Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 20:17-38 Phao-lô Giảng cho Các Trưởng Lão tại Ê-phê-sô

1,274 views

YouTube: https://youtu.be/3h3cXtk31NE

44048 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 20:17-38
Phao-lô Giảng cho Các Trưởng Lão tại Ê-phê-sô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Ba của Phao-lô
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/04/HanhTrinhTruyenGiao_3.jpg

Công Vụ Các Sứ Đồ 20:17-38

17 Từ thành Mi-lê, Phao-lô đã sai người đến thành Ê-phê-sô, mời các trưởng lão của Hội Thánh.

18 Khi họ đã đến với người, người đã nói với họ: Các anh chị em biết rằng, từ ngày đầu tiên, từ lúc tôi đã đến trong cõi A-si, trọn thời gian, tôi đã ở với các anh chị em như thế nào;

19 đã phụng sự Chúa với trọn sự khiêm nhường và nhiều nước mắt. Những sự thử thách đã xảy ra cho tôi, trong mưu kế của những người Do-thái.

20 Thế nào tôi đã chẳng giấu giếm sự gì có ích lợi nhưng đã tỏ ra cho các anh chị em; đã dạy các anh chị em cách công khai, từ nhà này sang nhà kia.

21 Tôi đã làm chứng cho cả những người Do-thái lẫn những người Hy-lạp, về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời và đức tin đối với Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta.

22 Kìa, nay bị ràng buộc trong tâm thần, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem, chẳng biết những gì sẽ xảy đến cho tôi tại đó.

23 Ngoại trừ rằng, Đức Thánh Linh làm chứng trong mỗi thành phố, phán rằng, các xiềng xích và các sự hoạn nạn đang chờ tôi.

24 Nhưng tôi chẳng làm sự tính toán, cũng chẳng kể sự sống của tôi là quý cho chính mình, để tôi làm xong cuộc đua của tôi với niềm vui, và làm xong chức vụ mà tôi đã nhận từ Đức Chúa Jesus, làm chứng cho Tin Lành của ân điển của Đức Chúa Trời.

25 Kìa, nay tôi biết rằng, trong hết thảy các anh chị em mà tôi đã ghé qua, giảng về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, thì chẳng người nào sẽ thấy mặt của tôi nữa.

26 Nên ngày nay, tôi làm chứng trước các anh chị em rằng, tôi tinh sạch về máu của hết thảy mọi người.

27 Vì tôi chẳng giấu giếm sự gì nhưng tỏ ra cho các anh chị em hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời.

28 Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh chị em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.

29 Vì tôi biết điều này rằng, sau sự ra đi của tôi, sẽ có những sói dữ tợn xông vào trong vòng các anh chị em; chúng chẳng tiếc bầy đâu.

30 Và từ chính các anh chị em sẽ dấy lên những kẻ nói những lời gian tà, lôi kéo những môn đồ theo họ.

31 Vậy, hãy tỉnh thức! Hãy nhớ rằng, trong ba năm, đêm và ngày, tôi đã chẳng ngừng khuyên bảo mỗi người với nước mắt.

32 Bây giờ, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi giao phó các anh chị em cho Đức Chúa Trời và cho Lời của ân điển của Ngài, là sự có năng lực gây dựng và ban cho các anh chị em cơ nghiệp trong hết thảy những người đã được nên thánh.

33 Tôi đã chẳng tham bạc, vàng, hay là quần áo của ai.

34 Chính các anh chị em biết rằng, hai bàn tay này đã phục vụ những sự cần dùng của tôi và của những người đã ở với tôi.

35 Tôi đã tỏ cho các anh chị em mọi sự, rằng các anh chị em phải lao động như vậy, để giúp đỡ những người yếu đuối, và cũng nhớ các lời của Đức Chúa Jesus mà Ngài đã phán: Ban cho có phước hơn nhận lãnh.

36 Nói các lời ấy xong, người đã quỳ xuống, cầu nguyện với hết thảy họ.

37 Đã xảy ra sự khóc lóc nhiều cho mọi người. Họ đã nghiêng vào cổ của Phao-lô mà hôn người.

