Chú Giải II Cô-rinh-tô 11:01-15 Về Những Sứ Đồ Giả

2,395 views

YouTube: https://youtu.be/QWZY6Qh7xg0

Chú Giải II Cô-rinh-tô 11:1-15
Về Những Sứ Đồ Giả
 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 11:1-15

1 Tôi mong sao các anh chị em chịu đựng sự vô tri của tôi một ít. Nhưng các anh chị em cũng chịu đựng tôi.

2 Vì tôi nóng cháy về các anh chị em với sự nóng cháy của Thiên Chúa. Bởi tôi đã đính hôn các anh chị em cho một chồng mà thôi. Tôi trình dâng các anh chị em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ.

3 Nhưng tôi sợ rằng, kẻo như con rắn đã lừa gạt Ê-va với mưu kế của nó, thì cũng vậy, lý trí của các anh chị em có thể bị hủ bại, khỏi sự thật thà của sự hướng về Đấng Christ.

4 Vì nếu thật có người đến giảng một Jesus khác mà chúng tôi chưa từng giảng; hoặc giảng cho các anh chị em nhận một linh khác mà các anh chị em chưa từng nhận; hoặc giảng một Tin Lành khác mà các anh chị em chưa từng nhận, thì có lẽ các anh chị em chịu đựng tốt người ấy.

5 Vì tôi tưởng rằng, chẳng có điều gì tôi đã đứng sau các sứ đồ rất cao trọng.

6 Nhưng dù cho ngay cả về sự nói năng tôi là người không khéo léo, thì về sự hiểu biết chẳng phải vậy. Mà trong mọi sự chúng đã được tỏ ra cho các anh chị em trong mọi cách.

7 Hoặc có phải tôi đã phạm tội khi hạ thấp chính mình để các anh chị em được tôn cao? Vì tôi đã giảng cho các anh chị em Tin Lành của Đức Chúa Trời cách miễn phí.

8 Tôi đã vơ vét các Hội Thánh khác, đã nhận lấy tiền lương từ họ cho sự phục vụ các anh chị em.

9 Khi tôi ở cùng các anh chị em và bị thiếu thốn, thì tôi đã không làm phiền ai. Vì sự thiếu thốn của tôi, các anh chị em cùng Cha đến từ Ma-xê-đoan đã cung cấp. Và trong mọi sự, tôi đã giữ không là gánh nặng cho các anh chị em, và tôi sẽ giữ như vậy.

10 Lẽ thật của Đấng Christ ở trong tôi nên đối với tôi sự khoe mình này sẽ không giữ kín hay bị chặn lại trong các khu vực của A-chai.

11 Bởi cớ gì? Vì tôi không yêu các anh chị em chăng? Đã có Đức Chúa Trời biết!

12 Nhưng điều tôi làm và sẽ làm để cắt đứt cơ hội của những kẻ muốn có cơ hội để trong sự họ khoe mình, họ được nhận biết cũng như chúng tôi.

13 Vì những kẻ như vậy là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ.

14 Và chẳng lạ gì, vì chính Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng.

15 Vậy nên, chẳng có gì là vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó cũng được giả dạng như những người giúp việc của sự công bình. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ là xứng với những việc làm của chúng nó.

Một trong những nan đề mà Hội Thánh của Chúa khắp nơi, trong mọi lúc, đều phải đối diện, nhất là trong những ngày sau cùng, là sự kiện Sa-tan cài đặt những giáo sư giả, những tiên tri giả, những môn đồ giả vào trong Hội Thánh.

Những kẻ giả đó có thể không bao giờ thật lòng theo Chúa nhưng cũng có thể là những người thật lòng theo Chúa lúc ban đầu; nhưng rồi sau đó, họ đã không trung tín theo Chúa vì sa ngã trước sự cám dỗ của tội lỗi. Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người đầu tiên từ một sứ đồ thật, được Chúa kêu gọi, trở thành một sứ đồ giả, đến nỗi bán Chúa. Vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra là hai người đầu tiên thật lòng theo Chúa đã trở thành hư mất, khi vì sự tìm kiếm danh vọng giả dối mà dối gạt Thiên Chúa.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, với phân đoạn II Cô-rinh-tô 11:1-15, đã dạy cho con dân Chúa về những sứ đồ giả trong Hội Thánh. Nhưng bài học này có thể áp dụng cho tất cả những kẻ giả mạo khác trong Hội Thánh.

