Chú Giải Phi-líp 02:19-30

3,882 views

Chú Giải Phi-líp 2:19-30
Tấm Lòng của Phao-lô Đối Với Con Dân Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

19 Tôi hy vọng trong Đức Chúa Jesus, gửi gấp Ti-mô-thê đến với các anh chị em, để tôi cũng được yên lòng khi tôi biết tin các anh chị em.

20 Vì tôi không có ai đồng tâm tình với tôi là người thật lòng lo cho các anh chị em.

21 Vì hết thảy đều tìm kiếm {những sự} riêng của mình, chứ không tìm kiếm những sự thuộc về Đức Chúa Jesus Christ.

22 Nhưng các anh chị em đã biết sự thử nghiệm của người, rằng như con đối với cha, người đã phục vụ với tôi về Tin Lành.

23 Vì thế, tôi hy vọng sẽ gửi người đến nơi các anh chị em liền, vừa khi tôi biết được việc của tôi.

24 Nhưng tôi trông cậy trong Chúa, là chính mình tôi không bao lâu sẽ đến.

25 Nhưng tôi nghĩ là cần phải gửi Ép-ba-phô-đích, người anh em cùng Cha của tôi, bạn cùng làm việc, và là người lính cùng chiến trận với tôi, đến với các anh chị em. Anh ấy cũng là ủy viên của các anh chị em, phục vụ mọi nhu cầu của tôi.

26 Vì anh ấy thương nhớ hết thảy các anh chị em, và đã nặng lòng, vì các anh chị em nghe tin anh ấy bị bệnh.

27 Tuy anh ấy bị bệnh gần chết; nhưng Đức Chúa Trời đã thương xót anh ấy, và chẳng những anh ấy mà thôi, cả đến tôi nữa, để tôi khỏi đau buồn càng thêm đau buồn.

28 Vậy, tôi đã gửi anh ấy đi gấp, để khi các anh chị em gặp lại anh ấy thì các anh chị em được mừng rỡ, và tôi cũng bớt đau buồn.

29 Vậy, hãy vui mừng trọn vẹn mà tiếp đón anh ấy trong Chúa, và hãy tôn kính những người như vậy;

30 Bởi vì công việc của Đấng Christ mà anh ấy đã gần chết, không quan tâm đến sự sống của mình, để bù lại những gì thiếu sót trong sự phục vụ của các anh chị em đối với tôi.

 Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/0bmso7kb9ercs93/9050022_Philip_2_19-30.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDc1NDg0NjNf/9050022_Philip_2_19-30.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9050022-phi-lip-2_19-30

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong các sứ đồ của Chúa, chúng ta được nghe biết nhiều về Sứ Đồ Phao-lô nhất, bởi vì mục vụ của ông đã được Lu-ca ghi chép nhiều hơn của ai hết trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và bởi vì ông là người tích cực viết nhiều thư thăm hỏi, dạy dỗ, quở trách, khích lệ con dân Chúa trong Hội Thánh ở các địa phương. Qua các lá thư của Phao-lô, chúng ta được biết về mục vụ của ông, được hiểu những sự huyền nhiệm của Tin Lành, được hiểu rõ thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống của con dân Chúa, mà cũng được biết về cá tính của ông, được biết tấm lòng của ông đối với Chúa và con dân Chúa.

Mười hai câu Thánh Kinh trong Phi-líp 2:19-30 đã gói ghém tâm tình của Phao-lô đối với con dân Chúa tại thành Phi-líp, đối với hai người đồng sự của ông là Ti-mô-thê và Ép-ba-phô-đích. Tâm tình ấy của Phao-lô phản ánh rực rỡ tình yêu của Thiên Chúa, và là tấm gương sáng để chúng ta noi theo.

19 Tôi hy vọng trong Đức Chúa Jesus, gửi gấp Ti-mô-thê đến với các anh chị em, để tôi cũng được yên lòng khi tôi biết tin các anh chị em.

Hy vọng là lòng mong chờ những điều mà mình tin là tốt đẹp, phước hạnh sẽ đến. Người ta sống là nhờ có hy vọng. Nếu không có hy vọng thì phần lớn những người trong thế gian đều đã tự tử. Thật vậy, những người tự tử là những người không còn hy vọng. Tuy nhiên, sự hy vọng trong thế gian thường mang lại thất vọng. Sau khi thất vọng, thì người ta lại tiếp tục hy vọng để mà có thể tiếp tục sống, cho đến khi không còn có thể hy vọng được nữa.

