Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL059 Sự Nghi Ngờ của Giăng Báp-tít

156 views

YouTube: https://youtu.be/tUr7KaKTMi0

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL059 Sự Nghi Ngờ của Giăng Báp-tít
Ma-thi-ơ 11:2-19; Lu-ca 7:18-35

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 11:2-19

2 Giăng đã nghe ở trong nhà tù về các việc làm của Đấng Christ. Người đã sai hai môn đồ của mình,

3 hỏi Ngài: Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi phải trông chờ Đấng khác?

4 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, phán với họ: Hãy đi! Nói cho Giăng những điều các ngươi nghe và thấy.

5 Những người mù nhìn thấy, những người què bước đi, những người phong hủi được sạch, những người điếc nghe, những người chết được sống lại, những người khó nghèo được nghe giảng Tin Lành.

6 Phước cho bất cứ ai chẳng bị vấp phạm trong Ta!

7 Khi họ đã đi khỏi, Đức Chúa Jesus bắt đầu phán với các đám đông về Giăng: Các ngươi đã đi xem sự gì trong đồng vắng? Một cây sậy bị rung bởi gió?

8 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một người mặc trong trang phục tốt đẹp? Kìa, những người mặc tốt đẹp thì ở trong các nhà của các vua.

9 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một tiên tri? Phải, Ta nói với các ngươi, còn hơn một tiên tri.

10 Vì về người ấy, điều này đã được chép: Này, Ta sai sứ giả của Ta đến trước mặt ngươi, để dọn đường của ngươi, phía trước ngươi.

11 Thật! Ta nói với các ngươi, trong những người được sinh ra bởi đàn bà, không có ai đã trỗi dậy lớn hơn Giăng Báp-tít, nhưng người rất nhỏ trong Vương Quốc Trời là lớn hơn người.

12 Từ những ngày của Giăng Báp-tít cho tới nay, Vương Quốc Trời bị xâm chiếm, và những người xâm chiếm đó đã chiếm được nó.

13 Vì hết thảy các tiên tri và luật pháp đã tiên tri cho đến Giăng.

14 Nếu các ngươi muốn, hãy nhận rằng, người là Ê-li phải đến!

15 Ai có tai để nghe, hãy nghe!

16 Ta sẽ sánh thế hệ này với ai? Nó giống như những trẻ con ngồi giữa chợ, kêu la cùng những bạn của chúng,

17 rằng: Chúng tôi đã thổi sáo cho các ngươi mà các ngươi đã không nhảy múa. Chúng tôi đã than vãn cho các ngươi mà các ngươi đã không than khóc.

18 Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống; và họ nói, người có quỷ.

19 Con Người đã đến, ăn và uống; thì họ nói: Kìa, một người ham ăn, mê uống, bạn của những kẻ thu thuế cùng những tội nhân. Nhưng sự khôn sáng đã được xưng công chính bởi những con cái của nó.

Lu-ca 7:18-35

18 Các môn đồ của Giăng đã trình mọi chuyện đó với người.

19 Giăng đã gọi hai môn đồ kia của mình, sai đến Đức Chúa Jesus, hỏi: Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi phải trông chờ Đấng khác?

20 Hai người đã đến với Ngài, thưa rằng: Giăng Báp-tít đã sai chúng tôi đến Ngài, hỏi: Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi phải trông chờ Đấng khác?

21 Trong chính giờ đó, Ngài đã chữa lành nhiều người khỏi những tật bệnh, những đau yếu, những tà linh, và Ngài đã ban sự nhìn thấy cho nhiều người mù.

22 Rồi, Đức Chúa Jesus đáp lời họ, Ngài đã phán: Hãy đi! Nói cho Giăng những điều các ngươi đã thấy và đã nghe. Rằng: những người mù nhìn thấy, những người què bước đi, những người phong hủi được sạch, những người điếc nghe, những người chết được sống lại, Tin Lành đã được rao giảng cho những người khó nghèo.

23 Phước cho bất cứ ai chẳng bị vấp phạm trong Ta!

24 Khi các sứ giả của Giăng đã đi khỏi, Ngài bắt đầu phán với các đám đông về Giăng: Các ngươi đã đi xem sự gì trong đồng vắng? Một cây sậy bị rung bởi gió?

25 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một người mặc trong trang phục tốt đẹp? Kìa, những người trong trang phục sang trọng và sống sung sướng thì ở trong các cung điện của các vua.

26 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một tiên tri? Phải, Ta nói với các ngươi, còn hơn một tiên tri.

27 Về người ấy, điều này đã được chép: Này, Ta sai sứ giả của Ta đến trước mặt ngươi. Người sẽ dọn đường của ngươi, phía trước ngươi.

28 Vì Ta nói với các ngươi, trong những người được sinh ra bởi đàn bà, không có ai là tiên tri lớn hơn Giăng Báp-tít. Nhưng người nhỏ nhất trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời còn lớn hơn người.

29 Hết thảy dân chúng đã nghe người và những kẻ thu thuế xưng Đức Chúa Trời là công chính, đã chịu báp-tem bởi sự báp-tem của Giăng.

30 Nhưng những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật chối bỏ ý định của Đức Chúa Trời dành cho họ, đã không được báp-tem bởi người.

31 Và Chúa đã phán: Vậy, Ta sẽ sánh những người của thế hệ này với ai? Họ giống ai?

32 Họ giống như những trẻ con ngồi trong chợ, gọi nhau và nói: Chúng tôi đã thổi sáo cho các ngươi mà các ngươi đã không nhảy múa. Chúng tôi đã than vãn cho các ngươi mà các ngươi đã không khóc.