38 Họ đã buồn bực hơn hết vì các lời mà người đã nói rằng, họ sẽ chẳng nhìn thấy mặt của người nữa. Rồi, họ đã tiễn người lên tàu.

Trong những câu cuối cùng của Công Vụ Các Sứ Đồ 20, chúng ta được học biết về mấy lời tâm tình và bài giảng cuối cùng của Phao-lô, dành cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô. Sau đó, Phao-lô sẽ từ giã họ và tiếp tục cuộc hải trình về lại thành Giê-ru-sa-lem để chịu khổ vì danh Chúa, theo như Đức Thánh Linh đã thần cảm, cho ông biết trước.

17 Từ thành Mi-lê, Phao-lô đã sai người đến thành Ê-phê-sô, mời các trưởng lão của Hội Thánh.

Trong câu 16, chúng ta đã biết là Phao-lô muốn đi gấp về Giê-ru-sa-lem nên đã không ghé lại Ê-phê-sô. Nhưng khi tàu cập bến Mi-lê thì Phao-lô và các bạn của ông đã lên bờ. Phao-lô sai người đi ngược về thành Ê-phê-sô để mời các trưởng lão đến gặp ông tại Mi-lê. Chúng ta có thể tin rằng, Đức Thánh Linh đã cảm động lòng Phao-lô để ông nán lại Mi-lê, tâm tình và từ giã các trưởng lão của Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Đã ba năm ông hầu việc Chúa bên cạnh họ, dẫn dắt họ cùng hầu việc Chúa với mình. Giờ đây, họ sẽ phải đối diện với sự tấn công khốc liệt của ma quỷ mà Đức Thánh Linh đã cho ông biết trước. Phao-lô cần phải khích lệ họ, cảnh báo họ, và khuyên dạy họ.

Mi-lê cách Ê-phê-sô khoảng 61 km đường bộ và khoảng 11 km đường biển, đi và về phải mất khoảng bốn ngày. Điều đó có nghĩa là Phao-lô dù gấp đi nhưng đã lưu lại Mi-lê khoảng năm ngày. Hai ngày để sứ giả đi từ Mi-lê đến Ê-phê-sô và hai ngày để các trưởng lão từ Ê-phê-sô đến Mi-lê. Một ngày Phao-lô nhóm hiệp với các trưởng lão.

Chúng ta không thấy Thánh Kinh nói tại Mi-lê có Hội Thánh của Chúa. Vì thế, có lẽ một hoặc hai trong các bạn đồng hành của Phao-lô đã được ông sai quay lại Ê-phê-sô. Rất có thể, Trô-phim, người Ê-phê-sô, đã là sứ giả được Phao-lô sai trở lại Hội Thánh tại Ê-phê-sô, để triệu tập các trưởng lão.

18 Khi họ đã đến với người, người đã nói với họ: Các anh chị em biết rằng, từ ngày đầu tiên, từ lúc tôi đã đến trong cõi A-si, trọn thời gian, tôi đã ở với các anh chị em như thế nào;

19 đã phụng sự Chúa với trọn sự khiêm nhường và nhiều nước mắt. Những sự thử thách đã xảy ra cho tôi, trong mưu kế của những người Do-thái.

Đại danh từ “họ” là chỉ về các trưởng lão. Chúng ta có thể tin rằng, trong số các trưởng lão của Hội Thánh tại Ê-phê-sô đến gặp Phao-lô tại Mi-lê đã có cả vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin.

Phao-lô khẳng định, các trưởng lão đã biết rõ, từ khi Phao-lô đặt chân đến cõi A-si và trụ lại tại Ê-phê-sô trong suốt ba năm, thì ông đã sống và hầu việc Chúa như thế nào, đã cư xử với mọi người, phản ứng trước mọi cảnh ngộ như thế nào.

Phao-lô cũng khẳng định, ông đã phụng sự Chúa với trọn sự khiêm nhường và nhiều nước mắt. Điều đó có nghĩa là Phao-lô không lên mình khoe khoang, không đòi hỏi người khác phải trọng vọng mình, không xem thường bất cứ ai. Phao-lô đã phải nhiều lần khóc vì bị hiểu lầm, bị vu khống, và vì thấy con dân Chúa lui đi trong đức tin.

