Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:32 Gương Đức Tin – Phần 3

2,169 views

 

Nguồn: https://youtu.be/jpfO_sPaPog

Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:32
Gương Đức Tin – Phần 3

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 11:32

32 Tôi sẽ còn nói gì nữa? Vì thời gian không đủ cho tôi để nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên, và các tiên tri.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học tiếp về gương đức tin của các thánh đồ đã được ghi chép trong Cựu Ước và được Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, nhắc lại trong Hê-bơ-rơ 11. Chúng ta chỉ sẽ học về gương đức tin của sáu người được liệt kê trong câu 32.

Sau khi liệt kê các gương đức tin từ A-bên cho đến Ra-háp, Phao-lô cho biết, dù chỉ là nói thêm về gương đức tin của một vài người nữa thì ông cũng không có đủ thời gian. Phao-lô chỉ nhắc lại tên của vài người, vì đối với độc giả của thư Hê-bơ-rơ vào thời bấy giờ, là những người I-sơ-ra-ên, họ đã biết câu chuyện đức tin của các người ấy, qua Thánh Kinh Cựu Ước. Ngoài Vua Đa-vít, các người còn lại có tên trong Hê-bơ-rơ 11:32 đều sống trong thời kỳ dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời cai trị qua các quan xét. Câu chuyện về đức tin của họ được chép lại trong sách Các Quan Xét và I Sa-mu-ên, II Sa-mu-ên.

Ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời đã không lập vua cho dân I-sơ-ra-ên, vì Ngài là vua của họ. Đức Chúa Trời cai trị dân I-sơ-ra-ên qua các quan xét cho đến khi dân I-sơ-ra-ên muốn có vua như các dân ngoại, thì Đức Chúa Trời đã chiều lòng họ mà lập ra chức vua cho họ (I Sa-mu-ên 8). Quan xét tức là các quan tòa, tiếng Hán Việt gọi là thẩm phán.

Trước khi dân I-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa thì Môi-se chính là quan xét của họ trong suốt 40 năm. Mỗi ngày, nếu không đang trên đường di chuyển đến nơi đóng trại mới trong đồng vắng, không nhằm các ngày Sa-bát thì Môi-se xét xử các tranh chấp trong dân chúng. Công việc xét xử này rất là bận rộn, vì một mình Môi-se phải xét xử các tranh chấp cho hàng triệu người. Chúng ta đã biết, khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô thì có 600 ngàn người nam mạnh sức (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37), tức là những người nam từ 20 tuổi đến 60 tuổi, là tuổi có thể cầm gươm để chiến đấu trong quân đội. Nếu kể luôn trẻ con và phụ nữ, cùng những người già trên 60 thì tổng số có thể lên đến trên 2 triệu người. Đó là giả sử mỗi người đàn ông có một cha hoặc một mẹ, một vợ hoặc một chị em gái, và một con. Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 18 ghi lại sự kiện Môi-se ngồi xét xử từ sáng sớm cho đến chiều, trong khi dân chúng chực chờ đến phiên. Cha vợ của Môi-se đến thăm ông, thấy vậy, đã khuyên ông chọn ra các quan trưởng có uy tín để giúp ông làm công việc xét xử cho dân chúng. Môi-se đã tiếp nhận lời khuyên của cha vợ.

Sau khi dân I-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa Ca-na-an thì Đức Chúa Trời đã dùng một số các quan xét, để cai trị họ trong khoảng thời gian 356 năm (1406 TCN đến 1050 TCN). Quan xét đầu tiên là Giô-suê và quan xét cuối cùng là Tiên Tri Sa-mu-ên.

Trong Hê-bơ-rơ 11:32, chúng ta thấy, Phao-lô đưa ra các tên: Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, và Sa-mu-ên. Có một điểm đặc biệt là sáu tên này chia thành ba cặp mà mỗi cặp thì tên của người xuất hiện sau lại được đặt trước tên của người xuất hiện trước. Thứ tự xuất hiện của mỗi người theo thời gian là:

  • Ba-rác trước Ghê-đê-ôn.
  • Giép-thê trước Sam-sôn.
  • Sa-mu-ên trước Đa-vít.

Ba-rác là một thường dân. Ghê-đê-ôn, Giép-thê, và Sam-sôn đều là các quan xét. Sa-mu-ên vừa là tiên tri vừa là quan xét. Đa-vít là vua.

Ba-rác: Câu chuyện về đức tin của Ba-rác được chép trong Các Quan Xét từ đoạn 4 đến đoạn 5. Vì dân I-sơ-ra-ên phạm tội thờ thần tượng nên Đức Chúa Trời đã khiến cho họ bị dân Ca-na-an hà hiếp suốt 20 năm. Đó cũng là thời điểm trong dân I-sơ-ra-ên không có một người nam nào xứng đáng làm quan xét. Đức Chúa Trời đã dùng một nữ tiên tri làm quan xét cho họ. Đó là nữ Tiên Tri Đê-bô-ra (Các Quan Xét 5:7). Khi dân I-sơ-ra-ên kêu cầu cùng Đức Chúa Trời về sự bị dân Ca-na-an hà hiếp. Đức Chúa Trời đã đáp lời kêu cầu của họ qua nữ Tiên Tri Đê-bô-ra.