1 Tôi mong sao các anh chị em chịu đựng sự vô tri của tôi một ít. Nhưng các anh chị em cũng chịu đựng tôi.

Phao-lô gọi sự khoe mình của ông là sự vô tri. Danh từ “sự vô tri” (G877) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thường được dùng để gọi sự khoe khoang hoặc sự hành động vì thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết; cũng có thể dịch là sự ngu dại. Trước tình trạng những giáo sư giả tại Cô-rinh-tô khoe khoang quá nhiều về họ, Phao-lô buộc phải khoe mình trong Chúa để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô có cơ hội so sánh lời khoe không có chứng cớ hậu thuẫn của họ với lời khoe có chứng cớ của Phao-lô. Các chứng cớ đó chính là các kết quả từ mục vụ của Phao-lô và các bạn của ông, trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Chính sự kiện Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được thành lập qua sự rao giảng Tin Lành của Phao-lô và các bạn của ông là chứng cớ lớn nhất.

Dù các lời khoe của Phao-lô là chân thật nhưng khoe khoang như vậy là ngoài ý muốn của ông, chẳng khác gì những kẻ vô tri khoe khoang. Vì thế, ông mong con dân Chúa tại Cô-rinh-tô chịu đựng sự khoe khoang của ông một ít, tức là dành thời gian để lắng nghe ông. Và thực tế, họ đã lắng nghe ông.

2 Vì tôi nóng cháy về các anh chị em với sự nóng cháy của Thiên Chúa. Bởi tôi đã đính hôn các anh chị em cho một chồng mà thôi. Tôi trình dâng các anh chị em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ.

Động từ “nóng cháy” được dùng để chỉ sự sốt sắng như lửa cháy trong lòng. Có thể nóng cháy vì tức giận, vì thù ghét, mà cũng có thể nóng cháy vì theo đuổi sự thiện, vì muốn làm ra những sự lành. Thành ngữ “sự nóng cháy của Thiên Chúa” có nghĩa là sự sốt sắng đẹp lòng Thiên Chúa vì được tác động bởi Ngài. Phao-lô có sự nóng cháy về con dân Chúa tại Cô-rinh-tô với sự nóng cháy của Thiên Chúa, vì ông muốn làm ra những sự lành cho họ trong danh Chúa.

Phao-lô dùng cách nói, ông đã đính hôn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô như một trinh nữ tinh sạch cho một chồng mà thôi; và người chồng đó chính là Đấng Christ. Đây là một cách nói so sánh gợi hình. Nhưng cũng là cách nói về sự huyền nhiệm trong mối thông công giữa con dân Chúa trong Hội Thánh và Đấng Christ.

Hội Thánh được gọi là chi thể của Đấng Christ mà Ngài là đầu, điều khiển toàn thân thể. Hội Thánh trong hiện tại cũng là vợ hứa của Đấng Christ mà hôn lễ sẽ được cử hành trong thiên đàng, sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian. Trong hiện tại, Hội Thánh hiệp một với Đấng Christ về linh hồn và tâm thần. Trong tương lai, Hội Thánh hiệp một với Đấng Christ về phần xác thịt. Sự hiệp một giữa Hội Thánh với Đấng Christ là một huyền nhiệm mà hiện nay chúng ta chưa thể hiểu.

Nhóm chữ “người trinh nữ tinh sạch” hàm ý, con dân Chúa trong Hội Thánh đã được Đấng Christ rửa sạch bản tính tội và hậu quả của sự phạm tội bởi lẽ thật do Ngài phán dạy và bởi máu thánh của Ngài (Giăng 15:3; Khải Huyền 1:5). Nhờ lời phán của Đấng Christ mà con dân Chúa nhận biết lẽ thật để từ bỏ tội. Nhờ máu thánh của Đấng Christ đổ ra mà mọi hậu quả của tội lỗi được bôi xóa.

3 Nhưng tôi sợ rằng, kẻo như con rắn đã lừa gạt Ê-va với mưu kế của nó, thì cũng vậy, lý trí của các anh chị em có thể bị hủ bại, khỏi sự thật thà của sự hướng về Đấng Christ.