33 Vì Giăng Báp-tít đã đến, không ăn bánh, không uống rượu; thì các ngươi nói, người có quỷ.

34 Con Người đã đến, ăn và uống; thì các ngươi nói: Kìa, một người ham ăn, mê uống, bạn của những kẻ thu thuế và những tội nhân.

35 Nhưng sự khôn sáng đã được xưng công chính bởi hết thảy con cái của nó.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Giăng Báp-tít nghi ngờ chức vụ Đấng Christ của Đức Chúa Jesus. Trong khi Giăng Báp-tít bị Vua Hê-rốt An-ti-ba nhốt tù, ông đã sai hai môn đồ của ông đến gặp Đức Chúa Jesus để hỏi xem, có phải Ngài là Đấng Christ hay không. Sự việc này đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 11:2-19 và Lu-ca 7:18-35.

Chúng ta đã biết, mẹ của Giăng Báp-tít là Ê-li-sa-bét. Lu-ca cho biết, bà là bà con với Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus. Danh từ “συγγενής” (G4773) /Xun-ghê-nết/ trong tiếng Hy-lạp được dịch là “bà con”; có nghĩa đen là người thân trong gia đình, có quan hệ huyết thống; có nghĩa bóng là người đồng hương. Rất có thể, mẹ của Ê-li-sa-bét và mẹ của Ma-ri là chị em ruột hoặc chị em bạn dì, thuộc dòng Đa-vít, chi phái Giu-đa. Trong khi Ê-li-sa-bét lấy chồng là Thầy Tế Lễ Xa-cha-ri thuộc chi phái Lê-vi thì Ma-ri lấy chồng là một người thợ mộc, tên Giô-sép, dòng Đa-vít, thuộc chi phái Giu-đa. Ê-li-sa-bét sinh ra Giăng Báp-tít, là người làm tiên tri dọn đường cho linh vụ của Đấng Christ. Ma-ri sinh ra Đức Chúa Jesus, là Đấng Christ. Như vậy, Giăng Báp-tít và Đức Chúa Jesus là anh em bạn dì đời thứ nhì hoặc đời thứ ba.

Giăng Báp-tít được sinh ra trước khi Đức Chúa Jesus được sinh ra khoảng sáu tháng. Chúng ta có thể tin rằng, Giăng Báp-tít đã được cha mẹ thuật lại cho ông nghe những gì thiên sứ đã tiên tri về ông. Vì thế, khi lớn lên, Giăng Báp-tít đã vào trong đồng vắng, rao giảng Lời Chúa, kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn, chuẩn bị đón nhận Đấng Christ. Tên của ông là Giăng, nhưng vì ông làm báp-tem cho những người chịu ăn năn tội và trông chờ Đấng Christ, nên ông được gọi là “Giăng Báp-tít”. Danh từ “báp-tít” có nghĩa là: người làm báp-tem cho người khác. Có thể cha mẹ của Giăng Báp-tít cũng thuật lại cho ông nghe lời tiên tri của thiên sứ về Đức Chúa Jesus. Như vậy, theo lý trí, Giăng Báp-tít biết, Đức Chúa Jesus được sinh ra để làm Đấng Christ.

Chúng ta có thể hiểu rằng, trong khi Giăng Báp-tít đang giảng và làm báp-tem cho dân I-sơ-ra-ên tại Sông Giô-đanh, ông nhìn thấy Đức Chúa Jesus đi đến và yêu cầu ông làm báp-tem cho Ngài, thì Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Giăng Báp-tít biết, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ. Từ chỗ nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ bằng lý trí, vào lúc ấy, Giăng Báp-tít đã nhận biết Ngài là Đấng Christ bằng thần trí. Chính vì thế mà Giăng Báp-tít đã công bố: “Kìa! Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian” (Giăng 1:29).

Thế nhưng, có lẽ sau khi Giăng Báp-tít bị Vua Hê-rốt An-ti-ba nhốt tù, ông không thấy Đức Chúa Jesus giải cứu ông, cũng không thấy Ngài khôi phục vương quốc I-sơ-ra-ên, nên ông sinh ra ý nghi ngờ. Ông ngờ rằng, rất có thể Đức Chúa Jesus không phải là Đấng Christ. Sự nghi ngờ đó đã khiến ông sai hai môn đồ đến gặp Đức Chúa Jesus để trực tiếp hỏi Ngài. Chúng ta thật sự không biết được tâm trạng và sự suy nghĩ của Giăng Báp-tít. Nhưng hành động sai hai môn đồ đến hỏi Chúa cho chúng ta thấy, trong Giăng Báp-tít có sự nghi ngờ. Sự nghi ngờ phát sinh sau khi đã được Đức Thánh Linh thần cảm, sau khi chính môi miệng ông đã tuyên xưng, Đức Chúa Jesus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian”, khiến cho Giăng Báp-tít trở thành tội nhân. Chúng ta có thể hiểu rằng, sau khi hai môn đồ quay về, thuật lại cho Giăng Báp-tít câu trả lời của Đức Chúa Jesus và những gì họ đã nghe, đã thấy thì Giăng Báp-tít đã ăn năn. Dù vậy, qua lời tiên tri của Đức Chúa Jesus mà chúng ta có thể hiểu rằng, Giăng Báp-tít đã mất hết phần thưởng cho những việc làm của ông.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu trong Ma-thi-ơ 11:2-19; Lu-ca 7:18-35.

Ma-thi-ơ 11:2-3

2 Giăng đã nghe ở trong nhà tù về các việc làm của Đấng Christ. Người đã sai hai môn đồ của mình,

3 hỏi Ngài: Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi phải trông chờ Đấng khác?

