Chú Giải Hê-bơ-rơ 06:09-20 Sự Thành Tín của Đức Chúa Trời

2,823 views

Chú Giải Hê-bơ-rơ 6:9-20
Sự Thành Tín của Đức Chúa Trời
Gương Sáng của Áp-ra-ham

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzg2MTY4MzJf/58013_SuThanhTinCuaDucChuaTroi_Heboro_06_09-20.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58013-suthanhtincuaducchuatroi-heboro-06-09-20
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/892dffa4ci29ssq/58013_SuThanhTinCuaDucChuaTroi_06_09-20.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hê-bơ-rơ 6:9-20

9 Nhưng hỡi những người yêu dấu! Dù chúng tôi nói như vậy, chúng tôi đã được thuyết phục về những sự tốt hơn thuộc về các anh chị em, những sự có sự cứu rỗi.

10 Vì không phải Đức Chúa Trời là không công bình, đã quên đi công việc của các anh chị em và sự lao nhọc của tình yêu mà các anh chị em đã tỏ ra vì danh Ngài. Các anh chị em đã hầu việc các thánh đồ và vẫn còn hầu việc.

11 Nhưng chúng tôi khao khát rằng, mỗi người trong các anh chị em tỏ lòng sốt sắng như vậy về sự đầy dẫy sự chắc chắn của lòng trông cậy cho đến cuối cùng;

12 để các anh chị em không trở nên lười biếng, nhưng là những người bắt chước những người bởi đức tin và lòng nhẫn nại mà họ nhận được những lời hứa.

13 Khi Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham, vì không có Đấng vĩ đại hơn Ngài để thề, Ngài đã thề bởi chính Ngài;

14 phán rằng: Chắc chắn, ban phước, Ta sẽ ban phước cho ngươi; và thêm lên, Ta sẽ thêm lên cho ngươi. [Sáng Thế Ký 22:16-17]

15 Và đã kiên trì đợi chờ như vậy, người nhận được lời hứa.

16 Vì nhiều người thường bởi một Đấng vĩ đại mà thề. Đối với họ, mỗi sự thuộc về sự tranh cãi thì sự khẳng định trong lời thề là sự kết thúc.

17 Trong sự ấy, Đức Chúa Trời muốn càng tỏ ra cho những người thừa tự lời hứa sự không thay đổi ý muốn của Ngài, Ngài đã khẳng định bởi lời thề.

18 Bởi hai sự kiện không thể thay đổi, trong chúng Thiên Chúa không thể nói dối, mà chúng ta, những người tìm nơi trú ẩn, có sự an ủi vững chắc, nắm giữ sự trông cậy được đặt trước chúng ta.

19 Điều ấy chúng ta nắm giữ như cái neo của linh hồn, chẳng những chắc chắn mà còn vững vàng, đi vào bên trong tấm màn,

20 nơi mà Đấng đi trước cho chúng ta, Đức Chúa Jesus, đã trở nên thầy tế lễ thượng phẩm vĩnh cửu, theo ban Mên-chi-xê-đéc.

Thành tín có nghĩa là chân thật, đáng tin cậy. Đức Chúa Trời thành tín với chính Ngài và bởi đó, Ngài thành tín với muôn loài thọ tạo. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời muốn, Đức Chúa Trời định, và Đức Chúa Trời hứa thì Ngài sẽ làm thành. Từ trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã có chương trình cứu rỗi loài người, vì Ngài biết trước loài người sẽ phạm tội khi được Ngài ban cho quyền tự do lựa chọn. Đó là sự thương xót lớn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.

Sự cứu rỗi loài người ra khỏi tội lỗi là ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài đã định sẵn sự ấy sẽ được hoàn thành bằng cách Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, theo dòng dõi người nữ, trong dân tộc I-sơ-ra-ên, làm Đấng Cứu Rỗi để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho toàn thể loài người. Đấng Cứu Rỗi ấy chính là Đức Chúa Jesus. Ngài được sinh ra bởi Đức Chúa Trời theo dòng dõi người nữ có nghĩa là thân thể xác thịt của Ngài được Đức Chúa Trời tạo thành trong lòng một trinh nữ. Ngài được sinh ra trong dân tộc I-sơ-ra-ên, vì dân tộc I-sơ-ra-ên là dân tộc ra từ một người có đức tin đơn sơ và vững chắc vào trong Đức Chúa Trời. Người ấy là Áp-ra-ham.

