Chú Giải Gia-cơ 05:07-11 Khoan Dung, Nhẫn Nại, và Vững Lòng Trong Cuộc Sống

5,760 views


YouTube: https://youtu.be/6XkTPa0Dd-U

905910 Chú Giải Gia-cơ 5:7-11
Khoan Dung, Nhẫn Nại, và Vững Lòng Trong Cuộc Sống

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://od.lk/d/MV8yODE2NjE0MjJf/905910_Giaco_5_7-11.mp3

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 5:7-11

7 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha, hãy khoan nhẫn cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem! Người nông dân chờ đợi sản vật quý báu của đất, người đã khoan nhẫn cho đến chừng được cơn mưa đầu mùa và cuối mùa. [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]

8 Các anh chị em cũng hãy khoan nhẫn và vững lòng; vì kỳ Chúa đến đã gần rồi.

9 Hỡi các anh chị em cùng Cha, chớ buồn phiền lẫn nhau, để cho khỏi bị định tội. Kìa! Đấng Phán Xét đứng trước cửa.

10 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm gương về sự chịu khổ và nhẫn nại.

11 Thật vậy, chúng ta xem những người kiên trì là có phước. Các anh chị em đã nghe nói về sự nhẫn nại của Gióp, và các anh chị em đã thấy sự kết cuộc từ Chúa, mà thấy rằng Ngài đầy lòng thương xót và đồng cảm.

Thánh Kinh Tân Ước dùng bốn từ ngữ khác nhau để nói về sự bền bỉ, chịu đựng:

  1. Chịu đựng: “ἀνέχομαι” (anéchomai) /a-nê-khô/ G430; có nghĩa là gánh chịu những khó khăn, trở ngại, bất công, hay sự cứng lòng của người khác, như trong câu phán của Đức Chúa Jesus Christ:

“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, Ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho đến khi nào? Hãy đem con đến đây cho Ta.” (Ma-thi-ơ 17:17).

Hay trong lời tâm tình của Sứ Đồ Phao-lô:

“Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; bị bách hại, chúng tôi chịu đựng…” (I Cô-rinh-tô 4:12).

  1. Kiên trì: “ὑπομένω” (hupŏmĕnō) /hu-pô-mê-nô/ G5278; có nghĩa là giữ vững điều mình có, như: đức tin, hy vọng, nhân cách… (Kiên = vững vàng. Trì = giữ lại, cứ ở lại). Trong Thánh Kinh còn có nghĩa là cứ ở lại trong hoàn cảnh mà Chúa đã đặt để mình, cho đến khi Chúa đem mình ra khỏi đó.

“Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh Ta; nhưng ai kiên trì cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.” (Ma-thi-ơ 10:22).

“Vui mừng trong sự trông cậy; kiên trì trong sự hoạn nạn; bền lòng trong sự cầu nguyện…” (Rô-ma 12:12).

  1. Nhẫn nại: “ὑπομονή” (hupŏmŏnē) /hu-pô-mê-nay/ G5281; có nghĩa là vững vàng, bền bỉ, im lặng chịu đựng mọi áp lực cho đến khi đạt được mục đích, ý muốn. (Nhẫn = nhường nhịn. Nại = nín chịu). Từ ngữ “nhẫn nại” bao gồm cả ý nghĩa của hai từ “chịu đựng” và “kiên trì”.
  2. Khoan nhẫn: “μακροθυμέω” (makrothymeō) /ma-ra-tu-mê-ô/ G3114; cùng nghĩa với “nhẫn nại” nhưng thêm phần chậm giận, chậm trả thù, hay chậm giáng hình phạt. (Khoan = khoan dung: chịu đựng để dẫn đến sự tha thứ. Nhẫn = nhẫn nại).

Trong cuộc sống của con dân Chúa, có ba đức tính đứng hàng đầu, không thể không có. Đó là sự khoan dung, sự nhẫn nại, và sự vững lòng.

