Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL056 Đức Chúa Jesus Sai Mười Hai Sứ Đồ Đi Giảng Tin Lành

172 views

YouTube: https://youtu.be/wmLfCBOB1yg

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL056 Đức Chúa Jesus Sai Mười Hai Sứ Đồ
Đi Giảng Tin Lành
Ma-thi-ơ 10:5-15; Mác 6:7-13; Lu-ca 9:1-6

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 10:5-15

5 Đức Chúa Jesus đã sai mười hai người ấy đi và truyền cho họ, rằng: Các ngươi đừng đi đến đường của các dân ngoại, cũng đừng vào trong thành của những người Sa-ma-ri.

6 Nhưng thà đi đến những con chiên đã lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên.

7 Khi các ngươi đi đường, hãy rao giảng rằng: Vương Quốc Trời đã đến gần.

8 Hãy chữa lành những người bệnh! Hãy làm sạch những người phong hủi! Hãy khiến những người chết sống lại! Hãy đuổi những quỷ! Các ngươi đã nhận không thì hãy cho không!

9 Đừng thu thập vàng, hoặc bạc, hoặc tiền cho dây lưng của các ngươi!

10 Đừng đem túi hành lý cho chuyến đi, hoặc hai cái áo trong, hoặc những giày, hoặc những gậy! Vì người làm việc thì xứng đáng nhận thức ăn của mình.

11 Các ngươi vào trong bất cứ thành hoặc làng nào, hãy hỏi thăm ai trong đó là người xứng đáng thì ở tại đó, cho tới khi nào các ngươi đi.

12 Khi các ngươi đến trong một căn nhà, hãy chúc lành cho nó.

13 Nếu thực tế căn nhà là xứng đáng, sự bình an của các ngươi đến trên nó. Nếu nó không là xứng đáng, sự bình an của các ngươi trở về với các ngươi.

14 Nếu ai không tiếp nhận các ngươi, cũng không nghe những lời của các ngươi, khi các ngươi ra khỏi nhà hay thành đó, hãy phủi bụi khỏi chân của các ngươi.

15 Thật! Ta nói với các ngươi, trong ngày phán xét, sẽ là dễ chịu cho đất Sô-đôm và Gô-mô-rơ hơn thành ấy.

Mác 6:7-13

7 Ngài đã gọi Nhóm Mười Hai, bắt đầu sai họ đi từng đôi. Ngài đã ban cho họ thẩm quyền trên những tà linh.

8 Ngài đã truyền cho họ, rằng, họ đừng đem gì cho chuyến đi, ngoại trừ một cây gậy; không túi hành lý, không bánh, không tiền trong dây lưng;

9 nhưng mang dép và đừng mặc hai áo trong.

10 Ngài đã phán với họ: Nếu các ngươi vào trong bất cứ nhà nào thì cứ ở đó, cho tới khi các ngươi đi khỏi đó.

11 Bất cứ nơi nào không tiếp nhận các ngươi, cũng không nghe các ngươi, hãy đi khỏi đó, phủi bụi dưới chân các ngươi, để làm chứng cớ cho họ. Thật! Ta phán với các ngươi, trong ngày phán xét, sẽ là dễ chịu cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ hơn thành ấy.

12 Họ đã lên đường và giảng rằng: Hãy ăn năn!

13 Họ đuổi nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người bệnh và chữa lành họ.

Lu-ca 9:1-6

1 Ngài đã gọi mười hai môn đồ của Ngài, ban cho họ năng lực và thẩm quyền trên tất cả ma quỷ và chữa lành những tật bệnh.

2 Ngài đã sai họ rao giảng Vương Quốc của Đức Chúa Trời và chữa lành những người bệnh.

3 Ngài đã phán với họ: Đừng đem gì cho chuyến đi, hoặc những gậy, hoặc túi hành lý, hoặc bánh, hoặc tiền, hoặc có tới hai cái áo trong.

