Chú Giải II Cô-rinh-tô 01:12-02:04 Lý Do Phao-lô Chưa Thể Đến Cô-rinh-tô

2,962 views

 

YouTube: https://youtu.be/ZtvdGiN5N9Q

Chú Giải II Cô-rinh-tô 1:12-2:4
Lý Do Phao-lô Chưa Thể Đến Cô-rinh-tô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 1:12-24

12 Vì sự vinh hiển của chúng tôi ấy là chứng cớ cho lương tâm của chúng tôi. Rằng, trong sự đơn sơ và thanh sạch của Thiên Chúa, không trong sự khôn sáng của xác thịt, nhưng bởi ân điển của Thiên Chúa, mà chúng tôi hành xử trong thế gian, nhất là đối với các anh chị em.

13 Vì chúng tôi chẳng viết cho các anh chị em những sự gì khác, nhưng những điều các anh chị em hoặc đọc, hoặc nhận biết. Tôi mong rằng, các anh chị em nhận biết cho đến cuối cùng.

14 Cũng như các anh chị em đã phần nào nhận biết chúng tôi, rằng chúng tôi là sự khoe mình của các anh chị em, như các anh chị em cũng là sự khoe mình của chúng tôi, trong ngày của Đức Chúa Jesus.

15 Bởi lòng tin cậy đó, trước đây, tôi đã muốn đến với các anh chị em để cho các anh chị em được ơn lần thứ nhì;

16 trải qua nơi của các anh chị em, vào trong xứ Ma-xê-đoan; từ Ma-xê-đoan trở lại với các anh chị em; rồi bởi nơi của các anh chị em được đưa đến xứ Giu-đê.

17 Tôi quyết định như vậy, có phải tôi hành xử thiếu thận trọng? Hoặc điều mà tôi quyết định tôi quyết định theo xác thịt, khiến cho nơi tôi có thể là sự phải phải và sự không không? [Khi thì cho là phải, khi thì cho là không.]

18 Nhưng Đức Chúa Trời là thành tín, lời của chúng tôi với các anh chị em chẳng phải là vừa phải, vừa không.

19 Con của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jesus Christ, đã được rao giảng giữa các anh chị em bởi chúng tôi, bởi tôi, Si-la, và Ti-mô-thê, chẳng phải là vừa phải, vừa không. Nhưng trong Ngài là phải.

20 Vì mọi lời hứa của Thiên Chúa ở trong Ngài là sự phải. Và trong Ngài là sự a-men cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bởi chúng tôi.

21 Đấng làm cho bền vững chúng tôi với các anh chị em trong Đấng Christ, đã xức dầu cho chúng ta, là Thiên Chúa;

22 Đấng cũng đóng ấn chúng ta và ban sự bảo chứng của Đấng Thần Linh trong lòng của chúng ta.

23 Tôi kêu cầu Đức Chúa Trời, xin chứng tích trên linh hồn của tôi rằng, vì khoan hồng cho các anh chị em mà tôi chưa đến Cô-rinh-tô.

24 Không phải vì chúng tôi cai trị đức tin của các anh chị em, nhưng chúng tôi là những người giúp cho sự vui mừng của các anh chị em, vì bởi đức tin các anh chị em đứng vững.

II Cô-rinh-tô 2:1-4

1 Vậy, chính tôi đã tự quyết định rằng, tôi sẽ không trở lại với các anh chị em trong sự đau buồn.

2 Vì nếu tôi làm cho các anh chị em buồn rầu thì ai là người làm cho tôi vui nếu không phải người đã bị buồn rầu vì tôi?

3 Tôi đã viết cho các anh chị em như thế, để khi tôi đến, tôi sẽ không có sự buồn rầu bởi những người lẽ ra khiến tôi vui mừng. Tôi tin cậy nơi hết thảy các anh chị em rằng, sự vui mừng của tôi là sự vui mừng của hết thảy các anh chị em.

4 Vì từ cơn khốn khổ lớn và tấm lòng quặn thắt mà tôi đã viết cho các anh chị em với nhiều nước mắt. Chẳng phải để cho các anh chị em bị đau buồn nhưng để cho các anh chị em biết tình yêu mà tôi có dư dật đối với các anh chị em.

