Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 22:30-23:11 Phao-lô Trước Tòa Công Luận

853 views

YouTube: https://youtu.be/4KD_euFaL4o

44052 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 22:30-23:11
Phao-lô Trước Tòa Công Luận

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 22:30

30 Hôm sau, viên chỉ huy muốn biết chắc người đã bị cáo buộc bởi dân Do-thái vì cớ gì, đã mở trói người, truyền cho các thầy tế lễ thượng phẩm và hết thảy Tòa Công Luận của họ đến, rồi dẫn Phao-lô xuống, để đứng trước họ.

Công Vụ Các Sứ Đồ 23:1-11

1 Phao-lô đã nhìn chăm chú Tòa Công Luận, nói: Hỡi mọi người! Hỡi các anh em! Tôi vẫn sống trọn lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời, cho tới ngày nay.

2 Nhưng Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-na-nia đã truyền cho mấy kẻ đứng gần người, vả miệng người.

3 Phao-lô đã nói với ông ta: Hỡi bức tường tô trắng kia! Đức Chúa Trời sẽ đánh ông. Ông ngồi để phán xử tôi theo luật pháp, mà truyền cho tôi bị đánh cách trái luật pháp.

4 Mấy kẻ đứng gần đã nói: Ngươi mắng thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời sao?

5 Phao-lô đã nói: Hỡi các anh em! Tôi chẳng biết rằng, ông ấy là thầy tế lễ thượng phẩm. Vì đã được chép: Ngươi chớ nói xấu người cai trị dân của ngươi. [Xuất Ê-díp-tô Ký 22:28]

6 Phao-lô đã biết rằng, một phần trong số họ là những người Sa-đu-sê nhưng phần kia là những người Pha-ri-si. Người đã kêu lên, trong Tòa Công Luận: Hỡi mọi người! Hỡi các anh em! Tôi là người Pha-ri-si, con của người Pha-ri-si. Vì sự trông cậy và sự sống lại của những kẻ chết mà tôi bị xét xử.

7 Người đã nói vậy thì sự cãi lẫy đã xảy ra, giữa những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê. Đám đông đã chia ra.

8 Vì thực tế, những người Sa-đu-sê nói, không có sự sống lại, cũng không có thiên sứ hay thần linh. Nhưng những người Pha-ri-si thì xưng nhận cả hai.

9 Đã xảy ra tiếng kêu la lớn. Mấy thầy thông giáo thuộc phe Pha-ri-si đã đứng dậy, tranh cãi dữ dội, nói: Chúng ta chẳng tìm thấy sự ác trong người này. Nhưng nếu thần linh hoặc thiên sứ đã nói với người thì chúng ta đừng chống nghịch Thiên Chúa.

10 Đã xảy ra sự nổi loạn lớn. Viên chỉ huy sợ Phao-lô có thể bị phân thây bởi chúng, đã truyền quân kéo xuống, cướp người ra khỏi giữa đám họ và đem vào trong đồn.

11 Đêm theo sau đó, Chúa đã đứng bên người, phán rằng: Hỡi Phao-lô! Hãy can đảm! Vì như ngươi đã làm chứng về Ta, tại thành Giê-ru-sa-lem thì ngươi cũng phải làm chứng như vậy, tại thành Rô-ma.

