Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 07:01-22 Bài Giảng của Ê-tiên – Phần 1

1,234 views

YouTube: https://youtu.be/BQy7J-P0J0c

44018 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 7:1-22
Bài Giảng của Ê-tiên – Phần 1

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 7:1-22

1 Thầy tế lễ thượng phẩm đã hỏi: Vậy, các điều này có như vậy chăng?

2 Người đã giãi bày: Hỡi các người: các anh em và các cha! Xin hãy nghe! Đức Chúa Trời Vinh Quang đã hiện ra với Áp-ra-ham, tổ phụ của chúng ta. Người vốn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, trước khi người cư trú tại Cha-ran.

3 Ngài đã phán với người: Hãy ra khỏi đất của ngươi và khỏi bà con của ngươi! Hãy đi vào đất mà Ta sẽ chỉ cho ngươi!

4 Bấy giờ, người đã ra khỏi đất Canh-đê, cư trú tại Cha-ran. Sau đó, cha của người đã chết; Ngài đã dời người vào đất này, vào nơi mà giờ đây các ông đang cư trú.

5 Ngài đã chẳng ban cho người cơ nghiệp trong nó, chẳng một mảnh đất để đặt bàn chân. Nhưng Ngài đã hứa sẽ ban nó cho người để sở hữu và cho dòng dõi của người, theo sau người, dù người chưa có con. [Sáng Thế Ký 17:8]

6 Đức Chúa Trời đã phán như thế này: Rằng, dòng dõi của người sẽ kiều ngụ nơi đất khách. Họ sẽ nô lệ hóa chúng nó và hà hiếp chúng nó trong bốn trăm năm. [Sáng Thế Ký 15:13]

7 Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ phán xét dân mà chúng nó đã làm nô lệ cho. Sau đó, chúng nó sẽ ra đi và sẽ phụng sự Ta trong nơi này. [Sáng Thế Ký 15:14; Xuất Ê-díp-tô Ký 3:12]

8 Rồi, Ngài đã ban cho người giao ước của sự cắt bì. Vậy, Áp-ra-ham đã sinh I-sác và cắt bì cho người, trong ngày thứ tám. I-sác đã sinh Gia-cốp. Gia-cốp đã sinh mười hai tổ phụ.

9 Các tổ phụ đã ganh ghét, bán Giô-sép vào xứ Ê-díp-tô; nhưng Đức Chúa Trời đã ở với người.

10 Ngài đã giải cứu người khỏi mọi sự khốn khổ của người, cùng ban cho người ân điển và sự khôn sáng trước Pha-ra-ôn, vua của Ê-díp-tô; kẻ đã lập người cai quản trên xứ Ê-díp-tô và cả nhà mình.

11 Bấy giờ, cơn đói kém và sự khốn khổ lớn đã đến trên khắp đất Ê-díp-tô và Ca-na-an. Các tổ phụ của chúng ta đã chẳng tìm được các thức ăn.

12 Gia-cốp nghe có lúa mì trong xứ Ê-díp-tô, thì đã sai các tổ phụ của chúng ta qua đó lần thứ nhất.

13 Trong lần thứ nhì, Giô-sép đã được nhận biết bởi các anh em của người; và gia đình của Giô-sép đã được tỏ ra cho Pha-ra-ôn.

14 Giô-sép đã sai người gọi đón Gia-cốp, cha mình và cả nhà mình, gồm bảy mươi lăm linh hồn. [Sáng Thế Ký 46:27 ghi là 70 linh hồn vì không tính các cháu của Giô-sép lúc ấy chưa được sinh ra.]

15 Vậy, Gia-cốp đã đi xuống, vào xứ Ê-díp-tô, rồi chết; người và các tổ phụ của chúng ta.

16 Người đã được đem vào Si-chem, đặt nằm trong mộ mà Áp-ra-ham đã mua của con cháu Hê-mô, thuộc Si-chem, với giá tiền trả bằng bạc.

17 Nhưng, khi thời gian của lời hứa mà Đức Chúa Trời đã thề với Áp-ra-ham đã gần, dân chúng đã gia tăng và thêm nhiều trong xứ Ê-díp-tô;

18 cho tới khi một vua khác dấy lên, người chẳng biết Giô-sép. [Xuất Ê-díp-tô Ký 1:8]

19 Vua này dùng mưu hại bộ tộc của chúng ta và hà hiếp các tổ phụ của chúng ta, khiến họ từ bỏ những con sơ sinh của họ, để chúng không thể sống.

20 Trong lúc đó, Môi-se đã được sinh ra. Người đã xinh đẹp vô cùng và đã được nuôi ba tháng trong nhà của cha mình.

21 Khi người bị bỏ, con gái của Pha-ra-ôn đã tiếp nhận người và nuôi người làm con mình.

22 Môi-se đã được huấn luyện mọi sự khôn sáng của người Ê-díp-tô; có năng lực trong những lời nói và trong những việc làm.

Bài giảng của Chấp Sự Ê-tiên trước Tòa Công Luận là một bài tóm lược lịch sử của dân I-sơ-ra-ên suốt hơn một ngàn một trăm năm. Đó là khoảng thời gian bắt đầu với sự kiện Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham ra khỏi xứ Cha-ran, vào năm 2091 TCN; và kết thúc với sự kiện Vua Sa-lô-môn hoàn tất việc xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, còn gọi là Đền Thờ Thứ Nhất, vào năm 960 TCN [1], [2]. Bài giảng của Chấp Sự Ê-tiên cũng là một bài tóm lược các sự kiện đã được ghi chép trong Thánh Kinh, từ Sáng Thế Ký đoạn 12 đến I Các Vua đoạn 8 và II Sử Ký đoạn 6.

Nội dung bài giảng của Ê-tiên hoàn toàn đúng với Thánh Kinh và rất là quen thuộc với những người có mặt trong Tòa Công Luận. Nhưng sự chú giải của Ê-tiên là điều mà họ không thể chấp nhận; vì họ không thể hiểu Lời Chúa như Ê-tiên hiểu.

Họ và Ê-tiên cùng đọc, cùng nghe Thánh Kinh như nhau. Nhưng họ chỉ hiểu theo bề mặt của văn tự; vì họ không thật sự tin kính Thiên Chúa mà chỉ tìm kiếm danh, lợi, quyền trong thế gian; như lời Đức Chúa Jesus đã nói về họ, được ghi lại trong Ma-thi-ơ đoạn 23. Lý trí của họ đã bị chai cứng, bởi họ chỉ chú trọng và ham thích những sự thuộc về thế gian; nên có một cái màn đã che khuất sự vinh quang của lẽ thật Lời Chúa khỏi họ. Phao-lô đã viết về họ như sau:

Nhưng lý trí của họ đã bị chai cứng. Vì cho tới ngày nay, chính cái màn ấy vẫn còn ở trên sự đọc Cựu Ước, chẳng cất khỏi, mặc dù ấy là điều bị qua đi trong Đấng Christ. Vậy nên, mãi tới nay, khi các sách của Môi-se được đọc, cái màn ấy vẫn còn nằm ở trên tấm lòng của họ.” (II Cô-rinh-tô 3:14-15).

Nhưng Ê-tiên thì hiểu thấu những điều sâu nhiệm của Lời Chúa; vì ông có tấm lòng thật sự tin kính Thiên Chúa và khao khát lẽ thật; vì ai trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi họ (II Cô-rinh-tô 3:16).

Qua bài giảng của Ê-tiên, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, từ khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham cho tới khi Đền Thờ Thiên Chúa được xây dựng hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem. Và chúng ta cũng sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến cho Ê-tiên bị những kẻ theo Do-thái Giáo ném đá cho đến chết.

1 Thầy tế lễ thượng phẩm đã hỏi: Vậy, các điều này có như vậy chăng?

Thầy tế lễ thượng phẩm được nói đến trong câu này là An-ne. Ông đã hỏi Ê-tiên rằng, các lời của các chứng nhân cáo buộc Ê-tiên đã phạm thượng Đền Thờ và luật pháp của Thiên Chúa là có phải đúng như vậy không?

Công Vụ Các Sứ Đồ 6:13-15 đã ghi lại lời các chứng nhân tố cáo Ê-tiên theo sự suy diễn sai trật của họ; hoặc theo sự cố ý vu khống của họ. Họ tố cáo Ê-tiên đã giảng dạy rằng, nhân vật tên là Jesus, quê ở Na-xa-rét, sẽ phá hủy Đền Thờ và thay đổi các phong tục do Môi-se truyền lại cho dân I-sơ-ra-ên. Dù là suy diễn sai lời giảng dạy của Ê-tiên hay cố ý vu khống, thì lời chứng của họ là không đúng sự thật. Vì thế, họ là các chứng nhân dối.

Ê-tiên không phủ nhận ngay lời chứng dối của các chứng nhân. Nhưng ông trình bày những gì ông đã từng rao giảng, để Tòa Công Luận nhận biết rằng, ông không hề phạm thượng Đền Thờ Thiên Chúa hay luật pháp của Thiên Chúa.

2 Người đã giãi bày: Hỡi các người: các anh em và các cha! Xin hãy nghe! Đức Chúa Trời Vinh Quang đã hiện ra với Áp-ra-ham, tổ phụ của chúng ta. Người vốn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, trước khi người cư trú tại Cha-ran.

Câu “Hỡi các người: các anh em và các cha” là cách nói tỏ lòng tôn kính, tương tự như cách nói: Kính thưa quý vị, tôi xem quý vị như cha của tôi, như anh em của tôi.

Ê-tiên thuật lại nguồn gốc của dân I-sơ-ra-ên, bắt đầu với sự Đức Chúa Trời đã chọn và kêu gọi Áp-ra-ham. Áp-ra-ham là một người thuộc dân Hê-bơ-rơ. Sau khi ông đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời, hết lòng tin cậy Ngài và vâng phục Ngài, thì ông đã trở thành tổ phụ của một dân mới, gọi là dân I-sơ-ra-ên. Tên I-sơ-ra-ên là do Đức Chúa Trời đặt cho Gia-cốp, cháu nội của Áp-ra-ham. Mười hai con trai của Gia-cốp trở thành mười hai tộc trưởng của dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, dân I-sơ-ra-ên cũng chính là dân Hê-bơ-rơ.

Danh xưng “Đức Chúa Trời Vinh Quang” được Ê-tiên dùng ở đây, có lẽ là lấy ý trong một câu của Thi Thiên:

Tiếng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên các nguồn nước. Thiên Chúa Vinh Quang sấm sét. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên nhiều nguồn nước.” (Thi Thiên 29:3).

Trong I Cô-rinh-tô 2:8, Phao-lô cũng gọi Đấng Christ là “Chúa của sự vinh quang”.

Sinh quán của Áp-ra-ham là thành U-rơ, thuộc khu vực đồng bằng Mê-sô-bô-ta-mi của xứ Canh-đê (Sáng Thế Ký 11:31). Mê-sô-bô-ta-mi có nghĩa là: hai dòng sông; trong tiếng Hán Việt là: lưỡng hà; để chỉ vùng đồng bằng nằm giữa hai con sông Ơ-phơ-rát và Ti-rít (Euphrates và Tigrit). Thành U-rơ ở về phía tây hạ lưu của sông Ơ-phơ-rát, gần với vịnh Ba-tư. Cha của Áp-ra-ham là Tha-rê đã dẫn vợ chồng Áp-ra-ham (lúc ấy tên là Áp-ram) cùng gia đình người cháu là Lót, di cư về xứ Ca-na-an. Nhưng khi đến Cha-ran thì họ đã định cư tại đó.

3 Ngài đã phán với người: Hãy ra khỏi đất của ngươi và khỏi bà con của ngươi! Hãy đi vào đất mà Ta sẽ chỉ cho ngươi!

4 Bấy giờ, người đã ra khỏi đất Canh-đê, cư trú tại Cha-ran. Sau đó, cha của người đã chết; Ngài đã dời người vào đất này, vào nơi mà giờ đây các ông đang cư trú.

Khi Đức Chúa Trời hiện ra, phán gọi Áp-ra-ham thì ông đang định cư tại Cha-ran; và cha của ông là Tha-rê đã qua đời. Áp-ra-ham đã đáp lời kêu gọi của Đức Chúa Trời, dẫn gia đình Lót cùng đi với ông; nhưng ông không biết trước là đi đâu:

Bởi đức tin, Áp-ra-ham khi được kêu gọi ra đi để đến một nơi mà ông sẽ nhận làm cơ nghiệp, thì ông đã vâng lời, ra đi mà không biết mình đi đâu.” (Hê-bơ-rơ 11:8).

Đất này” là đất Ca-na-an mà những người trong Tòa Công Luận đang cư trú.

5 Ngài đã chẳng ban cho người cơ nghiệp trong nó, chẳng một mảnh đất để đặt bàn chân. Nhưng Ngài đã hứa sẽ ban nó cho người để sở hữu và cho dòng dõi của người, theo sau người, dù người chưa có con. [Sáng Thế Ký 17:8]

Đức Chúa Trời đã hứa ban xứ Ca-na-an cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông làm cơ nghiệp đời đời, ngay từ khi ông chưa có con và gần như không thể sinh con; vì vợ chồng ông đã gần trăm tuổi.

Trong Sáng Thế Ký 12:7, Đức Chúa Trời hứa sẽ ban đất Ca-na-an cho dòng dõi của Áp-ra-ham.

Trong Sáng Thế Ký 13:15, Đức Chúa Trời hứa sẽ ban đất Ca-na-an cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông cho tới đời đời.

Trong Sáng Thế Ký 15:7, Đức Chúa Trời hứa sẽ ban đất Ca-na-an cho Áp-ra-ham làm cơ nghiệp.

Trong Sáng Thế Ký 15:18, Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ra-ham và hứa sẽ ban cho dòng dõi của ông vùng đất trải dài từ sông Ê-díp-tô, tức sông Ni-lơ, cho đến sông Ơ-phơ-rát.

Trong Sáng Thế Ký 17:8, Đức Chúa Trời hứa sẽ ban toàn xứ Ca-na-an cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông cho tới đời đời.

Qua Sáng Thế Ký 15:18 và 17:8, chúng ta hiểu rằng, vùng đất gọi là “toàn xứ Ca-na-an” là vùng đất phía tây giáp sông Ni-lơ, phía đông giáp sông Ơ-phơ-rát. Chúng ta không có ranh giới cho phía bắc và phía nam.

Tuy nhiên, trong đời của Áp-ra-ham, ông đã chẳng sở hữu được một phần đất nào trong xứ Ca-na-an. Khoảng thời gian Áp-ra-ham và cả I-sác, con trai của ông, Gia-cốp, cháu nội của ông, sống trên đất Ca-na-an, thì họ chỉ là những ngoại kiều.

Bởi đức tin, ông đã kiều ngụ trong vùng đất hứa như đất ngoại quốc, ở trong các lều trại với I-sác và Gia-cốp, các người đồng kế tự một lời hứa với ông.” (Hê-bơ-rơ 11:9).

Chúng ta cần suy nghĩ chi tiết này, lời hứa của Đức Chúa Trời về việc sẽ ban đất Ca-na-an làm cơ nghiệp đời đời cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông đã không hiện thực trong đời của Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp. Nhưng đã hiện thực hơn bốn trăm năm sau khi lời hứa được tuyên lập. Qua đó, chúng ta hiểu rằng, một ngày kia, Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp sẽ được sống lại để nhận đất Ca-na-an làm cơ nghiệp đời đời cùng với các con cháu của họ là dân I-sơ-ra-ên. Chính lời phán của Đức Chúa Jesus đã khẳng định:

Về sự sống lại của những kẻ chết, các ngươi không đọc lời đã phán với các ngươi bởi Đức Chúa Trời sao? Ngài đã phán: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của I-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Đức Chúa Trời không phải Thiên Chúa của những kẻ chết, nhưng của những người sống.” (Ma-thi-ơ 22:31-32).

Không riêng gì Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, mỗi một con dân chân thật của Chúa cũng sẽ được hưởng một phần cơ nghiệp trên đất:

Người công chính sẽ thừa hưởng đất, và ở tại đó mãi mãi.” (Thi Thiên 37:29).

Và chúng ta nên nhớ, trong trời mới đất mới, trái đất có lẽ sẽ lớn hơn kích thước hiện tại gấp ngàn lần. Vùng đất Ca-na-an cũng sẽ rộng hơn gấp ngàn lần. Có như vậy thì thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trời với kích thước vuông vức mỗi bề 2.220 km và chiều cao cũng 2.220 km mới có thể giáng xuống trên đất (Khải Huyền 21:16). Nói cách khác, Đức Chúa Trời có đủ đất để ban cho mỗi con dân của Ngài làm cơ nghiệp đời đời.

6 Đức Chúa Trời đã phán như thế này: Rằng, dòng dõi của người sẽ kiều ngụ nơi đất khách. Họ sẽ nô lệ hóa chúng nó và hà hiếp chúng nó trong bốn trăm năm. [Sáng Thế Ký 15:13]

Nô lệ hóa” có nghĩa là bắt làm nô lệ. Người nô lệ hoàn toàn thuộc về chủ như một thứ tài sản, phục vụ chủ như các loài gia súc.

Vì một mục đích tốt đẹp Đức Chúa Trời dành cho dân I-sơ-ra-ên mà Ngài đã khiến họ lưu lạc đến xứ Ê-díp-tô; và bị dân ấy bắt làm nô lệ trong suốt 400 năm. Bốn trăm là mười lần của bốn mươi. Con số 10 tiêu biểu cho sự trọn vẹn trong thứ tự, trong luật pháp, trong bổn phận. Con số 40 tiêu biểu cho khoảng thời gian thử thách. Vậy, 400 năm dân I-sơ-ra-ên làm nô lệ là khoảng thời gian thử thách trọn vẹn đối với dân tộc I-sơ-ra-ên, để khiến họ trở nên nhu mì, khiêm nhường; sẵn sàng làm con dân của Đức Chúa Trời, rao truyền Lời của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài cho nhân loại. Lời Chúa khẳng định rằng:

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Câu chuyện của Gióp, của Giô-sép, của Đa-ni-ên và ba người bạn của ông đã chứng minh cho lẽ thật của Rô-ma 8:28.

Tuy nhiên, lịch sử của dân I-sơ-ra-ên đã cho chúng ta thấy, họ là một dân cứng lòng, ương ngạnh, không vâng phục Thiên Chúa. Mà chúng ta cũng có thể nói rằng, dân I-sơ-ra-ên tiêu biểu cho sự cứng lòng, ương ngạnh, chống nghịch Đức Chúa Trời của mọi dân tộc. Ân điển Đức Chúa Trời ban cho dân I-sơ-ra-ên tiêu biểu cho ân điển mà Ngài ban cho mọi dân tộc. Chỉ cần họ tin nhận Ngài, hạ mình, ăn năn, xưng tội.

Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 33:12).

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, mọi nghịch cảnh Chúa cho phép xảy đến với chúng ta là để rèn luyện chúng ta. Trừ khi, nghịch cảnh là hậu quả sự phạm tội hoặc sự thiếu quyết tâm, thiếu đức tin làm theo Lời Chúa của chúng ta, thì đó là hình phạt.

7 Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ phán xét dân mà chúng nó đã làm nô lệ cho. Sau đó, chúng nó sẽ ra đi và sẽ phụng sự Ta trong nơi này. [Sáng Thế Ký 15:14; Xuất Ê-díp-tô Ký 3:12]

Dù Đức Chúa Trời dùng dân Ê-díp-tô để rèn luyện dân I-sơ-ra-ên; nhưng sự gian ác của dân Ê-díp-tô đối với dân I-sơ-ra-ên vẫn bị Ngài phán xét. Dân Ê-díp-tô có thể bắt dân I-sơ-ra-ên làm nô lệ, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng dân Ê-díp-tô cũng có thể đối xử cách nhân từ với dân I-sơ-ra-ên. Nếu dân Ê-díp-tô đối xử cách nhân từ với dân I-sơ-ra-ên thì họ sẽ không bị Đức Chúa Trời hình phạt.

Đức Chúa Trời đã định trước thời điểm mà Ngài sẽ đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và họ sẽ thờ phượng Ngài tại núi Si-na-i.

8 Rồi, Ngài đã ban cho người giao ước của sự cắt bì. Vậy, Áp-ra-ham đã sinh I-sác và cắt bì cho người, trong ngày thứ tám. I-sác đã sinh Gia-cốp. Gia-cốp đã sinh mười hai tổ phụ.

Sáng Thế Ký 17:1 cho chúng ta biết, khi Áp-ra-ham được 99 tuổi thì Đức Chúa Trời đã hiện đến với ông và lập giao ước với ông. Cũng trong dịp đó, Đức Chúa Trời đã đổi tên của ông từ Áp-ram thành Áp-ra-ham. Áp-ram có nghĩa là: cha cao quý; còn Áp-ra-ham có nghĩa là: cha của nhiều dân tộc.

Nội dung của giao ước bao gồm các khoản sau đây:

Về phần của Đức Chúa Trời:

  • Ngài sẽ làm cho Áp-ra-ham sinh sản rất nhiều, sẽ làm cho con cháu của ông trở thành nhiều nước, nhiều vua.

  • Ngài sẽ khiến cho giao ước còn lại đời đời để Ngài mãi là Thiên Chúa của Áp-ra-ham và của con cháu của ông.

  • Ngài sẽ ban cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông vùng đất mà ông đang kiều ngụ cùng toàn thể xứ Ca-na-an làm cơ nghiệp đời đời.

Về phần của Áp-ra-ham và con cháu của ông: Mỗi người nam trong nhà của Áp-ra-ham và trong nhà con cháu của ông đều phải chịu cắt bì, bất kể là con cháu được sinh ra trong nhà hay những nô lệ mua về từ các dân ngoại. Trẻ sơ sinh nam phải được cắt bì vào ngày thứ tám, sau khi sinh. Sự cắt bì được dùng làm dấu hiệu cho sự Áp-ra-ham và con cháu của ông tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, đức tin thể hiện thành hành động vâng phục; và biệt riêng họ ra khỏi những người không có lời hứa. Vì thế, giao ước đó được gọi là giao ước của sự cắt bì.

Sự cắt bì là sự cắt bỏ lớp da bao quanh đầu dương vật. Chúng ta có thể hiểu rằng, vào buổi ban đầu, khi loài người chưa phạm tội, lớp da bao quanh đầu dương vật của người nam có chức năng bảo vệ phần nhạy cảm của đầu dương vật và có thể dễ dàng tuột vào phía sau, trong khi tắm rửa. Nhưng sau khi loài người phạm tội, thân thể xác thịt bị suy thoái, lớp da bao quanh đầu dương vật khó tuột vào phía sau, gây ra sự tích tụ các chất bẩn, gây nhiễm trùng nơi đầu dương vật; hoặc gây đau đớn khi quan hệ tình dục. Vì thế, sự cắt bì là cần thiết cho sự giữ gìn vệ sinh thân thể của người nam, tránh tối đa các chứng bệnh lây lan qua sự quan hệ tình dục, ảnh hưởng đến sự gia tăng dân số.

Sự cắt bì còn được dùng để tiêu biểu cho sự cắt đi phần lương tâm chai cứng vì tội lỗi của loài người. Đó là điều chính Đấng Christ sẽ làm ra cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài:

Tôi nói rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã là người phục vụ cho sự cắt bì vì lẽ thật của Thiên Chúa, để xác nhận những lời hứa cùng các tổ phụ.” (Rô-ma 15:8).

Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:11).

Chính vì thế mà ngày nay, con dân Chúa không cần phải cắt bì trên thân thể xác thịt để được ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Họ đã được cắt bì thuộc linh bởi Đấng Christ.

Có ai được gọi mà đã chịu cắt bì chăng? Người ấy đừng trở nên không chịu cắt bì. Có ai được gọi trong sự không chịu cắt bì chăng? Người ấy đừng chịu cắt bì. Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:18-19).

Tuy nhiên, nếu người nào có lớp da bao quy đầu khó tuột về phía sau, thì nên cắt bì. Các bậc cha mẹ cũng có thể cho con trai mới sinh của mình cắt bì. Thời điểm tốt nhất để cắt bì cho trẻ sơ sinh là ngày thứ tám, sau khi sinh. Vì y khoa đã chứng minh rằng, vào ngày ấy, thân thể của đứa bé có sức miễn nhiễm mạnh nhất, dễ dàng tránh được sự nhiễm trùng.

9 Các tổ phụ đã ganh ghét, bán Giô-sép vào xứ Ê-díp-tô; nhưng Đức Chúa Trời đã ở với người.

10 Ngài đã giải cứu người khỏi mọi sự khốn khổ của người, cùng ban cho người ân điển và sự khôn sáng trước Pha-ra-ôn, vua của Ê-díp-tô; kẻ đã lập người cai quản trên xứ Ê-díp-tô và cả nhà mình.

Giô-sép là người con thứ mười một của Gia-cốp và được Gia-cốp yêu hơn các anh của ông; có lẽ vì Giô-sép là con đầu lòng của Ra-chên, người vợ yêu của Gia-cốp; và vì Giô-sép ngoan hiền. Các anh của Giô-sép đã ganh ghét Giô-sép; vì Giô-sép được cha yêu và may cho một chiếc áo nhiều màu. Nhưng khi Giô-sép thuật lại hai giấc mơ của mình, hàm ý, sau này Giô-sép sẽ cầm quyền trên các anh thì họ càng giận ghét Giô-sép hơn. Vì thế, họ đã bán Giô-sép qua xứ Ê-díp-tô, làm nô lệ.

Trong khi lưu lạc tha hương, Giô-sép được Đức Chúa Trời ban ơn và thử thách. Giô-sép luôn giữ lòng tin kính Đức Chúa Trời; nên sau 13 năm chịu thử thách, ông đã được làm tể tướng xứ Ê-díp-tô, trông coi lương thực trong khắp xứ.

11 Bấy giờ, cơn đói kém và sự khốn khổ lớn đã đến trên khắp đất Ê-díp-tô và Ca-na-an. Các tổ phụ của chúng ta đã chẳng tìm được các thức ăn.

12 Gia-cốp nghe có lúa mì trong xứ Ê-díp-tô, thì đã sai các tổ phụ của chúng ta qua đó lần thứ nhất.

Khi Giô-sép lên làm tể tướng xứ Ê-díp-tô thì Đức Chúa Trời đã ban cho khắp xứ có bảy năm trúng mùa. Giô-sép đã cho thu mua lương thực khắp nơi, tồn trữ trong các nhà kho của các thành. Số lúa mì được tích trữ nhiều đến nỗi không thể đếm (Sáng Thế Ký 41:49). Kế tiếp bảy năm trúng mùa là bảy năm mất mùa xảy ra, y như Đức Chúa Trời đã cho vua xứ Ê-díp-tô nằm mơ, và được Giô-sép giải thích. Dân Ê-díp-tô và dân xứ Ca-na-an đều lâm vào cảnh đói kém, phải tìm đến Giô-sép để mua lương thực.

Gia-cốp từ xứ Ca-na-an, nghe tin xứ Ê-díp-tô có bán lúa mì thì sai các con trai của mình đến Ê-díp-tô để mua. Khi Giô-sép nhìn thấy các anh của mình thì ông nhận ra họ, nhưng họ không nhận ra ông. Giô-sép lập mưu để ép các anh của mình, lần sau đến mua lúa phải đem em út là Bên-gia-min đến, cho ông gặp mặt. Bên-gia-min là em cùng mẹ với Giô-sép và là con út của Gia-cốp.

13 Trong lần thứ nhì, Giô-sép đã được nhận biết bởi các anh em của người; và gia đình của Giô-sép đã được tỏ ra cho Pha-ra-ôn.

Trong lần thứ nhì sang Ê-díp-tô mua lúa, các anh của Giô-sép đã phải mang theo Bên-gia-min. Giô-sép lại lập mưu để bắt giữ Bên-gia-min lại. Các anh của Giô-sép than khóc, vì e rằng, khi trở về, không có Bên-gia-min thì Gia-cốp sẽ đau lòng mà chết. Lúc ấy, Giô-sép không thể cầm lòng được nữa, nên nói thật mọi chuyện với các anh em của mình.

Câu chuyện đến tai vua xứ Ê-díp-tô và vua truyền cho Giô-sép thu xếp, đón cha và gia đình của các anh em qua định cư tại xứ Ê-díp-tô.

14 Giô-sép đã sai người gọi đón Gia-cốp, cha mình và cả nhà mình, gồm bảy mươi lăm linh hồn. [Sáng Thế Ký 46:27 ghi là 70 linh hồn vì không tính các cháu của Giô-sép lúc ấy chưa được sinh ra.]

15 Vậy, Gia-cốp đã đi xuống, vào xứ Ê-díp-tô, rồi chết; người và các tổ phụ của chúng ta.

Sáng Thế Ký 46:26 ghi lại toàn bộ những con cháu trong gia đình Gia-cốp, theo ông đến xứ Ê-díp-tô là 66 linh hồn. Sáng Thế Ký 46:27 tính luôn Gia-cốp, Giô-sép và hai con trai của Giô-sép là 70 linh hồn. Xuất Ê-díp-tô Ký 1:5 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:22 đều khẳng định số người nhà của Gia-cốp vào xứ Ê-díp-tô là 70 linh hồn. Danh từ “linh hồn” được dùng thay vì danh từ “người” để nhấn mạnh đến phần thuộc linh của những người ở trong giao ước của Đức Chúa Trời.

Trong Bản Dịch 70 [3] là bản dịch Thánh Kinh từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp đầu tiên, cũng là bản dịch đã được Chúa và các môn đồ của Ngài sử dụng, thì Sáng Thế Ký 46:27 ghi là:

Các con cháu của Giô-sép ở với người, tại Ê-díp-tô, là chín linh hồn. Hết thảy các linh hồn của nhà Gia-cốp, những người theo Gia-cốp vào xứ Ê-díp-tô, là bảy mươi lăm linh hồn.”

Như vậy, Bản Dịch 70 đã thêm chín người trong gia đình Giô-sép (con và cháu của Giô-sép) với 66 người từ Ca-na-an đến Ê-díp-tô thành tổng số 75 người; mặc dù lúc ấy các cháu của Giô-sép chưa được sinh ra. Con số 75 này ngoại trừ Gia-cốp và Giô-sép.

Ê-tiên đã trích dẫn Thánh Kinh theo Bản Dịch 70. Bản Dịch 70 dựa trên các bản chép tay tiếng Hê-bơ-rơ để dịch. Chúng ta không biết rõ vì sao Bản Dịch 70 đã không dịch Sáng Thế Ký 46:27 đúng theo nguyên ngữ Hê-bơ-rơ.

Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ do chính Môi-se viết, có lẽ vào khoảng năm 1446 TCN khi ông ở trên núi Si-na-i hai lần, mỗi lần 40 ngày và 40 đêm. Bản Dịch 70 được hoàn tất vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba TCN, nghĩa là khoảng 1.200 năm sau khi nguyên ngữ Hê-bơ-rơ được hoàn tất. Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ ba lần khẳng định số người nhà của Gia-cốp có mặt tại Ê-díp-tô, trong ngày Gia-cốp đến sống tại đó là 70 linh hồn: Sáng Thế Ký 46:27; Xuất Ê-díp-tô Ký 1:5; Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:22. Trong khi đó, Bản Dịch 70 ghi là 75 linh hồn trong Sáng Thế Ký 46:27 và Xuất Ê-díp-tô Ký 1:5; nhưng lại giữ nguyên là 70 linh hồn trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:22. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng, các người phụ trách phiên dịch sách Sáng Thế Ký và Xuất Ê-díp-tô Ký của Bản Dịch 70 đã thêm chín linh hồn thuộc con cháu của Giô-sép vào con số 66 linh hồn đến từ Ca-na-an.

Xét về phương diện xác thực của số linh hồn thuộc gia đình Gia-cốp thì con số 70 và con số 75 đều đúng theo hai cách đếm khác nhau. Cách đếm trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là chỉ đếm luôn Gia-cốp, Giô-sép, và hai con của Giô-sép; vì khi ấy các cháu của Giô-sép chưa được sinh ra. Cách đếm của Bản Dịch 70 là đếm luôn các con cháu của Giô-sép nhưng không đếm Gia-cốp và Giô-sép.

Mặc dù Bản Dịch 70 không phải là nguyên tác của Thánh Kinh, nhưng nó đã được chính Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài trong Hội Thánh buổi ban đầu sử dụng. Trong các câu phán có trích dẫn từ Cựu Ước của Đức Chúa Jesus, có khoảng 90% là trích dẫn từ Bản Dịch 70 và khoảng 10% là trích dẫn từ nguyên ngữ Hê-bơ-rơ. Chúng ta có thể xem, việc Bản Dịch 70 không dịch sát nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh hai câu Sáng Thế Ký 46:27 và Xuất Ê-díp-tô Ký 1:5 là một trong các lỗi không nên có trong sự phiên dịch.

Qua sự kiện này, chúng ta học được một điều quan trọng như sau: Chúa vẫn cho phép có một số lỗi xảy ra trong sự phiên dịch Thánh Kinh và ngay cả trong việc sao chép nguyên tác của Thánh Kinh. Nhưng các lỗi ấy không làm sai lạc các lẽ thật trong Lời Chúa. Có lẽ lý do Chúa cho phép các lỗi sao chép và phiên dịch Thánh Kinh xảy ra là để cho chúng ta biết rằng, loài người dù hết lòng tin kính Chúa, hết lòng phụng sự Chúa, nhưng ngày nào còn sống trong thân thể xác thịt đang bị hư hoại thì vẫn chưa được trọn vẹn. Mọi việc chúng ta làm trong danh Chúa, làm theo Lời Chúa đều được xem là trọn vẹn khi chúng ta hết lòng làm và được Chúa tiếp nhận chúng. Nhưng tự mỗi việc chúng ta làm thì không trọn vẹn. Điều đó tương tự như một đứa bé hết lòng, hết sức, vẽ hình của cha nó, tặng cho cha nó. Nét vẽ của đứa bé là không trọn vẹn nhưng tấm lòng của nó và sự tiếp nhận của cha nó khiến cho việc làm của đứa bé trở nên trọn vẹn.

16 Người đã được đem vào Si-chem, đặt nằm trong mộ mà Áp-ra-ham đã mua của con cháu Hê-mô, thuộc Si-chem, với giá tiền trả bằng bạc.

Theo Sáng Thế Ký 50:13 cho biết, các con trai của Gia-cốp đã chôn xác ông trong hang đá của đồng Mặc-bê-la, đối ngang Mam-rê, thuộc Hếp-rôn, mà Áp-ra-ham đã mua chung với một khu đất của Ép-rôn, người Hê-tít, dùng làm mộ địa. Áp-ra-ham đã mua khu đất này với giá 400 siếc-lơ bạc để làm nơi chôn cất vợ của ông là Sa-ra (Sáng Thế Ký 23). Về sau, chính Áp-ra-ham; I-sác; Rê-bê-ca, vợ của I-sác; và Lê-a, vợ của Gia-cốp cũng đã được chôn cất tại đó.

Theo Giô-suê 24:32 thì hài cốt của Giô-sép đã được dân I-sơ-ra-ên mang theo, khi họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và được chôn ở Si-chem, trong cánh đồng mà Gia-cốp đã mua từ con cháu Hê-mô, với giá 100 miếng bạc.

Rất có thể, khi hài cốt của Giô-sép được chôn tại Si-chem thì hài cốt của Gia-cốp, của các anh em Giô-sép, cùng với hài cốt của Áp-ra-ham, Sa-ra, I-sác, Rê-bê-ca, và Lê-a đã được đưa từ Hếp-rôn về cải táng tại Si-chem. Theo Sử Gia Josephus, người Do Thái, sống vào thế kỷ thứ nhất, thì khi 11 anh em của Giô-sép qua đời, họ đã được con cháu mang về chôn tại Hếp-rôn [4].

Tuy nhiên, Thánh Kinh không nói đến việc Áp-ra-ham mua một khu đất tại Si-chem, dù đó là nơi ông dừng chân đầu tiên, khi ông mới đến Ca-na-an (Sáng Thế Ký 12:6). Mà chỉ nói đến việc Gia-cốp mua một khu đất tại Si-chem từ con cháu Hê-mô, với giá 100 miếng bạc (Sáng Thế Ký 33:19; Giô-suê 24:32). Một số nhà giải kinh cho rằng, tên của Áp-ra-ham đã được những người sao chép sách Công Vụ Các Sứ Đồ thêm vào cách nhầm lẫn. Có lẽ nguyên tác của Công Vụ Các Sứ Đồ 7:16 là: “Người đã được đem vào Si-chem, đặt nằm trong mộ mà người đã mua của con cháu Hê-mô, thuộc Si-chem, với giá tiền bằng bạc.”

17 Nhưng, khi thời gian của lời hứa mà Đức Chúa Trời đã thề với Áp-ra-ham đã gần, dân chúng đã gia tăng và thêm nhiều trong xứ Ê-díp-tô;

18 cho tới khi một vua khác dấy lên, người chẳng biết Giô-sép. [Xuất Ê-díp-tô Ký 1:8]

Lời hứa mà Đức Chúa Trời đã thề với Áp-ra-ham đã gần” là lời hứa về sự dân I-sơ-ra-ên sẽ bị dân Ê-díp-tô bắt làm nô lệ sắp ứng nghiệm (Sáng Thế Ký 15:13).

Danh từ “dân chúng” dùng trong câu này để chỉ về dân I-sơ-ra-ên.

Dân I-sơ-ra-ên được sự ban phước của Chúa, được cắt bì để tránh bị lây nhiễm các chứng bệnh trong khi quan hệ tình dục, nên đã sinh đẻ ra nhiều và khỏe mạnh.

Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 12:40-41 thì thời gian dân I-sơ-ra-ên kiều ngụ trong xứ Ê-díp-tô là 430 năm. Như vậy, trong 30 năm đầu, từ khi cả nhà Gia-cốp di cư đến Ê-díp-tô thì dân I-sơ-ra-ên đã được sống an cư, lạc nghiệp. Đó là nhờ Giô-sép có công với xứ Ê-díp-tô và được ơn trước vua của Ê-díp-tô. Trong 30 năm đó, nhân số 70 người có thể đã tăng lên hàng chục ngàn người. Cuối của 30 năm đó, một vua khác của Ê-díp-tô dấy lên và chẳng kể đến công lao của Giô-sép.

19 Vua này dùng mưu hại bộ tộc của chúng ta và hà hiếp các tổ phụ của chúng ta, khiến họ từ bỏ những con sơ sinh của họ, để chúng không thể sống.

Vua mới của Ê-díp-tô không những chẳng kể đến công lao của Giô-sép mà còn hà hiếp dân I-sơ-ra-ên, vừa bắt dân I-sơ-ra-ên làm nô lệ, xây dựng các công trình quốc gia, vừa thi hành kế sách triệt sản họ bằng cách giết chết các trẻ con sơ sinh phái nam, để ngăn chặn sự gia tăng dân số của họ. Theo lệnh của vua, các bà mụ phải giết hết các con trai mới sinh của dân I-sơ-ra-ên, lúc ấy gọi là dân Hê-bơ-rơ. Vì các bà mụ không thi hành lệnh của vua nên vua truyền cho dân Ê-díp-tô bắt các con trai mới sinh của người I-sơ-ra-ên, ném xuống sông. Chi tiết về sự bách hại này đã được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 1.

20 Trong lúc đó, Môi-se đã được sinh ra. Người đã xinh đẹp vô cùng và đã được nuôi ba tháng trong nhà của cha mình.

Ngay trong thời điểm sự bách hại dân I-sơ-ra-ên bắt đầu thì Môi-se đã được sinh ra. Ngay từ khi được sinh ra, Môi-se đã có dung mạo xinh đẹp khác thường. Cha mẹ của ông đã lén lút giấu ông trong nhà suốt ba tháng. Sau đó, họ đã đành phải cho ông vào một cái rương mây, thả trôi trên sông, và sai chị của ông đi theo canh chừng.

21 Khi người bị bỏ, con gái của Pha-ra-ôn đã tiếp nhận người và nuôi người làm con mình.

Vua của Êdíp-tô được gọi bằng danh xưng Pha-ra-ôn. Nghĩa của “Pha-ra-ôn” là: căn nhà lớn; tiêu biểu cho người cầm quyền. Con gái của Pha-ra-ôn tức là công chúa.

Bởi sự quan phòng và sự định trước của Thiên Chúa, Ngài đã khiến công chúa của Ê-díp-tô ra sông tắm, nhìn thấy rương mây giữa đám sậy; nên đã sai các tì nữ vớt lên. Khi thấy Môi-se trong rương mây, công chúa biết đó là con của người I-sơ-ra-ên. Công chúa động lòng thương xót, nhận Môi-se làm con nuôi. Chị của Môi-se thấy vậy, đến gần, hỏi công chúa có cần tìm người vú nuôi cho Môi-se hay không. Công chúa đồng ý. Chị của Môi-se về nhà, gọi mẹ đến gặp công chúa để nhận làm vú nuôi của Môi-se. Công chúa giao Môi-se cho mẹ của Môi-se và trả tiền công cho mẹ của Môi-se. Khi Môi-se đã khôn lớn thì được mẹ đưa vào cung điện, giao cho công chúa. Tên Môi-se là do công chúa đặt cho ông, có nghĩa là: được cứu khỏi nước.

22 Môi-se đã được huấn luyện mọi sự khôn sáng của người Ê-díp-tô; có năng lực trong những lời nói và trong những việc làm.

Vì là con nuôi của công chúa nên Môi-se đã được huấn luyện mọi sự khôn sáng của người Ê-díp-tô. Sự huấn luyện đó bao gồm cả văn lẫn võ. Vào thời bấy giờ, Ê-díp-tô là đất nước có nền văn minh vượt trội hơn các quốc gia khác.

Có năng lực trong những lời nói là lời nói thể hiện sự khôn sáng và hợp lý, bắt phục người nghe.

Có năng lực trong những việc làm là việc làm không sai trái, đem lại kết quả mĩ mãn.

Theo Sử Gia Josephus, Môi-se là một tướng quân của Ê-díp-tô đã đánh bại đoàn quân Ê-thi-ô-bi, khi đoàn quân này xâm lược Ê-díp-tô [5].

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/08/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[2] https://drivethruhistory.com/the-temple-in-jerusalem/

[3] https://thewordtoyou.net/dictionary/B%E1%BA%A3n%20D%E1%BB%8Bch%2070

[4] Antiquities of the Jews, book 2, chapter 8, section 2
http://penelope.uchicago.edu/josephus/ant-2.html

[5] Antiquities of the Jews, book 2, chapter 10, sections 1. 2. 3.
http://penelope.uchicago.edu/josephus/ant-2.html

Karaoke Thánh Ca: “Và từ Hôm Nay”
https://karaokethanhca.net/va-tu-hom-nay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.