Chú Giải Hê-bơ-rơ 03:07-19 Lời Cảnh Báo về Sự Nghi Ngờ

2,973 views

58007 Chú Giải Hê-bơ-rơ 3:7-19
Lời Cảnh Báo về Sự Nghi Ngờ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzc3OTkxMTZf/58007_LoiCanhBaoVeSuNghiNgo_Heboro_03_07-19.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58007-loicanhbaovesunghingo-heboro-03-07-19
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/hfhlwcwumpllcwb/58007_LoiCanhBaoVeSuNghiNgo_Heboro_03_07-19.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hê-bơ-rơ 3:7-19

7 Cho nên, như Đức Thánh Linh phán: Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng của Ngài,

8 thì chớ làm cứng lòng của các ngươi, như trong sự chọc giận Thiên Chúa vào ngày thử thách trong đồng vắng.

9 Nơi tổ phụ của các ngươi đã thách thức Ta, đã thử nghiệm Ta, và đã thấy những việc làm của Ta trong bốn mươi năm.

10 Bởi đó, Ta đã giận thế hệ ấy, và phán: Chúng nó luôn lầm lạc trong lòng mà chúng chẳng biết những đường lối của Ta.

11 Vậy, Ta đã thề trong cơn giận của Ta: Chúng nó sẽ chẳng vào trong sự yên nghỉ của Ta. [Dân Số Ký 14:22, Thi Thiên 95:7-11]

12 Này, hỡi các anh chị em cùng Cha! Chớ có ai trong các anh chị em có lòng dữ của sự vô tín mà rời khỏi Thiên Chúa Hằng Sống.

13 Nhưng mỗi ngày các anh chị em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “ngày nay”; kẻo có ai trong các anh chị em trở nên cứng lòng, bởi sự lừa gạt của tội lỗi.

14 Vì chúng ta đã trở nên những người dự phần với Đấng Christ, nếu chúng ta cứ giữ lòng tin ban đầu của chúng ta vững bền đến cuối cùng.

15 Về câu được nói: Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng của Ngài, chớ làm cứng lòng của các ngươi như trong sự chọc giận. [Dân Số Ký 14:29].

16 Thì có những người đã nghe, đã chọc giận. Nhưng chẳng phải hết thảy những người đã ra khỏi Ê-díp-tô bởi Môi-se.

17 Nhưng Ngài đã giận ai bốn mươi năm? Chẳng phải những kẻ đã phạm tội, mà xác chết của họ đã ngã trong đồng vắng sao?

18 Nhưng Ngài đã thề với ai, rằng chúng không được vào trong sự yên nghỉ của Ngài? Chẳng phải với những kẻ không tin và không vâng lời sao?

19 Vậy, chúng ta thấy rằng, họ không thể vào vì sự vô tín.

Chúng ta đã biết, đức tin trong Thiên Chúa đến bởi sự chúng ta được nghe tiếng phán của Thiên Chúa qua những lời công bố hoặc những lời rao giảng về Thiên Chúa (Rô-ma 10:13-17). Chúng ta đã biết, đức tin của chúng ta có thể thêm lên, ngày càng vững bền, khi chúng ta hết lòng vâng phục Thiên Chúa và nhờ đó, kinh nghiệm được quyền năng và sự thành tín của Thiên Chúa thể hiện trong đời sống của chúng ta, qua sự Ngài quan phòng chúng ta. Và chúng ta cũng đã biết, sự nghi ngờ hoặc sự ham muốn bất chính sẽ khiến cho chúng ta lui đi trong đức tin, mà bị trật phần ân điển của Thiên Chúa (Hê-bơ-rơ 10:39). Đức Thánh Linh, qua Hê-bơ-rơ 3:7-19 đã cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của lòng nghi ngờ Thiên Chúa.

7 Cho nên, như Đức Thánh Linh phán: Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng của Ngài,

8 thì chớ làm cứng lòng của các ngươi, như trong sự chọc giận Thiên Chúa vào ngày thử thách trong đồng vắng.