Trước khi viết thư II Cô-rinh-tô thì Phao-lô đã có ý định ghé thăm Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, như ông đã viết trong I Cô-rinh-tô 16:5. Nhưng khi nghe biết trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô vẫn đang xảy ra một số việc không tốt thì ông thay đổi ý định. Trong II Cô-rinh-tô 1:12 đến 2:4, Phao-lô nêu ra lý do về sự thay đổi ý định của ông.

12 Vì sự vinh hiển của chúng tôi ấy là chứng cớ cho lương tâm của chúng tôi. Rằng, trong sự đơn sơ và thanh sạch của Thiên Chúa, không trong sự khôn sáng của xác thịt, nhưng bởi ân điển của Thiên Chúa, mà chúng tôi hành xử trong thế gian, nhất là đối với các anh chị em.

Danh từ “sự vinh hiển” (G2746) được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là sự khoe mình hoặc sự tỏ lộ sự vinh quang.

Sự vinh hiển hay sự khoe mình mà Phao-lô và các bạn của ông có thể có chính là sự chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa tuôn đổ trên họ, và qua họ mà đến với nhiều người khác. Sự vinh hiển đáng khoe đó chính là chứng cớ cho lương tâm của Phao-lô và các bạn của ông, rằng họ đã sống đúng theo Lời Chúa và làm tròn những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho họ. Khi đời sống của chúng ta đúng với Lời Chúa và khi mỗi việc làm của chúng ta đem lại ích lợi, có tính gây dựng, và làm tôn vinh danh Chúa, thì mọi sự hành xử của chúng ta chính là chứng cớ cho sự chúng ta đã sống đúng với lương tâm mà Chúa đã đặt để trong chúng ta. Đó chính là sự khoe mình của chúng ta và là sự vinh hiển của chúng ta (Khải Huyền 19:8).

Nếp sống của chúng ta trong Chúa phải là nếp sống đơn sơ và thanh sạch theo Lời Chúa và theo gương của Đấng Christ, chứ không phải khôn sáng, khéo léo theo bản tính của xác thịt. Đơn sơ là rõ ràng và chân thật, không dối trá, không giả hình. Sự thanh sạch của Thiên Chúa là sự không phạm tội, không thỏa hiệp với tội, và không chấp nhận tội. Mọi hành xử của chúng ta trong thế gian đều là của con người đã được dựng nên mới trong Đấng Christ, bởi ân điển của Thiên Chúa (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10). Riêng đối với các anh chị em cùng Cha thì sự hành xử của chúng ta càng tha thiết hơn trong tình yêu. Với người không tin Chúa, chúng ta yêu họ như chính mình; nhưng với anh chị em cùng đức tin thì chúng ta yêu họ hơn chính mình (Giăng 15:13).

13 Vì chúng tôi chẳng viết cho các anh chị em những sự gì khác, nhưng những điều các anh chị em hoặc đọc, hoặc nhận biết. Tôi mong rằng, các anh chị em nhận biết cho đến cuối cùng.

Chính vì Phao-lô và các bạn của ông đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô bằng tình yêu của Chúa nên sự giảng dạy của Phao-lô và các bạn của ông đối với họ là lẽ thật đến từ Chúa. Các thư do Phao-lô và các bạn của ông viết không viết những gì vô ích, thuộc về thế gian. Ngày nay, chúng ta thấy trong các giáo hội có nhiều người xưng nhận mình là người rao giảng Lời Chúa; nhưng thật ra, họ chỉ là những người đem những chuyện vô ích của thế gian ra làm trò vui cho người nghe.

“Những điều các anh chị em hoặc đọc, hoặc nhận biết” có nghĩa là những gì được viết trong thư đều là lẽ thật có thể hiểu khi đọc thư, hoặc là lẽ thật có thể nhận biết qua sự những người đọc thư giao tiếp với Phao-lô và các bạn của ông. Phao-lô đã ở tại Cô-rinh-tô khoảng hai năm để giảng Tin Lành, thành lập Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, và giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa. Cùng thi hành mục vụ với Phao-lô còn có Si-la và Ti-mô-thê (câu 19). Con dân Chúa tại Cô-rinh-tô qua tiếp xúc với Phao-lô và các bạn của ông đều nhận biết, sự hành xử của Phao-lô và các bạn của ông đều là trong sự đơn sơ và thanh sạch của Thiên Chúa, đúng với những gì họ giảng dạy. Con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cũng nhận biết tình yêu trong Chúa của Phao-lô và các bạn của ông đối với họ. Những gì họ đọc trong các thư của Phao-lô và các bạn của ông cũng đều là thể hiện tình yêu và lẽ thật.

