Chú Giải Hê-bơ-rơ 05:11-14 Lời Cảnh Báo về Sự Thiếu Hiểu Biết Lời Chúa

4,300 views

Chú Giải Hê-bơ-rơ 5:11-14
Lời Cảnh Báo về Sự Thiếu Hiểu Biết Lời Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzgyNDExNzFf/58011_LoiCanhBaoVeSuThieuHieuBietLoiChua_Heboro_05_11-14.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58011-loicanhbaovesuthieuhieubietloichua-heboro-05-11-14
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/o5yo48jqg2y3vb2/58011_LoiCanhBaoVeSuThieuHieuBietLoiChua_Heboro_05_11-14.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hê-bơ-rơ 5:11-14

11 Về Ngài, chúng ta có nhiều sự giảng dạy và khó giải thích; vì các anh chị em đã trở nên những người chậm nghe.

12 Vì lẽ ra theo thời gian, các anh chị em phải là những giáo sư. Các anh chị em cần có sự dạy trở lại cho các anh chị em những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời. Các anh chị em đã trở nên cần có sữa mà không là thức ăn cứng.

13 Vì ai là người dự phần về sữa thì không có kinh nghiệm trong Lời của sự công bình; vì người ấy là trẻ con.

14 Nhưng thức ăn cứng là của những người trưởng thành, những người bởi thói quen mà những sự nhận thức đã được tập luyện, nên họ nắm giữ sự nhận thức tinh tế về điều thiện cũng như về điều ác.

Trong Hê-bơ-rơ 4:12-13, chúng ta đã học về ý nghĩa, mục đích, và đặc tính Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã biết:

…Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Chúng ta cũng đã thuộc lòng mệnh lệnh:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Vì thế, chúng ta đã biết rằng, sự thiếu hiểu biết Lời Chúa là điều vô cùng nguy hiểm đối với con dân Chúa. Đó là sự nguy hiểm hàng đầu trong tất cả các thứ nguy hiểm mà chúng ta phải đối diện trên bước đường theo Chúa. Chúng ta thuộc về Chúa nhờ chúng ta có đức tin. Đức tin phải thể hiện thành hành động mới giữ chúng ta ở lại trong tình yêu và ân điển của Chúa, nếu không, đức tin sẽ chết (Gia-cơ 2:14-26). Nhưng để có thể biến đức tin thành hành động thì chúng ta phải có sự hiểu biết đúng và đủ về Lời Chúa. Mà để có thể hiểu biết đúng và đủ về Lời Chúa thì chúng ta phải tiếp nhận Lời Chúa. Chúng ta tiếp nhận Lời Chúa bằng cách đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, nghe giảng cũng như trao đổi sự hiểu biết và thảo luận với các anh chị em cùng Cha của chúng ta. Bên cạnh đó là chúng ta phải cẩn thận áp dụng sự hiểu biết Lời Chúa vào trong cuộc sống mỗi ngày. Chính sự áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống khiến cho chúng ta hiểu biết Lời Chúa càng hơn và sâu nhiệm hơn. Lời Chúa chỉ thánh hóa và làm cho chúng ta được sống, khi chúng ta làm theo Lời Chúa.

Một người có thể tin thức ăn và nước uống nuôi sống mình, nhưng nếu người ấy không thể hiện sự tin của mình thành hành động ăn thức ăn và uống nước, thì người ấy không thể được thức ăn và nước nuôi sống.

Có rất nhiều người tin nhận Chúa nhưng suốt cuộc đời của họ, họ không hề đọc hết cuốn Thánh Kinh. Có những người đi học, họ đọc và học không biết bao nhiêu sách nhưng họ không hề đọc trọn Thánh Kinh. Có những người đọc biết bao nhiêu tiểu thuyết và nhớ vanh vách từng chi tiết nhưng họ không hề đọc trọn Thánh Kinh. Ít có ai trong chúng ta bỏ qua một ngày mà không ăn thức ăn và uống nước. Ai cũng biết chăm lo cho sự sống thuộc thể nhưng nhiều người lại hoàn toàn bỏ qua việc chăm sóc cho sự sống thuộc linh. Vì thế, sau khi tin Chúa một thời gian thì họ bị cuốn hút trở lại với đời sống cũ tội lỗi, đầy dẫy những lo toan, tính toán, những ham muốn bất chính. Rồi, cuối cùng bị trật phần ân điển, rơi trở lại vào sự hư mất đời đời.