Hê-bơ-rơ 3:7-11 được trích dẫn từ Thi Thiên 95:7-11. Thi Thiên 95 là một bài ca được dân I-sơ-ra-ên dùng trong buổi thờ phượng Chúa vào mỗi chiều Thứ Sáu, mở đầu cho ngày Sa-bát. Mặc dù trong Thánh Kinh nguyên ngữ Hê-bơ-rơ không ghi tên người viết ra Thi Thiên 95, nhưng trong Bản Dịch 70 (Septuagint, /xép-chua-chin/ hoặc /xép-tua-chin/) thì có ghi chú là do Vua Đa-vít viết.

Bản dịch 70 là bản dịch do 72 người I-sơ-ra-ên được tuyển chọn từ trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên, mỗi chi phái sáu người, để phiên dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp. Năm sách đầu của Cựu Ước được phiên dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Các sách còn lại được phiên dịch vào thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Ban đầu, Bản Dịch 70 được những người I-sơ-ra-ên sống tại Ê-díp-tô dùng; vì họ đọc và nói tiếng Hy-lạp nhưng không đọc và nói được tiếng Hê-bơ-rơ. Đến thời của Đức Chúa Jesus thì Bản Dịch 70 đã được dùng rộng rãi trong các nhà hội của người I-sơ-ra-ên ở khắp nơi trong đế quốc La-mã. Sau khi Hội Thánh được thành lập thì Bản Dịch 70 đã được dùng trong Hội Thánh.

Hê-bơ-rơ 4:7 xác nhận Vua Đa-vít là người viết Thi Thiên 95. Thi Thiên 95 là bài ca do Vua Đa-vít viết ra nên Hê-bơ-rơ 3:7 gọi đó là tiếng phán của Đức Thánh Linh; nghĩa là Đức Thánh Linh thần cảm cho Vua Đa-vít viết ra.

Khi chúng ta đọc Thi Thiên 95 thì thấy, đại danh từ “ta” được dùng trong các câu từ 9 đến 11 là lời tự xưng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Kết hợp Thi Thiên 95:7-11 với Hê-bơ-rơ 3:7-11 chúng ta thấy, Đức Thánh Linh chính là Thiên Chúa với danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Một chi tiết khác chúng ta cần ghi nhớ: Danh xưng “Đức Thánh Linh” trong tiếng Việt là được dịch từ nhóm chữ: “Đấng Thánh, Đấng Thần Linh” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Và danh từ “Đấng Thánh” chỉ được dùng cho Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta thấy, Thánh Kinh đã trực tiếp xưng nhận Đấng Thần Linh là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Trạng từ “ngày nay” trong Thi Thiên 95:7 và trong Hê-bơ-rơ 3:7 đều chỉ về thời hiện tại của người nghe hoặc đọc hai câu Thánh Kinh ấy. “Tiếng của Ngài” là tiếng của Thiên Chúa: Là tiếng của Đức Chúa Trời trực tiếp phán với dân I-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i trong buổi đầu khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và phán qua Môi-se trong suốt 40 năm dân I-sơ-ra-ên lang thang trong đồng vắng; là tiếng của Đức Thánh Linh phán qua các tiên tri sau khi dân I-sơ-ra-ên đã vào trong Đất Hứa; và là tiếng của Đấng Christ cùng Đức Thánh Linh phán với Hội Thánh trong thời Tân Ước, đã được các môn đồ của Đấng Christ rao truyền và ghi chép lại thành Thánh Kinh Tân Ước.

Qua Hê-bơ-rơ 3:7-11, Đức Thánh Linh khuyên dân I-sơ-ra-ên chớ cứng lòng khi nghe tiếng phán của Thiên Chúa, như tổ phụ của họ trước kia. Nhưng lời khuyên ấy cũng áp dụng cho bất cứ ai ở trong Hội Thánh, vì Hội Thánh là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh. Mỗi khi chúng ta đọc hoặc nghe giảng Thánh Kinh là chúng ta đang nghe tiếng phán của Thiên Chúa. Và khi nghe tiếng phán của Thiên Chúa thì chúng ta hãy hết lòng vâng phục, chớ làm cứng lòng mình.

Làm cứng lòng”: Nghĩa đen là làm cho lòng trở nên cứng, không còn ghi nhận sự cảm xúc. Nghĩa bóng là không ghi nhận lời phán của Thiên Chúa để hiểu biết Ngài, yêu kính Ngài, và vâng phục Ngài.

