Chú Giải I Cô-rinh-tô 10:01-13 Gương Xấu của Dân I-sơ-ra-ên

3,755 views

YouTube: https://youtu.be/w_Te2xkjzWI

Chú Giải I Cô-rinh-tô 10:1-13
Gương Xấu của Dân I-sơ-ra-ên

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 10:1-13

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết rằng; hết thảy các tổ phụ của chúng tôi đã ở dưới đám mây và hết thảy đã đi ngang qua biển.

2 Hết thảy họ, trong mây và trong biển, đã được báp-tem vào trong Môi-se.

3 Hết thảy họ đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng.

4 Hết thảy họ đã uống cùng một thức uống thiêng liêng. Vì họ đã uống từ một vầng đá thiêng liêng theo với họ. Vầng đá ấy là Đấng Christ.

5 Nhưng nhiều người trong họ đã không đẹp lòng Đức Chúa Trời nên họ đã ngã chết nơi đồng vắng.

6 Những sự đó là những tấm gương cho chúng ta. Đừng là những kẻ ham muốn những sự dữ, như họ đã ham muốn.

7 Các anh chị em cũng đừng là những kẻ thờ thần tượng như mấy người trong họ; như đã chép: Dân chúng ngồi, ăn, uống, rồi đứng dậy mà vui đùa. [Xuất Ê-díp-tô Ký 32:6]

8 Chúng ta cũng đừng phạm tà dâm như mấy người trong họ đã phạm tà dâm, mà trong một ngày có hai mươi ba ngàn người đã ngã chết.

9 Chúng ta cũng đừng thử Đấng Christ như mấy người trong họ đã thử thách, và đã bị diệt bởi những con rắn.

10 Các anh chị em cũng đừng lầm bầm như mấy người trong họ đã lầm bầm, và đã bị diệt bởi sự hủy diệt.

11 Hết thảy những sự đó đã xảy ra cho họ là những tấm gương. Chúng đã được ghi chép cho sự khuyên bảo chúng ta, cho những người mà sự cuối cùng của các thời đại đang đến trên họ.

12 Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy coi chừng, kẻo ngã!

13 Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.

Chúng ta đã học trong II Ti-mô-thê, lời dạy của Phao-lô dành cho Ti-mô-thê, như sau:

“Từ khi còn thơ ấu, con đã biết Thánh Kinh có năng lực khiến con khôn sáng, dẫn đến sự cứu rỗi bởi đức tin, là sự ở trong Đấng Christ Jesus. Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:15-17).

Qua lời dạy đó của Phao-lô, Đức Thánh Linh dạy cho con dân Chúa biết rằng:

  • Thánh Kinh có năng lực khiến cho loài người được khôn sáng và dẫn loài người đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
  • Sự cứu rỗi chỉ có ở trong Đấng Christ Jesus, vì Ngài là Đấng chịu chết để gánh thay hình phạt của sự phạm tội cho loài người.
  • Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, tức là ban cho sự sống, như khi Thiên Chúa hà hơi vào thân thể bụi đất để ban sự sống cho loài người. Thiên Chúa ban sự sống cho Thánh Kinh bằng cách Đức Thánh Linh thổi thánh linh vào trong thần trí của những người được Đức Chúa Trời kêu gọi làm công việc ghi chép lại thành chữ viết những gì Đức Chúa Trời muốn cho loài người biết về Thiên Chúa, về những ý muốn và những việc làm của Thiên Chúa; nhất là về ơn cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người. Vì thế, Thánh Kinh được gọi là Lời sống và năng động:

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

  • Cả Thánh Kinh, nghĩa là toàn bộ 66 sách từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, có ích cho sự giảng dạy, quở trách, sửa trị, giáo dục con dân Chúa trong sự công bình để họ được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ.

Trong bài này, qua phân đoạn I Cô-rinh-tô 10:1-13, chúng ta học được rằng, một trong các lý do lịch sử của dân I-sơ-ra-ên được ghi chép trong Thánh Kinh Cựu Ước là để làm bài học cho con dân Chúa trong Hội Thánh. Có nhiều gương xấu của dân I-sơ-ra-ên được ghi lại để chúng ta học và tránh làm ra những sự xấu ấy. Lịch sử của dân I-sơ-ra-ên tiêu biểu cho sự vô tín, bội ơn, và cứng lòng của loài người đối với Thiên Chúa; đồng thời cũng phản ánh tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa trong cách thức Thiên Chúa đối xử với loài người.

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết rằng; hết thảy các tổ phụ của chúng tôi đã ở dưới đám mây và hết thảy đã đi ngang qua biển.

2 Hết thảy họ, trong mây và trong biển, đã được báp-tem vào trong Môi-se.

Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là một trong các Hội Thánh bao gồm các dân ngoại, dù cũng có một số ít con dân Chúa trong Hội Thánh là người I-sơ-ra-ên. Phao-lô là người I-sơ-ra-ên, vì thế, sở hữu đại danh từ hê-môn (G2257) trong câu 1 nên dịch là “của chúng tôi” thay vì “của chúng ta”. Nếu dịch là “của chúng ta” thì không hợp lý, vì tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên không phải là tổ phụ của các dân ngoại.