Trong bài trước, chúng ta đã học biết về việc Sứ Đồ Phao-lô đã bị những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo lôi ông ra khỏi Đền Thờ, đánh đập ông, vì nghe đồn rằng, ông là người rao giảng nghịch lại sự giảng dạy của Môi-se, tức luật pháp của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có tin mật báo đến viên chỉ huy trưởng của tiểu đoàn quân lính La-mã trú đóng trong đồn gần đó, nên ông ta đã đem quân lính đến, đề phòng bạo loạn, và đã giải cứu Phao-lô ra khỏi tay của đám dân đông. Khi Phao-lô được khiêng lên đến cổng đồn thì Phao-lô đã xin phép viên chỉ huy, để nói chuyện với đám dân đông. Viên chỉ huy đã đồng ý và đám dân đông đã im lặng, lắng nghe Phao-lô sơ lược về lý lịch của ông, cùng sự ông được gặp Đức Chúa Jesus Christ, và được Ngài sai dùng. Nhưng đám dân đông đã giận dữ, đòi giết Phao-lô, khi nghe ông lặp lại lời của Đấng Christ rằng: “Hãy vội vàng! Hãy ra khỏi Giê-ru-sa-lem cách nhanh chóng; vì chúng sẽ chẳng nhận lời chứng của ngươi về Ta. Hãy đi! Vì Ta sẽ sai ngươi từ nơi đây đến với các dân ngoại.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:18, 21). Viên chỉ huy đã phải sai lính đem ông vào đồn, rồi, định tra khảo ông, xem vì lý do gì mà đám dân đông muốn giết ông. Nhưng khi biết Phao-lô là công dân La-mã thì viên chỉ huy đã không dám đánh đòn ông. Vì luật pháp La-mã không cho phép đánh đòn hay trói một công dân La-mã chưa bị kết án. Viên chỉ huy đã tạm giam Phao-lô trong đồn với dự định là sẽ nhờ Tòa Công Luận của dân Do-thái xét xử xem, vì sao dân I-sơ-ra-ên muốn giết Phao-lô.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về các lời Phao-lô đối đáp trước Tòa Công Luận.

Công Vụ Các Sứ Đồ 22:30

30 Hôm sau, viên chỉ huy muốn biết chắc người đã bị cáo buộc bởi dân Do-thái vì cớ gì, đã mở trói người, truyền cho các thầy tế lễ thượng phẩm và hết thảy Tòa Công Luận của họ đến, rồi dẫn Phao-lô xuống, để đứng trước họ.

Có lẽ viên chỉ huy đã hiểu ra, sự việc đám dân đông người I-sơ-ra-ên tấn công Phao-lô là liên quan đến tín ngưỡng của họ, nên ông đã truyền cho các thầy tế lễ thượng phẩm và Tòa Công Luận của họ phải nhóm hiệp lại, để phán xử Phao-lô.

Chúng ta có thể hiểu rằng, ngay sau khi biết Phao-lô là công dân La-mã thì viên chỉ huy đã ra lệnh mở trói và tháo xiềng cho Phao-lô, dù vẫn phải tạm giam ông để chờ xét xử. Khi Phao-lô được đưa ra trước các thầy tế lễ thượng phẩm và Tòa Công Luận, thì ông đã hoàn toàn không bị trói, không bị xiềng.

Thường thì Tòa Công Luận nhóm hiệp trong một căn phòng riêng, trong khu vực Đền Thờ, là căn phòng đặc biệt dành cho sự nhóm hiệp của họ. Rất có thể các thầy tế lễ thượng phẩm và các thành viên trong Tòa Công Luận đã đến phòng nhóm của Tòa Công Luận, để xét xử Phao-lô. Động từ “dẫn xuống” (G2609) hàm ý, dẫn từ trên đồn xuống khu vực của Đền Thờ. Đồn nằm về phía tây bắc của Đền Thờ, trên một ngọn đồi cao hơn và chỉ cách khuôn viên của Đền Thờ chừng vài trăm mét.

Chúng ta thấy danh từ “thầy tế lễ thượng phẩm” được dùng với số nhiều. Nhưng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 23:2 thì chỉ nói đến Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-na-nia.