Một người không có sự vui mừng và sự khao khát được đọc, nghe, suy ngẫm Lời Chúa, và cẩn thận làm theo thì người ấy sẽ không bao giờ có sự hiểu biết cần và đủ về Lời Chúa. Qua Hê-bơ-rơ 5:11-14, Đức Thánh Linh đã cảnh báo những người là con dân Chúa mà không chuyên tâm học biết Lời Chúa.

11 Về Ngài, chúng ta có nhiều sự giảng dạy và khó giải thích; vì các anh chị em đã trở nên những người chậm nghe.

Về Ngài” là về Đấng Christ, về Ngôi Lời, Đấng rao truyền Lời của Đức Chúa Trời cho loài người. “Chúng ta” là Phao-lô và những người cùng rao giảng Lời Chúa với ông, như Ba-na-ba, Si-la, Ti-mô-thê, Tít… Phao-lô cho biết, ông và những người rao giảng Lời Chúa có rất nhiều sự giảng dạy về Đấng Christ, nhưng ông và họ lại thấy khó giải thích cho những người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành vào thời bấy giờ. Lý do, những người ấy đã trở nên những người chậm nghe.

Từ ngữ “chậm nghe” theo nghĩa đen là lười biếng nghe. Những người ấy vốn là những người quen với sự nghe đọc và nghe giảng Thánh Kinh Cựu Ước trong các nhà hội, từ khi họ chưa biết Đấng Christ. Nhưng sau khi nghe giảng về Đấng Christ và tin nhận Đấng Christ thì họ đã trở nên lười biếng nghe giảng về Ngài. Rao giảng điều gì cho một người lười biếng nghe giảng thì thật là khó mà giải thích cho người ấy những sự đang được rao giảng. Vì không có cách nào để giải thích cho một người không muốn nghe.

Từ ngữ “chậm nghe” còn có nghĩa bóng là nghe mà không hiểu vì thiếu khôn sáng. Một người trở nên thiếu khôn sáng là vì lòng của người ấy đã nguội lạnh sự tin kính Chúa. Vì Thánh Kinh đã dạy rõ:

Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn sáng…” (Thi Thiên 11:10).

Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự tri thức…” (Châm Ngôn 1:7).

Sự khôn sáng là sự hiểu biết cách làm việc và giải quyết mọi vấn đề. Sự tri thức là sự hiểu biết về Thiên Chúa và các nguyên tắc trong đời sống, đó là sự hiểu biết đến trực tiếp từ Thiên Chúa, không do học tập hoặc kinh nghiệm, cũng không do suy luận. Tri thức là sự tự nhiên biết do Thiên Chúa thần cảm, khác với học thức là sự hiểu biết do học tập; khác với kiến thức là sự hiểu biết do kinh nghiệm; và khác với trí thức là sự hiểu biết do suy luận.

Người kính sợ Thiên Chúa thì có tri thức, tức có sự hiểu biết về Thiên Chúa, về ý muốn của Ngài do chính Ngài bày tỏ trong thần trí, và người ấy biết cách áp dụng tri thức ấy vào trong cuộc sống mà trở thành người khôn sáng. Người kính sợ Thiên Chúa luôn say mê, khao khát Lời Chúa nên tiếp tục đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa để thêm học thức, kiến thức, và trí thức về Lời Chúa. Trái lại, người không còn có lòng tin kính Thiên Chúa thì sẽ thiếu sự hiểu biết Lời Chúa và sẽ không ham thích Lời Chúa.