Khi Đức Chúa Trời giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của xứ Ê-díp-tô thì Ngài đã dùng một trụ mây, để dẫn đường họ và ban bóng mát che phủ họ lúc ban ngày, dùng một trụ lửa để soi sáng và sưởi ấm họ lúc ban đêm. Khi họ đối diện với Biển Đỏ thì Đức Chúa Trời đã tách biển ra, khiến nước biển dựng đứng hai bên, chừa ra một lối đi, để dân I-sơ-ra-ên có thể băng ngang qua biển. Dân I-sơ-ra-ên đã ở trong bóng mây của sự dẫn dắt và che chở từ Thiên Chúa. Dân I-sơ-ra-ên đã an toàn đi ngang qua đáy biển trong sự bảo vệ từ Thiên Chúa.

Danh từ “báp-tem” có nghĩa đen là nhúng chìm vào trong một chất lỏng; có nghĩa bóng là hội nhập làm một. Mỗi một người trong dân I-sơ-ra-ên khi được giải phóng ra khỏi xứ Ê-díp-tô đã được ở trong sự dẫn dắt, che chở, và bảo vệ của Thiên Chúa, dưới sự lãnh đạo của Môi-se. Họ đã trở nên một với Môi-se khi họ ở trong sự dẫn dắt, che chở, và bảo vệ của Thiên Chúa. Vì Môi-se là người đã được Thiên Chúa chọn làm người dẫn dắt họ.

Giới từ “vào trong” (G1519) được dùng trong câu 2 cũng là giới từ “vào trong” được dùng trong Ma-thi-ơ 28:19. “Báp-tem vào trong Môi-se” là kết hiệp làm một với Môi-se. “Báp-tem vào trong danh của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh” là kết hiệp làm một với danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ đó mà con dân Chúa được gọi bằng danh xưng của Thiên Chúa:

“…nếu dân Ta, kẻ được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta, và trở lại, từ bỏ những lối ác của chúng, thì Ta từ trên trời sẽ nghe, sẽ tha thứ tội lỗi của chúng và sẽ chữa lành đất của chúng.” (II Sử Ký 7:14).

Giê-rê-mi 14:9; 15:16; và Đa-ni-ên 9:19 cũng xác nhận, con dân Chúa được gọi bằng danh của Chúa. Trong thời Tân Ước, con dân Chúa được gọi bằng danh của Đấng Christ: “Cơ-đốc nhân”, có nghĩa là “người tin và vâng theo Đấng Christ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26).

3 Hết thảy họ đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng.

Thức ăn thiêng liêng cho phần thân thể xác thịt của họ là ma-na, được ban cho họ từ ngày Thứ Nhất cho đến ngày Thứ Sáu mỗi tuần. Ngày Thứ Sáu thì số lượng thu gom được tăng gấp đôi để ăn qua ngày Thứ Bảy. Vì ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát, con dân Chúa không được lao động và cũng không có ma-na (Xuất Ê-díp-tô Ký 16). Thức ăn thiêng liêng cho phần thuộc linh của họ chính là Mười Điều Răn và các luật pháp của Đức Chúa Trời, được ban hành từ trên núi Si-na-i và đã được Môi-se ghi chép lại trong Sách Luật Pháp. Đặc biệt, Mười Điều Răn được chính Đức Chúa Trời dùng ngón tay của Ngài viết trên hai bảng đá, trao cho Môi-se. Ngày nay, thức ăn thiêng liêng của Hội Thánh vẫn là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, được thể hiện qua Đấng Christ (Giăng 6:32-58). Bản thể của Đấng Christ là sự sáng, lẽ thật, và sự sống. Đấng Christ phán: Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống (Giăng 14:6). Danh từ “đường đi” hàm ý đời sống được soi dẫn bởi Đấng Christ. Con dân Chúa trong Hội Thánh ăn nuốt Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, tức là bởi đức tin, họ tiếp nhận bản thể của Đấng Christ, được trở nên một với Đấng Christ. Đời sống của họ được soi dẫn bởi Đấng Christ. Họ trở nên chân thật trong Đấng Christ. Họ được sống lại và sống đời đời trong Đấng Christ.

4 Hết thảy họ đã uống cùng một thức uống thiêng liêng. Vì họ đã uống từ một vầng đá thiêng liêng theo với họ. Vầng đá ấy là Đấng Christ.

Trên hành trình từ Ê-díp-tô băng qua các đồng vắng, tiến về Đất Hứa Ca-na-an, có hai trường hợp dân I-sơ-ra-ên thiếu nước uống; và họ được Thiên Chúa làm phép lạ, ban nước uống cho họ từ một vầng đá. Trường hợp thứ nhất là nước chảy ra từ một vầng đá tại Hô-rếp, được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1-6. Trường hợp thứ nhì là nước chảy ra từ một vầng đá tại Mê-ri-ba, được ghi lại trong Dân Số Ký 20:1-11.

