Loài Người (04): Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần – Phần 1

6,289 views

Loài Người (04): Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần – Phần 1

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi

Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết

Dẫn Nhập

Trong bài trước, chúng ta đã cùng nhau học biết về tâm thần của loài người. Chúng ta đã biết rằng, tâm thần chính là thân thể thiêng liêng của chúng ta, được hình thành từ hơi thở sống của Thiên Chúa. Tâm thần nhận thức về thế giới thuộc linh, sinh hoạt trong thế giới thuộc linh. Tâm thần của những người chưa được cứu thì chỉ biết thông công với Ma Quỷ và thờ phượng Ma Quỷ. Tâm thần của những người đã được cứu thì được phục hồi mối tương giao với Thiên Chúa và nhận được năng lực từ Đức Thánh Linh để thờ phượng Thiên Chúa, hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, và giúp cho linh hồn, tức con người, sống một đời sống vâng phục Thiên Chúa. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của những câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần.

Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần

Dưới đây là một số câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần và ý nghĩa của chúng:


“Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, ấy là thần trí tan nát. Thiên Chúa ôi! Lòng tan nát, vỡ vụn Ngài sẽ không khinh dể đâu.” (Thi Thiên 51:17).

Thi Thiên 51 là bài cầu nguyện xưng tội của Vua Đa-vít, sau khi Tiên Tri Na-than vâng lời Thiên Chúa đến gặp vua để chỉ ra tội ngoại tình, giết chồng đoạt vợ của vua. (Câu chuyện Đa-vít phạm tội được ghi lại trong II Sa-mu-ên 11 và 12). Các tôn giáo dùng hình thức dâng lễ vật lên các thần linh để xoa dịu cơn giận của các thần linh mà họ thờ phượng. Trong Đạo Chúa, sự phạm tội của loài người cũng phải được chuộc bằng một mạng sống thánh khiết, mà một sinh vật tinh sạch được dùng làm biểu tượng trong tế lễ chuộc tội, cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc dâng chính mình Ngài làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Tuy nhiên, trong Đạo Chúa, sự chuộc tội còn phải kèm theo lòng đau thương thống hối chân thành. Lòng đau thương thống hối chân thành phát xuất từ sự cảm nhận sâu kín của tâm thần.

Như chúng ta đã biết, tâm thần tức là thân thể thiêng liêng, thân thể thiêng liêng đó cũng có đủ năm giác quan như thân thể xác thịt, nhờ đó mà chúng ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, và sờ chạm trong thế giới thuộc linh. Thần trí là sự hiểu biết của tâm thần về thế giới thuộc linh. Những ai đã từng nhận được khải tượng từ nơi Chúa hoặc thường xuyên tương giao mật thiết với Chúa trong sự cầu nguyện thì biết rõ điều này. Khi chúng ta phạm tội thì trước hết là linh hồn, tức là bản ngã của chúng ta, quyết định phạm tội. Kế tiếp, chúng ta sẽ nghe sự cáo trách của lương tâm ở trong tâm thần của chúng ta. Nếu chúng ta không ăn năn sau khi lương tâm cáo trách mà chúng ta đã là con dân Chúa thì chúng ta sẽ nghe tiếng cáo trách của Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta. Người chưa tin nhận Chúa, chưa được tái sinh thì không có sự cáo trách của Đức Thánh Linh. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục không ăn năn thì tội lỗi sẽ thể hiện qua thân thể xác thịt của chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu, sự nhân từ của Ngài còn đến đời đời, sự thương xót của Ngài là vô bờ bến, cho nên, Ngài sẽ cho chúng ta thêm nhiều cơ hội để ăn năn, sau khi chúng ta đã thể hiện sự phạm tội qua xác thịt. Nếu chúng ta vẫn cứng lòng không chịu ăn năn thì Đức Chúa Trời sẽ cất đi mạng sống của chúng ta. Ngài cất đi mạng sống của chúng ta vì Ngài quá yêu chúng ta, không muốn chúng ta tiếp tục làm ra thêm nhiều tội lỗi để rồi phải chịu nhiều hình phạt nặng nề trong ngày phán xét.