Trong câu này, Phao-lô hàm ý, ông sợ rằng, những giáo sư giả sẽ dùng những lời giả dối để lừa gạt con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, như xưa kia Sa-tan mượn hình con rắn, dùng lời giả dối để lừa gạt Ê-va.

Lý trí là sự suy nghĩ dựa vào những nhận thức từ xác thịt: tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, miệng nếm, toàn thân cảm nhận. Nếu một người chỉ sống bằng lý trí thì sẽ dễ dàng bị ma quỷ lừa gạt. Khi đọc câu chuyện con rắn cám dỗ Ê-va, chúng ta thấy, Ê-va đã dùng lý trí để quyết định:

Người nữ thấy cây ấy trái ăn ngon, lại đẹp mắt, là cây đáng chuộng vì để mở trí khôn, thì hái trái, ăn, rồi cũng trao cho chồng ở gần mình, chồng cũng ăn.” (Sáng Thế Ký 3:6).

Ê-va đã không đối chiếu lời của con rắn với Lời Chúa. Ê-va đã không dựa vào sự suy luận của thần trí, là sự nhận thức đến từ Chúa trong tâm thần. Lời của Chúa trong thần trí của Ê-va là: “Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết” (Sáng Thế Ký 2:16-17). Lời của con rắn trong lý trí là: “Các ngươi sẽ chẳng chết đâu” (Sáng Thế Ký 3:4).

Cuộc chiến giữa loài người với Sa-tan là cuộc chiến chống lại mưu kế của nó, chứ không phải chống lại quyền phép của nó. Vì hiện tại, loài người không thể nào có quyền phép bằng các thiên sứ và Sa-tan. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh kêu gọi con dân Chúa chống lại quyền phép của Sa-tan, vì đó là nhiệm vụ của các thiên sứ. Thánh Kinh chỉ kêu gọi chúng ta đối phó với mưu kế của nó:

Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ.” (Ê-phê-sô 6:11).

Động từ “bị hủ bại” (G5351) có nghĩa là bị làm cho mất phẩm chất, trở nên hư hỏng và bị hủy diệt. Lý trí của con dân Chúa nhờ sự soi sáng của thần trí mà trở nên thật thà (G572), có nghĩa là đơn sơ và chân thật, luôn hướng về Chúa. Dù con dân Chúa vẫn suy luận những nhận thức từ xác thịt nhưng những suy luận đó được dựa trên những nhận thức trong thần trí, nên lý trí của con dân Chúa luôn thật thà và hướng về Đấng Christ. Nếu trúng kế của kẻ thù mà sự suy luận của lý trí không dựa vào thần trí thì lý trí của con dân Chúa sẽ bị hủ bại.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng thấy, có những con dân Chúa trúng kế của ma quỷ nên lý trí của họ bị hủ bại. Họ không còn suy luận cách đơn sơ và chân thật. Sự suy luận của họ không còn hướng về Đấng Christ. Họ trở nên ngụy biện, quỷ biện, và lý trí của họ chỉ hướng về cái tôi của họ cùng những sự ham muốn của xác thịt.

4 Vì nếu thật có người đến giảng một Jesus khác mà chúng tôi chưa từng giảng; hoặc giảng cho các anh chị em nhận một linh khác mà các anh chị em chưa từng nhận; hoặc giảng một Tin Lành khác mà các anh chị em chưa từng nhận, thì có lẽ các anh chị em chịu đựng tốt người ấy.

Trong câu này, Phao-lô nói đến điều có thể xảy ra trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Đó là dựa vào sự họ đang chấp nhận cho các giáo sư giả sinh hoạt trong Hội Thánh thì nếu có ai giảng về một Jesus khác, một linh khác, một Tin Lành khác thì có thể họ cũng sẵn lòng tiếp nhận người ấy.

Nhóm chữ “chịu đựng tốt” có nghĩa là vui vẻ mang lấy gánh nặng trong sự tiếp đón và chu cấp mọi nhu cầu cho người được tiếp đón; tiếp nhận sự giảng dạy của người ấy.