Lu-ca 7:18-20

18 Các môn đồ của Giăng đã trình mọi chuyện đó với người.

19 Giăng đã gọi hai môn đồ kia của mình, sai đến Đức Chúa Jesus, hỏi: Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi phải trông chờ Đấng khác?

20 Hai người đã đến với Ngài, thưa rằng: Giăng Báp-tít đã sai chúng tôi đến Ngài, hỏi: Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi phải trông chờ Đấng khác?

Trong khi Giăng Báp-tít bị nhốt tù, các môn đồ của ông vẫn thường đến thăm ông và thuật cho ông nghe những tin tức bên ngoài nhà tù. Sau khi Đức Chúa Jesus gọi một người trẻ ở thành Ca-in sống lại, các môn đồ của Giăng Báp-tít đã đến thăm ông và thuật lại các phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm. Cho tới thời điểm ấy, trong I-sơ-ra-ên chưa có ai làm ra nhiều phép lạ như Đức Chúa Jesus. Điều đó đủ để chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Nhưng Giăng Báp-tít không thấy Đức Chúa Jesus ra tay hành động, khôi phục vương quốc I-sơ-ra-ên, nên ông đã sai hai môn đồ đến gặp Đức Chúa Jesus để hỏi xem, có phải Ngài là Đấng Christ hay không.

“Đấng phải đến” tức là Đấng Mê-si-a, đã được hứa trong Cựu Ước. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, “Đấng Mê-si-a” có nghĩa đen là: Đấng được xức dầu; có nghĩa bóng là: Đấng được Đức Chúa Trời ban cho đầy dẫy thánh linh để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Danh từ ấy, khi được dùng để gọi Đức Chúa Jesus thì có nghĩa là: Đấng được Đức Chúa Trời ban cho thẩm quyền, năng lực, và các ân tứ để làm tiên tri, thầy tế lễ thượng phẩm, và vua giữa loài người. Danh từ “Đấng Mê-si-a” được dịch sang tiếng Hy-lạp là “Đấng Christ”. Có nhiều chỗ trong Cựu Ước tiên tri về sự đến của Đấng Christ. Điển hình là:

“Quyền trượng sẽ không dời khỏi Giu-đa, sự lập pháp cũng sẽ không dứt khỏi giữa chân nó, cho tới khi Đấng Si-lô đến, và sự vâng phục của các dân sẽ thuộc về Ngài.” [Si-lô có nghĩa là: Đấng mà muôn vật thuộc về Ngài, chỉ về Đấng Christ.]” (Sáng Thế Ký 49:10).

“Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ. Tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần. Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, một quyền trượng trồi lên từ I-sơ-ra-ên…” (Dân Số Ký 24:17).

“Ta sẽ truyền ra về sắc lệnh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Ta: Ngươi là Con của Ta. Ngày nay, Ta đã sinh ra Ngươi. Hãy cầu xin nơi Ta, thì Ta sẽ ban các nước làm cơ nghiệp của Con và các đầu cùng của đất làm vật sở hữu của Con. Con sẽ đập vỡ chúng bằng cây trượng sắt. Con sẽ đập tan chúng như những bình được nắn bằng đất sét.” (Thi Thiên 2:7-9).

“Này, đầy tớ Ta đây, là kẻ Ta nâng đỡ; là kẻ Ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn Ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần Ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công chính cho các dân ngoại. Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụi tim đèn còn hơi cháy. Người sẽ lấy lẽ thật mà tỏ ra sự công chính. Người chẳng mòn mỏi, chẳng ngã lòng, cho đến chừng nào lập xong sự công chính trên đất; các cù lao sẽ trông đợi luật pháp người.” (Ê-sai 42:1-4).

Từ sau khi mãn hạn lưu đày 70 năm tại Ba-bi-lôn, được trở về Đất Hứa Ca-na-an, dân I-sơ-ra-ên vẫn trông chờ Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ. Nhưng khi Ngài đến, thì hầu hết những người I-sơ-ra-ên lại không nhận biết Ngài. Cho tới bây giờ, dân I-sơ-ra-ên vẫn trông chờ Đấng Christ. Vì họ không tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Có lẽ Giăng Báp-tít, cũng như hầu hết dân I-sơ-ra-ên vào thời bấy giờ, nghĩ rằng, việc đầu tiên Đấng Christ sẽ làm, khi Ngài đến, là cất bỏ ách đô hộ của đế quốc La-mã. Sau đó, Ngài sẽ lên làm vua, phục hồi sự độc lập và thịnh trị của vương quốc I-sơ-ra-ên như thời Vua Đa-vít. Nhưng Giăng Báp-tít chờ hoài trong tù mà không thấy việc xảy ra như mình suy tưởng và mong muốn. Vì thế, ông sinh ra nghi ngờ, không biết Đức Chúa Jesus có phải là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh hay không.

Sự suy diễn Lời Chúa theo ý riêng, theo sự mong ước của bản thân sẽ khiến cho người ta hiểu sai Lời Chúa. Lời Chúa cần được đối chiếu lẫn nhau để đạt đến ý nghĩa chân thật. Nếu những người I-sơ-ra-ên trông đợi Đấng Christ biết đối chiếu các lời tiên tri trên đây về Đấng Christ, với lời tiên tri về Ngài trong Ê-sai 53, thì họ sẽ hiểu rằng, Đấng Christ phải chịu thương khó, trước khi được vinh hiển. Và như thế, họ sẽ thấy được, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ.

Ma-thi-ơ 11:4-6

4 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, phán với họ: Hãy đi! Nói cho Giăng những điều các ngươi nghe và thấy.

5 Những người mù nhìn thấy, những người què bước đi, những người phong hủi được sạch, những người điếc nghe, những người chết được sống lại, những người khó nghèo được nghe giảng Tin Lành.