Khoan Dung

Khoan = rộng lớn. Dung = chứa đựng, bao bọc. Khoan dung theo nghĩa đen là sự chứa đựng và bao bọc rộng lớn; theo nghĩa bóng là lòng tha thứ lớn và rộng đến nỗi có thể chịu được sự lỗi lầm và bất công do người khác gây ra cho mình. Qua đó, kẻ có lỗi có cơ hội để ăn năn và sửa lỗi.

Lòng khoan dung khác với sự tha thứ. Chúng ta có thể tha thứ cho một người có lỗi nghịch lại chúng ta, khi người đó thật lòng ăn năn và xin lỗi chúng ta. Lòng khoan dung có trước sự tha thứ và không hề đòi hỏi một điều kiện gì về phía người có lỗi. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại là hình ảnh rõ ràng nhất của lòng khoan dung.

Loài người tự ý vi phạm các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Loài người vui thú trong tội lỗi và phỉ báng danh Chúa. Nhưng lòng khoan dung của Thiên Chúa đã khiến Ngài ban cho loài người cơ hội ăn năn để họ được cứu rỗi; và Ngài ban cho họ phương tiện để họ có thể sống thánh khiết, sau khi họ ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

  • Lòng khoan dung cảm thông, thương xót cho sự yếu đuối và thiếu sót của người khác. Vì họ yếu đuối và thiếu sót nên họ dễ phạm lỗi nghịch lại mình.
  • Lòng khoan dung không vội lên án, buộc tội mà luôn để cho người khác có cơ hội giải thích hoặc xin lỗi.
  • Lòng khoan dung không cố chấp, nhưng sẵn sàng tha thứ.
  • Lòng khoan dung chịu sự thiệt thòi và hết lòng tạo cơ hội, phương tiện cho người có lỗi ăn năn.
  • Lòng khoan dung không rêu rao tội lỗi của người khác.
  • Lòng khoan dung không nhắc lại những tội lỗi và thiếu sót của người khác, nếu họ đã thật lòng ăn năn.
  • Lòng khoan dung dẫn đến sự tha thứ nhưng nếu người có lỗi không ăn năn thì sẽ không có sự tha thứ.

Nhẫn Nại

Sự nhẫn nại trước hết là sự im lặng, chịu đựng những điều mình không thích; kế tiếp là sự nhịn nhục, tức là im lặng chịu đựng bị người khác làm nhục; sau cùng là sự không nản lòng, thất chí trước mọi khó khăn, nguy hiểm. Tất cả chỉ nhằm vào một mục đích: để đạt được điều mình muốn.

Có nhiều người nhẫn nại cho những mục đích sai trái, tội lỗi. Trái lại, có nhiều con dân Chúa lại không nhẫn nại để đạt được mục đích mà Đức Chúa Jesus Christ đã đặt ra cho con dân của Ngài:

“Vậy, các ngươi sẽ nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:48).

Khoan Nhẫn

Từ ngữ “khoan nhẫn” trong tiếng Hán Việt là một từ ghép của hai chữ “khoan dung” và “nhẫn nại”, được chúng tôi dùng để dịch sát nghĩa từ ngữ “ma-ra-tu-mê-ô” trong tiếng Hy-lạp.

Thường khi, sự khoan dung đi kèm với sự nhẫn nại. Nghĩa là, nhiều khi để có thể vững vàng, bền bỉ, im lặng chịu đựng mọi áp lực cho đến khi đạt được mục đích, ý muốn, thì một người phải sẵn lòng tha thứ cho những người xúc phạm mình, làm thiệt hại mình. Đó chính là điều mà Thiên Chúa đối với loài người:

“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng khoan nhẫn đối với chúng ta, không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn. [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]” (II Phi-e-rơ 3:9).

Lòng khoan dung và nhẫn nại là đức tính của tình yêu:

“Tình yêu khoan nhẫn; nhân từ. Tình yêu không ganh tị. Tình yêu không khoác lác; không kiêu ngạo; [khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại, là tha thứ và bền lòng chịu đựng;]” (I Cô-rinh-tô 13:4).

Vững Lòng

Từ ngữ được dịch là “vững lòng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: làm cho tấm lòng được vững vàng, chắc chắn; giữ cho tâm trí không bị lung lạc, xoay chuyển. Từ ngữ này chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước. Lần thứ nhất trong I Tê-sa-lô-ni-ca 3:13 và lần thứ nhì trong Gia-cơ 5:8.