Theo sự Đức Chúa Trời tỏ ra cho bà, Đê-bô-ra đã gọi Ba-rác đến, nói rằng, Thiên Chúa muốn ông chọn ra 10 ngàn người trong chi phái Nép-ta-li và chi phái Sa-bu-lôn để đi đánh dân Ca-na-an. Ba-rác nói rằng, nếu bà đi với ông thì ông sẽ đi nhưng nếu bà không đi với ông, ông sẽ không đi. Đê-bô-ra bằng lòng ra trận với Ba-rác; và Đức Chúa Trời đã khiến cho dân I-sơ-ra-ên chiến thắng dân Ca-na-an. Sau đó, dân I-sơ-ra-ên được sống thanh bình suốt 40 năm, cho đến khi họ lại phạm tội thờ lạy tà thần.

Bài học về đức tin của Ba-rác là dù ông chỉ là một người dân thường, nhưng ông sẵn sàng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, khi ông nhận biết ý muốn của Ngài. Ba-rác tin lời người lãnh đạo mình, dù đó là một người nữ. Ông đã khôn sáng khi yêu cầu tiên tri của Đức Chúa Trời phải theo ông ra trận.

Ngày nay, trong các Hội Thánh địa phương, có khi không có nam trưởng lão và Đức Chúa Trời dấy lên nữ trưởng lão để chăn dắt Hội Thánh. Con dân Chúa có bổn phận vâng phục các nữ trưởng lão. Nếu nữ trưởng lão giao phó cho một người nam trong Hội Thánh làm việc mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi và sắm sẵn cho người ấy, thì người ấy cũng nên học theo gương của Ba-rác. Đó là không tự tìm kiếm vinh quang cho mình, nhưng đặt mình dưới sự dẫn dắt của người nữ trưởng lão. Có như vậy, cả Hội Thánh sẽ cùng được phước bởi sự hiệp một và lòng vâng phục người mà Đức Chúa Trời đã đặt làm người chăm sóc Hội Thánh. Những người nam trong một Hội Thánh địa phương không có nam trưởng lão cần phải xét mình, xem vì sao mà Chúa không dùng mình làm trưởng lão.

Ghê-đê-ôn: Câu chuyện về đức tin của Ghê-đê-ôn được chép trong Các Quan Xét từ đoạn 6 đến đoạn 8. Vào thời của Ghê-đê-ôn, dân I-sơ-ra-ên phạm tội thờ thần tượng nên Đức Chúa Trời phạt họ, bằng cách khiến cho dân Ma-đi-an đánh thắng dân I-sơ-ra-ên và làm khổ họ trong bảy năm. Dân I-sơ-ra-ên phải trốn tránh trong các núi, các hang động, hoặc tử thủ trong các đồn lũy. Khi dân I-sơ-ra-ên đã gieo giống thì dân Ma-đi-an kéo đến đánh phá, cướp bóc khiến cho dân I-sơ-ra-ên bị nghèo đói. Dân I-sơ-ra-ên kêu than cùng Đức Chúa Trời nên Ngài sai Ghê-đê ôn đứng lên, cầm đầu công cuộc đánh đuổi dân Ma-đi-an.

Sau khi dân I-sơ-ra-ên kêu than cùng Đức Chúa Trời thì Thiên Sứ của Thiên Chúa hiện ra với Ghê-đê-ôn, đang khi ông đập lúa, bảo ông triệt hạ bàn thờ và hình tượng của tà thần nơi nhà cha của ông, rồi đi đánh dân Ma-đi-an. Ghê-đê-ôn vâng lời Đức Chúa Trời, triệt hạ bàn thờ và hình tượng của tà thần, rồi thổi kèn, chiêu mộ lính, đi ra đánh dân Ma-đi-an. Nhưng trước khi dẫn quân tấn công dân Ma-đi-an thì Ghê-đê-ôn đã cầu xin Đức Chúa Trời ban cho ông dấu chứng, là Ngài muốn dùng tay của ông để giải cứu dân I-sơ-ra-ên. Ông xin đặt một tấm da chiên trên sân đạp lúa qua đêm, và xin Đức Chúa Trời làm cho sương chỉ đóng trên tấm da chiên, còn đất chung quanh thì khô ráo. Sáng hôm sau, Ghê-đê-ôn vắt tấm da chiên thì được một chén nước. Ông lại xin Đức Chúa Trời làm thêm một phép lạ nữa. Đó là lần này Đức Chúa Trời khiến cho tấm da chiên thì khô, trong khi sương đóng trên mặt đất chung quanh. Phép lạ đã xảy ra theo như Ghê-đê-ôn cầu xin. Hôm sau, Ghê-đê-ôn dẫn theo 32 ngàn người I-sơ-ra-ên, chuẩn bị tiến đánh dân Ma-đi-an.