Theo Thánh Kinh, vào thời của Nô-ê, khi sự gian ác của loài người gia tăng quá nhiều thì Đức Chúa Trời đã hủy diệt loài người bằng cơn Lụt Lớn, ngoại trừ gia đình tám người của Nô-ê, bao gồm vợ chồng của ông, ba người con trai và ba người con dâu. Nô ê là con cháu đời thứ mười của A-đam và Ê-va. Ông được Thánh Kinh gọi là người công bình. Theo Thánh Kinh, toàn thể loài người trên thế gian ngày nay là ra từ ba người con trai của Nô-ê là Sem, Cham, và Gia-phết (Sáng Thế Ký 9:19). Sem là con trai út trong ba con trai của Nô-ê, từ ông ra các dân tộc Á Châu. Cham là con trai thứ, phạm tội không tôn kính cha, bị Nô-ê rủa sả, từ ông ra các dân tộc Phi Châu. Gia-phết là con trai trưởng, từ ông ra các dân tộc Âu Châu.

Áp-ra-ham là con cháu đời thứ 10 của Sem. Cháu nội của Áp-ra-ham là Gia-cốp, con cháu đời thứ 12 của Sem và là tổ phụ của 12 chi phái I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên được gọi là tuyển dân của Đức Chúa Trời, vì họ được Ngài kêu gọi và lựa chọn giữa các dân tộc để qua họ, Ngài thi hành chương trình cứu rỗi nhân loại.

Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về sự thành tín của Đức Chúa Trời và gương đức tin của Áp-ra-ham qua Hê-bơ-rơ 6:9-20.

9 Nhưng hỡi những người yêu dấu! Dù chúng tôi nói như vậy, chúng tôi đã được thuyết phục về những sự tốt hơn thuộc về các anh chị em, những sự có sự cứu rỗi.

Sau những lời cảnh báo và quở trách nghiêm khắc từ 5:11 đến 6:8, Phao-lô chuyển sang giọng mềm mại, khích lệ. “Những người yêu dấu” là những người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành mà Phao-lô đang viết cho họ. Họ vừa là những người thân thuộc thể, vì cùng một dân tộc I-sơ-ra-ên với Phao-lô (Rô-ma 9:3), vừa là những người thân thuộc linh của ông, vì là anh chị em cùng một Cha ở trên trời bởi có cùng một đức tin với ông.

Chúng ta không hiểu vì sao Phao-lô dùng đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều để xưng hô, có lẽ ông dùng đại danh từ “chúng tôi” để chỉ ông và người đang giúp ông ghi chép thư Hê-bơ-rơ. Vì thư Hê-bơ-rơ có thể được viết vào năm 61 trong khi Phao-lô đang bị tù lần thứ nhất tại thành Rô-ma, có Lu-ca ở cùng, nên người giúp Phao-lô ghi chép thư Hê-bơ-rơ có lẽ là Lu-ca.

Nói như vậy” tức là nói như đã nói trong các câu từ 5:11 đến 6:8. Dù Phao-lô đã đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc về hậu quả nghiêm trọng của sự thiếu hiểu biết Lời Chúa và sự bội Đạo nhưng ông đã được thuyết phục rằng, những người mà ông đang viết thư cho họ là những người đã có những sự tốt hơn. Đó là những sự khiến cho một người được cứu rỗi. Động từ “được thuyết phục” có nghĩa là được làm cho tin chắc một điều gì bằng sự lý luận. Sự lý luận trong trường hợp này có thể đến từ chính Phao-lô khi ông xem xét những gì ông nhận biết về nếp sống của họ.

10 Vì không phải Đức Chúa Trời là không công bình, đã quên đi công việc của các anh chị em và sự lao nhọc của tình yêu mà các anh chị em đã tỏ ra vì danh Ngài. Các anh chị em đã hầu việc các thánh đồ và vẫn còn hầu việc.