Rất thường khi, vì sự cứng lòng của chúng ta mà Đức Chúa Trời dùng một người nào đó để thức tỉnh chúng ta về tội lỗi của chúng ta. Chúng ta ăn năn tội vì chúng ta nghe được sự cáo trách, sự lên án của lương tâm và của Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta. Khi đó, tâm thần của chúng ta nhận thức rõ sự ghê tởm, xấu xa của tội lỗi và hậu quả nghiêm trọng của sự phạm tội. Tâm thần của chúng ta rung động và đau đớn trước tội lỗi của linh hồn.

Đức Chúa Trời yêu chúng ta đến nỗi đã hy sinh Con Một của Ngài, như Giăng 3:16 đã công bố và Rô-ma 8:32-35 đã giải thích:

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).

Rô-ma 8:32-35

32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì hết thảy chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?

33 Ai sẽ kiện những người được chọn của Thiên Chúa? Thiên Chúa xưng công chính những người ấy.

34 Ai sẽ định tội họ? Đấng Christ đã chết nhưng cũng đã sống lại, là Đấng đang ngự bên phải Đức Chúa Trời, cầu thay cho chúng ta.

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? Có phải sự hoạn nạn, hoặc sự khốn cùng, hoặc sự bách hại, hoặc sự đói khát, hoặc sự trần truồng, hoặc sự nguy hiểm, hoặc gươm giáo chăng?

Chú ý là trong những câu trên đây không hề liệt kê ra tội lỗi, vì tội lỗi là sự chúng ta chủ động cắt đứt mối tương giao giữa mình với Đức Chúa Trời, phân rẽ ra khỏi tình yêu của Ngài; như Ê-sai 59:2 đã khẳng định: “Nhưng bởi sự gian ác của các ngươi đã làm phân cách giữa các ngươi và Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi mà Ngài không nghe các ngươi nữa.” Nhiều giáo sư giả ngày nay dùng Rô-ma 8:32-35 để bảo vệ cho tà thuyết “Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn” hay “Người đã được cứu thì không bao giờ bị hư mất”. Đúng là không có một sự gì có thể phân rẽ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người, chỉ trừ một điều: loài người tiếp tục sống trong tội mà không ăn năn!

Trong khi bạn xem phim hay đọc truyện, bạn thấy kẻ ác cứ được thịnh vượng, người lành cứ bị hãm hại mà không biết, còn cám ơn kẻ ác, thì bạn thấy bực tức và nổi giận trong lòng, ước gì bạn có thể can thiệp và dạy cho kẻ ác một bài học thích đáng. Khi ấy, lòng bạn hoàn toàn tức giận mà không có chút gì thương xót. Đức Chúa Trời thì khác, Ngài luôn chờ đón mỗi người ăn năn tội và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài, dù là những người phạm tội kinh khủng nhất, và nhiều nhất, vì Ngài thật sự yêu nhân loại. Đức Chúa Trời phán:

Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có tâm thần ăn năn đau đớn và khiêm nhường, để làm tươi tỉnh tâm thần của người khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn. Ta chẳng muốn cãi lẽ đời đời, cũng chẳng tức giận mãi mãi; vì tâm thần sẽ mòn mỏi trước mặt Ta, và các linh hồn mà Ta đã dựng nên cũng vậy.” (Ê-sai 57:15-16).

Ngay cả khi chúng ta vì mặc cảm phạm tội, không dám đến để ăn năn, xưng tội với Ngài, thì Đức Chúa Trời vẫn mời gọi chúng ta:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.” (Ê-sai 1:18).

Ngày hôm nay, của lễ chuộc tội cho loài người đã được Đức Chúa Jesus Christ dâng lên Đức Chúa Trời bằng chính mạng sống thánh khiết của Ngài, có hiệu lực cho đến đời đời. Loài người không cần phải dâng một lễ vật nào nữa cả mà chỉ cần thật lòng ăn năn, thống hối về mọi tội lỗi của mình, và thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự ăn năn chỉ trên môi miệng mà không phát xuất từ tâm thần chẳng những không đem lại sự cứu rỗi mà còn thêm tội cho người không thật lòng. Loài người có thể giả vờ ăn năn tội, giả vờ tin nhận Chúa để được nhận vào trong các tổ chức giáo hội, để được các giáo hội giúp đỡ hoặc để lợi dụng con dân Chúa về vật chất. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời biết hết mọi sự, vì Ngài là Đấng “dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng”“báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm” (Giê-rê-mi 17:10).

