Chú Giải II Tê-sa-lô-ni-ca 02:01-12 Sự Bỏ Đạo và Sự AntiChrist Được Tỏ Ra

4,447 views


YouTube: https://youtu.be/juSYUtFnXbA?si=rxwLV84LcuYLLGdR

Chú Giải II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12
Sự Bỏ Đạo và Sự AntiChrist Được Tỏ Ra

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTY4MjUyMzlf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9053020-ii-te-sa-lo-ni-ca-2_1-12
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/fszqu1zf9q99m1k/9053020__II_Tesalonica_2_1-12.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive:  https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta và về sự chúng ta hội hiệp với Ngài, chúng tôi nài xin các anh chị em {rằng},

2 các anh chị em chớ vội run sợ trong tâm trí, cũng chớ bối rối bởi thần trí nào, hoặc bởi lời nói nào, hoặc bởi bức thư nào tựa như chúng tôi đã gửi {mà nói} rằng ngày của Đấng Christ đã đến.

3 Chớ để bất cứ ai lừa gạt các anh chị em bằng bất cứ cách nào. Vì trừ khi có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội lỗi, con của sự hư mất, được tỏ ra,

4 tức là kẻ chống nghịch, tự tôn mình lên trên mọi sự được xưng là thần hoặc được thờ phượng, đến nỗi ngồi trong đền thờ của Đức Chúa Trời như Thiên Chúa, tỏ ra mình là Thiên Chúa.

5 Các anh chị em không nhớ rằng, khi tôi còn ở với các anh chị em, thì tôi đã nói về những sự đó sao?

6 Hiện nay, các anh chị em biết điều gì ngăn trở, để cho nó chỉ được tỏ ra trong hạn kỳ của nó.

7 Vì sự bí mật của sự vô luật pháp đang hành động rồi; nhưng {bị giới hạn vì} Đấng đang ngăn trở, cho đến khi tự Ngài ra khỏi giữa {nó}.

8 Bấy giờ kẻ vô luật pháp kia sẽ được tỏ ra, kẻ mà Chúa sẽ hủy diệt bởi hơi thở của miệng Ngài và vô hiệu hóa bởi sự chói sáng của sự Ngài đến.

9 Sự đến của kẻ ấy là theo việc làm của Sa-tan với mọi năng lực, những dấu lạ, và những việc lạ giả dối;

10 trong mọi cách lừa dối của sự không công bình giữa những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận tình yêu của lẽ thật để chúng nó được cứu rỗi.

11 Vì thế mà Đức Chúa Trời sẽ đem đến chúng nó một sự tác động dối trá siêu nhiên, {khiến} chúng nó tin điều dối trá,

12 để cho hết thảy những kẻ không tin lẽ thật, nhưng vui trong sự không công bình, đều bị xử phạt.

Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về hai sự kiện sẽ xảy ra trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Đây là hai sự kiện được Sứ Đồ Phao-lô tiên tri trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12.

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta và về sự chúng ta hội hiệp với Ngài, chúng tôi nài xin các anh chị em {rằng},

2 các anh chị em chớ vội run sợ trong tâm trí, cũng chớ bối rối bởi thần trí nào, hoặc bởi lời nói nào, hoặc bởi bức thư nào tựa như chúng tôi đã gửi {mà nói} rằng ngày của Đấng Christ đã đến.

Sự đến của Đức Chúa Jesus Christ được Phao-lô đề cập trong thư I và II Tê-sa-lô-ni-ca là sự Ngài đến với Hội Thánh, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế; vì Phao-lô kết hiệp sự đến của Đức Chúa Jesus Christ với sự Hội Thánh được hội hiệp với Ngài. Đây không phải là sự Đức Chúa Jesus Christ đến với muôn dân trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế, như được tiên tri trong Ma-thi-ơ 24:29-31; Mác 13:24-27; Lu-ca 21:20-27, và Khải Huyền 1:7.

Như chúng ta đã học biết trong bài trước, mục đích của Phao-lô khi viết thư II Tê-sa-lô-ni-ca là để xác định cho con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca biết rằng, không phải Đức Chúa Jesus Christ đã đến và họ đã bị bỏ lại. Đồng thời, Phao-lô cũng tiên tri về hai sự kiện ắt phải xảy ra, trước khi Chúa đến với Hội Thánh.

Chớ vội run sợ trong tâm trí: Từ ngữ “run sợ” được dùng để dịch động từ “saleuō” (G4531), /xa-lu-ô/ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Động từ này được dùng để chỉ: Sự xao động do gió tạo ra, như cây cối xao động trong cơn giông bão; sự xao động do sóng biển tạo ra, như sự lắc lư của một con tàu; sự lắc, xốc một vật chứa khiến cho những gì được chứa bên trong bị xáo trộn. Nghĩa bóng của động từ ấy là triệt hạ tâm trí bình an của một người hoặc là làm cho một người bị rối trí, lo lắng, sợ hãi. Chúng ta thấy, đây là sự run sợ trong tâm trí, không phải sự run sợ trong thần trí.

Tâm trí bao gồm sự nhận thức và suy nghĩ theo xác thịt. Chúng ta tiếp thu các thông tin trong thế giới vật chất qua các giác quan của thân thể xác thịt và suy luận trong tâm trí, rồi cảm xúc. Một người nghe, đọc, xem các thông tin về sự Chúa đến, suy luận bằng tâm trí thì sẽ không phân biệt được thật giả, và dễ dàng bị run sợ trước những thông tin, những kết luận không đúng sự thật.

Chớ bối rối: Từ ngữ “bối rối” được dùng để dịch động từ “throeō” (G2360), /roai-ế-ô/ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Động từ này có nghĩa đen là kêu khóc lớn tiếng; còn nghĩa bóng là bối rối, sợ hãi trong tâm trí hoặc trong thần trí.

