Chú Giải I Phi-e-rơ 02:09-12 Địa Vị của Những Người Được Cứu

5,588 views


YouTube: https://youtu.be/aNhfC-bfBcU

906007 Chú Giải I Phi-e-rơ 2:9-12
Địa Vị của Những Người Được Cứu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
906007_I-Phiero_2_9-12.mp3 – OpenDrive (od.lk)

Hoặc:
906007 I-Phiero 2 9-12 in Chú Giải Phi-e-rơ I & II (soundcloud.com)

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
906007_I-Phiero_2_9-12.pdf – OpenDrive (od.lk)

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

I Phi-e-rơ 2:9-12

9 Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]

10 Các anh chị em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân của Thiên Chúa, trước không nhận được sự thương xót, mà bây giờ nhận được sự thương xót.

11 Hỡi những người yêu dấu! Các anh chị em như những khách ở trọ, những người đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt tham muốn, là những điều gây chiến nghịch với linh hồn.

12 Các anh chị em phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để cho họ là những kẻ vẫn gièm chê, xem các anh chị em như người gian ác, được thấy những việc lành của các anh chị em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời.

Trong Ma-la-chi 2:15 ghi lại một lẽ thật rõ ràng về mục đích của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên loài người:

“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh…”

Mục đích của Thiên Chúa là tìm một dòng dõi thánh, tức là một dòng dõi được biệt riêng ra cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa ở giữa loài người mà Thiên Chúa đã dựng nên. Thiên Chúa không dựng nên nhiều loài người, vì Ngài chỉ cần một dòng dõi thánh.

Dòng dõi thánh ấy đã được hình thành cách nay 3.461 năm, vào ngày Thứ Năm, 26 tháng 3 năm 1446 TCN, là ngày Thiên Chúa đem con cháu của Áp-ra-ham, là dân I-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ai-cập [1].

“Các ngươi sẽ là một vương quốc thầy tế lễ và một dân thánh cho Ta…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6).

“Vì ngươi là một dân thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi đã chọn ngươi từ muôn dân trên mặt đất, để làm một dân quý báu cho Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6).

“Vì ngươi là một dân thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chọn ngươi từ muôn dân trên mặt đất, để làm một dân quý báu cho Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:2).

Nhưng dòng dõi thánh ấy không chỉ riêng dân I-sơ-ra-ên mà bao gồm bất cứ dân tộc nào cùng ra khỏi Ai-cập, đi theo dân I-sơ-ra-ên và tin cậy, thờ phượng Thiên Chúa. Điều ấy được chính Lời Chúa xác định:

“Con cháu I-sơ-ra-ên ra đi từ Ram-se đến Su-cốt, số đàn ông mạnh sức đi bộ vào khoảng sáu trăm ngàn, không kể trẻ con. Và có vô số người thuộc các dân tộc cũng đi lên cùng họ, với những bầy chiên, những bầy bò… rất nhiều gia súc.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37-38).

“Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta, thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” (Ê-sai 56:6-7).

Hơn 1.500 năm sau, Đức Thánh Linh đã dùng Sứ Đồ Phao-lô để giải thích về sự những dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa kết hiệp làm một với dân I-sơ-ra-ên để làm thành một dòng dõi thánh (Rô-ma 11). Lời Chúa cũng khẳng định không có sự phân biệt quốc gia, chủng tộc, phái tính, địa vị, giai cấp… trong dòng dõi thánh:

“Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus. Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:28-29).

“Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Trong dòng dõi thánh ấy, khi thời điểm đến và trong một khoảng thời gian nhất định (chừng 2.000 năm), Thiên Chúa lại biệt riêng ra một số người gọi là Hội Thánh để họ được kết hiệp làm một với Thiên Chúa thành người là Đức Chúa Jesus Christ và đồng trị trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Cảm tạ Thiên Chúa, bởi ơn thương xót của Ngài mà chúng ta được dự phần trong Hội Thánh.

I Phi-e-rơ 2:9-12 dạy cho chúng ta biết địa vị cao quý của chúng ta và kêu gọi chúng ta sống thánh sạch cho xứng đáng với địa vị mà Chúa đã ban cho chúng ta.