4 Các ngươi vào trong bất cứ nhà nào, hãy ở đó cho tới khi đi.

5 Bất cứ ai không tiếp nhận các ngươi, khi các ngươi ra khỏi thành đó, hãy phủi bụi khỏi chân của các ngươi để làm chứng cớ nghịch lại họ.

6 Họ đã lên đường, đi khắp các làng, giảng Tin Lành và chữa bệnh khắp nơi.

Chúng ta đã học về sự Đức Chúa Jesus chọn mười hai người, từ trong những môn đồ của Ngài, để làm các sứ đồ đầu tiên. Sứ đồ là người thay cho Đức Chúa Jesus đi khắp nơi, rao giảng Tin Lành và thành lập Hội Thánh địa phương. Chúng ta cũng đã học qua các nét chính về mười hai sứ đồ đầu tiên. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus sai mười hai sứ đồ đi giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên.

Ma-thi-ơ 10:5-7

5 Đức Chúa Jesus đã sai mười hai người ấy đi và truyền cho họ, rằng: Các ngươi đừng đi đến đường của các dân ngoại, cũng đừng vào trong thành của những người Sa-ma-ri.

6 Nhưng thà đi đến những con chiên đã lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên.

7 Khi các ngươi đi đường, hãy rao giảng rằng: Vương Quốc Trời đã đến gần.

Mác 6:7

7 Ngài đã gọi Nhóm Mười Hai, bắt đầu sai họ đi từng đôi. Ngài đã ban cho họ thẩm quyền trên những tà linh.

Lu-ca 9:1-2

1 Ngài đã gọi mười hai môn đồ của Ngài, ban cho họ năng lực và thẩm quyền trên tất cả ma quỷ và chữa lành những tật bệnh.

2 Ngài đã sai họ rao giảng Vương Quốc của Đức Chúa Trời và chữa lành những người bệnh.

Ma-thi-ơ ghi rõ mệnh lệnh của Chúa truyền cho các sứ đồ không đi đến các dân ngoại, không vào thành của dân Sa-ma-ri, nhưng chỉ đi đến những người I-sơ-ra-ên.

Mác chỉ ghi một cách vắn tắt với hai chi tiết không có trong Ma-thi-ơ và Lu-ca. Đó là: Đức Chúa Jesus sai các sứ đồ đi từng đôi. Mác dùng danh từ “tà linh” thay cho danh từ “ma quỷ”.

Lu-ca chỉ ghi lại một cách tổng quát, Đức Chúa Jesus ban cho các sứ đồ năng lực và thẩm quyền trên tất cả ma quỷ, chữa lành những tật bệnh, rao giảng Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Đi đến đường của các dân ngoại” có nghĩa là đi đến những con đường dẫn đến chỗ ở của các dân không phải là dân I-sơ-ra-ên. Nói cách khác là đừng ra khỏi xứ Giu-đê và xứ Ga-li-lê. Vào thời bấy giờ, dân I-sơ-ra-ên tập trung sống trong hai khu vực ấy.

Xứ Ga-li-lê là vùng phía bắc của đất Ca-na-an, giáp biên giới với các dân ngoại như Si-ri, Phê-ni-xi. Người I-sơ-ra-ên ở Ga-li-lê chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp La Mã nhiều hơn người I-sơ-ra-ên ở xứ Giu-đê. Đức Chúa Jesus lớn lên ở thành Na-xa-rét, thuộc xứ Ga-li-lê.

Xứ Giu-đê là vùng trung tâm của đất Ca-na-an, ít chịu ảnh hưởng bởi các dân ngoại, có thành Giê-ru-sa-lem là trung tâm tôn giáo và chính trị của người I-sơ-ra-ên. Người dân Giu-đê giữ gìn truyền thống tôn giáo nghiêm ngặt hơn người I-sơ-ra-ên sống ở các nơi khác.

