Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL025 Đức Chúa Jesus và Người Đàn Bà Sa-ma-ri – Phần 1

531 views

YouTube: https://youtu.be/DJ5mvQhCwMU

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL025 Đức Chúa Jesus và Người Đàn Bà Sa-ma-ri – Phần 1
Ma-thi-ơ 4:12; Mác 1:14-15; Lu-ca 3:19-20;
Giăng 4:1-27

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 4:12

12 Khi Đức Chúa Jesus đã nghe rằng, Giăng đã bị tù, thì Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê.

Mác 1:14-15

14 Sau khi Giăng đã bị tù, Đức Chúa Jesus đã đến trong xứ Ga-li-lê, giảng Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

15 Ngài phán: Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.

Lu-ca 3:19-20

19 Hê-rốt, vua chư hầu, đã bị cáo buộc bởi người về Hê-rô-đia, vợ của Phi-líp, em mình; và về mọi điều ác mà Hê-rốt đã làm;

20 đã thêm điều này trên mọi điều, là đã nhốt Giăng trong tù.

Giăng 4:1-27

1 Vậy, khi Chúa đã biết, những người Pha-ri-si đã nghe rằng, Đức Chúa Jesus đã làm báp-tem và lập nhiều môn đồ hơn Giăng,

2 (mặc dù chính Đức Chúa Jesus không làm báp-tem nhưng các môn đồ của Ngài,)

3 Ngài đã lìa xứ Giu-đê và trở về lại trong xứ Ga-li-lê.

4 Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri.

5 Vậy, Ngài đến trong một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần mảnh đất mà Gia-cốp đã cho con của mình là Giô-sép.

6 Tại đó, có cái giếng của Gia-cốp. Mỏi mệt vì chuyến đi nên Đức Chúa Jesus đã ngồi bên giếng. Bấy giờ là vào khoảng giờ thứ sáu. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ sáu bắt đầu vào khoảng 11 giờ trưa.]

7 Có một người đàn bà Sa-ma-ri đến, kéo nước. Đức Chúa Jesus phán với bà: Hãy cho Ta uống!

8 (Vì các môn đồ của Ngài đã đi vào trong thành để mua thức ăn.)

9 Vậy, người đàn bà Sa-ma-ri thưa với Ngài: Làm sao ông là một người Do-thái, mà lại xin tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri, cho uống? Vì dân Do-thái không giao tiếp với dân Sa-ma-ri. [Dân Do-thái xem khinh dân Sa-ma-ri vì dân Sa-ma-ri là những con lai giữa dân Do-thái và các giống dân khác.]

10 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, phán với bà: Nếu ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói với ngươi: “Hãy cho Ta uống” là ai, thì ngươi sẽ muốn xin Ngài và Ngài sẽ cho ngươi nước sống.

11 Người đàn bà thưa với Ngài: Hỡi Chúa! Ngài không có gì để kéo, và giếng thì sâu; vậy, từ nơi đâu Ngài có nước sống?

12 Ngài lớn hơn tổ phụ của chúng tôi là Gia-cốp sao? Người đã cho chúng tôi giếng này. Chính mình người cùng những con cháu của người và những súc vật của người cũng đã uống từ nó.

13 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, phán với bà: Ai uống từ nước này sẽ lại khát.

14 Nhưng bất cứ ai uống từ nước mà Ta sẽ ban cho người ấy thì sẽ chẳng bao giờ khát nữa. Nhưng nước mà Ta sẽ ban cho người ấy sẽ thành một nguồn nước trong người ấy, tuôn trào vào trong sự sống vĩnh cửu.

15 Người đàn bà thưa với Ngài: Lạy Chúa! Xin cho tôi nước ấy để tôi không khát nữa, cũng không đến đây kéo nước nữa.

16 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hãy đi! Gọi chồng của ngươi, rồi đến đây.

17 Người đàn bà đã đáp lời, thưa rằng: Tôi không có chồng. Đức Chúa Jesus phán với bà: Ngươi nói, tôi không có chồng, là phải lắm.

18 Vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng của ngươi. Ngươi thành thật khi nói như vậy.

19 Người đàn bà thưa với Ngài: Lạy Chúa! Tôi nhận biết rằng, Ngài là một tiên tri.

20 Các tổ phụ của chúng tôi đã thờ phượng trong núi này; còn các Ngài thì nói rằng, Giê-ru-sa-lem là nơi cần thiết để thờ phượng.

21 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi đàn bà! Hãy tin Ta! Rằng giờ đã đến, khi các ngươi thờ phượng Đức Cha, chẳng trong núi này cũng chẳng trong thành Giê-ru-sa-lem.

22 Các ngươi thờ phượng sự các ngươi không biết. Chúng ta biết sự chúng ta thờ phượng. Vì sự cứu rỗi là từ dân Do-thái.

23 Nhưng giờ đã đến và là bây giờ, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Đức Cha trong thần trí và trong lẽ thật. Vì Đức Cha thật tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy.

24 Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật. [Hoặc dịch: Đức Chúa Trời là Linh. Danh từ πνευμα dùng tại đây không có mạo từ xác định nên chỉ về bản thể thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Xin tham khảo: http://www.thanhkinhvietngu.net/loi-gioi-thieu-ve-thanh-kinh-viet-ngu-ban-dich-ngoi-loi/.]

25 Người đàn bà thưa với Ngài: Tôi biết rằng, Đấng Mê-si-a, gọi là Christ, sẽ đến. Khi Ngài đã đến, Ngài sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta.

26 Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là! Đấng đang phán với ngươi. [Ta là Đấng Mê-si-a, đang phán với ngươi.]

