Chú Giải Rô-ma 04:13-25

3,872 views

Roma_017 Lời Hứa Được Hiện Thực qua Đức Tin
(Rô-ma 4:13-25)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

13 Vì lời hứa cho Áp-ra-ham hay dòng dõi của ông trở thành người thừa kế thế gian không bởi luật pháp nhưng bởi sự công bình của đức tin.

14 Vì, nếu bởi luật pháp mà trở thành người thừa kế, thì đức tin ra vô ích, lời hứa không còn hiệu lực.

15 Vì luật pháp đem lại sự giận. Vì nơi nào không có luật pháp thì không có sự phạm pháp.

16 Vậy nên, từ đức tin này mà bởi ân điển lời hứa là chắc chắn cho hết thảy dòng dõi, không chỉ những ai theo luật pháp mà cả những ai theo đức tin của Áp-ra-ham, người là tổ phụ của hết thảy chúng ta,

17 như đã chép: Ta đã lập ngươi làm cha của nhiều dân tộc! Trước Đấng mà ông tin, {là} Thiên Chúa, Đấng làm sống kẻ chết và gọi những sự không có như chúng đã có rồi, [Sáng Thế Ký 17:5]

18 ông cứ tin vào sự trông cậy khi chẳng còn lẽ trông cậy, mà ông trở nên cha của nhiều dân tộc, theo lời đã phán: Dòng dõi ngươi sẽ như thế ấy!

19 Không yếu kém trong đức tin, ông chẳng quan tâm đến thân thể đã hao mòn của mình, khi ông đã gần trăm tuổi, cũng không {quan tâm} đến tử cung hao mòn của Sa-ra.

20 Ông chẳng lưỡng lự về lời hứa của Đức Chúa Trời vì chẳng tin, nhưng mạnh mẽ trong đức tin, tôn vinh Đức Chúa Trời,

21 và tin chắc rằng, điều gì Ngài đã hứa, Ngài cũng có quyền làm ra.

22 Vì vậy, ông được xem là công bình.

23 Nhưng {lời ấy} chẳng phải chỉ chép cho một mình ông về sự ông được xem {là công bình}.

24 Nhưng cũng cho chúng ta nữa, những người sẽ được xem {là công bình} nếu chúng ta tin nơi Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus, Chúa của chúng ta, sống lại từ trong những kẻ chết.

25 Ngài đã bị nộp vì những sự vi phạm của chúng ta, và đã được làm cho sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMxMzI2NzJf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11617-chu-giai-ro-ma-4_13-25
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/3i39pqax0o9409w/11617_ChuGiaiRoma_4_13-25_LoiHuaDAmazone Drive:uocHienThucQuaDucTin.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong phần đầu của Rô-ma đoạn 4, từ câu 1 đến câu 12 chúng ta đã học về sự Áp-ra-ham được xưng công bình bởi đức tin, trở thành tổ phụ của tất cả những ai có đức tin nơi Đức Chúa Trời và được Ngài xưng là công bình. Chúng ta cũng đã học biết rằng, một người được Đức Chúa Trời xưng công bình có nghĩa là:

  • Được Đức Chúa Trời xem xét và thấy người ấy là thật lòng tin cậy Ngài, không muốn vi phạm các điều răn của Ngài.
  • Được Đức Chúa Trời xem xét và kể người ấy là không có trách nhiệm về sự phạm tội vì đã ăn năn và tin vào sự tha tội của Ngài.

Như vậy, một người được Đức Chúa Trời xưng công bình không có nghĩa là người ấy không hề phạm tội, không hề vi phạm các điều răn của Ngài.

Trong bài này, chúng ta sẽ học những câu còn lại của Rô-ma đoạn 4, từ câu 13 đến câu 25, về sự: Lời hứa của Đức Chúa Trời được hiện thực qua đức tin của chúng ta.