Là con dân Chúa chúng ta luôn sống trong hy vọng, tức là sống trong sự mong chờ những điều tốt đẹp, phước hạnh. Những điều mà chúng ta mong chờ phải luôn đúng với thánh ý của Thiên Chúa, như Ngài đã bày tỏ qua Thánh Kinh. Có như vậy thì đến thời điểm mà Thiên Chúa đã định, Ngài sẽ ban cho chúng ta những điều chúng ta hy vọng qua Đức Chúa Jesus. Vì thế mà sự hy vọng của con dân Chúa là sự hy vọng trong Đức Chúa Jesus.

Phao-lô có sự mong chờ trong Đức Chúa Jesus, rằng ông có thể gấp rút gửi Ti-mô-thê đến với Hội Thánh tại Phi-líp, để rồi Ti-mô-thê sẽ quay về Rô-ma, báo cáo lại tình hình Hội Thánh tại Phi-líp cho ông được biết một cách cụ thể. Khi Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì ông đã tâm sự như thế này:

Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh. Nào có ai yếu đuối mà tôi chẳng yếu đuối sao? Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt sao?” (II Cô-rinh-tô 11:28-29).

Hội Thánh tại Phi-líp là một Hội Thánh tích cực yểm trợ cho mục vụ truyền giáo của Phao-lô, là Hội Thánh duy nhất trong các Hội Thánh địa phương lúc bấy giờ, nhiều lần gửi tiền bạc, quần áo, vật dụng cho ông. Khi biết Phao-lô bị tù tại Rô-ma, thì Hội Thánh tại Phi-líp đã biệt phái Ép-ba-phô-đích, có lẽ là một chấp sự trong Hội Thánh, mang theo quà, đến tận nơi, ở lại với Phao-lô, để chăm sóc ông. Nếp sống trong Chúa của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-líp đã khiến Phao-lô thường tôn vinh Đức Chúa Trời mỗi khi ông nghĩ đến họ (Phi-líp 1:3). Vì thế Phao-lô rất quan tâm đến con dân Chúa tại thành Phi-líp, ông mong rằng, Ti-mô-thê sẽ đem về cho ông những tin vui về sự thăng tiến trong đức tin của họ, để ông được yên lòng về họ.

20 Vì tôi không có ai đồng tâm tình với tôi là người thật lòng lo cho các anh chị em.

Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ của Phao-lô, ngoài Ti-mô-thê, ông không có ai bên cạnh cùng tâm tình với ông, để ông có thể nhờ đến thăm Hội Thánh tại Phi-líp. Cùng tâm tình với Phao-lô là cùng một tấm lòng tận tụy, hy sinh, chăm sóc cho con dân Chúa. Phao-lô không chỉ muốn gửi người đến thăm Hội Thánh tại Phi-líp để làm người mang tin, mà ông còn muốn người ấy chăm sóc, giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa tại Phi-líp.

Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ, Ngài là đầu của Hội Thánh, và Ngài là Người Chăn Hiền Lành, chăn dắt Hội Thánh. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ cũng sai dùng nhiều người làm công việc chăm sóc bầy chiên của Ngài. Ngay sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh từ trong những kẻ chết, Ngài đã kêu gọi Sứ Đồ Phi-e-rơ vào trong chức vụ chăn dắt bầy chiên của Ngài.

Công tác chăn dắt bầy chiên của Chúa là công tác giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa. Sự giảng dạy không phải chỉ bằng lời nói, mà bằng chính nếp sống làm gương của người giảng dạy. Giảng là giải thích ý nghĩa của Lời Chúa cho con dân Chúa. Dạy là hướng dẫn con dân Chúa cách thức áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống và dựa trên Lời Chúa mà nhận biết các tà giáo.

Người được Chúa giao cho công tác chăn dắt bầy chiên của Chúa chỉ cần là người yêu Chúa trên hết mọi sự (Giăng 21:15-19). Ngoài ra, không cần phải có điều gì khác, vì chính Chúa sẽ ban đủ mọi ân tứ cần thiết để người ấy chăn dắt bầy chiên của Chúa. Người yêu Chúa trên hết mọi sự thì đương nhiên yêu bầy chiên của Chúa như chính Chúa. Người ấy cam lòng, tình nguyện, sẵn sàng hy sinh mọi sự để chăn dắt bầy chiên của Chúa, làm gương sáng cho bầy chiên của Chúa, như lời khuyên dạy trong I Phi-e-rơ 5:2-3:

Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa vòng các anh chị em. Hãy chăm sóc chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng; chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng; chẳng phải như hành xử quyền cai trị cơ nghiệp nhưng để làm gương tốt cho bầy.”