Phao-lô có ý nhấn mạnh để những người nhận thư của ông hiểu rằng, dù họ có phần nào sa sút trong sự suy ngẫm Lời Chúa nhưng họ vẫn sống trong đức tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nên họ vẫn đang ở trong sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời không vì cớ họ sa sút trong sự suy ngẫm Lời Chúa mà bỏ qua lòng sốt sắng sống theo đức tin của họ. Phao-lô xác nhận họ đã và đang sốt sắng phụng sự Chúa, làm tôn vinh danh Chúa, qua sự phục vụ lẫn nhau, thể hiện họ yêu nhau bằng tình yêu của Chúa. Danh từ “thánh đồ” được dùng để gọi chung con dân Chúa. Tuy nhiên, như chúng ta đã hiểu khi học về Hê-bơ-rơ 5:11-14, nếu một người cứ tiếp tục sa-sút trong sự hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa thì người ấy có thể sa ngã trong đức tin và bị trật phần ân điển. Và nếu một người sau khi đã tin nhận Tin Lành mà lại chối bỏ đức tin, quay về sống trong tội thì người ấy sẽ không còn cơ hội để ăn năn và được cứu trở lại, như đã khẳng định trong Hê-bơ-rơ 6:1-8. Vì thế mà Phao-lô nói tiếp trong câu 11:

11 Nhưng chúng tôi khao khát rằng, mỗi người trong các anh chị em tỏ lòng sốt sắng như vậy về sự đầy dẫy sự chắc chắn của lòng trông cậy cho đến cuối cùng;

Hiện tại, trong lúc Phao-lô viết thư Hê-bơ-rơ, hoặc đọc cho Lu-ca viết, thì ông được thỏa lòng về sự họ phụng sự Chúa và phục vụ lẫn nhau. Nhưng Phao-lô không yên tâm về sự họ không sốt sắng suy ngẫm Lời Chúa để ngày càng hiểu biết Lời Chúa sâu nhiệm càng hơn. Vì con dân Chúa có hiểu biết Lời Chúa sâu nhiệm càng hơn thì mới có thể vận dụng Lời Chúa để luôn đắc thắng trong mọi trận chiến thuộc linh.

Chúng ta hãy tưởng tượng và so sánh hoàn cảnh của một người chỉ ăn cơm với rau muống chấm nước tương để sống qua ngày với hoàn cảnh của một người ăn cơm với đầy đủ các thức ăn bổ dưỡng. Người nào sẽ có thân thể tốt đẹp với sức làm việc khỏe hơn, bền hơn, và có tính miễn nhiễm cao đối với bệnh tật?

Động từ “khao khát” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là ham thích, tìm kiếm, và theo đuổi một điều gì. Phao-lô khao khát rằng, những người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành sốt sắng trong sự chắc chắn của lòng trông cậy nơi Chúa, cho đến cuối cùng.

Lòng trông cậy đó là lòng trông cậy vào ân điển của Đức Chúa Trời, là sự bởi đức tin mà được Đức Chúa Trời tha thứ tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể, ban cho thánh linh của Thiên Chúa để sống thánh khiết theo Lời Chúa trong nếp sống mới, mà bước vào trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.

Lòng trông cậy đó phải luôn có đầy dẫy sự chắc chắn bởi sự sốt sắng của người trông cậy. Chỉ khi chúng ta sốt sắng đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa mỗi ngày thì chúng ta mới hiểu rõ và hiểu một cách sâu nhiệm Lời Chúa. Nhờ đó, đức tin của chúng ta vững vàng càng hơn bởi sự thông hiểu chắc chắn về Chúa, về chương trình và ý định của Ngài dành cho chúng ta, và về sự thành tín của Ngài.

Danh từ “lòng sốt sắng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: Nhanh chóng, siêng năng, và hết lòng. Những người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành vẫn nhanh chóng, siêng năng, và hết lòng trong sự phụng sự Chúa và yêu thương, giúp đỡ, phục vụ lẫn nhau. Nhưng họ không sốt sắng trong sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Phao-lô khao khát rằng, mỗi người cũng sốt sắng trong sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa và giữ lòng sốt sắng ấy cho đến cuối cùng, tức là cho đến khi họ ra khỏi cuộc đời này, vào trong thiên đàng với Đấng Christ. Đây cũng chính là điều mà Chúa muốn cho mỗi con dân Chúa.