Sáng Thế Ký 15:6 cho chúng ta biết: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời thì Ngài kể sự đó là công bình cho ông. Tuy nhiên, không phải chờ cho đến khi Đức Chúa Trời phán với ông những lời được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 15 về sự Ngài sẽ ban cho ông một đứa con nối nghiệp, thì Áp-ra-ham mới bắt đầu tin Ngài. Ông đã tin và vâng phục Ngài trước đó khoảng 10 năm, là lúc ông được 75 tuổi, khi Ngài phán với ông:

“…Hãy ra khỏi vùng đất của ngươi, khỏi thân tộc của ngươi, và khỏi nhà cha của ngươi, để đến một xứ mà Ta sẽ chỉ {cho ngươi}. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi, làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một sự phước hạnh. Ta sẽ ban phước cho những ai chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi. Hết thảy các gia tộc trên đất sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng Thế Ký 12:1-3).

Hê-bơ-rơ 11:8 đã xác nhận về đức tin của Áp-ra-ham như sau:

“Bởi đức tin, Áp-ra-ham khi được kêu gọi ra đi để đến một nơi mà ông sẽ nhận làm cơ nghiệp, thì ông đã vâng lời, ra đi mà không biết mình đi đâu.”

Chúng ta nhận thấy, trong lời phán dạy đầu tiên của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham đã bao gồm lời hứa về những điều Ngài sẽ làm cho ông và con cháu của ông. Ngày hôm nay (đầu năm 2018), hơn 4.000 năm kể từ khi Đức Chúa Trời phán hứa với Áp-ra-ham, chúng ta đang nhìn thấy:

  • Áp-ra-ham đã thật sự nổi danh và thành một sự phước hạnh, vì trong số khoảng 7 tỷ 600 triệu người trên thế giới, đã có 2 tỷ 200 triệu người theo Cơ-đốc Giáo, 1 tỷ 800 triệu người theo Hồi Giáo, 15 triệu người theo Do-thái Giáo, và vài triệu con dân chân thật của Chúa đều xưng nhận Áp-ra-ham là tổ phụ của mình.
  • Hết thảy các gia tộc trong thế gian đều nhờ Áp-ra-ham mà được phước, vì sự cứu rỗi loài người đến từ Đức Chúa Jesus Christ, con cháu của ông theo phần xác, và vì tất cả các phát minh lớn về khoa học, kỹ thuật, và y khoa đều do các nhà bác học người I-sơ-ra-ên, các nhà đại tư bản làm phát triển nền kinh tế thế giới cũng đều là người I-sơ-ra-ên.
  • Dù bị Đức Chúa Trời sửa phạt cách nặng nề nhiều lần trải qua nhiều thế hệ vì phạm tội, nhưng dòng dõi của Áp-ra-ham, dân I-sơ-ra-ên, vẫn là một dân tộc hùng mạnh, giàu có trong hoàn cảnh gần như bốn bề bị kẻ thù đông gấp trăm lần bao quanh.

Một người biết suy nghĩ, khi đọc Thánh Kinh và đối chiếu với lịch sử của dân I-sơ-ra-ên thì nhận biết ngay, Đức Chúa Trời của Thánh Kinh là có thật, và Thánh Kinh thật sự là lời của Đức Chúa Trời mà những ai tin và vâng theo thì sẽ được phước như Áp-ra-ham.

13 Vì lời hứa cho Áp-ra-ham hay dòng dõi của ông trở thành người thừa kế thế gian không bởi luật pháp nhưng bởi sự công bình của đức tin.

Lời hứa cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông chính là lời hứa trong Sáng Thế Ký 12:2-3 như đã được trích dẫn trên đây, cùng với lời hứa về việc dòng dõi ông sẽ nhiều như sao trên trời (Sáng Thế Ký 15:5), lời hứa về việc ông sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc, từ nơi ông sẽ ra nhiều vua, nhiều nước (Sáng Thế Ký 17:5-6), và lời hứa đất Ca-na-an sẽ là cơ nghiệp đời đời cho dòng dõi của ông (Sáng Thế Ký 17:8).