Theo sử liệu thì A-na-nia giữ chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 46 tới năm 58, trước khi bị dân I-sơ-ra-ên nổi loạn chống đế quốc La-mã bắt giết vào năm 66. Trong năm 58, có Giô-na-than được phong chức thầy tế lễ thượng phẩm thay cho A-na-nia, nhưng cũng trong năm đó, Giô-na-than bị Thống Đốc Phê-lít sai người ám sát. Ích-ma-ên được phong chức thầy tế lễ thượng phẩm thay cho Giô-na-than cũng cùng trong năm 58. Dù vậy, A-na-nia vẫn có thế lực rất lớn và vẫn đứng đầu Tòa Công Luận. Như vậy, khi Phao-lô bị đưa ra xét xử trước Tòa Công Luận thì có thể Giô-na-than đang là thầy tế lễ thượng phẩm, còn A-na-nia không còn là thầy tế lễ thượng phẩm nữa nhưng vẫn đứng đầu Tòa Công Luận, và vẫn được gọi bằng chức danh thầy tế lễ thượng phẩm [1].

Công Vụ Các Sứ Đồ 23:1-11

1 Phao-lô đã nhìn chăm chú Tòa Công Luận, nói: Hỡi mọi người! Hỡi các anh em! Tôi vẫn sống trọn lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời, cho tới ngày nay.

Phao-lô đã thẳng thắn, nhìn vào những người đang xét xử ông, là các trưởng lão trong Tòa Công Luận của Do-thái Giáo. Phao-lô vẫn dùng cách nói quen thuộc, thân mật của người I-sơ-ra-ên, khi nói chuyện trước đám đông là dân I-sơ-ra-ên. Ông nói: “Hỡi mọi người! Hỡi các anh em!” Cách nói này tương tự như khi người Việt Nam chúng ta nói: “Kính thưa quý ông bà anh chị em!” Một cách nói lễ phép, tỏ lòng tôn trọng nhưng thân mật đối với những người nghe. Nếu không thân mật thì sẽ là: Kính thưa quý vị!

Phao-lô khẳng định rằng, ông vẫn sống trọn lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời cho tới hiện tại, khi ông đang đối diện với họ. Lời nói này hàm ý, kể cả trước khi Phao-lô biết và tin nhận Đức Chúa Jesus, ông vẫn sống trọn lương tâm tốt của ông. Kể cả trong sự việc ông bách hại Hội Thánh của Chúa. Vì đó là do ông thiếu hiểu biết về Tin Lành của Chúa và hiểu lầm con dân Chúa trong Hội Thánh của Ngài; chứ không phải ông đã hành động nghịch lại lương tâm. Đối với Phao-lô khi ấy, việc bách hại Hội Thánh chính là sự hầu việc Chúa vì lòng tôn kính Chúa của ông.

Trong lời tâm tình với con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-líp, Phao-lô đã viết:

Tôi chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng I-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, một người Hê-bơ-rơ của dân Hê-bơ-rơ; về luật pháp, là một người Pha-ri-si; về lòng sốt sắng thì bách hại Hội Thánh; về sự công chính trong luật pháp thì không chỗ trách được.” (Phi-líp 3:5-6).

Lời ấy có nghĩa là về hình thức bên ngoài, Phao-lô đã giữ vẹn các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Nếu chúng ta nhớ rằng, lời tâm tình trên đây của Phao-lô được Đức Thánh Linh thần cảm cho ông, vì nó đã được kể là Lời Chúa, thì chúng ta có thể hiểu rằng, đó cũng chính là lời Đức Thánh Linh làm chứng về Phao-lô cho tất cả những ai đọc thư Phi-líp.

Như vậy, trước Cựu Ước có Nô-ê và Gióp, trong Cựu Ước có Áp-ra-ham, còn trong Tân Ước thì có Phao-lô được Thiên Chúa làm chứng tốt, gọi họ là công chính và trọn vẹn.

Lương tâm tốt” là sự nhận thức phải và trái trong thần trí, đúng theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, như đã chép trong Thánh Kinh.