12 Vì lẽ ra theo thời gian, các anh chị em phải là những giáo sư. Các anh chị em cần có sự dạy trở lại cho các anh chị em những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời. Các anh chị em đã trở nên cần có sữa mà không là thức ăn cứng.

Khi chúng ta đọc về ngụ ngôn người gieo giống trong Ma-thi-ơ 3, Mác 4, và Lu-ca 8 chúng ta thấy, bốn vùng đất mà những hạt giống rơi xuống, cho ra bốn kết quả khác nhau:

  • Hạt giống rơi trên lối đi chai cứng, bị chim trời ăn mất, tiêu biểu cho những tấm lòng cứng cỏi vì ưa thích tội lỗi, không thể nào hiểu biết lẽ thật của Tin Lành đã rao giảng cho mình. Ma quỷ sẽ cướp lấy lời giảng ra khỏi tâm trí của họ.

  • Hạt giống rơi trên vùng đất có đá sỏi, dù đâm chồi, bén rễ nhưng khi nắng nóng thì liền khô héo và chết đi, tiêu biểu cho những tấm lòng vui nhận Tin Lành nhưng khi bị khó khăn, bách hại thì từ bỏ đức tin.

  • Hạt giống rơi trên vùng đất có nhiều gai góc, dù đâm chồi, bén rễ nhưng rồi bị gai góc lấn áp mà nghẹt ngòi, tiêu biểu cho những tấm lòng vui nhận Tin Lành nhưng vì lo lắng về đời này, hay tham muốn sự giàu có mà rồi đức tin không thể kết quả.

  • Hạt giống rơi trên vùng đất tốt, kết quả một trăm, hoặc sáu chục, hoặc ba chục, tiêu biểu cho những tấm lòng vui mừng tiếp nhận Tin Lành và giữ lòng tin kính Chúa, lớn lên trong đức tin, kết quả tốt đẹp.

Ngoại trừ trường hợp đầu tiên về những người không quan tâm đến Tin Lành và trường hợp cuối cùng về những người kết quả tốt sau khi tin nhận Tin Lành, chúng ta thấy, trường hợp thứ nhì và trường hợp thứ ba là hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng một kết quả. Hoàn cảnh không thể chịu khổ khi theo Chúa và hoàn cảnh quá lo lắng về đời này, tham muốn sự giàu có. Kết quả là mất đức tin, trật phần ân điển.

Trường hợp thứ nhì và thứ ba chính là trường hợp của những người tin Chúa nhưng không có lòng yêu Chúa trên hết mọi sự, nên họ đã không khao khát, không ăn nuốt Lời Chúa mỗi ngày. Vì thiếu Lời Chúa mà họ thiếu sự hiểu biết sâu nhiệm về Chúa, thiếu lòng tin cậy nơi Chúa. Họ không có Lời Chúa và sự hiểu biết Lời Chúa để thắng mọi thử thách, cám dỗ. Họ không có Lời Chúa và sự hiểu biết Lời Chúa để biết rằng, Đức Chúa Trời là Đấng tiếp trợ mọi nhu cầu của họ và những sự giàu có trong đời này đều sẽ qua đi.

Những người ấy có thể tin Chúa suốt nhiều chục năm nhưng dễ dàng vấp phạm khi gặp khó khăn, hoạn nạn, hoặc khi bị bách hại. Hoặc suốt cuộc đời tin Chúa họ vẫn lo lắng, tính toan cho những nhu cầu vật chất, hay là say mê chạy theo sự làm giàu mà không biết rằng, đó chỉ là sự dối gạt của ma quỷ. Lẽ ra, chỉ sau một năm tin Chúa thì họ phải trưởng thành trong sự hiểu biết Lời Chúa và vui sống theo Lời Chúa, biến đời sống của họ thành của lễ dâng lên Chúa, đẹp lòng Ngài. Trong thời Cựu Ước, các sinh tế phải tròn một tuổi, không tì, không vết mới được dùng làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Người mới tin Chúa giống như chiên con, cần phải được nuôi dưỡng đầy đủ bằng Lời Chúa để được lớn lên, không tật bệnh về thuộc linh, và sau một năm thì trở thành người hữu dụng trong nhà Chúa, là Hội Thánh.