Thành của những người Sa-ma-ri” là bất cứ thành nào nằm trong xứ Sa-ma-ri. Theo Thánh Kinh, xứ Sa-ma-ri ban đầu là lãnh thổ của chi phái Ép-ra-im và phần phía tây lãnh thổ của chi phái Ma-na-se. Nhưng vào năm 722 trước Công Nguyên, Vua Sa-gôn của đế quốc A-si-ri đã cho dân Ba-bi-lôn, dân Cu-tơ, và dân A-ram đến định cư tại đó. Các dân này đã hòa đồng, kết hôn với dân I-sơ-ra-ên còn lưu lại mà thành dân Sa-ma-ri. Dân I-sơ-ra-ên chính gốc xem thường và kỳ thị dân Sa-ma-ri, xem họ là không tinh sạch.

Mục đích của sự rao giảng Tin Lành là cho muôn dân, nhưng mục tiêu đầu tiên là dân I-sơ-ra-ên tại xứ Giu-đê và xứ Ga-li-lê. Vì người I-sơ-ra-ên là dân được chọn của Đức Chúa Trời nên họ cần được biết và tin nhận Tin Lành trước. Sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh, Ngài đã truyền cho những môn đồ của Ngài đi khắp nơi giảng Tin Lành cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri và cho đến tận cùng của trái đất (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8).

Những con chiên đã lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên” được dùng để chỉ những người I-sơ-ra-ên đang sống trong tội. Thánh Kinh gọi con dân Chúa là bầy chiên của đồng cỏ Ngài (Thi Thiên 100:3). Chiên là con dân của Thiên Chúa nhưng đã lạc mất vì đã bỏ đi các điều răn của Đức Chúa Trời. Không vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời là sống trong tội. Ngày nay, có hàng tỉ người xưng nhận mình là con dân của Thiên Chúa nhưng đã không tôn thánh ngày Sa-bát của Thiên Chúa. Họ thà nghe theo những lý lẽ không có trong Thánh Kinh, vâng theo các điều răn của loài người mà bỏ đi điều răn của Đức Chúa Trời. Họ cũng là những con chiên lạc mất. Có ba điều căn bản mà những con chiên bị lạc mất trong các giáo hội cần suy ngẫm để thoát khỏi tà giáo bác bỏ sự vâng giữ ngày Sa-bát:

  • Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là cho mọi dân tộc, không riêng gì cho dân I-sơ-ra-ên và còn lại cho tới khi trời đất hiện tại qua đi (Ma-thi-ơ 5:18). Đó là khi mọi sự được trọn; trời mới, đất mới và Vương Quốc Đời Đời được hiện thực. Trong Kỳ Tận Thế, Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian bằng Mười Điều Răn được cất trong Rương Chứng Cớ (Khải Huyền 11:19).

  • Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là một, không thể giữ điều này mà bỏ điều kia (Gia-cơ 2:10).

  • Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, ngày Sa-bát đã đổi từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật.

Cũng có các giáo hội dạy người tin Chúa phải giữ ngày Sa-bát nhưng lại giảng dạy các tà giáo khác, như Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm [1], Giáo Hội Đức Chúa Trời Mẹ; và các nhóm Cội Nguồn Hê-bơ-rơ (Hebrew Root).

Vương Quốc Trời đã đến gần” là khoảng thời gian từ khi Đấng Christ rao giảng Tin Lành cho tới khi Hội Thánh được thành lập. Sau đó, Vương Quốc Trời được thể hiện qua ba thời kỳ:

  • Thời kỳ hiện thực trong lòng những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, kể từ khi Hội Thánh được thành lập (Lu-ca 17:20-21).

  • Thời kỳ hiện thực một ngàn năm trên đất, sau Kỳ Tận Thế (Khải Huyền 20:4).

  • Thời kỳ hiện thực đời đời trong trời mới, đất mới, sau sự phán xét chung cuộc (Khải Huyền 21-22).

Năng lực và thẩm quyền” là khả năng hành động và quyền hành động. Đức Chúa Jesus đã ban cho mười hai sứ đồ của Ngài chẳng những có khả năng mà còn có thẩm quyền để thi hành sự đuổi những quỷ, chữa lành những tật bệnh, và rao giảng Tin Lành.