Sống trọn lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời” là sống đúng theo sự nhận thức của thần trí, không làm ra bất cứ điều gì nghịch lại các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh đã được tái sinh, đã được dựng nên một lòng trong sạch, đã được làm mới lại một thần trí ngay thẳng. Vì thế, nếp sống của mỗi con dân Chúa phải là: “sống trọn lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời”.

Thiên Chúa ôi! Xin sáng tạo trong tôi một lòng trong sạch, và làm mới lại trong tôi một thần trí ngay thẳng.” (Thi Thiên 51:10).

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Chúng ta hãy sống sao cho trong ngày Đấng Christ hiện ra giữa chốn không trung thì chúng ta có thể nói rằng: “Tôi vẫn sống trọn lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời, cho tới ngày nay.”

2 Nhưng Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-na-nia đã truyền cho mấy kẻ đứng gần người, vả miệng người.

3 Phao-lô đã nói với ông ta: Hỡi bức tường tô trắng kia! Đức Chúa Trời sẽ đánh ông. Ông ngồi để phán xử tôi theo luật pháp, mà truyền cho tôi bị đánh cách trái luật pháp.

Rất có thể, mệnh lệnh của A-na-nia chưa kịp được thi hành thì Phao-lô đã lên tiếng quở trách ông ta.

Thành ngữ “Bức tường tô trắng” hàm ý: kẻ giả hình. Đức Chúa Jesus cũng đã từng gọi những thầy thông giáo, những người Pha-ri-si là những kẻ giả hình, là những mồ mả tô trắng (Ma-thi-ơ 23:27).

Phao-lô biết rất rõ các điều răn và luật pháp của Chúa. Trong cuộc phán xử của Tòa Công Luận, người chưa bị định tội không thể bị trói hoặc bị đánh.

Luật pháp được nói đến ở đây là luật pháp của Thiên Chúa do Môi-se ghi chép. Một trong các chức năng của Tòa Công Luận là xét xử những sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. A-na-nia là người đứng đầu Tòa Công Luận lại truyền lệnh đánh Phao-lô một cách trái luật pháp, trong khi đang xét xử để tìm xem Phao-lô có vi phạm luật pháp hay không.

Có lẽ câu nói xưng mình sống trọn lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời của Phao-lô đã khiến cho A-na-nia bực tức. Rất có thể là A-na-nia đã cho rằng, Phao-lô đang nói móc ông. Vì A-na-nia nổi tiếng là chuyên quyền, làm ra nhiều sự sai trái, trong đó có việc sai lính bảo vệ Đền Thờ đến các nhà kho của Đền Thờ, dùng sức mạnh, thu lấy các của dâng hiến về cho gia đình ông. Trong khi, đó là phần phải được chia đều cho các thầy tế lễ, theo luật pháp của Thiên Chúa.

Sự việc kẻ thi hành luật mà lại phạm luật vẫn là điều xảy ra xưa nay ở khắp nơi, trong mọi dân tộc, trong mọi cơ cấu, tổ chức có luật pháp.

Chúng ta có thể tin rằng, lời quở trách của Phao-lô đối với A-na-nia cũng chính là lời Đức Thánh Linh tuyên án A-na-nia, qua môi miệng của Phao-lô. Thực tế, vào năm 66, A-na-nia đã bị dân I-sơ-ra-ên giết chết trong cuộc nổi loạn chống đế quốc La-mã, là cuộc nổi loạn dẫn đến sự thành Giê-ru-sa-lem bị quân đội La-mã bao vây và thiêu hủy Đền Thờ Thiên Chúa vào năm 70.

Chúng ta cũng học được rằng, chúng ta có quyền lên tiếng khi bị đối xử bất công. Chính Đức Chúa Jesus cũng đã lên tiếng, khi Ngài bị đánh cách vô lý (Giăng 18:22-23). Nhưng nếu sau khi lên tiếng mà vẫn bị đàn áp thì chúng ta nên im lặng.