Phao-lô mong muốn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cứ tiếp tục có sự nhận biết các lẽ thật của Chúa và tình yêu của Phao-lô cùng các bạn của ông dành cho họ, cho đến khi họ ra khỏi thế gian.

14 Cũng như các anh chị em đã phần nào nhận biết chúng tôi, rằng chúng tôi là sự khoe mình của các anh chị em, như các anh chị em cũng là sự khoe mình của chúng tôi, trong ngày của Đức Chúa Jesus.

“Cũng như các anh chị em đã phần nào nhận biết chúng tôi” có nghĩa là trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có một số người không công nhận Phao-lô và các bạn của ông là các sứ đồ của Chúa, không công nhận sự giảng dạy của Phao-lô và các bạn của ông. Ngày nay, cũng có nhiều người xưng nhận là môn đồ của Đấng Christ, nhưng họ tích cực phủ nhận Phao-lô và sự giảng dạy của ông. Đối với họ, sách Công Vụ Các Sứ Đồ và các thư tín của Phao-lô trong Tân Ước không phải là Thánh Kinh.

Danh từ “sự khoe mình” (G2745) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh cũng có nghĩa là sự vinh quang hoặc sự vui mừng. Có thể dịch diễn ý là: “sự vui mừng khoe mình về sự vinh quang”.

“Trong ngày của Đức Chúa Jesus” là trong ngày Đức Chúa Jesus trở lại giữa chốn không trung để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng với Ngài. Trong ngày đó, Đức Chúa Jesus sẽ ban thưởng cho mỗi người tùy theo mỗi việc làm. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là thành quả sự phụng sự Chúa của Phao-lô và các bạn của ông. Chúa sẽ ban thưởng cho Phao-lô và các bạn của ông, nên Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là sự vui mừng khoe mình về sự vinh quang đối với họ. Đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì Phao-lô và các bạn của ông là sự vui mừng khoe mình về sự vinh quang của Hội Thánh. Vì nhờ sự giảng dạy của họ mà Hội Thánh nhận biết lẽ thật, sống theo lẽ thật, được sự ban thưởng của Chúa cho sự trung tín sống theo Lời Chúa của Hội Thánh.

15 Bởi lòng tin cậy đó, trước đây, tôi đã muốn đến với các anh chị em để cho các anh chị em được ơn lần thứ nhì;

16 trải qua nơi của các anh chị em, vào trong xứ Ma-xê-đoan; từ Ma-xê-đoan trở lại với các anh chị em; rồi bởi nơi của các anh chị em được đưa đến xứ Giu-đê.

“Bởi lòng tin cậy đó” có nghĩa bởi lòng tin cậy vào điều Phao-lô vừa trình bày trong câu 14. Tin cậy rằng, Phao-lô và các bạn của ông là sự vui mừng khoe mình về sự vinh quang của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô; và ngược lại.

“Được ơn lần thứ nhì” có nghĩa sự đến của Phao-lô sẽ là lần thứ nhì Phao-lô đến Cô-rinh-tô, sau khi ông đã đến lần thứ nhất và ở đó gần hai năm.

“Trước đây” là thời điểm trước khi Phao-lô đi đến xứ Ma-xê-đoan và viết thư II Cô-rinh-tô. Trong thư I Cô-rinh-tô 16:5-7, Phao-lô có nói đến việc ông dự định sẽ đến Cô-rinh-tô và ở lại một thời gian với Hội Thánh, sau khi ông ghé qua Ma-xê-đoan. Nhưng có lẽ trước khi lên đường, Phao-lô lại có ý đến Cô-rinh-tô trước rồi mới từ Cô-rinh-tô vào xứ Ma-xê-đoan. Sau khi viếng thăm con dân Chúa trong xứ Ma-xê-đoan thì Phao-lô sẽ về lại Cô-rinh-tô một lần nữa, và ở lại đó cho tới khi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đưa ông đến xứ Giu-đê. Như vậy, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô sẽ được ông thăm viếng hai lần trong cùng một chuyến đi, mà mỗi lần Phao-lô ghé thăm là một lần ông đem ơn Chúa đến cho Hội Thánh.

