Chú Giải I Phi-e-rơ 02:13-20 Bổn Phận của Con Dân Chúa Đối Với Các Bậc Cầm Quyền

3,898 views


YouTube: https://youtu.be/OCEt8QT7TQs

906008 Chú Giải I Phi-e-rơ 2:13-20
Bổn Phận của Con Dân Chúa Đối Với Các Bậc Cầm Quyền

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
906008_I-Phiero_2_13-20.mp3 – OpenDrive (od.lk)

Hoặc:
Listen to 906008 I-Phiero 2 13-20 by Huynh Christian Timothy in Chú Giải Phi-e-rơ I & II playlist online for free on SoundCloud

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
906008_I-Phiero_2_13-20.pdf – OpenDrive (od.lk)

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Phi-e-rơ 2:13-20

13 Vì Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc của loài người, hoặc như vua, là người có quyền cao,

14 hoặc các quan, như những người thật được sai ra bởi Ngài để phạt những kẻ làm dữ và khen những người làm lành.

15 Vì các anh chị em làm điều lành để làm cho câm lặng sự thiếu hiểu biết của những kẻ ngu dại; ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời.

16 Hãy ăn ở như những người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự độc ác, mà xem mình như là nô lệ của Thiên Chúa.

17 Hãy tôn trọng mọi người; yêu tình nghĩa giữa anh chị em. Hãy kính sợ Đức Chúa Trời. Hãy tôn trọng vua.

18 Hỡi các tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà vâng phục các chủ; chẳng phải vâng phục những chủ hiền lành mà thôi, nhưng vâng phục những chủ khó tính nữa.

19 Vì tâm thức đối với Thiên Chúa, mà chịu khốn khổ trong khi bị oan ức, ấy là một điều đáng khen.

20 Có gì là vinh quang nếu các anh chị em kiên trì khi bị đánh vì sự phạm tội của mình? Nhưng nếu các anh chị em làm lành, mà kiên trì trong sự khốn khó, ấy là điều đáng khen đối với Thiên Chúa.

Tiếp theo sự giải thích về địa vị và tư cách cao quý của con dân Chúa trong I Phi-e-rơ 2:9-12, thì Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ, dạy cho con dân Chúa về bổn phận của con dân Chúa đối với các bậc cầm quyền. Trước hết là bổn phận của con dân Chúa đối với mọi luật pháp của loài người trong một quốc gia.

13 Vì Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc của loài người, hoặc như vua, là người có quyền cao,

14 hoặc các quan, như những người thật được sai ra bởi Ngài để phạt những kẻ làm dữ và khen những người làm lành.

Sự dạy dỗ này còn được Đức Thánh Linh bày tỏ qua Sứ Đồ Phao-lô và được ghi lại trong Rô-ma 13:1-7 mà chúng ta sẽ cùng nhau học một cách chi tiết khi chúng ta học đến thư Rô-ma.

Từ ngữ “phục theo mọi phép tắc của loài người” có nghĩa là vâng phục mọi luật pháp của loài người nếu những điều luật ấy không nghịch lại Thánh Kinh. Còn nếu điều luật nào nghịch lại Thánh Kinh thì chúng ta không cần phải vâng phục. Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29 dạy chúng ta rằng: Thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người. Sự vâng phục luật pháp chính đáng của loài người là bởi lòng kính sợ Chúa của chúng ta. Vì Chúa mà chúng ta vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trên chúng ta. Thánh Kinh khẳng định: Không có một quyền nào mà không đến từ Thiên Chúa:

“Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.” (Rô-ma 13:1-2).

Ngay cả trong trường hợp quốc gia của chúng ta bị xâm chiếm và kẻ xâm lăng thiết lập quyền cai trị trên chúng ta, thì chúng ta cũng phải vâng phục kẻ cầm quyền, như ngày xưa dân I-sơ-ra-ên phải vâng phục các đế quốc: Ba-bi-lôn, Ba-tư, Hy-lạp, và La-mã! Bởi vì, các đế quốc ấy được Chúa ban quyền cai trị dân I-sơ-ra-ên. Thư I Phi-e-rơ và thư Rô-ma đều được viết trong thời điểm dân I-sơ-ra-ên và nhiều dân tộc khác thuộc Châu Âu, Trung Đông, và Châu Phi bị cai trị bởi đế quốc La-mã. Con dân Chúa thuộc các dân tộc ấy đều phải vì Chúa mà vâng phục luật pháp của chính quyền La-mã.