4 Mấy kẻ đứng gần đã nói: Ngươi mắng thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời sao?

5 Phao-lô đã nói: Hỡi các anh em! Tôi chẳng biết rằng, ông ấy là thầy tế lễ thượng phẩm. Vì đã được chép: Ngươi chớ nói xấu người cai trị dân của ngươi. [Xuất Ê-díp-tô Ký 22:28]

Mấy người đứng gần Phao-lô đã lên tiếng với ý quở trách ông đã vô lễ với thầy tế lễ thượng phẩm. Câu trả lời của Phao-lô khẳng định rằng, ông không biết A-na-nia là thầy tế lễ thượng phẩm. Thứ nhất, thầy tế lễ thượng phẩm đã cấp giấy phép cho Phao-lô bách hại Hội Thánh là Cai-phe. Có lẽ từ khi A-na-nia lên làm thầy tế lễ thượng phẩm thì Phao-lô chưa bao giờ gặp A-na-nia. Thứ nhì, vì lúc này A-na-nia không còn là thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm, không mặc sắc phục của thầy tế lễ thượng phẩm, nên Phao-lô không nhận ra. Thứ ba, có lẽ Phao-lô không thể nào nghĩ rằng, thầy tế lễ thượng phẩm lại hành động trái luật pháp như vậy.

Câu trả lời của Phao-lô cũng giúp cho người nghe thấy rằng, ông thật sự biết Lời Chúa, ghi nhớ Lời Chúa, và sống theo Lời Chúa.

6 Phao-lô đã biết rằng, một phần trong số họ là những người Sa-đu-sê nhưng phần kia là những người Pha-ri-si. Người đã kêu lên, trong Tòa Công Luận: Hỡi mọi người! Hỡi các anh em! Tôi là người Pha-ri-si, con của người Pha-ri-si. Vì sự trông cậy và sự sống lại của những kẻ chết mà tôi bị xét xử.

Phao-lô từng là một thành viên trong Tòa Công Luận nên ông biết rõ, Tòa Công Luận luôn bao gồm hai phe: Pha-ri-si và Sa-đu-sê. Ông cũng biết rất rõ sự đối nghịch trong các tín lý của những người Pha-ri-si đối với những người Sa-đu-sê. Đức Thánh Linh đã ban cho ông sự khôn sáng để dùng sự hiểu biết của mình tự giải thoát mình, khỏi sự xét xử của Tòa Công Luận. Phao-lô đã lên tiếng công nhận, ông là một người Pha-ri-si, và cho biết, là ông đang bị xét xử vì đức tin của ông vào sự sống lại sau khi chết.

7 Người đã nói vậy thì sự cãi lẫy đã xảy ra, giữa những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê. Đám đông đã chia ra.

Lời nói của Phao-lô đã lập tức khiến cho có sự tranh cãi xảy ra giữa những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê. Đương nhiên, không ai có thể phán là Phao-lô có tội, vì sự tin hay không tin về sự sống lại sau khi chết không liên quan gì đến các điều răn và luật pháp.

8 Vì thực tế, những người Sa-đu-sê nói, không có sự sống lại, cũng không có thiên sứ hay thần linh. Nhưng những người Pha-ri-si thì xưng nhận cả hai.

Danh từ “Pha-ri-si” (G5330) có nghĩa là những người được biệt riêng. Phái Pha-ri-si tự xem họ là những người được biệt riêng để lo việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh. Phần lớn họ là các Ra-bi, tức là người chuyên việc giảng dạy Thánh Kinh, hoặc là các thầy thông giáo, tức là người chuyên việc sao chép và giải thích Thánh Kinh, hoặc là các nghị viên trong Tòa Công Luận. Mặc dù ngày nay danh từ Pha-ri-si thường được dùng với nghĩa “kẻ giả hình” nhưng những người Pha-ri-si thuở ban đầu đã gắn bó sâu sắc với hành vi đạo đức và cách tiếp cận Thánh Kinh mang tính học thuật.