Cách nói “được đưa đến” có ý nói là Hội Thánh tại Cô-rinh-tô sẽ thu xếp phương tiện và lộ phí cho cuộc hành trình của Phao-lô.

17 Tôi quyết định như vậy, có phải tôi hành xử thiếu thận trọng? Hoặc điều mà tôi quyết định tôi quyết định theo xác thịt, khiến cho nơi tôi có thể là sự phải phải và sự không không? [Khi thì cho là phải, khi thì cho là không.]

Cách nói “nơi người ấy là sự phải phải và sự không không” trong tiếng Hy-lạp gần giống như cách nói “người ba phải” trong tiếng Việt. Đó là cách nói dùng để chỉ người không có ý quyết đoán, cùng một sự việc mà lúc thì cho là phải, lúc thì cho là không.

Trong I Cô-rinh-tô 16:5, Phao-lô cho biết, ông dự định sẽ ghé thăm Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, sau khi ông đến Ma-xê-đoan. Trước khi khởi hành thì Phao-lô lại muốn đến Cô-rinh-tô trước rồi mới đến Ma-xê-đoan, rồi lại từ Ma-xê-đoan về lại Cô-rinh-tô thêm một lần nữa. Nhưng khi khởi hành thì Phao-lô lại theo dự định đã viết trong I Cô-rinh-tô 16:5. Như vậy, Phao-lô đã hai lần thay đổi ý định, khiến cho người ta có thể nghĩ là Phao-lô quyết định theo cái thích của xác thịt, không có sự soi dẫn của Chúa, chẳng khác nào một người ba phải.

18 Nhưng Đức Chúa Trời là thành tín, lời của chúng tôi với các anh chị em chẳng phải là vừa phải, vừa không.

Đức Chúa Trời là thành tín nên lời nói của con dân Ngài cũng phải chân thật. Phao-lô là con dân Chúa mà còn là sứ đồ của Chúa cho nên không thể nào có lời nói “ba phải” với anh chị em cùng Cha của mình.

19 Con của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jesus Christ, đã được rao giảng giữa các anh chị em bởi chúng tôi, bởi tôi, Si-la, và Ti-mô-thê, chẳng phải là vừa phải, vừa không. Nhưng trong Ngài là phải.

Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê đã rao giảng Tin Lành, tức rao giảng về Đức Chúa Jesus Christ cho dân chúng tại thành Cô-rinh-tô. Đức Chúa Jesus Christ là Lẽ Thật (Giăng 14:6), trong miệng Ngài không có sự gian trá (I Phi-e-rơ 2:22). Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê là những người rao giảng về Đấng Chân Thật nên họ phải là những người chân thật. Ngày nay, có nhiều người rao giảng một Jesus giả, một Christ giả nên họ cũng là những kẻ không chân thật. Những kẻ ấy là những giáo sư giả, những tiên tri giả mạo nhận danh Chúa, hầu việc cho Sa-tan và cho cái bụng của họ: tham lam, kiêu ngạo, tà dâm, thần tượng hóa chính mình.

“Vì những kẻ như vậy là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, vì chính Sa-tan giả dạng thành thiên sứ của sự sáng. Vậy nên, chẳng có gì là vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó giả dạng như những người giúp việc của sự công bình. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ xứng với những việc làm của chúng nó.” (II Cô-rinh-tô 11:13-15).

“Sự cuối cùng của họ là sự hư mất; Đức Chúa Trời của họ là cái bụng của họ; sự vinh quang ở trong sự hổ thẹn của họ; họ chỉ tư tưởng những sự thuộc về thế gian.” (Phi-líp 3:19).

