Chú Giải Hê-bơ-rơ 13:18-25 Lời Kết

2,390 views

Nguồn: https://youtu.be/RpsI0m9cOFA

Chú Giải Hê-bơ-rơ 13:18-25
Lời Kết

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 13:18-25

18 Hãy cầu nguyện cho chúng tôi, vì chúng tôi biết chắc, chúng tôi có lương tâm tốt, muốn sống ngay thẳng trong mọi sự.

19 Tôi xin các anh chị em càng hơn, hãy làm điều này để tôi sớm được phục hồi với các anh chị em.

20 Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an đã đem Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, Đấng Chăn Chiên Lớn của bầy chiên, ra khỏi sự chết, bởi máu của giao ước đời đời

21 khiến các anh chị em nên trọn vẹn trong mọi việc lành làm theo ý muốn của Ngài. Ngài làm ra trong các anh chị em sự đẹp mắt Ngài qua Đức Chúa Jesus Christ. Sự vinh quang thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!

22 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi xin các anh chị em hãy chịu đựng lời khuyên bảo. Vì bởi một ít lời tôi đã viết thư cho các anh chị em.

23 Các anh chị em hãy biết rằng, người anh em cùng Cha của chúng ta là Ti-mô-thê đã được tự do. Nếu người sớm đến, tôi sẽ gặp các anh chị em.

24 Xin chào thăm mọi người dắt dẫn các anh chị em và hết thảy các thánh đồ. Những người ở I-ta-li chào các anh chị em.

25 Nguyện ân điển ở với tất cả các anh chị em! A-men!

Đây là bài thứ 33 và là bài cuối cùng trong loạt bài học về thư Hê-bơ-rơ. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học 8 câu kết thúc thư Hê-bơ-rơ, bao gồm: lời xin được cầu thay, các lời chúc phước, thông tin về Ti-mô-thê, và các lời chào thăm.

18 Hãy cầu nguyện cho chúng tôi, vì chúng tôi biết chắc, chúng tôi có lương tâm tốt, muốn sống ngay thẳng trong mọi sự.

Đại danh từ “chúng tôi” bao gồm: Phao-lô, Lu-ca, và A-ri-tạc; là hai người cùng có mặt bên Phao-lô trong thời gian ông bị tù lần thứ nhất tại Rô-ma. Đó là vào khoảng từ đầu mùa xuân năm 61 đến đầu mùa xuân năm 63. Rất có thể Phao-lô đã viết thư Hê-bơ-rơ trong khoảng thời gian này. Ngoài Lu-ca và A-ri-tạc, có một khoảng thời gian, Ép-ba-phô-đích do Hội Thánh tại Phi-líp phái đến phục vụ Phao-lô cũng là người ở chung với Phao-lô trong căn nhà trọ được dùng làm nơi cầm tù Phao-lô (Phi-líp 2:25).

A-ri-tạc là một người Hy-lạp, quê thuộc xứ Ma-xê-đoan, là con dân Chúa trong Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Trong Cô-lô-se 4:10-11 thì Sứ Đồ Phao-lô gọi A-ri-tạc là bạn cùng tù với ông và là một trong những người đồng công với ông trong sứ mạng rao giảng Tin Lành. Chúng ta có thể hiểu rằng, không phải A-ri-tạc cùng bị nhốt tù với Phao-lô, nhưng ông và Lu-ca tình nguyện sống chung với Phao-lô trong căn nhà Phao-lô bị giam giữ, chờ ngày Phao-lô ra ứng hầu trước sự phán xét của hoàng đế La-mã. Sống chung với tù nhân trong căn nhà giam giữ tù nhân thì chẳng khác nào là cùng bị tù với tù nhân. A-ri-tạc từng bị đám dân nổi loạn tại thành Ê-phê-sô bắt giữ (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:29). Ông đồng hành với Phao-lô trong chuyến Phao-lô về lại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4). Sau cùng, ông đồng hành với Phao-lô trong chuyến Phao-lô bị quân lính La-mã giải về nhốt tù tại thành Rô-ma (Công Vụ Các Sứ Đồ 27:2). Theo sử liệu của Hội Thánh, A-ri-tạc cũng bị giết trong cơn bách hại Đạo Chúa của Hoàng Đế Nê-rô.