Nước tiêu biểu cho sự sống vì nước bảo tồn sự sống cho thân thể xác thịt của loài người. Gọi là “nước thiêng liêng” vì là nước ra từ phép lạ của Thiên Chúa. Nước thiêng liêng thuộc linh là máu của Đấng Christ rửa sạch mọi tội lỗi của loài người, phục hồi sự sống thuộc linh cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Nhóm chữ “vầng đá thiêng liêng theo với họ” không có nghĩa là vầng đá tại Hô-rếp đi theo dân I-sơ-ra-ên đến Mê-ri-ba, mà là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời. Thánh Kinh ví Thiên Chúa như là vầng đá để nói đến sự che chở, bảo vệ, cứu giúp, ban cho của Ngài đối với con dân của Ngài. Nước mà dân I-sơ-ra-ên uống là từ cánh tay quyền năng của Thiên Chúa ban cho họ, qua vầng đá tại Hô-rếp và vầng đá tại Mê-ri-ba.

Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, là Vầng Đá ban nước sống cho những ai xin Ngài (Giăng 4:10). Đức Chúa Jesus Christ mời gọi những ai khao khát lẽ thật và sự sống đến uống từ Ngài (Giăng 7:37-38).

5 Nhưng nhiều người trong họ đã không đẹp lòng Đức Chúa Trời nên họ đã ngã chết nơi đồng vắng.

Khi chúng ta đọc từ Xuất Ê-díp-tô Ký cho đến Dân Số Ký, chúng ta thấy, dân I-sơ-ra-ên thật là một dân cứng lòng, mặc dù họ đã tận mắt chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Thiên Chúa đã làm ra trước mắt họ. Trong số đó, có một phép lạ thường xuyên xảy ra sáu ngày mỗi tuần, trong suốt 40 năm là phép lạ ma-na từ trời ban xuống vào buổi sáng sớm để dùng làm thức ăn cho họ.

Vào tháng Hai, năm thứ nhì, sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, thì họ đến đồng vắng Pha-ran và đóng trại tại Ca-đe. Tại đó, Thiên Chúa truyền lệnh cho Môi-se sai 12 thám tử, mỗi người đại diện cho một chi phái của I-sơ-ra-ên, vào do thám Đất Hứa Ca-na-an. Sau 40 ngày đêm, các thám tử trở về, báo cáo tình hình dân Ca-na-an và sự trù phú của Đất Hứa. Ngoài Giô-suê của chi phái Ép-ra-im và Ca-lép của chi phái Giu-đa, mười thám tử khác báo cáo rằng: Chúng ta không thể đi lên cự dân này được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta.

Lời báo cáo của mười thám tử khiến cho dân I-sơ-ra-ên sợ hãi, kêu la, khóc lóc, oán trách Môi-se và A-rôn. Họ nói rằng, thà họ chết trong xứ Ê-díp-tô hoặc chết trong đồng vắng, còn hơn là bị Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dẫn vào xứ Ca-na-an để phải chết bởi gươm, và vợ con thì bị làm mồi cho dân Ca-na-an. Họ bàn với nhau về việc lập lên một người lãnh đạo để dẫn họ quay lại xứ Ê-díp-tô.

Giô-suê và Ca-lép thấy vậy, xé quần áo của mình ra, nói với dân I-sơ-ra-ên rằng, nếu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng dân sự thì Ngài sẽ đem họ vào xứ Ca-na-an và ban cho họ cả xứ. Đó là một xứ đượm sữa và mật. Miễn là dân sự đừng nổi loạn, đừng nghịch lại Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và đừng sợ dân bản xứ.

Hai ông kết luận rằng: Chớ sợ! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở cùng chúng ta!

Dân I-sơ-ra-ên đòi ném đá hai ông. Lập tức, sự vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện ra trước dân I-sơ-ra-ên. Ngài phán với Môi-se, vì dân I-sơ-ra-ên đã khinh thường Ngài và không tin Ngài, mặc dù bao nhiêu phép lạ Ngài đã làm ra giữa họ, nên Ngài sẽ giáng một cơn dịch bệnh để tiêu diệt họ, rồi khiến cho Môi-se thành một dân lớn và mạnh hơn họ.

Tuy nhiên, Môi-se đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân I-sơ-ra-ên. Ngài đáp lời cầu xin của Môi-se, không giáng cơn dịch bệnh để tiêu diệt dân I-sơ-ra-ên, nhưng hình phạt tất cả những người từ 20 tuổi trở lên phải chết trong đồng vắng. Đó là để đáp lại lời nói của chính họ về sự họ thà chết trong đồng vắng, hơn là tiến vào Đất Hứa Ca-na-an. Tiếp theo, là hình phạt toàn dân I-sơ-ra-ên phải lưu lạc trong đồng vắng suốt 40 năm, mỗi năm ứng cho một ngày họ do thám xứ Ca-na-an.