Rao giảng Vương Quốc của Đức Chúa Trời” chính là rao giảng Tin Lành. Lời giảng đầu tiên của Đức Chúa Jesus được Mác ghi lại là: “Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.” (Mác 1:15).

Ma-thi-ơ 10:8

8 Hãy chữa lành những người bệnh! Hãy làm sạch những người phong hủi! Hãy khiến những người chết sống lại! Hãy đuổi những quỷ! Các ngươi đã nhận không thì hãy cho không!

Trong khi Lu-ca chỉ ghi lại, Đức Chúa Jesus ban cho mười hai sứ đồ năng lực và thẩm quyền chữa bệnh đuổi quỷ, thì Ma-thi-ơ ghi lại cách chi tiết hơn. Đó là trong việc chữa lành những người bệnh còn có việc làm sạch những người phong hủi. Chúng tôi tin rằng, làm sạch những người phong hủi có nghĩa là khiến cho họ dứt hẳn chứng bệnh phong hủi và phục hồi những chỗ thân thể bị vi trùng tàn phá. Ngoài ra, còn có việc khiến những người chết sống lại. Thánh Kinh có ghi lại trường hợp Sứ Đồ Phi-e-rơ đã khiến một nữ môn đồ tên là Ta-bi-tha sống lại (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:36-42). Rất có thể đã có nhiều trường hợp các sứ đồ đã khiến người chết sống lại nhưng không được ghi trong Thánh Kinh.

Ma-thi-ơ còn ghi lại một chi tiết quan trọng, đó là Đức Chúa Jesus đã truyền cho các sứ đồ rằng: “Các ngươi đã nhận không thì hãy cho không!” Nhận là nhận năng lực và thẩm quyền để chữa bệnh, đuổi quỷ, gọi người chết sống lại, và rao giảng Tin Lành. Cho là thi hành các việc ấy để đem lại sự cứu giúp thuộc thể và ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho những ai nghe và tin nhận Tin Lành.

Cho không” có nghĩa là không đòi trả công cho việc làm.

Ma-thi-ơ 10:9-10

9 Đừng thu thập vàng, hoặc bạc, hoặc tiền cho dây lưng của các ngươi!

10 Đừng đem túi hành lý cho chuyến đi, hoặc hai cái áo trong, hoặc những giày, hoặc những gậy! Vì người làm việc thì xứng đáng nhận thức ăn của mình.

Mác 6:8-9

8 Ngài đã truyền cho họ, rằng, họ đừng đem gì cho chuyến đi, ngoại trừ một cây gậy; không túi hành lý, không bánh, không tiền trong dây lưng;

9 nhưng mang dép và đừng mặc hai áo trong.

Lu-ca 9:3

3 Ngài đã phán với họ: Đừng đem gì cho chuyến đi, hoặc những gậy, hoặc túi hành lý, hoặc bánh, hoặc tiền, hoặc có tới hai cái áo trong.

Vì Ma-thi-ơ là một trong mười hai sứ đồ, trực tiếp nghe Đức Chúa Jesus phán truyền, nên Ma-thi-ơ ghi lại cách chi tiết hơn Mác và Lu-ca.

Động từ “κτάομαι” (G2932), /kơ-tá-ô-mai/, được dịch là “thu thập” có nghĩa là: nhận, lấy, hoặc mua. Các sứ đồ không được phép nhận vàng, bạc, tiền từ những người nghe họ giảng Tin Lành hoặc được họ chữa bệnh, đuổi quỷ.

Dây lưng” là dây thắt lưng có ngăn đựng tiền hoặc có túi đựng tiền được buộc vào dây.

Túi hành lý” là túi chứa các vật dụng cần thiết khi đi đường.

Áo trong” là chiếc áo thường mặc trên người, khác với áo ngoài là tấm vải choàng.

Ma-thi-ơ ghi là đừng đem những giày và những gậy nhưng Mác thì nói rõ là mang theo một gậy và mang dép. Vì thế, chúng ta có thể hiểu là các sứ đồ không được mang dư: giày, dép, hoặc gậy.