6 Phước cho bất cứ ai chẳng bị vấp phạm trong Ta!

Lu-ca 7:21-23

21 Trong chính giờ đó, Ngài đã chữa lành nhiều người khỏi những tật bệnh, những đau yếu, những tà linh, và Ngài đã ban sự nhìn thấy cho nhiều người mù.

22 Rồi, Đức Chúa Jesus đáp lời họ, Ngài đã phán: Hãy đi! Nói cho Giăng những điều các ngươi đã thấy và đã nghe. Rằng: những người mù nhìn thấy, những người què bước đi, những người phong hủi được sạch, những người điếc nghe, những người chết được sống lại, Tin Lành đã được rao giảng cho những người khó nghèo.

23 Phước cho bất cứ ai chẳng bị vấp phạm trong Ta!

Ngay lúc hai môn đồ của Giăng Báp-tít truyền đạt câu hỏi của ông cho Đức Chúa Jesus thì Ngài đang bận rộn chữa bệnh, đuổi quỷ cho nhiều người. Thực tế, chưa bao giờ trong lịch sử của dân I-sơ-ra-ên có một người nào rao giảng về Đức Chúa Trời mà làm ra nhiều phép lạ như Đức Chúa Jesus. Hai môn đồ của Giăng Báp-tít được tận mắt nhìn thấy Đức Chúa Jesus chữa lành cho nhiều người khỏi các thứ tật bệnh. Họ được tận mắt nhìn thấy Ngài đuổi quỷ cho nhiều người, khiến cho nhiều người phong hủi được sạch bệnh và lành, khiến cho nhiều người mù có thể nhìn thấy. Họ cũng đã nghe nhiều tiếng đồn về sự Ngài chữa cho người què đi được, người điếc nghe được, và người chết sống lại. Họ nghe chính Ngài rao giảng và biết rằng, những người khó nghèo đã được nghe giảng Tin Lành. Rất có thể, ngay lúc ấy, trước mắt họ là các đám dân đông, lên đến hàng ngàn người, đến từ nhiều địa phương khác nhau.

Đức Chúa Jesus đã trả lời cho hai môn đồ của Giăng Báp-tít. Ngài bảo họ hãy nói cho Giăng Báp-tít những gì họ đã nghe, đã thấy. Đức Chúa Jesus không xác nhận rằng, Ngài là Đấng Christ. Ngài cũng không phủ nhận rằng, Ngài không phải là Đấng Christ. Ngài nhường sự kết luận cho Giăng Báp-tít.

Lời công bố của Đức Chúa Jesus: “Phước cho bất cứ ai chẳng bị vấp phạm trong Ta”, có nghĩa là bất cứ người nào không bị vấp phạm về bất cứ lời nói, việc làm nào của Ngài thì người ấy sẽ được phước. Vì người như vậy sẽ tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi do Ngài công bố, và hết lòng sống theo mọi lời phán dạy của Ngài.

Bị vấp phạm trong một ai đó là bị ngã vào trong sự phạm tội vì lời nói hay việc làm của người ấy. Có hai loại bị vấp phạm. Bị vấp phạm vì từ chối lẽ thật đã được công bố hoặc bị vấp phạm vì tin theo lời nói dối.

Những người bị vấp phạm trong Đức Chúa Jesus là những người phạm tội vì họ đã từ chối lẽ thật do Ngài công bố. Họ từ chối sự giảng dạy của Ngài và bách hại Ngài. Điển hình là những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê vào thời của Ngài. Tuy nhiên, trong số họ có người không bị vấp phạm, như Ni-cô-đem, trưởng lão trong Tòa Công Luận và Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê, nghị viên của Tòa Công Luận. Họ là hai người chôn cất xác Chúa, sau khi Ngài bị đóng đinh đến chết, trên thập tự giá.

Những người bị vấp phạm vì tin theo lời nói dối là những người phạm tội vì tin theo tà giáo. Điển hình là những người trong các giáo hội mang danh Chúa ngày nay. Vì tin theo những sự giảng dạy tà giáo trong các giáo hội mà họ vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Một trong những sự vấp phạm nghiêm trọng và phổ biến nhất là sự không tôn thánh ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát, theo điều răn của Đức Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 11:7-9

7 Khi họ đã đi khỏi, Đức Chúa Jesus bắt đầu phán với các đám đông về Giăng: Các ngươi đã đi xem sự gì trong đồng vắng? Một cây sậy bị rung bởi gió?

8 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một người mặc trong trang phục tốt đẹp? Kìa, những người mặc tốt đẹp thì ở trong các nhà của các vua.

9 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một tiên tri? Phải, Ta nói với các ngươi, còn hơn một tiên tri.

Lu-ca 7:24-26

24 Khi các sứ giả của Giăng đã đi khỏi, Ngài bắt đầu phán với các đám đông về Giăng: Các ngươi đã đi xem sự gì trong đồng vắng? Một cây sậy bị rung bởi gió?

25 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một người mặc trong trang phục tốt đẹp? Kìa, những người trong trang phục sang trọng và sống sung sướng thì ở trong các cung điện của các vua.