Nhìn vào cách hành xử của họ con dân chân thật của Chúa biết ngay, họ là những kẻ giả hình. Từ gần 2.000 năm trước, Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh đã cảnh cáo con dân Chúa về những kẻ ấy (Ma-thi-ơ 7:15; 24:11, 24; Mác 13:22; II Phi-e-rơ 2:1; I Giăng 4:1).

20 Vì mọi lời hứa của Thiên Chúa ở trong Ngài là sự phải. Và trong Ngài là sự a-men cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bởi chúng tôi.

“Mọi lời hứa của Thiên Chúa ở trong Ngài là sự phải” có nghĩa là mọi lời hứa của Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong Đức Chúa Jesus Christ đều là sự chân thật. Mỗi một lời hứa sẽ được hiện thực khi thời điểm đến.

Từ ngữ “a-men” là một phân từ nhưng trong câu này có mạo từ xác định đứng trước, tạo thành danh từ, có nghĩa là sự chân thật. Trong Khải Huyền 3:14, Đức Chúa Jesus Christ tự xưng Ngài là Đấng A-men, có nghĩa, Ngài là Đấng Chân Thật. Trong Đấng Christ có sự a-men là trong Đấng Christ có sự chân thật; vì Ngài là Đấng Chân Thật. Sự chân thật trong Đấng Christ chiếu ra sự vinh quang của Đức Chúa Trời, bởi sự rao giảng của các sứ đồ. Nói cách khác, Đấng Christ chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Đức Chúa Trời qua nếp sống và mọi lời giảng dạy của Ngài. Đấng Christ được các sứ đồ rao giảng cho muôn dân nên sự vinh quang của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ được các sứ đồ làm cho chiếu ra, đến nhiều người.

21 Đấng làm cho bền vững chúng tôi với các anh chị em trong Đấng Christ, đã xức dầu cho chúng ta, là Thiên Chúa;

22 Đấng cũng đóng ấn chúng ta và ban sự bảo chứng của Đấng Thần Linh trong lòng của chúng ta.

“Làm cho bền vững” là thiết lập một cách vững vàng, chắc chắn. Làm cho bền vững trong Đấng Christ là tháp vào trong Đấng Christ một cách chắc chắn và vững vàng, khiến cho nên một với Đấng Christ.

“Đã xức dầu” là đã ban cho đầy dẫy thánh linh, ban cho địa vị làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua với đầy đủ thẩm quyền và năng lực từ Thiên Chúa.

Đấng làm cho bền vững và xức dầu con dân Chúa chính là Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa.

Đức Chúa Trời cũng đã đóng ấn của Ngài trên mỗi con dân Chúa, để xác nhận họ đã thuộc về Ngài. Hành động đóng ấn cũng nói đến sự Đức Chúa Trời che chở, giấu kín con dân Chúa trong tình yêu và ân điển của Ngài, trong sức toàn năng của Ngài.

Đức Chúa Trời ban cho con dân Chúa sự hiện diện của Đấng Thần Linh trong lòng họ với danh xưng Đức Thánh Linh. Sự hiện diện của Đức Thánh Linh với bảy phương diện mục vụ của Ngài trong đời sống của con dân Chúa chính là sự bảo chứng họ đã thuộc về Chúa và ở trong sự cứu rỗi của Ngài.

Bảy phương diện mục vụ của Đức Thánh Linh trong mỗi con dân Chúa là:

1. Đức Thánh Linh an ủi: Giăng 14:16.

2. Đức Thánh Linh giảng dạy: Giăng 14:26; 16:13-15.

3. Đức Thánh Linh hướng dẫn: Giăng 16:13a; Rô-ma 8:14.

4. Đức Thánh Linh cáo trách về tội lỗi: Giăng 16:8.

5. Đức Thánh Linh làm chứng: Rô-ma 8:16; Ê-phê-sô 1:13, 4:30; I Giăng 5:9.

6. Đức Thánh Linh cầu thay: Rô-ma 8:26-27.

7. Đức Thánh Linh ban ân tứ: I Cô-rinh-tô 12:1-11.

Là con dân chân thật của Chúa, tức là thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì luôn kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Thánh Linh và mục vụ của Ngài.

23 Tôi kêu cầu Đức Chúa Trời, xin chứng tích trên linh hồn của tôi rằng, vì khoan hồng cho các anh chị em mà tôi chưa đến Cô-rinh-tô.

