy nhiên, Hội Thánh cần phải dứt thông công những kẻ như vậy, nếu sau hai lần khuyên bảo mà họ không ăn năn.

25 Chúng tôi đã đồng lòng, quyết định, gửi các người được chọn đến các anh chị em, với Ba-na-ba và Phao-lô yêu dấu của chúng tôi.

Sự chọn người vào trong phái đoàn, sai đến Hội Thánh tại An-ti-ốt, là quyết định chung của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem cũng thể hiện sự yêu quý của họ dành cho Ba-na-ba và Phao-lô. Ba-na-ba vốn ra từ Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Còn Phao-lô thì sau khi tin nhận Đấng Christ đã được Ba-na-ba đưa về giới thiệu với Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.

26 Các người đã liều mạng sống của họ vì danh của Chúa chúng ta, Jesus Christ.

27 Vậy, chúng tôi đã sai Giu-đa và Si-la. Qua lời nói, họ thông báo các sự việc.

Câu 26 được dùng để nói về Ba-na-ba và Phao-lô. Hai người đã chịu nhiều gian khổ trong hành trình truyền giáo, rao giảng về Tin Lành của Đấng Christ cho các dân ngoại. Thực tế, Phao-lô bị ném đá, tưởng đã chết.

Giu-đa và Si-la, hai người đứng đầu phái đoàn của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, có bổn phận vừa trao lại lá thư về phán quyết của Giám Mục Gia-cơ, vừa thuật lại diễn tiến của hội nghị cách chi tiết cho con dân Chúa tại An-ti-ốt.

28 Vì Đức Thánh Linh và chúng tôi đã quyết định: chẳng gán gánh nặng nào hơn cho các anh chị em, ngoài các điều cần thiết này:

29 Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm. Các anh chị em giữ mình khỏi những sự ấy thì sẽ thực hành tốt. Kính chúc bình an!

Đức Thánh Linh, qua Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, đã quyết định rằng, đối với con dân Chúa không thuộc dân I-sơ-ra-ên, ngoài Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ vẫn được nhắc đến trong khi Tin Lành được rao giảng, thì chỉ cần giữ thêm điều răn giữ mình nên thánh.

Chúng ta chú ý cách dùng chữ của Đức Thánh Linh: “Chẳng gán gánh nặng nào” hơn là “các điều cần thiết này”. Có nghĩa là các điều được liệt kê tiếp theo đó là các điều cần thiết và không phải gánh nặng. Có ai bảo ăn cơm, uống nước, ngủ nghỉ, giải trí, và ngay cả làm việc… là gánh nặng hay không? Ngược lại, những gì không cần thiết mà áp đặt phải làm thì đó là gánh nặng. Đang giữa mùa hè nóng nực mà buộc ai đó khi đi đường phải mang theo áo ấm thì đó là gán cho người ấy một gánh nặng.

Có ba điều cần thiết mà con dân Chúa người I-sơ-ra-ên vốn đã vâng giữ, Đức Thánh Linh truyền cho con dân Chúa không phải người I-sơ-ra-ên cũng phải vâng giữ:

  • Kiêng ăn của cúng thần tượng.

  • Kiêng ăn máu và thịt thú vật chết ngạt.

  • Tránh sự tà dâm.

Ý nghĩa của lệnh truyền này chúng ta đã học trong bài trước [1]. Con dân Chúa dù thuộc bất cứ dân tộc nào cũng đều phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh. Chúng tôi đã tổng hợp 12 điều răn của Thiên Chúa vào trong một bài, và đăng trên timhieutinlanh.com với tựa đề: Các Điều Răn của Thiên Chúa [2]. Quý ông bà anh chị em có thể tải xuống và in ra giấy để học thuộc lòng.

Ai giữ trọn các điều răn của Thiên Chúa thì ấy là người thực hành tốt đức tin của mình nơi Thiên Chúa.

30 Vậy, thực tế, họ đã lên đường, đến tận An-ti-ốt, nhóm họp một đám đông, trao ra lá thư.

31 Mọi người đã đọc thư xong thì được vui mừng bởi sự khích lệ.

Phái đoàn của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã đến An-ti-ốt và đã nhóm hiệp con dân Chúa tại đó. Có lẽ lá thư do Giám Mục Gia-cơ viết đã được đọc chung cho cả Hội Thánh cùng nghe, rồi sau đó, được chuyền tay cho con dân Chúa tự đọc. Nội dung của lá thư đã đem lại sự vui mừng cho con dân Chúa tại An-ti-ốt vì họ được khích lệ bởi tình yêu và sự quan tâm của các sứ đồ và các trưởng lão, cùng Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Điều quan trọng là linh hồn của họ không còn bị rối ren bởi những lời giảng dạy tà giáo.