Vào thời của Phao-lô đã xuất hiện những giáo sư giả dạy rằng, Đức Chúa Jesus Christ không phải là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người mà chỉ là mượn hình dáng của một người mà thôi. Sự mượn hình dáng này tương tự như sự kiện Thiên Chúa xuất hiện với Áp-ra-ham trong hình dáng của ba người đàn ông, cùng ăn uống, trò chuyện với Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 18). Đó chính là sự rao giảng về một Jesus khác.

Vì nhiều kẻ lường gạt đã vào trong thế gian, là những kẻ chẳng xưng rằng, Đức Chúa Jesus Christ đến trong xác thịt. Ấy là sự lường gạt và sự chống nghịch Đấng Christ.” (II Giăng câu 7).

Cũng chính những kẻ ấy mang một linh khác, không phải linh đến từ Đức Thánh Linh:

Bởi điều này, mà nhận biết Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời: bất cứ thần trí nào xưng rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã đến trong xác thịt, thì thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Giăng 4:2).

Và nhiều giáo sư giả dạy rằng, cần phải chịu cắt bì mới được cứu rỗi. Đó là một Tin Lành khác (Ga-la-ti 1:6-7).

Ngày nay, có các tà giáo dạy về một Jesus không phải là Thiên Chúa; dạy về giáo chủ của họ chính là Đức Chúa Jesus nhập thế làm người thêm một lần nữa; dạy về một linh nói tiếng lạ; dạy về Đức Thánh Linh không phải là Thiên Chúa mà chỉ là năng lực của Thiên Chúa; dạy về một Tin Lành khác:

  • “Tin Lành” được cứu một lần được cứu vĩnh viễn.

  • “Tin Lành” bác bỏ ngày Sa-bát Thứ Bảy, công khai vi phạm điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

  • “Tin Lành” thờ phượng “Đức Chúa Trời Mẹ” (Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới – World Mission Society Church of God).

  • “Tin Lành” cấm ăn các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước, buộc phải giữ bảy ngày lễ hội trong Cựu Ước là bảy ngày lễ hội làm hình bóng về mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ, và buộc phải gọi tên của Đức Chúa Jesus theo tiếng Hê-bơ-rơ (các phong trào Cội Nguồn Hê-bơ-rơ – Hebrew Roots).

Tất cả đều là mưu kế của Sa-tan, lường gạt loài người và tấn công vào Hội Thánh của Chúa.

5 Vì tôi tưởng rằng, chẳng có điều gì tôi đã đứng sau các sứ đồ rất cao trọng.

6 Nhưng dù cho ngay cả về sự nói năng tôi là người không khéo léo, thì về sự hiểu biết chẳng phải vậy. Mà trong mọi sự chúng đã được tỏ ra cho các anh chị em trong mọi cách.

Phao-lô tự biết rằng, ông được Đức Chúa Jesus kêu gọi vào chức vụ sứ đồ sau các sứ đồ khác, và họ là những người được Hội Thánh tôn trọng, nhưng không phải vì thế mà ông thua kém họ về thẩm quyền của sứ đồ hay thua kém họ về bất cứ về phương diện nào. Ông cũng tự biết rằng, trong sự hầu việc Chúa ông không hề thua sút họ. Thực tế, có lẽ Phao-lô là người có công nhiều hơn các sứ đồ khác trong sự giảng Tin Lành, trong sự xây dựng và gây dựng Hội Thánh. Phần Thánh Kinh Tân Ước do ông ghi chép đã nuôi dưỡng Hội Thánh trong suốt gần hai ngàn năm nay.

Phao-lô nhận rằng, tuy ông không khéo về nói năng nhưng trong sự hiểu biết của ông về Chúa thì đầy trọn sự khôn khéo. Sự hiểu biết đó đã thể hiện qua nếp sống của ông, lời giảng của ông, cách thức ông giải quyết các vấn đề trong Hội Thánh mà con dân Chúa tại Cô-rinh-tô có thể nhận biết.

7 Hoặc có phải tôi đã phạm tội khi hạ thấp chính mình để các anh chị em được tôn cao? Vì tôi đã giảng cho các anh chị em Tin Lành của Đức Chúa Trời cách miễn phí.