Chọc giận Thiên Chúa”: Mọi hành động không vâng phục Thiên Chúa đều là sự chọc giận Thiên Chúa. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ hậu quả của sự A-đam và Ê-va không vâng phục Thiên Chúa, đã được Đức Thánh Linh tóm gọn như sau: “Tiền công của tội lỗi là sự chết!” (Rô-ma 6:23). Chúng ta đừng bao giờ nuôi ý nghĩ rằng, mình chỉ phạm tội một chút, hoặc thêm một lần này thôi, rồi sẽ ăn năn, kêu cầu sự tha thứ của Chúa. Khi chúng ta suy nghĩ như vậy là chúng ta đã làm cho lòng mình chai cứng, khinh thường Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ gánh lấy hậu quả nghiêm trọng.

Ngày thử thách trong đồng vắng”: Là khoảng thời gian 40 năm Đức Chúa Trời thử thách đức tin và lòng yêu kính Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên. Chi tiết của sự thử thách này đã được ghi lại trong Thánh Kinh, từ sách Xuất Ê-díp-tô Ký cho đến sách Phục Truyền Luật Lệ Ký. Đồng vắng là đồng cỏ mênh mông, không có người định cư. Sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, dân I-sơ-ra-ên đã trải qua nhiều đồng vắng.

Đồng vắng còn là biểu tượng cho những thời kỳ trong hành trình thuộc linh của mỗi con dân Chúa, bắt đầu từ khi họ tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho đến khi họ vào trong thiên đàng. Chúa sẽ thử thách đức tin của chúng ta trong suốt thời gian chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này. Chúa sẽ cho phép những nghịch cảnh xảy đến trong đời sống của chúng ta. Chúa sẽ cho phép ma quỷ trực tiếp cám dỗ chúng ta bằng cách gieo rắc những ý tưởng nghịch Lời Chúa trong tâm trí của chúng ta; hoặc gián tiếp cám dỗ, hù dọa chúng ta qua những người khác. Chúng ta hãy ghi nhớ câu chuyện của Gióp, ghi nhớ lời tâm tình của Sứ Đồ Phao-lô trong II Cô-rinh-tô 11:21-33, và ghi nhớ Rô-ma 8:28-39. Lời Chúa sẽ giúp cho chúng ta luôn tỉnh thức và có năng lực giữ vững đức tin.

9 Nơi tổ phụ của các ngươi đã thách thức Ta, đã thử nghiệm Ta, và đã thấy những việc làm của Ta trong bốn mươi năm.

Trong các đồng vắng dân I-sơ-ra-ên trải qua trên hành trình tiến về vùng Đất Hứa, Đức Chúa Trời đã thử thách đức tin của dân I-sơ-ra-ên; nhưng dân I-sơ-ra-ên cũng đã thách thức sự thương xót và nhẫn nại của Ngài, khi họ cứ liên tiếp nghi ngờ Ngài, oán trách Ngài.

Thách thức”: Động từ được dịch là “thách thức” cũng chính là động từ được dịch là “thử thách” và “cám dỗ”, như hình thức danh từ của nó trong I Cô-rinh-tô 10:13. Trong Hê-bơ-rơ 3:9, động từ này có nghĩa là loài người tỏ ra lời nói, thái độ, hành động để mong có thể chứng minh rằng, Thiên Chúa là không yêu thương và không thành tín.

Thử nghiệm”: Động từ được dịch là “thử nghiệm” có nghĩa là xác nhận giá trị chân thật sau khi xem xét, thử thách.