32 Giu-đa và Si-la là các tiên tri, chính họ với nhiều lời nói cũng khích lệ và làm vững lòng các anh chị em cùng Cha.

Danh từ “tiên tri” được dùng ở đây không hàm ý là người nói trước điều gì đó sẽ xảy ra cho Hội Thánh tại An-ti-ốt, nhưng là người nói những điều bày tỏ ý muốn của Chúa trên con dân Chúa. Qua lời giảng giải của Giu-đa và Si-la, con dân Chúa tại An-ti-ốt đã được gây dựng nhiều, đức tin càng thêm lên.

33 Một thời gian trôi qua, họ đã lên đường trong bình an, từ các anh chị em cùng Cha về với các sứ đồ.

34 Tuy nhiên, Si-la đã quyết định cứ ở lại đó.

Chúng ta không biết “một thời gian trôi qua” là bao lâu. Nhưng phái đoàn của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã lên đường, từ An-ti-ốt, bình an về lại Giê-ru-sa-lem, báo cáo mục vụ với các sứ đồ. Riêng Si-la đã chọn ở lại An-ti-ốt. Chúng ta có thể hiểu rằng, quyết định này của Si-la đã được tác động bởi Đức Thánh Linh, để sẵn sàng cho mục vụ mà Ngài sẽ giao cho ông.

35 Phao-lô và Ba-na-ba cũng ở lại tại An-ti-ốt, giảng Tin Lành và dạy Lời Chúa với nhiều người khác.

36 Sau nhiều ngày, Phao-lô đã nói với Ba-na-ba: Bây giờ, chúng ta hãy trở lại thăm các anh chị em cùng Cha của chúng ta trong mỗi thành, trong nơi chúng ta đã công bố Lời Chúa, xem họ như thế nào.

Phao-lô và Ba-na-ba cũng đã ở lại An-ti-ốt một thời gian, cùng với Si-la và các trưởng lão khác giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa, đồng thời tiếp tục rao giảng Tin Lành cho những người không tin Chúa tại An-ti-ốt.

Vào khoảng mùa thu năm 49, Phao-lô đề nghị Ba-na-ba cùng ông quay lại viếng thăm con dân Chúa tại các thành, mà hai ông đã rao giảng Tin Lành trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô. Đó là các thành Sa-la-min và Ba-phô trên đảo Chíp-rơ; thành An-ti-ốt của xứ Bi-si-đi; các thành I-cô-ni, Lít-trơ, và Đẹt-bơ của xứ Li-cao-ni; và thành Bẹt-giê của xứ Bam-phi-li.

37 Ba-na-ba định đem theo Giăng, cũng gọi là Mác.

38 Nhưng Phao-lô không muốn đem theo kẻ đã lìa khỏi họ từ Bam-phi-li, chẳng đi chung với họ vào trong công việc.

Khi Ba-na-ba tỏ ý muốn đem Mác theo thì Phao-lô đã không đồng ý. Lý do là vì trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô, Mác cùng đi với Ba-na-ba và Phao-lô; nhưng sau khi trải qua hai thành Sa-la-min và Ba-phô trên đảo Chíp-rơ, thì Mác đã rời khỏi Ba-na-ba và Phao-lô để quay về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta không biết vì lý do gì Mác đã bỏ cuộc, quay lại Giê-ru-sa-lem. Nhưng ý của Phao-lô là Mác không có tinh thần trách nhiệm nên ông không muốn cho Mác đi theo, trong hành trình truyền giáo lần thứ nhì của ông.