Những người chăn do chính Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi vào trong chức vụ hoàn toàn khác với những “thầy chăn” (mục sư: mục = chăn dắt, sư = thầy) tự xưng hay do các giáo hội đào tạo và phong chức theo các tiêu chuẩn của các giáo hội.

Ê-phê-sô 4:10-12 đã chép rõ, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng ban cho một số người trong Hội Thánh làm người chăn và người dạy:

Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để Ngài làm cho đầy dẫy mọi sự. Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy, hướng về sự trọn vẹn của các thánh đồ, trong công việc phục vụ, trong sự gây dựng thân thể Đấng Christ…”

Ngay trong số những người được Chúa kêu gọi vào trong chức vụ chăn bầy, cũng có những người về sau, tham mê những sự thuộc về thế gian mà không làm tròn thiên chức. Lời phán của Chúa được chép lại trong Ma-thi-ơ 22:14 là một thực tế phủ phàng:

Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.”

Lời phán ấy không chỉ áp dụng vào sự cứu rỗi mà còn áp dụng vào sự nhiều người được kêu gọi vào các chức vụ trong Hội Thánh, nhưng ít người được chọn. Gần hai ngàn năm sau thời của Phao-lô, vào thời điểm hiện tại, sự khan hiếm về người chăn và người dạy trong Hội Thánh vẫn không khác lúc Phao-lô gửi thư cho Hội Thánh tại Phi-líp.

21 Vì hết thảy đều tìm kiếm {những sự} riêng của mình, chứ không tìm kiếm những sự thuộc về Đức Chúa Jesus Christ.

Tính từ “hết thảy” được dùng trong câu này không chỉ về hết thảy các tín đồ hay hết thảy những người đồng công với Phao-lô trong mục vụ truyền giáo của ông, mà là hết thảy những người hiện đang ở bên ông mà ông có thể gửi họ đến với Hội Thánh tại Phi-líp.

Những sự riêng của mình là bất cứ những sự gì không đem lại ích lợi cho chúng ta, không gây dựng chính chúng ta và người khác, theo các tiêu chuẩn của Chúa; và vì thế mà không làm vinh hiển Chúa (I Cô-rinh-tô 10:23, 31). Những sự thuộc về Đấng Christ là lẽ thật về Đức Chúa Trời được Ngài rao giảng và những người tin nhận sự rao giảng của Ngài, tức là Hội Thánh. Con dân Chúa phải hướng lòng tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời, sự công bình của Đức Chúa Trời, và yêu thương Hội Thánh của Ngài.

Những người tin Chúa và đặc biệt là những người được Chúa gọi vào các chức vụ trong Hội Thánh mà lại tìm kiếm những sự riêng của mình, chứ không tìm kiếm những sự thuộc về Đức Chúa Jesus Christ, thì họ là những kẻ yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian (I Giăng 2:15). Điển hình là Đê-ma, một người từng đồng công với Phao-lô trong mục vụ truyền giáo:

Hãy cố gắng sớm đến với ta; vì Đê-ma đã lìa bỏ ta rồi. Người yêu đời này, và đã đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca…” (II Ti-mô-thê 4:9-10).

Ngày nay, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những người tin Chúa và những người hầu việc Chúa qua các chức vụ trong Hội Thánh bị vấp ngã như Đê-ma. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng:

Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian. Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:15-17).

Chúng ta hãy cẩn thận, nuôi mình bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, đừng nuôi mình bằng những sự tham muốn trong thế gian.

22 Nhưng các anh chị em đã biết sự thử nghiệm của người, rằng như con đối với cha, người đã phục vụ với tôi về Tin Lành.

Ti-mô-thê là một người tin Chúa và có nếp sống tốt được Hội Thánh tại Lít-trơ và Y-cô-ni công nhận (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:1-2). Ti-mô-thê được Phao-lô đem theo trong các chuyến truyền giáo và đích thân dạy dỗ Lời Chúa. Phao-lô xem Ti-mô-thê như con ruột rất yêu dấu của mình (I Cô-rinh-tô 4:17; I Ti-mô-thê 1:2; II Ti-mô-thê 1:2). Ti-mô-thê được ơn Chúa kêu gọi vào trong chức vụ chăn dắt, dạy dỗ các Hội Thánh tại vùng Tiểu Á thời bấy giờ. Và Ti-mô-thê đã hết lòng làm tròn thiên chức của mình, được sự công nhận của Phao-lô và con dân Chúa tại thành Phi-líp.