Sau đó, dân I-sơ-ra-ên đã tiếp tục lang thang qua các đồng vắng thêm 38 năm, cho đến khi tất cả những người từ 20 tuổi trở lên trong ngày phản nghịch, ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép, đều ngã chết trong đồng vắng.

Ngày xưa, dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời kêu gọi, lựa chọn, biệt riêng làm một dân thánh, một nước thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6), và hứa ban đất Ca-na-an cho họ. Nhưng khi họ bội nghịch, không đẹp lòng Ngài thì họ đã bị hình phạt cách nghiêm khắc, mất phần trong lời hứa.

Ngày nay, chúng ta là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, được Đức Chúa Trời kêu gọi, lựa chọn, biệt riêng làm một dân thánh, làm những thầy tế lễ dưới quyền Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Jesus Christ, Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa [1]:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân tộc thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9).

Nhưng nếu chúng ta phản nghịch Thiên Chúa, khinh thường và không tin Thiên Chúa, thì chúng ta cũng sẽ bị hình phạt cách nghiêm khắc. Chúng ta sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Hãy đọc lại Ma-thi-ơ 25:31-46. Những người tin Chúa trong Kỳ Tận Thế, chịu khổ trong cơn đại nạn để giữ vững đức tin, nhưng chỉ vì thiếu tình yêu thương đối với anh chị em cùng đức tin, mà bị hư mất đời đời trong hỏa ngục chung với ma quỷ.

6 Những sự đó là những tấm gương cho chúng ta. Đừng là những kẻ ham muốn những sự dữ, như họ đã ham muốn.

“Những sự đó” là tất cả những gương xấu của dân I-sơ-ra-ên và những hình phạt tương xứng với sự phản nghịch của họ. Những sự dữ mà dân I-sơ-ra-ên ham muốn, tựu trung đều chỉ là sự ăn, sự uống, sự tà dâm, và sự cầu an cho dù phải làm nô lệ. Họ thà quay về sống đời nô lệ để được ăn uống những thứ họ ưa thích hơn là ăn uống kham khổ trong một thời gian, rồi sống tự do no ấm, đầy đủ trong Đất Hứa. Mỗi khi nghịch cảnh xảy ra, như khi thiếu nước uống, họ đều than van, oán trách, nổi loạn thay vì hạ mình kêu cầu Thiên Chúa cứu giúp. Khi đối diện với kẻ thù hung hãn thì họ khiếp sợ, oán trách Thiên Chúa, dù Thiên Chúa đã làm ra những phép lạ lớn chưa từng thấy để giải cứu họ. Phép lạ của trụ mây và trụ lửa ngày đêm đồng hành để dẫn đường và bảo vệ họ. Phép lạ lớn khiến Biển Đỏ rẽ đường cho họ băng ngang đáy biển nhưng chôn vùi cả quân lực của xứ Ê-díp-tô. Phép lạ ma-na sáu ngày trong một tuần cung cấp thực phẩm cho họ. Phép lạ chim cút phủ đầy trại quân để họ có thịt ăn. Phép lạ nước đắng hóa thành nước ngọt. Phép lạ nước uống chảy ra từ một vầng đá…

“Ham muốn những sự dữ” là ham muốn những sự không đẹp lòng Thiên Chúa, không đúng với Thánh Kinh.

Trong Dân Số Ký 14:33 Thiên Chúa gọi sự vô tín, phản nghịch của dân I-sơ-ra-ên là “sự ngoại tình”. Danh từ “sự ngoại tình” theo nghĩa đen là sự quan hệ tình dục của một người đã có vợ hoặc chồng với người không phải là vợ hoặc chồng của mình; theo nghĩa bóng là sự thờ lạy bất cứ một ai hay một sự gì khác, không phải là Thiên Chúa. Động từ “thờ lạy” được dùng ở đây hàm ý, xem ai đó hay sự gì đó là lẽ sống, là nguồn hạnh phúc, là mục đích cho mọi việc làm, nên yêu thích, quý trọng, nương cậy, và sống chết cho người ấy hay sự ấy. Dân I-sơ-ra-ên đã thờ lạy những sự ham muốn của họ thay vì thờ lạy Thiên Chúa. Họ sống vì những sự ham muốn của xác thịt, chứ không sống vì những ý muốn của Thiên Chúa là những ý muốn tốt lành đối với họ, hướng đến một chung cuộc vô cùng phước hạnh đã dành sẵn cho họ:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11).

Khi chúng ta sống theo ý muốn, sở thích của mình thay vì sống theo ý muốn và luật pháp của Thiên Chúa thì chúng ta đã tự tôn thờ bản ngã, đặt mình làm thần tượng của chính mình, là chúng ta phạm tội ngoại tình thuộc linh. Ăn, uống, mặc, ở, vui chơi, quan hệ tình dục là những nhu cầu chính đáng, nhưng nếu chúng ta thỏa mãn các nhu cầu đó cách sai nghịch Lời Chúa hoặc chúng ta say mê chúng, thì chúng ta phạm tội. Nếu chúng ta lo lắng về các nhu cầu vật chất thì chúng ta cũng phạm tội vô tín và xem thường Thiên Chúa. Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 6:25-34 đã dạy rõ: Đức Chúa Trời là Đấng biết mọi nhu cầu thuộc thể của chúng ta và Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi nhu cầu ấy, khi chúng ta hết lòng tìm kiếm Nước Trời và sự công bình của Ngài.