Chớ bối rối bởi thần trí nào: Thần trí là sự nhận thức và suy nghĩ theo tâm thần. Đối với người trong Chúa là nhận thức và suy nghĩ theo những gì tâm thần đã nhận biết bởi Thiên Chúa và Lời của Thiên Chúa. Đối với người ngoài Chúa là nhận thức và suy nghĩ theo những gì tâm thần đã nhận biết bởi các tà linh. Tâm thần của những giáo sư giả và tiên tri giả bị các tà linh tác động để đưa ra những thông tin giả mà nhiều khi chính bản thân của họ cũng không nhận biết là giả. Từ xưa đã có nhiều tiên tri giả và giáo sư giả, cùng những kẻ nghịch lại Đấng Christ hành động dưới sự tác động của các tà linh, để phá tán Hội Thánh của Chúa (I Giăng 2:18-19; 4:1-3).

Con dân Chúa không nên để cho các tiên tri giả và giáo sư giả chịu sự thần cảm của các tà linh làm cho mình bị rối trí vì những lời gọi là “tiên tri” của họ. Thậm chí, các tiên tri giả và giáo sư giả có thể bởi quyền phép của ma quỷ mà làm ra những dấu kỳ, phép lạ, để lừa gạt con dân Chúa. Thần cảm có nghĩa là sự tác động của một thân vị thần linh trong một người. Ma quỷ cũng là các thân vị thần linh. Trong I Các Vua 22:21-23 ghi lại trường hợp một thần linh (tà linh) tình nguyện thần cảm các tiên tri để họ nói dối Vua A-háp.

Ngày nay, có không biết bao nhiêu là tiên tri giả, nhân danh Chúa để nói những lời tiên tri về AntiChrist, về sự tận thế, nhưng những lời gọi là “tiên tri” của họ hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh. Tiếc thay, có nhiều người là con dân Chúa, lại tin theo những lời ấy mà lo lắng, sợ hãi, bối rối. Những gì cần biết về Kỳ Tận Thế đã được chính Đức Chúa Jesus Christ mạc khải cho Hội Thánh trong sách Khải Huyền. Vì thế, chúng ta không cần phải tìm kiếm thông tin ngoài Thánh Kinh. Cảm tạ Chúa đã ban ơn cho chúng tôi hoàn thành việc giải thích về Kỳ Tận Thế và chú giải từng câu của sách Khải Huyền. Toàn bộ các bài giảng giải thích về Kỳ Tận Thế và chú giải sách Khải Huyền đã được chúng tôi đăng trên trang web: www.kytanthe.net. Chúng tôi tin rằng đây là một ơn phước lớn của Chúa ban cho Hội Thánh giữa người Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam, để người Việt được hiểu biết đầy đủ sự mạc khải của Chúa về những ngày cuối cùng này. Quý ông bà anh chị em nên đặt in những tấm danh thiếp giới thiệu ba trang web www.kytanthe.netwww.timhieutinlanh.netwww.timhieuthanhkinh.com và phát cho bất cứ người Việt Nam nào mình gặp. Chỉ bấy nhiêu đó cũng có thể giúp cho một người biết đến lẽ thật và được cứu.

Chớ bối rối… bởi lời nói nào: Chớ để cho những lời giải thích, bàn tán, hoặc những tin đồn không đúng Thánh Kinh làm cho mình bị bối rối.

Chớ bối rối… bởi bức thư nào tựa như chúng tôi đã gửi: Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là những bức thư từ một số người tự xưng là sứ đồ (sứ đồ giả), viết thư đến các Hội Thánh, để tìm kiếm sự tôn vinh cho bản thân họ và lạm dụng Hội Thánh về vật chất. Nghĩa thứ nhì là những bức thư giả mạo tên của Phao-lô, để gây rối trong Hội Thánh. Có thể là do những người chống đối Phao-lô trong việc ông bác bỏ các nghi thức Do-thái Giáo trong sự thờ phượng Chúa, như nghi thức cắt bì. Trong các bức thư đó, có thể người viết đem chuyện Chúa đến hù dọa con dân Chúa, để lợi dụng họ.

3 Chớ để bất cứ ai lừa gạt các anh chị em bằng bất cứ cách nào. Vì trừ khi có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội lỗi, con của sự hư mất, được tỏ ra,

Con dân Chúa luôn cảnh giác trước mọi lời rao giảng, luôn đối chiếu mọi lời rao giảng với Lời Chúa, để không bị những kẻ gian mạo nhận Lời Chúa hoặc bẻ cong Lời Chúa mà lừa gạt mình.

II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3 chính là lời tiên tri của Phao-lô về hai sự kiện ắt phải xảy ra, trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến với Hội Thánh.

Từ ngữ “bỏ đạo” được dùng để dịch danh từ “apostasia” (G646), /a-pô-ta-xi-a/ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Danh từ ấy có nghĩa là sự rời bỏ đức tin trong lẽ thật. Đức tin trong lẽ thật vừa là đức tin vào Thiên Chúa, được thể hiện trong thân xác loài người qua Đức Chúa Jesus Christ, vừa là đức tin vào trong mọi lời phán của Thiên Chúa, được ghi chép trong Thánh Kinh. Chữ “đạo” được dùng trong câu này không hàm ý là “tôn giáo” mà là những sự dạy dỗ của Thánh Kinh về đường lối của Thiên Chúa. Trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến với Hội Thánh thì chính trong Hội Thánh phải có sự rời bỏ đức tin vào lẽ thật, rời bỏ những sự dạy dỗ của Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

Dưới đây là các hình thức bỏ đạo đang xảy ra trong Hội Thánh kể từ ngày dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc [1]:

1. Thần Học Hội Nhập được giảng dạy trong Hội Thánh: Thần học này cho rằng cần phải hội nhập văn hóa dân tộc hoặc các trào lưu trong thế gian vào trong Thánh Kinh để giúp cho Thánh Kinh được dễ dàng tiếp nhận bởi các dân tộc. Điển hình cho thần học này là Giáo Hội Công Giáo cho phép tín đồ người Việt lập bàn thờ cha mẹ, đốt nhang, thắp đèn, cúng hoa cho người chết. Một số nhà dịch Thánh Kinh thuộc các giáo phái Tin Lành thì dịch lời phán của Chúa với bà Ma-ri từ “Hỡi bà” thành “Thưa mẹ!” Nhiều giáo hội tổ chức đại nhạc hội do các ca nhạc sĩ không tin Chúa trình diễn để qua đó truyền giảng Tin Lành. Một số những ban hát ăn mặc và ca ngợi Chúa theo phong cách của các ca nhạc sĩ không tin Chúa, sáng tác và “biểu diễn” các bài thánh ca theo âm hưởng của nhạc Rock… tất cả đều nhằm mục đích làm sao cho Đạo Chúa hòa nhập với văn hóa của thế gian. Thần học này ngẫu nhiên dạy rằng năng lực của Tin Lành đến từ sức mạnh của văn hóa thế gian chứ không phải bởi Thần của Thiên Chúa.

2. Thần Học Thay Thế được giảng dạy trong Hội Thánh: Thần học này dạy rằng Hội Thánh hoàn toàn thay thế cho dân tộc và quốc gia I-sơ-ra-ên thuộc thể. Vì thế, họ bác bỏ sự kiện Đức Chúa Trời sẽ tái lập một quốc gia I-sơ-ra-ên còn lại cho đến đời đời.

3. Phong Trào Hiệp Nhất: Phong trào này kêu gọi sự hiệp nhất giữa các giáo hội trong Cơ-đốc Giáo, nghĩa là kêu gọi sự hiệp làm một giữa Công Giáo, Chính Thống Giáo, Chính Thống Đông Phương, Anh Giáo, và tất cả các giáo phái Tin Lành. Chắc chắn phong trào này sẽ được thành công ngay sau khi Đức Chúa Jesus Christ đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian. Khi đó, tất cả các giáo hội, giáo phái mang danh Đấng Christ đều sẽ kết hợp làm một với nhau thành Ba-by-lôn thuộc linh, ủng hộ và chi phối chính phủ toàn cầu của AntiChrist. Nhưng đến giữa của Kỳ Tận Thế thì hệ thống tôn giáo này sẽ bị diệt bởi AntiChrist, và được thay thế bởi hệ thống tôn giáo toàn cầu do tiên tri giả lập ra, là hệ thống tôn thờ AntiChrist như Đức Chúa Trời.

4. Khuynh hướng gọi tín đồ Công Giáo là “anh em cùng đức tin,” xem và gọi Giáo Hội Công Giáo là Hội Thánh của Chúa: Người Công Giáo không tin rằng cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá đủ để chuộc tội cho nhân loại, mà họ tin rằng cần phải có thêm ngục luyện tội. Người Công Giáo thờ lạy hình tượng, tôn bà Ma-ri làm “Mẹ Thiên Chúa” và cầu nguyện với bà, tin rằng bà đồng công với Đức Chúa Jesus Christ trong sự cứu chuộc nhân loại. Như vậy, con dân chân thật của Chúa làm sao có thể gọi người Công Giáo là anh em cùng đức tin và gọi Giáo Hội Công Giáo là Hội Thánh của Chúa?

5. Tâm Lý Học được đưa vào Hội Thánh: Ngày nay các giáo hội mang danh Chúa đã tổ chức huấn luyện các chuyên gia về tâm lý học để đưa vào chức vụ “khải đạo”, là chức vụ tương đương với chức vụ của một người chăn trong nhiệm vụ hướng dẫn con dân Chúa giải quyết các nan đề tâm lý trong cuộc sống. Họ áp dụng các phương pháp thôi miên, tự kỷ ám thị, pha trộn với các ý tưởng của phong trào Tân Thời Đại (New Age) để hướng dẫn và “trị liệu” cho con dân Chúa. Đối với họ, quyền năng của Đức Thánh Linh không thể giải quyết mọi nan đề trong đời sống tâm linh của con dân Chúa.

6. Yoga và thiền được đưa vào Hội Thánh: Nhiều giáo phái lớn trong Cơ-đốc Giáo ngày nay tổ chức những lớp tập Yoga và thiền định (được gọi là tĩnh tâm), thậm chí lập ra các khu vườn để cho con dân Chúa thiền hành. Họ đã đem những sinh hoạt thần bí và mê tín dị đoan của ngoại giáo vào trong sinh hoạt tâm linh của con dân Chúa.

7. Cái gọi là “hình Chúa” được treo và tôn kính trong nơi nhóm họp lẫn nhà riêng của con dân Chúa: Gọi hình vẽ bởi sự tưởng tượng của họa sĩ hoặc hình vẽ của một người mẫu là “hình Chúa” rồi tôn kính, treo nó vào nơi trang trọng nhất trong nhà, trong nơi nhóm họp thờ phượng Chúa là phạm thượng và dối trá. Từ bao nhiêu năm qua, hàng tỷ bức hình vẽ được gọi là “hình Chúa” đã được các giáo hội bán ra cho con dân Chúa, làm thành cái bẫy khiến cho con dân Chúa phạm thượng, dối trá, và thờ thần tượng.

8. Thay thế việc đọc Thánh Kinh bằng những “bài học Trường Chúa Nhật,” bằng những tài liệu “bồi linh” và “giải kinh”. Điển hình là cuốn sách “Sống Theo Đúng Mục Đích” của Rick Warren. Trong những năm từ 2005 đến 2010 phong trào dành 40 ngày để học tập theo cuốn sách này đã tạo nên những đổ vỡ trong các Hội Thánh địa phương. Phong trào này được hầu hết các giáo hội trong Cơ-đốc Giáo ủng hộ. Nhiều giáo hội đã trục xuất những tín đồ nào không tham dự học tập hoặc lên tiếng phê bình những sự sai trái trong cuốn sách này. Sự thiệt hại do cuốn sách này để lại trong Hội Thánh thật là khó lường.