“Nguyện Chúa làm cho các anh chị em thêm lên và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người, cũng như chúng tôi đối với các anh chị em vậy, để làm cho vững lòng của các anh chị em, không trách được trong sự thánh khiết trước Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, trong sự Đức Chúa Jesus chúng ta đến với hết thảy các thánh đồ của Ngài!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:12-13).

Các định nghĩa từ ngữ trên đây giúp cho chúng ta hiểu rõ lời dạy của Thánh Kinh trong Gia-cơ 5:7-11.

7 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha, hãy khoan nhẫn cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem! Người nông dân chờ đợi sản vật quý báu của đất, người đã khoan nhẫn cho đến chừng được cơn mưa đầu mùa và cuối mùa. [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]

8 Các anh chị em cũng hãy khoan nhẫn và vững lòng; vì kỳ Chúa đến đã gần rồi.

Lời Chúa kêu gọi con dân Chúa “hãy khoan nhẫn cho tới kỳ Chúa đến”, như người nông dân sau khi gieo trồng, đã khoan dung và nhẫn nại, chịu đựng sự áp bức của chủ ruộng hoặc chủ nợ, chịu đựng những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống khó nghèo, cho đến khi hưởng được niềm vui nhìn thấy đất sinh ra các sản vật quý báu, bù lại công lao khó nhọc của mình.

Cơn mưa đầu mùa vào khoảng giữa hay cuối Tháng Mười Tây Lịch, giúp cho nông dân xứ Ca-na-an gieo trồng lúa mì và lúa mạch, và mở đầu cho mùa mưa để đồng ruộng có đủ nước, nuôi lúa lớn lên. Cơn mưa cuối mùa vào khoảng cuối Tháng Ba hay đầu Tháng Tư Tây Lịch, báo hiệu mùa mưa đã kết thúc, nông dân chuẩn bị cho mùa gặt.

Người nông dân biết rằng, họ siêng năng, vất vả lao động, nhưng kết quả từ việc làm của họ tùy thuộc vào thời điểm do Thiên Chúa đặt ra. Con dân Chúa cần phải khoan dung với những kẻ bắt bớ mình và nhẫn nại, im lặng chịu nhục, chịu khó, chịu khổ, chịu nguy hiểm sống thánh khiết, sốt sắng hầu việc Chúa, chờ ngày Chúa đến. Ngày Chúa đến là do Chúa ấn định, nhưng ngày ấy chắc chắn sẽ đến.

Chúng ta có thể xem biến cố dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc vào ngày 14 tháng 5 năm 1948 và làm chủ hoàn toàn thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 7 tháng 6 năm 1967 là cơn mưa đầu mùa. Chúng ta có thể xem sự bội Đạo lớn trong việc các giáo hội mang danh Chúa chấp nhận đồng tính luyến ái và chấp nhận hôn nhân đồng tính là cơn mưa cuối mùa. Cũng có thể, cuộc chiến theo Thi Thiên 83 mới thật sự là cơn mưa cuối mùa, nếu Chúa đến sau khi cuộc chiến xảy ra. Vì thế, chúng ta hãy khoan dung, nhẫn nại, và vững lòng.

Chúng ta khoan dung và nhẫn nại không phải chỉ với những người không tin Chúa, bắt bớ chúng ta, đối xử bất công với chúng ta, mà chúng ta trước hết, khoan dung, nhẫn nại đối với các anh chị em trong Chúa. Chúng ta cần sẵn lòng tha thứ cho các anh chị em của mình. Luôn luôn lấy lòng yêu thương trong Chúa mà thẳng thắn nói cho anh chị em mình biết, họ đã sai như thế nào, và tạo cơ hội, phương tiện để họ ăn năn.