Dân I-sơ-ra-ên vừa thách thức Đức Chúa Trời bằng sự than phiền, oán trách của họ, vừa học được bài học là Ngài luôn thành tín, làm thành mọi lời hứa của Ngài đối với họ, qua sự Ngài giải cứu họ và ban cho họ mọi nhu cầu. Trong suốt 40 năm, họ đã tận mắt nhìn thấy biết bao nhiêu những phép lạ Đức Chúa Trời đã làm ra để bảo vệ họ và chu cấp mọi nhu cầu của họ. Tiếc thay, họ vẫn cứng lòng, thiếu đức tin và cứ bội nghịch Thiên Chúa. Lịch sử của dân I-sơ-ra-ên là bài học điển hình cho chúng ta thấy, với bản tính tội lỗi di truyền từ A-đam, loài người cứ sống theo bản tính tội, cho dù được kinh nghiệm tình yêu và sự toàn năng của Thiên Chúa. Vì thế, loài người cần được Thiên Chúa dựng nên mới, được chính Thiên Chúa ngự trong họ để dẫn dắt họ. Lịch sử của Hội Thánh gần hai ngàn năm qua đã ghi nhận hàng triệu và có lẽ hàng chục triệu người đã chọn cái chết của thân thể xác thịt để giữ trọn lòng trung tín với Thiên Chúa. Điều ấy đã chứng minh rằng, một người được dựng nên mới trong Đấng Christ là một người hoàn toàn sống cho Chúa và chết cho Chúa. Mọi lời người ấy nói, mọi việc người ấy làm đều phản chiếu sự vinh quang của Thiên Chúa và vì sự vinh quang của Thiên Chúa, đem lại ích lợi và gây dựng cho mọi người.

10 Bởi đó, Ta đã giận thế hệ ấy, và phán: Chúng nó luôn lầm lạc trong lòng mà chúng chẳng biết những đường lối của Ta.

11 Vậy, Ta đã thề trong cơn giận của Ta: Chúng nó sẽ chẳng vào trong sự yên nghỉ của Ta. [Dân Số Ký 14:22, Thi Thiên 95:7-11]

Bởi sự cứng lòng, vô tín của dân I-sơ-ra-ên trong thời Môi-se cứ tái diễn mà Đức Chúa Trời giận họ. Sự cứng lòng, vô tín đó xuất phát từ ngay trong tấm lòng của họ. Tấm lòng của họ đã không hướng về Đức Chúa Trời và những lời hứa của Ngài. Lòng họ chỉ hướng về những khó khăn, nghịch cảnh Chúa cho phép xảy đến trong đời sống của họ để thử thách họ, và hướng về những sự thỏa mãn vật chất. Lẽ ra, họ nên tìm kiếm sự thỏa mãn thuộc linh qua sự yêu kính Chúa, tin cậy Chúa, và vâng phục Chúa, biết ơn Chúa trong mọi sự; kêu cầu và chờ đợi sự giải cứu của Chúa trong mọi nghịch cảnh.

Những đường lối của Đức Chúa Trời chính là những gì Ngài muốn dân I-sơ-ra-ên làm theo để họ được mãi mãi là con dân của Ngài, sống hạnh phúc trong tình yêu, ân điển, và năng lực của Ngài. Những đường lối của Đức Chúa Trời đối với dân I-sơ-ra-ên thời xưa đã được ghi chép trong Thánh Kinh Cựu Ước. Những đường lối của Đức Chúa Trời đối với toàn thể loài người ngày nay đã được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước và được giải thích chi tiết trong Thánh Kinh Tân Ước.

Khi một người không hướng lòng về Thiên Chúa thì sẽ không suy ngẫm Lời của Ngài, nên người ấy chẳng biết những đường lối của Ngài.

Trong cơn giận của Đức Chúa Trời, Ngài đã thề không cho những kẻ ngỗ nghịch vào trong sự yên nghỉ của Ngài. Động từ “thề” có nghĩa là nói lên một lời quả quyết về một hành động sẽ làm mà không một điều gì có thể khiến cho thay đổi. Khi Đức Chúa Trời chỉ chính mình Ngài mà thề, thì điều ấy có nghĩa là: Nếu việc Ngài nói Ngài sẽ làm mà Ngài không làm thì Ngài không phải là Đức Chúa Trời. Nói cách khác, điều mà Đức Chúa Trời thề sẽ làm đó, chắc chắn sẽ xảy ra theo sự thành tín và sức toàn năng của Ngài.

Sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời được nói đến trong câu này theo nghĩa đen là sự yên nghỉ Ngài đã hứa ban cho dân I-sơ-ra-ên, vừa là sự yên nghỉ khỏi ách nô lệ của xứ Ê-díp-tô vừa là sự yên nghỉ khỏi hành trình đi về Đất Hứa. Sự yên nghỉ đó làm hình bóng cho sự yên nghỉ khỏi sức mạnh của tội lỗi, khỏi hậu quả của tội lỗi, tiêu biểu bằng sự ra khỏi ách nô lệ của Ê-díp-tô; và làm hình bóng cho sự yên nghỉ khỏi sự lao nhọc hầu việc Chúa trong thân thể xác thịt hiện tại, tiêu biểu bằng hành trình băng qua các đồng vắng, tiến về Đất Hứa. Chúng ta sẽ cùng nhau học chi tiết về sự yên nghỉ hình bóng này, khi chúng ta học đến Hê-bơ-rơ đoạn 4.