27 Vừa lúc đó, các môn đồ của Ngài đã đến và ngạc nhiên rằng, Ngài đã nói chuyện với người đàn bà; nhưng chẳng ai đã hỏi: Ngài tìm gì? Hay: Sao Ngài nói chuyện với bà ấy?

https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/03/IroraenVaoTheKyThuNhat.jpg

Dân Sa-ma-ri ra từ dân I-sơ-ra-ên, họ là con cháu của những người I-sơ-ra-ên kết hôn với các dân ngoại, tập trung sống với nhau trong vùng đất Sa-ma-ri nên được gọi là dân Sa-ma-ri. Theo lịch sử do người Sa-ma-ri viết thì họ là con cháu của hai chi phái Ép-ra-im và Ma-na-se. Cả hai Ép-ra-im và Ma-na-se đều là con của Giô-sép. Vào thời của Đức Chúa Jesus, dân số Sa-ma-ri lên đến vài trăm ngàn người, nhưng hiện nay, chỉ còn không đến một ngàn người [1]. Vùng đất Sa-ma-ri nằm vào khoảng giữa của lãnh thổ I-sơ-ra-ên, phía bắc tiếp giáp xứ Ga-li-lê và phía nam tiếp giáp xứ Giu-đê. Dân I-sơ-ra-ên khinh rẻ và gớm ghiếc dân Sa-ma-ri, cho rằng, dân Sa-ma-ri là ô uế và theo tà giáo; vì dân Sa-ma-ri không thuần chủng và tự xây cất Đền Thờ Thiên Chúa để thờ phượng Ngài trên Núi Ga-ri-xim. Dân Sa-ma-ri có bộ Ngũ Kinh do chính họ sao chép bằng tiếng Hê-bơ-rơ, nội dung không khác gì nhiều so với bộ Ngũ Kinh của dân Do-thái. Ngày nay, sự kỳ thị của dân I-sơ-ra-ên đối với dân Sa-ma-ri đã giảm đi rất nhiều. Dân Sa-ma-ri đã mở ra nhiều nhà hội trong lãnh thổ của I-sơ-ra-ên. Nhiều cộng đồng I-sơ-ra-ên giao tiếp với các cộng đồng nhỏ bé Sa-ma-ri và chấp nhận họ như là một thành phần của I-sơ-ra-ên. Chính những người Sa-ma-ri cũng nhận rằng, họ là người Sa-ma-ri gốc I-sơ-ra-ên.

Sự kiện Đức Chúa Jesus quyết định đi ngang qua xứ Sa-ma-ri để về lại xứ Ga-li-lê chắc chắn là nằm trong ý định của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Lành tại Giê-ru-sa-lem trong suốt các ngày lễ hội của các Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, và Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Sau đó, Ngài đã rao giảng trong các vùng thuộc xứ Giu-đê. Kế tiếp, Ngài muốn rao giảng cho dân Sa-ma-ri, trước khi rao giảng trong các vùng đất khác của I-sơ-ra-ên.

Trong mệnh lệnh cuối cùng, truyền cho các môn đồ trước khi thăng thiên, Ngài cũng đã bảo họ làm chứng nhân cho Ngài tại Giê-ru-sa-lem, tại cả xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, rồi mới đến tận cùng của trái đất (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8).

Vào thời của Đức Chúa Jesus, sự kỳ thị giữa dân I-sơ-ra-ên và dân Sa-ma-ri rất là nghiêm trọng. Người I-sơ-ra-ên đi qua vùng đất Sa-ma-ri có thể sẽ bị đánh và bị cướp. Chỉ có các đoàn thương buôn đông người với sự hộ tống của các vệ sĩ mới dám đi ngang vùng đất Sa-ma-ri. Khi dân I-sơ-ra-ên có việc cần đi lại giữa xứ Giu-đê và xứ Ga-li-lê thì họ chọn đi vòng, hoặc là đi dọc theo sông Giô-đanh ở phía đông, một lộ trình không có các khu định cư của dân Sa-ma-ri; hoặc là đi dọc theo miền duyên hải ở phía tây, là lộ trình thường có sự di chuyển của quân lính La-mã. Lý do đi vòng không chỉ là để được an toàn hơn, mà còn là vì dân I-sơ-ra-ên gớm ghiếc dân Sa-ma-ri, không muốn đến gần dân Sa-ma-ri.

Sự Đức Chúa Jesus chọn đi thẳng vào giữa vùng đất Sa-ma-ri có lẽ đã làm cho các môn đồ của Ngài có chút xao động, nhưng vì họ được chứng kiến các phép lạ Ngài đã làm ra, nên họ đã không nói gì.

Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca chỉ ghi lại cách vắn tắt về sự Đức Chúa Jesus rời xứ Giu-đê để vào xứ Ga-li-lê, sau khi Ngài nghe tin Giăng Báp-tít bị Vua Hê-rốt nhốt tù. Nhưng Sứ Đồ Giăng đã ghi lại cuộc hội ngộ kỳ thú giữa Ngài và một người đàn bà Sa-ma-ri, bên giếng nước Gia-cốp, khi Ngài đi ngang qua xứ Sa-ma-ri để về lại xứ Ga-li-lê. Cuộc hội ngộ đó đã khiến cho dân Sa-ma-ri tại thành Si-kha tin nhận Tin Lành. Sau khi Hội Thánh được thành lập tại Giê-ru-sa-lem và bị dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo bách hại, Chấp Sự Phi-líp cũng đã đến Sa-ma-ri, rao giảng Tin Lành trong thành Sa-ma-ri, khiến cho cả thành đều tin nhận Tin Lành.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa các câu Thánh Kinh liên quan chuyến đi của Đức Chúa Jesus vào đất Sa-ma-ri.