Khi chúng ta bị anh chị em của mình vô tình hay cố ý xúc phạm chúng ta, đối xử bất công với chúng ta, thì trước hết, chúng ta đến với Chúa để xin Chúa cất ra khỏi lòng mình những cảm giác tức giận, ghét bỏ, mà thay vào đó, ban cho chúng ta sức mạnh để thắng điều ác, thắng sự cám dỗ muốn trả thù, và ban cho chúng ta được đầy dẫy sự nhân từ thương xót của chính Chúa. Kế tiếp, chúng ta cầu thay cho người có lỗi, và xin Chúa mở đường ban ơn cho chúng ta trong việc trực tiếp gặp người ấy để làm sáng tỏ sự việc. Chúng ta phải nhanh chóng giải quyết mọi bất hòa với anh chị em trong Chúa theo Lời Chúa dạy:

“Vậy, nếu ngươi đem của lễ của ngươi đến trước bàn thờ, và tại đó, nhớ lại rằng, anh chị em cùng Cha của ngươi có điều gì nghịch lại ngươi, thì hãy để của lễ của ngươi tại đó, trước bàn thờ, trở về làm hòa với anh chị em cùng Cha của ngươi trước, rồi mới đến và dâng của lễ của ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:23-24).

“Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, thì hãy đi, nói cho người biết lỗi, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, thì ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình. Nhưng nếu người không nghe ngươi, hãy đem thêm với ngươi một hoặc hai người, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15] Nếu người không chịu nghe họ, thì hãy thông báo cho Hội Thánh. Nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy xem người ấy như người ngoại và kẻ thu thuế.” (Ma-thi-ơ 18:15-17).

Sự vững lòng được nói đến trong Gia-cơ 5:8 và I Tê-sa-lô-ni-ca 3:13 đều cùng một nghĩa với nhau, là giữ cho lòng được vững vàng, tâm trí không bị lung lạc trong mọi cảnh ngộ; vì biết rằng ngày Chúa đến đã gần. Chúng ta chỉ có thể vững lòng khi chúng ta tin vào mọi lời phán hứa của Chúa đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Nhất là lời hứa về sự Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Mệnh đề: “vì kỳ Chúa đến đã gần rồi”, có thể khiến cho một số người thắc mắc. Họ sẽ thắc mắc rằng, Gia-cơ viết lời này đã gần hai ngàn năm nay. Hơn 20 thế hệ đã qua đi mà sao Chúa vẫn chưa đến? Không lẽ lời này chỉ áp dụng cho con dân Chúa trong thời đại của chúng ta?

Chắc chắn là thư Gia-cơ trước hết được viết cho con dân Chúa đồng thời với Gia-cơ, thuộc 12 chi phái I-sơ-ra-ên bị tan lạc khắp nơi trên đất, như Gia-cơ 1:1 đã ghi rõ. Nhưng thư Gia-cơ cũng được viết cho toàn thể con dân Chúa trong Hội Thánh thuộc mọi thời đại. Bởi vì Đức Thánh Linh đã xếp thư Gia-cơ vào Thánh Kinh.

Như vậy, làm sao chúng ta có thể hiểu được câu: “kỳ Chúa đến đã gần rồi”, vẫn áp dụng cho con dân Chúa trong Hội Thánh, vào cuối thế kỷ thứ nhất và suốt 19 thế kỷ kế tiếp?

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, trạng từ “đã gần rồi” không có nghĩa là gần với thời điểm con dân Chúa đang sống. Gia-cơ viết thư Gia-cơ vào khoảng năm 45 đến 48, nhưng câu “kỳ Chúa đến đã gần rồi”, không hề hàm ý là: Chúa sắp đến trong vài năm nữa hay vài chục năm nữa so với thời điểm Gia-cơ đặt bút viết lời ấy; mà là: Chúa có thể đến bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian được Thánh Kinh gọi là “những ngày sau cùng”.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21, Sứ Đồ Phi-e-rơ đã nhắc lại lời tiên tri của Tiên Tri Giô-ên và tuyên bố lời tiên tri ấy đang được ứng nghiệm trước mắt những người đang nghe Phi-e-rơ giảng. Tuy nhiên, từ ngữ “những ngày sau cùng” trong lời tiên tri của Giô-ên không chỉ riêng về thời điểm Đức Thánh Linh giáng lâm, như được ghi chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2, mà bao gồm cả lịch sử của Hội Thánh và bảy năm đại nạn. Nghĩa là: “những ngày sau cùng” kéo dài hơn 2.000 năm!