Thần trí tan nát vỡ vụn, công nhận mình là tội nhân, ăn năn tội, và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là điều mà Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi con người.


“Để chúng nó chẳng như tổ phụ mình, chẳng dọn lòng cho chính đáng, có tâm thần không trung tín cùng Thiên Chúa.” (Thi Thiên 78:8).

Tâm thần không trung tín là khuynh hướng bội nghịch, không vâng phục Thiên Chúa. Vì cớ thân thể thiêng liêng là tâm thần không đầu phục Thiên Chúa nên thân thể xác thịt cầm quyền trên linh hồn, bắt linh hồn phải chiều theo mọi sự ưa muốn của xác thịt, khiến loài người sống như loài thú.

Chỉ những ai đã tin nhận Thiên Chúa mới có thể có tâm thần không trung tín cùng Thiên Chúa. Người chưa tin nhận Thiên Chúa, chưa hề hứa nguyện vâng phục Ngài thì không thể phạm tội không trung tín với Thiên Chúa.


“Vì Ngài đã sở hữu tâm thần của tôi. Ngài đã dệt nên tôi trong lòng mẹ tôi.” (Thi Thiên 139:13).

Từ ngữ được dịch là “tâm thần” ở trong nguyên ngữ có nghĩa đen là “quả thận”, một cơ quan có chức năng lọc các chất độc trong thân thể rồi bài tiết qua đường tiểu. Nghĩa bóng của từ ngữ này là “trí”, tương tự như từ ngữ “quả tim” có nghĩa bóng là “tình cảm”.

Câu này cho biết thân thể thiêng liêng và thân thể vật chất của chúng ta cùng được Thiên Chúa thai dựng trong lòng của người mẹ, cho nên, đó không phải là sự sáng tạo trực tiếp của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ngưng mọi công tác sáng tạo của Ngài, sau khi Ngài hoàn thành công cuộc sáng tạo trời đất và muôn vật trong trời đất, trong sáu ngày. Từ đó trở đi, muôn vật tiếp tục sinh sản theo quy luật Thiên Chúa đã ấn định. Dù kể từ đó trở đi, muôn vật được sinh ra cũng đều là loài thọ tạo của Thiên Chúa nhưng chúng không nằm trong nghĩa sáng tạo từ không thành có, mà chúng được tạo ra từ những gì Thiên Chúa đã sáng tạo.


“Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; nhưng lưỡi gian tà làm cho hư hại tâm thần.” (Châm Ngôn 15:4).

Lưỡi là một cơ quan của thân thể xác thịt, nhưng lời nói bởi lưỡi thì xuất phát từ linh hồn. Lưỡi hiền lành là lưỡi nói ra những lời ân hậu và có ích lợi cho người nghe, nên được ví như cây sự sống. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, “Lưỡi hiền lành” có thể dịch là “Lưỡi đem lại sự chữa lành”:

“Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29).

Lưỡi gian tà là lưỡi nói ra những lời không chân thật làm hại đến tâm thần của người nghe lẫn người nói. Nguy hiểm nhất là những lưỡi gian tà rao giảng những điều không chân thật về Lời Chúa, đem sự bại hoại đến cho tâm thần của người nghe. Đó là lý do vì sao Chúa dạy chúng ta phải tránh xa những kẻ rao giảng tà giáo:

“Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa. Hãy biết rằng, kẻ băng hoại và phạm tội như thế, thì tự lên án chính mình.” (Tít 3:10-11).

“Bất cứ ai nghịch lại, chẳng ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa. Còn ai ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy có cả Đức Cha lẫn Đức Con. Nếu ai đến với các anh chị em mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ đón kẻ ấy vào nhà, và cũng đừng chào hỏi kẻ ấy. Vì người nào chào hỏi kẻ ấy, tức là dự vào những việc ác của kẻ ấy.” (II Giăng 9-11).


“Tâm thần người nâng đỡ sự bệnh hoạn mình; nhưng tâm thần bị thương tích ai có thể chịu nổi?” (Châm Ngôn 18:14).

Thân thể thiêng liêng có thể giúp chữa lành và hồi phục sức khỏe cho thân thể vật chất, nhưng nếu thân thể thiêng liêng bị bệnh tật hay thương tổn thì đó là một sự khốn khổ lớn cho một người. Nhờ đức tin và sự cầu nguyện trong tâm thần mà thân thể thiêng liêng giúp cho việc chữa lành thân thể vật chất. Nhưng nếu thân thể thiêng liêng bị thương tích thì sẽ khiến cho thân thể vật chất bị kiệt quệ theo. Nhiều người vì tổn thương tâm thần mà trở nên điên loạn hoặc chọn sự tự sát để mong chấm dứt sự đau đớn trong tâm thần. Chúng ta phải cẩn thận về việc mình có thể làm cho tổn thương tâm thần của người khác. Không gì dễ dàng làm cho tâm thần của người khác tổn thương cho bằng nếp sống giả hình của chúng ta và những sự rao giảng tà giáo.


“…này, tôi tớ Ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui vẻ, còn các ngươi thì khóc lóc vì lòng buồn bực, kêu than vì tâm thần phiền não.” (Ê-sai 65:14).

Câu Thánh Kinh trên đây nằm trong bối cảnh Thiên Chúa đoán phạt những người I-sơ-ra-ên cứng lòng, không chịu ăn năn tội và ban phước cho những người I-sơ-ra-ên đã tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Những người được Chúa ban phước thì được Ngài gọi là tôi tớ của Ngài sẽ hát mừng vì linh hồn được vui vẻ. Những kẻ cứng lòng sống trong tội thì khóc lóc vì linh hồn buồn bực và vì tâm thần của họ phiền não. Chữ “phiền não” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “tan nát”. Tâm thần họ tan nát vì tội lỗi khiến cho họ không còn được thông công với Thiên Chúa để được Ngài an ủi, vỗ về, dạy dỗ và bổ sức lại.


“Ta, Đa-ni-ên, đau buồn trong tâm thần, ở giữa thân thể của ta; và những khải tượng trong đầu ta làm cho ta bối rối.” (Đa-ni-ên 7:15).

Khi Tiên Tri Đa-ni-ên nhìn thấy khải tượng về thế giới trong tương lai thì tâm thần ông trở nên buồn rầu, vì ông không hiểu được ý nghĩa của những điều ông được mạc khải. Điều đó tương tự như chúng ta sẽ buồn rầu khi thân thể xác thịt của chúng ta được nghe, thấy, ngửi, nếm, sờ chạm một điều gì đó trong thế giới vật chất này mà chúng ta không sao hiểu được điều ấy.

Mệnh đề “đau buồn trong tâm thần, ở giữa thân thể của ta” có nghĩa là, “thân thể thiêng liêng ở trong thân thể xác thịt của ta đang đau buồn”, tức là sự đau buồn không đến từ nhận thức của thân thể xác thịt nhưng đến từ nhận thức của thân thể thuộc linh.

Đôi khi chúng ta có những nỗi buồn vô cớ, buồn mà không hiểu vì sao mình buồn, buồn trong khi đang có đủ ăn, đủ mặc, đủ ở, và có những người thân yêu bên cạnh, không có gì cần phải lo lắng hay sợ hãi. Những nỗi buồn vô cớ đó bắt đầu xuất hiện ngay từ tuổi thiếu niên, tức là tuổi bắt đầu có ý thức về nhu cầu tâm linh. Những nỗi buồn không tên đó chính là nỗi buồn vì không có Thiên Chúa ngự trong chúng ta, vì tâm thần của chúng ta không được tiếp xúc với Thiên Chúa. Sự phiền muộn trong tâm thần sẽ khiến cho linh hồn rối ren trong sự suy nghĩ; nhưng sự phiền muộn trong tâm thần cũng thúc giục chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa.

Là con dân Chúa, chúng ta cũng có thể có những lần bị phiền muộn trong tâm thần khi chúng ta quan tâm đến đời sống thuộc linh của người khác, khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi xảy ra trong Hội Thánh hoặc khi chúng ta phạm tội với Chúa mà không ăn năn. Dù lý do là gì thì chúng ta cũng chỉ có một cách duy nhất để giải quyết, là “chúng ta hãy với sự dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển, mà nhận sự thương xót và tìm được ân điển, để giúp chúng ta trong thì giờ có nhu cầu!” (Hê-bơ-rơ 4:16).


“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh. Vậy, các ngươi hãy cẩn thận trong thần trí mình; chớ lừa dối vợ của mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên có phán rằng Ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung ác che áo mình, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối.” (Ma-la-chi 2:15-16).

Đây là một câu Thánh Kinh rất là quan trọng. Trước hết, Thiên Chúa đích thân giải thích rõ ràng vì sao Ngài không cùng một lúc tạo ra nhiều người mà chỉ tạo ra có một người. Lời Chúa thật rõ ràng, không cần phải diễn giải gì thêm: Ngài chỉ làm nên một người để tìm một dòng dõi thánh qua người ấy! Tuy nhiên, chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết của câu này trong bài nói về sự kiện Thiên Chúa sáng tạo loài người. Trong bài này, chúng ta chỉ để ý đến lý do vì sao từ ngữ tâm thần được nói đến trong câu này. Thiên Chúa muốn tìm một dòng dõi thánh qua một người mà Ngài đã dựng nên là A-đam. Từ A-đam, Thiên Chúa đã tạo thành Ê-va để cả hai kết hợp mà sinh ra một dòng dõi thánh. Chữ “thánh” được dùng ở đây có nghĩa là biệt riêng ra cho Thiên Chúa, theo như ý muốn của Ngài. Đó là mô hình gia đình và tình yêu nam nữ mà Thiên Chúa đã thiết lập. Gia đình là một vợ một chồng sinh ra con cái theo ý muốn của Thiên Chúa. Chồng và vợ dù là hai nhưng kết hợp thành một. Ở đây không phải nói về sự kết hợp thuộc linh mà là sự kết hợp của thân thể xác thịt: “hai người trở nên một thịt!” Sự kết hợp thuộc linh là sự kết hợp ở trong Đấng Christ, mọi người trở thành một trong Hội Thánh.

Vì sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên mà Thiên Chúa cho phép có sự ly dị và đa thê (Ma-thi-ơ 19:8). Cứng lòng tức là không chịu sống theo tiêu chuẩn gia đình mà Thiên Chúa đã đặt ra. Vì lòng nhân từ không muốn tiêu diệt họ mà Thiên Chúa đã cho phép họ sống theo ý riêng một thời gian, và Ngài đã đặt thêm các luật về ly dị và đa thê để giới hạn sự buông thả theo xác thịt của họ. Thế nhưng, dân I-sơ-ra-ên đã lạm dụng các luật này để hắt hủi vợ đang có mà cưới thêm vợ khác. Từ ngữ tâm thần được dùng trong hai câu Thánh Kinh nói trên, có nghĩa là “khuynh hướng tham muốn sắc dục, bạc đãi vợ, lừa dối vợ, buộc vợ phải chung thủy với mình mà mình không chung thủy với vợ”.


“Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ! [Một số bản chép tay trong nguyên ngữ Hy-lạp chép là: Phước cho những ai nghèo trong tâm thần…]” (Ma-thi-ơ 5:3).

Thiếu nghèo trong tâm thần được dùng ở đây có nghĩa là trong tâm thần ý thức được rằng mình không giàu có về thuộc linh. Một người thiếu nghèo trong tâm thần có thể rất giàu có về vật chất hoặc cũng rất nghèo khó về vật chất. Lu-ca 6:20 thì chỉ ghi là: “…Phước cho các ngươi là những người nghèo, vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời thuộc về các ngươi!” mà dựa trên văn mạch, thì hàm ý là thiếu nghèo về vật chất trong thế gian. Thánh Kinh cho biết, Đức Chúa Jesus Christ giảng Tin lành cho những người nghèo trong xã hội: Ma-thi-ơ 11:5, Lu-ca 4:18, và cũng cho biết người giàu thì khó vào Nước Trời: Ma-thi-ơ 19:23; Lu-ca 18:24.


“Ngài đáp rằng: Vậy, vì cớ nào Vua Đa-vít trong thần trí gọi Đấng Christ là Chúa…” (Ma-thi-ơ 22:43).

Trong thần trí gọi” có nghĩa là dù lời nói được phát ra bởi miệng lưỡi của thân thể xác thịt nhưng sự nhận thức thì đến từ tâm thần. Trong thần trí Đa-vít nhận biết Đấng Christ là Con của Đức Chúa Trời, có cùng một bản thể với Thiên Chúa vì Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa.


“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi không rơi vào sự cám dỗ! Tâm thần thật muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” (Ma-thi-ơ 26:41).

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo các ngươi rơi vào sự cám dỗ! Tâm thần thật muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” (Mác 14:38).

Trong câu này chúng ta thấy sự tương phản giữa thân thể thiêng liêng là tâm thần với thân thể vật chất là xác thịt. Tâm thần nhận thức được các giá trị thuộc linh và khao khát, ưa thích các giá trị thuộc linh; nhưng xác thịt thì bị mệt mỏi vì những sinh hoạt trong thế giới vật chất, không đủ sức để tỉnh thức và cầu nguyện.

Sa-tan sẽ tung ra các mưu chước cám dỗ khi thân thể xác thịt của chúng ta mệt mỏi, yếu đuối, bỏ qua sự tương giao với Chúa trong sự cầu nguyện và đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Thiếu cầu nguyện, thiếu ăn nuốt Lời Chúa sẽ khiến cho chúng ta thiếu cảnh giác. Thiếu cảnh giác sẽ khiến cho chúng ta không nhận ra mưu kế của Ma Quỷ. Trong cuộc chiến thuộc linh, chúng ta chỉ cần tỉnh táo nhận ra mưu kế của Ma Quỷ và dùng Lời Chúa để chống trả. Ê-phê-sô 6:11 dạy chúng ta: “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ.” Nhưng trong bảy thứ khí giới thì sáu thứ là để bảo vệ, chỉ có một thứ là để tấn công, là gươm của Đức Thánh Linh, là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Lời Chúa là vũ khí duy nhất để tấn công Ma Quỷ. Trong câu chuyện Sa-tan cám dỗ Đức Chúa Jesus Christ thì cả ba lần Chúa đều dùng Lời Chúa đã chép trong Thánh Kinh để đánh bại Sa-tan.

Chúng ta không cần phải chiến đấu chống lại bệnh tật, tai ương, hoạn nạn, bắt bớ… mà chúng ta chỉ cần chống lại mưu kế của Ma Quỷ, là âm mưu dùng những thứ đó để khiến cho chúng ta mất đức tin nơi Chúa. Khi Sa-tan tấn công ông Gióp, ông không tìm cách để giành lại tài sản, cứu sống các con của mình hay chữa lành bệnh cho chính mình, mà ông chỉ một lòng tin cậy nơi Chúa, đến nỗi ông nói: “Mặc dù xảy đến cho ta điều gì… dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:13, 15). Vì thế âm mưu của Sa-tan đã hoàn toàn thất bại, trái lại, âm mưu đó còn tạo cho ông Gióp cơ hội để chứng minh đức tin và sự trung tín của ông nơi Thiên Chúa, khiến cho tất cả thiên sứ và con dân Chúa muôn đời về sau, nhìn thấy rõ thế nào là thật lòng tin cậy nơi Thiên Chúa.


“Nó sẽ đi trước Ngài trong thần trí và năng lực của Ê-li, để đem lòng những người cha trở về cùng con cái, những kẻ bội nghịch đến sự khôn sáng của những người công chính, để sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” (Lu-ca 1:17).

Đây là lời của thiên sứ tiên tri về sứ mạng của Giăng Báp-tít. “Đi trong thần trí và năng lực của Ê-li” có nghĩa là “hành động trong cùng một khuynh hướng và sức mạnh như Ê-li”. Mặc dù Giăng Báp-tít không làm ra các phép lạ lớn bên ngoài như Tiên Tri Ê-li đã làm, nhưng ông đã làm ra phép lạ biến đổi những tấm lòng cứng cõi của dân I-sơ-ra-ên, mà trong đó không thiếu những người thuộc phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê (Ma-thi-ơ 3:7), khiến họ ăn năn tội, dọn lòng chờ đón Đấng Christ.


“Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, Đấng Giải Cứu của tôi.” (Lu-ca 1:47).

Tâm thần có khi phiền muộn thì cũng có khi mừng rỡ. Trên đây là câu cảm tạ tôn vinh của bà Ma-ri, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus. Bà mừng rỡ trong tâm thần vì tâm thần bà nhận thức được Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu bà ra khỏi hậu quả và sức mạnh của tội lỗi. Câu nói này của bà Ma-ri đã đánh tan tà giáo “Vô nhiễm nguyên tội”, dạy rằng bà Ma-ri không hề nhiễm tội từ A-đam.


“Đứa trẻ lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở trong các đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân I-sơ-ra-ên.” (Lu-ca 1:80).

Đây là câu nói về Giăng Báp-tít. Một thân thể xác thịt khỏe mạnh là một thân thể đầy dinh dưỡng, không tật bệnh và có năng lực để làm việc. Tương tự như vậy, một tâm thần mạnh mẽ là một tâm thần tràn đầy năng lực của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa qua sự thông công mật thiết với Ngài, và không bị tội lỗi làm cho băng hoại. Nói như thế không có nghĩa là Giăng Báp-tít không hề phạm tội, mà chỉ có nghĩa là, Giăng Báp-tít nhờ ơn Chúa, hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và khi phạm tội thì biết xưng tội. Thánh Kinh cho biết, mọi người đều đã phạm tội, ngoại trừ Đấng Christ vừa là người vừa là Thiên Chúa, nên Ngài không hề và không thể phạm tội.


“Nhưng Ngài xoay lại, trách họ và phán: Các ngươi không biết tâm thần mình thuộc loại nào.” (Lu-ca 9:55).

Chữ tâm thần dùng trong câu này có nghĩa là khuynh hướng hay tinh thần. Vì dân của một làng Sa-ma-ri không tiếp đón Chúa mà Gia-cơ và Giăng hỏi Chúa rằng, Ngài có muốn hai ông gọi lửa từ trời xuống để thiêu họ chăng; và Chúa đã quở trách họ như trên.

Có lẽ, trong lúc nói như vậy, Gia-cơ và Giăng đã tưởng rằng mình vì tinh thần tôn kính Chúa, không chấp nhận cho bất cứ ai xúc phạm hay xem thường Chúa. Tuy nhiên, nguồn gốc thật của câu nói đó là tinh thần muốn trả thù. Gia-cơ và Giăng đã lầm lẫn giữa tinh thần tôn kính Chúa với tinh thần trả thù những kẻ không tôn kính Chúa của mình. Vì thế, Chúa phán rằng, hai ông không biết tinh thần mình thuộc loại nào.

Ngày nay, tín đồ của Chúa trong các giáo phái thường cư xử với nhau bằng tinh thần ghen ghét và tranh cạnh, vì thế, xảy ra những chuyện gọi là “cướp chiên” hoặc “gặt trộm” hoặc “cạnh tranh truyền giảng”. “Cướp chiên” là dụ dỗ tín đồ đang sinh hoạt trong một giáo phái khác hay một điểm nhóm khác về sinh hoạt với tổ chức của mình. “Gặt trộm” là cho nhân sự đến tham dự những buổi truyền giảng của người khác, rồi hướng dẫn những người tin nhận Chúa trong những buổi truyền giảng đó về sinh hoạt với tổ chức của mình. “Cạnh tranh truyền giảng” là tổ chức truyền giảng cùng một thời điểm với người khác và dùng đủ mọi cách để chiêu dụ thính giả, kể cả mời các ca sĩ chưa tin Chúa đến trình diễn trong buổi truyền giảng và tiếp đãi thính giả ăn uống miễn phí. Người ta nhân danh Chúa làm tất cả những điều đó và tự hào là mình có tinh thần truyền giáo nóng cháy mà thật ra, những việc làm đó phát xuất từ tinh thần ghen ghét, tranh cạnh, và kiêu ngạo. Từ thời Phao-lô, trong Hội Thánh cũng đã có những người “vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà rao giảng Đấng Christ”“công bố Đấng Christ vì lòng cạnh tranh, không thành thật” (Phi-líp 1:15-16).