Phao-lô cũng đã phải hứng chịu nhiều sự tấn công từ ma quỷ và những kẻ chống nghịch ông, chống nghịch Tin Lành mà ông rao giảng. Thậm chí, những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo đã nhiều lần âm mưu giết ông. Tất cả đều là những sự thử thách Chúa cho phép xảy đến cho Phao-lô để chứng minh sự quan phòng của Chúa; để Phao-lô có cơ hội thể hiện đức tin và lòng trung tín của ông; để Hội Thánh chung được nhìn thấy thế nào là vác thập tự giá đi theo Chúa và phụng sự Chúa.

20 Thế nào tôi đã chẳng giấu giếm sự gì có ích lợi nhưng đã tỏ ra cho các anh chị em; đã dạy các anh chị em cách công khai, từ nhà này sang nhà kia.

Chẳng giấu giếm sự gì có ích lợi” có nghĩa là bất cứ điều gì có lợi cho Hội Thánh là Phao-lô đều giảng dạy, trình bày, hướng dẫn rõ ràng cho Hội Thánh; kể cả khi phải quở trách, sửa trị.

Mệnh đề “từ nhà này sang nhà kia” hàm ý, ngoài sự nhóm hiệp trong trường học của Ti-ra-nu, trong nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin, Phao-lô còn tham dự các buổi nhóm tại nhà riêng của con dân Chúa tại Ê-phê-sô. Đó cũng là cách thức Hội Thánh lúc ban đầu nhóm lại: trong nhà riêng của con dân Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:46). Đó sẽ là cách thức Hội Thánh trong những ngày sau cùng nhóm lại, vì con dân chân thật của Chúa không có nhiều và không dính dáng gì đến các tổ chức giáo hội mang danh Chúa.

Chính Đức Chúa Jesus đã tiên tri rằng, khi Ngài đến sẽ không có bao nhiêu người thật sự tin nhận Tin Lành, nghĩa là thật lòng tin Chúa và sống theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa:

Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Các giáo hội mang danh Chúa không thật sự thờ lạy Thiên Chúa, mà chỉ thờ lạy giáo phái, tổ chức, thờ lạy những người có chức vụ trong giáo phái; dạy người ta bỏ đi điều răn của Đức Chúa Trời để vâng giữ điều răn do họ lập ra (Ma-thi-ơ 15:9; Mác 7:7). Điều răn của Đức Chúa Trời thường bị các giáo hội mang danh Chúa bỏ đi là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Ngài. Đức Chúa Trời truyền cho con dân Chúa phải tôn thánh ngày Sa-bát là ngày Thứ Bảy cuối tuần. Một trong các điều răn do các giáo hội mang danh Chúa lập ra là điều răn đổi ngày Sa-bát từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Vì thế, con dân chân thật của Chúa tránh xa các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, tránh xa các giáo hội rao giảng tà giáo:

Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27] Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45] Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]” (II Cô-rinh-tô 6:16-18).

Sự giảng dạy của Phao-lô dành cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô hay bất cứ tại đâu là sự giảng dạy công khai. Vì Phao-lô giảng Lời Chúa và Lời Chúa thì phải được rao giảng công khai. Cả Thi Thiên 119 nói về sự tôn trọng, cao quý của Lời Chúa. Lời Chúa được ví như hạt giống, gieo vào lòng người, khiến đức tin nảy sinh và lớn lên trong những ai nghe và tin, dẫn họ đến sự cứu rỗi và sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 13:3-23).

21 Tôi đã làm chứng cho cả những người Do-thái lẫn những người Hy-lạp, về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời và đức tin đối với Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta.

Phao-lô, trước hết đã làm chứng cho những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo và một số người Hy-lạp đến nhà hội để tìm hiểu về Thiên Chúa, trong nhà hội của Do-thái Giáo. Sau đó, Phao-lô đã làm chứng cho những người Hy-lạp và một số người I-sơ-ra-ên muốn nghe ông giảng về Tin Lành, tại trường học của Ti-ra-nu.

