Chú Giải Ê-phê-sô 05:22-33

6,197 views

Chú Giải Ê-phê-sô 5:22-33
Bổn Phận Vợ Chồng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

22 Hỡi những người vợ! Hãy vâng phục chồng mình như {vâng phục} Chúa.

23 Vì chồng là đầu của vợ, như Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và Ngài là Đấng Giải Cứu của thân thể.

24 Vậy nên, như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ, thì những người vợ cũng phải {vâng phục} chồng mình trong mọi sự.

25 Hỡi những người chồng! Hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh,

26 để thánh hóa, làm cho Hội tinh sạch, {với} sự rửa bởi nước trong lời phán, [Lời phán trong Ma-thi-ơ 28:19-20.]

27 để trình ra cho chính Ngài Hội Thánh vinh quang, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được.

28 Vậy nên, những người chồng phải yêu vợ mình như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy.

29 Vì chẳng có người nào lại ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng và vui hưởng nó, như Chúa {đối với} Hội Thánh.

30 Vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài, của thịt Ngài, và của xương Ngài.

31 Vậy nên, người đàn ông phải lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ mình, hai người sẽ cùng nên một thịt.

32 Đây là sự mầu nhiệm lớn! Nhưng tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh.

33 Thế thì mỗi người trong các anh em phải yêu vợ mình như chính mình, còn vợ thì phải kính chồng.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/0631gb5a7v7l5k4/9049051_Epheso_5_22-33.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDUxNTgwOTdf/9049051_Epheso_5_22-33.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049051-e-phe-so-5_22-33

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong tất cả các mối quan hệ tình cảm giữa loài người với nhau, mối quan hệ đầu tiên và huyền nhiệm nhất chính là mối quan hệ vợ chồng. Chính Thiên Chúa kết hợp đôi vợ chồng đầu tiên trên đất là A-đam và Ê-va. Phép lạ đầu tiên Đức Chúa Jesus Christ làm ra là hóa nước thành rượu trong một tiệc cưới tại thành Ca-na.

Lời Chúa cũng ví mối quan hệ vợ chồng với mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con dân của Ngài. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa gọi dân I-sơ-ra-ên là vợ của Ngài (Ê-sai 54:5; Giê-rê-mi 31:32; Ô-sê 2:16, 19-20). Trong Tân Ước, Đức Thánh Linh gọi Hội Thánh là vợ của Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 11:2; Ê-phê-sô 5:23; Khải Huyền 19:7-9).

Mối quan hệ vợ chồng của con dân Chúa phải phản ánh tình yêu của Chúa dành cho Hội Thánh và sự vâng phục của Hội Thánh đối với Chúa. Ê-phê-sô 5:22-33 dạy cho chúng ta về bổn phận của vợ đối với chồng và chồng đối với vợ.

22 Hỡi những người vợ! Hãy vâng phục chồng mình như {vâng phục} Chúa.

Động từ “vâng phục” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: tự đặt mình dưới quyền của một người và hoàn toàn vâng theo người ấy. Vợ có bổn phận vâng phục chồng như vâng phục Chúa. Nếu vợ không vâng phục chồng thì cùng một lúc cũng không vâng phục Chúa. Vì đây là mệnh lệnh của Chúa.

Tuy nhiên, chồng không phải là Chúa nên chồng có thể sai sót, phạm tội. Vì thế, vợ sẽ không vâng phục chồng nếu chồng bảo vợ làm ra những việc phạm các điều răn của Chúa. Trong trường hợp đó, thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29). Nếu ý muốn của chồng không nghịch lại Lời Chúa thì vợ phải vâng theo. Nếu ý muốn của chồng nghịch lại Lời Chúa thì vợ nhỏ nhẹ từ chối và nói rõ lý do vì sao mình không thể vâng theo.

Về các ý muốn của chồng không sai nghịch Lời Chúa, vợ cũng có thể góp ý với chồng về ý muốn của chồng, bàn bạc cách làm tốt hơn hoặc khuyên chồng chờ đến thời điểm thuận lợi hơn. Lời góp ý phải mềm mại, dịu dàng. Nếu sau khi đã góp ý mà chồng không nghe thì vợ vẫn phải vâng phục chồng.

Sự vâng phục phải là vui lòng, tự nguyện, vì biết rằng, sự vâng phục khiến cho chồng và Chúa vui, chứ không phải là sự ép lòng làm điều mình không muốn làm. Nên nhớ, nếu đó không phải là việc tội lỗi, nghịch lại Lời Chúa, thì vợ phải sốt sắng làm cho chồng. Nhiệm vụ đầu tiên của vợ đối với chồng là giúp đỡ chồng (Sáng Thế Ký 2:18), tức là phụ lực với chồng hoặc thay thế chồng làm điều chồng muốn làm.

Nếu chồng là người không tin Chúa, vợ vẫn phải vâng phục chồng, miễn là sự vâng phục ấy không nghịch lại Lời Chúa. Người vợ biết vâng phục chồng, trước hết là người kính sợ Chúa và vâng phục Chúa, kế đến là người thật sự yêu chồng.

23 Vì chồng là đầu của vợ, như Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và Ngài là Đấng Giải Cứu của thân thể.

Lý do vợ phải vâng phục chồng là vì Chúa đặt để chồng làm đầu gia đình. Để có thể hiểu đúng thẩm quyền của chồng trên vợ, con dân Chúa phải nhìn vào thẩm quyền của Đấng Christ đối với Hội Thánh. Đấng Christ có thẩm quyền trên Hội Thánh như thế nào thì chồng có thẩm quyền trên gia đình như thế ấy. Những người vợ và những con cái trong gia đình phải hoàn toàn vâng phục người chủ gia đình, là chồng và cha của mình.

Đấng Christ là đầu của Hội Thánh và Ngài là Đấng Giải Cứu của thân thể như thế nào thì người chồng và cha trong gia đình cũng là đầu của gia đình và có bổn phận bảo vệ, giải cứu gia đình như thế ấy.

24 Vậy nên, như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ, thì những người vợ cũng phải {vâng phục} chồng mình trong mọi sự.

Hội Thánh vâng phục Đấng Christ trong mọi sự là vâng phục tất cả những gì đã được Đấng Christ giảng dạy, phán truyền như đã ghi chép trong Thánh Kinh, đồng thời vâng phục sự giảng dạy đúng Thánh Kinh của các môn đồ của Chúa. Lu-ca 10:16 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, như sau:

Ai nghe các ngươi, ấy là nghe Ta; ai bỏ qua các ngươi, ấy là bỏ qua Ta; ai bỏ qua Ta, cũng là bỏ qua Đấng đã sai Ta.”

Tương tự như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ, vợ cũng phải vâng phục chồng trong mọi sự, miễn là những sự ấy đúng với Lời Chúa. Nếu vợ không vâng phục chồng thì cùng một lúc vợ cũng không vâng phục Đức Chúa Jesus Christ và Đức Chúa Trời. Động từ “bỏ qua” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: xem thường, không quan tâm đến, không nghe theo.

25 Hỡi những người chồng! Hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh,

Bổn phận của chồng là yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh, hy sinh cho Hội Thánh. Đấng Christ yêu Hội Thánh không phải vì Hội Thánh xứng đáng để Ngài yêu. Trái lại, Ngài yêu Hội Thánh và hy sinh cho Hội Thánh khi Hội Thánh còn là những người sống trong tội. Chính Đấng Christ đã phán:

Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống mình cho các bạn hữu mình.” (Giăng 15:13).

Nhưng Đấng Christ đã phó sự sống của Ngài cho Hội Thánh khi Hội Thánh còn là kẻ thù nghịch Ngài. Điều ấy, nói lên tình yêu vô bờ bến của Đấng Christ dành cho Hội Thánh.

Chồng yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh và hy sinh cho Hội Thánh có nghĩa là chồng yêu và hy sinh cho vợ không phải vì vợ xứng đáng với tình yêu và sự hy sinh của mình, mà vì, đó là vợ của mình. Có lẽ, có người cưới vợ không phải vì tình yêu, nhưng một khi đã là vợ chồng trong Chúa, thì chồng phải yêu vợ và hy sinh cho vợ như Đấng Christ yêu và hy sinh cho Hội Thánh.

Đấng Christ phó chính mình vì Hội Thánh không chỉ có nghĩa là Ngài chịu chết để chuộc tội cho Hội Thánh, mà còn là Ngài hiệp một với Hội Thánh, máu và thịt của Ngài hiệp một với những ai tin nhận Ngài. Chúng ta vẫn dự Tiệc Thánh bằng cách ăn bánh không men và uống nước nho, tiêu biểu cho sự chúng ta tiếp nhận thịt và máu của Chúa vào trong thân thể của chúng ta, để chúng ta được nên một với Chúa. Chính vì thế mà Ê-phê-sô 5:30 xác nhận con dân Chúa là thịt và xương của Đấng Christ.

Ngay từ ban đầu, A-đam đã ý thức được sự hiệp một của vợ chồng:

Giờ đây, này là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ, vì nàng đã được lấy ra từ người nam.” (Sáng Thế Ký 2:23).

Và Lời Chúa đã xác nhận vợ chồng là một:

Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ mình, mà dính díu với vợ mình; và họ sẽ trở nên một thịt.” (Sáng Thế Ký 2:24; Ma-thi-ơ 19:5-6; Mác 10:8; Ê-phê-sô 5:31).

Chồng phó mình cho vợ có nghĩa là chồng hy sinh mọi sự để cho vợ được hạnh phúc trong Chúa. Điều này không có nghĩa là chồng hy sinh để chìu theo những sự ham muốn bất chính của vợ. Những sự ham muốn bất chính là những sự ham muốn nghịch lại Lời Chúa.

Tình yêu phải thể hiện thành hành động và hành động của tình yêu luôn là quên mình, hy sinh cho hạnh phúc của người mình yêu.

26 để thánh hóa, làm cho Hội tinh sạch, {với} sự rửa bởi nước trong lời phán, [Lời phán trong Ma-thi-ơ 28:19-20.]

27 để trình ra cho chính Ngài Hội Thánh vinh quang, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được.

Mục đích của sự Đấng Christ phó chính mình vì Hội Thánh là để làm cho hội được nên thánh, được tinh sạch. Sự thánh hóa, rửa sạch ấy là về phần thuộc linh, được tiêu biểu bởi phép báp-tem trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, theo lời phán truyền của Đấng Christ trong Ma-thi-ơ 28:19-20. Danh từ “lời phán” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp là rhēma /re-ma/, chỉ về lời nói ra thành tiếng.

Trong phép báp-tem, một người thể hiện lòng ăn năn tội lỗi, xác nhận mình có tội và sẵn sàng chịu chết đi con người tội lỗi, tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, nhờ đó, được đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ, thành một người mới, được dựng nên giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24).

Phép báp-tem phải được thực hiện trong danh của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Danh ấy tức là danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu [1].

Mục đích của sự Chúa thánh hóa Hội Thánh là để khiến cho Hội Thánh trở nên hoàn toàn trọn vẹn, xứng đáng kết hiệp cùng Ngài. Động từ “trình ra” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa thứ nhất là: đặt để bên cạnh mình; và nghĩa thứ nhì là: giới thiệu cho mọi người nhìn thấy và đặt câu hỏi. Cả hai nghĩa này đều áp dụng cho sự Chúa trình ra Hội Thánh cho chính Ngài. Chúa đặt để Hội Thánh bên cạnh Ngài và Ngài đặt câu hỏi về phẩm chất của Hội Thánh thì Hội Thánh được tỏ ra là: không vết, không nhăn, thánh sạch không chỗ trách được, chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa đến nỗi không chi có thể sánh bằng.

Nếu vợ là người chưa tin Chúa, tình yêu của chồng trước hết phải tập trung cho sự khiến vợ cũng ở trong sự cứu rỗi của Chúa như mình. Nếu vợ cũng là con dân Chúa thì tình yêu của chồng giúp cho vợ cứ lớn lên trong đức tin. Chính chồng phải thể hiện nếp sống thánh khiết trong Chúa để làm gương cho vợ và luôn giúp cho vợ đạt đến sự thánh sạch trọn vẹn trong Chúa.

28 Vậy nên, những người chồng phải yêu vợ mình như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy.

Vậy nên” có nghĩa là: vì chồng là đầu của vợ như Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và vì Đấng Christ yêu Hội Thánh, phó chính mình cho Hội Thánh để khiến hội được nên thánh sạch, nên chồng cũng phải yêu vợ như yêu chính thân mình. Tất cả những gì chồng làm ra cho vợ, bởi tình yêu, cũng chính là chồng tự làm ra cho mình. Vì thế, yêu vợ cùng nghĩa với yêu chính mình.

29 Vì chẳng có người nào lại ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng và vui hưởng nó, như Chúa {đối với} Hội Thánh.

30 Vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài, của thịt Ngài, và của xương Ngài.

Thật vậy, không một người nào ghét chính thân mình, ngay cả những người tự tử hay những người tự hành hạ thân xác. Người ta tự tử vì không muốn tiếp tục chịu khổ. Những người tự tử hy vọng rằng sự chết sẽ kết thúc sự đau khổ của họ. Những người tự hành hạ thân xác là để thỏa mãn một nhu cầu nào đó về tâm lý hoặc tín ngưỡng của họ.Họ tin rằng sự hành hạ thân xác có thể chuộc lại lỗi lầm của họ hoặc giữ cho thân thể của họ được thánh khiết. Thông thường, người ta yêu quý chính thân mình, nuôi dưỡng, chăm sóc, và vui hưởng nó.

Đấng Christ yêu Hội Thánh, Ngài nuôi dưỡng, chăm sóc, và vui hưởng Hội Thánh. Vì mỗi con dân Chúa là một phần của thân thể Ngài, là thịt và xương của Ngài. Vào buổi ban đầu, Thiên Chúa dựng nên A-đam, khiến A-đam ngủ mê, và từ nơi hông của A-đam lấy ra thịt và xương để làm nên Ê-va. Đấng Christ được gọi là A-đam sau cùng. Từ trong sự chết của Ngài, với nguồn của sự sống là máu và nước tuôn đổ từ nơi hông Ngài, Hội Thánh được dựng nên. Vì thế, Hội Thánh chính là thân thể của Ngài.

Chồng yêu vợ, nuôi dưỡng, chăm sóc, và vui hưởng vợ như Đấng Christ đối với Hội Thánh.

31 Vậy nên, người đàn ông phải lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ mình, hai người sẽ cùng nên một thịt.

Chính vì chồng yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh nên chồng phải lìa cha mẹ mình để kết hiệp làm một với vợ, lập ra một gia đình mới. Điều này không có nghĩa là chồng không còn quan tâm đến cha mẹ của mình. Nếu cha mẹ của chồng hoặc của vợ cần sự giúp đỡ chăm sóc, thì cả vợ lẫn chồng đều có bổn phận và trách nhiệm giúp đỡ chăm sóc họ. Bổn phận là việc phải làm. Trách nhiệm là sự gánh lấy hậu quả khi không hoàn thành bổn phận. Nếu hoàn cảnh đòi hỏi thì người có vợ vẫn có thể sống chung nhà với cha mẹ của mình hoặc của vợ. Ý nghĩa của sự người đàn ông phải lìa cha mẹ là: người đàn ông trở nên người đứng đầu của một gia đình mới. Trong gia đình mới ấy, cho dù cha mẹ của người đàn ông có sống chung trong nhà, thì quyền lãnh đạo và quyết định thuộc về người đàn ông. Động từ “dính díu” có nghĩa là bám sát lấy nhau, gắn chặt vào nhau, dán vào nhau bằng một chất keo. Chồng và vợ gắn chặt vào nhau bởi tình yêu. Hai người trở nên một thịt như lời A-đam đã nói.