26 Các ngươi đã đi xem sự gì? Một tiên tri? Phải, Ta nói với các ngươi, còn hơn một tiên tri.

Trong các người ghi chép Thánh Kinh Tân Ước, Lu-ca và Phao-lô là hai người có học và giỏi về tiếng Hy-lạp. Nhưng văn phong và từ ngữ của Lu-ca theo sát văn phong và từ ngữ của Bản Dịch 70 [1]:

“Bản Dịch 70 là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, do 72 học giả I-sơ-ra-ên sống tại A-léc-xan-tri (Alexandria), xứ Ê-díp-tô. Họ được tuyển chọn từ trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên, mỗi chi phái sáu người. Năm sách đầu của Cựu Ước được phiên dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Các sách còn lại được phiên dịch hoàn tất vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Ban đầu, Bản Dịch 70 được những người I-sơ-ra-ên sống tại Ê-díp-tô dùng; vì họ đọc và nói tiếng Hy-lạp nhưng không đọc và nói được tiếng Hê-bơ-rơ. Đến thời của Đức Chúa Jesus thì Bản Dịch 70 đã được dùng rộng rãi trong các nhà hội của người I-sơ-ra-ên ở khắp nơi trong đế quốc La-mã. Chính Đức Chúa Jesus cũng nhiều lần trích dẫn Cựu Ước từ Bản Dịch 70. Sau khi Hội Thánh được thành lập thì Bản Dịch 70 đã được dùng trong Hội Thánh.”

Cách dùng từ ngữ của Lu-ca rất phong phú và theo sát cách dùng từ ngữ của Bản Dịch 70 khiến cho những ai vào thời của Lu-ca, quen đọc Thánh Kinh Cựu Ước Bản Dịch 70, sẽ thấy rất gần gũi với sách Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ.

Trong phân đoạn Thánh Kinh trên đây, Lu-ca dùng cách gọi “sứ giả” để gọi hai môn đồ của Giăng Báp-tít. Điều đó giúp nhấn mạnh điểm quan trọng là hai môn đồ của Giăng Báp-tít chỉ làm công việc chuyển lời của ông đến Đức Chúa Jesus. Sự nghi ngờ và câu hỏi là của riêng Giăng Báp-tít, không phải của hai sứ giả.

Sau khi hai người ấy đã đi khỏi, Đức Chúa Jesus bắt đầu phán dạy các đám đông. Danh từ số nhiều “các đám đông” hàm ý, những người đi theo Đức Chúa Jesus vào lúc ấy đến từ các địa phương khác nhau, với các nhóm khác nhau. Có lẽ trong số họ hầu hết đã từng đi vào trong đồng vắng, dọc hai bên Sông Giô-đanh, để nghe Giăng Báp-tít giảng. Vì thế, Đức Chúa Jesus đã hỏi họ đi vào đồng vắng để xem sự gì.

Chắc chắn là họ đã không đi vào đồng vắng để xem một cây sậy ngả nghiêng theo chiều gió. Vì đó là việc làm vô nghĩa. Họ cũng đã không đi vào đồng vắng để xem một người ăn mặc trong trang phục tốt đẹp. Vì Giăng Báp-tít chỉ mặc áo dệt bằng lông lạc đà còn những người ăn mặc sang trọng nhất là ở trong các cung điện của các vua.

Ma-thi-ơ dùng nhóm chữ “các nhà của các vua” nhưng Lu-ca dùng nhóm chữ “các cung điện của các vua”. Nhà là danh từ gọi chung nơi ở hoặc nơi làm việc. Cung điện là danh từ bao gồm nơi ở và nơi làm việc của vua. Câu hỏi được đặt ra là trong câu nói của Đức Chúa Jesus, Ngài đã dùng danh từ “các nhà” hay danh từ “các cung điện”? Chúng tôi nghĩ rằng, Ma-thi-ơ là sứ đồ của Đức Chúa Jesus, ông có mặt khi Đức Chúa Jesus phán dạy nên ông đã ghi chính xác lời phán của Đức Chúa Jesus. Lu-ca là người nghe và ghi chép lại lời chứng từ các chứng nhân. Rất có thể người tường thuật sự việc cho Lu-ca đã dùng danh từ “cung điện”. Đối với lời tường thuật thì “các nhà của các vua” hay “các cung điện của các vua” có cùng nghĩa như nhau. Người tường thuật không làm sai lạc ý nghĩa câu nói của Đức Chúa Jesus.

Dân chúng đã đi vào đồng vắng để xem một tiên tri, là Giăng Báp-tít. Nhưng Giăng Báp-tít là một tiên tri trỗi hơn các tiên tri khác. Có thể nói, trong suốt lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, cho tới khi Giăng Báp-tít thi hành chức vụ, chưa có một tiên tri nào quan trọng như ông. Sau ông, chỉ có Đức Chúa Jesus là tiên tri vĩ đại nhất.

Ma-thi-ơ 11:10-11

10 Vì về người ấy, điều này đã được chép: Này, Ta sai sứ giả của Ta đến trước mặt ngươi, để dọn đường của ngươi, phía trước ngươi.

11 Thật! Ta nói với các ngươi, trong những người được sinh ra bởi đàn bà, không có ai đã trỗi dậy lớn hơn Giăng Báp-tít, nhưng người rất nhỏ trong Vương Quốc Trời là lớn hơn người.

Lu-ca 7:27-28

27 Về người ấy, điều này đã được chép: Này, Ta sai sứ giả của Ta đến trước mặt ngươi. Người sẽ dọn đường của ngươi, phía trước ngươi.

28 Vì Ta nói với các ngươi, trong những người được sinh ra bởi đàn bà, không có ai là tiên tri lớn hơn Giăng Báp-tít. Nhưng người nhỏ nhất trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời còn lớn hơn người.

Tiên Tri Ma-la-chi đã tiên tri về linh vụ của Giăng Báp-tít, như sau:

“Này, Ta sẽ sai sứ giả của Ta. Người sẽ dọn đường trước mặt Ta. Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong Đền Thờ của Ngài, sứ giả của sự giao ước, Đấng mà các ngươi vui thỏa trong Ngài. Này, Ngài sẽ đến! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán.” (Ma-la-chi 3:1).