Động từ “làm chứng” (G1263) được dùng trong câu này vừa có nghĩa đưa ra chứng cớ, vừa có nghĩa bảo vệ các chứng cớ ấy. Phao-lô đã đưa ra các chứng cớ về sự một người cần phải ăn năn tội lỗi của mình đối với Đức Chúa Trời; và cần phải tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Các chứng cớ ấy đã được tiên tri trong Thánh Kinh. Chúng ta cần nhớ rằng, khi ấy chỉ có Thánh Kinh Cựu Ước. Phao-lô cũng đã bảo vệ các chứng cớ ấy, cũng có nghĩa là Phao-lô đã bảo vệ các lẽ thật của Lời Chúa.

Phao-lô hay dùng cách nói “Đức Chúa Trời của tôi” và “Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta”. Theo quý ông bà anh chị em, tại sao Phao-lô thích dùng cách nói ấy?

22 Kìa, nay bị ràng buộc trong tâm thần, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem, chẳng biết những gì sẽ xảy đến cho tôi tại đó.

23 Ngoại trừ rằng, Đức Thánh Linh làm chứng trong mỗi thành phố, phán rằng, các xiềng xích và các sự hoạn nạn đang chờ tôi.

Động từ “bị ràng buộc” (G1210) có nghĩa đen là bị cột, bị trói; có nghĩa bóng là có bổn phận, hoặc được giao cho trách nhiệm. Trong thần trí, Phao-lô đã nhận thức rõ là Chúa muốn ông về lại Giê-ru-sa-lem. Dù Chúa không cho Phao-lô biết rõ sự gì sẽ xảy ra cho Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem; nhưng trong mỗi thành phố Phao-lô đi qua, Đức Thánh Linh đã làm chứng cho Phao-lô về sự ông sẽ phải chịu khổ vì danh Chúa. Sự làm chứng này của Đức Thánh Linh là sự Ngài trực tiếp phán trong thần trí của Phao-lô. Các tà giáo phủ nhận thân vị của Đức Thánh Linh, cho rằng, Đức Thánh Linh chỉ là năng lực của Đức Chúa Trời, đã không thể giải thích vì sao năng lực của Đức Chúa Trời lại có thể phán với con dân Chúa. Hay là vì sao con dân Chúa có thể “làm buồn” năng lực của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:30). Con dân Chúa có mối tương giao mật thiết với Chúa thường nghe sự phán dạy của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

24 Nhưng tôi chẳng làm sự tính toán, cũng chẳng kể sự sống của tôi là quý cho chính mình, để tôi làm xong cuộc đua của tôi với niềm vui, và làm xong chức vụ mà tôi đã nhận từ Đức Chúa Jesus, làm chứng cho Tin Lành của ân điển của Đức Chúa Trời.

Chẳng làm sự tính toán” là chẳng suy nghĩ, tính toán thiệt hơn, chẳng tìm cách làm giảm đi sự tác động của những gì Chúa đã báo trước là sẽ cho phép xảy ra cho ông.

Chẳng kể sự sống của tôi là quý cho chính mình” là vẫn kể sự sống của mình là quý nhưng quý cho Chúa, quý trong sự làm tôn vinh Chúa và đem lại ích lợi cho Hội Thánh của Ngài. Có nghĩa là sẵn sàng để chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa, theo ý Chúa. Người không muốn chịu khổ để theo Chúa và phụng sự Chúa, chỉ muốn đời sống được giàu có, thoải mái về vật chất, là người sẽ dễ dàng lui đi trong đức tin, khi đối diện với cảnh khổ. Người tham sống sợ chết, vì ưa thích được sống trong thế gian này hơn là tin cậy vào lời hứa của Chúa về sự sống đời đời, sẽ dễ dàng chối Chúa, khi mạng sống bị đe dọa.

Cuộc đua của Phao-lô và của mỗi con dân Chúa chính là nếp sống mới trong Đấng Christ. Là mỗi ngày sống theo Lời Chúa. Sự tranh đua ở đây không phải là con dân Chúa tranh đua với nhau mà là mỗi người tranh đua với thời gian. Cố gắng hoàn thành thật nhiều những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mình (Ê-phê-sô 2:10), trước khi được Chúa đem ra khỏi thế gian này. Mỗi người trong chúng ta nên tự hỏi chính mình, mình đã chạy cuộc đua thuộc linh của mình như thế nào? Mình có cùng một tâm tình với Phao-lô, muốn hoàn tất cuộc đua của mình với niềm vui? Hay mình sẽ kết thúc cuộc đua trong nuối tiếc? Tiếc vì đã không tận dụng thời gian Chúa ban cho để sống cho Chúa và phụng sự Chúa. Tiếc khi thấy trong ngày Chúa đến, phần thưởng Chúa mang theo để thưởng cho mình quá ít oi, vì mình đã không tận dụng thời gian để phụng sự Chúa? Tiếc khi thấy bao nhiêu tháng năm mình tập trung công sức, của cải, và thời gian để gây dựng sự nghiệp thuộc thể trên đất này; nhưng nó đã không theo mình vào trong Vương Quốc Trời?

Chức vụ riêng của Phao-lô mà ông nhận từ Đấng Christ là chức vụ sứ đồ, biệt riêng mình để rao giảng Tin Lành. Phao-lô gọi Tin Lành là Tin Lành của ân điển của Đức Chúa Trời vì đó là sự ban cho bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời cho loài người. Lẽ ra Đức Chúa Trời hình phạt loài người vì sự phạm tội của họ, nhưng Ngài đã ban cho họ cơ hội ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ để được tha tội và được làm cho sạch tội; được phục hồi địa vị làm con trai và con gái của Đức Chúa Trời. Trong thế gian này không có một tin tức nào tốt lành hơn là tin tức về sự Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi cho loài người.

25 Kìa, nay tôi biết rằng, trong hết thảy các anh chị em mà tôi đã ghé qua, giảng về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, thì chẳng người nào sẽ thấy mặt của tôi nữa.

Qua sự bày tỏ của Đức Thánh Linh trong thần trí của ông, Phao-lô đã biết trước là hết thảy những con dân Chúa trong các thành phố mà ông đã ghé qua, rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa cho họ, sẽ không người nào còn có cơ hội được thấy mặt của ông lần nữa, trong thế gian này. Lời nói này chắc đã gây bất ngờ và nhiều xúc động cho các trưởng lão.

26 Nên ngày nay, tôi làm chứng trước các anh chị em rằng, tôi tinh sạch về máu của hết thảy mọi người.

Động từ “làm chứng” (G3143) trong câu này khác với động từ “làm chứng” trong câu 21, 23, và 24. Trong câu này nó có nghĩa là: long trọng tuyên bố sự thật trong danh của Chúa.

Thành ngữ: “Tinh sạch về máu của ai đó” hàm ý, không có trách nhiệm về sự chết của người ấy. Sự chết được nói đến trong trường hợp này là sự chết đời đời trong hồ lửa, còn gọi là sự chết thứ nhì.

Phao-lô long trọng tuyên bố trong danh của Chúa là ông không có trách nhiệm về sự chết đời đời của bất cứ người nào đã nghe ông giảng Tin Lành. Đối với người từ chối tin nhận lời rao giảng của ông thì lời ấy sẽ là chứng cớ để Đấng Christ kết án họ, trong ngày phán xét. Đối với người tin nhận lời giảng của ông nhưng về sau, lui đi trong đức tin và bị hư mất, thì lời giảng của ông cũng là chứng cớ để Đấng Christ kết án họ, trong ngày phán xét. Họ sẽ bị phán tội nặng hơn là những người không tin nhận Tin Lành.

27 Vì tôi chẳng giấu giếm sự gì nhưng tỏ ra cho các anh chị em hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời.

Một lần nữa, Phao-lô khẳng định, ông chẳng giấu bất cứ một lẽ thật nào mà ông biết về Tin Lành. Nhưng ông đã rao giảng cho mọi người tất cả những gì mà Chúa đã mạc khải cho ông về Tin Lành (Ga-la-ti 1:11-12). Ông rao giảng về sự phải ăn năn tội, phải tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Ông rao giảng về sự sống lại và sự sống đời đời. Ông rao giảng về hình phạt bị xa cách Đức Chúa Trời đời đời dành cho những ai không tin nhận Tin Lành.

Ý muốn của Đức Chúa Trời là muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:4).

28 Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh chị em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.