Chúng ta cần phân biệt hành động gọi là “cướp chiên” như trình bày trên đây, hoàn toàn khác với sự kiện, vì tình yêu thương của Chúa mà chúng ta đến sinh hoạt trong một tổ chức giáo hội để làm quen với con dân Chúa đang bị giáo hội đó giảng dạy những điều sai nghịch với Lời Chúa, mà hướng dẫn họ quay về với lẽ thật của Lời Chúa. Chúng ta chỉ cần làm quen, trao tặng các CD bài giảng, trao tặng sách hoặc các bài viết trình bày lẽ thật của Lời Chúa. Khi nào có ai chịu tiếp nhận lẽ thật của Lời Chúa, muốn nhóm họp với chúng ta thì chúng ta tiếp nhận họ. Chúng ta cần phải chiến đấu chống lại “thù trong” để giải cứu những người đã tin Chúa ra khỏi tà giáo và các giáo sư giả, cùng lúc chúng ta cũng chiến đấu chống lại “giặc ngoài” để đưa dắt những người chưa biết Chúa đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong mọi sự, chúng ta cần xin Chúa tra xét mình, giúp cho mình nhận thức mình đang hành động bởi tinh thần nào.


“Cũng giờ đó, Đức Chúa Jesus vui mừng trong tâm thần, nói rằng: Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi tôn vinh Cha, vì Cha đã giấu những sự này với kẻ khôn sáng, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay! Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành.” (Lu-ca 10:21).

Đức Chúa Jesus Christ vừa hoàn toàn là người vừa hoàn toàn là Thiên Chúa. Trong thân vị Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tạo Hóa: “Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:3). Trong thân vị loài người, Ngài là một con người sống trọn vẹn theo thánh ý của Đức Chúa Trời:

“Vậy, Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với họ: Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, Con chẳng thể tự mình làm sự gì được; nhưng chỉ làm sự mà Ngài thấy Cha làm. Vì sự gì Cha làm, Con cũng làm những sự ấy như vậy.” (Giăng 5:19).

“Ta không thể tự mình làm việc gì. Ta phán xét theo điều Ta nghe, và sự phán xét của Ta là công chính. Vì Ta chẳng tìm ý muốn của Ta nhưng tìm ý muốn của Cha, Đấng đã sai Ta.” (Giăng 5:30).

“Vì Ta từ trời xuống, chẳng phải để làm theo ý muốn của Ta nhưng làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta đến.” (Giăng 6:38).

“Đức Chúa Jesus đáp lời họ, phán: Sự giảng dạy của Ta chẳng phải của Ta nhưng của Đấng đã sai Ta.” (Giăng 7:16).

“Bởi Ta chẳng nói theo ý riêng Ta; nhưng Cha sai Ta đến, đã truyền lệnh cho Ta phải nói điều gì và phải nói thế nào. Ta biết mệnh lệnh Cha, ấy là sự sống vĩnh cửu. Vậy, những điều Ta nói, thì nói theo như Cha Ta đã dặn.” (Giăng 12:49-50).

“Con đã tôn vinh Ngài trên đất, làm xong công việc Ngài giao cho làm.” (Giăng 17:4).

Vì thế, mọi tâm tư, tình cảm của Đức Chúa Jesus Christ đều dựa trên sự nhận thức của tâm thần chứ không dựa trên sự nhận thức của xác thịt. Nghĩa là, mọi nhận thức của xác thịt phải được đối chiếu với sự tri thức trong tâm thần trước khi tình cảm và ý chí phát sinh. Thánh Kinh gọi đó là sống theo thần trí, tức là sống theo sự hiểu biết trong tâm thần:

“Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!” (Ga-la-ti 5:16).

“Nếu chúng ta sống theo thần trí, thì chúng ta cũng hãy bước đi theo thần trí.” (Ga-la-ti 5:25).

Rô-ma 6-8 dạy rất rõ cho con dân Chúa biết, thế nào là sống theo thần trí bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Huỳnh Christian Timothy
03/11/2012

Ghi Chú 

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.