Mục đích đời sống của những người không có Chúa là tìm kiếm các nhu cầu vật chất, nhưng mục đích của con dân Chúa là tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Sự công bình của Đức Chúa Trời là sự Ngài hành động đúng theo các điều răn và luật pháp của Ngài: không thiên vị, không bỏ qua sự phạm tội, không nghịch lại các đặc tính của Ngài. Tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời là tìm hiểu mọi việc làm của Đức Chúa Trời đã được ghi chép trong Thánh Kinh, đang được thể hiện trong đời sống của bản thân, trong Hội Thánh, và trong thời sự của thế gian. Tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời là hết lòng sống theo Lời Chúa để được ở lại trong Nước Trời [2].

7 Các anh chị em cũng đừng là những kẻ thờ thần tượng như mấy người trong họ; như đã chép: Dân chúng ngồi, ăn, uống, rồi đứng dậy mà vui đùa. [Xuất Ê-díp-tô Ký 32:6]

Sự thờ thần tượng được nói đến trong câu này là sự thờ thần tượng theo nghĩa đen, như đã được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 32. Vào lúc đó, trong khi Môi-se lên núi Si-na-i để nhận hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, và ở lại trên núi trong suốt 40 ngày đêm thì dân I-sơ-ra-ên đã yêu cầu A-rôn làm ra một hình tượng của Thiên Chúa để họ thờ lạy. A-rôn đã bảo họ quyên góp vòng vàng và dùng đó đúc ra một tượng bò con, tiêu biểu cho Thiên Chúa. Dân I-sơ-ra-ên đã dâng các của lễ thiêu, các của lễ cảm tạ cho Thiên Chúa trước hình tượng bò con bằng vàng. Họ ngồi lại, ăn uống với nhau, rồi đứng dậy mà vui đùa. Vì thế, Thiên Chúa muốn diệt dân I-sơ-ra-ên. Nhưng Môi-se đã van xin thay cho dân I-sơ-ra-ên nên Thiên Chúa bỏ qua sự tiêu diệt dân sự. Tuy nhiên, có khoảng ba ngàn người trong dân I-sơ-ra-ên bị người Lê-vi, theo lệnh của Môi-se, giết chết bằng gươm. Có lẽ, họ là những người không chịu ăn năn về sự thờ lạy hình tượng của bò con.

Chúng ta thấy, mặc dù dân I-sơ-ra-ên thờ phượng Thiên Chúa, nhưng vì họ thờ phượng Ngài qua hình tượng bằng vàng của một con bò con, nên họ tự biến mình thành những kẻ thờ lạy thần tượng. Đây là bài học quan trọng cho con dân Chúa ngày nay. Biết bao nhiêu người đã thờ phượng Thiên Chúa qua các hình tượng gọi là tượng Chúa, qua một giáo chủ, qua một giáo phái, qua một tổ chức tôn giáo, hay qua một tư tưởng Thần học; thậm chí có người thờ lạy Thiên Chúa qua một mục vụ nào đó. Khi chúng ta biến một hình tượng nào, một người nào, một giáo phái nào, một tổ chức tôn giáo nào, một phong trào nào, một sự hầu việc Chúa nào thành đối tượng để tôn vinh và thờ phượng, thì chúng ta phạm tội thờ thần tượng.

8 Chúng ta cũng đừng phạm tà dâm như mấy người trong họ đã phạm tà dâm, mà trong một ngày có hai mươi ba ngàn người đã ngã chết.

Dân Số Ký đoạn 25 ghi lại sự kiện dân I-sơ-ra-ên phạm tà dâm với phụ nữ của dân Mô-áp. Những phụ nữ của dân Mô-áp mời dân I-sơ-ra-ên ăn các của cúng thần tượng. Dân I-sơ-ra-ên đã ăn và sấp mình trước các tà thần của dân Mô-áp. Thiên Chúa đã hình phạt dân I-sơ-ra-ên bằng một tai vạ. Thiên Chúa lại truyền cho Môi-se treo thân các quan trưởng trong I-sơ-ra-ên. Có lẽ vì họ đã thất trách trong sự cai trị hoặc chính họ là những người đứng đầu trong sự phạm tội.

Dân Số Ký 25:9 ghi rằng, có 24.000 người chết trong cơn tai vạ; nhưng Phao-lô ghi rằng, có 23.000 người đã ngã chết. Có lẽ, 23.000 người chết vì sự hành hại trực tiếp của Đức Chúa Trời qua dịch bệnh, còn 1.000 người là các quan trưởng trong dân I-sơ-ra-ên bị xử treo thân, theo lệnh của Đức Chúa Trời, như đã ghi lại trong Dân Số Ký 25:4.