Giăng Báp-tít chính là sứ giả dọn đường cho Đức Chúa Jesus. Khi trích dẫn Ma-la-chi 3:1, Đức Chúa Jesus đã xác nhận: Giăng Báp-tít là sứ giả dọn đường cho Ngài, trước Đức Chúa Trời và trước Ngài; đồng thời, Đức Chúa Jesus cũng xưng nhận: Ngài là Chúa mà dân I-sơ-ra-ên tìm kiếm, tức là Đấng Mê-si-a trong tiếng Hê-bơ-rơ và Đấng Christ trong tiếng Hy-lạp. Ngài thật đã thình lình vào trong Đền Thờ, làm sạch Đền Thờ khỏi những kẻ buôn bán (Giăng 2:13-17). Ngài là sứ giả của Giao Ước Mới (Ma-thi-ơ 26:28; Lu-ca 22:20; Hê-bơ-rơ 9:15; 12:24). Ngài là Đấng mà những ai tin nhận Ngài sẽ được vui thỏa trong Ngài (Ma-thi-ơ 11:28).

Trong tất cả những ai được sinh ra làm người, ngoại trừ Đức Chúa Jesus, không có ai vĩ đại hơn Giăng Báp-tít. Vì ông được Đức Chúa Trời sắm sẵn làm người mở đường cho Thiên Chúa nhập thế làm người, rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa. Lu-ca dùng danh từ “tiên tri”, nhấn mạnh đến chức vụ của Giăng Báp-tít. Không một tiên tri nào, ngoài Đức Chúa Jesus, vĩ đại hơn Giăng Báp-tít.

Thế nhưng, vì sự nghi ngờ của ông mà Giăng Báp-tít sẽ trở thành nhỏ bé nhất trong Vương Quốc Trời. Chúng ta có thể hiểu rằng, những người nhỏ nhất trong Vương Quốc Trời là những người được cứu dường như qua lửa, vì mọi việc làm lành của họ không được ban thưởng (I Cô-rinh-tô 3:15). Họ chỉ có sự cứu rỗi. Dù họ không được ban thưởng cho những việc làm của họ nhưng họ sẽ được ban cho mão của sự công chính, nếu họ yêu sự đến của Đấng Christ (II Ti-mô-thê 4:8). Họ cũng sẽ được ban cho mão của sự sống, nếu họ trung tín cho tới chết (Gia-cơ 1:12; Khải Huyền 2:10). Vì thế, họ vẫn được sự cao trọng hơn Giăng Báp-tít.

Sự nghi ngờ của Giăng Báp-tít và hậu quả của nó đáng cho mỗi con dân Chúa suy ngẫm và ghi nhớ. Bất cứ một sự nghi ngờ nào về Thiên Chúa, về Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh cũng có thể khiến cho một người rơi vào địa vị của Giăng Báp-tít.

Lu-ca 7:29-30

29 Hết thảy dân chúng đã nghe người và những kẻ thu thuế xưng Đức Chúa Trời là công chính, đã chịu báp-tem bởi sự báp-tem của Giăng.

30 Nhưng những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật chối bỏ ý định của Đức Chúa Trời dành cho họ, đã không được báp-tem bởi người.

Một số nhà giải kinh cho rằng, Lu-ca 7:29-30 không phải là lời phán của Đức Chúa Jesus, mà là lời Đức Thánh Linh thần cảm cho Lu-ca ghi lại phản ứng của hai loại người nghe Giăng Báp-tít rao giảng. Chúng tôi cũng nghĩ như vậy.

Loại người thứ nhất là đám đông dân chúng bình dân, ít học hoặc thất học, cùng những người thu thuế bị khinh rẻ trong xã hội I-sơ-ra-ên. Nhưng họ là những người tiếp nhận lẽ thật do Giăng Báp-tít rao giảng. Họ đã tuyên xưng Đức Chúa Trời là công chính và chịu báp-tem bởi Giăng Báp-tít hoặc bởi các môn đồ của ông. Tuyên xưng Đức Chúa Trời là công chính có nghĩa là công nhận mình là tội nhân, vì đã vi phạm các điều răn và luật pháp của Ngài, đáng chịu sự hình phạt từ Ngài. Đồng thời tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người, qua sinh tế chuộc tội, do chính Ngài sắm sẵn.

Loại người thứ nhì là những người có học, có quyền thế, và của cải. Họ là những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật. Danh từ “thầy dạy luật” được dùng để chỉ những người giải thích và giảng dạy luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi chép trong năm sách của Môi-se. Những người ấy đã chối bỏ ơn cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho họ, cũng là chối bỏ ý định tốt lành của Đức Chúa Trời đã dành cho họ, nên họ không tin nhận sự rao giảng của Giăng Báp-tít. Họ không được báp-tem vào trong sự ăn năn tội và sự tiếp nhận ơn cứu rỗi. Họ ở lại trong tình trạng bị hư mất đời đời.

Ma-thi-ơ 11:12-15

12 Từ những ngày của Giăng Báp-tít cho tới nay, Vương Quốc Trời bị xâm chiếm, và những người xâm chiếm đó đã chiếm được nó.

13 Vì hết thảy các tiên tri và luật pháp đã tiên tri cho đến Giăng.

14 Nếu các ngươi muốn, hãy nhận rằng, người là Ê-li phải đến!

15 Ai có tai để nghe, hãy nghe!

Lu-ca đã không ghi lại các lời Đức Chúa Jesus phán như Ma-thi-ơ đã ghi lại trong Ma-thi-ơ 11:12-15. Có lẽ vì Lu-ca không nghe ai thuật lại các lời ấy.