8 Tôi đã vơ vét các Hội Thánh khác, đã nhận lấy tiền lương từ họ cho sự phục vụ các anh chị em.

Phao-lô hỏi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô rằng, có phải vì ông hạ mình, khiêm nhường trước họ nên ông không có giá trị gì như các giáo sư giả đang khoe khoang, lên mình giữa họ? Có phải vì ông giảng Tin Lành cho họ cách miễn phí, không đòi hỏi họ phải cung phụng cho ông như họ đang cung phụng cho các giáo sư giả, mà ông không có giá trị gì như các giáo sư giả?

Động từ “vơ vét” (G4813) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là cướp bóc. Hành động cướp bóc là hành động dùng sức mạnh để chiếm lấy những gì thuộc về người khác. Phao-lô dùng động từ này không với nghĩa là ông dùng sức mạnh để chiếm lấy tài sản, vật chất từ các Hội Thánh khác. Nhưng ông hàm ý, những gì ông nhận được từ họ là để phục vụ người khác thay vì phục vụ họ, thì không khác gì là ông cướp bóc họ. Mệnh đề tiếp theo: “đã nhận lấy tiền lương từ họ cho sự phục vụ các anh chị em” giúp cho chúng ta hiểu cách dùng chữ “vơ vét” của Phao-lô trong câu văn.

9 Khi tôi ở cùng các anh chị em và bị thiếu thốn, thì tôi đã không làm phiền ai. Vì sự thiếu thốn của tôi, các anh chị em cùng Cha đến từ Ma-xê-đoan đã cung cấp. Và trong mọi sự, tôi đã giữ không là gánh nặng cho các anh chị em, và tôi sẽ giữ như vậy.

Qua lời này của Phao-lô mà chúng ta biết rằng, trong suốt 18 tháng ông giảng Tin Lành và xây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, ông đã không nhờ cậy con dân Chúa tại Cô-rinh-tô tiếp trợ nhu cầu vật chất của ông. Ông tự mình làm việc kiếm sống (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:3) và khi ông có sự thiếu thốn thì Chúa đã sai dùng con dân Chúa từ xứ Ma-xê-đoan đến thăm ông, tiếp trợ cho ông. Có lẽ Phao-lô muốn nói tới con dân Chúa tại Phi-líp, vì trong Phi-líp 4:15-18, Phao-lô có nói, vào thời buổi đó, không có ai khác ngoài con dân Chúa tại thành Phi-líp tiếp trợ ông về nhu cầu vật chất trong mục vụ của ông.

Phao-lô đã không khiến mình là gánh nặng của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, nghĩa là ông không nhận sự tiếp trợ về nhu cầu vật chất từ họ; và ông sẽ tiếp tục giữ như vậy. Lý do được ông trình bày trong câu 12.

10 Lẽ thật của Đấng Christ ở trong tôi nên đối với tôi sự khoe mình này sẽ không giữ kín hay bị chặn lại trong các khu vực của A-chai.

Mệnh đề “lẽ thật của Đấng Christ ở trong tôi” cùng với mệnh đề “tôi nói thật trong Đấng Christ” (Rô-ma 9:1; I Ti-mô-thê 2:7) là lời Phao-lô dùng để khẳng định những gì ông nói là nói trong danh của Đấng Christ và nói theo lẽ thật, như Đấng Christ là lẽ thật và không có sự gian trá trong miệng của Ngài (Giăng 14:6; I Phi-e-rơ 2:22). Sự khoe mình của Phao-lô về chức vụ và thành quả chức vụ của ông là nói lên sự thật làm tôn cao danh Chúa, không phải để tôn cao chính ông. Chính vì thế mà ông cho rằng, sự khoe mình của ông cần được nói ra, thay vì giữ kín; và cần được nói ra không những trong xứ A-chai mà còn trong những địa phương khác.

Nếu Phao-lô có ý khoe mình để tôn cao chính ông thì sự khoe mình đó sẽ trở thành không theo lẽ thật. Vì Phao-lô chỉ là công cụ trong tay Chúa, được Chúa dùng để làm ra những sự đáng khoe đó. Lời Chúa dạy:

Các ngươi cũng vậy, khi làm xong mọi việc đã truyền cho các ngươi thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô ích mà đã làm xong bổn phận chúng tôi phải làm.” (Lu-ca 17:10).