9. Tạo ra nhiều bản dịch Thánh Kinh không trung thực: Những bản dịch không trung thực đã thêm và bớt Lời Chúa, khiến cho ý nghĩa bị sai lạc, nhiều khi nghịch lại các lẽ thật của Thánh Kinh. Điển hình trong tiếng Anh là bản “The Message.” Điển hình trong tiếng Việt là các bản dịch bỏ đi danh xưng “Christ,” không dịch mà cũng không phiên âm danh xưng này, và các bản dịch sửa đổi lời phán của Đức Chúa Jesus Christ với bà Ma-ri từ “Hỡi bà!” thành “Thưa mẹ!”

10. Phong Trào Tiên Tri và Giáo Sư: Hàng ngàn kẻ tự xưng là tiên tri và giáo sư đến từ Đức Chúa Trời. Họ khoe rằng họ được Đức Chúa Trời trực tiếp phán truyền, ban cho những chiêm bao và khải tượng để truyền đạt lại cho Hội Thánh. Thực tế thì họ rao giảng những điều nghịch lại Thánh Kinh, pha trộn tâm lý học và các sự mê tín dị đoan của ngoại giáo. Không một lời tiên tri nào của họ được ứng nghiệm nhưng hàng triệu người xưng mình là con dân Chúa vẫn tin theo họ và ủng hộ họ.

11. Sự bác bỏ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời: Nhưng thật ra là sự bác bỏ “điều răn thứ tư” trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Cách nói chung của những kẻ bác bỏ các điều răn của Đức Chúa Trời là: “Điều răn và luật pháp thời Cựu Ước không áp dụng cho con dân Chúa thời Tân Ước.” Thế nhưng, những kẻ nói và giảng như vậy lại không dám công khai nói rằng: “Con dân Chúa thời Tân Ước có thể ngoại tình, trộm cắp, giết người, làm chứng dối, v.v..” mà họ chỉ dám công khai nói rằng: “Con dân Chúa thời Tân Ước có thể bỏ đi sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy.” Đó là vì mục đích của Sa-tan chỉ cần con dân Chúa phạm một điều răn, cho nên, Sa-tan đã chọn ra điều răn dễ cám dỗ người ta phạm nhất để đưa ra đủ các lý lẽ ngụy biện, xúi giục người ta vi phạm. Sa-tan biết rõ: “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10). Bên cạnh đó, Sa-tan còn tạo ra các giáo hội vâng giữ ngày Sa-bát nhưng lại dạy tín đồ của họ các thứ tà giáo khác, kể cả tà giáo bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, tà giáo tôn thờ “Đức Chúa Trời Mẹ”.

12. Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần: Sự rời bỏ đức tin vào lẽ thật lớn nhất trong lịch sử Hội Thánh là khi phong trào Ân Tứ Ngũ Tuần, còn được biết là phong trào “đặt tay té ngã, nói tiếng lạ”, dấy lên vào những ngày đầu của thế kỷ 20 tại Mỹ; rồi sau đó, lan tràn khắp thế giới. Theo thống kê năm 2012 thì trên thế giới có khoảng 2.2 tỉ người xưng nhận mình là môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ (Christian); trong số đó, có ít nhất 700 triệu người “nói tiếng lạ”. Cũng chính phong trào Ân Tứ Ngũ Tuần đã sinh ra nhiều tiên tri giả và giáo sư giả nhất trong lịch sử. Để biết thêm chi tiết về phong trào Ân Tứ Ngũ Tuần, kính mời quý con dân Chúa đọc cuốn sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã”. Quý ông bà anh chị em có thể đọc hoặc tải xuống miễn phí từ trang www.biengiao.timhieutinlanh.net [2].

Sự nhiều người rời bỏ đức tin vào lẽ thật chính là sự thanh tẩy do Chúa làm ra. Sự bỏ đạo khởi đầu cho sự ứng nghiệm lời tiên tri của Giăng báp-tít:

Tay Ngài sẽ cầm nia mà rê thật sạch sân lúa của mình. Ngài sẽ thu lúa mì vào kho của Ngài; nhưng Ngài sẽ đốt trấu trong lửa chẳng hề tắt.” (Lu-ca 3:17).

Nhìn vào nếp sống của những người bỏ đạo, theo tà giáo, chúng ta thấy rõ, họ không phải là những người sống theo Lời Chúa, mà chỉ là những người tôn thờ thần TÔI và tham muốn những sự thuộc về thế gian. Trái lại, có những người có tấm lòng chân thật tìm kiếm Chúa, tìm kiếm lẽ thật, sau khi tin nhận Chúa qua sự rao giảng của những người theo tà giáo thì lại từ bỏ tà giáo, để đến với lẽ thật của Thánh Kinh.

Nhóm chữ “người tội lỗi, con của sự hư mất” được dùng để gọi một người sẽ bị Sa-tan nhập vào, khiến người ấy thành kẻ chống nghịch Đấng Christ (AntiChrist) nổi bật nhất trong mọi thời đại. Danh xưng “kẻ chống nghịch Đấng Christ” được dùng trong I Giăng đoạn 2 với hình thức số nhiều, lẫn hình thức số ít. Theo Thánh Kinh: Những ai nghịch lại con dân Chúa trong Hội Thánh thì đều là “kẻ chống nghịch Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 8:12); những ai chối danh xưng của Đấng Christ là chối Đức Cha và Đức Con, đều là “kẻ chống nghịch Đấng Christ” (I Giăng 2:22); những ai không xưng nhận Đức Chúa Jesus đã đến trong xác thịt thì đều là “kẻ chống nghịch Đấng Christ” (I Giăng 4:3; II Giăng câu 7). Nhưng kẻ chống nghịch Đấng Christ ở cuối các thời đại được gọi là “người tội lỗi, con của sự hư mất” là một nhân vật đặc biệt. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, cả hai danh từ “người tội lỗi” và “con của sự hư mất” đều có mạo từ xác định đứng trước, nghĩa là: Chỉ có một người được mang hai danh xưng ấy. Người ấy được Khải Huyền 13 gọi là “con thú” ra từ biển. Người ấy phải được tỏ ra trong thế gian trước khi Đấng Christ đến, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Từ ngữ “tỏ ra” được dịch từ động từ “apokalyptō” (G601), /a-pô-ka-lúp-tô/ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Động từ này có nghĩa đen là vén màn lên, để lộ ra những gì trước đó được tấm màn che kín; nghĩa bóng là bày tỏ những gì trước giờ chưa được bày tỏ. Động từ này được dịch sang Hán Việt là “mạc khải”.