Những người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành thời Phao-lô dù thiếu sót trong sự nuôi dưỡng đời sống thuộc linh bằng sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa, nhưng họ thật có đức tin. Nếp sống của họ thể hiện đức tin của họ qua sự họ sốt sắng phụng sự Chúa và yêu thương, phục vụ lẫn nhau. Ngày nay, có nhiều người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ, xưng nhận mình là con dân của Chúa, nhưng vừa không sốt sắng đọc và suy ngẫm Lời Chúa, lại vừa không phụng sự Chúa, không yêu thương lẫn nhau, không phục vụ lẫn nhau. Họ dửng dưng trước các mục vụ của Hội Thánh. Họ dửng dưng trước những nan đề và nhu cầu của các anh chị em trong Hội Thánh.

12 để các anh chị em không trở nên lười biếng, nhưng là những người bắt chước những người bởi đức tin và lòng nhẫn nại mà họ nhận được những lời hứa.

Sự lười biếng về việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa có thể là do quá bận rộn với công ăn, việc làm, do say mê những thú vui của đời này, mà cũng có thể là do quá bận rộn với các mục vụ. Bận rộn phụng sự Chúa, phục vụ lẫn nhau là điều tốt, đáng khích lệ. Nhưng nếu một người bận rộn về mục vụ đến nỗi không sốt sắng đọc và suy ngẫm Lời Chúa thì người ấy tự đặt mình vào trong sự nguy hiểm của sự thiếu hiểu biết Lời Chúa.

Vì sự thiếu hiểu biết Lời Chúa mà chúng ta có thể phạm tội, có thể sập bẫy của ma quỷ, có thể làm tổn thương anh chị em trong Hội Thánh khi chúng ta nhận định và đánh giá họ theo suy nghĩ của xác thịt thay vì theo lẽ thật của Lời Chúa. Vì sự thiếu hiểu biết Lời Chúa mà chúng ta có thể áp đặt mọi người theo tiêu chuẩn riêng của mình thay vì theo tiêu chuẩn của Lời Chúa. Vì sự thiếu hiểu biết Lời Chúa mà chúng ta có thể làm gương xấu cho những người chung quanh chúng ta, từ những người trong Hội Thánh đến những người ngoài Hội Thánh, qua lời nói, việc làm không đúng Lời Chúa của chúng ta.

Chúng ta nên noi gương của những thánh đồ có lòng tin kính Chúa, như đã được ghi rõ trong Thánh Kinh, mà Hê-bơ-rơ đoạn 11 là một bài tổng hợp về các gương đức tin. Chúng ta có đức tin vào Thiên Chúa nhưng chúng ta cũng phải có lòng nhẫn nại, chờ đợi Chúa làm thành mọi lời hứa của Ngài. Chúng ta có lòng nhẫn nại nhờ chúng ta có sự hiểu biết về Chúa, về chương trình và ý định của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta có sự hiểu biết ấy là nhờ chúng ta siêng năng đọc và suy ngẫm Lời Chúa.

13 Khi Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham, vì không có Đấng vĩ đại hơn Ngài để thề, Ngài đã thề bởi chính Ngài;

14 phán rằng: Chắc chắn, ban phước, Ta sẽ ban phước cho ngươi; và thêm lên, Ta sẽ thêm lên cho ngươi. [Sáng Thế Ký 22:16-17]

Lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham có liên quan đến chương trình cứu rỗi loài người. Lời hứa ấy bắt đầu từ sự Đức Chúa Trời lựa chọn Áp-ra-ham làm tổ phụ của một dân tộc mà qua dân tộc ấy, Thiên Chúa Ngôi Lời sẽ nhập thế làm người. Lời hứa ấy được Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham sau khi ông đã thể hiện đức tin tuyệt đối của ông nơi Chúa; sẵn sàng hy sinh đứa con trai Đức Chúa Trời đã ban cho ông trong lúc tuổi già, làm sinh tế dâng lên Đức Chúa Trời. Câu chuyện Đức Chúa Trời thử thách đức tin Áp-ra-ham được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 22. Lời hứa của Đức Chúa Trời được ghi lại như sau:

Sáng Thế Ký 22:16-18

16 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng:

17 Chắc chắn, ban phước, Ta sẽ ban phước cho ngươi, và thêm lên, Ta sẽ thêm lên dòng dõi của ngươi nhiều như những sao trời và như cát trên bờ biển. Dòng dõi của ngươi sẽ chiếm được cửa thành của những kẻ thù.