Sự khen thưởng và tôn cao chúng ta là thuộc về Chúa, không thuộc về chúng ta. Chúa chắc chắn sẽ báo trả cho chúng ta xứng với mỗi việc chúng ta làm. Vì thế, chúng ta không nên tự tôn cao chính mình, tự tìm lời khen cho chính mình. Đây là bài học cho mỗi một chúng ta về sự khoe mình trong Chúa.

11 Bởi cớ gì? Vì tôi không yêu các anh chị em chăng? Đã có Đức Chúa Trời biết!

12 Nhưng điều tôi làm và sẽ làm để cắt đứt cơ hội của những kẻ muốn có cơ hội để trong sự họ khoe mình, họ được nhận biết cũng như chúng tôi.

Bởi cớ gì” hàm ý, bởi cớ gì mà Phao-lô khoe mình về sự ông không là gánh nặng cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô? Không phải là vì ông không yêu họ nên khoe ra như vậy để họ có thể bị mang tiếng là đã không dự phần tiếp trợ ông. Tình yêu của ông dành cho họ đã thể hiện qua suốt 18 tháng ông chịu khổ để giảng Tin Lành cho họ và gây dựng đức tin của họ. Chính Đức Chúa Trời là Đấng biết rõ tình yêu của ông dành cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

Nhưng sự khoe mình đó của ông là để cho các giáo sư giả đang lạm dụng lòng tốt của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô không có cơ hội so sánh ngang hàng với ông. Trong khi Phao-lô không hề lạm dụng tiền bạc, vật chất của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô thì những giáo sư giả ấy đang lạm dụng họ. Những giáo sư giả đang lạm dụng con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhưng không làm ra một điều gì ích lợi cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, mà còn dẫn dắt họ đi sai lạc Lời Chúa. Đó là một trong các sự khác biệt lớn giữa Phao-lô và các giáo sư giả.

13 Vì những kẻ như vậy là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ.

14 Và chẳng lạ gì, vì chính Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng.

Phao-lô gọi thẳng các giáo sư giả tại Cô-rinh-tô và những kẻ giống như họ là những sứ đồ giả. Nghĩa là họ mạo nhận danh sứ đồ của Chúa. Họ không phải là những người làm công chân thật. Họ là những kẻ phục vụ Sa-tan. Ngày nay, sứ đồ giả, tiên tri giả, người chăn giả được Sa-tan tung ra khắp nơi trên thế giới, trong đủ mọi tổ chức tôn giáo mang danh Chúa.

Phao-lô viết “chính Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng” nhưng ông không đưa ra một chứng cứ nào. Thánh Kinh cũng không ghi lại sự kiện Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng. Nhưng chúng ta hiểu rằng, lời khẳng định của Phao-lô cũng chính là lẽ thật đến từ Đức Thánh Linh, nên chúng ta tin rằng, Sa-tan thật có những lúc tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng. Danh từ “thiên sứ của sự sáng” hàm ý, thiên sứ vâng phục Đức Chúa Trời và chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa.

Trong các tôn giáo, chúng ta được nghe huyền thoại về các thần linh sáng láng. Trong giới nghiên cứu hiện tượng kề chết, chúng ta được nghe những người chết lâm sàng (tim đã ngừng đập, hơi thở chấm dứt, máu ngừng lưu thông) sau khi sống lại, cho biết, họ thấy một nhân vật như một thần linh sáng láng, đón họ vào cõi đời sau. Một số người cho biết nhân vật sáng láng ấy tự xưng là Đức Chúa Jesus hoặc Thiên Chúa. Kinh nghiệm chung của họ là nhân vật sáng láng ấy, dù tự xưng là Đức Chúa Jesus hoặc Thiên Chúa hay không, cũng đều khiến cho họ có sự cảm nhận bình an, được yêu thương. Tuy nhiên, những lời phán của nhân vật sáng láng ấy lại không đúng với Thánh Kinh. Chính vì thế mà chúng ta biết, nhân vật sáng láng ấy chỉ là Sa-tan giả dạng thiên sứ của sự sáng; và thậm chí giả dạng chính Chúa để lừa gạt những người chết hụt, dùng họ rao truyền tà giáo.