Theo thời gian, một người yêu kính Chúa, khao khát và siêng năng học Lời Chúa thì sẽ có nhiều sự hiểu biết sâu nhiệm để có thể dạy lại cho những người khác. Thế nhưng, hầu hết những người I-sơ-ra-ên tin Chúa vào thời Phao-lô lại cần phải được dạy cho những lẽ thật căn bản của Lời Chúa, là những sự mà nếu họ tự mình đọc và suy ngẫm Lời Chúa thì họ sẽ hiểu.

Những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời chính là Mười Điều Răn. Lẽ ra, họ đã thông suốt Mười Điều Răn và đã học sâu vào những lẽ thật khác trong Thánh Kinh. Nhưng tiếc thay, họ vẫn cứ cần phải được dạy đi dạy lại những điều căn bản ấy; vì họ chỉ hiểu Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời trên bề mặt của chữ nghĩa mà không hiểu ý nghĩa thật của Mười Điều Răn. Thí dụ, họ chỉ hiểu rằng, họ không thể làm các hình tượng, không thể hầu việc các hình tượng, không thể thờ phượng các hình tượng, nhưng họ không hiểu rằng, sự kiêu ngạo và lòng tự ái không đúng, hoặc sự cố chấp hay lòng tham cũng chính là sự thờ lạy hình tượng.

Đây cũng là một thực tế giữa những người tin Chúa ngày nay. Trong hơn 2.2 tỷ người xưng mình là môn đồ của Đấng Christ có bao nhiêu người đã hiểu rõ và vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời? Sứ Đồ Giăng đã viết cho con dân Chúa thời của ông, như sau:

Và, này là tình yêu: Ấy là chúng ta bước theo các điều răn của Ngài. Đây là mệnh lệnh: Điều mà các anh chị em đã nghe từ lúc ban đầu, các anh chị em hãy bước theo.” (II Giăng câu 6).

Lời ấy vẫn áp dụng cho con dân Chúa ngày nay, trong Kỳ Tận Thế, và ngay cả trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Ngày nay, phần lớn (có thể nói hơn 99%) trong số 2.2 tỷ người xưng nhận mình là con dân Chúa, chẳng những không hiểu, không vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời mà còn tin lời quỷ biện của ma quỷ do các giáo sư giả rao truyền, bác bỏ điều răn thứ tư. Họ cần được dạy cho những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời. Họ thật sự như là những trẻ con sơ sinh, cần phải được bú sữa chứ không thể ăn được thức ăn cứng, dành cho bậc trưởng thành. Trẻ con sơ sinh bú sữa thì sẽ lớn lên và ăn thức ăn cứng. Nhưng người lớn mà chỉ uống sữa chứ không ăn thức ăn cứng thì sẽ mất sức khoẻ và sinh ra yếu đuối, bệnh tật. Những người mới tin Chúa được giảng dạy những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời, tức Mười Điều Răn, mà hết lòng tiếp nhận và làm theo thì họ sẽ nhanh chóng trưởng thành thuộc linh và ngày càng hiểu biết Lời Chúa sâu nhiệm càng hơn. Những người tin Chúa đã lâu năm mà vẫn không tiếp nhận những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời, tức Mười Điều Răn, thì sẽ không bao giờ có thể hiểu được những sự sâu nhiệm của Lời Chúa. Điều ấy cũng giống như một người không thông thạo các phép tính số học cộng, trừ, nhân, chia thì không bao giờ có thể hiểu được các phép tính đại số và các phép tính toán học cao cấp khác.

Thước đo trình độ thuộc linh của một người xưng nhận mình là con dân Chúa chính là mức độ hiểu biết của người ấy về Mười Điều Răn, là những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời.