12 Này, hỡi các anh chị em cùng Cha! Chớ có ai trong các anh chị em có lòng dữ của sự vô tín mà rời khỏi Thiên Chúa Hằng Sống.

Lòng dữ của sự vô tín”: “Dữ” có nghĩa là không tốt lành, không ích lợi, mà chỉ gây ra tai họa. Lòng dữ của sự vô tín là lòng thiếu đức tin nơi Thiên Chúa, nghi ngờ tình yêu và sự thành tín của Ngài, dẫn đến sự phạm tội và bị Thiên Chúa hình phạt. Khi một người thiếu đức tin nơi Thiên Chúa, nghi ngờ Thiên Chúa thì đương nhiên người ấy sẽ rời khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Rời khỏi Thiên Chúa Hằng Sống là rời khỏi Nguồn Sự Sống, là sẽ chết đời đời trong hỏa ngục. Sự chết đời đời là sự đời đời thực hữu trong đau khổ vì bị xa cách mặt Thiên Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Sự vinh quang của sức mạnh Thiên Chúa là sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, đem lại sự giải cứu cho những ai tin cậy Ngài, bảo vệ họ và chăm sóc họ để họ được vui sống trong hạnh phúc với Ngài cho đến đời đời.

13 Nhưng mỗi ngày các anh chị em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “ngày nay”; kẻo có ai trong các anh chị em trở nên cứng lòng, bởi sự lừa gạt của tội lỗi.

Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, mỗi người trong Hội Thánh là một chi thể. Các chi thể của cùng một thân luôn chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau, nên mỗi người trong Hội Thánh luôn chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau là điều đương nhiên. Một trong những hoạt động chăm sóc, bảo vệ là sự khuyên bảo. Động từ khuyên bảo trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: Gọi đến bên cạnh để tùy trường hợp mà nói lời khen ngợi, khích lệ, an ủi, nài nỉ, chỉ dẫn, hoặc dạy dỗ. Sự con dân Chúa mỗi ngày khuyên bảo lẫn nhau sẽ giúp cho mỗi người trong Hội Thánh luôn được soi dẫn bởi Lời Chúa, mà không trở nên cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt.

Lẽ thật của Lời Chúa được con dân Chúa dùng để khuyên bảo lẫn nhau sẽ phơi bày những sự dối trá của tội lỗi; nhờ đó tội lỗi không thể lừa gạt những người được khuyên bảo mỗi ngày. Con dân Chúa trong mỗi Hội Thánh địa phương có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau bằng sự mỗi ngày khuyên bảo lẫn nhau. Đó cũng chính là sự thông công trong Hội Thánh.

Chúng ta nên chú ý đến nhóm chữ “mỗi ngày”. Không phải mỗi tuần một lần hay vài ngày một lần con dân Chúa khuyên bảo lẫn nhau, mà là mỗi ngày, trong suốt khoảng thời gian được gọi là “ngày nay”. Đối với chúng ta, đó là khoảng thời gian Hội Thánh trông chờ sự trở lại của Đấng Christ.

14 Vì chúng ta đã trở nên những người dự phần với Đấng Christ, nếu chúng ta giữ nền tảng ban đầu của chúng ta vững bền đến cuối cùng.

Chúng ta đã trở nên những người dự phần với Đấng Christ”: Thời quá khứ được dùng cho mệnh đề này nói lên lẽ thật là chúng ta đã thực tế ở trong Đấng Christ, và cùng dự phần với Ngài trong mọi sự thuộc về Ngài.

  • Đấng Christ đã chịu khổ và chịu chết vì chúng ta thì chúng ta cũng chịu khổ và chịu chết vì Ngài.

Chính mình Ngài đã gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình. Bởi những lằn đòn của Ngài mà các anh chị em đã được lành bệnh [Ê-sai 53:4-6].” (I Phi-e-rơ 2:24).

Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt cho chúng ta, thì các anh chị em cũng phải trang bị cho chính mình cùng một tâm trí; vì người nào cứ chịu khổ trong xác thịt, thì được dứt khỏi tội lỗi, để còn sống trong xác thịt bao lâu thì không còn theo những sự tham muốn của loài người, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:1-2).

  • Thân thể xác thịt của Đấng Christ đã chết vì mang lấy hình phạt của tội lỗi thay cho chúng ta thì chúng ta cũng hãy làm chết thân thể xác thịt tội lỗi của mình.

Hãy biết rằng: Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi một cách công chính.” (Rô-ma 6:6-7).

Vậy, hãy làm chết các chi thể của các anh chị em, là những sự ở trên đất: tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng.” (Cô-lô-se 3:5).

  • Đấng Christ đã sống lại trong vinh quang thì chúng ta cũng sẽ sống lại trong vinh quang như Ngài.

Vì nếu chúng ta được tháp làm một với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được tháp làm một với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài.” (Rô-ma 6:5).

Lời này đáng tin: Vì nếu chúng ta đã cùng chết với Ngài thì cũng sẽ cùng sống với Ngài.” (II Ti-mô-thê 2:11).

  • Đấng Christ là Sự Sống Đời Đời thì chúng ta sẽ được sống đời đời. Sự sống đời đời là sự được thực hữu đời đời trong hạnh phúc với Thiên Chúa, trong vương quốc của Đức Chúa Trời; khác với sự chết đời đời là sự bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời, thực hữu đời đời trong đau khổ với ma quỷ, là các thiên sứ phạm tội, trong hỏa ngục.

Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Đời Đời.” (I Giăng 5:20).

Chiên Ta nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời. Chúng sẽ chẳng chết mất bao giờ, cũng không ai cướp chúng khỏi tay Ta.” (Giăng 10:27-28).

  • Đấng Christ là đầu của mọi quyền cai trị và thế lực. Chúng ta sẽ cùng Đấng Christ cai trị.

Trong Ngài các anh chị em được hoàn toàn, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và thế lực.” (Cô-lô-se 2:10).

Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Nếu chúng ta chối bỏ Ngài thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Nếu chúng ta giữ nền tảng ban đầu của chúng ta vững bền đến cuối cùng”: Mệnh đề này nói lên điều kiện để chúng ta cứ được ở lại trong sự dự phần với Đấng Christ. Đó là chúng ta phải giữ nền tảng ban đầu của chúng ta vững bền đến cuối cùng. Nền tảng ban đầu của chúng ta chính là đức tin vào trong Đấng Christ và chính Đấng Christ. Cuộc đời mới của chúng ta bắt đầu từ đức tin vào trong Đấng Christ và được xây dựng trên chính Đấng Christ. Vì thế, chúng ta phải giữ đức tin của mình vững bền đến cuối cùng, là khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này bởi sự chết hoặc bởi sự Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Đức tin phải thể hiện bằng hành động, nếu không thì đức tin sẽ chết (Gia-cơ 2:17). Chúng ta thể hiện đức tin của chúng ta trong Đấng Christ bằng sự nghe và làm theo mọi lời phán dạy của Ngài (Ma-thi-ơ 7:24-27). Chúng ta phải sống một nếp sống như chính Ngài đã sống, khi Ngài bước đi trong cuộc đời này (I Giăng 2:3-6).

15 Về câu được nói: Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng của Ngài, chớ làm cứng lòng của các ngươi như trong sự chọc giận.

16 Thì có những người đã nghe, đã chọc giận. Nhưng chẳng phải hết thảy những người đã ra khỏi Ê-díp-tô bởi Môi-se.

Chúng ta đã biết, sự dân I-sơ-ra-ên nghi ngờ Thiên Chúa thể hiện qua sự họ phàn nàn, oán trách Ngài và Môi-se mỗi khi họ đối diện với khó khăn nghịch cảnh chính là sự chọc giận Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải hết thảy dân I-sơ-ra-ên đều chọc giận Thiên Chúa. Ít ra, Môi-se, A-rôn, Ca-lép và Giô-suê không thuộc về những kẻ chọc giận Thiên Chúa. Ngày dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô thì tổng số đàn ông vào khoảng 600.000 người, chưa kể phụ nữ và trẻ con (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37). Nhưng vào đầu của năm thứ nhì, khi họ đối diện với Đất Hứa, sinh lòng phản nghịch Thiên Chúa, thì chỉ có Ca-lép và Giô-suê cùng những trẻ con dưới hai mươi tuổi là được đặt chân vào Đất Hứa. Số còn lại đều bị Đức Chúa Trời lên án, phạt họ phải chết trong đồng vắng (Dân Số Ký 14).