15 Vậy nên, chẳng có gì là vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó cũng được giả dạng như những người giúp việc của sự công bình. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ là xứng với những việc làm của chúng nó.

Ngày nay, nhiều người bị lừa gạt bởi những dấu kỳ, phép lạ do những giáo sư giả, tiên tri giả nhân danh Chúa làm ra. Họ không nhớ lời Chúa phán đã được ghi rõ trong Thánh Kinh:

Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Chẳng có gì là vĩ đại khi những giáo sư giả và tiên tri giả nhân danh Chúa làm ra những dấu kỳ, phép lạ. Trong Kỳ Tận Thế, tiên tri giả có thể khiến lửa từ trời rơi xuống, có thể khiến cho tượng của AntiChrist trở nên sống động. Tượng ấy có thể nói chuyện và có thể giết chết những ai không chịu thờ lạy tượng ấy (Khải Huyền 13). Những giáo sư giả, những tiên tri giả, những người chăn giả chỉ là những tôi tớ của Sa-tan, nhận lãnh quyền phép của Sa-tan, mạo nhận là những tôi tớ của Chúa để lừa gạt loài người, thậm chí lừa gạt cả con dân Chúa:

Vì những Christ giả và những tiên tri giả sẽ nổi lên. Chúng sẽ làm ra những dấu kỳ và những phép lạ lớn, đến nỗi, nếu được thì chúng cũng sẽ dẫn lạc lối những người được chọn.” (Ma-thi-ơ 24:24).

Nhưng những kẻ ấy sẽ gánh lấy hình phạt tương xứng với mọi sự ác mà họ làm ra.

Là con dân Chúa, chúng ta phải luôn đối chiếu mọi sự với Lời Chúa, vì đức tin của chúng ta dựa trên Lời Chúa chứ không dựa vào bất cứ sự cảm xúc nào hay sự nhìn thấy nào của con mắt xác thịt:

Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chẳng phải bởi sự mắt thấy.” (II Cô-rinh-tô 5:7).

Chúng tôi có vài câu hỏi dành riêng cho những người thật lòng tin kính Chúa đang sinh hoạt trong các giáo hội:

  • Trong tổ chức giáo hội xưng là Hội Thánh của Chúa mà quý ông bà anh chị em đang sinh hoạt với, những người lãnh đạo có vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa [1] và giảng đúng Lời Chúa hay không? Họ có đang giảng một Jesus khác, một linh khác, hay một Tin Lành khác hay không?

  • Những người chăn xưng mình là “mục sư” [2], những trưởng lão, chấp sự có phải là những tôi tớ chân thật của Chúa, làm gương tốt cho quý ông bà anh chị em, hết lòng chăn dắt, bảo vệ bầy chiên của Chúa, và giảng dạy lẽ thật của Lời Chúa? Họ có thể thật lòng và mạnh dạn nói với quý ông bà anh chị em rằng: “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đấng Christ”? Quý ông bà anh chị em có thể an tâm bắt chước họ hay không?

  • Trong tổ chức gọi là Hội Thánh mà quý ông bà anh chị em đang sinh hoạt với, mọi người có sống thánh khiết theo Lời Chúa hay không? Có sự thản nhiên sống trong tội của các thành viên hay không? Mọi người có yêu thương nhau như chính Chúa yêu thương những người thuộc về Ngài hay không?

Ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại đã rất gần. Quý ông bà anh chị em đã sẵn sàng cho sự đến của Chúa hay chưa? Hãy dựa vào Lời Chúa để nhận diện tà giáo, nhận diện những giáo sư giả, những tiên tri giả, những sứ đồ giả, những kẻ làm công giả, cùng tất cả những kẻ giả mạo làm môn đồ của Đấng Christ, và ngay cả những Hội Thánh giả để kịp thời xa lánh họ. Hãy sống theo Lời Chúa và đến với những người sống theo Lời Chúa là Hội Thánh thật của Ngài, để cùng gây dựng lẫn nhau và cùng nhau rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/12/2020

Ghi Chú

Các định nghĩa từ ngữ từ Thánh Kinh trong bài này là theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh: https://thewordtoyou.net/dictionary/

[1] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/danh-xung-muc-su-va-reverend/

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Là Jesus”
https://karaokethanhca.net/ngai-la-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.