Đó là những sự thuộc về thế giới vật chất mà Áp-ra-ham và dòng dõi của ông sẽ được thừa kế trong thế gian. Ông và dòng dõi của ông về phần xác thịt, bởi đức tin mà nhận được chứ không phải vì nhờ làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời mà nhận được.

Tuy nhiên, chúng ta đã biết rõ, đức tin của dân I-sơ-ra-ên phải thể hiện thành hành động, khi họ vượt sông Giô-đanh, tiến vào đất hứa Ca-na-an. Trước hết, các thầy tế lễ phải khiêng Rương Giao Ước, vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời, bước chân xuống sông Giô-đanh trong khi sông đang mùa nước lụt tràn bờ. Bởi đức tin của họ, chân các thầy tế lễ vừa bị ướt nơi mé nước, thì nước ở thượng nguồn dừng lại, dồn thành đống, nước ở hạ nguồn thì chảy cạn về phía Biển Mặn, khiến cho toàn dân I-sơ-ra-ên đi ngang sông Giô-đanh trên đất khô (Giô-suê 3:11-17). Kế tiếp, toàn dân I-sơ-ra-ên chịu cắt bì như một hình thức vâng giữ giao ước giữa tổ phụ của họ là Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 17:1-14; Giô-suê 5:2-8). Sau cùng là quân đội I-sơ-ra-ên lấy đức tin đi vòng quanh thành Giê-ri-cô suốt bảy ngày, để đánh chiếm thành đầu tiên trong xứ Ca-na-an (Giô-suê 6).

14 Vì, nếu bởi luật pháp mà trở thành người thừa kế, thì đức tin ra vô ích, lời hứa không còn hiệu lực.

Nếu dân I-sơ-ra-ên nhờ vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời mà nhận được lời hứa của Ngài thì đức tin của Áp-ra-ham và của cả dân I-sơ-ra-ên đều trở thành vô ích, và lời hứa của Đức Chúa Trời trở thành vô hiệu lực. Chúng ta thấy rõ, trong lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, không có một điều khoản nào nói đến việc Áp-ra-ham hay dòng dõi của ông phải vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời thì mới nhận được các điều Đức Chúa Trời hứa.

Trong Ga-la-ti 3:18, Đức Thánh Linh qua Phao-lô cũng quả quyết rằng:

Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban {cơ nghiệp} cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.”

Trong thực tế, luật pháp được ban hành qua Môi-se, là sự kiện đến sau lời Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông 430 năm:

Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.” (Ga-la-ti 3:17).

Vì lời hứa của Đức Chúa Trời là hứa với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, mà Đức Chúa Jesus thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham theo phần xác thịt, nên lời hứa của Đức Chúa Trời cũng đã lập thành trong Đức Chúa Jesus Christ từ trước khi Ngài được sinh ra dưới luật pháp.

Nói tóm lại, tất cả những gì Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông thì Áp-ra-ham và dòng dõi của ông đều nhận được bởi đức tin, chứ không phải nhờ vâng giữ các điều răn và chịu hình phạt bởi luật pháp. Nhưng nếu sau khi nhận được những sự ban cho của Đức Chúa Trời mà lại phạm pháp tức là vi phạm các điều răn, thì sẽ bị Đức Chúa Trời hình phạt.