Sự phạm tà dâm thuộc thể luôn luôn liên kết với sự thờ lạy tà thần. Khi một người phạm tà dâm thuộc thể là người ấy cũng cùng lúc tôn sự ham muốn thỏa mãn tình dục thành thần tượng của mình. Người ấy thà chiều theo sự đòi hỏi của sự ham muốn thỏa mãn tình dục hơn là vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời. Người phạm tà dâm thuộc thể rất dễ ngã vào sự cám dỗ ăn của cúng thần tượng và thờ lạy thần tượng chung với người mình phạm tà dâm với.

Vua Sa-lô-môn là một người được Thiên Chúa yêu, ban cho sự khôn sáng vượt bậc. Ông được Thiên Chúa cho phép đứng ra xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa, và được Đức Thánh Linh dùng để viết ra ba sách trong Thánh Kinh: Châm Ngôn, Truyền Đạo, và Nhã Ca. Nhưng chỉ vì Sa-lô-môn đã kết hôn với nhiều phụ nữ thuộc các dân ngoại mà ông đã ngã vào sự cám dỗ, cho phép họ lập nên những hình tượng tà thần và những nơi thờ tà thần trong đất nước I-sơ-ra-ên, gây sự vấp phạm lâu dài trong dân I-sơ-ra-ên.

Con dân Chúa phải tránh sự tà dâm mà còn tránh sự kết hôn với người không phải là con dân Chúa. Ngoài ra, con dân Chúa cũng tránh sự làm ăn chung với những người không tin Chúa, tránh làm việc thiện chung với những người không tin Chúa. Vì những người không tin Chúa thường tôn vinh, thờ phượng các tà thần trong công việc làm ăn và làm việc thiện. Liên kết với người không tin Chúa trong sự làm ăn hay làm việc thiện sẽ khiến cho chúng ta dễ bị cám dỗ ăn của cúng thần tượng và thờ lạy tà thần. II Cô-rinh-tô 6:14-18 là nguyên tắc rõ ràng về sự con dân Chúa không mang ách chung với kẻ chẳng tin.

9 Chúng ta cũng đừng thử Đấng Christ như mấy người trong họ đã thử thách, và đã bị diệt bởi những con rắn.

Dân Số Ký đoạn 21 ghi lại sự kiện dân I-sơ-ra-ên chê ma-na là thức ăn đạm bạc nên Thiên Chúa sai những con rắn lửa đến, cắn chết nhiều người. Dân I-sơ-ra-ên ăn năn và nhờ Môi-se cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Môi-se dâng lời cầu thay cho dân sự và được Thiên Chúa đáp lời. Ngài phán bảo Môi-se làm hình một con rắn lửa, treo nó lên một trụ gỗ. Ai bị rắn cắn, nhìn vào hình con rắn bị treo trên trụ gỗ thì sẽ sống.

Sự kiện dân I-sơ-ra-ên lầm bầm, oán trách Chúa về môi trường sống, về thức ăn Chúa đã ban cho họ là một sự thử thách sự nhẫn nại của Chúa đối với họ. Ngay từ trong lòng của nhiều người trong dân I-sơ-ra-ên không có sự yêu kính, vâng phục Chúa. Họ chỉ sống sao cho các nhu cầu sinh lý của họ được thỏa mãn. Vì thế, họ không thể chịu đựng những khó khăn, gian khổ Chúa cho phép xảy ra để rèn luyện họ. Chúa biết rõ tấm lòng của họ nhưng Ngài nhẫn nại, cho họ thêm thời gian để họ thay đổi. Tuy nhiên, khi sự phản nghịch thể hiện thành lời nói và hành động thì Ngài sửa phạt họ.

Con rắn tiêu biểu cho Sa-tan. Sa-tan, vốn là một thiên sứ trưởng, đứng đầu những kẻ chống nghịch Thiên Chúa. Khi loài người để cho những ham muốn vật chất khiến mình phạm tội nghịch lại Thiên Chúa, thì loài người đứng về phía của Sa-tan. Nhưng chính Sa-tan lại là kẻ làm khổ và làm chết những ai tin theo nó. A-đam và Ê-va là hai nạn nhân đầu tiên của nó, khi họ nghe theo lời nói dối của nó. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus đã gọi Sa-tan là kẻ giết người và cha của sự nói dối (Giăng 8:44).

Con rắn bị treo trên trụ gỗ tiêu biểu cho sự Sa-tan và những ai chống nghịch Thiên Chúa thì bị án chết. Nghĩa là, mọi tội lỗi phải bị hình phạt. Đức Chúa Jesus Christ đã bị treo trên trụ gỗ để gánh thay hình phạt cho tội lỗi của loài người.

Dân I-sơ-ra-ên bị rắn cắn, có lòng ăn năn, sợ chết, tin lời của Môi-se, nhìn vào hình tượng của con rắn bị treo trên trụ gỗ, để thể hiện sự ăn năn và đức tin của mình, thì được sống. Ngày nay, ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, thì người ấy được tha tội và được ban cho sự sống đời đời.