Khi ấy, dân Ma-đi-an liên kết với dân A-ma-léc và một số bộ tộc các sắc dân đông phương để tấn công dân I-sơ-ra-ên. Thánh Kinh ghi lại như sau:

“Dân Ma-đi-an, dân A-ma-léc, và hết thảy người phương đông tràn ra trong đồng bằng đông như cào cào, còn lạc đà của chúng nó thì đông vô số, khác nào cát nơi bờ biển.” (Các Quan Xét 7:12).

Thế nhưng, Đức Chúa Trời yêu cầu Ghê-đê-ôn truyền cho những người I-sơ-ra-ên theo Ghê-đê-ôn mà nhát, sợ phải rời khỏi hàng ngũ. Có 22 ngàn người trở về và 10 ngàn người ở lại. Nhưng Đức Chúa Trời tiếp tục rút bớt số người tham dự chiến trận và chỉ chọn ra 300 người trong số 10 ngàn người. Ba trăm người đó không dùng vũ khí mà mỗi người chỉ mang theo kèn, bình không, và đuốc ở trong bình. Vào lúc khoảng 10 giờ tối, Ghê-đê-ôn chia 300 người thành ba đạo quân, tiến đến doanh trại của liên minh quân Ma-đi-an, A-ma-léc, và các bộ tộc đông phương. Khi đến nơi, cả 300 người cùng lúc đập bể bình, tay trái cầm đuốc, tay phải cầm kèn để thổi, rồi hô to: “Gươm của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và của Ghê-đê-ôn!” Toàn trại quân Ma-đi-an hoảng sợ, chém giết lẫn nhau và bỏ chạy. Dân I-sơ-ra-ên từ ba chi phái Nép-ta-li, A-se, và Ma-na-se thấy vậy, cùng nhau đuổi theo, chém giết quân Ma-đi-an.

Trong trận đánh đó, 120 ngàn quân lính của Ma-đi-an và A-ma-léc bị giết. Hai vua của Ma-đi-an là Xê-bách và Xanh-mu-na kéo theo 15 ngàn quân của các bộ tộc đông phương, bỏ chạy. Ghê-đê-ôn đem 300 quân đuổi theo, đánh tan 15 ngàn quân của các bộ tộc đông phương và bắt sống hai vua của Ma-đi-an. Sau đó, Ghê-đê-ôn đã giết hai vua để trả thù việc hai vua đã giết các anh em của ông trước đó. Dân Ma-đi-an bị dân I-sơ-ra-ên bắt phục và trong đời Ghê-đê-ôn, dân I-sơ-ra-ên được sống thanh bình suốt 40 năm. Sau khi Ghê-đê-ôn qua đời thì dân I-sơ-ra-ên lại quay về thờ lạy tà thần của dân ngoại.

Ghê-đê-ôn đã thể hiện đức tin của mình nơi Thiên Chúa khi ông vâng lời Thiên Chúa, triệt hạ bàn thờ và hình tượng tà thần, chiêu tập quân lính để tấn công kẻ thù. Đỉnh cao đức tin của Ghê-đê-ôn là ông sẵn sàng dẫn 300 người lính không trang bị vũ khí, đi tấn công một đạo quân đông hơn gấp 450 lần.

Qua câu chuyện trên đây, chúng ta thấy, không chỉ một mình Ghê-đê-ôn có đức tin lớn nơi Thiên Chúa mà cả 300 người theo ông cũng có đức tin lớn như ông. Đức tin của họ phải thể hiện thành hành động cụ thể, trước khi phép lạ chiến thắng xảy ra. Hãy tưởng tượng 301 người chỉ trang bị mỗi người một cây kèn, một bình đất, và một cây đuốc để tấn công 135 ngàn người có vũ khí trong tay. Khi chúng ta thật sự tin cậy Thiên Chúa thì chính Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng dũng cảm và dẫn chúng ta đi vào trong sự chiến thắng mọi cảnh ngộ, mọi kẻ thù, kể cả kẻ thù sau cùng là sự chết (I Cô-rinh-tô 15:21). Vì khi chúng ta có đức tin vững chắc nơi Thiên Chúa thì chúng ta sẽ sống và sống mãi, cho dù chúng ta có phải trải qua sự chết (Giăng 10:28; 11:25).

Giép-thê: Câu chuyện về đức tin của Giép-thê được chép trong Các Quan Xét đoạn 11. Mẹ của Giép-thê là một gái điếm nên ông bị các anh em cùng cha khác mẹ đuổi ông ra khỏi nhà. Giép-thê ra đi, đến xứ Tóp và tụ tập với những du đãng trong xứ.

Vào thời của Giép-thê, dân I-sơ-ra-ên lại phạm tội thờ lạy tà thần nên bị Đức Chúa Trời đánh phạt, khiến cho dân Am-môn hà hiếp họ suốt 18 năm. Khi dân I-sơ-ra-ên kêu van cùng Đức Chúa Trời, xin Ngài giải cứu họ thì Ngài thương xót họ, và dùng Giép-thê để giải cứu họ khỏi tay dân Am-môn. Các trưởng lão của I-sơ-ra-ên tại Ga-la-át đến xứ Tóp, mời Giép-thê về làm quan tướng, dẫn quân I-sơ-ra-ên đi đánh dân Am-môn. Thần của Thiên Chúa cảm động Giép-thê đi đánh dân Am-môn.

Chúng ta không có nhiều chi tiết về cuộc đời của Giép-thê, nhưng khi ông sai sứ giả đến đàm phán với vua của dân Am-môn thì chúng ta thấy, ông hiểu biết về lịch sử của dân I-sơ-ra-ên. Điều đó chứng tỏ, ông có tấm lòng học biết lịch sử của dân tộc, và qua đó, ông có đức tin nơi Thiên Chúa. Vì học biết lịch sử của dân I-sơ-ra-ên là học biết lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho dân I-sơ-ra-ên.

Giép-thê tỏ ra có đức tin lớn nơi Thiên Chúa, khi ông nhận lời các trưởng lão I-sơ-ra-ên để dẫn quân đi đánh dân Am-môn. Ông vâng theo sự cảm động của Thiên Chúa trong tâm thần ông. Trước khi ra trận, ông biết cầu nguyện xin Thiên Chúa phù hộ cho ông được thắng trận.

Khi nhắc đến Giép-thê, lời hứa nguyện của ông với Chúa đã trở thành một đề tài tranh luận giữa các nhà giải kinh. Vì Giép-thê hứa sẽ dâng làm của lễ thiêu lên Thiên Chúa bất cứ người hay vật nào từ nhà đi ra, đón tiếp ông, khi ông thắng trận trở về:

“Giép-thê hứa một lời hứa với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rằng: Nếu Ngài phó con cháu của Am-môn vào tay tôi, thì bất cứ vật gì đi ra từ các cửa nhà tôi để gặp tôi, khi tôi trở về trong sự bình an từ con cháu của Am-môn, nó sẽ thuộc về Thiên Chúa và tôi sẽ dâng nó lên làm của lễ thiêu.” (Các Quan Xét 11:30-31).

Thực tế, Mích-ba là con gái và là con một của Giép-thê đã là người đầu tiên từ nhà đi ra, đón mừng Giép-thê. Thánh Kinh cho biết, Giép-thê đã làm cho con gái đúng theo lời hứa nguyện của ông, như Lời Chúa đã xác định trong Các Quan Xét 11:39: “người làm cho nàng theo lời hứa của mình mà người đã hứa.”

Hầu hết các nhà giải kinh hiểu rằng, Giép-thê đã dâng con gái của mình làm của lễ thiêu, theo ý nghĩa rõ ràng trong văn mạch của Các Quan Xét 11:30-39. Một số ít các nhà giải kinh thì cho rằng, việc Giép-thê dâng con gái làm của lễ thiêu là không thể xảy ra, vì các lý do sau đây:

  • Đức Chúa Trời không chấp nhận sự dâng con cái làm của lễ thiêu (mặc dù Ngài dùng điều đó để thử đức tin của Áp-ra-ham). Trái lại, Ngài lên án hành động dâng con cái làm của lễ thiêu, như đã chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:31: “Ngươi chớ phụng sự Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi như vậy, vì mọi điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lấy làm gớm ghiếc và ghét, thì chúng nó đã làm cho các thần mình: đến nỗi chúng nó thiêu con trai và con gái mình trong lửa, để cúng thờ các thần mình.”

Phản biện: Rõ ràng Đức Chúa Trời nghiêm cấm việc dâng con cái làm của lễ thiêu nhưng một người vẫn có thể vi phạm lệnh cấm của Đức Chúa Trời.

  • Giép-thê có sự hiểu biết rộng về lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, nhờ đó, ông có đức tin nơi Đức Chúa Trời, nên ông không thể vi phạm mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về việc cấm dâng con cái làm của lễ thiêu.

Phản biện: Hiểu biết Lời Chúa không có nghĩa là sẽ không vi phạm Lời Chúa.

  • Giép-thê là người được Thần của Đức Chúa Trời ngự trên ông nên ông không thể có lời hứa không đúng với luật pháp của Chúa, cũng không thể vi phạm mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về việc cấm dâng con cái làm của lễ thiêu.

Phản biện: Thần của Đức Chúa Trời ngự trên một người để giúp người ấy hoàn thành công việc Đức Chúa Trời giao phó cho người ấy, không có nghĩa là người ấy sẽ không phạm lỗi, không phạm tội. Ngày nay, Đức Thánh Linh ngự trong thân thể con dân Chúa nhưng con dân Chúa vẫn phạm tội hoặc làm ra những sự thiếu khôn sáng.

  • Gương đức tin của Giép-thê được nhắc đến trong Hê-bơ-rơ 11 nên ông không thể là người vi phạm mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về việc cấm dâng con cái làm của lễ thiêu.

Phản biện: Hê-bơ-rơ ghi lại gương đức tin của nhiều người mà bản thân của họ vẫn có những lúc phạm lỗi, phạm tội.

  • Thánh Kinh không lên án lời hứa hoặc hành động của Giép-thê.

Phản biện: Không phải lúc nào Thánh Kinh cũng ghi lại lời lên án về một lời nói hay hành động tội lỗi, sai trái.

Có ba lời giải thích được đưa ra để cho rằng, Giép-thê không dâng con gái của mình làm của lễ thiêu:

1. Liên từ “và” trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng có thể mang nghĩa “hoặc”. Vì thế, Các Quan Xét 11:31 có thể được dịch như sau:

“thì bất cứ vật gì đi ra từ các cửa nhà tôi để gặp tôi, khi tôi trở về trong sự bình an từ con cháu của Am-môn, nó sẽ thuộc về Thiên Chúa hoặc tôi sẽ dâng nó lên làm của lễ thiêu.”

Có nghĩa, nếu là một con thú thì sẽ được dâng làm của lễ thiêu, nếu là một người thì sẽ được dâng làm người trọn đời phụng sự Thiên Chúa.

Tuy nhiên, văn mạch không cho phép chúng ta hiểu như vậy. Nghĩa của câu văn là: Sự thuộc về Thiên Chúa sẽ được tôi dâng nó làm của lễ thiêu.

2. Có một lỗi sao chép khiến cho câu văn bị hiểu sai. Có lẽ câu văn đúng sẽ là:

“thì bất cứ vật gì đi ra từ các cửa nhà tôi để gặp tôi, khi tôi trở về trong sự bình an từ con cháu của Am-môn, nó sẽ thuộc về Thiên Chúa và tôi sẽ dâng lên Ngài của lễ thiêu.”

Có nghĩa, người hay vật đó sẽ thuộc về Thiên Chúa, đồng thời ông cũng sẽ dâng lên Thiên Chúa một của lễ thiêu.

Tuy nhiên, tương tự như trường hợp 1, văn mạch không cho phép chúng ta đoán là có sự sai sót trong khi ghi chép. Vì văn mạch thể hiện rõ: Sự thuộc về Thiên Chúa sẽ được tôi dâng nó làm của lễ thiêu.

3. Giép-thê đã chuộc con gái của mình lại theo điều luật của Chúa:

“Hãy truyền cho con cháu của I-sơ-ra-ên. Hãy nói với họ: Khi một người hứa nguyện đặc biệt, thì các mạng sống sẽ thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, theo sự định giá của ngươi… Nếu đó là một người nữ, thì sự định giá của ngươi sẽ là ba chục siếc-lơ.” (Lê-vi Ký 27:2 và 4).

Giép-thê có thể chuộc lại con gái của mình nếu ông không hứa là sẽ dùng nàng làm của lễ thiêu. Tiếc thay, Giép-thê đã hứa nguyện một cách không khôn sáng và ông phải thực hiện lời hứa của mình, theo như luật pháp của Đức Chúa Trời đã quy định:

“Khi một người nào có hứa nguyện cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hoặc phát thề buộc lấy lòng mình phải giữ một sự gì, thì chớ nên thất tín. Mọi lời ra khỏi miệng người, người phải làm theo.” (Dân Số Ký 30:2).

“Khi ngươi hứa nguyện cùng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, thì chớ trì hoãn làm cho xong; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi hẳn sẽ đòi sự hoàn nguyện ấy; nếu không làm cho xong, ngươi sẽ mang lấy tội.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21).

“Khi môi ngươi đã hứa cùng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi một sự hứa nguyện vui lòng, thì hãy cẩn thận làm trọn lời ra khỏi miệng mình đó.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:23).

Chúng ta có thể hiểu rằng, với tâm trạng bị anh em hất hủi, với bản tính hay tranh chiến (Giép-thê được gọi là một dũng sĩ), với thói quen tụ tập những kẻ du đãng, Giép-thê là một người cao ngạo và xốc nổi, hay khoe mình mà thiếu chín chắn, nên ông đã đưa ra một lời hứa nguyện không đúng với điều răn của Chúa, đem lại thiệt hại cho chính ông và gia đình của ông.

Đức Chúa Trời không chủ động bảo Giép-thê phải dâng con gái của mình làm của lễ thiêu và Ngài cũng không can thiệp khi ông thực hiện lời hứa. Mích-ba, con gái của Giép-thê, có tấm lòng vâng phục cha và tôn kính Thiên Chúa. Chắc chắn Đức Chúa Trời đã định sẵn phần tốt đẹp cho Mích-ba. Riêng Giép-thê đã thể hiện đức tin của mình vào sự công chính của Đức Chúa Trời, khi ông giữ đúng lời hứa mà mình đã hứa với Ngài. Đức tin của ông khiến cho ông biết chắc, Đức Chúa Trời sẽ không bỏ qua, nếu ông thất hứa với Ngài. Với lòng kính sợ và đức tin nơi Đức Chúa Trời, Giép-thê đã hy sinh con gái của mình.

Chúng ta cần ghi nhớ điều này: Thiên Chúa dựng nên chúng ta như hình và tượng của Thiên Chúa, vì thế, chúng ta có ý chí tự do, có quyền tự quyết định mọi sự liên quan đến bản thân mình như Thiên Chúa. Sự thể hiện ý chí tự do, quyền tự quyết của chúng ta là sự thể hiện bản tính của chúng ta. Bản tính của chúng ta như thế nào tùy thuộc vào tấm lòng của chúng ta đối với Thiên Chúa và Lời Hằng Sống của Ngài. Chúng ta có thể có đức tin lớn nơi Chúa về một phương diện nào đó nhưng cũng có thể thiếu đức tin trong một phương diện khác. Tiên Tri Ê-li là một trường hợp điển hình. Ông có đức tin lớn để phép lạ xảy ra và giết chết 450 tiên tri của tà thần, nhưng ông lại thiếu đức tin khi bị Hoàng Hậu Giê-sa-bên hăm dọa và ông phải chạy trốn (I Các Vua 18-19).

Bài học quan trọng cho mỗi chúng ta là: Hãy luôn giữ mình trong sự thông công mật thiết với Thiên Chúa, nuôi mình bằng Lời Hằng Sống của Ngài, để cho bất cứ ý nghĩ, lời nói, việc làm nào của chúng ta cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa, đem lại sự ích lợi và gây dựng cho bản thân và mọi người chung quanh.

Sam-sôn: Câu chuyện về đức tin của Sam-sôn được chép trong Các Quan Xét từ đoạn 13 đến đoạn 16. Sam-sôn là con trai của một người đàn bà hiếm muộn, thuộc chi phái Đan. Sự ra đời của ông đã được Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện ra, báo trước cho cha mẹ của ông. Khi Sam-sôn trưởng thành thì ông được Thần của Thiên Chúa ngự trên ông, ban cho ông sức mạnh hơn người và dùng ông đánh dân Phi-li-tin trong thời gian dân Phi-li-tin cai trị dân I-sơ-ra-ên. Sam-sôn làm quan xét cho dân I-sơ-ra-ên trong 20 năm.

Vào cuối đời, Sam-sôn bị sa vào mỹ nhân kế của dân Phi-li-tin, tiết lộ bí mật về nguyên cớ sức mạnh của mình, là do dao cạo không hề đưa qua đầu của ông từ khi mới được sinh ra. Người tình của Sam-sôn thừa dịp Sam-sôn ngủ mê, sai người cạo bảy lọn tóc của ông, khiến cho sức mạnh rời khỏi ông; và ông bị dân Phi-li-tin bắt. Dân Phi-li-tin khoét mắt Sam-sôn và bắt ông xay cối trong ngục.

Theo thời gian, tóc của Sam-sôn mọc trở lại và sức mạnh cũng trở lại trong thân thể của ông. Một ngày kia, dân Phi-li-tin nhóm hiệp lại, dâng tế lễ cho tà thần của họ, và vui chơi, ăn uống. Họ cho đem Sam-sôn ra để làm trò vui cho họ. Sam-sôn được cho đứng giữa hai trụ cột giữa đền thờ tà thần. Có khoảng ba ngàn người nam và nữ thuộc dân Phi-li-tin ở trong đền, xem Sam-sôn làm trò. Sam-sôn đã cầu nguyện xin Thiên Chúa ban sức mạnh cho ông để ông trả thù dân Phi-li-tin. Sau đó, Sam-sôn dùng sức mạnh xô ngã hai trụ cột, làm sập đền thờ tà thần, và ông đã chết chung với dân Phi-li-tin.

Dù là người được Đức Chúa Trời dùng làm người đánh phá dân Phi-li-tin và làm quan xét cho dân I-sơ-ra-ên, nhưng Sam-sôn đã sống theo sự tham muốn của xác thịt, đến nỗi gây họa cho chính mình. Tuy nhiên, vào cuối đời, Sam-sôn đã có đức tin vào trong sự thương xót của Đức Chúa Trời. Ông tin rằng, Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu xin của ông.

Mỗi một người được sinh ra làm người trong thế gian này đều được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội trở nên con trai hoặc con gái của Ngài, cho dù ai nấy đều phạm tội. Chỉ cần một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, cho dù là trong giây phút sau cùng của đời sống trong thân thể xác thịt này, thì người ấy cũng sẽ được cứu. Sự thương xót và sự thành tín của Thiên Chúa là rất lớn và không thay đổi. Lời Chúa ghi rõ:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.” (Ê-sai 1:18).

“Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Thiên Chúa là Đấng giải cứu loài người. Ngài là “Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4).

Sa-mu-ên: Câu chuyện về đức tin của Sa-mu-ên được chép trong I Sa-mu-ên. Sa-mu-ên là con trai của một người đàn bà hiếm muộn. Mẹ của Sa-mu-ên là An-ne hàng năm trong dịp lên thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Tạm, đều cầu nguyện xin Chúa ban cho một người con. Một năm kia, An-ne hứa nguyện với Thiên Chúa rằng, nếu Ngài ban cho bà một đứa con trai, thì bà sẽ dâng hiến nó trọn đời cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và dao cạo sẽ chẳng đưa qua ngang đầu nó. Trong năm đó, An-ne thọ thai và sinh được một con trai. Bà đặt tên con là Sa-mu-ên, có nghĩa là: “Được Nghe bởi Thiên Chúa”.

Khi Sa-mu-ên được dứt sữa (khoảng 5 tuổi) thì An-ne đem ông lên Đền Tạm, tạ ơn Chúa và dâng ông lên Chúa. Kể từ đó, Sa-mu-ên trọn đời ở lại trong Đền Tạm, phụng sự Thiên Chúa qua sự giúp việc cho thầy tế lễ. Thầy tế lễ thời bấy giờ là Hê-li. Hê-li có hai con trai mà cả hai đều phạm tội gian ác. Hê-li biết sự phạm tội của hai con trai mình mà không sửa phạt chúng, nên ông bị Đức Chúa Trời hình phạt. Dù Sa-mu-ên còn thơ ấu, nhưng Đức Chúa Trời đã phán gọi Sa-mu-ên, trong khi Sa-mu-ên đang ngủ, và báo cho ông biết những điều Ngài sẽ làm ra cho gia đình của Hê-li. Từ đó, Sa-mu-ên trở thành tiên tri của Đức Chúa Trời giữa vòng dân I-sơ-ra-ên. Sau khi Hê-li qua đời thì Sa-mu-ên trở thành quan xét của dân I-sơ-ra-ên. Ông là quan xét cuối cùng của I-sơ-ra-ên. Ông xức dầu cho hai vua đầu tiên của I-sơ-ra-ên là Sau-lơ, rồi đến Đa-vít.

Sa-mu-ên là một người trọn vẹn trước Đức Chúa Trời và được đầy ơn của Ngài:

“Sa-mu-ên lớn lên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở với người; Ngài chẳng để một lời nào của người rơi xuống đất. [Hàm ý: không một lời nói nào của Sa-mu-ên trở nên vô ích.]” (I Sa-mu-ên 3:19).

Đức tin của Sa-mu-ên nơi Thiên Chúa được thể hiện qua suốt cuộc đời của ông, kể từ khi ông còn là một đứa bé. Để học biết về đức tin của Sa-mu-ên thì chúng ta cần đọc sách I Sa-mu-ên.

Qua Sa-mu-ên, chúng ta học biết rằng, nếu một người được nuôi dạy bằng Lời Chúa từ khi còn thơ ấu, và người ấy chọn sự tin kính và vâng phục Chúa, thì trọn cuộc đời của người ấy, người ấy sẽ bước đi trong đường lối công chính. Đức Chúa Trời sẽ dùng người ấy cho những việc lớn của Ngài trong cuộc đời này, giữa lòng dân tộc của người ấy.

Đa-vít: Câu chuyện nổi bật nhất về đức tin của Đa-vít được chép trong I Sa-mu-ên đoạn 17. Khi đó, Sau-lơ đang làm vua của I-sơ-ra-ên, và dân Phi-li-tin tấn công dân I-sơ-ra-ên. Chủ tướng của quân Phi-li-tin là một người khổng lồ, tên là Gô-li-át. Hàng ngày, Gô-li-át lên tiếng khiêu chiến, thách thức dân I-sơ-ra-ên đưa ra một người đấu tay đôi với Gô-li-át, bên nào thua thì dân chúng bên ấy phải làm nô lệ cho dân chúng bên thắng. Vua Sau-lơ và cả dân I-sơ-ra-ên đều kinh sợ trước Gô-li-át.

Ba người anh của Đa-vít đều ở trong đội quân của I-sơ-ra-ên, đối chiến với đội quân của dân Phi-li-tin. Đa-vít lúc ấy còn là một thiếu niên, có lẽ khoảng 14 hay 15 tuổi, thay cho các anh, chăn dắt bầy chiên của gia đình. Một hôm, cha của Đa-vít sai Đa-vít mang thức ăn ra mặt trận cho các anh của ông. Khi Đa-vít ra đến nơi, đang trò chuyện với các anh thì Gô-li-át xông ra, chửi mắng dân I-sơ-ra-ên và nhắc lại lời thách đấu. Dân I-sơ-ra-ên sợ hãi bỏ chạy. Đa-vít thấy vậy, hỏi các anh của mình về Gô-li-át thì bị các anh trách mắng. Đa-vít tránh xa các anh, dò hỏi những người I-sơ-ra-ên khác về Gô-li-át.

Có người thuật chuyện Đa-vít dò hỏi về Gô-li-át cho Vua Sau-lơ nghe. Vua sai gọi Đa-vít đến. Đa-vít thưa với Sau-lơ là xin vua chớ ngã lòng về Gô-li-át. Đa-vít sẽ đi ra chiến đấu với Gô-li-át. Sau-lơ nói với Đa-vít rằng, Đa-vít chỉ là một đứa trẻ con, còn Gô-li-át là một chiến sĩ từ khi còn thơ ấu. Đa-vít không có khả năng để chiến đấu với Gô-li-át. Nhưng Đa-vít đáp lời Sau-lơ rằng, khi ông chăn dắt bầy chiên của gia đình thì ông đã từng đánh giết sư tử và gấu đến bắt chiên trong bầy. Đa-vít nói rằng, Gô-li-át cũng sẽ chết dưới tay của Đa-vít như vậy, vì Thiên Chúa Hằng Sống sẽ giải cứu Đa-vít khỏi tay Gô-li-át, như Ngài đã giải cứu ông khỏi sư tử và gấu. Sau-lơ bằng lòng cho Đa-vít ra trận và chúc phước cho Đa-vít.