Dân Số Ký 32:10-13 chép:

10 Trong ngày đó, cơn thịnh nộ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bùng lên và Ngài thề, phán rằng:

11 Này! Những đàn ông đi lên khỏi xứ Ê-díp-tô, từ hai mươi tuổi sắp lên, sẽ chẳng thấy đất mà Ta đã thề ban cho Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp; vì chúng đã không trọn vẹn theo Ta.

12 Ngoại trừ Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, là người Kê-nít; và Giô-suê, con trai của Nun; vì họ đã trọn vẹn theo Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

13 Và cơn thịnh nộ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bùng lên nghịch lại dân I-sơ-ra-ên. Ngài làm cho họ lang thang trong đồng vắng bốn mươi năm, cho đến khi hết thảy thế hệ đã làm điều ác trước mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã bị diệt sạch.

Dù Môi-se và A-rôn không phạm cùng một tội với dân I-sơ-ra-ên, nhưng họ cũng không được đặt chân vào Đất Hứa. Họ đều qua đời trong đồng vắng, trước khi dân I-sơ-ra-ên vượt sông Giô-đanh, tiến vào Đất Hứa. Môi-se và A-rôn phạm tội vì tức giận sự bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên mà làm trái mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Thay vì phán với vầng đá tại Ca-đe, khiến nó tuôn nước ra cho dân chúng uống, thì Môi-se đã dùng gậy, đập hai lần vào vầng đá mà A-rôn đã không ngăn cản (Dân Số Ký 20:12).

Xuyên suốt trong Thánh Kinh, Lời Chúa đã dạy cho chúng ta cách rõ ràng: Bất cứ một sự nghi ngờ nào về Thiên Chúa, bất cứ một việc làm nào nghịch lại lời phán của Thiên Chúa cũng đều là điều ác. Hình phạt chung cho mọi điều ác, bất kể lớn nhỏ, là kẻ làm ác sẽ không được hưởng lời hứa của Thiên Chúa.

17 Nhưng Ngài đã giận ai bốn mươi năm? Chẳng phải những kẻ đã phạm tội, mà xác chết của họ đã ngã trong đồng vắng sao?

18 Nhưng Ngài đã thề với ai, rằng chúng không được vào trong sự yên nghỉ của Ngài? Chẳng phải với những kẻ không tin và không vâng lời sao?

Đức Chúa Trời đã không giận những trẻ con chưa trưởng thành trong dân I-sơ-ra-ên. Ngài cũng không giận Ca-lép và Giô-suê là hai người lớn biết tin cậy Ngài và theo Ngài cách trọn vẹn. Nhưng Ngài giận toàn thể những kẻ có hiểu biết mà chọc giận Ngài bằng sự họ nghi ngờ lời hứa của Ngài, thiếu đức tin trong Ngài.

Cơn giận của Đức Chúa Trời bùng lên. Ngài tuyên án phạt những kẻ chọc giận Ngài. Suốt 40 năm, Ngài đã nghiêm khắc thi hành án phạt đối với những kẻ có tội. Họ đã không còn cơ hội để ăn năn!

Ngày nay, nếu những ai là con dân Chúa mà nghi ngờ Chúa, oán trách Chúa, thay vì hết lòng tin cậy Chúa, trông chờ sự tiếp trợ và sự giải cứu của Ngài, thì họ chẳng khác gì dân I-sơ-ra-ên thời Môi-se. Họ là những kẻ làm ác, chọc giận Chúa, và họ sẽ nhận lãnh hình phạt một cách xứng đáng. Vì Đức Chúa Trời không chịu bị khinh dễ đâu (Ga-la-ti 6:7).