Danh từ “chứng tích” (G3144) vừa có nghĩa là nhân chứng, vừa có nghĩa là vật chứng, với nghĩa rộng là người chịu chết vì không chối bỏ đức tin nơi Chúa.

“Xin chứng tích trên linh hồn” có nghĩa là xin ban cho một dấu hiệu làm chứng trên mạng sống. Danh từ linh hồn được dùng trong trường hợp này mang nghĩa là mạng sống. Hoặc là mạng sống được giữ lại nếu lời nói đúng với sự thật; hoặc là mạng sống bị cất đi nếu lời nói không đúng với sự thật.

Động từ “khoan hồng” (G5339) có nghĩa là giảm miễn hình phạt.

Phao-lô đã kêu cầu với Đức Chúa Trời, xin Ngài cất đi mạng sống của ông, nếu lời nói của ông không đúng với sự thật. Nói cách khác, Phao-lô kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng nhân cho ông về lời mà ông sẽ nói kế tiếp. Sự thật là Phao-lô vì muốn giảm miễn sự quở trách con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về những sự sai trái của họ, nên ông thay đổi dự định đến thăm họ sớm hơn và thăm họ hai lần. Phao-lô muốn chờ cho họ ăn năn những sai trái của họ, rồi ông mới đến thăm họ.

24 Không phải vì chúng tôi cai trị đức tin của các anh chị em, nhưng chúng tôi là những người giúp cho sự vui mừng của các anh chị em, vì bởi đức tin các anh chị em đứng vững.

Mặc dù Phao-lô và các bạn của ông có thẩm quyền của Đức Chúa Trời ban cho trong sự cai trị Hội Thánh tại Cô-rinh-tô; nhưng ông không dùng thẩm quyền đó để khoan hồng cho những sự sai trái của họ. Trái lại, ông khoan hồng cho họ vì ông chỉ muốn cho họ được vui mừng trong sự kịp thời ăn năn và sửa lỗi. Phao-lô dùng tình yêu để khoan hồng. Họ đứng vững trong nếp sống mới hay không không phải do sự nghiêm khắc trách phạt của ông và các bạn của ông; nhưng do chính đức tin của họ.

Thật vậy, một người không thật sự có đức tin nơi Chúa thì quở trách, sửa phạt nghiêm khắc như thế nào cũng chỉ là vô ích.

Sự khoan hồng lớn nhất đối với người phạm lỗi, phạm tội là cho người ấy có cơ hội ăn năn để người ấy được chính Đức Chúa Trời tha thứ và phục hồi.

II Cô-rinh-tô 2:1-4

1 Vậy, chính tôi đã tự quyết định rằng, tôi sẽ không trở lại với các anh chị em trong sự đau buồn.

2 Vì nếu tôi làm cho các anh chị em buồn rầu thì ai là người làm cho tôi vui nếu không phải người đã bị buồn rầu vì tôi?

Sự tự quyết định của Phao-lô lần này là quyết định không đến thăm Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, trước khi đến Ma-xê-đoan. Lý do là ông không muốn đến Cô-rinh-tô trong tâm trạng đau buồn vì những sự sai trái vẫn đang xảy ra trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Phao-lô cũng không muốn sự có mặt của ông dẫn đến sự thi hành kỷ luật, khiến cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cũng bị đau buồn. Phao-lô muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô có thời gian ăn năn và sửa đổi trước khi ông đến. Như vậy, khi Phao-lô đến thăm thì cả Phao-lô lẫn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đều sẽ được vui mừng.