Danh từ “sự thử nghiệm” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa thứ nhất là: sự thử thách để chứng nhận tính chất thật của một người, một vật, một sự việc; và nghĩa thứ nhì là: sự được chứng nhận đã vượt qua sự thử thách. Ý nghĩa thứ nhì được dùng trong câu này. Ti-mô-thê đã được con dân Chúa tại thành Phi-líp chứng nhận rằng, ông đã vượt qua sự thử thách về lòng yêu kính Thiên Chúa và lòng yêu thương, phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa. Con dân Chúa thời bấy giờ nhận biết Ti-mô-thê sốt sắng cùng Phao-lô phục vụ Tin Lành như một người con hiệp sức làm việc với cha của mình.

Dù trong Hội Thánh, mọi người là anh chị em cùng Cha, hiệp một với nhau, cùng nhau thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa; nhưng tấm lòng và cách thức liên kết với nhau trong sự hầu việc Chúa qua một mục vụ nào đó có nhiều mức độ khác nhau. Mức độ lớn nhất là như cha và con ruột: hết lòng, hết sức cùng nhau làm việc vì ích lợi chung của gia đình. Giữa Sứ Đồ Phao-lô và Ti-mô-thê có mối quan hệ mật thiết như vậy. Chính vì thế mà Phao-lô đã gọi Ti-mô-thê là: “con trai ruột của ta trong đức tin” (I Ti-mô-thê 1:2).

23 Vì thế, tôi hy vọng sẽ gửi người đến nơi các anh chị em liền, vừa khi tôi biết được việc của tôi.

24 Nhưng tôi trông cậy trong Chúa, là chính mình tôi không bao lâu sẽ đến.

Phao-lô đặt để niềm hy vọng của mình trong Đức Chúa Jesus, rằng ông sẽ có thể sớm gửi Ti-mô-thê đến với Hội Thánh tại Phi-líp, để báo tin về việc của ông, tức là kết quả của sự ông ra toà trước hoàng đế La-mã. Nhưng ông cũng có đức tin nơi Chúa, rằng ông sẽ sớm được trả tự do, và ông sẽ đích thân đến thăm Hội Thánh tại Phi-líp. Trong thực tế, khoảng vài tháng sau khi thư Phi-líp được viết, thì Phao-lô được tuyên bố trắng án và được trả tự do vào mùa xuân năm 63.

25 Nhưng tôi nghĩ là cần phải gửi Ép-ba-phô-đích, người anh em cùng Cha của tôi, bạn cùng làm việc, và là người lính cùng chiến trận với tôi, đến với các anh chị em. Anh ấy cũng là ủy viên của các anh chị em, phục vụ mọi nhu cầu của tôi.

Khi nghe tin Phao-lô bị tù tại thành Rô-ma, Hội Thánh tại Phi-líp đã cử Ép-ba-phô-đích, có lẽ là một trong các chấp sự, mang quà đến thăm Phao-lô và ở lại Rô-ma để chăm sóc Phao-lô. Đây là lần thứ nhất Phao-lô bị tù tại Rô-ma. Ông được phép thuê nhà ở trọ thay vì ở trong nhà tù, để chờ ngày ra tòa trước hoàng đế La-mã. Phao-lô phải mang xiềng xích trong suốt thời gian bị tù tại gia, và có một người lính La-mã canh giữ ông. Tuy nhiên, ông được tự do tiếp khách và rao giảng Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 28:30-31).

Phao-lô gọi Ép-ba-phô-đích là:

  • Anh em cùng Cha: Người cùng một đức tin trong Đấng Christ như ông.

  • Bạn cùng làm việc: Trong suốt thời gian ở bên cạnh để chăm sóc Phao-lô thì Ép-ba-phô-đích cũng dự phần trong việc rao giảng Tin Lành với Phao-lô. Theo sử liệu của Hội Thánh thì Ép-ba-phô-đích cũng chính là người Phao-lô đọc cho ông chép thư Phi-líp.