9 Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]

Khác với những người không tin Chúa, chúng ta là những người tin Chúa và được biệt riêng cho Chúa, được làm dân thánh thuộc về Thiên Chúa.

Những người không tin Chúa bao gồm những người không công nhận Thiên Chúa lẫn những người xưng nhận mình là con dân Chúa mà không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Ngay từ buổi ban đầu, trong vòng các môn đồ của Chúa cũng đã có những người xưng nhận mình là môn đồ của Chúa nhưng lại không làm theo Lời Chúa:

“Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm theo những gì Ta phán?” (Lu-ca 6:46).

Chính vì thế mà trong ngày phán xét sẽ xảy ra sự kiện mà Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri:

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Chính Thiên Chúa đã lựa chọn chúng ta từ giữa thế gian, qua nhiều thế hệ, ban cho chúng ta chức vụ thầy tế lễ hoàng gia. Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ thượng phẩm mà cũng là Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa, nên chức thầy tế lễ của Ngài chính là chức thầy tế lễ hoàng gia và chức thầy tế lễ Ngài ban cho Hội Thánh cũng là chức thầy tế lễ hoàng gia. Thầy tế lễ hoàng gia tức là thầy tế lễ được vua ban chức vụ cho để phục vụ trong vương quốc của vua. Vua và Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc là hình ảnh tiêu biểu cho chức vụ vua và thầy tế lễ của Đức Chúa Jesus Christ (Hê-bơ-rơ 7:1-3).

Một trong các công việc của thầy tế lễ nhà vua là: Rao giảng sự trọn lành của Thiên Chúa.

Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống thì từ ngữ “a-rê-tê” trong tiếng Hy-lạp (G703) được dịch thành “nhơn đức”. Nhơn đức hay nhân đức trong tiếng Hán Việt có nghĩa là những tính tốt của loài người. Trong khi đó, “a-rê-tê” khi được dùng cho Thiên Chúa với hình thức số nhiều thì có nghĩa là: sự trọn lành tuyệt vời của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không nên dùng từ “nhân đức” mà phải dùng từ “trọn lành”.

Rao giảng sự trọn lành của Thiên Chúa chính là rao giảng Lời Chúa, rao giảng Tin Lành, rao giảng mọi lẽ thật của Thánh Kinh, cùng với nói lên những lời làm chứng về những sự Thiên Chúa làm ra cách riêng biệt cho chúng ta.

Ngài đã đem chúng ta ra khỏi sự tối tăm của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Ngài đã đem chúng ta vào trong tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết, tức là sự vinh quang chói sáng của Ngài.

Sự tối tăm không phải chỉ là một nơi chốn mà còn là trạng thái. Sự tối tăm ở ngay trong chúng ta. Sự sáng láng lạ lùng của Thiên Chúa không phải chỉ là nơi thiên đàng Chúa ngự mà còn là trạng thái. Sự sáng láng lạ lùng của Thiên Chúa trở thành bản thể mới của chúng ta và chúng ta trở thành sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:14).

Đức Chúa Jesus Christ tự xưng Ngài là sự sáng của thế gian (Giăng 8:12); và đang khi Ngài còn ở trong xác thịt giữa thế gian thì Ngài là sự sáng của thế gian (Giăng 9:5). Nhưng Đức Chúa Jesus Christ cũng gọi Hội Thánh là sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:14).

Vì thế, ra khỏi sự tối tăm vừa có nghĩa là ra khỏi hỏa ngục, vì hỏa ngục là nơi tối tăm (Ma-thi-ơ 8:12; 22:13; 25:30), vừa có nghĩa là thoát khỏi trạng thái tối tăm (Rô-ma 1:21; Ê-phê-sô 4:18; 5:8). Vì thế, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Thiên Chúa vừa có nghĩa là vào trong Vương Quốc Trời, vừa có nghĩa là trở nên sáng láng như Thiên Chúa là sáng láng (Ma-thi-ơ 5:14; Ê-phê-sô 5:8).

