Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 09:32-43 Ê-nê và Ta-bi-tha

1,251 views

YouTube: https://youtu.be/V7yD-hv8VQQ

44025 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 9:32-43
Ê-nê và Ta-bi-tha

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:32-43

32 Đã xảy ra, khi Phi-e-rơ đi ngang qua khắp các nơi, người cũng đã đi xuống với các thánh đồ cư trú tại thành Li-đa.

33 Tại đó, người đã gặp một người kia, tên là Ê-nê, nằm trên giường đã tám năm, vì đã bị bại liệt.

34 Phi-e-rơ đã nói với người: Hỡi Ê-nê! Đức Chúa Jesus Christ chữa lành ngươi. Hãy trỗi dậy và tự dọn dẹp giường! Tức thì, người trỗi dậy.

35 Hết thảy những người cư trú tại Li-đa và Sa-rôn đã thấy người thì trở về với Chúa.

36 Tại thành Giốp-bê, có một nữ môn đồ kia, tên là Ta-bi-tha, tên ấy được dịch, gọi là Đô-ca. Người này đã đầy dẫy những việc lành và những sự bố thí mà người đã làm.

37 Đã xảy ra, trong các ngày đó, người đã bệnh và chết. Người ta đã tắm rửa người, đặt nằm trong phòng cao.

38 Li-đa đã gần với Giốp-bê. Các môn đồ đã nghe rằng, Phi-e-rơ có tại đó, thì họ đã sai hai người đến với người, gọi người đến với họ, chớ chậm trễ.

39 Phi-e-rơ đã trỗi dậy, đi với họ. Khi người đã đến, họ đã dẫn người vào phòng cao. Hết thảy các đàn bà góa đứng gần người khóc và đưa cho người xem những áo ngoài và những trang phục mà Đô-ca đã làm ra, khi người còn ở với họ.

40 Nhưng Phi-e-rơ đã khiến hết thảy ra ngoài. Ông đã quỳ gối xuống, cầu nguyện. Rồi, xoay lại với xác chết, nói: Hỡi Ta-bi-tha! Hãy trỗi dậy! Người đã mở mắt mình, thấy Phi-e-rơ, người ngồi dậy.

41 Ông đưa tay cho người, đỡ người dậy. Rồi, ông đã gọi các thánh đồ và các đàn bà góa đến, trình ra người đang sống.

42 Đã xảy ra, việc ấy được khắp cả thành Giốp-bê biết; và nhiều người đã tin vào Chúa.

43 Đã xảy ra, ông lưu lại nhiều ngày tại Giốp-bê, với người thợ thuộc da kia, tên là Si-môn.

Sau khi ghi lại sự kiện Sau-lơ đã được con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem đưa về lại sinh quán của ông là Tạt-sơ, Lu-ca ghi lại hai phép lạ Chúa đã làm ra, qua Phi-e-rơ. Phép lạ thứ nhất là sự chữa lành một người bị bại liệt, tại thành Li-đa. Phép lạ thứ nhì là sự gọi một người đã chết sống lại, tại thành Giốp-bê. Thành Li-đa ngày nay gọi là Lod, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 46 km về hướng tây bắc. Thành Giốp-bê ngày nay gọi là Jaffa, cách Li-đa khoảng 19 km về hướng tây bắc, nằm trên bờ phía đông của Địa Trung Hải.

Nguồn [1]: https://bibleatlas.org/full/lydda.htm

32 Đã xảy ra, khi Phi-e-rơ đi ngang qua khắp các nơi, người cũng đã đi xuống với các thánh đồ cư trú tại thành Li-đa.

Đi ngang qua khắp các nơi” hàm ý, đi một lượt qua các khu vực trong xứ Giu-đê. Chúng ta không biết, sau khi Sau-lơ rời Giê-ru-sa-lem để về lại Tạt-sơ thì khi nào Phi-e-rơ mới làm một cuộc hành trình đi thăm các Hội Thánh trong xứ Giu-đê. Trong ngữ pháp tiếng Hy-lạp, mệnh đề “đi ngang qua khắp các nơi” cũng có thể dịch là “đi ngang qua khắp các thánh đồ”. Vì tính từ “khắp” (G3956) có thể dùng chỉ người, vật, nơi chốn, hoặc sự việc. Dù là “khắp các nơi” hay “khắp các thánh đồ” thì ý chính vẫn không thay đổi. Đó là Phi-e-rơ đã đi qua khắp các nơi để thăm khắp các thánh đồ.