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến với Hội Thánh thì AntiChrist phải được tỏ ra. AntiChrist sẽ được tỏ ra như thế nào?

Khi Đức Chúa Jesus được sinh ra, sự ra đời của Ngài chỉ được thiên sứ tỏ ra cho vài mục đồng được biết. Tương tự như vậy, sự AntiChrist được tỏ ra có thể hiểu là AntiChrist được sinh ra trong thế gian và được một số người nào đó nhận biết. Nói cách khác, sự kiện AntiChrist được sinh ra trong thế gian là sự kiện hắn đã được tỏ ra cho Sa-tan, cho các tà linh, và cho một số các nhân vật quan trọng trên thế giới, là những người góp phần trong việc đào tạo, huấn luyện, tiếp trợ và chuẩn bị tư thế chính trị cho AntiChrist. Sự tỏ ra này không bắt buộc phải là sự nhận biết của toàn thế gian.

Rô-ma 1:18 chép: “Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà đè nén lẽ thật.” Thế nhưng, không phải toàn thế gian đều nhận biết cơn giận của Thiên Chúa đã tỏ ra.

II Tê-sa-lô-ni-ca 2:6 cho chúng ta biết thêm: AntiChrist “chỉ được tỏ ra trong hạn kỳ của nó.” (Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “nó chỉ hiện ra đúng kỳ nó thôi.”) Hạn kỳ của Antichrist chính là toàn bộ thời gian của hắn từ khi hắn được sinh ra cho đến khi hắn bị Đức Chúa Jesus Christ ném vào hỏa ngục. Vậy, sự ra đời của AntiChrist chính là sự AntiChrist được tỏ ra.

Vì thế, chúng ta có thể tin rằng: AntiChrist đang có mặt trong thế gian và rất có thể hắn đã được sinh ra trong khoảng cuối thập niên 1960 hoặc đầu thập niên 1970. AntiChrist có thể đang nắm quyền lực chính trị trong một quốc gia nào đó, hoặc đang giữ chức vụ trong một tổ chức quốc tế nào đó. Thậm chí, có thể là cựu tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama.

4 tức là kẻ chống nghịch, tự tôn mình lên trên mọi sự được xưng là thần hoặc được thờ phượng, đến nỗi ngồi trong đền thờ của Đức Chúa Trời như Thiên Chúa, tỏ ra mình là Thiên Chúa.

Câu 4 không hàm ý nói sự kiện AntiChrist vào ngồi trong đền thờ của Đức Chúa Trời sẽ xảy ra trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến với Hội Thánh, mà chỉ là giải thích rằng, kẻ chống nghịch Đấng Christ được tỏ ra trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến với Hội Thánh sẽ là kẻ làm ra những điều được kể trong câu 4.

Kẻ chống nghịch: Chống nghịch Thiên Chúa và chống nghịch con dân Chúa.

Tự tôn mình lên trên mọi sự được xưng là thần hoặc được thờ phượng: AntiChrist sẽ triệt hạ mọi hệ thống tôn giáo, mọi tín ngưỡng, rồi xưng nhận mình là Đức Chúa Trời.

Ngồi trong đền thờ của Đức Chúa Trời: Đây là đền thờ Đức Chúa Trời sẽ được tái xây dựng tại Giê-ru-sa-lem. Từ khi đền thờ Đức Chúa Trời bị quân đội La-mã phá hủy vào năm 70 đến nay, dân I-sơ-ra-ên luôn nuôi dưỡng quyết tâm xây lại đền thờ. Hiện nay, tất cả những gì cần thiết để tái xây dựng đền thờ và đưa vào sử dụng đều đã được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo. Thiết kế đền thờ và các nguyên vật liệu xây dựng đền thờ đã có sẵn. Các vật dụng dùng trong đền thờ đã được chế tạo sẵn. Các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ đã được huấn luyện sẵn. Giống bò cái có lông màu đỏ hoe được dùng làm của lễ đặc biệt cũng đang được nuôi dưỡng trong một trang trại tại I-sơ-ra-ên. Tất cả đã sẵn sàng cho sự tái thiết và tái sử dụng đền thờ Thiên Chúa, chỉ còn chờ đợi thời cơ [3].

Chúng tôi tin rằng, đền thờ sẽ được tái xây dựng sau khi dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ toàn bộ vùng đất Đức Chúa Trời ban cho họ, sau cuộc chiến theo Thi Thiên 83. Vì một lý do nào đó, đền thờ Hồi Giáo sẽ bị san bằng (động đất, hỏa tiễn của liên minh Hồi Giáo bắn nhầm khi họ tấn công I-sơ-ra-ên), và đền thờ Đức Chúa Trời sẽ được tái thiết. Với phương tiện xây dựng hiện đại, đền thờ mới sẽ được hoàn tất trong vòng sáu tháng.

Tiếp theo đó, AntiChrist sẽ lên ngôi, cầm đầu một chính phủ toàn cầu, đứng ra ký hòa ước bảy năm với I-sơ-ra-ên. Giữa của bảy năm đó, AntiChrist sẽ phá hòa ước, đem quân tấn công I-sơ-ra-ên, rồi vào ngồi trong đền thờ, xưng mình là Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 9:27; 11:31, 36; 12:11; Khải Huyền 13:1-8). Khi đó, dân I-sơ-ra-ên sẽ bị quân đội của AntiChrist tàn sát. Chỉ có một phần dân I-sơ-ra-ên kính sợ Chúa, được Chúa đem vào đồng vắng lánh nạn trong ba năm rưỡi (Khải Huyền 12:6) [4].