Từ ngữ “Lời phán” trong nhóm chữ “Lời phán của Đức Chúa Trời” là một danh từ dùng để chỉ lời phán ngắn gọn [1]. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là những lời phán ngắn gọn, do chính Đức Chúa Trời phán ra thành tiếng từ trên núi Si-na-i, vào lúc ban đầu, khi các điều răn và luật pháp của Chúa được ban hành cho loài người qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Mười Điều Răn vẫn được dùng để xét xem một người có tội hay không có tội. Trong Kỳ Tận Thế, Mười Điều Răn sẽ được Đức Chúa Trời dùng để phán xét toàn thế gian, khi Rương Giao Ước chứa hai bảng đá có chép Mười Điều Răn hiện ra ở trên trời (Khải Huyền 11:19).

Thử hỏi, nếu một người sau khi tin Chúa, chỉ đọc Thánh Kinh và suy ngẫm, thay vì nghe theo sự giảng dạy dối trá của các giáo hội, thì có phải người ấy sẽ dễ dàng nhận biết những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời? Tiếc thay, hơn 99% những người mang danh là tin nhận Chúa thời nay lại nghe và tin theo những điều răn của loài người mà bỏ đi các điều răn của Đức Chúa Trời. Điều này đã có từ thời của Đức Chúa Jesus. Chính Đức Chúa Jesus đã phán:

Hỡi những kẻ giả hình! Đúng là Ê-sai đã tiên tri về các ngươi, nói rằng: Dân này đến gần Ta với miệng của chúng; tôn kính Ta với môi của chúng; mà lòng của chúng thì xa cách Ta! Nhưng chúng thờ lạy Ta cách vô ích, giảng dạy giáo lý về các điều răn của loài người. [Ê-sai 29:13]” (Ma-thi-ơ 15:7-9).

Cũng chính vì ngày nay số người thật sự tin Chúa và hiểu biết những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời, tức Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, quá ít mà Đức Chúa Jesus đã than rằng:

…Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Chính vì sự thiếu hiểu biết Lời Chúa mà đức tin ban đầu của người tin nhận Chúa bị khô héo và nghẹt ngòi, không sinh ra việc làm. Việc làm của đức tin là hành động vâng giữ các điều răn của Chúa. Đức tin không thể hiện bằng hành động đương nhiên sẽ chết đi, dẫn đến sự chết đời đời của người thiếu hiểu biết Lời Chúa.

13 Vì ai là người dự phần về sữa thì không có kinh nghiệm trong Lời của sự công bình; vì người ấy là trẻ con.

Người dự phần về sữa” có nghĩa là người cần phải được giảng dạy những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời. Người như vậy đang học về ý nghĩa của Mười Điều Răn nên chưa có kinh nghiệm nhiều về Lời Chúa. Nếu đó là người mới tin Chúa thì là chuyện bình thường, nhưng nếu đó là người tin Chúa đã trên một năm thì là chuyện bất thường. Và nếu đó là người đã tin Chúa vài chục năm thì là một chuyện rất kỳ lạ. Nhưng kỳ lạ nhất là vô số những người mang danh là người giảng dạy Lời Chúa mà vẫn không hiểu đúng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời!

Lời Chúa được gọi là Lời của sự công bình vì Lời Chúa bày tỏ sự công bình của Chúa. Chúa là thánh khiết nên Ngài không chấp nhận tội lỗi và Ngài phải hình phạt những kẻ phạm tội. Nhưng Ngài cũng là tình yêu nên Ngài đã ban cho loài người cơ hội được thoát khỏi sự hình phạt vì đã phạm tội. Để cứu loài người ra khỏi hình phạt của tội lỗi thì Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người, gánh thay hình phạt cho loài người. Đó là sự công bình của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ bởi Thánh Kinh.

Một người muốn có kinh nghiệm Lời Chúa thì phải sống đúng theo Lời Chúa. Mà muốn sống đúng theo Lời Chúa thì phải có sự hiểu biết đúng về Lời Chúa. Rất nhiều người, suốt cả một đời tin Chúa nhưng không có kinh nghiệm về Lời Chúa, vì đã không sống đúng theo Lời Chúa, bởi sự hiểu không đúng về Lời Chúa do các giáo hội giảng dạy.