Nguồn [2]: https://historicalinterests.files.wordpress.com/

Cách nói “đi xuống” luôn được dùng để chỉ sự rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem, vì thành Giê-ru-sa-lem ở trên núi Si-ôn. Tương tự như vậy là cách nói “đi lên” được dùng để chỉ sự đi tới thành Giê-ru-sa-lem.

Cuộc hành trình đi khắp các nơi của Phi-e-rơ có thể vừa là thăm con dân Chúa ở mỗi địa phương, vừa là giảng Tin Lành. Có lẽ Phi-e-rơ đã từ Giê-ru-sa-lem đi về hướng tây bắc và đã ghé qua nhiều nơi, trước khi đến thành Li-đa. Nhưng sự kiện Phi-e-rơ ghé thành Li-đa đã được ghi lại, vì tại đó, Chúa đã làm phép lạ qua ông.

33 Tại đó, người đã gặp một người kia, tên là Ê-nê, nằm trên giường đã tám năm, vì đã bị bại liệt.

Trong câu 32 ghi rõ, Phi-e-rơ đến thành Li-đa để thăm con dân Chúa cư trú trong thành; nhưng chúng ta không biết, người bị bại liệt tám năm là người đã tin Chúa hay chưa tin Chúa. Tên Ê-nê là một tên trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là: đáng khen, đáng tôn vinh. Vì thế, có thể đây là một người Hê-lê-nít, tức là người I-sơ-ra-ên nói tiếng Hy-lạp.

Chứng bại liệt này là chứng bại liệt nửa người (G3886), tiếng Hán Việt gọi là “bán thân bất toại”, có nghĩa là một nửa người bên trái hoặc bên phải không thể cử động theo ý muốn. Tám năm nằm trên giường vì chứng bại liệt là một nỗi khổ lớn.

Có thể Ê-nê đã nằm trên giường, nơi cổng thành để ăn xin và được nhiều người biết đến.

34 Phi-e-rơ đã nói với người: Hỡi Ê-nê! Đức Chúa Jesus Christ chữa lành ngươi. Hãy trỗi dậy và tự dọn dẹp giường! Tức thì, người trỗi dậy.

Có thể khi Phi-e-rơ đi đến cổng thành, thấy người bại liệt, ông đã dừng lại, trò chuyện và hỏi tên người ấy. Chúng ta cần hiểu rằng, Phi-e-rơ đã hành động theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, như trong trường hợp của người què, ăn xin bên Cửa Đẹp (Công Vụ Các Sứ Đồ 3). Vì chắc chắn là Phi-e-rơ đã gặp rất nhiều người bệnh tật nhưng ông không hề chữa lành hết thảy. Ngay bản thân Đức Chúa Jesus cũng vậy. Người què từ trong lòng mẹ, ăn xin bên Cửa Đẹp đã không được Đức Chúa Jesus chữa lành, trong khi Ngài thường đến Đền Thờ. Nhưng khi thời điểm đến, theo thánh ý của Chúa, thì Phi-e-rơ đã chữa lành cho người ấy.

Phong trào Ân Tứ Ngũ Tuần hay tổ chức các buổi truyền giảng chữa lành là không đúng Thánh Kinh.

Câu Phi-e-rơ nói với Ê-nê: “Hỡi Ê-nê! Đức Chúa Jesus Christ chữa lành ngươi” được dùng trong thời hiện tại, thức khẳng định, để nói lên một sự việc đang xảy ra trước mắt. Không phải Chúa đã chữa, không phải có lẽ Chúa đã chữa, không phải Chúa sẽ chữa, cũng không phải có thể Chúa sẽ chữa; mà là: Đức Chúa Jesus Christ chữa lành ngươi.

Vì thế, việc còn lại là Ê-nê “Hãy trỗi dậy và tự dọn dẹp giường!” Nhưng để có thể trỗi dậy và tự dọn dẹp giường thì Ê-nê phải có đức tin vào Đấng Christ, qua lời nói của Phi-e-rơ.

Ngày nay, nhiều con dân Chúa không có đức tin như Ê-nê. Lời Chúa phán:

Ma-thi-ơ 6:24-34

24 Chẳng ai có thể làm nô lệ của hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc sẽ hiệp với người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể làm nô lệ của Thiên Chúa và của Ma-môn. [Ma-môn là một tên gọi của Thần Tài.]