Chúng ta đã biết, dân I-sơ-ra-ên tiến vào đất hứa vào ngày 29/03/1406 TCN, nhằm ngày 10 tháng Nisan năm 2355 theo Lịch Do-thái [1], [2]. Sau khoảng 356 năm sống dưới sự cai trị của các quan xét thì dân I-sơ-ra-ên được trải qua ba triều vua thịnh trị: Sau-lơ, Đa-vít, và Sa-lô-môn. Mỗi vua cai trị 40 năm. Nhưng vì phạm tội mà vương quốc I-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời xé làm hai, để rồi đến năm 722 TCN, vương quốc phía bắc đã bị hủy diệt bởi đế quốc A-si-ri (II Các Vua 17) [3], và đến năm 587 TCN thì vương quốc phía nam đã bị hủy diệt bởi đế quốc Ba-by-lôn (II Các Vua 24 và 25) [4]. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục giữ lời hứa của Ngài. Ngài vẫn ban cho dân I-sơ-ra-ên Đấng Cứu Rỗi là Đức Chúa Jesus Christ, và qua Đức Chúa Jesus Christ mà các gia tộc trong thế gian đều được hưởng ơn cứu rỗi. Mặc dù dân I-sơ-ra-ên với tính cách là một dân tộc đã chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ, nhưng đến ngày 14/05/1948 Đức Chúa Trời vẫn hồi sinh quốc gia của họ trên vùng đất hứa Ca-na-an, mà năm nay, năm 2018, quốc gia tái lập I-sơ-ra-ên sẽ tròn 70 tuổi; sẵn sàng cho sự Đức Chúa Trời hoàn thành những chi tiết cuối cùng trong giao ước của Ngài với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, dòng dõi về thuộc thể là dân I-sơ-ra-ên, dân Ả-rập, và dòng dõi thuộc linh là những ai thuộc về Hội Thánh của Ngài.

15 Vì luật pháp đem lại sự giận. Vì nơi nào không có luật pháp thì không có sự phạm pháp.

Luật pháp của Đức Chúa Trời là sự quy định hình phạt cho những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta nói: “Vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời”, là chúng ta nói đến sự vâng giữ những điều Đức Chúa Trời dạy chúng ta. Khi chúng ta nói: “Vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời”, là chúng ta nói đến sự thi hành các hình phạt được Đức Chúa Trời quy định cho những ai chống nghịch Ngài. Chính vì thế, luật pháp là sự giận của Đức Chúa Trời đối với những ai chống nghịch Ngài. Sự giận của Đức Chúa Trời đồng nghĩa với hình phạt đến từ Ngài.

Luật Pháp của Đức Chúa Trời được chính Ngài mạc khải chung cho loài người trong lương tâm của họ. Khi loài người phạm tội đến nỗi lương tâm bị chai lì (I Ti-mô-thê 4:2) thì Đức Chúa Trời ban hành luật pháp thành chữ viết trên bảng đá và trên giấy da, qua dân I-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i (Xuất Ê-díp-tô Ký 20). Trong thời Tân Ước, tất cả những ai tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời thì tâm thần được tái sinh với một lương tâm mới, có ghi chép các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Họ tự nhiên biết làm lành, lánh dữ theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời:

Chúa phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ để các luật pháp của Ta trong trí của họ và chép chúng trong lòng của họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân Ta.” (Hê-bơ-rơ 8:10, đối chiếu Giê-rê-mi 31:33).

Từ ngữ luật pháp được nói đến trong thư Rô-ma là luật pháp được viết thành chữ và ban hành qua Môi-se. Như Ga-la-ti 3:17 cho chúng ta biết, luật pháp được ban hành qua Môi-se, 430 năm sau khi Đức Chúa Trời kết giao ước với Áp-ra-ham. Có nghĩa là trong thời của Áp-ra-ham luật pháp chưa được ban hành. Dù luật pháp chưa được ban hành, chép thành chữ trên bảng đá và giấy da, nhưng luật pháp đã được tỏ ra trong lương tâm của loài người. Rô-ma 1:18-32 đã khẳng định như vậy. Ở đây, chúng tôi chỉ cần trích dẫn hai câu:

Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ…” (Rô-ma 1:19).

Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; {thế mà}, chẳng những họ {tự} làm, họ còn vui thú {với} những kẻ làm {các sự ấy}.” (Rô-ma 1:32).

Lẽ thật này cũng giúp cho chúng ta hiểu được, dù luật pháp chưa ban hành thành chữ viết trong thời Áp-ra-ham, nhưng Áp-ra-ham có tri thức về các điều răn, các luật pháp của Đức Chúa Trời và ông vâng giữ trọn vẹn. Chính Đức Chúa Trời đã làm chứng cho ông:

Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5).