Việc không nhận vàng, bạc, tiền; không mang dư giày, dép, gậy, áo trong; không mang theo bánh hoặc tiền hàm ý, mọi nhu cầu đó sẽ được những người tiếp nhận các sứ đồ chu cấp cho họ. Và vì thế, các sứ đồ cũng không cần mang theo túi chứa hành lý.

Ma-thi-ơ 10:11

11 Các ngươi vào trong bất cứ thành hoặc làng nào, hãy hỏi thăm ai trong đó là người xứng đáng thì ở tại đó, cho tới khi nào các ngươi đi.

Mác 6:10

10 Ngài đã phán với họ: Nếu các ngươi vào trong bất cứ nhà nào thì cứ ở đó, cho tới khi các ngươi đi khỏi đó.

Lu-ca 9:4

4 Các ngươi vào trong bất cứ nhà nào, hãy ở đó cho tới khi đi.

Ma-thi-ơ vẫn là người ghi chi tiết hơn Mác và Lu-ca. Các sứ đồ sẽ đi đến các thành và các làng của dân I-sơ-ra-ên. Thành là khu vực dân cư đông đúc, có vách thành bao quanh. Làng là khu vực dân cư ít người, không có vách thành. Mỗi khi các sứ đồ đến một thành hay một làng thì hỏi thăm xem có ai bằng lòng tiếp đón họ hay không. Người I-sơ-ra-ên vốn có thói quen hiếu khách từ thời của Áp-ra-ham. Sau khoảng 400 năm không có một tiên tri nào được dấy lên cho họ nên họ cũng sẵn sàng tiếp đón những ai rao giảng về Thiên Chúa.

Người xứng đáng” là người có lòng hiếu khách và sốt sắng nghe giảng Lời Chúa.

Hai sứ đồ đi chung với nhau sẽ ở trong nhà người đón tiếp họ, cho tới khi rao giảng xong Tin Lành cho địa phương ấy và rời đi nơi khác. Chủ nhà sẽ lo việc ăn ở cho các sứ đồ trong suốt thời gian họ lưu lại đó. Chúng tôi hiểu rằng, lý do chỉ ở lại trong một nhà có lẽ là vì Đức Chúa Trời đã sắm sẵn người tiếp đón các sứ đồ ở mỗi địa phương, và đó là người tốt nhất. Chủ nhà cũng được hưởng phước vì có lòng hiếu khách và tiếp đón các sứ đồ của Chúa.

Ma-thi-ơ 10:12-13

12 Khi các ngươi đến trong một căn nhà, hãy chúc lành cho nó.

13 Nếu thực tế căn nhà là xứng đáng, sự bình an của các ngươi đến trên nó. Nếu nó không là xứng đáng, sự bình an của các ngươi trở về với các ngươi.

Đây không nói đến căn nhà mà chủ nhà tiếp nhận các sứ đồ, vì các sứ đồ chỉ tạm trú tại căn nhà mà họ hỏi thăm và biết chủ nhà là xứng đáng. Đây là nói về mỗi căn nhà mà các sứ đồ đi đến để rao giảng Tin Lành. Cũng như Đức Chúa Jesus, các sứ đồ có thể đến từng nhà rao giảng Tin Lành hoặc có thể rao giảng nơi công cộng.

Hãy chúc lành cho nó” trong nguyên ngữ là “hãy chào nó”. Nhưng lời chào của người I-sơ-ra-ên tức là lời chúc bình an, như đã được Đức Chúa Jesus nói rõ trong Lu-ca 10:5.

Danh từ “nhà” còn có nghĩa bóng là gia đình cư trú trong căn nhà. Vì thế, “chào nó” hay “chúc lành cho nó” còn có nghĩa là chào và chúc bình an cho gia đình cư trú trong căn nhà, mà các sứ đồ bước vào.

Căn nhà hay gia đình xứng đáng là căn nhà mà chủ nhà vui vẻ tiếp đón các sứ đồ, và nghe họ rao giảng. Căn nhà hay gia đình không xứng đáng là căn nhà mà chủ nhà không tiếp đón các sứ đồ, hoặc không nghe lời rao giảng của họ.