25 Bởi vậy, Ta phán với các ngươi: Đừng lo lắng về sự sống của các ngươi, các ngươi sẽ ăn gì, các ngươi sẽ uống gì, hoặc là các ngươi sẽ mặc gì cho thân thể của các ngươi. Không phải sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn quần áo sao?

26 Các ngươi hãy nhìn vào những chim trời: Chúng chẳng gieo, cũng chẳng gặt, cũng chẳng thu trữ vào các kho tàng, mà Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, nuôi chúng. Các ngươi chẳng vượt trội hơn chúng sao?

27 Ai trong các ngươi lo lắng mà có khả năng thêm lên được một cu-bít vào vóc dáng mình? [Một cu-bít = 18 inches hoặc 45,72 cm.]

28 Và sao các ngươi lo lắng về quần áo? Các ngươi hãy học những hoa huệ của đồng ruộng. Nó mọc lên thế nào; nó chẳng lao động, cũng không kéo chỉ;

29 nhưng Ta phán với các ngươi, ngay cả Sa-lô-môn trong mọi sự vinh quang của mình, cũng không được mặc giống như một trong chúng nó.

30 Hỡi những kẻ ít đức tin! Nếu loài cỏ của đồng ruộng là giống nay còn sống, mai bị bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời mặc cho như vậy thì Ngài mặc cho các ngươi không hơn thế sao?

31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc chúng ta sẽ uống gì? Hoặc chúng ta sẽ mặc gì?

32 Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, đã biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.

33 Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.

34 Vậy, các ngươi chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo việc thuộc về nó. Ngày hôm nay có đủ sự khó nhọc của nó.

Và:

Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 5:7).

Động từ “chăm sóc” cũng được dùng với thời hiện tại, thức khẳng định, để nói rằng, Đức Chúa Trời chăm sóc con dân của Ngài trong từng khoảnh khắc. Ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này, ngày ấy chúng ta vẫn có những điều lo lắng. Nhưng khác với người thế gian, chúng ta có thể dâng trình mọi điều lo lắng của mình lên Chúa. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Ngài yêu chúng ta hơn chính mạng sống của Ngài. Còn gì bằng khi mọi điều lo lắng của chúng ta được giải quyết bởi Thiên Chúa Toàn Năng, vì Ngài là Đấng chăm sóc chúng ta? Ngài không chăm sóc chúng ta một ngày, một bữa, mà Ngài chăm sóc chúng ta trọn đời:

Cho đến chừng các ngươi già cả, tóc bạc, Ta là Đấng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra và Ta sẽ gánh vác. Ta sẽ bồng ẵm và sẽ giải cứu các ngươi.” (Ê-sai 46:4).

Nhưng có nhiều con dân Chúa không có đức tin vào Lời Chúa nên cứ tự mình lo toan như những người không có Chúa. Cuộc sống của những người ấy thật là khốn khổ, vì không dám phạm pháp để kiếm tiền như những người khác; mà cũng không được Chúa ban phước, vì cứ lo lắng, không có đức tin. Lại có người bắt chước người không tin Chúa phạm pháp để kiếm tiền thì cuộc sống càng khốn khổ hơn, vì ma quỷ nhảy vào đánh phá và hành hạ người ấy ngay.

Nhân dịp này, chúng tôi xin nói lên lời chứng sau đây để một lần nữa cảm tạ Chúa và tôn vinh Chúa, vì Ngài đã quan phòng gia đình chúng tôi; cũng để khích lệ con dân Chúa hãy hết lòng vững tin nơi Chúa và Lời Hằng Sống của Ngài.