5 Các anh chị em không nhớ rằng, khi tôi còn ở với các anh chị em, thì tôi đã nói về những sự đó sao?

Qua câu này, chúng ta biết rằng khi Phao-lô còn ở với con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca thì ông cũng có rao giảng về Kỳ Tận Thế cho họ. Có lẽ, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Phao-lô lại rao giảng về Kỳ Tận Thế cho con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca khi mãi gần hai ngàn năm sau thì Kỳ Tận Thế mới đến? Có lẽ, câu trả lời hợp lý nhất là:

  • Thứ nhất, Chúa không giấu những người Ngài yêu những gì mà Ngài sẽ làm. Hội Thánh là những người được Chúa yêu.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Lẽ nào Ta giấu Áp-ra-ham điều gì Ta sẽ làm sao?” (Sáng Thế Ký 18:17).

Ta chẳng gọi các ngươi là những tôi tớ nữa, vì kẻ tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta đã gọi các ngươi là các bạn hữu, vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết.” (Giăng 15:15).

  • Thứ nhì, Đức Chúa Trời rao báo trước những sự cuối cùng (Ê-sai 46:10) mà Hội Thánh là chứng nhân của Ngài. Chính Hội Thánh qua các thời đại ấn chứng về sự Đức Chúa Trời đã rao báo trước những sự cuối cùng.

  • Thứ ba, sống với niềm hy vọng Chúa đến là một ơn phước đặc biệt. Chúa ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh suốt gần hai ngàn năm nay cùng một ơn phước đó.

Chúng ta cũng hãy nhớ rằng, sách Khải Huyền là mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ về Kỳ Tận Thế, do Đấng Christ ban cho Hội Thánh qua Sứ Đồ Giăng, cũng đã được ban cho Hội Thánh ngay từ thế hệ thứ nhất trong Hội Thánh.

6 Hiện nay, các anh chị em biết điều gì ngăn trở, để cho nó chỉ được tỏ ra trong hạn kỳ của nó.

Hiện nay: Thời điểm con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca đọc thư của Phao-lô.

Điều gì ngăn trở: Ngăn trở được nói đến ở đây là ngăn trở sự tỏ ra của AntiChrist, hay nói cách khác là ngăn trở sự sinh ra của AntiChrist. Điều ngăn trở ấy chính là năng lực của Thiên Chúa. Chính Đức Chúa Trời cho phép mọi sự xảy ra, kể cả sự ra đời của Antichrist. Nhưng suốt mấy ngàn năm qua, Thiên Chúa đã không cho phép bất cứ ai được sinh ra để trở thành AntiChrist, dù Sa-tan đã nhiều lần cố tạo ra một AntiChrist. Chỉ khi đến thời điểm Đức Chúa Trời đã định cho hắn, thì AntiChrist mới được sinh ra.

Sa-tan không biết trước ai sẽ được sinh ra làm AntiChrist. Chỉ sau khi người ấy được sinh ra, Sa-tan nhìn thấy môi trường đời sống của người ấy, biết rằng nó có thể dùng người ấy cho mục đích của nó, thì Sa-tan mới tìm cách đưa người ấy vào chương trình của nó, và cuối cùng, nếu thành công, thì Sa-tan sẽ nhập vào thân thể của người ấy, để xưng là Đức Chúa Trời, buộc muôn dân trên đất phải thờ lạy nó, qua thân thể xác thịt của người ấy. Trong quá khứ, Sa-tan đã nhiều lần cố gắng tạo ra một AntiChrist làm bá chủ toàn cầu, gần với chúng ta nhất là Hít-le, nhưng Sa-tan luôn thất bại, vì sự ngăn trở của Thiên Chúa.

Khi một danh động từ (động từ biến thể thành danh từ) mang hình thức trung tính, thì nó chỉ về sự việc. Trong câu 6, danh động từ “ngăn trở” được dùng với hình thức trung tính, nên chỉ về sự việc ngăn trở. Khi một danh động từ mang hình thức giống đực hay giống cái, thì nó chỉ về chủ thể làm ra sự việc. Trong câu 7, danh động từ “ngăn trở” được dùng với hình thức giống đực, nên chỉ về chủ thể làm ra sự ngăn trở, là Đấng Thần Linh.

7 Vì sự bí mật của sự vô luật pháp đang hành động rồi; nhưng {bị giới hạn vì} Đấng đang ngăn trở, cho đến khi tự Ngài ra khỏi giữa {nó}.

Sự bí mật của sự vô luật pháp: Là sự bí mật của sự vô luật pháp của Sa-tan. Bí mật đối với loài người chứ không phải đối với Thiên Chúa; và vô luật pháp nghĩa là không chấp hành luật pháp của Thiên Chúa. Chính vì loài người không hiểu biết sự vô luật pháp của Sa-tan mà loài người trúng kế Sa-tan, bội nghịch Thiên Chúa, xoay khỏi sự vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa để thờ phượng chính mình hoặc các loài thọ tạo, thậm chí thờ phượng những vật vô tri giác do tay loài người làm ra. Sự bí mật của sự vô luật pháp là năng lực chống nghịch Thiên Chúa của Sa-tan. Năng lực ấy vẫn luôn hành động từ khi Thiên Chúa dựng nên loài người, đang hành động vào thời điểm Phao-lô viết thư II Tê-sa-lô-ni-ca, và vẫn tiếp tục hành động cho đến ngày cuối cùng của Kỳ Tận Thế, trước khi Đức Chúa Jesus Christ nhốt Sa-tan vào vực sâu trong âm phủ.