Danh từ “trẻ con” được dùng trong câu 13 là nói về sự trẻ con thuộc linh, trẻ con trong sự hiểu biết Lời Chúa.

14 Nhưng thức ăn cứng là của những người trưởng thành, những người bởi thói quen mà những sự nhận thức đã được tập luyện, nên họ nắm giữ sự nhận thức tinh tế về điều thiện cũng như về điều ác.

Danh từ “thức ăn cứng” trong câu 14 chỉ về những lẽ thật sâu nhiệm khác trong Lời Chúa, ngoài những lẽ thật căn bản của Mười Điều Răn. “Người trưởng thành” có nghĩa là người trưởng thành trong thuộc linh, đối lại với “trẻ con” thuộc linh. Người trưởng thành thuộc linh là người có những sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa, có thể giảng dạy Lời Chúa cho nhiều người khác.

Những sự nhận thức về Lời Chúa phải được tập luyện để trở thành thói quen. Người trưởng thành thuộc linh tập luyện cho mình thói quen đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, rồi cẩn thận làm theo. Động từ tập luyện nói đến sự phải đặt mình vào kỷ luật để khiến cho mình quen dần với việc đọc, suy ngẫm, và làm theo Lời Chúa; đồng thời có ý thức tìm kiếm phương cách tốt nhất để học Lời Chúa.

Động từ nắm giữ nói đến sự sở hữu và điều động tùy ý. Người trưởng thành thuộc linh là người hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa, kinh nghiệm nhiều về Lời Chúa, đến nỗi người ấy sở hữu đặc tính nhận thức một cách tinh tế về điều thiện và điều ác. Vì có nhận thức tinh tế về điều thiện và điều ác mà người ấy biết ngay phải ứng xử như thế nào cho đúng với Lời Chúa trong từng trường hợp. Danh từ “sự nhận thức tinh tế” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là khả năng xem xét, phân tích, để đánh giá chính xác một vấn đề dựa trên thần trí.

Điều thiện là điều đúng với Lời Chúa, đúng với ý muốn của Chúa. Điều ác là điều nghịch lại Lời Chúa, nghịch lại ý muốn của Chúa. Chúng ta biết rằng, bởi A-đam và Ê-va, tổ phụ của loài người, đã không vâng phục Chúa, ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác mà loài người biết điều thiện và điều ác (Sáng Thế Ký 2:17; 3:6, 22). Chúng ta có thể hiểu rằng, không nhất thiết trái của cây ấy có chất liệu đặc biệt giúp cho ai ăn vào thì biết điều thiện và điều ác, nhưng chính hành động không vâng phục Chúa, ăn trái của cây ấy là điều ác. Khi một người làm ra điều ác thì biết điều ác và trở nên một với điều ác. Khi đã biết điều ác thì người ấy cũng biết rằng mình đã ở trong sự thiện và đã đánh mất sự thiện, biết rằng, sự vâng phục Chúa là điều thiện và sự không vâng phục Chúa là điều ác. Nói cách khác, bất cứ cây nào cũng có thể trở thành cây biết điều thiện và điều ác, nếu Đức Chúa Trời truyền lệnh cho loài người không được ăn trái của nó.

Sự biết điều thiện và điều ác khác với sự nhận thức tinh tế về điều thiện và điều ác.

Chữ “biết” được dùng trong mệnh đề “biết điều thiện và điều ác” mang một ý nghĩa rất là đặc biệt, khác với chữ “biết” mà chúng ta thường dùng ngày nay. Chính Thánh Kinh dùng chữ “biết” đó để nói đến mối quan hệ vợ chồng: A-đam “biết” Ê-va và Ê-va sinh con! Đây không phải là sự “biết” qua loa ở bên ngoài, hay chỉ là một sự nhận thức chung chung, mà là người “biết” và đối tượng được “biết” trở nên một.

Khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì loài người chỉ biết điều thiện, vì loài người được dựng nên bởi Đấng Thiện, được dựng nên trong sự thiện, và trở nên một với sự thiện. Nhưng khi loài người phạm tội, tức làm điều ác, là điều nghịch lại Thiên Chúa, thì loài người biết điều ác và loài người trở nên một với sự ác, cứ tiếp tục làm ra điều ác. Thiên Chúa biết điều ác nhưng điều ác không thể tác động lên Ngài và Ngài không bao giờ làm ra điều ác; còn loài người biết điều ác thì loài người trở thành nô lệ của sự ác và cứ tiếp tục làm ra các điều ác. Loài người trở nên biết điều thiện và điều ác như Thiên Chúa nhưng loài người không thể làm thiện và tránh làm ác như Thiên Chúa. Thiên Chúa biết điều ác và làm chủ điều ác, vì Ngài là Đấng Toàn Tri và Toàn Năng. Loài người biết điều ác vì loài người làm ra điều ác, nên loài người trở thành nô lệ cho sự ác.

Người trưởng thành thuộc linh hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa, kinh nghiệm nhiều về Lời Chúa, có nhận thức tinh tế về điều thiện lẫn điều ác. Có nghĩa là người ấy bởi thần trí mà nhận thức một cách rõ ràng hình thức, tính chất, sức tác động, kết quả của từng điều thiện lẫn từng điều ác. Chính sự nhận thức tinh tế đó khiến cho người trưởng thành thuộc linh luôn đứng vững trong đức tin, tránh được những sự lường gạt và dối trá của ma quỷ, được an ủi và khích lệ trên bước đường theo Chúa mỗi khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách.

Người chưa trưởng thành thuộc linh, vẫn chưa hiểu rõ và áp dụng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vào trong cuộc sống, mà không khao khát, không sốt sắng đọc, nghe, suy ngẫm và làm theo Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thì sẽ không thể nào lớn lên trong đức tin. Đức tin của người ấy sẽ trở nên khô héo hoặc nghẹt ngòi, rồi chết! Quý ông bà anh chị em có thể tải xuống miễn phí cuốn sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” để đọc hoặc đọc trên mạng tại khu mạng timhieutinlanh.com [3], [4].

Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 5:11-14 đã cảnh báo con dân Chúa về sự thiếu hiểu biết Lời Chúa để mỗi người luôn tự xét mình về sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa của mình. Nói cho cùng thì tất cả đều do nơi tấm lòng của mỗi người. Chúng ta tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa nhưng chúng ta có vô cùng biết ơn Chúa, yêu Chúa như Chúa yêu chúng ta, và tận dụng thời gian để tìm hiểu về Ngài hay không? Có phải khi chúng ta yêu ai thì chúng ta sẽ tìm đủ cách để biết càng nhiều càng tốt về người ấy, và làm những gì khiến người ấy vui lòng? Nếu chúng ta thật yêu Chúa trên tất cả mọi sự thì chúng ta sẽ dành nhiều thời gian cho sự học biết về Chúa qua Lời Hằng Sống của Ngài, là Thánh Kinh. Đó là điều khiến Chúa vui lòng.

Nguyện Lời Chúa luôn là niềm vui và lẽ sống tuyệt vời cho mỗi chúng ta. Nguyện sự thông hiểu Lời Chúa ngày càng thêm lên cho mỗi chúng ta. Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta nên trọn vẹn không chỗ trách được trong ngày Đấng Christ hiện ra. Ngày ấy đã gần! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/03/2019

Ghi Chú

[1] G3051,λόγιον”, (logion), /ló-ghi-on/.

[2] G1253, “διάκρισις”, (diakrisis), /đi-a-krít-xít/.

[3] Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa”: https://tinyurl.com/cac-dieuran-cua-thienchua

[4] Bấm vào đây để đọc trên mạng “Các Điều Răn của Thiên Chúa”

Karaoke Thánh Ca: “Jesus Yêu Tôi, Tôi Biết Ơn Ngài Lắm”
https://karaokethanhca.net/jesus-yeu-toi-toi-biet-on-ngai-lam/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.