18 Bởi vì ngươi đã vâng theo tiếng của Ta, trong dòng dõi của ngươi, các dân tộc trên đất đều sẽ được phước.

Lịch sử đã ghi lại sự kiện dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời làm cho lớn mạnh thế nào. Khi họ phạm tội thì Ngài đã nghiêm khắc sửa trị họ như thế nào. Và khi thời điểm đến, thì Ngài đã phục hồi họ như thế nào.

Chúng ta đang sống vào những ngày cuối cùng của lịch sử tự trị của nhân loại. Chúng ta chứng kiến sự Đức Chúa Trời phục hồi dân tộc I-sơ-ra-ên thành một quốc gia, sau hơn 2.500 năm họ sống đời vong quốc. Chúng ta chứng kiến mọi dân tộc trên đất được hưởng phước nhờ những công trình sáng tạo của các nhà khoa học người I-sơ-ra-ên. Và trên hết là loài người trong mọi dân tộc được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Cũng chính dân I-sơ-ra-ên bảo tồn Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời là Thánh Kinh cho toàn thể loài người. Đặc biệt, chúng ta thuộc về dòng dõi sẽ nhìn thấy những lời tiên tri sau cùng trong Thánh Kinh về dân I-sơ-ra-ên và về Hội Thánh của Đức Chúa Trời được hiện thực.

15 Và đã kiên trì đợi chờ như vậy, người nhận được lời hứa.

Qua những ghi chép trong Thánh Kinh, chúng ta biết Áp-ra-ham được gọi là tổ phụ đức tin của loài người; vì ông là người đã thể hiện đức tin của mình nơi Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Đức tin bao gồm hai phương diện: Tin và cứ tin cho đến cuối cùng, khi đức tin đã kết quả, bất kể hoàn cảnh như thế nào.

Khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham rằng, dòng dõi của ông sẽ đông như sao trên trời, thì Áp-ra-ham tin, dù lúc ấy tuổi của ông và vợ của ông là Sa-ra đã cao. Bởi lòng tin đơn sơ ấy mà Đức Chúa Trời kể ông là người công bình:

Ông tin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì Ngài kể sự đó là công bình cho ông.” (Sáng Thế Ký 15:6).

Qua sự kiện này mà chúng ta biết rằng, lòng tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời được Ngài kể là sự công bình cho chúng ta. Sự công bình có nghĩa là bất cứ sự gì đẹp lòng Đức Chúa Trời, không sai nghịch thánh ý của Ngài. Mà mỗi một sự đẹp lòng Đức Chúa Trời đều dựa trên sự chúng ta tin cậy Ngài. Vì chúng ta tin cậy Ngài nên chúng ta vâng theo mọi lời phán dạy của Ngài. Vì chúng ta tin cậy Ngài nên chúng ta không ngần ngại làm theo những gì Ngài phán bảo.

Khi Đức Chúa Trời truyền cho Áp-ra-ham phải dâng đứa con một yêu dấu của mình làm sinh tế lên Đức Chúa Trời thì Áp-ra-ham đã yên lặng, vâng theo, không một lời thắc mắc. Suốt ba ngày trong cuộc hành trình từ nhà đến nơi dâng tế lễ do Đức Chúa Trời chỉ định, Áp-ra-ham đã có nhiều thời gian để suy nghĩ. Nhưng ông vẫn giữ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, cầm dao để kết thúc mạng sống của con trai mình. Câu chuyện Đức Chúa Trời thử đức tin của Áp-ra-ham được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 22 không cho chúng ta biết chi tiết về tâm trạng của Áp-ra-ham, từ khi nghe mệnh lệnh của Đức Chúa Trời cho đến khi ông trói I-sác, đặt nằm trên bàn thờ và cầm dao để giết con. Nhưng khi chúng ta đọc đến Hê-bơ-rơ 11:17-19 thì chúng ta biết rằng, Áp-ra-ham dâng mạng sống của I-sác làm của lễ thiêu lên Đức Chúa Trời, vì ông tin rằng: Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến người chết sống lại. Đây chính là đỉnh cao nhất trong đức tin của Áp-ra-ham. Đây cũng chính là đỉnh cao nhất trong đức tin của một người nơi Thiên Chúa. Chỉ khi chúng ta thật sự tin rằng: Ngoài uy quyền sáng tạo chúng ta từ không thành có, Đức Chúa Trời cũng có uy quyền khiến cho chúng ta sống lại từ trong sự chết, thì chúng ta mới có đức tin trọn vẹn nơi Ngài.