19 Vậy, chúng ta thấy rằng, họ không thể vào vì sự vô tín.

Đây là một câu vô cùng quan trọng. Ý nghĩa nghiêm trọng của câu này là: Một người hay một dân tộc dù đã được Đức Chúa Trời thương xót, giải cứu, kêu gọi, và hứa ban cơ nghiệp vẫn có thể bị trật phần ân điển của Ngài, vì không tin cậy nơi Ngài.

Danh từ “vô tín” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh vừa có nghĩa là không trung tín, vừa có nghĩa là thiếu đức tin hoặc không có đức tin. Trong thực tế, dân I-sơ-ra-ên có đức tin nơi Thiên Chúa nhưng khi đối diện với sự thử thách thì họ nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa và sự thành tín của Ngài. Họ đã chứng kiến 10 tai vạ Thiên Chúa giáng xuống cho dân Ê-díp-tô và phép lạ biển Đỏ. Tại chân núi Si-na-i họ được trực tiếp nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, được trực tiếp nghe tiếng phán của Ngài. Nhưng khi khó khăn, thiếu thốn đến thì thay vì kêu cầu Thiên Chúa họ lại than van, oán trách Thiên Chúa và những người Thiên Chúa đã chọn ra để chăn dắt họ. Lần thứ mười, khi sự vô tín của họ nổi lên, Thiên Chúa đã thi hành án phạt trên họ. Ngài khiến cho tất cả những kẻ vô tín phải gục chết trong đồng vắng, không được đặt chân vào Đất Hứa. Trong số 600.000 người nam từ hai mươi tuổi trở lên khi ra khỏi Ê-díp-tô cộng thêm 3.550 người đến tuổi hai mươi trong khoảng thời gian hơn một năm dân I-sơ-ra-ên đi từ Ê-díp-tô đến đồng vắng Pha-ran (Dân Số Ký 1:46), chỉ có hai người được đặt chân vào Đất Hứa là Ca-lép và Giô-suê.

Ngày nay, phần lớn những người đang có mặt trong Hội Thánh là những kẻ vô tín. Họ tin Chúa nhưng họ nghi ngờ tình yêu và sự thành tín của Ngài đối với họ. Khi đối diện với những sự thử thách Thiên Chúa cho phép xảy ra trong đời sống của họ thì họ than van, oán trách Thiên Chúa và những người Thiên Chúa đã chọn ra để chăn dắt họ. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri:

…Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Chắc chắn, nếu những người ấy không kịp thời ăn năn thì họ sẽ bị trật phần ân điển. Họ sẽ không vào được Vương Quốc Trời. Họ sẽ bị hư mất đời đời trong sự vô tín của họ.

Nhìn vào nếp sống của những người mang danh là môn đồ của Đấng Christ (Christian) ngày nay, chúng ta thấy số người thật sự tin kính Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa rất là ít. Hơn 2.2 tỷ người mang danh là môn đồ của Đấng Christ thật ra chỉ là những người đi theo một tôn giáo. Sự thờ phượng Thiên Chúa của họ là sự thực hành các nghi thức tôn giáo do các giáo hội đặt ra, không theo lẽ thật của Lời Chúa và không phát xuất từ lòng kính yêu Chúa trên hết mọi sự. Nếu tình trạng thuộc linh của con dân Chúa ngày nay tương tự như tình trạng thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên ngày xưa, nghĩa là cứ mỗi 603.550 người chỉ có hai người là môn đồ chân thật của Đấng Christ, thì khi Đấng Christ đến, trong số hơn 2.2 tỷ người mang danh là môn đồ của Đấng Christ chỉ có khoảng 7.290 người sẽ được biến hóa thân thể xác thịt và ra đi với Đấng Christ.

Quý ông bà anh chị em, những người đang nghe hoặc đọc bài giảng này, có phải là những môn đồ chân thật của Đấng Christ hay không?

Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy. Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:4-6).

Các anh chị em hãy là những người làm theo Lời, đừng là những người chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình.” (Gia-cơ 1:22).

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17), giúp chúng ta sẵn sàng cho ngày Đấng Christ đến (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), để đem chúng ta vào trong thiên đàng. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/03/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Tôi Xin Theo Ngài Luôn”
https://karaokethanhca.net/toi-xin-theo-ngai-luon/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.