Phao-lô kêu gọi Hội Thánh cầu thay cho ông và hai người bạn cùng chịu khổ với ông để chăm sóc ông, trong khi ông bị tù. Dĩ nhiên, vì ông và hai bạn của ông đang chịu khổ vì danh Chúa nên ông kêu gọi Hội Thánh cầu thay, nhưng lý do chính Phao-lô đưa ra lại là: “Vì chúng tôi biết chắc, chúng tôi có lương tâm tốt, muốn sống ngay thẳng trong mọi sự.”

Chúng ta có thói quen kêu gọi người khác cầu thay cho mình. Chúng ta cũng thường được người khác xin chúng ta cầu thay cho họ. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, chúng ta và những người nhờ chúng ta cầu thay có thật sự là những người “có lương tâm tốt, muốn sống ngay thẳng trong mọi sự”?

Có lương tâm tốt là có lương tâm đã được dựng nên mới, tức là có thần trí nhận biết Thiên Chúa và nhận biết Lời của Thiên Chúa là Thánh Kinh; được tương giao với Thiên Chúa. Muốn sống ngay thẳng trong mọi sự là thực thi sự nhận biết trong thần trí thành nếp sống mỗi ngày. Một người có thể có lương tâm tốt nhưng đôi khi lại không sống theo lương tâm, vì đã để cho bản ngã cũ của con người xác thịt làm chủ mình. Thường xảy ra nhất là có sự kiêu ngạo, muốn người khác khen mình, thán phục mình; hoặc có lòng tự ái không đúng, nóng giận, bực tức khi có người chỉ ra sự sai trái của mình; hoặc hèn nhát, không dám nhận lỗi, xin lỗi nhưng tìm cách để bào chữa, lẩn tránh, giấu diếm…

Sự làm cho chết bản ngã cũ, xấu xa, tội lỗi là việc mà con dân Chúa phải làm mỗi ngày. Vì chúng ta phải vác thập tự giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa nên chúng ta cũng phải mỗi ngày đóng đinh bản ngã của mình, khiến cho nó phải chết mỗi ngày, cho đến khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này. Chúng ta đóng đinh bản ngã của mình mỗi ngày bằng cách:

  • Cầu nguyện xin Đức Chúa Trời dẫn dắt mình để mình không vào trong sự cám dỗ. Xin Đức Chúa Trời giải cứu mình khỏi những kẻ dữ, sự dữ.
  • Cầu nguyện xin Chúa thánh hóa thân thể mình và xin Chúa nhận thân thể mình là của lễ sống và thánh, dâng lên Ngài, để làm những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho mình.
  • Luôn trò chuyện, tương giao với Chúa, cảm tạ, tôn vinh Chúa, suy ngẫm Lời Chúa trong tâm thần. Luôn liên kết mọi sự quanh chúng ta với Lời Chúa.

Có như vậy thì chúng ta mới là người có lương tâm tốt và sống ngay thẳng trong mọi sự. Người không có lương tâm tốt hoặc có lương tâm tốt nhưng không sống ngay thẳng trong mọi sự thì không đáng để kêu gọi người khác cầu thay cho mình.

19 Tôi xin các anh chị em càng hơn, hãy làm điều này để tôi sớm được phục hồi với các anh chị em.

“Tôi xin các anh chị em càng hơn” cùng nghĩa với: Tôi tha thiết nài xin các anh chị em.

“Hãy làm điều này” có nghĩa là: Hãy cầu thay cho chúng tôi.

“Để tôi sớm được phục hồi với các anh chị em.” Phao-lô mong ước sớm được trở về với tình trạng tự do tương giao với con dân Chúa khắp nơi như trước khi ông bị tù.

Trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là trong Hội Thánh, sự tương giao giữa vòng các con dân Chúa rất thiêng liêng, quan trọng, và mật thiết. Thiêng liêng vì sự tương giao đó là trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, trong sự hiện diện và trong ân điển của Ba Ngôi Thiên Chúa. Quan trọng là vì nếu không có sự tương giao đó thì con dân Chúa sẽ chết thuộc linh, tức là sẽ sa ngã, phạm tội, và bị hư mất. Vì không có sự tương giao tức là đã bị dứt thông công. Bị dứt thông công vì phạm tội mà không chịu ăn năn nên bị Hội Thánh dứt thông công; hoặc vì bản thân sống trong tội nên tự ý dứt thông công với Hội Thánh. Mật thiết là vì quan hệ giữa con dân Chúa như quan hệ của các chi thể của cùng một thân, hơn hẳn các mối quan hệ khác trong thế gian.

Người nào không có nhu cầu tương giao với anh chị em trong Hội Thánh thì người ấy không thật sự ở trong Hội Thánh. Anh chị em trong Hội Thánh luôn yêu nhau, nhớ nhau, nghĩ đến nhau, cầu thay cho nhau, và khao khát được thường xuyên giao tiếp với nhau.

Lời cầu nguyện tha thiết cho nhau sẽ giữ cho con dân Chúa luôn được ở trong sự thông công với nhau. Cho dù vì nghịch cảnh, đôi khi chúng ta phải tạm thời bị ngăn cách, nhưng sự thông công trong thần trí không hề bị gián đoạn. Hoàn cảnh và không gian không ngăn cản được sự thông công trong thần trí của con dân Chúa (I Cô-rinh-tô 5:3).

20 Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an đã đem Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, Đấng Chăn Chiên Lớn của bầy chiên, ra khỏi sự chết, bởi máu của giao ước đời đời

21 khiến các anh chị em nên trọn vẹn trong mọi việc lành làm theo ý muốn của Ngài. Ngài làm ra trong các anh chị em sự đẹp mắt Ngài qua Đức Chúa Jesus Christ. Sự vinh quang thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!

Đức Chúa Trời được gọi là Đức Chúa Trời của sự bình an vì mọi việc Ngài làm đều có tôn ti, trật tự, theo những quy luật của chính Ngài để đem lại phước hạnh cho muôn loài thọ tạo. Chính Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự bình an của sự được cứu rỗi. Ngay cả sự chết cũng không còn làm cho chúng ta khiếp sợ, bất an. Vì “chúng ta biết rằng, mình đã vượt khỏi sự chết vào trong sự sống” (I Giăng 3:14).

Thi Thiên 23:1 dạy cho chúng ta biết, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Chăn Chiên của con dân Ngài. Thi Thiên 100:3 dạy cho chúng ta biết, con dân Chúa là bầy chiên của đồng cỏ Ngài. Đức Chúa Jesus Christ chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Thiên Chúa, là Đấng Chăn Chiên chăn dắt con dân Chúa. Chính Ngài tự xưng Ngài là “người chăn”:

“Ta là Người Chăn Hiền Lành. Người Chăn Hiền Lành bỏ đi sự sống của mình vì bầy chiên.” (Giăng 10:11).

“Ta là Người Chăn Hiền Lành, Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta…” (Giăng 10:14).

Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Đấng Chăn Chiên Lớn vì Ngài đứng đầu những người chăn trong Hội Thánh:

“Khi Đấng làm đầu những người chăn hiện ra, các anh chị em sẽ được mão vinh quang, chẳng hề tàn héo.” (I Phi-e-rơ 5:4).

Những người chăn trong Hội Thánh là những người do Đức Chúa Jesus Christ chọn làm người cho con dân của Ngài ăn thức ăn thuộc linh, tức ăn nuốt Lời Chúa. Họ có nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa:

“Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy…” (Ê-phê-sô 4:11).