Khi chúng ta đã có đức tin trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời thì chúng ta không còn lo lắng về đời này, không còn ham muốn sự giàu sang trong đời này, nhưng luôn bình an, thỏa lòng trong sự quan phòng thành tín của Đức Chúa Trời mà lo tìm kiếm Vương Quốc Trời:

Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm vương quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:33).

Sự kiên trì đợi chờ của Áp-ra-ham về lời hứa của Đức Chúa Trời không chỉ có nghĩa đơn giản là đợi chờ trong một thời gian lâu dài, mà là yên tâm, vâng phục tuyệt đối mọi mệnh lệnh của Đức Chúa Trời trong khi đợi chờ.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, muốn cho mỗi con dân Chúa có lòng kiên trì đợi chờ về lời hứa của Đức Chúa Trời, thể hiện bằng hành động vâng phục Lời Chúa, như Áp-ra-ham. Muốn được như vậy, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu nhiệm càng hơn về Lời Chúa mỗi ngày. Và chỉ có một cách duy nhất để có sự hiểu biết Lời Chúa là sốt sắng đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm.

Thánh Kinh chứa đựng biết bao nhiêu là lời hứa quý báu của Đức Chúa Trời dành cho những ai thuộc về Ngài. Thánh Kinh chứa đựng biết bao nhiêu mệnh lệnh Đức Chúa Trời truyền cho con dân của Ngài thực hiện. Nếu chúng ta không dành thời gian để đọc và suy ngẫm Lời Chúa thì làm sao chúng ta biết hết những lời hứa Đức Chúa Trời đã hứa với những người thuộc về Ngài? Làm sao chúng ta biết Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm những gì trong tháng ngày còn lại của chúng ta trong thân thể xác thịt sẽ nhanh chóng qua đi này? Và nếu không biết hai điều ấy thì làm sao chúng ta có thể nhận được lời hứa của Đức Chúa Trời?

16 Vì nhiều người thường bởi một Đấng vĩ đại mà thề. Đối với họ, mỗi sự thuộc về sự tranh cãi thì sự khẳng định trong lời thề là sự kết thúc.

Từ xa xưa, loài người đã biết thề. Thề tức là nhân danh bậc cao trọng hơn mình hoặc sự thiêng liêng để cam kết điều mình nói là sự thật. Ngày nay, ở các nước Tây Phương, trong những buổi lễ nhiệm chức, những viên chức cao cấp trong chính quyền cũng có thói quen đặt tay trên cuốn Thánh Kinh để nói lời hứa nguyện sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Trong hầu hết các nền văn hóa, lời thề thường được dùng để chấm dứt một sự tranh cãi vì không bên nào có chứng cớ. Người ta có thể nhân danh một thần linh hay danh dự của tổ tiên để thề. Người ta cũng có thể chỉ vào mạng sống của mình mà thề. Mục đích là khiến cho người nghe tin rằng, người thề đã nói lên sự thật. Dĩ nhiên, trong thế gian này cũng có biết bao nhiêu là lời thề dối trá.

17 Trong sự ấy, Đức Chúa Trời muốn càng tỏ ra cho những người thừa tự lời hứa sự không thay đổi ý muốn của Ngài, Ngài đã khẳng định bởi lời thề.

Trong sự ấy” là trong sự Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham. Thật ra, Đức Chúa Trời không cần phải thề, nhưng bởi sự yếu đuối, thiếu hiểu biết của loài người mà Ngài đã dùng lời thề để khẳng định ý muốn và lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời biết sự yếu đuối của Áp-ra-ham nên Ngài làm tất cả những gì có thể làm để khiến cho Áp-ra-ham được yên lòng. Lời hứa của Đức Chúa Trời không chỉ riêng với Áp-ra-ham mà còn là cho dòng dõi của ông. Vì thế, lời thề của Đức Chúa Trời còn có tác dụng khiến cho ngàn đời sau, con cháu của Áp-ra-ham được yên lòng.