Ma-thi-ơ 4:12

12 Khi Đức Chúa Jesus đã nghe rằng, Giăng đã bị tù, thì Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê.

Mác 1:14-15

14 Sau khi Giăng đã bị tù, Đức Chúa Jesus đã đến trong xứ Ga-li-lê, giảng Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

15 Ngài phán: Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.

Lu-ca 3:19-20

19 Hê-rốt, vua chư hầu, đã bị cáo buộc bởi người về Hê-rô-đia, vợ của Phi-líp, em mình; và về mọi điều ác mà Hê-rốt đã làm;

20 đã thêm điều này trên mọi điều, là đã nhốt Giăng trong tù.

Giăng 4:1-3

1 Vậy, khi Chúa đã biết, những người Pha-ri-si đã nghe rằng, Đức Chúa Jesus đã làm báp-tem và lập nhiều môn đồ hơn Giăng,

2 (mặc dù chính Đức Chúa Jesus không làm báp-tem nhưng các môn đồ của Ngài,)

3 Ngài đã lìa xứ Giu-đê và trở về lại trong xứ Ga-li-lê.

Qua các câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta biết rằng, Đức Chúa Jesus đã rời xứ Giu-đê để về lại xứ Ga-li-lê, sau khi Ngài nghe tin Giăng Báp-tít bị tù. Giăng Báp-tít bị tù là vì ông đã cáo buộc Vua Hê-rốt ngoại tình cùng em dâu, nên bị vua bắt giam, có lẽ với mục đích không cho Giăng Báp-tít tự do rêu rao về tội lỗi của vua. Ngoài ra, Đức Chúa Jesus còn được biết việc những người Pha-ri-si đã nghe tin đồn rằng, Ngài đã làm báp-tem cho nhiều người và có nhiều môn đồ hơn Giăng Báp-tít.

Chúng ta có thể hiểu rằng, sự Đức Chúa Jesus rời xứ Giu-đê, về lại xứ Ga-li-lê là để tránh sự bách hại không cần thiết có thể xảy ra. Gọi là sự bách hại không cần thiết vì nó không nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Có những sự Đức Chúa Trời không muốn cho nó xảy ra cho chúng ta, nhưng nếu chúng ta muốn, thì Ngài vẫn có thể cho phép nó xảy ra. Dĩ nhiên, kèm theo đó là những đau buồn, khốn khổ mà Đức Chúa Trời không muốn cho chúng ta gánh chịu. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Toàn Tri nên Ngài biết trước mọi điều. Ngài biết con đường nào là tốt đẹp cho chúng ta và con đường nào là đau khổ cho chúng ta. Ngài luôn luôn ban cho chúng ta điều gì là tốt đẹp nhất đối với chúng ta. Nhưng với con mắt xác thịt của loài người, với tâm trí chỉ nghĩ đến những việc thuộc thể, nhiều khi chúng ta ham muốn, rồi cầu xin Đức Chúa Trời những điều mà Đức Chúa Trời vốn muốn cho chúng ta được tránh khỏi. Vì trước mắt chúng ta, chúng ta thấy sự mà chúng ta muốn đó là tốt đẹp cho chúng ta. Chúa tôn trọng quyền tự do Ngài đã ban cho chúng ta nên Chúa chấp nhận sự cầu xin đó của chúng ta. Chúng ta hãy ghi nhớ sự việc dân I-sơ-ra-ên cầu xin cho có vua. Đức Chúa Trời không định rằng, sẽ dùng vua để cai trị dân I-sơ-ra-ên. Nhưng khi dân I-sơ-ra-ên cầu xin cho có vua thì Ngài đã bằng lòng ban cho họ có vua. Ngài đã sắp xếp cho họ có được một vua tốt chừng nào hay chừng nấy. Ngài đã tìm người tốt nhất trong I-sơ-ra-ên để làm vua của họ. Nhưng khi đọc qua lịch sử của dân I-sơ-ra-ên thì chúng ta thấy, họ đã khốn khổ như thế nào, kể từ khi họ không muốn Đức Chúa Trời cai trị họ mà muốn vua cai trị họ.

Đức Chúa Jesus đã rao giảng Tin Lành tại Giê-ru-sa-lem, rao giảng trong các vùng của xứ Giu-đê, giờ đây, là thời điểm để Ngài rao giảng Tin Lành tại xứ Sa-ma-ri, trước khi Ngài giảng tại các nơi khác.

Mác 1:15 là lời tóm gọn về Tin Lành mà Đức Chúa Jesus rao giảng: “Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.”

Kỳ đã trọn” là thời kỳ của Giao Ước Cũ đã kết thúc, và thời kỳ của Giao Ước Mới đã mở ra. Trong Giao Ước Cũ, ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời thì sẽ bị luật pháp của Ngài lên án chết. Trong Giao Ước Mới, ai đã bị luật pháp của Đức Chúa Trời lên án, nếu ăn năn và tin nhận Tin Lành thì sẽ được thoát khỏi sự hình phạt của luật pháp. Tin Lành là tin tức tốt lành về sự Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi loài người, cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần” là bởi vì sau khi Đức Chúa Jesus hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại, Hội Thánh được thành lập, thì Vương Quốc Trời cũng đến ngay, trong lòng của những ai tin nhận Tin Lành. Vương Quốc Trời đã đến trong giai đoạn thứ nhất, trong lòng những ai tin nhận Tin Lành, khoảng hai năm sau khi Đức Chúa Jesus bắt đầu rao giảng Tin Lành. Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe ba bài giảng về Vương Quốc Trời trên khu mạng timhieutinlanh.com [2], [3], [4].

Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành” là điều kiện để được vào trong Vương Quốc Trời. Sẽ đến thời kỳ Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian. Những ai không ăn năn tội, không tin nhận Tin Lành về sự cứu rỗi của Ngài, thì Đấng Christ sẽ diệt họ khỏi đất. Sự kiện đó sẽ xảy ra vào một ngày không còn lâu nữa, sau Kỳ Tận Thế. Liền sau đó, Đấng Christ sẽ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất. Khi ấy, các tầng trời và đất sẽ được phục hồi mới lại như buổi đầu của sự sáng thế. Những người tin nhận Tin Lành trong Kỳ Tận Thế cùng với các thánh đồ của Thiên Chúa trước thời Tân Ước và những người tử Đạo trong Kỳ Tận Thế, lúc ấy đã được sống lại, sẽ cùng nhau bước vào trong Vương Quốc Ngàn Năm. Hội Thánh cũng sẽ có mặt đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm. Nhưng có lẽ khi ấy Hội Thánh sẽ cai trị các thiên hà trong vũ trụ, còn các quốc gia trên đất sẽ do các thánh đồ thời Cựu Ước và các thánh đồ tử Đạo trong Kỳ Tận Thế cai trị. Dĩ nhiên, con dân Chúa trong Hội Thánh cũng vẫn chung vui với Đấng Christ trên đất, trong thời kỳ ngàn năm đó.

Tiếp theo đây là phần chú giải Giăng 4:4-27:

4 Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri.

5 Vậy, Ngài đến trong một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần mảnh đất mà Gia-cốp đã cho con của mình là Giô-sép.

Vì xứ Sa-ma-ri nằm chính giữa xứ Ga-li-lê và xứ Giu-đê nên sự di chuyển từ Giu-đê đến Ga-li-lê hoặc ngược lại đều phải đi ngang Sa-ma-ri, trừ khi đi đường biển. Điều khác thường là Đức Chúa Jesus với mấy người môn đồ của Ngài chỉ là một nhóm nhỏ dân Do-thái lại chọn đi thẳng vào Si-kha là thành lớn thứ nhì của dân Sa-ma-ri. Đó là điều mà dân Do-thái thời bấy giờ không bao giờ làm. Vì dân Do-thái khinh và gớm dân Sa-ma-ri, còn dân Sa-ma-ri thì sẵn sàng tấn công dân Do-thái ít người đi vào khu vực của họ.

Gần thành Si-kha có khu đất mà Gia-cốp đã ban cho Giô-sép và Núi Ga-ri-xim, nơi dân Sa-ma-ri đã xây dựng một Đền Thờ Thiên Chúa để thờ phượng Ngài.

6 Tại đó, có cái giếng của Gia-cốp. Mỏi mệt vì chuyến đi nên Đức Chúa Jesus đã ngồi bên giếng. Bấy giờ là vào khoảng giờ thứ sáu. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ sáu bắt đầu vào khoảng 11 giờ trưa.]

7 Có một người đàn bà Sa-ma-ri đến, kéo nước. Đức Chúa Jesus phán với bà: Hãy cho Ta uống!

8 (Vì các môn đồ của Ngài đã đi vào trong thành để mua thức ăn.)

Có lẽ cái giếng của Gia-cốp ở cách thành Si-kha không xa, thời bấy giờ, dân chúng trong thành thường đến đó lấy nước. Ngày nay, về phía đông di tích của thành Si-kha có một cái giếng được cho là giếng của Gia-cốp. Giếng có bề ngang gần ba mét, bề sâu khoảng 40 mét và vẫn còn có nước. Vào thế kỷ thứ tư, một nhà thờ Chính Thống Giáo đã được xây dựng chung quanh giếng; lần tu bổ mới nhất được hoàn tất vào năm 2007. Hiện nay, nơi đó là một trong các khu du lịch danh tiếng. Du khách đến tham quan có thể kéo nước từ giếng.

Khi Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đến tại giếng thì trời đã vào trưa. Có thể ngay trên giếng có một mái che và chung quanh giếng có chỗ ngồi để khách đi đường và người đến lấy nước nghỉ chân. Đức Chúa Jesus mệt mỏi sau mấy tiếng đồng hồ đi đường nên đã ngồi nghỉ chân bên giếng, trong khi các môn đồ của Ngài đã đi vào trong thành để tìm mua thức ăn. Vừa khi đó, có một người đàn bà Sa-ma-ri đến để kéo nước.

Có một số người cho rằng, người đàn bà Sa-ma-ri này là một người có đời sống không tốt, thường bị dân chúng chê cười, nên bà đã một mình giữa trưa đi lấy nước, thay vì đi vào buổi sáng sớm hay buổi chiều mát. Vì trong hai buổi đó có nhiều phụ nữ khác trong thành cùng đi lấy nước; bà không muốn bị họ quấy rầy, châm chọc. Có lẽ họ dựa vào chi tiết bà từng có năm đời chồng và đang sống với một người đàn ông không phải là chồng để nghĩ về bà như vậy. Nhưng cũng có thể ngày hôm đó, nhà của bà đã hết nước để dùng, nên bà phải đi lấy nước vào buổi trưa. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, đây là sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Ngài đã sắp xếp để bà đi lấy nước vào buổi trưa hôm đó, và gặp được Đức Chúa Jesus bên giếng.

Khi Đức Chúa Jesus thấy bà đến kéo nước thì Ngài đã xin bà cho Ngài được uống. Chúng ta có thể hiểu rằng, tại giếng không có gàu để kéo nước mà mỗi người đi lấy nước phải tự đem theo gàu kéo nước. Vì nếu tại giếng có gàu thì các môn đồ của Chúa hay chính Chúa đã tự mình kéo nước lên để uống. Đó cũng là lý do khiến cho người đàn bà Sa-ma-ri nói, Chúa không có gì để kéo nước, trong câu 11.