Ê-li-pha, một trong ba người bạn của Gióp, là người cùng thời với Áp-ra-ham đã biết khuyên Gióp:

Tôi xin ông hãy nhận luật pháp từ nơi miệng của Ngài, và để các lời của Ngài trong lòng của ông.” (Gióp 22:22).

Lời của Ê-li-pha giúp cho chúng ta biết, vào thời trước Cựu Ước, Đức Chúa Trời vẫn thường trực tiếp phán dạy loài người. Khi chúng ta học về Gióp, Áp-ra-ham, Gia-cốp, Môi-se… thì chúng ta đều thấy Đức Chúa Trời thường xuyên trực tiếp phán dạy họ.

16 Vậy nên, từ đức tin này mà bởi ân điển lời hứa là chắc chắn cho hết thảy dòng dõi, không chỉ những ai theo luật pháp mà cả những ai theo đức tin của Áp-ra-ham, người là tổ phụ của hết thảy chúng ta,

17 như đã chép: Ta đã lập ngươi làm cha của nhiều dân tộc! Trước Đấng mà ông tin, {là} Thiên Chúa, Đấng làm sống kẻ chết và gọi những sự không có như chúng đã có rồi, [Sáng Thế Ký 17:5]

18 ông cứ tin vào sự trông cậy khi chẳng còn lẽ trông cậy, mà ông trở nên cha của nhiều dân tộc, theo lời đã phán: Dòng dõi ngươi sẽ như thế ấy!

“Từ đức tin này” là từ đức tin của Áp-ra-ham tiếp tục được truyền đến con cháu của ông.

“Bởi ân điển” là bởi sự ban cho với lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà loài người tội lỗi vẫn có cơ hội nhận được lời hứa của Ngài. Chỉ cần họ tin Ngài để được Ngài xưng là công bình, tức là tha thứ mọi tội lỗi cho họ và nhận biết lòng họ không còn có ý muốn chống nghịch Ngài. Ê-phê-sô 2:8-9 đã khẳng định:

Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình.”

Lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham sẽ được hiện thực cho bất cứ ai tin Ngài như Áp-ra-ham đã tin. Tất cả những ai tin Ngài như Áp-ra-ham đã tin thì được kể là con cháu của Áp-ra-ham theo đức tin. Áp-ra-ham trở thành tổ phụ của họ về phương diện đức tin, cho dù họ thuộc bất cứ dân tộc nào. Vì họ được thừa kế phần thiêng liêng của lời hứa Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham. Cũng chính vì thế mà Áp-ra-ham được gọi là cha của nhiều dân tộc.

Phần thiêng liêng trong lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham được nói đến trong Hê-bơ-rơ 11:9-10, là thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Kính mời quý ông bà anh chị em đọc và nghe bài giảng “Hành Trình Hướng Đến Quê Hương Vĩnh Cửu” [5].

Bởi đức tin, ông đã kiều ngụ trong vùng đất hứa như trên đất ngoại quốc, ở trong các lều trại với I-sác và Gia-cốp, {hai} người đồng kế tự một lời hứa với ông. Vì ông chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời là Đấng xây cất và dựng nên.”

“Theo đức tin của Áp-ra-ham” là có đức tin tuyệt đối vào Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham đã tin. Trong lúc không còn lẽ để trông cậy, khi đứa con Đức Chúa Trời hứa ban cho ông phải dâng làm của lễ thiêu lên Đức Chúa Trời, thì ông vẫn vững tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Vì Áp-ra-ham đã tin Đức Chúa Trời là Thiên Chúa làm sống kẻ chết và gọi những sự không có như chúng đã có rồi:

Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng I-sác trong khi bị thử thách. Ông là người đã nhận lời hứa, lại dâng con một của mình, là về con đó có phán rằng: Trong I-sác, ngươi sẽ có một dòng dõi lưu danh ngươi. Ông tự nghĩ rằng, Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến người chết sống lại; cũng giống như {từ trong sự chết} mà ông lại được {con} của mình.” (Hê-bơ-rơ 11:17-19).