Về phương diện thuộc linh, chúng ta, những người không thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên nhưng thật lòng tin nhận Tin Lành, là con cháu của Áp-ra-ham:

Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:29).

Vì thế, chúng ta cũng được hưởng những ơn phước thuộc linh Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham và với dòng dõi thuộc linh của ông:

  • Dân I-sơ-ra-ên thuộc thể được Đức Chúa Trời giải cứu ra khỏi ách nô lệ của xứ Ê-díp-tô tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, tức Hội Thánh, được giải cứu ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

  • Dân I-sơ-ra-ên thuộc thể được Đức Chúa Trời quan phòng trong hành trình tiến về Đất Hứa Ca-na-an tiêu biểu cho Hội Thánh được quan phòng trong suốt hành trình tiến về Vương Quốc Trời.

  • Dân I-sơ-ra-ên thuộc thể được lập thành một dân tộc dành riêng cho Đức Chúa Trời tiêu biểu cho Hội Thánh là một dân thánh thuộc riêng về Đức Chúa Trời.

  • Dân I-sơ-ra-ên thuộc thể được chia đất trong vùng Đất Hứa Ca-na-an tiêu biểu cho Hội Thánh được ban cho quyền đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Trời.

  • Dân I-sơ-ra-ên thuộc thể phạm tội bị Đức Chúa Trời phán xét tiêu biểu cho sự phán xét của Đức Chúa Trời trên sự phạm tội của Hội Thánh.

Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ: Đức Chúa Trời thành tín trong mọi lời hứa của Ngài, bao gồm những lời hứa về sự ban phước lẫn những lời hứa về sự hình phạt.

18 Bởi hai sự kiện không thể thay đổi, trong chúng Thiên Chúa không thể nói dối, mà chúng ta, những người tìm nơi trú ẩn, có sự an ủi vững chắc, nắm giữ sự trông cậy được đặt trước chúng ta.

Hai sự kiện không thể thay đổi” là ý muốn của Đức Chúa Trời và lời hứa của Ngài. “Trong chúng” là trong hai sự kiện ấy. Đức Chúa Trời là Đấng không thay đổi về bản thể và bản tính nên mọi ý muốn và lời hứa của Ngài cũng không bao giờ thay đổi. Vì thế, trong ý muốn và lời hứa của Đức Chúa Trời không có sự dối trá. Chính vì thế mà chúng ta, những con dân của Đức Chúa Trời, những người trú ẩn nơi Ngài có được sự an ủi không hề lay chuyển; và chúng ta nắm giữ cách chắc chắn sự trông cậy của chúng ta về tương lai. Thành ngữ: “sự trông cậy đặt trước chúng ta” có nghĩa là: Sự trông cậy của chúng ta về tương lai.

Động từ “tìm nơi trú ẩn” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: Chạy xa để trốn sự nguy hiểm. Có thể dịch là: Đi tỵ nạn. Trong cuộc đời này, loài người cần chạy xa khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, tìm kiếm một nơi an toàn để trú ẩn, để tỵ nạn. Không một nơi nào là an toàn cho loài người ngoài Đức Chúa Trời. Ngài chính là nơi trú ẩn muôn đời cho nhân loại:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ là nơi trú ẩn cho người bị hà hiếp; một nơi đồn trú cao trong những kỳ gian truân.” (Thi Thiên 9:9).

Vì Ngài là đồn lũy an toàn cho người nghèo, đồn lũy an toàn cho người có nhu cầu trong lúc khó khăn, nơi trú ẩn cho khỏi bão tố, chỗ bóng mát cho khỏi sự khô hạn, khi hơi thở của những kẻ cường bạo như cơn bão thổi vào tường.” (Ê-sai 25:4).