32 Đây là sự mầu nhiệm lớn! Nhưng tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh.

Sự hiệp một của vợ chồng là một sự mầu nhiệm, làm hình bóng cho một sự mầu nhiệm lớn hơn, là sự hiệp một của Đấng Christ và Hội Thánh. Danh từ “sự mầu nhiệm” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: điều được giấu kín ý nghĩa. Thật vậy, sự kết hiệp làm một của vợ chồng là điều có thể cảm nhận được nhưng rất khó hiểu, vì chưa được Thiên Chúa giãi bày. Sự kết hiệp ấy phần nào giúp cho chúng ta hiểu sự kết hiệp giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu biết cách đầy đủ cho đến khi chúng ta vào trong thiên đàng và được kết hiệp với Đấng Christ trong Lễ Cưới của Chiên Con.

Vì ngày nay, chúng ta nhìn vào một cái gương mờ tối; nhưng rồi sẽ đến lúc mặt đối mặt. Ngày nay tôi biết chưa hết; nhưng rồi sẽ đến lúc tôi biết như tôi được biết vậy.” (I Cô-rinh-tô 13:12).

Sự mầu nhiệm của Tin Lành về việc muôn dân được cứu bởi sự chết chuộc tội của Đấng Christ và được hiệp một với dân I-sơ-ra-ên đã được bày tỏ. Nhưng sự mầu nhiệm về sự hiệp một giữa Đấng Christ và Hội Thánh chỉ được nói đến mà chưa được giãi bày. Chẳng còn bao lâu nữa, chúng ta sẽ được kinh nghiệm sự mạc khải về sự hiệp một của Đấng Christ và Hội Thánh.

33 Thế thì mỗi người trong các anh em phải yêu vợ mình như chính mình, còn vợ thì phải kính chồng.

Hôn nhân là sự kết hiệp thiêng liêng giữa một người nam và một người nữ, được dùng làm hình ảnh cho sự kết hiệp giữa Đấng Christ và Hội Thánh, cho tình yêu của Đấng Christ đối với Hội Thánh, và cho sự Hội Thánh vâng phục Đấng Christ. Khi chồng yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh và hy sinh cho Hội Thánh, khi vợ yêu chồng và vâng phục chồng như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ, thì đời sống hôn nhân hoàn toàn phước hạnh và gây dựng cho cả vợ lẫn chồng trong sự hiểu biết tình yêu của Chúa, bổn phận của con dân Chúa, và cùng gây dựng lẫn nhau trong đức tin.

Cách thức vợ chồng cư xử lẫn nhau là tấm gương cho con cái. Nếu vợ chồng đối xử nhau không theo Lời Chúa thì sẽ dạy hư cho con cái của mình. Con trai sẽ học cách thức ích kỷ, không phó chính mình cho vợ từ cha. Con gái sẽ học thói to tiếng, hỗn láo với chồng từ mẹ. Nếu vợ chồng lỡ phạm lỗi với nhau trước mặt con cái thì phải ăn năn tội với Chúa, công khai xin lỗi nhau trước mặt con cái, và xin lỗi con cái vì mình đã làm gương xấu cho chúng.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa nếp sống vợ chồng của con dân Chúa. Nguyện mỗi người chồng và vợ biết hạ mình vâng phục Chúa, sống theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ Hội Thánh cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/09/2016

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-15-le-bap-tem/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.