Nếu chúng ta giữ vững đức tin của mình trong mọi cảnh ngộ, trước sự thử thách của Đức Chúa Trời, trước sự cám dỗ của ma quỷ, và trước sự bách hại của loài người, thì chúng ta sẽ chắc chắn được ban cho chỗ ở trong thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời và được ban cho quyền đồng cai trị Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời với Đức Chúa Jesus Christ:

Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với {Ngài}. Nếu chúng ta chối bỏ {Ngài} thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho làm trụ trong đền của Đức Chúa Trời Ta và người sẽ không ra khỏi đó nữa. Ta sẽ viết trên người tên của Đức Chúa Trời Ta, tên của thành Đức Chúa Trời Ta là Giê-ru-sa-lem mới từ nơi Đức Chúa Trời Ta ở trên trời giáng xuống, và tên mới của Ta.” (Khải Huyền 3:12).

Đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời phải thể hiện thành hành động thực tế qua sự chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời, như Áp-ra-ham đã hoàn toàn tin và vâng phục Đức Chúa Trời. Khi chúng ta hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời thì chúng ta tự nhiên sống, mà không phạm các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Chắc chắn sẽ có những khó khăn, hoạn nạn đến với chúng ta nhưng Đức Thánh Linh đã hứa là sẽ không có sự thử thách hay cám dỗ nào vượt quá sức chịu đựng của chúng ta, và Đức Chúa Trời luôn mở đường cho chúng ta ra khỏi:

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức loài người đến cho các anh chị em. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài không bao giờ để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách quá sức của các anh chị em; nhưng trong sự cám dỗ hoặc thử thách, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để các anh chị em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Bên cạnh đó, chúng ta còn có đặc quyền kêu cầu danh Chúa để được cứu (Rô-ma 10:13), có thẩm quyền nhân danh Chúa để trừ quỷ (Mác 16:17), và có đầy đủ các vũ khí mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 6:11-18) để sống một đời sống đắc thắng trong Đấng Christ [6].

Một trong các tội lỗi đứng đầu ngày nay là tội tà dâm. Tội tà dâm không phân biệt chủng tộc, phái tính, tuổi tác, trình độ trí thức… Có thể nói, ngày nào sự cám dỗ phạm tà dâm cũng đến với chúng ta qua nhiều hình thức. Điều đó không có gì lạ, vì khắp nơi trong khoảng không gian bao quanh địa cầu của chúng ta, từ mặt đất cho đến 35.756 km xa ra ngoài không gian lúc nào cũng chứa đầy các làn sóng âm thanh, chữ viết, hình ảnh của những văn hóa phẩm khiêu dâm, đồi trụy phát ra từ hàng trăm vệ tinh truyền thông đến khắp nơi trên mặt đất [7]. Những làn sóng đó dù vô hình, mắt thường chúng ta không thấy được, nhưng sự ô uế của nó chắc chắn tác động vào tâm thần của những người không tin kính Chúa. Ma quỷ chắc chắn rất tích cực dùng các phương tiện truyền thông chung quanh chúng ta, từ ngay chính các máy điện toán và điện thoại cầm tay của chúng ta để cám dỗ chúng ta vào sự phạm tà dâm. Trong bài giảng “Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 4:1-12” chúng tôi đã giảng về sự “Con Dân Chúa Giữ Mình Thánh Sạch”, trong đó, có lời giảng dạy cách thức tránh sa ngã vào sự phạm tà dâm. Quý con dân Chúa có thể đọc và nghe trên trang www.timhieuthanhkinh.com [8].

19 Không yếu kém trong đức tin, ông chẳng quan tâm đến thân thể đã hao mòn của mình, khi ông đã gần trăm tuổi, cũng không {quan tâm} đến tử cung hao mòn của Sa-ra.

Khi một người có đức tin mạnh mẽ nơi Chúa thì người ấy không hề quan tâm đến những trở ngại trong đời sống. Bởi vì, lời hứa của Đức Chúa Trời được hoàn thành không phải bởi khả năng, hay phương tiện của loài người mà bởi sức toàn năng của Ngài.

…chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, mà là bởi thần Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán vậy.” (Xa-cha-ri 4:6).

Đấng chỉ bởi lời phán dựng nên các tầng trời và đất, cùng muôn vật trong chúng, khiến cho toàn bộ thế giới vật chất mà chúng ta nhận biết từ không ra có, lại không thể khiến cho một người già có con hay sao? Ngay cả khi Thiên Chúa nhập thế làm người, trong thân xác của một con người bị giới hạn bởi các định luật vật lý, thì thần lực của Ngài vẫn có thể gọi người chết sống lại, khiến nước thành rượu, khiến thức ăn từ ít thành ra nhiều…

Phép lạ Chúa làm ra cho Áp-ra-ham và Sa-ra khi tuổi già vẫn có thể sinh con không giới hạn trong việc ông bà có được đứa con của lời hứa là I-sác khi ông đã tròn 100 tuổi, và Sa-ra tròn 90 tuổi; mà khoảng 20 năm sau đó, sau khi Sa-ra đã qua đời, Áp-ra-ham còn sinh thêm sáu người con trai với người vợ khác là bà Kê-tu-ra (Sáng Thế Ký 25:1-4).

20 Ông chẳng lưỡng lự về lời hứa của Đức Chúa Trời vì chẳng tin, nhưng mạnh mẽ trong đức tin, tôn vinh Đức Chúa Trời,

21 và tin chắc rằng, điều gì Ngài đã hứa, Ngài cũng có quyền làm ra.

22 Vì vậy ông được xem là công bình.

Nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống của người theo Chúa là: Không bao giờ vì lòng vô tín mà nghi ngờ về lời hứa của Thiên Chúa rồi lưỡng lự trong sự vâng phục Ngài. Nhưng luôn mạnh mẽ tin Thiên Chúa, Đấng làm sống kẻ chết và gọi những sự không có như chúng đã có rồi, cứ tin vào sự trông cậy của mình nơi Thiên Chúa ngay cả khi chẳng còn lẽ trông cậy. Hết lòng dâng lời tôn vinh và tạ ơn lên Thiên Chúa. Vì lòng đã tin chắc rằng, bất cứ điều gì Thiên Chúa đã hứa, thì Ngài đều có thẩm quyền và năng lực để hoàn thành.

Chính nhờ có đức tin như vậy mà loài người được Đức Chúa Trời xưng là công bình.

Sao gọi là có đức tin nơi ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời khi trong lòng vẫn nghĩ là mình sẽ không thể nào từ bỏ được một thứ tội lỗi nào đó? Sao gọi là có đức tin nơi sự chăm sóc của Đức Chúa Trời khi trong lòng vẫn lo lắng, bâng khuâng về cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, và các nhu cầu sống khác? Sao gọi là có đức tin nơi sự bảo vệ và giải cứu của Đức Chúa Trời khi trong lòng vẫn lo lắng, sợ hãi trong cơn bệnh tật hay trong cơn bị bách hại? Và sao gọi là có đức tin nơi thánh linh của Đức Chúa Trời khi trong lòng vẫn nghĩ là mọi thành công của mình là do chính sức lực, tài năng, và sự khôn sáng của mình?

23 Nhưng {lời ấy} chẳng phải chỉ chép cho một mình ông về sự ông được xem {là công bình}.

24 Nhưng cũng cho chúng ta nữa, những người sẽ được xem {là công bình} nếu chúng ta tin nơi Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus, Chúa của chúng ta, sống lại từ trong những kẻ chết.

“Lời ấy” là lời trong Sáng Thế Ký 15:6 “Ông tin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì Ngài kể sự đó là công bình cho ông.” Không riêng Áp-ra-ham mà bất cứ ai thật lòng tin nơi Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham cũng đều được Đức Chúa Trời xưng là công bình.

Bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi việc làm của Ngôi Lời, bởi sức mạnh của Đấng Thần Linh mà sự cứu rỗi loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi được hoàn thành trọn vẹn. Trong khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người mang tên Jesus, để chết thay cho loài người vì mọi tội lỗi của loài người, thì Thiên Chúa Đức Chúa Trời đã khiến cho thân thể xác thịt của con người Jesus được sống lại bởi sức mạnh của Thiên Chúa Đấng Thần Linh, để xác chứng Tin Lành mà Đức Chúa Jesus Christ rao giảng là ơn cứu rỗi chân thật, đầy quyền năng của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ban cho nhân loại.

Chúng ta có thể gọi Tin Lành Cứu Rỗi là Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời vì đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể gọi Tin Lành Cứu Rỗi là Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Jesus Christ vì Ngài là Đấng thực hiện Tin Lành Cứu Rỗi ấy. Chúng ta có thể gọi Tin Lành Cứu Rỗi là Tin Lành Cứu Rỗi của Đấng Thần Linh vì sức mạnh của Tin Lành Cứu Rỗi ấy chính là năng lực của Ngài.

25 Ngài đã bị nộp vì những sự vi phạm của chúng ta, và đã được làm cho sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta.

Sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho chúng ta không ngừng lại ở sự Đức Chúa Jesus Christ chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Vì nếu không có sự thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ được sống lại thì sự công bình của Đức Chúa Trời không được trọn vẹn.

Sự công bình của Đức Chúa Trời không cho phép một người công bình phải chết. Đức Chúa Jesus Christ là một người công bình, nhưng Ngài đã chết, và Ngài đã chết vì Ngài chết thay cho những người không công bình. Sự công bình của Đức Chúa Trời chấp nhận sự chết thay của một người công bình cho những người không công bình. Nhưng sự công bình của Đức Chúa Trời lại không thể chấp nhận sự một người công bình mà lại bị chết. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời đã làm cho thân thể xác thịt của con người Jesus được sống lại, để thỏa mãn trọn vẹn sự công bình phải có của Đức Chúa Trời. Chỉ khi Đức Chúa Trời thỏa mãn trọn vẹn sự công bình của Ngài, thì Ngài mới thật sự là Đấng Công Bình, để xưng những ai tin Ngài là công bình. Nói cách khác, nếu Đức Chúa Trời vẫn để cho thân thể xác thịt của người công bình Jesus chết, thì Ngài không phải là Đấng Công Bình, và không thể xưng chúng ta, những người tin Ngài, là công bình. Và cũng chính vì thế mà Đức Thánh Linh, qua Phao-lô đã ghi lại lẽ thật ấy trong Rô-ma 4:25.

Nguyện lẽ thật về sự loài người được Đức Chúa Trời xưng công bình chỉ bởi đức tin và ân điển chứ không bởi bất cứ một việc làm nào của loài người, và lẽ thật về sự mọi lời hứa của Đức Chúa Trời được hiện thực qua sự đức tin thể hiện thành hành động của loài người giúp ích cho chúng ta thật nhiều trong những ngày cuối cùng này. Vì từ xưa cho đến mãi về sau: Người công bình sẽ sống bởi đức tin! (Ga-la-ti 3:11; Ha-ba-cúc 2:4). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/01/2018

Chú Thích

Karaoke: “Linh Hồn Con Luôn Khát Khao Cha”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-linh-hon-con-luon-khat-khao-cha/

[1] Xem tiết mục năm Do-thái 2355 trong bài này: http://kytanthe.net/?p=40

[2] Đối chiếu với Lịch Do-thái tại đây: http://www.abdicate.net/cal.aspx

[3] Xem tiết mục năm Do-thái 3039 trong bài này: http://kytanthe.net/?p=40

[4] Xem tiết mục năm Do-thái 3174 trong bài này: http://kytanthe.net/?p=40

[5] http://www.timhieutinlanh.net/hanh-trinh-huong-den-que-huong-vinh-cuu/

[6] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-e-phe-so-6_10-24/

[7] https://www.space.com/29222-geosynchronous-orbit.html

[8] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-te-sa-lo-ni-ca-4_1-12/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.