Dân I-sơ-ra-ên ngày xưa đã được chọn làm dân thánh của Thiên Chúa, nhưng họ vì lòng vô tín mà thử thách sự nhẫn nại của Ngài, nên họ đã bị hình phạt.

Khi chúng ta đối chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19 với I Cô-rinh-tô 10:9 thì chúng ta thấyt, chính Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, với danh hiệu “Thiên Sứ của Đức Chúa Trời”, là Đấng đi trước dân I-sơ-ra-ên và luôn có mặt trong suốt hành trình của họ, từ xứ Ê-díp-tô cho đến xứ Ca-na-an:

Thiên Sứ của Đức Chúa Trời đã đi trước trại quân của dân I-sơ-ra-ên lộn lại đi sau; còn trụ mây vốn đi trước trại quân, lại ở về sau…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19).

“Hết thảy họ đã uống cùng một thức uống thiêng liêng. Vì họ đã uống từ một vầng đá thiêng liêng theo với họ. Vầng đá ấy là Đấng Christ.” (I Cô-rinh-tô 10:4).

Khi chúng ta đối chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 3 với Các Quan Xét 2:1 thì chúng ta thấy “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” chính là Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời. Vì chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng đã lập giao ước và hứa ban đất Ca-na-an cho dân I-sơ-ra-ên, chứ không phải một thiên sứ nào trong vô số thiên sứ do Thiên Chúa dựng nên.

Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đi lên từ Ghinh-ganh đến Bô-kim, và nói rằng: Ta đã đem các ngươi đi lên khỏi xứ Ê-díp-tô, dẫn vào xứ Ta đã thề ban cho tổ phụ các ngươi. Ta đã phán: Ta sẽ đời đời chẳng hủy giao ước Ta đã lập cùng các ngươi…” (Các Quan Xét 2:1).

Danh từ: “Thiên Sứ của Đức Chúa Trời” hoặc “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” có nghĩa là: Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời hoặc Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa để tương tác với loài người.

Ngày nay, Hội Thánh là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh của Thiên Chúa. Chúng ta đã được ở trong Hội Thánh. Chúng ta hãy cẩn thận giữ mình, đừng thử thách sự nhẫn nại của Đấng Christ. Mặc dù sự thương xót của Chúa là rất lớn, nhưng sự thánh khiết và sự công chính của Ngài cũng rất lớn. Chúng ta không biết khi nào thì Ngài sẽ mửa chúng ta ra, nếu chúng ta cứ vừa theo Chúa, vừa phạm tội mà không ăn năn (Khải Huyền 3:16).

10 Các anh chị em cũng đừng lầm bầm như mấy người trong họ đã lầm bầm, và đã bị diệt bởi sự hủy diệt.

Lầm bầm là sự thì thầm với chính mình hay với người khác, bày tỏ sự bất mãn, than phiền, oán trách ai đó hay sự gì đó. Dân I-sơ-ra-ên quen thói lầm bầm có lẽ là vì họ đã sống suốt 400 năm dưới ách nô lệ của dân Ê-díp-tô. Họ bất mãn sự hà khắc của dân Ê-díp-tô nhưng không dám lớn tiếng chống đối, mà chỉ biết cùng nhau lầm bầm. Thói quen tiêu cực đó đã khiến cho họ thường xuyên lầm bầm nghịch lại Chúa khi nghịch cảnh xảy ra.

“Sự hủy diệt” là bất cứ phương tiện nào Thiên Chúa dùng để hủy diệt những kẻ phạm tội, từ sự đất nứt ra, nuốt sống những tội nhân, đến sự lửa từ trời rơi xuống thiêu hủy những tội nhân, đến những cơn dịch bệnh, đói kém, và thậm chí là chiến tranh.

11 Hết thảy những sự đó đã xảy ra cho họ là những tấm gương. Chúng đã được ghi chép cho sự khuyên bảo chúng ta, cho những người mà sự cuối cùng của các thời đại đang đến trên họ.

“Hết thảy những sự đó” là tất cả những gì xảy ra trong lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, được ghi chép trong Thánh Kinh để làm gương cho con dân Chúa các đời sau; đặc biệt là cho con dân Chúa trong Hội Thánh. Vì con dân Chúa trong Hội Thánh là những người được ban cho một địa vị cao trọng nhất trong toàn thể các thánh đồ của Chúa, được cùng Đấng Christ đồng trị toàn thể Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa trong Hội Thánh càng phải giữ mình hơn ai hết để không bị trật phần ân điển quá lớn đã ban cho mình.

Con dân Chúa trong Hội Thánh là những người đang ở vào thời kỳ cuối cùng, liền trước Kỳ Tận Thế. Có thể nói, trong suốt khoảng chiều dài lịch sử tự trị của loài người, hai ngày cuối cùng, trước khi bước vào thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, chính là khoảng thời gian hai ngàn năm Hội Thánh của Chúa được thành lập và phát triển. Một ngày trước mặt Chúa như một ngàn năm; và một ngàn năm như một ngày (II Phi-e-rơ 3:8).