Sau-lơ sai lấy áo giáp, mão, và gươm của chính mình trang bị cho Đa-vít, nhưng Đa-vít không quen với các khí cụ ấy nên cởi trả cho Sau-lơ. Đa-vít cầm một cây gậy, lựa dưới khe năm cục đá bóng láng, để trong cái túi chăn chiên của mình, và cầm cái trành ném đá trong tay, rồi ra trận đối địch với Gô-li-át.

Gô-li-át nhìn thấy Đa-vít chỉ là một đứa trẻ thì xem thường, chửi mắng Đa-vít, và dọa giết ông. Nhưng Đa-vít dõng dạc nói:

“…Ngươi đến với ta bằng gươm, giáo, và khiên; nhưng ta đến với ngươi trong danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, Thiên Chúa của quân đội I-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ nhục. Ngày nay, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ phó ngươi vào tay ta. Ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi khỏi ngươi. Ngày nay, ta sẽ ban thây của đạo quân Phi-li-tin cho những chim trời và những loài thú của đất. Cả đất sẽ biết rằng, có một Thiên Chúa trong I-sơ-ra-ên. Cả hội chúng này sẽ biết rằng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không giải cứu bằng gươm và giáo. Vì sự chiến trận thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngài sẽ phó các ngươi vào trong tay của chúng ta.” (I Sa-mu-ên 17:45-47).

Gô-li-át tức giận, xông tới, Đa-vít cũng chạy tới, đón đầu Gô-li-át, dùng trành ném đá ném một viên đá lọt thấu trán của Gô-li-át. Gô-li-át ngã sấp mặt xuống đất và chết. Đa-vít xông tới, dùng chính gươm của Gô-li-át để cắt đầu của Gô-li-át. Dân Phi-li-tin thấy vậy thì chạy trốn. Dân I-sơ-ra-ên hò hét, xông lên, truy sát dân Phi-li-tin. Từ đó, Sau-lơ giữ Đa-vít ở lại làm tướng, dẫn quân đi đánh dân Phi-li-tin. Đa-vít luôn chiến thắng và được dân chúng tôn trọng hơn cả Sau-lơ, khiến cho Sau-lơ nổi lòng ganh ghét Đa-vít. Những câu chuyện khác liên quan đến đức tin của Đa-vít được chép lại trong I Sa-mu-ên, II Sa-mu-ên, và I Sử Ký.

Qua câu chuyện trên đây, chúng ta thấy, dù còn là một thiếu niên nhưng Đa-vít biết Chúa, kính sợ Chúa, và có đức tin nơi Ngài. Chúa đã ban thưởng cho Đa-vít cách xứng đáng, và Ngài ban cho Đa-vít chức vua đời đời trên dân I-sơ-ra-ên. Một ngày kia, trong Nước Trời, thân thể xác thịt của Đa-vít sẽ được sống lại và ông sẽ đời đời cai trị trên dân I-sơ-ra-ên.

Là con dân Chúa, chúng ta nên ghi nhớ câu nói này của Đa-vít: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không giải cứu bằng gươm và giáo. Vì sự chiến trận thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Trong thế gian này, sức mạnh lớn nhất là sức mạnh của vũ khí trong tay của quân đội. Nhưng quân lực hùng mạnh nhất trong thế giới hay là toàn thể sức mạnh mọi quân lực trong thế giới cũng không thể giải cứu một người ra khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và hậu quả của tội lỗi.

Chỉ cần chúng ta có đức tin lớn nơi Đức Chúa Trời, chịu thật lòng ăn năn tội lỗi và tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài, thì Ngài sẽ giải cứu chúng ta ra khỏi sức mạnh của bất cứ tội lỗi nào và ra khỏi hậu quả của tất cả tội lỗi của chúng ta. Chỉ cần chúng ta có đức tin lớn nơi Chúa, Ngài sẽ giải cứu chúng ta ra khỏi mọi nghịch cảnh; và thường khi Ngài dùng chính những gì chúng ta sẵn có để làm ra phép lạ giải cứu chúng ta.

Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ học về gương đức tin của một số tiên tri và của vô số những thánh đồ khác của Chúa.

Nguyện mọi lẽ thật của Lời Chúa khiến cho chúng ta được bền vững trong đức tin. Nguyện sự trông cậy của chúng ta hoàn toàn đặt trên lẽ thật của Lời Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/08/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Theo Ngài Luôn”
https://karaokethanhca.net/con-xin-theo-ngai-luon/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.