Từ khi quay về với Chúa (02/2001), cứ mỗi lần chúng tôi được Chúa cảm động di chuyển từ tiểu bang này đến tiểu bang khác, chúng tôi đều không có tiền để chi trả cho chi phí di chuyển. Vì từ khi theo Chúa, chúng tôi thuộc hạng tay làm hàm nhai; việc mưu sinh chỉ cần đủ sống mỗi ngày để có thời gian làm mục vụ. Nhưng cứ mỗi khi chúng tôi chuẩn bị lên đường thì Chúa lại sai người tiếp trợ chúng tôi về chi phí. Cả ba lần chúng tôi di chuyển xuyên bang vì mục vụ, một lần đi truyền giáo tại Đức, lần nào cũng vậy, Chúa đều chu cấp đầy đủ chi phí cho chúng tôi. Phép lạ lớn nhất về sự tiếp trợ của Chúa cho gia đình chúng tôi là lần di chuyển thứ tư của chúng tôi. Dù không di chuyển xuyên bang nhưng đây là lần di chuyển kèm theo việc chúng tôi sẽ ngưng việc làm ăn kiếm sống để dành thời gian cho mục vụ. Tiền không có trong tay, vì chúng tôi làm ngày nào đủ sống ngày ấy. Nhưng khi thời điểm tới, Chúa đã dùng một con dân Chúa tiếp trợ tiền cho chúng tôi di chuyển và trang trải các chi phí trong buổi đầu, nơi thành phố mới. Sau đó, Chúa tiếp tục dùng chính người ấy tiếp trợ cho chúng tôi có đủ chi phí về chỗ ở trong khoảng sáu năm, là thời điểm các con chúng tôi sẽ tốt nghiệp đại học. Đồng thời, Chúa dùng con dân Chúa khắp nơi tiếp trợ chúng tôi mỗi tháng cho nhu cầu cuộc sống. Đó cũng là lúc mà chúng tôi bắt đầu nhận tiền tiếp trợ từ con dân Chúa. Tiền tiếp trợ hàng tháng từ con dân Chúa không đủ thì Chúa lại ban ơn cho hai con của tôi có được học bổng mà số tiền học bổng sau khi đóng học phí lại dư ra để dùng vào các nhu cầu khác trong cuộc sống của gia đình. Chúa cũng dùng em gái của tôi và các chị em của nhà tôi để tiếp trợ chúng tôi, mặc dù các chị em của nhà tôi là các người không tin Chúa. Đã sáu năm trôi qua, dù chúng tôi không đi làm kiếm sống nhưng nhu cầu vật chất của cuộc sống gia đình chúng tôi vẫn luôn đầy đủ. Ngày nay, hai con chúng tôi đã học xong đại học và bắt đầu có việc làm. Cảm tạ Chúa đã nuôi sống chúng tôi bằng sự thành tín của Ngài. Chúng tôi không hề băn khoăn, lo lắng về tiền bạc mà chỉ chuyên tâm cho mục vụ. Và dĩ nhiên, cuộc sống của chúng tôi là đạm bạc, có ăn có mặc thì thỏa lòng. Nhân cơ hội này, chúng tôi cũng xin gửi đến quý con dân Chúa đã dâng hiến lên Chúa để tiếp trợ cho gia đình chúng tôi trong bao năm qua lòng yêu thương và biết ơn của chúng tôi. Nhiều khi nhìn thấy có con dân Chúa ở Việt Nam tuy nghèo nhưng dâng hiến 100.000 đồng, tương đương chưa tới năm đô-la Mỹ, chúng tôi vừa ấm lòng mà cũng vừa xót xa; vì biết số tiền đó tương đương với công sức và những giọt mồ hôi đổ ra trong một ngày lao động, hoặc buôn thúng bán bưng của người nghèo ở Việt Nam. Nguyện Chúa ban thưởng cách xứng đáng cho quý ông bà anh chị em.

35 Hết thảy những người cư trú tại Li-đa và Sa-rôn đã thấy người thì trở về với Chúa.

Sa-rôn là quận hạt bao gồm thành phố Li-đa. Những cư dân của thành phố Li-đa và những người thuộc các vùng lân cận, có việc đi đến Li-đa, trong ngày hôm đó, nhìn thấy Ê-nê, người bị bại liệt đã tám năm, được chữa lành bởi Đức Chúa Jesus Christ, qua lời công bố của Phi-e-rơ, thì đều tin nhận Ngài.

Trở về với Chúa” là đáp lại lời kêu gọi của Ngài: ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, và sống theo Lời Ngài, như đã chép trong Thánh Kinh. Ngày nay, nhiều người thay vì “trở về với Chúa” thì lại “đến với các giáo hội mang danh Chúa”, sống theo những sự giảng dạy sai nghịch Lời Chúa của các giáo hội.

36 Tại thành Giốp-bê, có một nữ môn đồ kia, tên là Ta-bi-tha, tên ấy được dịch, gọi là Đô-ca. Người này đã đầy dẫy những việc lành và những sự bố thí mà người đã làm.