Chúng ta là con dân Chúa. Đức Chúa Trời là nơi trú ẩn của chúng ta. Chúng ta đang ở trong Ngài. Vì thế, chúng ta hãy yên tâm, vui sống trong Ngài. Khi có nhu cầu hoặc khi nghịch cảnh đến, chúng ta hãy trình dâng mọi sự lên Ngài và tạ ơn Ngài vì Ngài đã cho phép mọi sự xảy ra để rèn luyện chúng ta:

Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Chúng ta đừng lui đi trong đức tin khi đối diện với những sự bách hại đức tin, đừng để cho sự lo lắng về đời này hoặc sự ham muốn trở nên giàu có khiến cho đức tin của chúng ta bị nghẹt ngòi (Ma-thi-ơ 13:1-23).

19 Điều ấy chúng ta nắm giữ như cái neo của linh hồn, chẳng những chắc chắn mà còn vững vàng, đi vào bên trong tấm màn,

20 nơi mà Đấng đi trước cho chúng ta, Đức Chúa Jesus, đã trở nên thầy tế lễ thượng phẩm vĩnh cửu, theo ban Mên-chi-xê-đéc.

Điều ấy” tức là sự trông cậy của chúng ta nơi Đức Chúa Trời. Cái neo là một dụng cụ dùng để giữ cho chiếc tàu không bị trôi dạt. Lòng trông cậy của chúng ta nơi Đức Chúa Trời khiến cho linh hồn của chúng ta không bị trôi dạt theo những lượn sóng nghi ngờ:

Gia-cơ 1:2-8

2 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, khi các anh chị em rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng.

3 Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại.

4 Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.

5 Nếu như trong các anh chị em có ai kém khôn ngoan, người ấy hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì người ấy sẽ được ban cho.

6 Nhưng người ấy phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ chút nào; vì kẻ nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió khuấy động.

7 Người như thế chớ nên nghĩ rằng, mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa.

8 Một người phân tâm, thì làm việc gì cũng không ổn định.

Đi vào bên trong tấm màn” là đi qua khỏi sự ngăn cách giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Chỉ có một sự ngăn cách duy nhất giữa chúng ta và Đức Chúa Trời, đó là tội lỗi của chúng ta:

Này, tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng ngắn mà không cứu được; tai của Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được. Nhưng ấy là sự gian ác của các ngươi đã phân cách các ngươi khỏi Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, mà Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:1-2).

Bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mà tội lỗi của chúng ta, tức sự ngăn cách giữa chúng ta và Đức Chúa Trời, bị phá vỡ, tiêu biểu bằng sự bức màn trong đền thờ bị xé ra từ trên xuống dưới trong giây phút Đấng Christ trút hơi thở cuối cùng (Ma-thi-ơ 27:50-51).

Từ đó, bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì đều được trực tiếp diện kiến Đức Chúa Trời trong tâm thần của người ấy.

Đức Chúa Jesus Christ là con người đầu tiên với thân thể xác thịt đi vào trong nơi Chí Thánh ở trên trời, và ngự trên ngai của Đức Chúa Trời. Tất cả những ai giữ vững đức tin trong Đấng Christ đều sẽ được đi vào nơi chí thánh ở trên trời trong thân thể phục sinh hoặc được biến hóa, trong ngày Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng.

Đức Chúa Jesus Christ, trong thân thể xác thịt loài người, mãi mãi vừa là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian (Giăng 1:29), vừa là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời để dâng sinh tế chuộc tội cho loài người và cầu thay cho những ai thuộc về Ngài.

Để có thể ngày càng hiểu biết Lời Chúa càng hơn, để có thể giữ vững đức tin, để có thể trung tín cho đến cuối cùng, mỗi chúng ta cần đọc Lời Chúa và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm. Nhờ hiểu đúng Lời Chúa mà chúng ta có thể cẩn thận làm theo để thể hiện đức tin và sự trông cậy của chúng ta nơi Đức Chúa Trời (Giô-suê 1:8).

Nguyện Lời Chúa luôn là niềm vui và lẽ sống tuyệt vời cho mỗi chúng ta. Nguyện sự thông hiểu Lời Chúa ngày càng thêm lên cho mỗi chúng ta. Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta nên trọn vẹn không chỗ trách được trong ngày Đấng Christ hiện ra. Ngày ấy đã gần! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/05/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Tình Ngài”
https://karaokethanhca.net/tinh-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.