Sự cuối cùng của các thời đại đang đến một cách chắn chắn. Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là dấu hiệu khởi đầu của sự Đức Chúa Trời chuẩn bị thế gian cho sự cuối cùng.

12 Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy coi chừng, kẻo ngã!

Vì chúng ta, những con dân Chúa, đã được Lời Chúa ghi lại những tấm gương sống động của dân I-sơ-ra-ên, chúng ta hãy coi chừng chính mình, kẻo chúng ta bị vấp ngã trước mưu kế của ma quỷ mà phạm tội, bị trật phần ân điển, bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “hãy giữ, kẻo ngã” nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là động từ “hãy coi chừng”. Theo nghĩa đen là hãy nhìn xem chung quanh cách cẩn thận; còn nghĩa bóng là hãy suy ngẫm cách cẩn thận. Cả hai nghĩa đen và bóng của từ ngữ này đều được áp dụng trong câu 12. Chúng ta cần cẩn thận quan sát mọi sự, mọi người chung quanh chúng ta và chúng ta cần suy ngẫm cẩn thận về những gì mình nhận thức, đối chiếu với Lời Chúa, để có thể ứng xử không sai nghịch Lời Chúa. Có như vậy chúng ta mới luôn đứng vững trong cuộc chiến thuộc linh và thắng giải trong cuộc chạy thuộc linh.

13 Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ pa-ra-mốt (G3986) vừa có nghĩa là sự cám dỗ vừa có nghĩa là sự thử thách. Sự cám dỗ là sự xui khiến người ta phạm tội. Sự cám dỗ đến từ loài người và ma quỷ. Sự thử thách là sự khó khăn đặt ra để rèn luyện người tin Chúa. Sự thử thách đến từ Chúa hoặc bởi sự Chúa cho phép sự cám dỗ xảy ra.

Tất cả những sự thử thách đến từ Đức Chúa Trời hoặc những sự cám dỗ đến từ ma quỷ đều không thể nắm giữ được chúng ta, ngoại trừ sự cám dỗ đến từ trong chính tấm lòng có những sự ham muốn bất chính của chúng ta. Thật vậy, chỉ có sự cám dỗ phát xuất từ trong chính tấm lòng của chúng ta, vì chúng ta ưa thích tội lỗi, mới có thể nắm giữ được chúng ta, bắt chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi. Lời Chúa dạy rõ:

“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:14-15).

Đó chính là điều đã xảy ra cho Ê-va. Chính vì thế mà Lời Chúa đã khuyên dạy chúng ta phải hết sức cẩn thận canh giữ tấm lòng của mình:

“Hãy hết sức cẩn thận canh giữ tấm lòng của con, vì những sự tuôn trào của sự sống ra từ nó.” (Châm Ngôn 4:23).

Nói cho cùng, quyết định thuộc về mỗi một chúng ta. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta quyền tự do trong sự lựa chọn để vâng phục Ngài, ưa thích và tôn kính các điều răn của Ngài; hoặc chiều theo ý riêng mà chống nghịch Ngài, vi phạm các điều răn của Ngài.

Khi chúng ta chọn chịu khổ để vâng giữ các điều răn và luật pháp của Chúa, thì chính Đức Chúa Jesus Christ là Đấng ban thêm sức cho chúng ta và cùng chịu khổ với chúng ta; rồi Ngài sẽ dẫn chúng ta vào trong lối thoát mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, trong từng nghịch cảnh.

“Trong mọi sự khốn khổ của họ, thì Ngài cũng chịu khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Bởi tình yêu và sự thương xót của Ngài mà Ngài đã chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng và cưu mang họ trong suốt các ngày thuở xưa.” (Ê-sai 63:9).

Tin cậy Chúa là tin rằng, Chúa không bao giờ cho phép bất cứ sự cám dỗ hoặc thử thách nào xảy ra mà quá sức chịu đựng của mình. Tin rằng, Chúa luôn mở đường cho mình có sức chịu đựng và ra khỏi mọi cám dỗ, mọi thử thách một cách đắc thắng. Chẳng có một sự cám dỗ hay thử thách nào sẽ quá sức chịu đựng của chúng ta, và Đức Chúa Trời sẽ mở đường cho chúng ta ra khỏi, cho dù có khi con đường để ra khỏi đó là sự chết của thân thể xác thịt này.

Người nào nói rằng, mình đã chịu khổ quá sức nên không thể làm theo Lời Chúa là người ấy đang cáo buộc Đức Chúa Trời nói dối, đang cáo buộc Đức Chúa Trời bất công. Thật ra, người ấy không muốn chịu khổ vì danh Chúa. Thật ra, người ấy chỉ muốn buông mình sống theo dục vọng. Những người như vậy sẽ gánh lấy hình phạt tương xứng trong ngày chung cuộc.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/03/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-phi-e-ro-29-12/

[2] Xin đọc và nghe loạt bài giảng về Nước Trời:
https://timhieutinlanh.com/category/nuoc-troi/

Karaoke Thánh Ca: “Con Thiết Tha Xin Mãi Thuộc Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-thiet-tha-xin-mai-thuoc-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu