Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL005 Gia Phả của Đấng Christ – Phần 1

570 views

YouTube: https://youtu.be/6uLBmlXmkgA

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL005 Gia Phả của Đấng Christ – Phần 1
Ma-thi-ơ 1:1-17; Lu-ca 3:23-38

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 1:1-17

1 Gia phả của Đức Chúa Jesus Christ, con cháu của Đa-vít và con cháu của Áp-ra-ham.

2 Áp-ra-ham đã sinh I-sác. I-sác đã sinh Gia-cốp. Gia-cốp đã sinh Giu-đa và các anh em của người.

3 Giu-đa bởi Ta-ma đã sinh Phê-rết và Xê-rách. Phê-rết đã sinh Hết-rôn. Hết-rôn đã sinh Ram.

4 Ram đã sinh A-mi-na-đáp. A-mi-na-đáp đã sinh Na-ha-sôn. Na-ha-sôn đã sinh Sanh-ma.

5 Sanh-ma bởi Ra-háp đã sinh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ đã sinh Ô-bết. Ô-bết đã sinh Gie-sê.

6 Gie-sê đã sinh Vua Đa-vít. Vua Đa-vít bởi vợ của U-ri đã sinh Sa-lô-môn. [II Sa-mu-ên 11-12]

7 Sa-lô-môn đã sinh Rô-bô-am. Rô-bô-am đã sinh A-bi-gia. A-bi-gia đã sinh A-sa.

8 A-sa đã sinh Giô-sa-phát. Giô-sa-phát đã sinh Giô-ram. Giô-ram đã sinh Ô-xia.

9 Ô-xia đã sinh Giô-tam. Giô-tam đã sinh A-cha. A-cha đã sinh Ê-xê-chia.

10 Ê-xê-chia đã sinh Ma-na-se. Ma-na-se đã sinh A-môn. A-môn đã sinh Giô-si-a.

11 Giô-si-a đã sinh Giê-chô-nia và các anh em của người, vào thời điểm của sự lưu đày qua Ba-bi-lôn. [Có lẽ các bản chép tay đã chép nhầm tên Giê-hô-gia-kim với tên Giê-chô-nia. Giê-chô-nia, tức là Giê-hô-gia-kin, là con của Giê-hô-gia-kim (II Các Vua 24:6).]

12 Sau sự đày qua Ba-bi-lôn, Giê-chô-nia đã sinh Sa-la-thi-ên. Sa-la-thi-ên đã sinh Xô-rô-ba-bên.

13 Xô-rô-ba-bên đã sinh A-bi-út. A-bi-út đã sinh Ê-li-a-kim. Ê-li-a-kim đã sinh A-xô.

14 A-xô đã sinh Sa-đốc. Sa-đốc đã sinh A-chim. A-chim đã sinh Ê-li-út.

15 Ê-li-út đã sinh Ê-lê-a-sa. Ê-lê-a-sa đã sinh Ma-than. Ma-than đã sinh Gia-cốp.

16 Gia-cốp đã sinh Giô-sép, chồng của Ma-ri. Từ nàng, Đức Chúa Jesus đã được sinh ra, được gọi là Christ. [Christ có nghĩa là được xức dầu, tiêu biểu cho sự một người được đổ đầy thánh linh, tức là được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ, thẩm quyền, và năng lực để thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời.]

17 Vậy, hết thảy các đời: từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít là mười bốn đời; từ Đa-vít cho đến sự bị lưu đày qua Ba-bi-lôn là mười bốn đời; và từ sự bị lưu đày qua Ba-bi-lôn cho đến Đấng Christ là mười bốn đời.

Lu-ca 3:23-38

23 Bản thân Đức Chúa Jesus đã bắt đầu được khoảng ba mươi tuổi, theo phong tục là con trai Giô-sép, thuộc về Hê-li,

24 thuộc về Mát-tát, thuộc về Lê-vi, thuộc về Mên-chi, thuộc về Gia-nê, thuộc về Giô-sép,

25 thuộc về Ma-ta-thia, thuộc về A-mốt, thuộc về Na-hum, thuộc về Ếch-li, thuộc về Na-ghê,

26 thuộc về Ma-át, thuộc về Ma-ta-thia, thuộc về Sê-mê-in, thuộc về Giô-sép, thuộc về Giu-đa,

27 thuộc về Giô-a-nan, thuộc về Rê-sa, thuộc về Xô-rô-ba-bên, thuộc về Sa-la-thi-ên, thuộc về Nê-ri,

28 thuộc về Mên-chi, thuộc về A-đi, thuộc về Cô-sam, thuộc về En-ma-đan, thuộc về Ê-rơ,

29 thuộc về Giô-sê, thuộc về Ê-li-ê-se, thuộc về Giô-rim, thuộc về Mát-thát, thuộc về Lê-vi,

30 thuộc về Si-mê-ôn, thuộc về Giu-đa, thuộc về Giô-sép, thuộc về Giô-nam, thuộc về Ê-li-a-kim, thuộc về Mê-lê-a,

31 thuộc về Men-na, thuộc về Mát-ta-tha, thuộc về Na-than, thuộc về Đa-vít,

32 thuộc về Gie-sê, thuộc về Ô-bết, thuộc về Bô-ô, thuộc về Sanh-ma, thuộc về Na-ha-sôn,

33 thuộc về A-mi-na-đáp, thuộc về Ram, thuộc về Hết-rôn, thuộc về Phê-rết, thuộc về Giu-đa,

34 thuộc về Gia-cốp, thuộc về I-sác, thuộc về Áp-ra-ham, thuộc về Tha-rê, thuộc về Na-cô,

35 thuộc về Sê-rúc, thuộc về Rê-hu, thuộc về Bê-léc, thuộc về Hê-be, thuộc về Sê-lách,

36 thuộc về Kê-nan, thuộc về A-bác-sát, thuộc về Sem, thuộc về Nô-ê, thuộc về Lê-méc,

37 thuộc về Mê-tu-sê-la, thuộc về Hê-nóc, thuộc về Giê-rệt, thuộc về Ma-ha-la-le, thuộc về Kê-nan,

38 thuộc về Ê-nót, thuộc về Sết, thuộc về A-đam, thuộc về Đức Chúa Trời.

Gia phả” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là cuốn sách ghi lại sự việc thuộc dòng dõi của một gia đình. Gia là gia đình, gia tộc; phả (còn đọc là phổ) là cuốn sách ghi chép về con người và sự việc cách có hệ thống. Đó cũng là ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh.

Sách Tin Lành Ma-thi-ơ mở đầu bằng gia phả của Đức Chúa Jesus Christ, nhằm chứng minh Ngài là con cháu của Áp-ra-ham và con cháu của Vua Đa-vít; và Ngài là Đấng Christ, tức là Đấng Mê-si-a đã được hứa trong Thánh Kinh Cựu Ước. Đấng Mê-si-a (tiếng Hê-bơ-rơ) hoặc Đấng Christ (tiếng Hy-lạp) là Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu, tức là ban cho chức vụ, thẩm quyền, và năng lực để làm tiên tri, thầy tế lễ thượng phẩm, và vua của dân I-sơ-ra-ên lẫn muôn dân.

Sách Tin Lành Lu-ca thì đặt gia phả của Đấng Christ vào cuối đoạn 3, sau khi tường trình sự Ngài được sinh ra và sự bắt đầu mục vụ của Ngài, nhằm chứng minh Ngài hoàn toàn là một người, thuộc dòng dõi của loài người, và là một người trọn vẹn.

Tuy nhiên, ngoài một số điểm tương đồng thì hai bản gia phả có nhiều điểm khác nhau rất nhiều. Lý do chính của sự khác nhau đó là vì Ma-thi-ơ viết gia phả của Đức Chúa Jesus Christ về phía cha nuôi của Ngài là Giô-sép, và chỉ viết đến Áp-ra-ham. Nhưng Lu-ca thì viết về phía mẹ sinh ra Ngài là Ma-ri, và viết trọn dòng dõi kể từ khi A-đam được dựng nên. Cả Giô-sép lẫn Ma-ri đều là con cháu của Vua Đa-vít. Giô-sép là con cháu theo dòng Sa-lô-môn; còn Ma-ri là con cháu theo dòng Na-than.

Sách Tin Lành Mác và sách Tin Lành Giăng thì không ghi chép gia phả của Đức Chúa Jesus Christ. Lý do có lẽ là vì Mác trình bày Đức Chúa Jesus như là một kẻ tôi tớ, mà khi nói về tôi tớ thì không cần đưa ra gia phả. Còn Giăng thì trình bày Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhập thế làm người, mà Thiên Chúa thì không có gia phả, vì Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Ma-thi-ơ trình bày về một vị vua và Đấng Cứu Rỗi của loài người nên phải có phần gia phả. Lu-ca trình bày một con người trọn vẹn, xứng đáng làm Đấng Cứu Rỗi của loài người, nên phải có phần gia phả. Có lẽ cả Ma-thi-ơ lẫn Lu-ca vừa dựa vào các gia phả trong Cựu Ước, vừa dựa vào các gia phả ngoài Thánh Kinh của các con cháu Vua Đa-vít, đã được đăng ký với Tòa Công Luận; và được sao chép, lưu trữ bởi Tòa Công Luận. Chúng ta có thể hiểu rằng, phần lớn danh sách trong gia phả theo Lu-ca, từ sau cuộc lưu đày cho tới Đấng Christ, đã được Lu-ca tham khảo gia phả của gia tộc Ma-ri.

Từ khi hai bản gia phả được công bố cho tới nay, gần hai ngàn năm đã trôi qua, sự thắc mắc và tranh luận về các chi tiết trong hai bản gia phả vẫn không ngừng nghỉ. Chúng tôi đã tốn thời gian, tham khảo rất nhiều bài giải đáp thắc mắc và rất nhiều bài tranh luận, nhưng không thỏa lòng với hầu hết các tài liệu đó. Trong bài này, chúng tôi nêu lên các nhận định và suy nghĩ của chúng tôi, dựa theo các ghi chép trong Thánh Kinh và theo sự hiểu biết Đức Thánh Linh ban cho chúng tôi. Người nghe không nhất thiết phải chấp nhận những điều chúng tôi trình bày. Mỗi người tự đối chiếu những gì chúng tôi trình bày với Lời Chúa và xin Chúa soi dẫn xem những gì chúng tôi trình bày có hợp lý theo Lời Chúa hay không. Chúng tôi chỉ làm công việc hướng dẫn con dân Chúa suy ngẫm Lời Chúa, dựa trên chính Lời Chúa, để được hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa ngày càng hơn, và luôn được vui thỏa trong lẽ thật của Lời Chúa.

Điều quan trọng là cho dù có những chỗ trong Thánh Kinh chúng ta chưa hiểu rõ, thì chúng ta cũng hãy vững tin rằng, Lời Chúa là Lẽ Thật. Nếu có sự sai sót, nhầm lẫn nào đó trong các bản sao chép, trong các bản dịch, thì theo thời gian, Chúa sẽ chỉ ra cho chúng ta, khi chúng ta biết dành thời gian để đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Dĩ nhiên, nếu chúng ta đọc thêm các tài liệu lịch sử của Hội Thánh, các văn bản do con dân Chúa trong các thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh viết ra, cùng với thế giới sử thì chúng ta sẽ thêm được nhiều kiến thức để hiểu Lời Chúa trong bối cảnh xã hội, lúc Lời Chúa được ghi chép lại. Hầu hết các tài liệu ấy đều được dịch sang tiếng Anh, là ngôn ngữ thông dụng ngày nay. Quý con dân Chúa chưa biết tiếng Anh nên dành thời gian học đọc tiếng Anh, bằng cách đọc Thánh Kinh Anh ngữ đối chiếu với Thánh Kinh Việt ngữ và bộ từ điển Anh Việt. Có thể dùng Google Translate để nghe đọc câu và chữ trong tiếng Anh. Chỉ sau khoảng sáu tháng với trung bình mỗi ngày một tiếng học như vậy, quý ông bà anh chị em sẽ thấy mình tiến bộ rất nhiều. Sau đó, tập đọc các văn phẩm và lịch sử của Hội Thánh trong tiếng Anh [1].

Dưới đây là bảng tóm lược danh mục gia phả của Đức Chúa Jesus Christ, theo Ma-thi-ơ và theo Lu-ca.

 

Gia Phả của
Đức Chúa Jesus Christ
Theo Ma-thi-ơ 1:1-17

Gia Phả của
Đức Chúa Jesus Christ
Theo Lu-ca 3:23-38

01 Áp-ra-ham
02 I-sác
03 Gia-cốp
04 Giu-đa
05 Phê-rết (bởi Ta-ma)
06 Hết-rôn

07 Ram
08 A-mi-na-đáp
09 Na-ha-sôn
10 Sanh-ma
11 Bô-ô (bởi Ra-háp)
12 Ô-bết (bởi Ru-tơ)

13 Gie-sê
14 Vua Đa-vít

 

15 Sa-lô-môn (bởi vợ của U-ri)
16 Rô-bô-am
17 A-bi-gia
18 A-sa
19 Giô-sa-phát
20 Giô-ram
[…]
21 Ô-xia
22 Giô-tam
23 A-cha
24 Ê-xê-chia
25 Ma-na-se
26 A-môn
27 Giô-si-a
28 Giê-hô-gia-kim?

29 Giê-chô-nia
30 Sa-la-thi-ên
31 Xô-rô-ba-bên
32 A-bi-út
33 Ê-li-a-kim
34 A-xô
35 Sa-đốc
36 A-chim
37 Ê-li-út
38 Ê-lê-a-sa
39 Ma-than
40 Gia-cốp
41 Giô-sép
42 Jesus

01 Đức Chúa Trời
02 A-đam
03 Sết
04 Ê-nót
05 Kê-nan
06 Ma-ha-la-le
07 Giê-rệt
08 Hê-nóc
09 Mê-tu-sê-la
10 Lê-méc
11 Nô-ê
12 Sem
13 A-bác-sát
(14 Kê-nan?)
14 Sê-lách
15 Hê-be
16 Bê-léc
17 Rê-hu
18 Sê-rúc
19 Na-cô
20 Tha-rê

 

21 Áp-ra-ham
22 I-sác
23 Gia-cốp
24 Giu-đa
25 Phê-rết
26 Hết-rôn

27 Ram
28 A-mi-na-đáp

29 Na-ha-sôn
30 Sanh-ma
31 Bô-ô
32 Ô-bết
33 Gie-sê

34 Đa-vít

35 Na-than
36 Mát-ta-tha
37 Men-na
38 Mê-lê-a
39 Ê-li-a-kim
40 Giô-nam
41 Giô-sép
42 Giu-đa
43 Si-mê-ôn
44 Lê-vi
45 Mát-thát
46 Giô-rim
47 Ê-li-ê-se
48 Giô-sê
49 Ê-rơ
50 En-ma-đan
51 Cô-sam
52 A-đi
53 Mên-chi
54 Nê-ri
55 Sa-la-thi-ên
56 Xô-rô-ba-bên
57 Rê-sa
58 Giô-a-nan
59 Giu-đa
60 Giô-sép
61 Sê-mê-in
62 Ma-ta-thia
63 Ma-át
64 Na-ghê
65 Ếch-li
66 Na-hum
67 A-mốt
68 Ma-ta-thia
69 Giô-sép
70 Gia-nê
71 Mên-chi
72 Lê-vi
73 Mát-tát
74 Hê-li
75 Giô-sép
76 Ma-ri
77 Jesus

 

https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/09/GiaPhaCuaDangChristDanhMuc.pdf

Chữ màu đỏ tiêu biểu cho các tên giống nhau trong hai gia phả.

Trong gia phả theo Ma-thi-ơ, giữa tên Giô-ram và Ô-xia có dấu ba chấm trong hai ngoặc vuông, màu xanh, tiêu biểu cho một nghi vấn. Đó là Ma-thi-ơ đã bỏ qua tên của liên tiếp ba đời vua: A-cha-xia, Giô-ách, và A-ma-xia (I Sử Ký 3:11-12). Có lẽ, tên của ba vua này bị bỏ qua là vì họ là con cháu của Hoàng Hậu A-tha-li, vợ của Vua Giô-ram.

A-tha-li là một hoàng hậu gian ác. Bà là con gái của Vua A-háp và Hoàng Hậu Giê-sa-bên, là hai người cũng rất gian ác. Sau khi Vua A-cha-xia, con của Vua Giô-ram và A-tha-li qua đời, thì A-tha-li đã cho giết hết các hoàng tử để tự bà lên làm nữ hoàng, cai trị vương quốc Giu-đa. Tuy nhiên, Giô-sê-ba, chị của A-cha-xia đã đem giấu con sơ sinh của A-cha-xia là Giô-ách, còn gọi là Giê-hô-ách. Khi A-tha-li cầm quyền được bảy năm và Giô-ách cũng được bảy tuổi thì Thầy Tế Lễ Giê-hô-gia-đa đã hợp sức với các quan tướng trong quân đội, giết A-tha-li và lập Giô-ách lên làm vua (II Các Vua 11).

Như vậy, ba đời vua ra từ A-tha-li đã không được ghi vào gia phả của Đức Chúa Jesus. Mãi đến Vua Ô-xia là con cháu đời thứ tư của Hoàng Hậu A-tha-li thì mới được ghi lại vào gia phả.

Trong gia phả theo Ma-thi-ơ, tên Giê-hô-gia-kim màu xanh, có dấu chấm hỏi, tiêu biểu cho một nghi vấn.

Ma-thi-ơ 1:11 trong các bản chép tay tiếng Hy-lạp đều ghi là:

Giô-si-a đã sinh Giê-chô-nia và các anh em của người, vào thời điểm của sự lưu đày qua Ba-bi-lôn.” (Ma-thi-ơ 1:11).

Tuy nhiên, có lẽ các bản chép tay đã chép nhầm tên Giê-hô-gia-kim với tên Giê-chô-nia. Giê-chô-nia, tức là Giê-hô-gia-kin, là con của Giê-hô-gia-kim (II Các Vua 24:6).

Thực tế, Giô-si-a đã sinh ra Giê-hô-gia-kim và các anh em của ông. Theo I Sử Ký 3:15 thì con trưởng nam của Giô-si-a là Giô-ha-nan; con thứ nhì là Giê-hô-gia-kim, con thứ ba là Sê-đê-kia, con thứ tư là Sa-lum. Còn Giê-hô-gia-kim chỉ sinh ra Giê-chô-nia và Sê-đê-kia. Vì thế, không thể nói, Giô-si-a đã sinh Giê-chô-nia và các anh em của người.

Chúng ta chú ý, em và con của Giê-hô-gia-kim đều tên là Sê-đê-kia. Thật ra, em của Giê-hô-gia-kim tên là Ma-tha-nia, được vua của Ba-bi-lôn lập lên làm vua thế cho Giê-hô-gia-kin, tức Giê-chô-nia, và đổi tên lại là Sê-đê-kia (II Các Vua 24:17).

Một số bản chép tay sách Ma-thi-ơ trong tiếng Hê-bơ-rơ đã chép tên của Giê-hô-gia-kim thay vì tên của Giê-chô-nia trong Ma-thi-ơ 1:11, đúng theo dữ liệu trong Cựu Ước.

Chúng tôi nghĩ rằng, các bản chép tay tiếng Hy-lạp đã bị lỗi, do đó cũng làm thiếu đi một tên trong danh sách 14+14+14=42. Nếu không có tên Giê-hô-gia-kim thì tổng cộng chỉ có 41 tên, không đúng như lời khẳng định trong Ma-thi-ơ 1:17.

Trong bản gia phả theo Lu-ca, tên Kê-nan màu xanh, có dấu chấm hỏi, tiêu biểu cho một nghi vấn.

Trong các bản chép tay tiếng Hy-lạp của sách Lu-ca đều có ghi tên Kê-nan trong Lu-ca 3:36, giữa hai tên Sê-lách và A-bác-sát. Tuy nhiên, trong các bản chép tay tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh Cựu Ước thì không có nơi nào ghi lại sự kiện Sê-lách là con của Kê-nan và Kê-nan là con của A-bác-sát. Trái lại, các bản chép tay Cựu Ước trong tiếng Hê-bơ-rơ đều ghi rằng:

A-bác-sát sinh Sê-lách; Sê-lách sinh Hê-be.” (Sáng Thế Ký 10:24).

Nhưng trong Thánh Kinh Cựu Ước Bản Dịch 70 thì Sáng Thế Ký 10:24 có ghi tên của Kê-nan:

A-bác-sát sinh Kê-nan; Kê-nan sinh Sê-lách; Sê-lách sinh Hê-be” (Sáng Thế Ký 10:24 – Bản Dịch 70).

Thánh Kinh Cựu Ước Bản Dịch 70 là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, được phiên dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Bản Dịch 70 đã được Đức Chúa Jesus Christ cùng Hội Thánh lúc ban đầu sử dụng. Xin đọc chi tiết về bản dịch này trên khu mạng từ điển của Hội Thánh [2].

Chúng tôi nghĩ rằng, có thể, Lu-ca không hề ghi tên Kê-nan trong Lu-ca 3:36 nhưng khi sách Lu-ca được sao chép lại vào buổi ban đầu của Hội Thánh, các nhà sao chép đã đối chiếu gia phả của Đức Chúa Jesus Christ do Lu-ca ghi chép với gia phả của Sem trong Thánh Kinh Bản Dịch 70; và họ tưởng rằng, Lu-ca đã chép thiếu tên Kê-nan, nên họ đã tự ý thêm vào.

Chúng tôi tin rằng, Thánh Kinh nguyên bản, tức là bản gốc, được Thiên Chúa thần cảm cho các người ghi chép nên tuyệt đối không có sự sai sót hay lỗi lầm nào. Nhưng các bản sao chép và các bản dịch thì có sự sai sót và lỗi về mặt sao chép và phiên dịch. Vì thế, Thánh Kinh Cựu Ước nguyên gốc tiếng Hê-bơ-rơ không có lỗi nhưng Thánh Kinh Bản Dịch 70 có thể có lỗi. Và một trong các lỗi là vì một lý do gì đó, đã nhầm lẫn thêm tên Kê-nan vào Sáng Thế Ký 10:24.

Chúng tôi tin rằng, Thiên Chúa đã định cho dòng dõi loài người ra từ Nô-ê bao gồm 70 dân tộc, như đã liệt kê trong Sáng Thế Ký đoạn 10. Vì thế, Sáng Thế Ký 10:24 không thể có tên Kê-nan. Nếu có tên Kê-nan thì sẽ trở thành 71 dân tộc. Con số 70 trong Thánh Kinh tiêu biểu cho sự trật tự trọn vẹn thuộc linh được thể hiện với toàn bộ sức mạnh. Nó là sự hình thành từ hai con số khác cũng tiêu biểu cho sự trọn vẹn. Số 7 tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thuộc linh, về bất cứ sự gì là thiêng liêng. Số 10 tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng và luật pháp, như mười ngón tay và mười ngón chân của loài người, như hệ thống số đếm thập phân, như Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Chúng tôi tin rằng, Thiên Chúa cho phép một số sự sai sót và lỗi lầm không nghiêm trọng, không làm sai lạc ý nghĩa của Lời Chúa, xảy ra trong các bản sao chép và các bản dịch là để làm nổi bật sự tuyệt đối của các bản gốc nguyên thủy. Những người sao chép và phiên dịch Thánh Kinh được Thiên Chúa ban ơn để họ làm việc nhưng Ngài không thần cảm họ. Vì Ngài chỉ thần cảm một lần đủ cả cho các bản Thánh Kinh nguyên thủy.

Ngày nay, chúng ta không còn các bản chép tay gốc, tức các văn bản Thánh Kinh nguyên thủy. Nhưng khi đối chiếu các bản chép tay được sao chép từ bản gốc, các nhà chuyên môn nghiên cứu Thánh Kinh, có lòng tin kính Thiên Chúa và được Ngài ban ơn, vẫn có thể biết được bản sao chép nào là đúng với bản gốc. Chúng tôi tin rằng, lý do Thiên Chúa không cho phép các bản chép tay gốc của Thánh Kinh tồn tại là để tránh sự loài người thần tượng hóa chúng, thờ lạy chúng. Nhưng cũng có thể các bản chép tay gốc ấy vẫn được Thiên Chúa lưu trữ đâu đó. Khi Vương Quốc Ngàn Năm được thành lập thì Ngài sẽ cho phép các bản chép tay gốc ấy xuất hiện, và ai nấy cũng đều có thể đọc Lời Chúa trong nguyên bản. Đó sẽ là một ơn phước rất lớn.

Mặc dù trong gia phả theo Ma-thi-ơ và trong gia phả theo Lu-ca đều có tên Sa-la-thi-ên và Xô-rô-ba-bên theo liền nhau nhưng Sa-la-thi-ên và Xô-rô-ba-bên trong gia phả theo Ma-thi-ơ khác với Sa-la-thi-ên và Xô-rô-ba-bên trong gia phả theo Lu-ca. Một bên là con cháu Đa-vít theo chi tộc Sa-lô-môn, còn một bên là con cháu Đa-vít theo chi tộc Na-than. Chúng ta phải hiểu rằng, kể từ sau Sa-lô-môn và Na-than thì không thể nào có chuyện các người trong gia phả theo Lu-ca trùng tên với các người trong gia phả Ma-thi-ơ là cùng một người. Vì họ hoàn toàn được sinh ra trong hai chi tộc khác nhau.

Trong bản gia phả theo Ma-thi-ơ ghi rằng: “Gia-cốp đã sinh Giô-sép, chồng của Ma-ri”. Trong bản gia phả theo Lu-ca thì ghi rằng: “Bản thân Đức Chúa Jesus đã bắt đầu được khoảng ba mươi tuổi, theo phong tục là con trai Giô-sép”. Như vậy, tên Giô-sép trong hai bản gia phả đều chỉ chung về một người, là chồng của Ma-ri và là cha nuôi của Đức Chúa Jesus. Chúng ta thấy rõ, gia phả theo Ma-thi-ơ ghi chép về phía của Giô-sép. Ông là con của Gia-cốp và ngược lên đến Sa-lô-môn; rồi Đa-vít. Dù Đức Chúa Jesus là con nuôi của Giô-sép nhưng là con hợp pháp nên Đức Chúa Jesus có quyền kế vị ngai vua của Đa-vít. Là ngai vua mà Đức Chúa Trời đã hứa là sẽ đời đời ban cho dòng dõi của Đa-vít:

Và nhà của ngươi cùng vương quốc của ngươi sẽ bền vững cho tới vĩnh cửu trước mặt ngươi. Ngai của ngươi sẽ được vững lập cho tới vĩnh cửu.” (II Sa-mu-ên 7:16).

Bản gia phả theo Ma-thi-ơ nhằm chứng minh về phương diện pháp lý, Đức Chúa Jesus thuộc dòng Vua Đa-vít, qua chi tộc Sa-lô-môn, có quyền ngồi trên ngai vua của Đa-vít. Tuy nhiên, tới đời của Vua Giê-chô-nia, tức Giê-hô-gia-kin, thì Thiên Chúa phán rằng, con cháu của Giê-chô-nia sẽ không bao giờ được ngồi trên ngai vua của Đa-vít (Giê-rê-mi 22:30). Như vậy, nếu Đức Chúa Jesus là con ruột của Giô-sép thì Ngài không thể ngồi trên ngai vua của Đa-vít, bởi lời rủa sả đó. Trong thực tế, Đức Chúa Jesus không là con ruột của Giô-sép nên lời rủa sả đó không ảnh hưởng đến Ngài. Nhưng nếu Ngài không là con ruột của Giô-sép thì lại không thuộc huyết thống của Đa-vít. Đức Chúa Jesus phải thuộc về huyết thống của Đa-vít thì lời tiên tri về Đấng Mê-si-a mới ứng nghiệm:

Một chồi sẽ trổ lên từ gốc của Gie-sê. Một nhánh sẽ kết quả từ những rễ của nó.” (Ê-sai 11:1).

Sẽ xảy ra trong ngày đó, rễ của Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ cho muôn dân. Các dân tộc sẽ tìm đến Ngài. Sự an nghỉ của Ngài sẽ được vinh quang.” (Ê-sai 11:10).

Chính vì thế mà Thiên Chúa đã dùng Lu-ca ghi lại gia phả của Đức Chúa Jesus về phía bà Ma-ri, là mẹ ruột của Ngài, để chứng minh, về thân thể xác thịt, Ngài thật sự thuộc về huyết thống của Vua Đa-vít, qua chi tộc Na-than. Gia phả theo Lu-ca vừa chứng minh Đức Chúa Jesus thuộc về huyết thống của Đa-vít, vừa chứng minh Ngài là dòng dõi của người nữ, vì không có cha ruột. Và như vậy, lời tiên tri của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký được ứng nghiệm:

Ta sẽ đặt sự nghịch thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ làm tổn thương gót chân người. [Chữ người trong câu này chỉ về một người sẽ ra từ dòng dõi người nữ, tức là Đức Chúa Jesus.]” (Sáng Thế Ký 3:15).

Dù Giô-sép không thuộc về gia phả phía Ma-ri, nhưng ông là cha hợp pháp của Ngài nên tên của ông được ghi vào gia phả của Ngài. Mà Lu-ca đã cẩn thận ghi chú “theo phong tục là con trai Giô-sép”. Và như vậy, tên Ma-ri được hiểu ngầm trong danh sách của gia phả.

Một số nhà giải kinh cho rằng, cả hai bản gia phả đều là gia phả của Giô-sép. Theo họ thì Giô-sép là con ruột của Gia-cốp như Ma-thi-ơ đã ghi rõ. Nhưng Giô-sép là con hợp pháp của Hê-li vì một trong hai lý do:

  • Giô-sép là con rể, được Hê-li nhận làm con thừa kế, vì Hê-li không có con trai.

  • Giô-sép là con hợp pháp của Hê-li, được sinh ra bởi Gia-cốp là anh cùng cha khác mẹ của Hê-li. Lý do là Hê-li qua đời không có con trai nối dõi nên Gia-cốp đã lấy vợ của Hê-li để sinh con nối dõi cho Hê-li, theo luật pháp Cựu Ước:

Khi các anh em ở chung với nhau, một người chết không con, vợ của người chết chớ ở với người đàn ông lạ. Anh em chồng của nàng phải đi đến với nàng, nhận nàng làm vợ, làm bổn phận của anh em chồng. Sẽ xảy ra, con đầu lòng mà nàng sinh ra sẽ nối danh cho người anh em đã chết, để cho danh của người ấy không bị xóa bỏ khỏi I-sơ-ra-ên.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:5-6).

Vì thế, Giô-sép là con ruột của Gia-cốp nhưng cũng là con hợp pháp của Hê-li.

Hai lý do nêu trên đều có thể xảy ra. Nhưng nếu như vậy thì không thể chứng minh Đức Chúa Jesus có huyết thống của Đa-vít. Vì Ngài không phải là con ruột của Giô-sép. Vì vậy, gia phả theo Lu-ca phải là gia phả của Đức Chúa Jesus về phía mẹ. Tên Ma-ri được hiểu ngầm trong danh sách của gia phả, khiến cho toàn bộ danh sách bao gồm 77 tên. Tên của Đức Chúa Trời đứng đầu, hàm ý, Đức Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời. Tên của Ma-ri đứng cuối, hàm ý, Đức Chúa Jesus là con của loài người, như Ngài thường tự xưng và được dịch ngắn gọn sang tiếng Việt là “Con Người”.

Trong gia phả theo Ma-thi-ơ, động từ “sinh” (G1080) khi dùng cho đàn ông thì có nghĩa là “khiến cho được sinh ra”. Hiểu theo nghĩa rộng là “tổ phụ của”. Thí dụ, câu “Áp-ra-ham đã sinh I-sác” có nghĩa đen là: Áp-ra-ham đã khiến cho I-sác được sinh ra. Nhưng nếu nói “Áp-ra-ham đã sinh ra Lê-vi” thì phải hiểu theo nghĩa rộng là: Áp-ra-ham đã là tổ phụ của Lê-vi. Vì thực tế, Lê-vi là “chắt” của Áp-ra-ham. Hê-bơ-rơ 7:10 giúp cho chúng ta hiểu rõ về nghĩa rộng của động từ “sinh” được dùng trong cả nguyên ngữ Hê-bơ-rơ lẫn Hy-lạp của Thánh Kinh: “Vì Lê-vi vẫn còn ở bên trong hông của tổ phụ mình, khi Mên-chi-xê-đéc gặp ông ấy”. Nói cách khác, mỗi một người được sinh ra trong thế gian đều vẫn ở trong A-đam ngay từ khi A-đam được Thiên Chúa dựng nên. Đặc biệt, Ê-va cũng ra từ A-đam bởi phép lạ của Thiên Chúa. Bởi đó, Lu-ca đã quy nguồn gốc của Đức Chúa Jesus Christ về tận A-đam và kết luận, A-đam thuộc về Đức Chúa Trời, có nghĩa, A-đam là con của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, không có một người đàn ông nào khiến cho Đức Chúa Jesus được sinh ra. Vì chính Đức Chúa Trời đã khiến cho Ngài được sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, theo dòng Vua Đa-vít.

Khi động từ “sinh” (G1080) dùng cho đàn bà thì có nghĩa là: trực tiếp mang thai và sinh con; như được dùng trong câu: “Từ nàng, Đức Chúa Jesus đã được sinh ra, được gọi là Christ”.

Trong bản gia phả theo Lu-ca, ông dùng cách viết ngắn, người này thuộc về người kia, ám chỉ người này là con hoặc cháu của người kia. Thí dụ, “thuộc về Hê-li” có nghĩa là con của Hê-li hoặc cháu của Hê-li. Cách viết “thuộc về” của Lu-ca còn nhấn mạnh đến sự kiện, về thân vị loài người, Đức Chúa Jesus thuộc về huyết thống của tất cả những người đã được liệt kê trong gia phả, ngoại trừ Giô-sép là cha nuôi của Ngài.

Mệnh đề “theo phong tục là con trai Giô-sép” trong Lu-ca 3:23 cần được đặt trong dấu ngoặc tròn như sau:

Bản thân Đức Chúa Jesus đã bắt đầu được khoảng ba mươi tuổi, (theo phong tục là con trai Giô-sép) thuộc về Hê-li…”

Nghĩa là: mặc dù theo phong tục Đức Chúa Jesus là con trai Giô-sép nhưng thực tế, Ngài thuộc về Hê-li, là con cháu của Hê-li. Chúng ta nên hiểu hàm ý của Lu-ca khi ông trình bày gia phả của Đức Chúa Jesus theo cách mà ông đã trình bày. Lu-ca muốn nói:

Đức Chúa Jesus

  • là (con trai Giô-sép, theo phong tục, không theo huyết thống),

  • là con cháu của Hê-li (theo huyết thống, vì Ngài là con ruột của Ma-ri; mà Ma-ri là con ruột của Hê-li),

  • là con cháu của Mát-tát (theo huyết thống, vì Hê-li là con ruột của Mát-tát),

  • là con cháu của Lê-vi (theo huyết thống, vì Mát-tát là con ruột của Lê-vi),

  • . . .

  • là con cháu của A-đam (theo huyết thống, vì Sết là con ruột của A-đam),

  • là con của Đức Chúa Trời (theo nghĩa con được sáng tạo, vì A-đam được dựng nên bởi ý muốn của Đức Chúa Trời).

Lu-ca nhấn mạnh sự kiện A-đam “thuộc về Đức Chúa Trời”, hàm ý, A-đam đã được Thiên Chúa dựng nên trong địa vị là con của Đức Chúa Trời. Vì thế, Đức Chúa Trời đứng đầu trong bản gia phả của Đức Chúa Jesus.

Gia phả theo Ma-thi-ơ có 42 tên, chia thành ba nhóm, mỗi nhóm có 14 tên.

Một số nhà giải kinh cho rằng, Ma-thi-ơ cố ý sắp xếp gia phả như vậy cho dễ nhớ. Chúng tôi thì cho rằng, Ma-thi-ơ chỉ ghi chép cách trung thực theo sử liệu và theo sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh đã thần cảm cho ông loại bỏ ba đời vua không xứng đáng được đưa vào gia phả. Sau khi lập danh sách thì Ma-thi-ơ mới nhận thấy gia phả của Chúa được chia đều thành ba phần. Vì thế, ông đã ghi lại nhận định đó trong câu 17.

Một số nhà giải kinh khác thì cho rằng, mỗi mẫu tự trong tiếng Hê-bơ-rơ tương ứng với một con số. Các mẫu tự trong tên của Đa-vít có tổng giá trị là 14, nên Ma-thi-ơ đã sắp xếp gia phả sao cho mỗi giai đoạn lịch sử đều có 14 đời. Tuy nhiên, chúng ta thấy, từ Áp-ra-ham đến Đa-vít có 14 đời, và từ Giê-chô-nia đến Đức Chúa Jesus cũng có 14 đời là sự đương nhiên xảy ra như vậy. Không cần phải do Ma-thi-ơ sắp xếp. Chỉ riêng từ Sa-lô-môn đến Giê-hô-gia-kim cần phải loại bỏ ba đời để còn lại 14 đời.

Trong Thánh Kinh, số 7 tiêu biểu cho sự trọn vẹn thuộc linh. Số 14 có giá trị gấp đôi số 7, hàm ý, sự trọn vẹn thuộc linh được tăng lên gấp đôi, sau khi loài người sa ngã, phạm tội, và được cứu chuộc. Sự sáng tạo của Thiên Chúa là trọn vẹn. Sự Thiên Chúa phục hồi sự sáng tạo của Ngài cũng là trọn vẹn. Vì thế, số 14 tiêu biểu cho sự cứu rỗi. Ngày 14 tháng 01 theo Lịch Thánh Kinh, tương đương Lịch Do-thái, là ngày Lễ Vượt Qua. Lễ hội đó tiêu biểu cho sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Trong gia phả theo Ma-thi-ơ gồm có 40 động từ “sinh” (G1080); trong đó có 39 lần được dùng với cách chủ động, theo nghĩa: là “tổ phụ của”; và một lần với cách thụ động để nói về sự Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi bà Ma-ri.

Sự kiện gia phả của Ma-thi-ơ chỉ bao gồm đến Áp-ra-ham và nhấn mạnh về Vua Đa-vít là để chứng minh: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, tức là Đấng Mê-si-a đã được hứa trong Cựu Ước, thuộc dòng dõi có lời hứa của Đức Chúa Trời, là dòng dõi Áp-ra-ham.

Gia phả theo Lu-ca có 77 tên, bao gồm Đức Chúa Trời và Ma-ri. Tên của Ma-ri được hiểu ngầm, khi dùng cách nói: “theo phong tục là con trai của Giô-sép” (câu 23), để khẳng định Đức Chúa Jesus không phải là con của Giô-sép theo huyết thống, nên tên của Ma-ri phải được hiểu ngầm trong danh sách của gia phả. Theo phong tục bấy giờ, gia phả của dân I-sơ-ra-ên không khi tên phụ nữ. Ngoại trừ các ghi chú đặc biệt của Ma-thi-ơ trong bản gia phả, do ông thiết lập mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Trong gia phả theo Lu-ca, mỗi tên đều có mạo từ xác định đứng trước, ngoại trừ tên của Giô-sép trong câu 33. Điều đó hàm ý, dù Giô-sép được ghi tên trong gia phả nhưng ông không thật sự thuộc về chi tộc Na-than.

Số 7 tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thuộc linh, về bất cứ sự gì là thiêng liêng. Số 10 tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng và luật pháp. Số 77 là tổng số của 7X10+7, tiêu biểu cho sự trọn vẹn thuộc linh được nhân lên gấp 10 lần, rồi được lặp lại thêm một lần nữa để nói đến sự trọn vẹn tuyệt đối dựa trên luật pháp và ý muốn của Thiên Chúa.

Sự kiện gia phả của Lu-ca bao gồm A-đam và Đức Chúa Trời là để chứng minh: Đấng Christ thật sự thuộc dòng dõi của loài người, hoàn toàn là loài người. Chính Ngài đã tự xưng là “Con của Loài Người”, trong tiếng Việt được viết tắt là Con Người.

Khi chúng ta dành thời gian suy ngẫm và tìm hiểu về gia phả của Đức Chúa Jesus Christ, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh, thì chúng ta cảm nhận được ý nghĩa thuộc linh và sự chính xác trong từng chi tiết của chương trình cứu rỗi Thiên Chúa ban cho loài người. Một chương trình đã được Thiên Chúa định sẵn từ trước khi sáng thế, theo sự biết trước mọi sự của Ngài. Điều vô cùng quan trọng mà chúng ta có thể nhận thức là: mỗi một người trong chúng ta, con dân chân thật của Thiên Chúa, cũng được dự phần trong gia phả của Đấng Christ. Tên của mỗi chúng ta sẽ được viết tiếp theo tên của Đấng Christ, trong ngày Đấng Christ trao cho chúng ta tên mới của mỗi người, được viết trên một hòn sỏi trắng (Khải Huyền 2:17).

Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu Thánh Kinh, trong hai phân đoạn ghi chép gia phả của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/09/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.earlychristianwritings.com/

https://www.sacred-texts.com/index.htm

https://earlychurchhistory.org/

[2] Tra tìm “Bản Dịch 70” tại đây: https://thewordtoyou.net/dictionary/

Bản Dịch 70: Bản Dịch 70 là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, do 72 học giả I-sơ-ra-ên sống tại A-léc-xan-tri (Alexandria), xứ Ê-díp-tô. Họ được tuyển chọn từ trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên, mỗi chi phái sáu người. Năm sách đầu của Cựu Ước được phiên dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Các sách còn lại được phiên dịch hoàn tất vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Ban đầu, Bản Dịch 70 được những người I-sơ-ra-ên sống tại Ê-díp-tô dùng; vì họ đọc và nói tiếng Hy-lạp nhưng không đọc và nói được tiếng Hê-bơ-rơ. Đến thời của Đức Chúa Jesus thì Bản Dịch 70 đã được dùng rộng rãi trong các nhà hội của người I-sơ-ra-ên ở khắp nơi trong đế quốc La-mã. Chính Đức Chúa Jesus cũng nhiều lần trích dẫn Cựu Ước từ Bản Dịch 70. Sau khi Hội Thánh được thành lập thì Bản Dịch 70 đã được dùng trong Hội Thánh.

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Con Khao Khát”
https://karaokethanhca.net/long-con-khao-khat/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.