Lời chúc lành hay lời chúc bình an từ con dân Chúa có giá trị đối với những ai tiếp đón họ và nghe họ rao giảng Lời Chúa. Vì thế, con dân Chúa nên tận dụng thẩm quyền Chúa ban cho mình để chúc phước cho những người chịu nghe mình giảng Tin Lành; và cũng thường xuyên chúc phước cho nhau trong danh Chúa.

Sự bình an con dân Chúa chúc cho người khác chính là sự bình an Chúa ban cho họ. Qua lời chúc, họ chia sẻ sự bình an của họ cho người khác nhưng không phải vì vậy mà họ bị bớt đi sự bình an. Đó chỉ là sự bình an vô giới hạn của Thiên Chúa trong họ tuôn tràn đến người được chúc. Nếu người được chúc không xứng đáng thì người ấy sẽ không nhận được sự bình an theo lời chúc.

Ma-thi-ơ 10:14-15

14 Nếu ai không tiếp nhận các ngươi, cũng không nghe những lời của các ngươi, khi các ngươi ra khỏi nhà hay thành đó, hãy phủi bụi khỏi chân của các ngươi.

15 Thật! Ta nói với các ngươi, trong ngày phán xét, sẽ là dễ chịu cho đất Sô-đôm và Gô-mô-rơ hơn thành ấy.

Mác 6:11

11 Bất cứ nơi nào không tiếp nhận các ngươi, cũng không nghe các ngươi, hãy đi khỏi đó, phủi bụi dưới chân các ngươi, để làm chứng cớ cho họ. Thật! Ta phán với các ngươi, trong ngày phán xét, sẽ là dễ chịu cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ hơn thành ấy.

Lu-ca 9:5

5 Bất cứ ai không tiếp nhận các ngươi, khi các ngươi ra khỏi thành đó, hãy phủi bụi khỏi chân của các ngươi để làm chứng cớ nghịch lại họ.

Sự tiếp nhận được nói ở đây là sự tiếp nhận khi các sứ đồ đến một nhà nào hay một thành nào để giảng Tin Lành. Nếu họ đến nhà nào mà chủ nhà không tiếp nhận thì họ ra khỏi nhà đó và phủi bụi dưới chân họ. Nếu họ vào một thành nào mà cả thành không tiếp nhận họ thì họ ra khỏi thành đó và phủi bụi dưới chân họ. Hành động phủi bụi có ý nghĩa là phủi đi sự ô uế của nhà ấy hay thành ấy. Nhà ấy hay thành ấy bị xem là ô uế vì đã từ chối ân điển của Đức Chúa Trời, là ân điển đem sự cứu rỗi đến cho những người trong nhà ấy hay thành ấy.

Hành động phủi bụi dưới chân của các sứ đồ còn là chứng cớ cho sự nhà ấy hay thành ấy đã từ chối ân điển của Đức Chúa Trời. Trong ngày phán xét chung cuộc, những người trong nhà ấy hoặc thành ấy sẽ bị án phạt nặng hơn những người trong thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Vì dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ không được ban cho cơ hội tin nhận sự cứu rỗi.

Qua lời phán của Đức Chúa Jesus về sự trong ngày phán xét, Sô-đôm và Gô-mô-rơ sẽ được dễ chịu hơn những người trong nhà hay thành từ chối các sứ đồ của Chúa, mà chúng ta có thể hiểu như sau:

  • Câu chuyện về Sô-đôm và Gô-mô-rơ được chép trong Sáng Thế Ký đoạn 19 là một thực tế đã xảy ra, không phải là huyền thoại, không phải là ngụ ngôn.

  • Từ đó, chúng ta hiểu rằng, mọi biến cố đã xảy ra, được chép trong Thánh Kinh, là có thật.

  • Bất cứ ai từ chối nghe giảng Tin Lành thì sẽ bị án phạt nặng hơn dân Sô-đôm và dân Gô-mô-rơ.