Câu: “kỳ Chúa đến đã gần rồi”, trong nguyên ngữ tiếng Hy-lạp có nghĩa là: “sự đến của Chúa đã được kéo gần lại”. Đối với con dân Chúa trong Hội Thánh thì cứ mỗi thế hệ trôi qua, ngày Chúa đến càng được kéo gần càng hơn. Đối với con dân Chúa vào thế kỷ thứ nhất, ngày Chúa đến đã được kéo gần rồi. Đối với chúng ta là những người đang sống trong thế kỷ 21, chúng ta thấy rõ, ngày của Chúa đã được kéo đến quá gần.

9 Hỡi các anh chị em cùng Cha, chớ buồn phiền lẫn nhau, để cho khỏi bị định tội. Kìa! Đấng Phán Xét đứng trước cửa.

Lời Chúa dạy rõ: Con dân Chúa không được buồn phiền lẫn nhau, nếu không, sẽ bị định tội. Từ ngữ “buồn phiền” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: thở dài, rên rỉ. Người ta thở dài và rên rỉ là vì đau đớn, phiền muộn. Nếu chúng ta chịu nhường nhịn anh chị em của mình nhưng lại không nói ra những lỗi lầm, sai trái của họ để họ ăn năn và sửa chữa thì chúng ta sai. Đó không phải là sự khoan nhẫn mà Thánh Kinh dạy. Bởi vì, nếu chúng ta nín lặng về tội lỗi của anh chị em trong Hội Thánh là chúng ta đã không có tình yêu thương hoặc là chúng ta hèn nhát, sợ mất lòng họ. Nếu sự tội lỗi đó làm hại người khác là chúng ta đã để cho người khác bị cư xử bất công vì sự không có tình yêu thương hoặc hèn nhát của chúng ta. Nếu sự tội lỗi đó làm hại chúng ta thì chúng ta lại bị Chúa phán xét thêm nếu chúng ta buồn phiền.

Chúa giao cho Hội Thánh công việc phán xét lẫn nhau trong Hội Thánh, như đã được nói rõ trong Ma-thi-ơ 18:15-17 và trong I Cô-rinh-tô 5:9-13. Nếu chúng ta không biết phán xét nhau trong Hội Thánh, thì chúng ta sẽ bị chính Chúa phán xét chúng ta.

10 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm gương về sự chịu khổ và nhẫn nại.

Con dân Chúa cần đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày để học lấy những gương tốt của con dân Chúa thời trước. Chúng ta cần học nơi họ gương trung tín chịu khổ của họ và lòng khoan nhẫn của họ. Nếu chúng ta không đọc Thánh Kinh thì chúng ta không biết những gương tốt ấy. Nếu chúng ta chỉ đọc một vài lần rồi thôi, thì chúng ta sẽ không được thường xuyên nhắc nhở về những gương tốt. Nếu chúng ta chỉ đọc mà không suy ngẫm thì chúng ta không thể đồng cảm với họ. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ và hãy dùng hoàn cảnh của họ áp dụng thực tế vào trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Thí dụ: Áp dụng gương của ba người thanh niên Hê-bơ-rơ thà chết không chịu quỳ lạy trước pho tượng do Vua Nê-bu-cát-nết-sa cho dựng nên, vào trong sự chúng ta cương quyết không vâng theo cha mẹ, ông bà mà quỳ lạy trước các hình tượng tà thần.

11 Thật vậy, chúng ta xem những người kiên trì là có phước. Các anh chị em đã nghe nói về sự nhẫn nại của Gióp, và các anh chị em đã thấy sự kết cuộc từ Chúa, mà thấy rằng Ngài đầy lòng thương xót và đồng cảm.