37 Đã xảy ra, trong các ngày đó, người đã bệnh và chết. Người ta đã tắm rửa người, đặt nằm trong phòng cao.

Sau khi Ê-nê được chữa lành, nhiều người tin Chúa, Phi-e-rơ đã ở lại thành Li-đa để giảng dạy Lời Chúa cho những người mới tin Chúa. Trong khoảng thời gian ấy, tại thành Giốp-bê, cách đó chừng 19 km, có một nữ môn đồ của Chúa bị bệnh và qua đời. Người chị em ấy tên là Ta-bi-tha trong tiếng Canh-đê, có nghĩa là linh dương cái. Dịch sang tiếng Hy-lạp là Đô-ca, có nghĩa là linh dương (không phân biệt đực hay cái), vì thế, đàn ông hay đàn bà cũng đều có thể dùng tên Đô-ca.

Đầy dẫy những việc lành và những sự bố thí” là thường xuyên làm những việc lành, tức là chuyên tâm sống theo Lời Chúa, và thường xuyên cứu giúp những người nghèo cần được cứu giúp về các nhu cầu căn bản, như: thức ăn, quần áo, chỗ trọ, thuốc men. Đây chính là đức tính của con dân Chúa, đức tính thể hiện tình yêu thật trong mỗi con dân Chúa: yêu người khác như chính mình và yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình.

Trong các ngày đó” là trong các ngày mà Phi-e-rơ lưu lại thành Li-đa.

Tương tự như trường hợp của La-xa-rơ, anh của Ma-ri và Ma-thê, Thánh Kinh không nói rõ Ta-bi-tha đã bị bệnh gì mà chết. Xác chết của Ta-bi-tha đã được tắm rửa nhưng chưa quấn vải liệm, và được đặt nằm trong căn phòng cao của tòa nhà. Chúng ta không biết khoảng thời gian từ khi Ta-bi-tha chết cho tới khi được Chúa dùng Phi-e-rơ gọi bà sống lại là bao lâu. Nhưng ít nhất cũng không dưới tám tiếng đồng hồ. Vì chặng đường từ Giốp-bê đến Li-đa, đi về mất khoảng tám tiếng đồng hồ.

38 Li-đa đã gần với Giốp-bê. Các môn đồ đã nghe rằng, Phi-e-rơ có tại đó, thì họ đã sai hai người đến với người, gọi người đến với họ, chớ chậm trễ.

39 Phi-e-rơ đã trỗi dậy, đi với họ. Khi người đã đến, họ đã dẫn người vào phòng cao. Hết thảy các đàn bà góa đứng gần người khóc và đưa cho người xem những áo ngoài và những trang phục mà Đô-ca đã làm ra, khi người còn ở với họ.

Sự kiện Phi-e-rơ chữa lành Ê-nê, sự kiện nhiều cư dân thành Li-đa và nhiều người thuộc các vùng lân cận Li-đa tin nhận Chúa, và sự kiện Phi-e-rơ đang lưu lại Li-đa đã nhanh chóng truyền đến thành Giốp-bê. Vì thế, khi Ta-bi-tha qua đời, con dân Chúa tại Giốp-bê đã cử ngay hai người đến Li-đa để mời Phi-e-rơ lập tức đến Giốp-bê.

Con dân Chúa tại Giốp-bê đã theo thói tục, lập tức tắm rửa thân thể của Ta-bi-tha, ngay sau khi bà qua đời. Đây là một thói tục tốt, vì chúng ta hiểu rằng, khi một người qua đời thì các cơ bắp không còn co bóp, khiến cho phân và nước tiểu sẽ tự nhiên thải ra ngoài. Việc tắm rửa vừa giúp giữ vệ sinh cho người sống, vừa giúp giữ gìn nhân phẩm của người chết. Dù đã tắm rửa và đặt thân thể của Ta-bi-tha nơi phòng cao, nhưng con dân Chúa tại Giốp-bê đã có hi vọng rằng, Phi-e-rơ có thể bởi quyền năng từ Chúa mà khiến bà sống lại. Vì thế, họ khẩn cấp cho người đi mời Phi-e-rơ.