Trước hết, chúng ta cần chú ý đến chi tiết này. Đó là hai danh từ “bầy” và “Hội Thánh” đều được dùng với hình thức số ít. Nghĩa là “một bầy” và “một Hội Thánh”. Cách dùng này để gọi Hội Thánh chung của Chúa trong toàn thế gian. Khác với cách dùng số nhiều để gọi các Hội Thánh địa phương.

Hết thảy bầy” là tất cả mọi người trong Hội Thánh của Chúa. Điều này hàm ý, trưởng lão trong một Hội Thánh địa phương cũng là trưởng lão trong Hội Thánh chung của Chúa.

Trong đó” là trong bầy chiên của Chúa, tức là trong Hội Thánh. Chức vụ trưởng lão là ở trong Hội Thánh.

Thực tế:

  • Đức Chúa Trời đã lập ra các chức vụ trong Hội Thánh:

Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.” (I Cô-rinh-tô 12:28).

  • Đức Chúa Jesus là Đấng ban chức vụ cho mỗi người trong Hội Thánh:

Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để Ngài làm cho đầy dẫy mọi sự. Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy…” (Ê-phê-sô 4:10-11).

  • Đức Thánh Linh là Đấng ban năng lực và đặt để mỗi người vào trong chức vụ (I Cô-rinh-tô 12:4-11).

Động từ “lập” (G5087) có nghĩa là sắp xếp, đặt để.

Chức “giám mục” (G1985) là chức vụ cai trị sinh hoạt của Hội Thánh tại một địa phương. Trong tiếng Hán Việt: “giám” là trông chừng, xem xét; “mục” là chăn dắt; “giám mục” là người trông chừng, xem xét, và chăn dắt con dân của Chúa. Danh xưng giám mục dành cho những trưởng lão chuyên về công việc điều hành các sinh hoạt của Hội Thánh.

Chúng ta chú ý cách dùng chữ của Phao-lô: “Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài”. Rõ ràng, danh từ Thiên Chúa ở đây được dùng để chỉ Đức Chúa Jesus Christ. Vì chính Đức Chúa Jesus Christ đã đổ máu của Ngài trên thập tự giá để chuộc tội cho những ai tin nhận Tin Lành. Chỉ câu này và Giăng 1:1 đã đủ để đánh tan tà giáo phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ.

Câu này cũng giúp cho chúng ta hiểu rõ cách dùng danh từ “theos” /thê-ót/ (G2316) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, khi được dùng để chỉ về Thiên Chúa. Nếu không có mạo từ xác định đứng trước thì được dùng để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc chỉ bất kỳ thân vị nào của Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, chúng tôi dịch là “Thiên Chúa”. Nếu có mạo từ xác định đứng trước thì chỉ được dùng để chỉ Thiên Chúa thân vị Đức Cha. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, chúng tôi dịch là “Đức Chúa Trời”.

29 Vì tôi biết điều này rằng, sau sự ra đi của tôi, sẽ có những sói dữ tợn xông vào trong vòng các anh chị em; chúng chẳng tiếc bầy đâu.

Phao-lô biết là do sự thần cảm của Đức Thánh Linh.

Sự ra đi” là sự Phao-lô rời khỏi A-si. Cũng có thể hiểu là sự Phao-lô qua đời nhưng không được thích hợp lắm. Phao-lô nói mấy lời này vào cuối mùa xuân năm 58. Ông qua đời vào khoảng tháng Năm hoặc tháng Sáu năm 68. Không thể nào phải đến 10 năm, sau khi Phao-lô qua đời, thì những sói dữ tợn mới xông vào cắn xé con dân Chúa tại Ê-phê-sô.

Chó sói” được chính Đức Chúa Jesus dùng làm hình ảnh tiêu biểu cho các tiên tri giả, cũng là các giáo sư giả (Ma-thi-ơ 7:15). Sói dữ tợn là sói đói ăn và liều mình để tấn công con mồi. Các tiên tri giả, rao giảng những lời không đến từ Chúa, bẻ cong những lời của Chúa đã được ghi chép trong Thánh Kinh, dẫn dắt con dân Chúa đi sai lạc khỏi lẽ thật. Chúng còn lạm dụng tình cảm, tiền bạc, của cải của con dân Chúa. Nhưng điều nguy hiểm là chúng khiến con dân Chúa tin theo các tà giáo do chúng giảng dạy và bị hư mất đời đời.

Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng đã cảnh giác Hội Thánh, như sau:

Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao-lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn sáng được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy. Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:15-16).

Ngày nay, vẫn có nhiều người hiểu sai một số chi tiết trong các thư tín của Phao-lô, tạo ra các tà giáo trong Hội Thánh. Như cấm phụ nữ giảng dạy Lời Chúa, cấm con dân Chúa sau khi ly dị theo Lời Chúa không được tái hôn, cấm con dân Chúa uống rượu…

30 Và từ chính các anh chị em sẽ dấy lên những kẻ nói những lời gian tà, lôi kéo những môn đồ theo họ.

Các tiên tri giả có thể từ bên ngoài nhập vào Hội Thánh, khi chúng giả vờ tin nhận Tin Lành để được sinh hoạt trong Hội Thánh. Nhưng cũng có thể do người trong Hội Thánh tin theo sự giảng dạy tà giáo của các tiên tri giả ở bên ngoài Hội Thánh. Ngày nay, sự nghe và tin theo các tiên tri giả còn dễ dàng hơn với phương tiện truyền thông mạng.

Có một thực tế đáng buồn là nhiều khi con dân Chúa trong Hội Thánh không nghe theo sự giảng dạy Lời Chúa của người chăn mà Chúa đã đặt để trong Hội Thánh. Trái lại, họ sẵn sàng nghe theo những lời giảng bẻ cong Lời Chúa của những người không phải là người Chúa đặt để làm người cho họ ăn Lời Chúa. Hoặc là họ tự cho rằng, họ hiểu đúng Lời Chúa hơn là người chăn. Những người như vậy lại lôi kéo những người khác trong Hội Thánh theo họ.

31 Vậy, hãy tỉnh thức! Hãy nhớ rằng, trong ba năm, đêm và ngày, tôi đã chẳng ngừng khuyên bảo mỗi người với nước mắt.

Qua câu này mà chúng ta biết rằng, Phao-lô đã ở tại Ê-phê-sô suốt ba năm. Cũng qua câu này mà chúng ta biết rằng, Phao-lô đã giảng dạy cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô không quản ngày đêm. Phao-lô đã phải khuyên bảo mỗi người với nước mắt là vì hoặc là ông đồng cảm với những khốn khó, thử thách mà họ phải đối diện. Hoặc là ông đau đớn trước sự yếu đuối hay cứng lòng của một số người.

32 Bây giờ, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi giao phó các anh chị em cho Đức Chúa Trời và cho Lời của ân điển của Ngài, là sự có năng lực gây dựng và ban cho các anh chị em cơ nghiệp trong hết thảy những người đã được nên thánh.

Phao-lô dâng trình các trưởng lão tại Ê-phê-sô lên Đức Chúa Trời. Ông giao phó họ vào trong tay toàn năng của Đức Chúa Trời để Đức Chúa Trời giữ gìn họ. Ông cũng giao phó họ cho Lời mà ông đã rao giảng cho họ về Tin Lành của Ngài. Nói cách khác là Lời của Giao Ước Mới. Vào thời của Phao-lô chính là các lời giảng dạy của Đấng Christ và của các sứ đồ, cùng các lá thư của họ viết cho các Hội Thánh. Ngày nay, chính là Thánh Kinh Tân Ước.

Thánh Kinh Tân Ước là Lời của ân điển của Đức Chúa Trời vì là Lời bày tỏ Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài cách tỏ tường. Vì thế, Thánh Kinh Tân Ước có năng lực gây dựng Hội Thánh của Chúa để họ được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, tức là quyền đồng trị với Đấng Christ. Đó là đặc quyền mà trong số hết thảy thánh đồ chỉ những ai thuộc về Hội Thánh mới có được.