Dù vậy, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, trực tiếp ngăn trở thế lực của Sa-tan, khiến cho nó trong suốt mấy ngàn năm qua đã không thể tạo nên một chính phủ toàn cầu, tiêu diệt mọi tín ngưỡng tôn giáo (cũng là những sản phẩm của nó nhằm lôi kéo loài người ra khỏi lẽ thật của Thiên Chúa), để lập ra một tôn giáo toàn cầu, tôn thờ chỉ một mình Sa-tan.

Khi thời điểm đến, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh sẽ tự mình ra khỏi đường lối của Sa-tan, không còn ngăn trở nữa. Chỉ khi ấy, Sa-tan mới có thể hoàn thành sự bí mật của sự vô luật pháp của nó. Chỉ khi ấy, Sa-tan mới có thể dấy lên một chính quyền toàn cầu và biến người cầm đầu chính quyền ấy thành một kẻ chống nghịch Đấng Christ (antiChrist) nổi bật nhất trong lịch sử.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch câu 7 như sau:

Vì đã có sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đương hành động rồi; song Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi.”

Câu: “Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi” hàm ý: Đấng Thần Linh cần phải được cất đi. Một số bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ cũng dùng cách dịch “to be taken out” để dịch câu này. Tuy nhiên, theo ngữ pháp Hy-lạp thì không phải Đấng đang ngăn trở “bị cất đi” mà là “Đấng đang ngăn trở tự ra khỏi”. Điều đó hàm ý, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh vẫn ở trong thế gian, nhưng Ngài không còn ngăn trở Sa-tan, Ngài tự ra khỏi con đường Sa-tan đang đi, để Sa-tan có thể đi đến mục đích cuối cùng của nó.

Khi Đấng Thần Linh không còn ngăn trở Sa-tan nữa, thì nó nhanh chóng chuẩn bị để đưa AntiChrist lên ngai. Hiện nay là thời điểm Sa-tan đang bận rộn chuẩn bị cho AntiChrist. Chúng ta hãy hình dung ra Sa-tan đang đứng đàng sau mọi thế lực chính trị, kinh tế, quân sự trong thế gian, để dùng các thế lực này tạo ra một chính phủ toàn cầu. Phong trào “Trật Tự Thế Giới Mới” (New World Order) chính là sản phẩm tuyên truyền của Sa-tan để chuẩn bị cho sự hình thành của một chính phủ toàn cầu.

Hậu quả của sự Hội Thánh được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian, Hoa Kỳ trở thành suy yếu, cùng với hậu quả của cuộc chiến tại Trung Đông theo Thi Thiên 83, sẽ khiến cả thế giới nhanh chóng đồng ý sự hình thành một chính phủ toàn cầu. Người đứng đầu chính phủ toàn cầu ấy sẽ là AntiChrist. Sự hình thành cơ quan Liên Hiệp Quốc vào năm 1945 cũng là một trong những sách lược của Sa-tan để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính phủ toàn cầu.

Chúng ta thật sự đang ở vào giai đoạn khởi đầu của những ngày cuối cùng với sự bỏ đạo trong Hội Thánh và sự ra đời của AntiChrist.

8 Bấy giờ kẻ vô luật pháp kia sẽ được tỏ ra, kẻ mà Chúa sẽ hủy diệt bởi hơi thở của miệng Ngài và vô hiệu hóa bởi sự chói sáng của sự Ngài đến.

Bấy giờ” là khi Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã hoàn toàn thôi ngăn trở Sa-tan. Khi ấy, người sẽ trở thành AntiChrist đã được sinh ra, và Sa-tan sẽ khiến người ấy trở thành AntiChrist. Sa-tan là quyền lực của sự vô luật pháp hành động trong thế gian từ khi sáng thế. Trong những ngày cuối cùng này, sự vô luật pháp của Sa-tan sẽ lên đến tột cùng trước khi Đức Chúa Trời đánh hạ Sa-tan. Sự vô luật pháp của Sa-tan sẽ được thể hiện qua một con người xác thịt. Người đầu tiên và duy nhất nắm quyền cai trị toàn thế giới trong một hệ thống chính quyền toàn cầu. Nhưng khi Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế thì Ngài sẽ hủy diệt AntiChrist bằng hơi thở của miệng Ngài; và sự vinh quang của Ngài, tức là tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Đấng Christ, sẽ vô hiệu hóa quyền cai trị của Sa-tan trên đất, là quyền được thể hiện qua AntiChrist.

9 Sự đến của kẻ ấy là theo việc làm của Sa-tan với mọi năng lực, những dấu lạ, và những việc lạ giả dối;

10 trong mọi cách lừa dối của sự không công bình giữa những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận tình yêu của lẽ thật để chúng nó được cứu rỗi.

Như Khải Huyền 13:1-8 đã tiên tri, AntiChrist là công cụ của Sa-tan, là người có thể làm ra nhiều phép lạ, để lừa dối muôn dân trên đất, khiến muôn dân tung hô hắn là Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời đã cho phép Sa-tan hoàn thành mục đích của nó trong việc dựng nên một lãnh tụ và một chính quyền toàn cầu, để khiến cho trong muôn dân bất cứ ai không thật lòng kính sợ Thiên Chúa và tìm kiếm lẽ thật, thì sẽ bị AntiChrist dẫn dụ. Chúng ta hãy hình dung ra một người thợ bạc đối diện với một hỗn hợp gồm bụi vàng và bụi sắt. Người thợ bạc dùng một cục nam châm đưa ngang qua hỗn hợp ấy. Cục nam châm sẽ hút hết những bụi sắt và chừa lại những bụi vàng. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời dùng AntiChrist để thanh lọc muôn dân trong thế gian. Những ai vâng phục Đức Chúa Trời sẽ sẵn sàng chịu khổ mà không tiếp nhận con dấu của AntiChrist. Những ai chỉ sống cho xác thịt sẽ vui mừng đi theo AntiChrist.