39 Vậy, có sự tranh cãi khiến họ đã phân rẽ khỏi nhau; nên Ba-na-ba đã đem Mác, đi tàu đến Chíp-rơ.

Danh từ “tranh cãi” (G3948) trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là sự khích động trong lời nói. Danh từ này có thể được dùng với nghĩa: lời sốt sắng thúc giục làm điều tốt, như được dùng trong Hê-bơ-rơ 10:24; cũng có thể được dùng với nghĩa: sự tranh cãi vì bất đồng ý kiến, như được dùng tại đây. Sự bất đồng ý kiến về việc đem Mác theo đã khiến cho Ba-na-ba và Phao-lô phân rẽ khỏi nhau. Ba-na-ba đã hành động trước bằng cách đem Mác, rời khỏi An-ti-ốt, đi tàu đến đảo Chíp-rơ. Đảo Chíp-rơ là quê hương của Ba-na-ba, và có lẽ cũng là quê hương của Mác. Đó là nơi đầu tiên Ba-na-ba và Phao-lô đã truyền giảng Tin Lành, trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô.

Kể từ đây thì tên Ba-na-ba không còn được nhắc đến trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Nhưng trong các lá thư Phao-lô viết cho các Hội Thánh thì có năm lần ông nhắc đến Ba-na-ba.

Khi xét về sự bất đồng ý kiến giữa Ba-na-ba và Phao-lô, dẫn đến sự hai người phân rẽ nhau trong hành trình truyền giáo, chúng ta thấy:

  • Ba-na-ba và Phao-lô đều là sứ đồ, đầy dẫy thánh linh, được Đức Thánh Linh biệt riêng để làm công việc giảng Tin Lành cho các dân ngoại. Nhưng mỗi người có quan điểm riêng, không giống nhau về sự cho Mác tham dự hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô. Có lẽ, Ba-na-ba mong muốn sớm cho Mác cơ hội chuộc lỗi; nhưng Phao-lô thì muốn kỷ luật Mác thêm một thời gian.

  • Vì ý kiến, quan điểm của Ba-na-ba và Phao-lô trái ngược nhau nên chỉ có thể một trong hai là đúng theo ý Chúa.

  • Chúa luôn ban cho loài người có thêm cơ hội để ăn năn nhưng Chúa cũng sửa phạt loài người cách tương xứng với sự phạm tội. Sự được Chúa ban cho có thêm cơ hội để ăn năn khác với sự sẽ được Chúa phục hồi địa vị hoặc ơn phước Chúa đã ban cho, trước khi một người phạm tội. Ê-sau, sau khi đổi quyền trưởng nam lấy một bát canh đậu, đã không còn được phục hồi quyền trưởng nam. Các thế hệ dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô đã gục chết trong đồng vắng, không vào được đất hứa, ngoại trừ con cháu dưới 20 tuổi của họ và hai người không phạm tội chống nghịch Chúa là Giô-suê và Ca-lép.

  • Chúng ta có thể hiểu rằng, nếu Mác không bỏ rơi Ba-na-ba và Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô, thì Mác vẫn được tiếp tục đồng công với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo của Phao-lô. Nhờ đó, Mác được đóng góp nhiều công khó trong mục vụ rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại, vào thời bấy giờ. Dù Mác bị Phao-lô từ chối, không cho tham dự hành trình truyền giáo lần thứ nhì của ông, Chúa vẫn cho Mác cùng làm mục vụ với Ba-na-ba và sau đó, dùng Mác để viết sách Tin Lành Mác. Mác đã chứng tỏ kết quả sự ăn năn của mình nên về sau Phao-lô đã tiếp nhận Mác trở lại, gọi Mác là người đồng công với ông trong mục vụ (II Ti-mô-thê 4:11; Phi-lê-môn câu 24).

  • Chúng ta có thể hiểu rằng, nếu Ba-na-ba không tự ý phân rẽ khỏi Phao-lô, thì ông vẫn được tiếp tục đồng công với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo của Phao-lô, và tên của ông vẫn tiếp tục được nhắc đến trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Rao giảng Tin Lành là bổn phận của mỗi con dân Chúa và là mục đích của chức vụ sứ đồ. Nhưng sự rao giảng Tin Lành phải theo ý muốn của Chúa. Có những lúc Chúa ngăn cản sự rao giảng Tin Lành cho một địa phương nào đó, cho một dân tộc nào đó, hay cho một người nào đó vì chưa phải là thời điểm thích hợp. Điều đó đã được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6.

  • Chúng ta có thể hiểu rằng, việc Ba-na-ba phân rẽ khỏi Phao-lô là điều không đẹp lòng Chúa. Nhưng Ba-na-ba có quyền lựa chọn của ông. Ba-na-ba vẫn làm công việc rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại, chăm sóc những người đã tin nhận Tin Lành, và chắc chắn là việc làm của ông đã đem lại những thành quả tốt. Nhưng e rằng, đó chỉ là sự hầu việc Chúa theo ý riêng, dù có kết quả nhưng sẽ không nhận được sự khen thưởng từ Chúa. Trừ khi Ba-na-ba đã nhận thức quyết định sai lầm của mình và ăn năn.