Mặc dù Đức Chúa Jesus Christ cũng chính là Thiên Chúa nhưng Ngài không thể tự mình sống lại, vì khi Ngài nhập thế làm người, Ngài hoàn toàn bỏ đi năng lực Thiên Chúa mà sống bằng năng lực của loài người, trở nên một người hoàn toàn để có thể gánh thay án phạt của tội lỗi trên loài người. Vì thế, Đức Chúa Trời đã làm cho thân thể xác thịt của Ngài được sống lại.

“Máu của giao ước đời đời” tức là máu của Đức Chúa Jesus Christ đã đổ ra để chuộc tội cho loài người. Máu ấy có hiệu lực đời đời rửa sạch tội và ban sự sống mới cho bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Giao ước đời đời chính là Giao Ước Mới, còn gọi là Tân Ước hoặc Giao Ước Ân Điển. Xin quý ông bà anh chị em tìm hiểu chi tiết về Giao Ước Mới qua bài viết: “Các Giao Ước của Đức Chúa Trời” đã được đăng trên khu mạng: timhieutinlanh.com/thanhoc [2].

Trọn vẹn có nghĩa là hoàn toàn tốt lành, đẹp đẽ, và hạnh phúc. Loài người chỉ có thể được Đức Chúa Trời làm cho trở nên trọn vẹn bởi máu của Đấng Christ. Vì máu của Đấng Christ trước hết rửa sạch mọi tội lỗi của những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Kế tiếp, máu của Đấng Christ ban cho người ấy sự sống đời đời, là sự sống mãi mãi được ở trong tình yêu của Thiên Chúa, trong Vương Quốc Trời.

“Trọn vẹn trong mọi việc lành làm theo ý muốn của Ngài” có nghĩa là, con dân Chúa được chính Đức Chúa Trời ban cho năng lực và uy quyền để làm trọn những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho họ:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Được dựng nên trong Đấng Christ Jesus chính là được Đức Chúa Trời làm cho trở nên trọn vẹn bởi máu của Đấng Christ. Bước đi trong những việc lành là sống trong những sự tốt lành và làm ra những sự tốt lành. Con dân Chúa sống trong tình yêu của Chúa và yêu mọi người bằng chính tình yêu đến từ Chúa (I Giăng 4:7, 16). Con dân Chúa làm gì cho ai cũng hết lòng mà làm như làm cho Chúa (Cô-lô-se 3:23).

Cũng qua Đức Chúa Jesus Christ mà Đức Chúa Trời làm cho con dân của Ngài sự đẹp mắt Ngài, tức là sự mà Ngài ưa thích. Sự ấy chính là sự Ngài khiến cho con dân của Ngài được vui sống trong hạnh phúc với Ngài, trong Vương Quốc Đời Đời của Ngài.

Sự vinh quang là ánh sáng chói lòa, tốt lành của một vật thể có tính phát sáng, như ánh sáng của mặt trời. Trong Thánh Kinh, sự vinh quang của Thiên Chúa trước hết là sự sáng chói bản tính của Ngài: yêu thương, thánh khiết, và công chính. Kế tiếp là những lời tôn vinh, cảm tạ dành cho Ngài làm nổi bật sự vinh quang của Ngài. Sự vinh quang thuộc về Thiên Chúa có nghĩa là chỉ Thiên Chúa mới có bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính; cũng chỉ Thiên Chúa mới xứng đáng được tôn vinh, cảm tạ về bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài.

Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Ngôi Lời với bản thể xác thịt của loài người với tên gọi Jesus là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Đấng Thần Linh, tức Đức Thánh Linh, là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Vì thế, chúng ta có thể nói: Sự vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời; sự vinh quang thuộc về Đức Chúa Jesus Christ; sự vinh quang thuộc về Đức Thánh Linh.

Sự vinh quang của con dân Chúa là sự chói sáng được phản chiếu từ sự vinh quang của Thiên Chúa, như ánh sáng của mặt trăng là sự phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Nghĩa là con dân Chúa sống một nếp sống phản chiếu bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, sao cho người thế gian nhìn vào con dân Chúa thì nhận ra sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã phán: “Các ngươi là sự sáng của thế gian.” (Ma-thi-ơ 5:14).