Con dân Chúa chỉ có thể không vâng phục điều luật nào của nhà cầm quyền nghịch lại Thánh Kinh. Thời sự vừa qua tại nước Mỹ đã cho chúng ta một gương tốt và một bài học tốt về sự không vâng phục luật pháp của loài người, khi luật pháp ấy nghịch lại Lời Chúa.

Ngày 26 tháng 6 năm 2015 Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã ra phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới tính. Phán quyết này nghịch lại Lời của Chúa. Lời Chúa trong Lê-vi Ký 20:13 chép:

“Nếu một người nam nằm cùng một người nam khác, như nằm cùng người nữ, thì hai người đó đều hẳn phải bị xử tử, vì họ đã làm một sự gớm ghiếc; máu họ sẽ đổ lại trên mình họ.”

Lời Chúa trong Rô-ma 1:18-32 nói rõ, những người đồng tính luyến ái, nam cũng như nữ là những người không lo nhìn biết Chúa nên bị Chúa bỏ mặc họ trong sự tội lỗi của họ. Đồng tính luyến ái là dấu hiệu của sự đắm chìm trong tội lỗi:

“Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tính tự nhiên. Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người này với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo trả xứng với điều lầm lỗi của mình.” (Rô-ma 1:26-27).

Vì thế, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Mỹ công nhận hôn nhân đồng giới tính không thể được con dân Chúa tại Mỹ vâng phục. Nữ Thư Ký Kim Davis của Hạt Rowan thuộc Tiểu Bang Kentucky là người đầu tiên đã từ chối cấp chứng nhận hôn thú cho công dân trong Hạt Rowan ngay sau khi Tối Cao Pháp Viện Mỹ ra phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới tính. Bà nói:

“Cấp một hôn thú nghịch lại với định nghĩa của Thiên Chúa về hôn nhân với tên của tôi gắn trên đó là xúc phạm lương tâm của tôi. Đó không phải là vấn đề nhỏ đối với tôi. Đó là một quyết định thiên đàng hoặc hỏa ngục. Đối với tôi, đó là quyết định về sự vâng phục. Tôi không thù nghịch ai và không chất chứa ác cảm. Đối với tôi, điều này không bao giờ là vấn đề đồng tính luyến ái nam hay đồng tính luyến ái nữ; mà là vấn đề hôn nhân và Lời Chúa” [1].

Nhiều người hiểu lầm là bà không chịu cấp chứng nhận hôn thú cho những cặp đồng tính luyến ái nhưng thực tế là bà không chịu để tên mình in trên những chứng nhận hôn thú, vì bà không đồng ý định nghĩa hôn nhân của Tối Cao Pháp Viện Mỹ. Vì thế, bà ngưng thi hành việc cấp hôn thú cho tất cả các công dân trong Hạt Rowan.

Bà đã chịu ngồi tù 6 ngày và chính quyền của Hạt Rowan yêu cầu các phụ tá của bà làm công việc cấp chứng nhận hôn thú. Năm người phụ tá bằng lòng làm công việc ấy nhưng người phụ tá thứ sáu là con trai của bà thì noi gương mẹ, không làm công việc cấp chứng nhận hôn thú.

Bà Kim Davis không xin từ chức vì bà không làm gì sai. Tòa án không thể ngưng chức bà, vì bà là công chức do dân chúng bầu lên.

Chúng ta để ý thấy Lời Chúa nói rõ, luật pháp được thi hành bởi vua hay các quan (tổng thống hoặc chủ tịch và các giới chức dưới quyền) là “để phạt những kẻ làm dữ và khen những người làm lành”. Sự làm dữ hay làm lành là theo định nghĩa của Thiên Chúa, không phải theo định nghĩa của loài người. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh, để chúng ta dựa vào đó mà xem xét điều gì là lành và điều gì là dữ. Nếu vua hay các quan ban hành điều luật nào để khen những kẻ làm dữ và phạt những người làm lành, thì con dân Chúa hoàn toàn không được vâng phục. Lẽ ra, những nhân viên công lực phải từ chối lệnh bắt giam bà Kim Davis.

Trước khi bị bắt và tống giam, bà Kim Davis nói:

“Luật đạo đức của Thiên Chúa nghịch lại với bổn phận chức việc của tôi. Bạn không thể phân rẽ khỏi điều gì đã ở trong trái tim và linh hồn của bạn.” [2].

Bà tin Chúa mới hơn bốn năm, nhưng từ khi tin Chúa, bà đã hết lòng sống theo Lời Chúa. Bà Kim Davis là tấm gương tốt cho mọi con dân Chúa về sự không vâng phục những luật lệ nào của chính quyền nghịch lại Thánh Kinh. Ý Chúa là chúng ta phải vâng phục các quyền Chúa đã đặt để trên chúng ta nhưng ý Chúa cũng muốn chúng ta không được vâng phục những mệnh lệnh, điều luật nào của loài người mà không đúng với các điều răn và luật pháp của Ngài.

15 Vì các anh chị em làm điều lành để làm cho câm lặng sự thiếu hiểu biết của những kẻ ngu dại; ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh gọi những kẻ nói trong lòng rằng “chẳng có Thiên Chúa” là những kẻ ngu dại (Thi Thiên 14:1; 53:1). Ngu dại tức là không biết giá trị thật của một sự việc hoặc của một thực thể, không biết nhận xét và lý luận.

Thánh Kinh gọi những kẻ xưng mình là con dân Chúa mà không đọc, không suy ngẫm, không cẩn thận làm theo Lời Chúa, trái lại bỏ quên Lời Chúa là những kẻ thiếu sự tri thức (Ô-sê 4:6). Thiếu tri thức tức là không bỏ thời gian, công sức để tìm hiểu lẽ thật.

Những kẻ ngu dại thường là những kẻ thiếu hiểu biết. Không có sự ngu dại nào lớn hơn là sự ngu dại của một người xưng nhận mình là con dân Chúa mà không để thời gian, công sức để đọc và suy ngẫm Lời Chúa.

Nếp sống thánh khiết đúng theo Lời Chúa của những người thật sự tin cậy và vâng phục Chúa, sẽ khiến cho những kẻ ngu dại phải câm miệng, không thốt ra những lời thiếu hiểu biết. Và đó là ý muốn của Đức Chúa Trời.

16 Hãy ăn ở như những người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự độc ác, mà xem mình như là nô lệ của Thiên Chúa.

Là con dân Chúa chúng ta được Lời Chúa giải phóng chúng ta ra khỏi sự ngu dại, thiếu hiểu biết:

“Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải phóng các ngươi.” (Giăng 8:32).

“…Lời Ngài là Lẽ Thật.” (Giăng 17:17).

Vì thế, chúng ta hãy dùng sức mạnh của sự tự do Chúa ban cho chúng ta để sống một đời sống không còn bị phục dưới quyền của tội lỗi, một đời sống hoàn toàn đúng theo Lời Chúa, sinh ra nhiều bông trái thuộc linh, còn lại đời đời.

Là những người đã được tự do chúng ta phải sống như những người tự do. Tuy nhiên, chúng ta không được nhân danh sự tự do để làm ra những điều độc ác phục vụ cho sự tham muốn của xác thịt.

Thí dụ:

  1. Chúa ban ơn cho chúng ta có tài đánh đàn, có giọng hát hay; và chúng ta được tự do đàn, hát tôn vinh Chúa. Chúng ta đàn, hát tôn vinh Chúa vì chúng ta yêu kính Chúa và biết ơn Chúa, muốn thờ phượng Chúa và muốn mọi người khác nhận biết về Chúa qua sự thờ phượng Chúa của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta đàn, hát tôn vinh Chúa mà trong lòng lại mong muốn người khác khen ngợi mình, thán phục mình, say mê mình… thì chúng ta đã dùng danh Chúa để tạo vinh quang cho chính mình; và như vậy là chúng ta đã dùng sự tự do Chúa ban để làm cái màn che sự độc ác.
  2. Tương tự như vậy, nếu Chúa ban ơn cho chúng ta có sự hiểu biết Lời Chúa cách sâu nhiệm và ban cho chúng ta sự tự do rao giảng Lời Chúa, thì chúng ta nên vui mừng rao giảng Lời Chúa cho các anh chị em của mình. Nhưng nếu chúng ta rao giảng mà trong lòng lại mong muốn người khác khen ngợi mình, thán phục mình, say mê mình… thì chúng ta đã dùng danh Chúa để tạo vinh quang cho chính mình; và như vậy là chúng ta đã dùng sự tự do Chúa ban để làm cái màn che sự độc ác.
  3. Chúng ta có quyền tự do đọc Lời Chúa, tôn vinh Chúa, làm chứng, rao giảng trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh nhưng chúng ta phải theo thứ tự. Không thể nào một người đang hát tôn vinh Chúa hay đang làm chứng mà người khác lại đứng lên đọc một số câu Thánh Kinh hoặc dâng lời cầu nguyện! Nếu chúng ta không giữ trật tự trong khi Hội Thánh nhóm lại thì chúng ta đã dùng sự tự do Chúa ban để làm cái màn che sự độc ác. Sự độc ác trong trường hợp này là không vâng phục Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 14:26-40, làm lộn xộn buổi nhóm của Hội Thánh.

Xem mình như là nô lệ của Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa (Rô-ma 14:8). Chúng ta suy nghĩ, nói, và làm theo Lời Chúa. Chúng ta dâng mọi vinh quang lên Chúa, không bao giờ tìm kiếm sự vinh quang cho chính mình. Dâng sự vinh quang lên Chúa không phải chỉ bằng lời nói bên ngoài mà thật sự trong lòng chúng ta dâng sự vinh quang lên Chúa. Chúng ta vui mừng khi được người khác khen ngợi nhưng lòng chúng ta cung kính dâng lên Chúa sự khen ngợi đó và vui mừng càng hơn khi thấy Chúa đã ban cho mình cơ hội dâng vinh quang lên Chúa. Đừng tìm kiếm sự vinh quang cho mình mà bị Chúa đánh phạt như Vua Hê-rốt (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:23). Đời sống của chúng ta phải hoàn toàn đặt dưới thẩm quyền của Thánh Kinh và phải hoàn toàn dùng để tôn cao danh Chúa.

17 Hãy tôn trọng mọi người; yêu tình nghĩa giữa anh chị em. Hãy kính sợ Đức Chúa Trời. Hãy tôn trọng vua.

Chúng ta có bổn phận tôn trọng mọi người vì mỗi người đều mang lấy hình và tượng của Thiên Chúa. Chúng ta cần thẳng thắn nói lên hành động sai trái của một người, gọi người ấy là một tội nhân, và nếu thuộc về thẩm quyền của chúng ta thì khi cần chúng ta có thể thi hành hình phạt trên người ấy, nhưng chúng ta không được chửi mắng, làm nhục người ấy. Chúng ta phải tôn trọng một người nghèo khổ, thất học ngang với một người giàu có, học thức, và nắm giữ quyền thế. Sự yêu thương và kính mến của chúng ta đối với mỗi người có thể khác nhau, nhưng sự tôn trọng chúng ta dành cho mọi người phải như nhau, dựa trên nền tảng mỗi người là một tạo vật của Thiên Chúa, mang hình và tượng của Thiên Chúa.

Tình nghĩa giữa anh chị em: là tình yêu giữa anh chị em trong một gia đình. Là con dân Chúa, chúng ta có bổn phận yêu mọi người như là anh chị em của mình.

Hãy kính sợ Đức Chúa Trời là bổn phận hàng đầu của chúng ta. Kế tiếp là bổn phận tôn trọng các bậc cầm quyền, được tiêu biểu bởi vua.

“Ngươi chớ nói hỗn Thiên Chúa, và cũng đừng rủa sả người cai trị của dân ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:28).