9 Vậy, người đàn bà Sa-ma-ri thưa với Ngài: Làm sao ông là một người Do-thái, mà lại xin tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri, cho uống? Vì dân Do-thái không giao tiếp với dân Sa-ma-ri. [Dân Do-thái xem khinh dân Sa-ma-ri vì dân Sa-ma-ri là những con lai giữa dân Do-thái và các giống dân khác.]

10 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, phán với bà: Nếu ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói với ngươi: “Hãy cho Ta uống” là ai, thì ngươi sẽ muốn xin Ngài và Ngài sẽ cho ngươi nước sống.

Lời xin được uống nước của Chúa đã khiến cho người đàn bà Sa-ma-ri rất ngạc nhiên. Có lẽ, khi bà đến giếng, nhìn thấy có người đàn ông Do-thái ngồi tại đó thì bà đã ngạc nhiên rồi. Đến khi Chúa nói chuyện với bà thì bà ngạc nhiên hơn. Nhưng lời nói của Chúa lại là xin bà cho uống nước, càng làm cho bà ngạc nhiên. Bởi vì có thể nói, chưa bao giờ bà nhìn thấy người Do-thái nào một mình đi vào xứ Sa-ma-ri, đến gần thành của dân Sa-ma-ri. Bà biết rất rõ, người Do-thái tránh xa, không tiếp xúc, không nói chuyện với người Sa-ma-ri. Bà biết rất rõ, không bao giờ người Do-thái cầu xin một điều gì nơi người Sa-ma-ri. Vì thế, bà đã đáp lời Chúa như đã ghi trong câu 9.

Đức Chúa Jesus đã nhân cơ hội, trực tiếp nói ngay về nhu cầu thuộc linh của người đàn bà Sa-ma-ri, cũng là nhu cầu thuộc linh của toàn thể loài người.

Sự ban cho của Đức Chúa Trời” chính là Tin Lành Cứu Rỗi để loài người được cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi và hậu quả của sự phạm tội.

Người đang nói với bà là Đấng Christ, Đấng mang sự cứu rỗi đến cho loài người, qua sự hy sinh mạng sống của chính Ngài.

Nước sống” là nguồn của sự sống thuộc linh, là sự ban cho của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, là thánh linh ra từ Đức Thánh Linh, như lời giải thích của Sứ Đồ Giăng trong Giăng 7:39. “Nước sống” còn là Lời của Ba Ngôi Thiên Chúa, được phán bởi Đức Chúa Trời, được phán bởi Đức Chúa Jesus Christ, được Đức Thánh Linh thần cảm cho các thánh đồ ghi chép trong Thánh Kinh. Trong suốt thời gian Đấng Christ thi hành linh vụ, mỗi lời dạy dỗ của Ngài đều là nước sống. Sứ Đồ Phi-e-rơ đã tuyên xưng: “Ngài có những lời của sự sống vĩnh cửu” (Giăng 6:68).

11 Người đàn bà thưa với Ngài: Hỡi Chúa! Ngài không có gì để kéo, và giếng thì sâu; vậy, từ nơi đâu Ngài có nước sống?

Người đàn bà Sa-ma-ri đã đi từ sự ngạc nhiên này sang sự ngạc nhiên khác. Sự ngạc nhiên sau lớn hơn sự ngạc nhiên trước. Nhưng bà chưa hiểu “nước sống” Chúa đang nói là nước sống thuộc linh. Tâm trí bà có lẽ đang nghĩ đến “nước sống” là nước chảy ra từ một mạch nước như nước trong giếng. Người I-sơ-ra-ên dùng thuật ngữ “nước sống” để gọi nước đang chảy, để phân biệt với nước bị đọng lại trong một nơi, như ao, hồ.

Có lẽ, bà đã nhìn Chúa rồi nhìn vào giếng sâu, thấy Chúa không có gì để kéo nước, nên bà đã hỏi Chúa như đã được ghi lại trong câu 11. Bà đã quên ngay là trước đó, chính Chúa hỏi xin được uống nước do bà kéo lên, thì “nước sống” mà Ngài nói chắc chắn không phải là nước từ trong giếng.

Tâm trí của loài người thường quá chú trọng đến thế giới vật chất và các nhu cầu vật chất mà không nghĩ đến hoặc không hiểu được những sự và những nhu cầu thuộc linh.

12 Ngài lớn hơn tổ phụ của chúng tôi là Gia-cốp sao? Người đã cho chúng tôi giếng này. Chính mình người cùng những con cháu của người và những súc vật của người cũng đã uống từ nó.

Người đàn bà Sa-ma-ri vẫn tiếp tục luồng suy nghĩ của bà, bà hỏi Chúa như đã được ghi lại trong câu 12.

Chữ “lớn hơn” (G3187) hàm ý, có địa vị, có uy quyền, có năng lực cao trọng hơn. Đối với dân I-sơ-ra-ên và dân Sa-ma-ri, Gia-cốp là tổ phụ đời thứ ba của họ. Gia-cốp là người chúc phước cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên, mà dân Sa-ma-ri cũng thuộc về trong 12 chi phái ấy. Gia-cốp là người đã cho đào giếng nước ấy và để lại cho con cháu của ông. Dân Sa-ma-ri hãnh diện được ở trên vùng đất có giếng Gia-cốp. Cách đó không xa, còn có mộ phần của Gia-cốp. Dân Sa-ma-ri dựa vào nguồn gốc của họ ra từ Gia-cốp để tự hào, họ cũng là con dân của Thiên Chúa.

Đức Chúa Jesus thật sự lớn hơn Gia-cốp, lớn hơn cả Áp-ra-ham là tổ phụ đời thứ nhất của dân I-sơ-ra-ên và dân Sa-ma-ri. Vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên muôn loài.