33 Tôi đã chẳng tham bạc, vàng, hay là quần áo của ai.

34 Chính các anh chị em biết rằng, hai bàn tay này đã phục vụ những sự cần dùng của tôi và của những người đã ở với tôi.

Phao-lô xuất thân từ một gia đình giàu có, là người có học thức, địa vị, và quyền thế trong Do-thái Giáo. Nhưng từ khi gặp và tin Đức Chúa Jesus, thì ông đã xem tất cả những sự ấy như sự lỗ, thậm chí như phân, từ bỏ chúng để được hoàn toàn thuộc về Đấng Christ:

Nhưng những gì đối với tôi là có lợi thì tôi xem như sự lỗ, vì Đấng Christ. Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ…” (Phi-líp 3:7-8).

Chính vì thế mà Phao-lô không tham muốn của cải của ai. Dù có sự chu cấp của con dân Chúa ở những nơi Phao-lô đến, như thức ăn và chỗ ở; nhưng ông cũng đã tự làm việc kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Bởi đó ông có đủ chi phí cho các nhu cầu của bản thân và của những người đồng hành với ông, trong mục vụ truyền giáo.

35 Tôi đã tỏ cho các anh chị em mọi sự, rằng các anh chị em phải lao động như vậy, để giúp đỡ những người yếu đuối, và cũng nhớ các lời của Đức Chúa Jesus mà Ngài đã phán: Ban cho có phước hơn nhận lãnh.

Tôi đã tỏ cho các anh chị em mọi sự” có nghĩa là tôi đã tỏ cho các anh chị em từ lý thuyết đến thực hành, từ lời nói đến việc làm, về nếp sống mới trong Đấng Christ.

Chẳng những Phao-lô tự làm việc kiếm sống mà ông còn làm gương cho cả Hội Thánh về việc phải lao động kiếm sống theo khả năng của mỗi người. Nhờ đó mà mình không trở thành gánh nặng của người khác và còn có của cải vật chất, để tiếp trợ cho các anh chị em có nhu cầu mà họ không tự mình giải quyết được.

Danh từ “những người yếu đuối” (G770) vừa chỉ những người đau yếu, bệnh tật không thể lao động kiếm sống; vừa chỉ những người nghèo, chịu khó lao động nhưng không đủ sống, như trường hợp có đông con.

Chúng ta không thấy chỗ nào trong các sách Tin Lành ghi lại lời phán “Ban cho có phước hơn nhận lãnh” của Đức Chúa Jesus. Nhưng chính Sứ Đồ Giăng đã kết luận rằng, không thể ghi lại cho hết các việc Đức Chúa Jesus đã làm (Giăng 21:25). Vậy thì cũng không thể ghi lại hết các lời Đức Chúa Jesus đã phán. Và vì Sứ Đồ Phao-lô được Đức Chúa Jesus mạc khải Tin Lành cho ông, nên có thể đó là lời Ngài đã phán trực tiếp với ông mà ông đã giảng dạy cho con dân Chúa.

36 Nói các lời ấy xong, người đã quỳ xuống, cầu nguyện với hết thảy họ.

37 Đã xảy ra sự khóc lóc nhiều cho mọi người. Họ đã nghiêng vào cổ của Phao-lô mà hôn người.

Phao-lô kết thúc lời tâm tình, giảng dạy của mình cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô, cùng lời chào chia tay họ bằng sự quỳ xuống, cùng cầu nguyện với họ.

Sự khóc lóc nhiều” hàm ý, sự thương cảm rất lớn, khiến cho các trưởng lão phải khóc ra tiếng và khóc thật nhiều.

Sự nghiêng vào cổ của một người để hôn người ấy là phong tục của dân I-sơ-ra-ên và một số dân khác ở Trung Đông (Sáng Thế Ký 33:4; 45:14; 46:29; Lu-ca 15:20).

38 Họ đã buồn bực hơn hết vì các lời mà người đã nói rằng, họ sẽ chẳng nhìn thấy mặt của người nữa. Rồi, họ đã tiễn người lên tàu.

Trong các lời chia tay của Phao-lô, lời khiến cho các trưởng lão đau lòng nhất là lời nói rằng, chẳng một ai trong số họ sẽ nhìn thấy mặt của Phao-lô nữa.

Cuối cùng, họ cũng phải tiễn Phao-lô lên tàu để ông tiếp tục chặng hành trình còn lại, về Giê-ru-sa-lem.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/05/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Lời Ngài Trong Tôi”
https://karaokethanhca.net/loi-ngai-trong-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.