10 Các anh chị em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân của Thiên Chúa, trước không nhận được sự thương xót, mà bây giờ nhận được sự thương xót.

Trong quá khứ, mỗi chúng ta đều bị hư mất vì sự phạm tội của mình, thế nhưng, bởi ân điển và tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được cứu rỗi, được Ngài ban cho địa vị làm con dân của Ngài. Chúng ta vừa là con trai con gái của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 6:17-18), lại vừa là công dân trong vương quốc của Ngài.

Ngày trước tức là lúc chúng ta chưa thật lòng ăn năn tội, chưa tin nhận Tin Lành, vẫn còn sống trong tội. Bây giờ là lúc chúng ta đã vượt khỏi sự chết mà vào sự sống (I Giăng 3:14), ra khỏi sự tối tăm mà vào trong sự sáng láng lạ lùng của Thiên Chúa. Ngày trước chúng ta không phải là một dân vì những người ở ngoài sự cứu rỗi thì không được vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Trong toàn thể vũ trụ chỉ có một vương quốc và đó là Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Chỉ những ai ở trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời mới được gọi là một dân. Ngày trước chúng ta không nhận được sự thương xót của Thiên Chúa, dù sự thương xót của Thiên Chúa được ban cho toàn thế gian vì Ngài yêu thế gian, vì Ngài là “Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4). Là bởi vì ngày trước chúng ta không tiếp nhận sự thương xót của Thiên Chúa. Muốn tiếp nhận sự thương xót của Thiên Chúa thì chúng ta phải tin cậy Ngài, vâng phục Ngài, tức là chúng ta phải nhận rằng mình có tội, mình đã vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, rồi ăn năn tội, tức là ngưng sự phạm các điều răn của Thiên Chúa, và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Ngày nay, chúng ta được tái sinh, được trở thành con trai con gái và dân thánh của Thiên Chúa là bởi vì chúng ta đáp ứng ơn thương xót của Thiên Chúa.

Dù vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục ở lại trong sự cứu rỗi, ở lại trong địa vị là con dân Thiên Chúa, ở lại trong sự sáng láng lạ lùng của Thiên Chúa, bằng cách luôn luôn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa qua sự chúng ta tin cậy Lời Chúa và làm theo Lời Chúa.

11 Hỡi những người yêu dấu! Các anh chị em như những khách ở trọ, những người đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt tham muốn, là những điều gây chiến nghịch với linh hồn.

Phi-e-rơ gọi các độc giả của thư I Phi-e-rơ là “những người yêu dấu”. Những người mà ông yêu và cũng là những người đang ở trong tình yêu của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu quý, nhận làm con dân của Ngài. Phi-e-rơ ví con dân Chúa như những khách ở trọ, những người đi đường trong thế gian. Thật vậy, chúng ta đang trên hành trình về nhà Cha. Một ngày kia, cuối hành trình, Đức Chúa Jesus Christ sẽ đích thân đưa chúng ta vào nhà Cha của chúng ta ở trên trời, là nơi mà Ngài đã sắm sẵn chỗ cho mỗi chúng ta:

“Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với các ngươi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2-3 – Đối chiếu Hê-bơ-rơ 11:16).

Vì thế, chúng ta phải giữ mình, không chiều theo mọi điều nào xác thịt ưa thích nhưng nghịch lại với các điều răn của Thiên Chúa, và cũng là nghịch lại với linh hồn của chúng ta, làm cho linh hồn của chúng ta có thể bị khổ đời đời trong hỏa ngục. Không phải bất cứ điều gì xác thịt ưa thích cũng sai. Xác thịt có những nhu cầu chính đáng, như đói thì phải ăn, khát thì phải uống, mệt thì phải ngủ, nghỉ, v.v.. Nhưng cách thức thỏa mãn nhu cầu của xác thịt có thể đẹp ý Chúa hoặc không đẹp ý Chúa.