Khi Phi-e-rơ đến nơi, ông đã được con dân Chúa đưa vào phòng cao. Phòng cao là tầng nhà trên cùng của căn nhà, thường là căn phòng rộng nhất trong nhà, như kiểu phòng khách của chúng ta ngày nay. Tại đó có đủ chỗ cho đông người nhóm hiệp.

Hết thảy các đàn bà góa” bao gồm người tin Chúa lẫn người không tin Chúa. Họ là những người chồng chết nhưng không có con, và đã lớn tuổi, lại nghèo, từng được Ta-bi-tha cứu giúp. Nghe tin Ta-bi-tha qua đời, họ đã đến thăm và than khóc. Trên người họ vẫn còn quần áo mà Ta-bi-tha đã may tặng cho họ.

40 Nhưng Phi-e-rơ đã khiến hết thảy ra ngoài. Ông đã quỳ gối xuống, cầu nguyện. Rồi, xoay lại với xác chết, nói: Hỡi Ta-bi-tha! Hãy trỗi dậy! Người đã mở mắt mình, thấy Phi-e-rơ, người ngồi dậy.

41 Ông đưa tay cho người, đỡ người dậy. Rồi, ông đã gọi các thánh đồ và các đàn bà góa đến, trình ra người đang sống.

Phi-e-rơ đã yêu cầu tất cả mọi người ra khỏi phòng cao. Ông đã quỳ gối xuống, cầu nguyện với Chúa. Có lẽ Phi-e-rơ đã nài xin Chúa ban sự thương xót của Ngài trên con dân Chúa và trên những cư dân của thành Li-đa mà cho Ta-bi-tha được sống lại. Sự Ta-bi-tha được sống lại là ích lợi cho những người còn sống chứ không ích lợi cho bà. Vì khi bà qua đời thì bà được vào trong thiên đàng, ở bên cạnh Chúa, là điều tốt lành hơn là tiếp tục sống trong thân thể xác thịt thuộc về thế gian này.

Chúng ta có thể hình tưởng ra cảnh Chúa hỏi Ta-bi-tha rằng, bà có muốn quay về thân thể xác thịt trên đất, sống trong nó thêm một thời gian nữa, vì ích lợi của người khác hay không. Và, với tấm lòng nhân ái giống Chúa, Ta-bi-tha đã bằng lòng cho Chúa khiến mình được sống lại và sống thêm một thời gian nữa trên đất.

La-xa-rơ qua đời và được Chúa gọi sống lại, trước khi Chúa hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, nên linh hồn của La-xa-rơ đã vào trong nơi phước hạnh trong âm phủ. Nhưng Ta-bi-tha đã qua đời sau khi Chúa đã hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, và đã thăng thiên, vào trong thiên đàng, đã đem linh hồn các thánh đồ trong âm phủ vào trong thiên đàng với Ngài. Nên linh hồn của Ta-bi-tha sau khi chết đã vào trong thiên đàng. Ta-bi-tha đã được nhìn thấy, cảm nhận sự vinh quang, vĩ đại và hạnh phúc trong thiên đàng. Nhưng sau khi bà sống lại, có lẽ đã không được phép thuật lại cho người khác biết; và cũng không có đủ lời lẽ mà thuật lại. Đó cũng là kinh nghiệm của Sứ Đồ Phao-lô, sau khi ông đang sống mà được Chúa đưa vào thiên đàng:

Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba. Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết; đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]” (II Cô-rinh-tô 12:2-4).

Danh từ “xác chết” (G4983) là một danh từ được dùng để chỉ thân thể xác thịt của cả loài người lẫn loài thú, hoặc sống, hoặc chết; ngoài ra, còn được dùng để chỉ hình thể của những thiên thể, tức là những hành tinh và những ngôi sao. Theo văn mạch của phân đoạn này thì dịch là “xác chết” sẽ hợp lý. Vì Thánh Kinh xác nhận Ta-bi-tha thật sự đã chết.

Sau khi cầu nguyện và được sự ấn chứng từ Chúa, Phi-e-rơ đã xoay lại, đối diện với xác chết của Ta-bi-tha và nói: Hỡi Ta-bi-tha! Hãy trỗi dậy!