Sự lừa dối là một phương diện của sự không công bình. Sự không công bình có thể gây áp lực để bắt người khác làm nô lệ, có thể mua chuộc, nhưng cũng có thể lừa dối. Cách ít tốn kém và hữu hiệu nhất là sự lừa dối. Đó cũng là phương cách mà Sa-tan ưa thích nhất, vì Sa-tan là cha của sự nói dối (Giăng 8:44).

11 Vì thế mà Đức Chúa Trời sẽ đem đến chúng nó một sự tác động dối trá siêu nhiên, {khiến} chúng nó tin điều dối trá,

12 để cho hết thảy những kẻ không tin lẽ thật, nhưng vui trong sự không công bình, đều bị xử phạt.

Như trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời từng cho phép một tà linh đặt lời nói dối vào miệng các tiên tri của Vua A-háp để lừa dối ông (I Các Vua 22:21-23), thì trong những ngày cuối cùng, Ngài cũng sẽ cho phép Sa-tan dùng AntiChrist và tiên tri giả của nó để lừa dối muôn dân. Bởi vì chỉ những ai có tấm lòng không tin nhận lẽ thật thì mới bị Sa-tan lừa gạt. Những người đó chỉ muốn sống sao cho những tham muốn của xác thịt của họ được thỏa mãn, vì thế, Chúa gọi họ là những người “vui trong sự không công bình”. Chúng ta cần nhớ: Sự tham muốn của xác thịt là sai. Thỏa mãn sự tham muốn của xác thịt là phạm tội. Tham muốn khác với ham muốn. Trong khi ham muốn là bản tính tự nhiên khi có nhu cầu thì tham muốn là sự ham muốn trái nghịch với các điều răn của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời sẽ hình phạt mỗi người tùy theo sự ác trong họ, được thể hiện qua mỗi việc làm của họ. Nhưng Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan dùng các phép lạ để lừa gạt những ai không có lòng tìm kiếm và vâng phục lẽ thật, để họ có cơ hội bộc lộ bản chất ác trong họ. Sự bộc lộ đó sẽ chứng minh hình phạt của Đức Chúa Trời dành cho họ là công chính.

Sự tác động dối trá siêu nhiên là những phép lạ mà Sa-tan thể hiện qua AntiChrist, qua tiên tri giả của nó, đến nỗi có thể khiến cho tượng của AntiChrist biết nói, khiến cho lửa từ trời giáng xuống trên đất…

Đối với những ai có tấm lòng tìm kiếm Thiên Chúa và lẽ thật, thì Ngài sẽ đưa dắt họ đến với lẽ thật và chính Ngài, cho dù họ sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào, trong thời đại nào. Chính Đức Chúa Jesus sẽ tìm và cứu họ, đưa họ về với Hội Thánh của Ngài. Chính Đức Thánh Linh sẽ bảo vệ họ để họ không đi lạc khỏi lẽ thật. Điều quan trọng là khi một người đã được ban cho lẽ thật của Lời Chúa, tin nhận, suy ngẫm và cẩn thận làm theo mỗi ngày trong cuộc sống, thì không bao giờ những sự dối trá siêu nhiên của Sa-tan có thể gạt được họ.

Ngay trong thời điểm hiện tại, Sa-tan cũng đã tung ra biết bao là tiên tri giả và giáo sư giả, làm ra những dấu kỳ, phép lạ để lừa gạt muôn dân trên đất, đặc biệt là những người trong các giáo hội mang danh Chúa. Những người trong các giáo hội mang danh Chúa là những người biết Chúa, tin sự cứu rỗi của Chúa, nhưng lại không sống theo Lời Chúa. Những ai thật lòng sống theo Lời Chúa thì họ sẽ ra khỏi các giáo hội, vì Đức Thánh Linh chỉ cho họ thấy rõ những sự sai trái, bỏ đạo trong các giáo hội. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số người được Đức Thánh Linh soi dẫn và cáo trách nhưng vì một lý do nào đó đã không ra khỏi các giáo hội. Những người ấy đã chọn không vâng theo mệnh lệnh của Chúa, là mệnh lệnh được chép rõ ràng trong II Cô-rinh-tô 6:14-18.

Nguyện tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa bao phủ tất cả những ai thật lòng tìm kiếm Thiên Chúa, vâng phục Thiên Chúa. Nguyện Đức Chúa Trời sửa phạt cách nặng nề những ai đã được cứu vào trong Hội Thánh của Ngài mà chưa sống thánh khiết theo Lời Chúa, để họ còn có cơ hội ăn năn. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ thêm sức cho mỗi một người trong Hội Thánh, để chúng ta cùng đứng vững trong đức tin, sẵn sàng cho sự đến của Ngài. Nguyện Đức Thánh Linh đổ đầy thánh linh của Ngài trong mỗi chúng ta, để chúng ta kết quả nhiều cho Đức Chúa Trời trong những ngày cuối cùng này. Kết quả qua nếp sống yêu thương, thánh khiết, công chính của chúng ta; kết quả qua sự gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh; và kết quả trong sự đưa dắt nhiều người đến với Tin Lành cứu rỗi. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/07/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Trong Chúa Jesus Là Hội Thánh”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-trong-chua-jesus-la-hoi-thanh/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] Xin đọc các bài nói về sự bỏ đạo:

[2] Xin đọc sách: “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã”
https://od.lk/f/MV8xMTYzMTQ1ODRf

[3] https://www.templeinstitute.org/

[4] http://kytanthe.net/?p=185

[5] Khi một danh động từ (động từ biến thể thành danh từ) mang hình thức trung tính, thì nó chỉ về sự việc. Trong câu 6, danh động từ “ngăn trở” được dùng với hình thức trung tính, nên chỉ về sự việc ngăn trở. Khi một danh động từ mang hình thức giống đực hay giống cái, thì nó chỉ về chủ thể làm ra sự việc. Trong câu 7, danh động từ “ngăn trở” được dùng với hình thức giống đực, nên chỉ về chủ thể làm ra sự ngăn trở, là Đấng Thần Linh.