Qua sự việc Phao-lô hai lần thay đổi ý định về việc đến thăm Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, chúng ta rút ra được bài học sau đây:

  • Có những chương trình, ý định trong mục vụ cần thay đổi, khi hoàn cảnh thay đổi. Sự thay đổi nếu có cũng phải dựa trên các nguyên tắc của Thánh Kinh: có ích lợi, có xây dựng, và vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:23, 31).
  • Là con dân Chúa chúng ta tránh tối đa việc làm cho anh chị em cùng Cha của mình bị buồn rầu. Cho dù anh chị em cùng Cha có lỗi thì chúng ta cũng dành thời gian cho họ nhận lỗi và ăn năn.
  • Nếu trong Hội Thánh có ai đó sai trái, lầm lỗi thì là sự đau buồn chung cho cả Hội Thánh. Nhưng nếu người làm sai, phạm lỗi biết ăn năn thì đó sẽ là sự vui mừng chung cho cả Hội Thánh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng, sự yêu thương và cho cơ hội để người phạm tội ăn năn không có nghĩa là để cho người ấy tiếp tục làm ra tội. Nếu một người bị quở trách về sự phạm tội mà vẫn tiếp tục phạm tội thì Hội Thánh cần phải dứt thông công người ấy ngay.

3 Tôi đã viết cho các anh chị em như thế, để khi tôi đến, tôi sẽ không có sự buồn rầu bởi những người lẽ ra khiến tôi vui mừng. Tôi tin cậy nơi hết thảy các anh chị em rằng, sự vui mừng của tôi là sự vui mừng của hết thảy các anh chị em.

“Viết cho các anh chị em như thế” là viết những gì đã được viết từ 1:12 đến 2:2.

Phao-lô muốn rằng, khi ông đến Cô-rinh-tô thì con dân Chúa tại Cô-rinh-tô sẽ là những người làm cho ông được vui mừng, chứ không là những người làm cho ông bị buồn rầu. Phao-lô cũng có lòng tin rằng, những gì khiến cho ông được vui mừng cũng là những gì khiến cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được vui mừng. Phao-lô được vui mừng khi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô tin kính Chúa, vâng phục sự dạy dỗ của ông, sớm biết ăn năn khi được chỉ ra những lầm lỗi, sai trái. Con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cũng vui chung niềm vui của Phao-lô, khi được Chúa dùng Phao-lô để thánh hóa họ và ban phước cho họ.

4 Vì từ cơn khốn khổ lớn và tấm lòng quặn thắt mà tôi đã viết cho các anh chị em với nhiều nước mắt. Chẳng phải để cho các anh chị em bị đau buồn nhưng để cho các anh chị em biết tình yêu mà tôi có dư dật đối với các anh chị em.

Sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, sự Hội Thánh bị giáo sư giả và tiên tri giả lũng đoạn là nguyên cớ gây ra sự khốn khổ lớn trong Phao-lô. Phao-lô đau đớn trong lòng vô cùng và ông đã phải khóc nhiều, khi thư II Cô-rinh-tô được viết ra. Mục đích của Phao-lô khi viết thư II Cô-rinh-tô không phải để quở trách nặng nề con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, khiến cho họ bị đau buồn. Nhưng Phao-lô muốn thể hiện cho họ biết rằng, ông yêu họ vô cùng và chỉ muốn cho họ sống đẹp lòng Chúa, sớm ăn năn những gì sai nghịch Lời Chúa. Tình yêu của Phao-lô dành cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là dư dật và đến từ Chúa. Chính vì thế mà lời quở trách ông dành cho họ cũng rất là nghiêm khắc.

Qua những lời tâm tình của Phao-lô trong II Cô-rinh-tô 1:12-2:4 mà chúng ta cảm nhận được tình yêu tha thiết của Đấng Christ đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, được thể hiện qua sứ đồ của Ngài. Chúng ta học biết rằng, người chăn dắt con dân Chúa phải yêu bầy chiên của Chúa cách chân thật bằng chính tình yêu của Ngài. Nỗi đau của Phao-lô về Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cũng chính là nỗi đau của Đấng Christ. Sự khoan hồng của Phao-lô đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cũng chính là sự khoan hồng của Đấng Christ. Là con dân Chúa, chúng ta phải hành xử trong sự đơn sơ và thanh sạch của Thiên Chúa với tất cả mọi người. Mỗi việc lành chúng ta làm ra trong danh Chúa chính là chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa trong thế gian. Kết quả của những việc lành đó sẽ là sự vinh quang của chúng ta trong đời sau.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/08/2020

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Mơ Khúc Tương Phùng”
https://karaokethanhca.net/long-mo-khuc-tuong-phung/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: http://www.tt2012.thanhkinhvietngu.net/bible.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.