  • Chúng ta có thể hiểu rằng, quyết định phân rẽ khỏi Phao-lô của Ba-na-ba là sai vì các lý do sau đây. Trước hết, dù Ba-na-ba lớn tuổi hơn Phao-lô, tin nhận Tin Lành trước Phao-lô, là người đứng ra bảo lãnh Phao-lô trước Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, là người mời Phao-lô đến An-ti-ốt để cùng ông chăm sóc Hội Thánh tại đó, nhưng Phao-lô đã được Chúa gọi làm sứ đồ cho các dân ngoại trước Ba-na-ba. Vì thế, Ba-na-ba phải vâng phục Phao-lô trong mục vụ. Kế tiếp, Ba-na-ba và Phao-lô đã được Đức Thánh Linh trực tiếp sai đi rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại, không phải Mác. Nên việc Mác có mặt hay không có mặt trong các chuyến truyền giáo không phải là điều quan trọng. Khi Ba-na-ba vì sự Phao-lô không đồng ý đem Mác theo mà phân rẽ khỏi mục vụ truyền giáo Đức Thánh Linh đã giao phó cho ông và Phao-lô, thì Ba-na-ba đã đặt suy nghĩ, cảm xúc của mình trên mệnh lệnh của Chúa. Sau cùng, quyết định không đem Mác theo của Phao-lô hoàn toàn không nghịch lại bất cứ nguyên tắc nào của Chúa. Phao-lô muốn rằng, mỗi người tham dự các hành trình truyền giáo của ông phải có tinh thần trách nhiệm, trung tín trong mục vụ.

Có người cho rằng, Phao-lô đã thiếu lòng thương xót, khi không cho Mác cơ hội thứ nhì. Chúng ta cần phân biệt rõ giữa sự cho thêm cơ hội với sự phục hồi địa vị hay chức vụ. Một sĩ quan thất trách có thể được ban cho cơ hội thứ nhì bằng cách được lưu giữ trong quân đội, nhưng không có nghĩa là anh ta được tiếp tục chỉ huy đơn vị cũ. Một trưởng phòng quản lý nhân viên phạm lỗi, được công ty cho tiếp tục ở lại làm việc trong công ty không có nghĩa là người ấy vẫn tiếp tục làm việc trong phòng quản lý nhân viên. Mác có thể được ban thêm cơ hội để hầu việc Chúa nhưng không có nghĩa là được tiếp tục ở lại trong mục vụ truyền giáo của Phao-lô.

40 Còn Phao-lô đã chọn Si-la, rồi lên đường, được phó vào trong ân điển của Đức Chúa Trời bởi các anh chị em cùng Cha.

41 Người đã trải qua Si-ri và Si-li-si, làm vững vàng các Hội Thánh.

Chúa là Đấng ban cho mọi người quyền tự do lựa chọn nhưng Ngài cũng là Đấng biết trước mọi sự, biết trước sự lựa chọn của mỗi người. Chúa biết trước rằng, sau hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô, Ba-na-ba sẽ vì Mác mà quyết định phân rẽ khỏi Phao-lô. Chúa đã sắm sẵn Si-la thay thế Ba-na-ba, làm người đồng hành với Phao-lô. Vì thế, Đức Thánh Linh đã tác động trong lòng Si-la để Si-la chọn ở lại An-ti-ốt, thay vì về lại Giê-ru-sa-lem.

Phao-lô đã cùng Si-la lên đường, bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ nhì trong sự được Hội Thánh tại An-ti-ốt chúc phước và dâng trình họ vào trong ân điển của Đức Chúa Trời. Điều này đã không xảy ra cho Ba-na-ba và Mác.

Phao-lô đã thực hiện hành trình truyền giáo lần thứ nhì bằng đường bộ. Từ An-ti-ốt, xứ Si-ri đi qua xứ Si-li-si để đến thăm các Hội Thánh tại đó.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/12/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-cong-vu-cac-su-do-1501-21-hoi-nghi-dau-tien-cua-hoi-thanh/

[2] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Đời Tôi”
https://karaokethanhca.net/doi-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.