Nếu chúng ta biết kính sợ Chúa và tôn trọng vua thì chúng ta sẽ không phạm các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Sự tôn trọng vua không cho phép chúng ta chửi mắng, chế giễu bậc cầm quyền cai trị chúng ta. Có một hình thức không tôn trọng bậc cầm quyền thường được sử dụng trong thời đại của chúng ta là tranh biếm họa hoặc hý họa. Biếm là chê cười; hý là giễu cợt; họa là vẽ. Chúng ta có thể thẳng thắn nói lên những sự sai trái, bất công, và thiếu sót của các bậc cầm quyền nhưng chúng ta phải tỏ thái độ tôn trọng quyền mà Đức Chúa Trời đã giao vào trong tay của họ.

18 Hỡi các tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà vâng phục các chủ; chẳng phải vâng phục những chủ hiền lành mà thôi, nhưng vâng phục những chủ khó tính nữa.

Là con dân Chúa, nếu chúng ta làm tôi tớ thì phải hết lòng kính sợ và vâng phục chủ, hoàn toàn làm việc theo ý của chủ miễn là không vi phạm luật pháp của Thiên Chúa và của quốc gia. Sự vâng phục của chúng ta là dựa trên thẩm quyền của người chủ chứ không phải dựa trên tính tình của người chủ. Nên nhớ, quyền của người chủ thuê mướn chúng ta cũng là một quyền được Thiên Chúa ban cho người ấy.

19 Vì tâm thức đối với Thiên Chúa, mà chịu khốn khổ trong khi bị oan ức, ấy là một điều đáng khen.

Trong khi chúng ta sống theo Lời Chúa, vâng phục các thẩm quyền, thì sẽ có nhiều lúc chúng ta bị cư xử oan ức, bất công. Nếu chúng ta đã nói lên tiếng nói của mình mà bậc thẩm quyền không nghe, vẫn cư xử bất công với chúng ta thì chúng ta cứ khoan nhẫn chịu đựng để không làm nghịch lại Lời Chúa. Chúng ta cầu nguyện, dâng trình nan đề lên Chúa và yên tâm vững tin vào sự công chính của Thiên Chúa. Ngài sẽ bênh vực và giải cứu chúng ta. Nhiều lúc, Chúa dùng sự hoạn nạn, bất công để rèn tập chúng ta cho những việc lớn mà Ngài sẽ giao cho chúng ta. Hãy nhớ lại câu chuyện cuộc đời của Giô-sép (Sáng Thế Ký 37-50). Vì thế, có khi chúng ta phải ở lại trong sự hoạn nạn và bất công một thời gian. Nếu chúng ta hiểu rằng, Chúa muốn chúng ta học tập trong cảnh ngộ ấy, thì chúng ta sẽ được an ủi, lại biết ơn và cảm tạ Chúa, mà bước đi trong nghịch cảnh.

20 Có gì là vinh quang nếu các anh chị em kiên trì khi bị đánh vì sự phạm tội của mình? Nhưng nếu các anh chị em làm lành, mà kiên trì trong sự khốn khó, ấy là điều đáng khen đối với Thiên Chúa.

Nếu chúng ta chịu khổ vì phạm tội thì chẳng có gì là vinh quang, nhưng nếu chúng ta vì sống theo Lời Chúa, làm những việc lành, nên bị bắt bớ, bị cư xử bất công, mà chúng ta vẫn kiên trì chịu đựng, thì chúng ta làm cho Chúa đẹp lòng. Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta. Đó là những việc xây dựng trên đức tin của chúng ta, sau khi qua lửa thử nghiệm vẫn còn lại đời đời (I Cô-rinh-tô 3:12-14).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/09/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Nguyên văn: “To issue a marriage license which conflicts with God’s definition of marriage, with my name affixed to the certificate, would violate my conscience. It is not a light issue for me. It is a Heaven or Hell decision. For me it is a decision of obedience. I have no animosity toward anyone and harbor no ill will. To me this has never been a gay or lesbian issue. It is about marriage and God’s Word.” Nguồn: http://www.christianpost.com/news/jailed-for-jesus-kentucky-clerk-sent-to-the-slammer-for-refusing-to-issue-marriage-licenses-to-gay-couples-144455/

[2] Nguyên văn: “God’s moral law conflicts with my job duties. You can’t be separated from something that’s in your heart and your soul.” Nguồn: http://www.christianpost.com/news/john-piper-on-whether-kim-davis-is-right-to-refuse-marriage-licenses-145263/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.