Người đàn bà Sa-ma-ri cho rằng, khó có ai lớn hơn Gia-cốp để ban “nước sống” cho bà, là thứ mà bà nghĩ rằng, bà đang có.

13 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, phán với bà: Ai uống từ nước này sẽ lại khát.

14 Nhưng bất cứ ai uống từ nước mà Ta sẽ ban cho người ấy thì sẽ chẳng bao giờ khát nữa. Nhưng nước mà Ta sẽ ban cho người ấy sẽ thành một nguồn nước trong người ấy, tuôn trào vào trong sự sống vĩnh cửu.

Đức Chúa Jesus đã không nói ngay cho người đàn bà Sa-ma-ri biết, Ngài là ai. Nhưng nói đến điều mà Ngài có thể làm cho bà và cho toàn thể loài người. Ngài không nói về nhu cầu thuộc thể. Ngài nói về nhu cầu thuộc linh. Rằng, Ngài là Đấng ban cho họ sự sống đời đời, ra từ Thiên Chúa.

Nhu cầu thuộc thể trong đời này cần được cung ứng mỗi ngày để duy trì sự sống của thân thể xác thịt. Nhu cầu thuộc linh về sự được cứu ra khỏi sự chết đời đời, được ban cho sự sống đời đời chỉ cần được ban cho một lần là đủ cả. Khi một người tin nhận Tin Lành, người ấy sẽ được ban cho Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh sẽ ngự trong thân thể của người ấy và tuôn đổ trong người ấy thánh linh của Thiên Chúa. Thánh linh là sức sống và sức mạnh của Thiên Chúa, người nhận lãnh thánh linh được sống đời đời và có sức mạnh vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, hoàn thành những công việc được Đức Chúa Trời giao phó, trong đời này lẫn trong đời sau.

15 Người đàn bà thưa với Ngài: Lạy Chúa! Xin cho tôi nước ấy để tôi không khát nữa, cũng không đến đây kéo nước nữa.

Tâm trí của người đàn bà Sa-ma-ri vẫn chưa hiểu rằng, Đức Chúa Jesus đang nói về nước sống thuộc linh. Bà nghĩ rằng, Chúa nói đến một thứ nước mà sau khi uống vào thì sẽ giúp cho thân thể xác thịt không bao giờ khát nữa. Vì thế, bà xin Chúa ban cho bà nước sống ấy để bà không cần phải đi kéo nước nữa. Dù bà không hiểu nhưng bà tin lời phán của Đức Chúa Jesus. Bà gọi Ngài là “Chúa”, một danh xưng tỏ lòng tôn kính của bà đối với Ngài.

Trong cuộc đời của chúng ta, chắc chắn có những lúc chúng ta cầu xin Chúa trong sự không hiểu hoặc hiểu lầm lời phán của Chúa. Mà lý do là vì chúng ta quá nặng lòng về các nhu cầu và nan đề trong cuộc sống thuộc thể. Chỉ nghĩ đến những sự ban cho của Chúa về phương diện thuộc thể. Dù vậy, Chúa vẫn thương xót, ban ơn tiếp trợ, giải cứu chúng ta và giúp chúng ta qua đó, hiểu đúng Lời của Ngài.

16 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hãy đi! Gọi chồng của ngươi, rồi đến đây.

17 Người đàn bà đã đáp lời, thưa rằng: Tôi không có chồng. Đức Chúa Jesus phán với bà: Ngươi nói, tôi không có chồng, là phải lắm.

18 Vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng của ngươi. Ngươi thành thật khi nói như vậy.

Nhiều người nghĩ rằng, khi Đức Chúa Jesus bảo người đàn bà Sa-ma-ri đi gọi chồng của bà là Ngài đang thử xem bà có trung thực hay không. Nhưng chúng tôi không nghĩ như vậy. Đức Chúa Jesus không cần phải thử ai cả, vì Ngài nhận biết tấm lòng của mỗi người (Giăng 2:25). Tuy nhiên, người đàn bà Sa-ma-ri đã thành thật thưa với Chúa rằng, bà không có chồng.

Đức Chúa Jesus tiếp nhận lời của bà. Vì về phương diện luật pháp thì người đàn ông sống với bà không phải là chồng của bà. Mặc dù đối với Chúa thì họ là vợ chồng, vì họ sống chung với nhau như vợ chồng. Chúa biết rõ, bà đã năm lần có chồng theo luật pháp. Có thể là chồng chết, bà tái giá, có thể là chồng ly dị bà, bà tái giá. Có lẽ người đàn ông đang sống với bà chưa muốn kết hôn với bà.

19 Người đàn bà thưa với Ngài: Lạy Chúa! Tôi nhận biết rằng, Ngài là một tiên tri.

20 Các tổ phụ của chúng tôi đã thờ phượng trong núi này; còn các Ngài thì nói rằng, Giê-ru-sa-lem là nơi cần thiết để thờ phượng.

Người đàn bà Sa-ma-ri lại thêm một ngạc nhiên khác, khi Chúa nói rõ về tình trạng hôn nhân của bà. Vì vậy, bà gọi Ngài là một tiên tri. Danh xưng tiên tri ở đây không hàm ý là người biết trước các việc sẽ xảy ra, mà chỉ có nghĩa là người được Đức Chúa Trời sai đến để qua người ấy, Đức Chúa Trời phán dạy con dân của Ngài. Một tiên tri của Đức Chúa Trời có thể được Ngài tỏ ra cho biết những sự cần biết, những sự đã xảy ra trong quá khứ, hoặc sẽ xảy đến trong tương lai.