Từ khi Giăng Báp-tít rao giảng và kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn để chuẩn bị tiếp nhận Đấng Christ, cho tới khi Đức Chúa Jesus phán các lời được Ma-thi-ơ ghi lại trên đây, thì Vương Quốc Trời bị xâm chiếm, và những người xâm chiếm đó đã chiếm được nó.

Như chúng ta đã học biết, Vương Quốc Trời tức là sự muôn loài vâng phục Thiên Chúa và ở dưới sự cai trị của Đấng Christ. Giai đoạn thứ nhất của Vương Quốc Trời bắt đầu từ trong lòng của những người tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa, đặt Đức Chúa Jesus Christ làm Chúa của mình (Lu-ca 17:21). Sau Kỳ Tận Thế, Vương Quốc Trời sẽ thể hiện trên đất trong thời kỳ một ngàn năm bình an. Sau Kỳ Phán Xét Chung Cuộc, Vương Quốc Trời sẽ thể hiện trên đất, trong trời mới đất mới, cho tới đời đời.

Động từ “βιάζω” (G971) /bi-át-giô/ trong tiếng Hy-lạp có nghĩa đen là: dùng sức mạnh chen lấn để vào được bên trong hay thoát ra bên ngoài; có nghĩa bóng là: gắng hết sức để đạt được mục đích. “Vương Quốc Trời bị xâm chiếm” có nghĩa là Vương Quốc Trời bị chiếm lấy bằng sức mạnh. Tức là nhiều người đã gắng hết sức để vào được Vương Quốc Trời. Người nào gắng hết sức để vào Vương Quốc Trời thì vào được.

Trong một dịp khác, Đức Chúa Jesus cũng đã phán lời sau đây:

“Luật pháp và các tiên tri có cho tới thời của Giăng. Kể từ đó, Vương Quốc của Đức Chúa Trời được rao giảng, và ai nấy gắng sức vào đó.” (Lu-ca 16:16).

Tiên tri là người được Đức Chúa Trời dùng để ban truyền ý muốn và mục đích của Ngài cho loài người. Luật pháp là tiêu chuẩn sống mà Đức Chúa Trời đã định cho loài người.

“Hết thảy các tiên tri và luật pháp” hay “luật pháp và các tiên tri” là tất cả những ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời dành cho loài người, đã được ban truyền qua các tiên tri và được ghi lại trong Thánh Kinh. Giăng Báp-tít là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước và là tiên tri vĩ đại nhất trong các tiên tri thời Cựu Ước. Đức Chúa Jesus là tiên tri đầu tiên của thời Tân Ước và là tiên tri vĩ đại nhất trong suốt lịch sử của loài người. Đức Chúa Jesus là tiên tri đầu tiên rao giảng về Vương Quốc Trời, tức là rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời.

Lời cuối cùng trong sách Ma-la-chi đã tiên tri về sự Tiên Tri Ê-li sẽ trở lại:

“Này, Ta sẽ sai đến đấng Tiên Tri Ê-li, trước sự đến của ngày lớn và đáng sợ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Người sẽ làm cho lòng của những người cha trở lại cùng những con cái, và lòng của những con cái trở lại cùng những người cha, kẻo Ta đến và đánh diệt đất.” (Ma-la-chi 4:5-6).

Lời của Thiên Sứ Gáp-ri-ên tiên tri về Giăng Báp-tít, giúp cho chúng ta hiểu, Giăng Báp-tít chính là Tiên Tri Ê-li trong ý nghĩa, ông hành động trong thần trí và năng lực của Ê-li:

“Nó sẽ đi trước Ngài, trong thần trí và năng lực của Ê-li, để xoay lòng của những người cha trở về cùng những con cái, những kẻ bội nghịch vào trong sự khôn sáng của những người công chính, để sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” (Lu-ca 1:17).

Trong sự kiện Tiên Tri Ê-li và Môi-se hiện ra với Đức Chúa Jesus trên Núi Hóa Hình, chính Đức Chúa Jesus đã nói cho Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng về sự Giăng Báp-tít chính là Ê-li được nói đến bởi Tiên Tri Ma-la-chi. Khi ấy, các môn đồ của Đức Chúa Jesus đã hiểu lời phán của Ngài (Ma-thi-ơ 17:11-13).

Trong câu chuyện mà chúng ta đang học, trước các đám dân đông, Đức Chúa Jesus đã khẳng định, Giăng Báp-tít chính là Tiên Tri Ê-li phải đến.

Lời Giăng Báp-tít phủ nhận mình là Ê-li, như chúng ta đã học trong Giăng 1:21, là Giăng Báp-tít phủ nhận ông là Ê-li trong thân thể xác thịt.

Câu 14 có nghĩa là nếu các đám dân đông sẵn lòng tiếp nhận thì hãy tiếp nhận lẽ thật: Giăng Báp-tít chính là Tiên Tri Ê-li phải đến. Và như vậy, lẽ thật đó là một trong các giáo lý của Đức Chúa Jesus.

Câu 15 là một câu thường được Đức Chúa Jesus dùng để kêu gọi sự chú ý của những ai nghe Ngài, khi Ngài nói đến một lẽ thật quan trọng. Nghĩa bóng của sự “có tai để nghe, hãy nghe” có nghĩa là nếu đã có chức năng suy ngẫm để hiểu biết thì hãy suy ngẫm điều mình nghe, để hiểu đúng và làm theo.

Ma-thi-ơ 11:16-17

16 Ta sẽ sánh thế hệ này với ai? Nó giống như những trẻ con ngồi giữa chợ, kêu la cùng những bạn của chúng,

17 rằng: Chúng tôi đã thổi sáo cho các ngươi mà các ngươi đã không nhảy múa. Chúng tôi đã than vãn cho các ngươi mà các ngươi đã không than khóc.