Phái Pha-ri-si xuất hiện vào khoảng từ năm 165 TCN đến năm 160 TCN. Lập trường về đạo đức của họ bao gồm sự tuân thủ nghiêm khắc các khía cạnh hành vi của luật pháp Môi-se. Chính họ đã phát triển và thiết lập những lời truyền khẩu diễn giải năm sách đầu tiên của Thánh Kinh.

Phái Pha-ri-si tin vào đời sau và sự phục sinh của thân thể xác thịt theo nghĩa đen. Họ tin vào sự tiền định bởi Thiên Chúa. Họ tìm cách giải thích ý nghĩa của Thánh Kinh sao cho có thể ứng dụng cụ thể vào nếp sống mỗi ngày. Họ chủ trương sự thờ phượng Đức Chúa Trời không chỉ giới hạn trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem mà là có thể thực hiện ngay cả ở những nơi xa Đền Thờ và ở ngoài Giê-ru-sa-lem. Vì thế, họ chủ trương xây dựng các nhà hội và tổ chức nhóm hiệp trong các nhà hội, vào mỗi ngày Sa-bát.

Đến thời của Đức Chúa Jesus thì phái Pha-ri-si đã bị băng hoại trầm trọng. Ma-thi-ơ đoạn 15 ghi lại lời Đức Chúa Jesus lên án họ, về sự dạy cho người ta theo lời truyền khẩu mà bỏ đi các điều răn của Đức Chúa Trời. Ma-thi-ơ đoạn 23 ghi lại lời Đức Chúa Jesus quở trách họ, về sự giả hình của họ. Phần lớn những người Pha-ri-si giữ chức vụ thầy tế lễ. Sau khi Đền Thờ bị quân đội La-mã phá hủy vào năm 70, phái Pha-ri-si vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ để bảo tồn văn hóa và đức tin của dân I-sơ-ra-ên, qua sự giảng dạy của họ trong các nhà hội. Nhờ đó mà Do-thái Giáo vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay.

Danh từ “Sa-đu-sê” (G4523) có nghĩa là những người công chính. Phái Sa-đu-sê có lẽ ra từ dòng họ của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Xa-đốc, là thầy tế lễ thượng phẩm trong triều đại của Vua Đa-vít và Vua Sa-lô-môn. Phái Sa-đu-sê bao gồm giới thầy tế lễ thượng phẩm, các gia đình quý tộc, các thương gia, các nhà giàu có. Phái Sa-đu-sê khác biệt đáng kể với phái Pha-ri-si về Thần học của họ. Người Sa-đu-sê không tin vào đời sau hoặc sự phục sinh của thân thể xác thịt theo nghĩa đen. Họ không tin những gì không được chép trong Thánh Kinh. Vì thế, họ không tin các lời truyền khẩu như phái Pha-ri-si. Họ giải thích và áp dụng các điều răn hoàn toàn theo nghĩa đen. Vì thế, họ nghiêm khắc trong việc thi hành án tử hình và luật “mắt đền mắt, răng đền răng”.

Trên thực tế, mối quan tâm chính của người Sa-đu-sê là chính trị. Họ sẵn sàng hợp tác với nhà cầm quyền. Điều này khiến họ trở thành những công cụ hữu ích cho nhà cầm quyền của đế quốc Hy-lạp và đế quốc La-mã, khi hai đế quốc này đô hộ dân I-sơ-ra-ên. Cũng chính vì thế mà dân I-sơ-ra-ên không ưa thích họ. Họ có khuynh hướng trở thành quý tộc và nắm quyền kiểm soát của chức thầy tế lễ thượng phẩm. An-ne và Cai-phe, được đề cập trong Lu-ca 3:2 và Công Vụ Các Sứ Đồ 4:6, đều là người Sa-đu-sê.