Vì bà đã công nhận Đức Chúa Jesus là tiên tri nên bà nói câu kế tiếp để mong Chúa xác nhận, niềm tin của dân Do-thái và niềm tin của dân Sa-ma-ri về nơi thờ phượng Thiên Chúa, niềm tin nào đúng. Vào thời bấy giờ, dân I-sơ-ra-ên và dân Sa-ma-ri chỉ có Thánh Kinh Cựu Ước. Đã hơn 400 năm trôi qua, họ chưa từng thấy có một tiên tri nào được Đức Chúa Trời sai đến để phán dạy họ. Những gì họ nghe được là từ những người giảng dạy trong Do-thái Giáo hoặc trong Sa-ma-ri Giáo. Mỗi bên đều tuyên bố sự dạy dỗ của mình là đúng, nhưng có nhiều điều hai bên dạy mâu thuẫn nhau. Điển hình là sự thờ phượng Thiên Chúa tại nơi nào.

Núi này” mà người đàn bà Sa-ma-ri nói đến là Núi Ga-ri-xim. Đầu thế kỷ thứ năm, trước Công Nguyên, vào khoảng năm 450 TCN đến năm 400 TCN, dân Sa-ma-ri đã xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa trên núi. Nó được tu bổ và nới rộng vào năm 200 TCN. Dân Sa-ma-ri đã nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa tại đó, thay vì đến Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Năm 110 TCN, dân Do-thái đã tiến công xứ Sa-ma-ri và phá hủy hoàn toàn Đền Thờ Thiên Chúa của dân Sa-ma-ri; và nó không hề được xây dựng lại [5], [6]. Tuy nhiên, dân Sa-ma-ri vẫn đến di tích của Đền Thờ để thờ phượng Thiên Chúa.

21 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi đàn bà! Hãy tin Ta! Rằng giờ đã đến, khi các ngươi thờ phượng Đức Cha, chẳng trong núi này cũng chẳng trong thành Giê-ru-sa-lem.

22 Các ngươi thờ phượng sự các ngươi không biết. Chúng ta biết sự chúng ta thờ phượng. Vì sự cứu rỗi là từ dân Do-thái.

Câu trả lời của Đức Chúa Jesus đã khiến cho người đàn bà Sa-ma-ri có thêm một số sự ngạc nhiên nữa. Trước hết, Ngài gọi bà bằng cách gọi lịch sự, tôn trọng mà dân I-sơ-ra-ên dùng để gọi một phụ nữ. Đó là cách gọi: “Hỡi đàn bà”, tương đương với cách gọi “Thưa bà”, trong tiếng Việt. Có lẽ, chưa bao giờ trong cuộc đời của bà, bà được gọi một cách tôn trọng như vậy, nhất là bởi một người đàn ông Do-thái, và nhất là bởi một tiên tri. Kế tiếp, Đức Chúa Jesus gọi Đức Chúa Trời là “Đức Cha”. Đây là điều khác thường trong sự giảng dạy của cả Do-thái Giáo và Sa-ma-ri Giáo. Sau cùng, Ngài cho biết, thời kỳ đã đến, khi dân Sa-ma-ri thờ phượng Đức Chúa Trời không tại Núi Ga-ri-xim cũng không tại thành Giê-ru-sa-lem.

Câu nói: “Các ngươi thờ phượng sự các ngươi không biết”, có nghĩa là người Sa-ma-ri nghĩ rằng, họ thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng thực tế, họ thờ phượng một Đức Chúa Trời mà họ không biết, vì họ không thờ phượng Ngài theo mệnh lệnh của Ngài.

Câu nói: “Chúng ta biết sự chúng ta thờ phượng”, có nghĩa là dân Do-thái biết thờ phượng Đức Chúa Trời theo đúng nghi thức đã được Ngài chỉ định. Đó là thờ phượng Ngài trong Đền Thờ Thiên Chúa, tại Giê-ru-sa-lem, theo các nghi thức đã ghi trong Ngũ Kinh.

Câu nói: “Vì sự cứu rỗi là từ dân Do-thái”, hàm ý, Đức Chúa Trời đã định sự cứu rỗi loài người đến từ dân Do-thái nên Ngài đã khiến họ giữ đúng nghi thức thờ phượng Ngài. Vì sự thờ phượng Đức Chúa Trời đúng luật pháp được bảo tồn thì Đấng Mê-si-a mới có thể làm tròn bổn phận vâng giữ luật pháp, thờ phượng Thiên Chúa đúng cách, trước khi dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại.

23 Nhưng giờ đã đến và là bây giờ, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Đức Cha trong thần trí và trong lẽ thật. Vì Đức Cha thật tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy.

24 Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật. [Hoặc dịch: Đức Chúa Trời là Linh. Danh từ πνευμα dùng tại đây không có mạo từ xác định nên chỉ về bản thể thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Xin tham khảo: http://www.thanhkinhvietngu.net/loi-gioi-thieu-ve-thanh-kinh-viet-ngu-ban-dich-ngoi-loi/.]

Giờ đã đến” tức là giờ loài người thờ phượng Đức Chúa Trời không bằng nghi thức bên ngoài nữa, nhưng bằng lòng tin kính Thiên Chúa và sự vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa. Là khi loài người không còn thờ phượng Đức Chúa Trời ở một địa phương nào, trong một cấu trúc vật chất nào, mà là thờ phượng ngay trong chính thân thể của họ. Vì thân thể của họ đã được trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa.

Thờ phượng Đức Cha trong thần trí” là thờ phượng Đức Chúa Trời bằng sự hiểu biết đúng trong thần trí về Đức Chúa Trời, do Đức Thánh Linh giãi bày. Mà bước đầu tiên là gọi Đức Chúa Trời là “Cha”.

Và trong lẽ thật” là thờ phượng Đức Chúa Trời đúng theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh, không theo các nghi thức do loài người đặt ra, nhiều khi pha trộn mê tín dị đoan, tà giáo, sai nghịch Thánh Kinh.