Thí dụ: Để đáp ứng nhu cầu tính dục thì Lời Chúa dạy: “Nhưng để tránh sự tà dâm thì mỗi người đàn ông hãy có vợ cho mình; và mỗi người đàn bà hãy có chồng cho mình!” (I Cô-rinh-tô 7:2). Nếu chúng ta dùng bất cứ một hình thức nào để thỏa mãn nhu cầu tính dục ngoài mối quan hệ vợ chồng, như thủ dâm chẳng hạn, thì chúng ta phạm tội tà dâm. Nếu chưa đến thời điểm thuận tiện để kết hôn thì chúng ta phải nương cậy vào ân điển và năng lực của Chúa để thắng nhu cầu tính dục:

“…Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu…” (II Cô-rinh-tô 12:9).

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Điều quan trọng: Chúng ta phải tránh xa mọi hình thức cám dỗ của tội tà dâm và sử dụng quyền Chúa đã ban cho chúng ta. Đó là quyền kêu cầu danh Chúa để được cứu và quyền nhân danh Chúa để trừ quỷ. Khi bị cám dỗ phạm tội thủ dâm chẳng hạn, chúng ta lớn tiếng kêu cầu danh Chúa:

“Kính lạy Đức Chúa Jesus Christ. Xin Ngài cứu con ra khỏi sự phạm tội thủ dâm. Con cảm tạ ơn Ngài. A-men!”

Rồi lớn tiếng truyền cho sự cám dỗ phải lui xa:

“Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho những tư tưởng xúi giục ta thủ dâm phải lui ra khỏi tâm trí ta! A-men!”

Lập tức, chúng ta sẽ thấy năng lực của Chúa kéo chúng ta ra khỏi sự phạm tội. Không có bất cứ sự cám dỗ nào có thể khiến chúng ta phạm tội nếu chúng ta biết kêu cầu danh Chúa và biết nhân danh Chúa để xua đuổi sự cám dỗ. Chúa là thành tín. Ngài luôn bảo vệ và giải cứu chúng ta khi chúng ta thật lòng không muốn phạm tội và hết lòng tin cậy nơi Ngài.

12 Các anh chị em phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để cho họ là những kẻ vẫn gièm chê, xem các anh chị em như người gian ác, được thấy những việc lành của các anh chị em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời.

Là con trai và con gái của Chúa, chúng ta phải sống ngay lành giữa những người không tin Chúa. Thứ nhất là để chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa cho họ, để họ thấy những gì Thánh Kinh ghi chép là sự thực. Thứ nhì là để họ thấy và nhớ những việc lành của chúng ta, trong đó có sự yêu thương, tha thứ, cứu giúp họ… mà trong ngày phán xét, họ buộc phải tôn vinh Đức Chúa Trời, vì họ nhận biết chính Đức Chúa Trời đã ban ơn và cơ hội cứu rỗi cho họ, qua chúng ta.

Từ ngữ “thăm viếng” trong nguyên ngữ Hy-lạp là: thăm viếng với mục đích điều tra, xem xét để thưởng hoặc phạt cho tương xứng với nếp sống, việc làm của một người. Vì thế, chúng ta có thể hiểu “ngày Chúa thăm viếng” được nói đến trong câu này có nghĩa là ngày phán xét chung cuộc được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

Tuy nhiên, cũng có thể hiểu đó là ngày mà Chúa ban ơn cho những người không tin Chúa cách đặc biệt, khiến họ nhận biết Ngài và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, như ngày Chúa sẽ thăm viếng dân I-sơ-ra-ên vào giữa Kỳ Đại Nạn. Trong trường hợp này thì người trước đây gièm chê, bắt bớ đức tin của chúng ta, sau khi đầu phục Chúa, họ sẽ nhớ lại nếp sống của chúng ta, cách chúng ta cư xử với họ trong tình yêu của Chúa, mà họ tôn vinh Chúa. Bởi vì, họ hiểu rằng, ngay từ khi họ còn là những kẻ thù nghịch thập tự giá, thì Đức Chúa Trời cũng đã ban ơn cho họ qua chúng ta, là những con dân của Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/09/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Xem tiết mục “Năm Do-thái: 2315” tại đây: 003 Tóm Lược Lịch Sử Loài Người – Kỳ Tận Thế (kytanthe.net)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.