Như đã định nghĩa trên đây, kiên trì là giữ vững điều mình có, như: đức tin, hy vọng, nhân cách… Trong Thánh Kinh còn có nghĩa là cứ ở lại trong hoàn cảnh mà Chúa đã đặt để mình, cho đến khi Chúa đem mình ra khỏi đó. Câu chuyện của Giô-sép về sự ông kiên trì báo cáo với cha những sự phạm tội của các anh, kiên trì trong thân phận nô lệ, kiên trì giữ phẩm chất của một người kính sợ Chúa trước sự cám dỗ của dâm phụ, kiên trì trong hoàn cảnh bị tù oan… cho đến khi, Chúa đem ông vào trong địa vị cao quý nhất giữa đế quốc cổ Ai-cập, chỉ đứng dưới Pha-ra-ôn là vua của Ai-cập.

Con dân Chúa cần phải kiên trì nhưng sự kiên trì chỉ có khi chúng ta vững lòng nơi sự thành tín của Chúa, vững lòng về mọi lời phán của Chúa. Ngày xưa, ông Gióp không có Thánh Kinh như chúng ta, cũng không được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể như chúng ta, nhưng ông đã vững vàng, bền bỉ, im lặng chịu đựng mọi thử thách Sa-tan giáng xuống trên ông, cho đến khi Chúa phục hồi ông. Điều đáng nói là Gióp không hiểu vì sao tai họa giáng xuống trên ông trong khi ông xét lòng, thấy rằng mình không có tội. Thế nhưng, Gióp không hề oán trách Chúa mà một lòng trông cậy nơi Chúa. Đến nỗi ông đã thốt lên:

“…Mặc dù xảy đến cho ta điều gì… Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài! Nhưng ta sẽ bênh vực các đường lối của ta trước mặt Ngài.” (Gióp 13:13, 15).

Câu chuyện của Gióp nên được chúng ta ghi nhớ trong lòng, và dùng để an ủi chúng ta, soi sáng chúng ta trong mọi nghịch cảnh.

Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ luôn luôn, đó là: Chúa đầy lòng thương xót và đồng cảm! Thánh Kinh ghi rõ, Chúa đau đớn khi chúng ta đau đớn:

“Trong mọi sự khốn khổ của họ, thì Ngài cũng chịu khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Bởi tình yêu và sự thương xót của Ngài mà Ngài đã chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng và cưu mang họ trong suốt các ngày thuở xưa.” (Ê-sai 63:9).

Khi Thiên Chúa nhập thế làm người, Ngài cũng đã khóc vì loài người. Chúa hoàn toàn đồng cảm với chúng ta ngay cả trong mọi sự cám dỗ:

“Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng thể cảm thương những sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đã trải qua suốt mọi sự cám dỗ, thử thách như chúng ta mà không phạm tội.” (Hê-bơ-rơ 4:15).

Vì thế, chúng ta vững lòng, biết rằng, mọi sự khốn khó hoạn nạn đang đến trong cuộc sống của chúng ta là do thánh ý của Chúa để rèn luyện, gây dựng, thánh hóa chúng ta. Những sự ấy chỉ là tạm thời và cũng là cơ hội để chúng ta được dự phần trong sự thương khó của Chúa:

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

“Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Chính trong những cảnh ngộ khốn khó đó mà chúng ta cũng được đồng cảm với các anh chị em khác trong Hội Thánh đang chịu hoạn nạn khắp nơi trong thế gian (I Phi-e-rơ 5:9). Lịch sử của Hội Thánh được viết bằng mồ hôi, nước mắt, và máu của con dân Chúa trong từng thời đại. Không một lúc nào không có người đổ mồ hôi, nước mắt, và máu của mình trong sự sống theo Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa.

Vậy, chúng ta hãy cậy ơn Chúa để khoan dung, nhẫn nại, và vững lòng sống theo Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Hãy bắt đầu ngay từ trong gia đình của mình, Hội Thánh địa phương của mình. Đừng có ai nói rằng: Tôi không thể làm được, bởi vì, Lời Chúa khẳng định:

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Không một việc lành nào, không một việc tốt nào Chúa bảo con dân Chúa làm mà Ngài không ban cho con dân Chúa năng lực để hoàn thành. Chúng ta sẽ khoan dung, nhẫn nại, và vững lòng bởi sức toàn năng của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/06/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.