Một từ ngữ khác thường bị dùng thay cho danh từ “sự vinh quang” là danh từ “sự vinh hiển”. Sự vinh hiển chỉ có nghĩa là sự làm cho hiện ra rõ ràng sự đáng tôn, đáng trọng; không hề cùng nghĩa với “sự vinh quang”. Sự vinh quang thuộc về Thiên Chúa và chúng ta làm vinh hiển Thiên Chúa bằng nếp sống của chúng ta; tức là bằng sự tôn vinh và cảm tạ của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, và bằng sự làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.

22 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi xin các anh chị em hãy chịu đựng lời khuyên bảo. Vì bởi một ít lời tôi đã viết thư cho các anh chị em.

Lời khuyên bảo nào cũng mang tính cách dạy dỗ có thẩm quyền. Lời khuyên bảo có thể chỉ ra những sự yếu đuối, sai sót của người được khuyên. Đối với bản ngã xác thịt của loài người thì lời khuyên bảo có thể làm nổi lên lòng tự ái không đúng bởi sự kiêu ngạo, đặc biệt là khi lời khuyên bảo đến từ một người trẻ hơn, hoặc ít học thức hơn, hoặc có địa vị, chức vụ kém hơn người được khuyên bảo… Tuy nhiên, trong Chúa, mỗi người đều là thầy tế lễ và có bổn phận giúp nhau sửa lỗi (còn gọi là rửa chân cho nhau), đồng thời, mỗi người phải luôn nhu mì, khiêm nhường học theo Đấng Christ, tôn trọng người khác hơn chính mình (Ma-thi-ơ 11:29; Phi-líp 2:3). Vì thế, con dân chân thật của Chúa luôn tiếp nhận và chịu đựng lời khuyên bảo đúng với Thánh Kinh. Câu: “Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi xin các anh chị em hãy chịu đựng lời khuyên bảo”, chính là lời khuyên bảo đứng đầu trong các lời khuyên bảo.

Hội Thánh được gây dựng một phần là bởi những lời khuyên bảo lẫn nhau của con dân Chúa. Mỗi người trong Hội Thánh đều có khả năng khuyên bảo, vì đó là cách mà Chúa làm việc để gây dựng và bảo vệ thân thể của Ngài:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Chính mình tôi cũng tin chắc rằng, các anh chị em có đầy sự ngay lành, được đổ đầy mọi sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau.” (Rô-ma 15:14).

Đối với người đưa ra lời khuyên bảo, trước hết, người ấy phải biết chắc là lời khuyên bảo của mình đúng với Lời Chúa. Kế tiếp, người ấy phải biết phân biệt lời khuyên bảo với lời góp ý.

Cả lời khuyên bảo lẫn lời góp ý ra từ môi miệng của một con dân Chúa đương nhiên phải không được nghịch lại Lời Chúa. Nhưng lời khuyên bảo trong Chúa luôn luôn là lời khuyên bảo thực hành sự dạy dỗ của Lời Chúa, không thể không vâng theo. Còn lời góp ý, dù không nghịch lại Lời Chúa, nhưng người được khuyên không nhất thiết phải thi hành.

Thí dụ:

  • “Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp, thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Sa-bát!” Là một lời khuyên bảo đúng với Lời Chúa, không thể không vâng theo. Nếu không vâng theo thì vi phạm điều răn của Chúa.
  • “Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp, thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa vào mỗi Chủ Nhật!” Là một lời góp ý, không nghịch lại Lời Chúa, nhưng người được góp ý không nhất thiết phải vâng theo. Nghĩa là vâng theo thì tốt nhưng không vâng theo thì không phạm điều răn của Chúa. Vì điều răn của Chúa chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp vào ngày Sa-bát Thứ Bảy chứ không truyền cho con dân Chúa phải nhóm hiệp vào Chủ Nhật.

Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể vô tình ghép tội cho anh chị em của mình, khi thấy họ không làm theo lời góp ý của mình. Tôn trọng anh chị em của mình hơn chính mình cũng có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng bất cứ sự lựa chọn nào không sai nghịch Lời Chúa của họ, kể cả sự lựa chọn không vâng theo lời góp ý của chúng ta.

“Vì bởi một ít lời tôi đã viết thư cho các anh chị em.” Trong nguyên tác của Thánh Kinh là: “Vì bởi một ít tôi đã viết thư cho các anh chị em,” không có danh từ “lời” trong câu. Theo văn mạch, có nghĩa là “một ít lời khuyên bảo”. Cũng có thể dịch là: “Vì tôi đã viết thư cho các anh chị em cách vắn tắt”, với ý nghĩa: “Vì tôi đã viết thư cho các anh chị em với những lời khuyên bảo ngắn, gọn.”

23 Các anh chị em hãy biết rằng, người anh em cùng Cha của chúng ta là Ti-mô-thê đã được tự do. Nếu người sớm đến, tôi sẽ gặp các anh chị em.

Trong một số bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Anh có ghi chú là thư Hê-bơ-rơ do Phao-lô đọc cho Ti-mô-thê viết. Nhưng chính câu này cho chúng ta biết, lúc thư Hê-bơ-rơ được viết thì Ti-mô-thê không có mặt bên cạnh Phao-lô. So sánh văn phong trong nguyên ngữ Hy-lạp thì thư Hê-bơ-rơ có văn phong giống với sách Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng, chính Lu-ca là người ghi chép thư Hê-bơ-rơ theo lời đọc của Phao-lô. Với một lá thư dài như thư Hê-bơ-rơ có lẽ Phao-lô và Lu-ca đã bỏ ra nhiều ngày hoặc một tuần để hoàn tất.

Động từ “tự do” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh bao gồm các nghĩa sau đây: được tự do ra đi; được ra tù; được tha nợ; được ly dị; được gửi đi. Vào thời điểm thư Hê-bơ-rơ được viết (khoảng năm 61 hoặc 62) thì chưa có sự bách hại Đạo Chúa nào khác ngoài sự bách hại đến từ Do-thái Giáo mà trước kia, khi chưa gặp Chúa, Phao-lô đã từng dự phần. Phao-lô bị tù cũng là do sự bách hại của Do-thái Giáo. Vì sự bách hại lần thứ nhất của đế quốc La-mã khởi đầu vào năm 64, cho nên, nếu Ti-mô-thê bị tù và được thả ra thì có lẽ là bị những người theo Do-thái Giáo bách hại. Nhưng cũng có thể là Phao-lô có ý nói, Ti-mô-thê đã được tự do, không bị ràng buộc bởi mục vụ, để đến với ông. Hoặc là, Ti-mô-thê đã được Hội Thánh Ê-phê-sô sai đến với ông.

“Nếu người sớm đến, tôi sẽ gặp các anh chị em.” Câu này cho chúng ta thấy, dường như Phao-lô đã được trả tự do và vì thế mà Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã gửi Ti-mô-thê đến Rô-ma để đón ông. Nghĩa là, sau khi được trả tự do thì Phao-lô vẫn ở lại trong nhà trọ để chờ Ti-mô-thê. Nếu là vậy, thì thư Hê-bơ-rơ có thể được viết vào cuối năm 62 hoặc đầu năm 63. Vì theo sử liệu của Hội Thánh thì Phao-lô rời Rô-ma vào mùa xuân năm 63.