Phái Sa-đu-sê đã góp phần tích cực trong việc lên án chết Đức Chúa Jesus. Họ cho rằng, Ngài đã phạm thượng, khi tự xưng là Con của Đức Chúa Trời. Vì sinh hoạt của họ gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt của Đền Thờ và sự hợp tác với nhà cầm quyền, nên sau khi Đền Thờ bị phá hủy vào năm 70, phái Sa-đu-sê đã bị tan rã.

9 Đã xảy ra tiếng kêu la lớn. Mấy thầy thông giáo thuộc phe Pha-ri-si đã đứng dậy, tranh cãi dữ dội, nói: Chúng ta chẳng tìm thấy sự ác trong người này. Nhưng nếu thần linh hoặc thiên sứ đã nói với người thì chúng ta đừng chống nghịch Thiên Chúa.

Chắc chắn, đây không phải là lần đầu xảy ra cuộc tranh luận Thần học giữa những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê. Nhưng lần này, việc đánh đập và xét xử một người Pha-ri-si, vì người ấy tin về sự sống lại sau khi chết, là một điều xúc phạm lớn đối với những người Pha-ri-si. Vì thế, cuộc tranh cãi đã trở thành lớn tiếng vì sự tức giận.

Thầy thông giáo là những người phụ trách việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh. Phần lớn các thầy thông giáo thuộc phe Pha-ri-si. Một số người trong họ đã đứng dậy, lớn tiếng, bênh vực Phao-lô, tuyên bố ông vô tội. Thậm chí, họ còn cho rằng, nếu Phao-lô đã được thần linh hoặc thiên sứ phán với ông và ông lặp lại các lời phán đó, thì Tòa Công Luận không nên can thiệp đến, để tránh phạm tội nghịch lại Thiên Chúa.

10 Đã xảy ra sự nổi loạn lớn. Viên chỉ huy sợ Phao-lô có thể bị phân thây bởi chúng, đã truyền quân kéo xuống, cướp người ra khỏi giữa đám họ và đem vào trong đồn.

Dĩ nhiên là những người Sa-đu-sê không bao giờ chấp nhận tín lý của những người Pha-ri-si. Vì thế cuộc tranh luận đã biến thành sự nổi loạn lớn. Viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã đã truyền lệnh cho quân lính một lần nữa, cướp Phao-lô ra khỏi tay của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Phao-lô đã được quân lính đưa vào trong đồn.

11 Đêm theo sau đó, Chúa đã đứng bên người, phán rằng: Hỡi Phao-lô! Hãy can đảm! Vì như ngươi đã làm chứng về Ta, tại thành Giê-ru-sa-lem thì ngươi cũng phải làm chứng như vậy, tại thành Rô-ma.

Đêm theo sau đó” là đêm theo sau sự kiện đã được thuật lại từ câu 1 đến câu 10.

Chúa đã đứng bên Phao-lô để phán với ông. Có thể đây là một khải tượng, nghĩa là Phao-lô có nhìn thấy Chúa trong lúc ông chưa ngủ, như lần trước đó đã ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 18:9. Lời phán của Chúa vừa để khích lệ Phao-lô vừa để báo cho ông biết trước, là ông sẽ phải làm chứng về Ngài tại kinh đô của đế quốc La-mã, là thành Rô-ma. Thực tế, Phao-lô đã bị giải về thành Rô-ma, bị giam lỏng tại nhà riêng trong suốt hai năm, trước khi được đưa ra xét xử trước Nê-rô, là hoàng đế La-mã đương thời. Trong hai năm đó, tại nhà riêng, Phao-lô đã được tự do rao giảng Tin Lành cho dân thành Rô-ma và giảng dạy cho con dân Chúa trong Hội Thánh tại thành Rô-ma.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/06/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.biblestudy.org/maturart/new-testament-high-priests.html

Karaoke Thánh Ca: “Con Khẩn Xin”
https://karaokethanhca.net/con-khan-xin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.