Như vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, cùng một hành động phạm tội nhưng án phạt của mỗi người sẽ khác nhau. Đó là tùy vào tấm lòng của mỗi người khi họ phạm tội. Có người ray rứt trong khi phạm tội; có người vui thú trong khi phạm tội; có người cố gắng hạn chế sự tai hại do sự phạm tội của mình gây ra… Và tương tự như vậy, sự ban thưởng cho cùng một việc lành được làm ra cũng sẽ khác đối với mỗi người. Đó là tùy thuộc vào tấm lòng của mỗi người khi làm lành. Có người làm vì đó là bổn phận không thể tránh khỏi; có người làm vì ưa thích sự làm lành; có người làm cho có làm; có người gắng hết sức làm cho tốt…

Mác 6:12-13

12 Họ đã lên đường và giảng rằng: Hãy ăn năn!

13 Họ đuổi nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người bệnh và chữa lành họ.

Lu-ca 9:6

6 Họ đã lên đường, đi khắp các làng, giảng Tin Lành và chữa bệnh khắp nơi.

Mười hai sứ đồ của Đức Chúa Jesus đã lên đường, đi khắp các làng trong xứ Ga-li-lê và trong xứ Giu-đê để giảng Tin Lành. Giảng Tin Lành tức là kêu gọi người nghe hãy ăn năn về sự phạm tội và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Mặc dù Lu-ca chỉ ghi là các sứ đồ của Chúa đi khắp các làng, không ghi là họ đi khắp các thành, nhưng điều đó không có nghĩa là các sứ đồ của Chúa không đi khắp các thành. Cách viết của Lu-ca nhằm nhấn mạnh đến sự kiện, không một địa phương bé nhỏ, ít người nào, bị bỏ qua, không được nghe giảng Tin Lành. Tương tự như vậy, dù Lu-ca chỉ ghi lại sự kiện các sứ đồ chữa bệnh, không ghi lại sự kiện các sứ đồ đuổi quỷ, nhưng điều đó không có nghĩa là các sứ đồ của Chúa không đuổi quỷ trong khi rao giảng Tin Lành.

Mác thêm một chi tiết về việc chữa bệnh của các sứ đồ là họ xức dầu cho người bệnh. Người I-sơ-ra-ên vốn có thói quen xức dầu ô-li-ve cho người bị bệnh, trong khi cầu xin sự chữa lành đến từ Thiên Chúa. Mặc dù dầu ô-li-ve được các dân ở Trung Đông dùng để xức trên các vết thương nhưng sự xức dầu cho người bệnh được nói đến ở đây không với mục đích là vì dược tính của dầu. Ý nghĩa của sự xức dầu cho người bệnh là khiến cho người ấy được nên thánh, tức là được biệt riêng cho Thiên Chúa, sau khi người ấy được sự tha thứ tội, như đã chép trong Lê-vi Ký đoạn 14.

Gia-cơ 5:14 nói đến sự con dân Chúa bị bệnh, mời các trưởng lão đến xức dầu và cầu nguyện cho mình, kèm theo sự xưng tội. Và Gia-cơ 5:15 khẳng định rằng, lời cầu nguyện bởi đức tin khiến cho người bệnh được lành bệnh. Mặc dù có những trường hợp Chúa không chữa lành bệnh cho con dân của Ngài, như đã xảy ra cho chính Sứ Đồ Phao-lô. Nhưng việc cần làm của con dân Chúa mỗi khi đau bệnh là xin Chúa chữa lành cho mình. Trường hợp bệnh nặng thì mời các trưởng lão đến, xức dầu, cầu nguyện cho mình. Việc còn lại là tùy nơi thánh ý của Chúa.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/02/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/
Xin dò xuống cuối trang và bấm vào các nối mạng trong mục: “Các Bài Liên Quan Đến Các Tín Lý Không Đúng Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm”.

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Con Tha Thiết Yêu Ngài”
https://karaokethanhca.net/long-con-tha-thiet-yeu-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.