“Được gặp các anh chị em” là được gặp con dân Chúa người I-sơ-ra-ên, tức con dân Chúa người Hê-bơ-rơ, là đối tượng nhận thư Hê-bơ-rơ. Chúng ta có thể hiểu, phần lớn con dân Chúa người I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem, nơi Hội Thánh được thành lập, đã vì sự bách hại của Do-thái Giáo mà phân tán đi khắp nơi (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1). Vì thế, có lẽ Phao-lô dự định sẽ gặp họ khi ông đến thăm các Hội Thánh địa phương ở khắp đế quốc La-mã. Trong các Hội Thánh địa phương ấy, con dân Chúa người I-sơ-ra-ên nhóm hiệp thờ phượng Chúa chung với con dân Chúa thuộc các dân tộc khác. Ngôn ngữ chung thời ấy là tiếng Hy-lạp. Thánh Kinh được dùng là bản dịch đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước, được gọi là Bản Dịch Bảy Mươi. “Bản Dịch 70 là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp do 72 người I-sơ-ra-ên được tuyển chọn từ trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên, mỗi chi phái sáu người. Năm sách đầu của Cựu Ước được phiên dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Các sách còn lại được phiên dịch vào thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Ban đầu, Bản Dịch 70 được những người I-sơ-ra-ên sống tại Ê-díp-tô dùng; vì họ đọc và nói tiếng Hy-lạp nhưng không đọc và nói được tiếng Hê-bơ-rơ. Đến thời của Đức Chúa Jesus thì Bản Dịch 70 đã được dùng rộng rãi trong các nhà hội của người I-sơ-ra-ên ở khắp nơi trong đế quốc La-mã. Sau khi Hội Thánh được thành lập thì Bản Dịch 70 đã được dùng trong Hội Thánh.” [1].

24 Xin chào thăm mọi người dắt dẫn các anh chị em và hết thảy các thánh đồ. Những người ở I-ta-li chào các anh chị em.

“Người dắt dẫn” là trưởng lão trong Hội Thánh.

“Thánh đồ” là con dân Chúa.

Phao-lô gửi lời chào tất cả những trưởng lão trong các Hội Thánh địa phương cùng với hết thảy con dân Chúa.

“Những người ở I-ta-li” là những con dân Chúa trong thành Rô-ma, nơi Phao-lô bị cầm tù, và những con dân Chúa từ các vùng khác trên lãnh thổ I-ta-li tìm đến thăm Phao-lô và được nghe ông nói về Hội Thánh giữa vòng dân I-sơ-ra-ên. Họ thuộc về số những người thường đến thăm viếng Phao-lô và nghe Phao-lô giảng dạy Lời Chúa trong suốt hai năm Phao-lô bị cầm tù (Công Vụ Các Sứ Đồ 28:30-31). Vào thời của Phao-lô, thành phố Rô-ma thuộc tỉnh I-ta-ly trong đế quốc La-mã. Ngày nay, I-ta-li là nước Ý-đại-lợi, thường gọi tắt là nước Ý.

25 Nguyện ân điển ở với tất cả các anh chị em! A-men!

Ân điển được nói đến ở đây là ơn thương xót của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với Hội Thánh. Chúng ta không thể nào thực hữu nếu không bởi ân điển sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nào được phục hồi sau khi phạm tội chống nghịch Thiên Chúa nếu không bởi ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nào tiếp tục đứng vững trong đức tin nếu không bởi ân điển quan phòng của Thiên Chúa. Quan phòng là chăm sóc, bảo vệ, chu cấp, cứu giúp. Và sau cùng, nếu không bởi ân điển của Thiên Chúa thì chúng ta không thể nào được hiệp một cách nhiệm mầu với Đấng Christ, được đồng trị với Ngài cho đến đời đời.

Cảm tạ Thiên Chúa! Thiên Chúa chính là tình yêu, và ân điển của Ngài ban cho chúng ta vô lượng, vô biên. Vô lượng là không thể nào đo lường. Vô biên là không có giới hạn. Chúng ta cần mọi ân điển của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ mãi mãi ở trong ân điển của Thiên Chúa, nếu chúng ta cứ hoàn toàn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/09/2019

Ghi Chú

[1] https://threesixteenfamily.com/vietviet/ban-dich-70/

[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/cac-giao-uoc-cua-duc-chua-troi/

Karaoke Thánh Ca: “Jesus! Ngài Là Chúa Tôi”
https://karaokethanhca.net/jesus-ngai-la-chua-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.