Xác chết là một vật thể vô tri, vô giác. Phi-e-rơ đối diện với xác chết của Ta-bi-tha để nhìn xem sự kiện sẽ xảy ra, nhưng ông không nói với xác chết, mà nói với linh hồn của Ta-bi-tha. Chúng tôi nghĩ rằng, lúc ấy, linh hồn của Ta-bi-tha vẫn còn đang ở trong thiên đàng. Ngay sau lời kêu gọi của Phi-e-rơ thì linh hồn lập tức từ thiên đàng nhập trở lại vào trong xác chết trên đất. Sự di chuyển và biến đổi trong thế giới thuộc linh không bị giới hạn bởi các định luật vật lý của thế giới thuộc thể.

Sau khi linh hồn và tâm thần của Ta-bi-tha nhập vào trong thân thể xác thịt, thì thân thể xác thịt của bà được sống lại. Ta-bi-tha mở mắt ra, nhìn thấy Phi-e-rơ, và ngồi dậy. Phi-e-rơ đã đưa tay ra đỡ, giúp cho bà ngồi dậy. Rồi, ông đã kêu gọi mọi người vào lại trong phòng, trình ra trước họ một Ta-bi-tha đã sống lại. Không cần phải nói gì thêm, chúng ta biết là các môn đồ của Chúa và các người đàn bà góa từng chịu ơn của Ta-bi-tha đã kinh ngạc và vui mừng biết bao.

42 Đã xảy ra, việc ấy được khắp cả thành Giốp-bê biết; và nhiều người đã tin vào Chúa.

Dĩ nhiên, phép lạ lớn lao này đã được lan truyền ra khắp thành Giốp-bê, rồi từ đó, lan truyền ra các vùng phụ cận. Gần hai ngàn năm sau, nó còn được lan truyền ra khắp thế gian, qua Thánh Kinh. Phép lạ Ê-nê được chữa lành chứng bại liệt kéo dài tám năm đã khiến cho có nhiều người tin Chúa. Phép lạ Ta-bi-tha được sống lại từ trong sự chết chắc chắn sẽ khiến cho có nhiều người tin Chúa hơn.

43 Đã xảy ra, ông lưu lại nhiều ngày tại Giốp-bê, với người thợ thuộc da kia, tên là Si-môn.

Sau đó, Phi-e-rơ đã lưu lại Giốp-bê nhiều ngày để giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa, nhất là cho những người mới tin Chúa. Phi-e-rơ đã tạm trú trong nhà của một người thợ thuộc da trùng tên với ông, là tên Si-môn. Tên Phi-e-rơ là tên trong tiếng Hy-lạp, còn tên Si-môn là tên trong tiếng Hê-bơ-rơ, với nghĩa là hòn đá, viên đá. Trong Ma-thi-ơ 16:17-18, Đức Chúa Jesus đã cùng lúc dùng hai tên Si-môn và Phi-e-rơ để gọi Phi-e-rơ.

Si-môn thợ thuộc da mỗi ngày làm công việc biến những tấm da chết thành vật hữu dụng. Si-môn sứ đồ của Chúa mỗi ngày làm công việc thánh hóa những thân thể xác thịt từng bị ô uế vì tội lỗi bằng lời của Chúa.

Chúng ta có thể tin rằng, khi Đức Thánh Linh tác động trong lòng của Phi-e-rơ để ông làm cuộc hành trình từ Giê-ru-sa-lem đến Giốp-bê, Phi-e-rơ đã không biết là Chúa sẽ dùng ông để làm ra hai phép lạ lớn. Rồi sau đó, Chúa dùng ông để tiếp nhận gia đình sĩ quan Cọt-nây, một gia đình thuộc dân ngoại, vào Hội Thánh. Phi-e-rơ chỉ vâng theo sự tác động của Đức Thánh Linh, đi và hành động. Là con dân Chúa, chúng ta chỉ cần hoàn toàn tin cậy Chúa, hết lòng vâng phục Chúa, và hết sức làm theo Lời Chúa. Mọi sự còn lại nằm trong tay toàn năng của Chúa. Chúng ta không cần băn khoăn, lo lắng, hoặc sợ hãi. Vì chúng ta đã biết chắc, Chúa chỉ cho phép những điều ích lợi xảy đến với chúng ta, cho dù ngay cả khi Chúa hình phạt chúng ta.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/09/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/09/LidaGiopbeGierusalem.png

[2] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/09/XuGiude.png

Karaoke Thánh Ca: “Cuộc Đời Tôi Khi Theo Bước Chân Jesus”
https://karaokethanhca.net/cuoc-doi-toi-khi-theo-buoc-chan-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.