Lu-ca 7:31-32

31 Và Chúa đã phán: Vậy, Ta sẽ sánh những người của thế hệ này với ai? Họ giống ai?

32 Họ giống như những trẻ con ngồi trong chợ, gọi nhau và nói: Chúng tôi đã thổi sáo cho các ngươi mà các ngươi đã không nhảy múa. Chúng tôi đã than vãn cho các ngươi mà các ngươi đã không khóc.

So sánh Ma-thi-ơ 11:16 với Lu-ca 7:31 thì chúng ta thấy rõ, Ma-thi-ơ là người ghi lại nguyên văn lời phán của Đức Chúa Jesus, còn Lu-ca là người ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus qua sự tường thuật của người khác. Vì thế, Ma-thi-ơ viết: “Ta sẽ sánh thế hệ này với ai?” Trong khi Lu-ca viết: “Và Chúa đã phán…” Dù trong văn bản của Lu-ca có một số từ ngữ khác với từ ngữ được dùng trong văn bản của Ma-thi-ơ nhưng vẫn giữ đúng sự trung thực ý nghĩa lời phán của Chúa.

Danh từ “thế hệ” được dùng để chỉ những người sống cùng một thời với nhau. “Thế hệ này” là thế hệ đang nghe Đức Chúa Jesus rao giảng vào lúc ấy. Đức Chúa Jesus đã ví họ như những trẻ con ngồi chơi với nhau trong chợ. Chợ vào thời ấy tại xứ Ca-na-an thường là sự nhóm hiệp mua bán bên ngoài cổng thành. Trẻ con cũng tụ tập tại đó để chơi đùa với nhau. Thổi sáo và nhảy múa được dùng trong trò chơi đám cưới. Than vãn và khóc lóc được dùng trong trò chơi đám tang. Có những trẻ con chủ động, bắt đầu các trò chơi mà bạn bè của chúng không đáp ứng. Đức Chúa Jesus ví thế hệ dân I-sơ-ra-ên tại Ca-na-an vào thời của Ngài giống như những trẻ con không tham dự bất cứ trò chơi nào được những đứa trẻ khác khởi xướng.

Ma-thi-ơ 11:18-19

18 Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống; và họ nói, người có quỷ.

19 Con Người đã đến, ăn và uống; thì họ nói: Kìa, một người ham ăn, mê uống, bạn của những kẻ thu thuế cùng những tội nhân. Nhưng sự khôn sáng đã được xưng công chính bởi những con cái của nó.

Lu-ca 7:33-35

33 Vì Giăng Báp-tít đã đến, không ăn bánh, không uống rượu; thì các ngươi nói, người có quỷ.

34 Con Người đã đến, ăn và uống; thì các ngươi nói: Kìa, một người ham ăn, mê uống, bạn của những kẻ thu thuế và những tội nhân.

35 Nhưng sự khôn sáng đã được xưng công chính bởi hết thảy con cái của nó.

Nhiều người I-sơ-ra-ên đã không tin lời rao giảng của Giăng Báp-tít, vì nếp sống đơn giản của ông. Họ xem ông là lập dị, thậm chí, còn cho là ông bị quỷ ám. Theo cách nói ngày nay là Giăng Báp-tít bị bệnh tâm thần. Họ như những đứa trẻ không tham dự trò chơi đám tang.

Nhiều người I-sơ-ra-ên đã không tin lời rao giảng của Đức Chúa Jesus, vì nếp sống phóng khoáng của Ngài. Ngài đã không khép mình vào sự gò bó của truyền thống Do-thái Giáo. Ngài giao tiếp với những người thu thuế, với những đĩ điếm. Thậm chí, Ngài còn công bố những người thu thuế và những đĩ điếm sẽ được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời, trước những người theo Do-thái Giáo (Ma-thi-ơ 21:31).

“Bạn của những kẻ thu thuế và những tội nhân” có nghĩa là tiếp xúc thân mật, như vào trong nhà của họ và ngồi ăn chung bàn với họ. Danh từ “tội nhân” được những người theo Do-thái Giáo gọi tất cả những ai không vâng giữ các luật lệ Do-thái Giáo.

Sự thông sáng là sự hiểu biết Thiên Chúa và ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự khôn sáng là sự biết áp dụng sự thông sáng vào trong đời sống. “Con cái của sự khôn sáng” là bất cứ ai có lời nói và hành động khôn sáng, tức là những ai biết áp dụng sự hiểu biết Thiên Chúa và Lời Chúa vào trong đời sống. “Con cái của sự khôn sáng” cũng có thể được hiểu là tất cả những lời nói và hành động dựa trên sự hiểu biết về Thiên Chúa và Lời Chúa. Tất cả những người áp dụng sự hiểu biết Thiên Chúa và Lời Chúa vào trong đời sống cũng như tất cả những lời nói và hành động dựa trên sự hiểu biết về Thiên Chúa và Lời Chúa đều chứng minh rằng, sự áp dụng sự hiểu biết về Thiên Chúa và Lời Chúa vào trong đời sống là điều đẹp ý Đức Chúa Trời, được gọi là việc làm công chính, vì đúng với tiêu chuẩn do Đức Chúa Trời đặt ra.

Tất cả những ai tiếp nhận những lời rao giảng của Giăng Báp-tít và của Đức Chúa Jesus, hành động theo sự hiểu biết những lời rao giảng ấy, thì họ và hành động của họ đều là con cái của sự khôn sáng. Chính đời sống được biến đổi của họ chứng minh rằng, sống theo sự hiểu biết Thiên Chúa và Lời Chúa là công chính.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/03/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/78-ban-dich-70

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Mãi Luôn Yêu Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-xin-mai-luon-yeu-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.