Đức Chúa Trời là Thần” là nói về bản thể của Ngài. Loài người chúng ta vừa có bản thể vật chất vừa có bản thể thiêng liêng. Bản thể vật chất là thân thể xác thịt, được tạo thành bằng những hạt vật chất, gọi là bụi đất. Bản thể thiêng liêng được tạo thành bằng linh sự sống của Thiên Chúa, gọi là tâm thần (Sáng Thế Ký 2:7; Ma-la-chi 2:15). Đức Chúa Trời không có bản thể vật chất, Ngài chỉ có bản thể thiêng liêng mà chất liệu là “Linh” hoặc “Thần”. Rất có thể chất liệu ấy chính là ánh sáng không thấy được bằng con mắt xác thịt mà cũng chưa được loài người phát hiện.

25 Người đàn bà thưa với Ngài: Tôi biết rằng, Đấng Mê-si-a, gọi là Christ, sẽ đến. Khi Ngài đã đến, Ngài sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta.

26 Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là! Đấng đang phán với ngươi. [Ta là Đấng Mê-si-a, đang phán với ngươi.]

Lần đầu tiên, người đàn bà Sa-ma-ri được nghe biết các sự lạ lùng chưa từng nghe biết. Điều đó khiến cho bà nhớ đến lời hứa về Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ. Bà dùng cả hai cách gọi, cách gọi “Đấng Mê-si-a” trong Thánh Kinh Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ và cách gọi “Đấng Christ” trong Thánh Kinh Bản Dịch 70 tiếng Hy-lạp [7]. Chúng ta thật sự không biết gì nhiều về người đàn bà Sa-ma-ri này, nhưng qua các câu nói của bà, chúng ta có thể đoán ra, bà là người có lòng tin kính Thiên Chúa, có sự hiểu biết về các lời tiên tri trong Thánh Kinh. Có lẽ bà thường xuyên đến nhà hội để được nghe đọc Lời Chúa. Bà có đức tin nơi lời hứa về Đấng Christ. Vì thế, bà đã thưa với Chúa đức tin của bà về Đấng Christ.

Lời phán của Đức Chúa Jesus đã đem lại cho bà sự ngạc nhiên lớn nhất trong cuộc đời của bà. Ngài phán với bà rằng, Ngài, Đấng đang phán với bà, là Đấng Mê-si-a.

Đây là lần đầu tiên Đức Chúa Jesus trực tiếp nhận mình là Đấng Christ, trong buổi ban đầu của linh vụ rao giảng Tin Lành của Ngài. Lần thứ nhì và cũng là lần cuối cùng Ngài trực tiếp xưng nhận mình là Đấng Christ, là khi Ngài đáp lời thầy tế lễ thượng phẩm trong đêm Ngài bị bắt, trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá (Mác 14:61-62).

Lần thứ nhất, Đức Chúa Jesus tỏ mình là Đấng Christ cho một người phụ nữ thuộc dân Sa-ma-ri, bị dân I-sơ-ra-ên xem khinh. Sự tỏ mình đó đã đem sự cứu rỗi của Tin Lành đến cho dân Sa-ma-ri tại thành Si-kha.

Lần thứ nhì, Đức Chúa Jesus tỏ mình là Đấng Christ cho một người đàn ông I-sơ-ra-ên, được xem là cao trọng nhất trong dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ, là thầy tế lễ thượng phẩm. Sự tỏ mình đó đã khiến Ngài bị giết và đem lại sự rủa sả suốt hai ngàn năm cho dân I-sơ-ra-ên (Ô-sê 6:1-2). Vì trong danh nghĩa của một dân tộc, họ đã chối bỏ Đấng Christ.

27 Vừa lúc đó, các môn đồ của Ngài đã đến và ngạc nhiên rằng, Ngài đã nói chuyện với người đàn bà; nhưng chẳng ai đã hỏi: Ngài tìm gì? Hay: Sao Ngài nói chuyện với bà ấy?

Khi Đức Chúa Jesus vừa xưng nhận mình là Đấng Christ với người đàn bà Sa-ma-ri, và có lẽ bà còn đang sững sờ, thì các môn đồ của Ngài cũng từ trong thành về đến, sau khi tìm mua thức ăn. Có lẽ từ xa, họ đã thấy Chúa đang trò chuyện với bà, nhưng khi họ đến gần thì cuộc trò chuyện đã chấm dứt. Các môn đồ của Chúa đã ngạc nhiên khi thấy Ngài nói chuyện với một người đàn bà Sa-ma-ri. Nhưng không ai nêu thắc mắc. Liền sau đó, người đàn bà bỏ lại vò nước, trở vào trong thành, báo tin cho dân chúng về Đấng Christ.

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu các câu Thánh Kinh còn lại, trong Giăng 4:28-42, trong bài kế tiếp.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/03/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://religionunplugged.com/news/2021/10/26/samaritans-are-celebrating-sukkot-one-month-after-jews-heres-how-their-tradition-has-survived

[2] https://timhieutinlanh.com/vuong-quoc-troi-noi-tai/

[3] https://timhieutinlanh.com/vuong-quoc-troi-ngan-nam/

[4] https://timhieutinlanh.com/vuong-quoc-troi-doi-doi/

[5] https://www.biblicalarchaeology.org/daily/the-temple-on-mount-gerizim-in-the-bible-and-archaeology/

[6] https://www.bbc.com/travel/article/20180828-the-last-of-the-good-samaritans

[7] https://thewordtoyou.net/dictionary/78-ban-dich-70

Karaoke Thánh Ca: “Được Ngài Yêu Con”
https://karaokethanhca.net/duoc-ngai-yeu-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.