  • Người lính cùng chiến trận: Ép-ba-phô-đích cùng chiến đấu trong thuộc linh với Phao-lô. Nghĩa là cùng với Phao-lô cầu nguyện, giảng dạy Lời Chúa, rao giảng Tin Lành, đối diện với mọi nghịch cảnh. Thậm chí, Ép-ba-phô-đích bị bệnh nặng đến gần chết, cũng có thể là vì sự tấn công của Sa-tan.

Phao-lô xác nhận Ép-ba-phô-đích là người được Hội Thánh tại Phi-líp cử đến, thay cho Hội Thánh, chăm sóc Phao-lô, phục vụ mọi nhu cầu của ông.

Tình yêu dành cho Phao-lô và tinh thần hiệp nhất đồng công trong mục vụ với Phao-lô của Hội Thánh tại Phi-líp đáng để cho chúng ta học tập. Họ chẳng những là Hội Thánh địa phương duy nhất thời bấy giờ tiếp trợ Phao-lô về tiền bạc, vật chất, để ông thi hành mục vụ, mà họ còn cử người đến hiệp sức với Phao-lô trong mục vụ, khi Phao-lô gặp khó khăn.

Danh từ “ủy viên” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh cũng chính là danh từ được dịch là “sứ đồ”. Nghĩa đen của danh từ này là: người đại diện được sai đi để thi hành một nhiệm vụ. Sứ đồ của Chúa là người đại diện cho Đấng Christ, được Ngài sai đi rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Ủy viên của Hội Thánh là người được Hội Thánh ủy thác cho quyền thay thế Hội Thánh để thi hành một nhiệm vụ.

26 Vì anh ấy thương nhớ hết thảy các anh chị em, và đã nặng lòng, vì các anh chị em nghe tin anh ấy bị bệnh.

Ép-ba-phô-đích xa cách con dân Chúa tại thành Phi-líp gần hai năm, để thay cho Hội Thánh tại Phi-líp làm công việc chăm sóc Phao-lô và hiệp sức với Phao-lô trong mục vụ. Vì thế, đương nhiên là ông thương nhớ con dân Chúa tại Phi-líp. Có bao giờ các anh chị em có việc phải đi xa Hội Thánh địa phương của mình một thời gian, và cảm thấy rất là thương nhớ mọi người trong Hội Thánh hay không? Ép-ba-phô-đích cảm thấy nặng lòng khi nghĩ đến việc các anh chị em trong Hội Thánh tại quê nhà lo lắng về sự đau ốm của mình.

27 Tuy anh ấy bị bệnh gần chết; nhưng Đức Chúa Trời đã thương xót anh ấy, và chẳng những anh ấy mà thôi, cả đến tôi nữa, để tôi khỏi đau buồn càng thêm đau buồn.

Chúng ta không biết rõ Ép-ba-phô-đích đã bị bệnh gì. Có thể là ông bị sốt rét. Sứ Đồ Phao-lô là người được ơn chữa bệnh và gọi người chết sống lại, nhưng khi Ép-ba-phô-đích bị bệnh, Phao-lô đã không thể cầu nguyện chữa lành cho Ép-ba-phô-đích, đến nỗi cơn bệnh gần như lấy đi mạng sống của Ép-ba-phô-đích. Qua điều này, chúng ta học được rằng, sự nhân danh Chúa cầu nguyện chữa bệnh cho nhau, không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như chúng ta mong muốn trong đức tin. Sẽ có những trường hợp Chúa không chữa lành, mà Ngài chỉ ban thêm ân điển cho chúng ta chịu đựng, như chính bản thân Phao-lô (II Cô-rinh-tô 12:9). Sẽ có trường hợp Chúa lấy đi mạng sống của người bị bệnh, vì như vậy là tốt hơn cho người ấy, nhất là khi Chúa đã biết trước, nếu người ấy còn sống, thì sẽ dễ dàng phạm tội trở lại (I Cô-rinh-tô 11:30). Đó chính là sự thương xót lớn của Chúa. Cũng sẽ có trường hợp Chúa sẽ chữa lành theo thời điểm của Ngài, như trường hợp của Ép-ba-phô-đích.

Sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho Ép-ba-phô-đích thể hiện qua sự Ngài chữa lành cho ông, để ông có thêm cơ hội hầu việc Chúa trong đời này, mà được phần thưởng lớn trong đời sau. Cùng một lúc, đó cũng là sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho Phao-lô, để ông không phải đau buồn về sự qua đời của Ép-ba-phô-đích. Nếu Ép-ba-phô-đích qua đời thì Phao-lô sẽ thêm đau buồn vì mất đi một người đồng công đắc lực, một đồng đội trong chiến trường thuộc linh, trong khi ông đang đau buồn vì những người rao giảng Tin Lành bởi lòng ganh ghét và cạnh tranh (Phi-líp 1:15), vì nhiều người tin Chúa và hầu việc Chúa đã yêu thế gian mà không còn đồng tâm tình với ông trong mục vụ.

28 Vậy, tôi đã gửi anh ấy đi gấp, để khi các anh chị em gặp lại anh ấy thì các anh chị em được mừng rỡ, và tôi cũng bớt đau buồn.

Phao-lô đã nhờ Ép-ba-phô-đích mang thư đến cho Hội Thánh tại Phi-líp, mà cũng là để Ép-ba-phô-đích được tái ngộ với con dân Chúa tại đó, sau gần hai năm xa cách. Sự tái ngộ ấy khiến cho Ép-ba-phô-đích lẫn con dân Chúa tại Phi-líp được mừng rỡ, mà chính Phao-lô cũng được an ủi, vì ông vui niềm vui của người đã tạo cơ hội cho có sự vui mừng trong Hội Thánh. Thật vậy, khi chúng ta tạo ra cơ hội vui mừng trong Hội Thánh, thì chính bản thân chúng ta cũng được vui và bớt đi những sự đau buồn khác trong cuộc sống, mà chúng ta phải đối diện.

29 Vậy, hãy vui mừng trọn vẹn mà tiếp đón anh ấy trong Chúa, và hãy tôn kính những người như vậy;

30 Bởi vì công việc của Đấng Christ mà anh ấy đã gần chết, không quan tâm đến sự sống của mình, để bù lại những gì thiếu sót trong sự phục vụ của các anh chị em đối với tôi.

Hội Thánh tại Phi-líp đã biết rõ tư cách của Ép-ba-phô-đích, và đã vui mừng về nếp sống của ông. Chính vì vậy mà họ đã chọn ông làm ủy viên của họ, để gửi đến chăm sóc, giúp đỡ Phao-lô. Nhưng qua sự công nhận của Phao-lô về phẩm chất của Ép-ba-phô-đích, mà Hội Thánh tại Phi-líp càng vui mừng hơn. Sự vui mừng của họ về Ép-ba-phô-đích được trở nên trọn vẹn.

Khi chúng ta thấy anh chị em của mình trong Chúa sống đẹp lòng Chúa thì chúng ta vui mừng, nhưng khi chúng ta nghe ai khác ngoài Hội Thánh địa phương cũng công nhận phẩm chất tốt đẹp của anh chị em mình, thì chúng ta vui mừng càng hơn. Đó là sự vui mừng trọn vẹn.

Phao-lô cũng yêu cầu con dân Chúa tại Phi-líp hãy tỏ lòng tôn kính những người dấn thân, liều mình, hầu việc Chúa và phục vụ anh chị em trong Chúa như Ép-ba-phô-đích. Qua lời bày tỏ của Phao-lô chúng ta có thể hiểu rằng: Trong khi đau ốm, bệnh tật, Ép-ba-phô-đích vẫn gắng sức trong mọi công việc, chỉ mong sao làm tròn nhiệm vụ Hội Thánh tại Phi-líp đã giao phó cho ông.

Phao-lô công nhận rằng: Sự tận tụy, quên mình phục vụ của Ép-ba-phô-đích cũng chính là sự con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-líp phục vụ ông. Cùng một lúc, Phao-lô cũng hàm ý rằng, Hội Thánh tại Phi-líp có bổn phận phục vụ ông, để công cuộc rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa của ông được nhiều kết quả.

Dĩ nhiên, không phải chỉ một mình con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-líp có bổn phận ấy, mà là con dân Chúa thuộc bất cứ Hội Thánh địa phương nào đã được Phao-lô, chăm sóc, nuôi dưỡng, gây dựng, cũng đều có bổn phận ấy, mặc dù Phao-lô không hề lên tiếng đòi hỏi. Nói cho cùng thì mục vụ của Phao-lô cũng là mục vụ chung của Hội Thánh, và toàn thể con dân Chúa trong Hội Thánh đều có bổn phận cầu thay, tiếp trợ.

Tấm lòng của Phao-lô đối với Chúa và đối với con dân Chúa, đặc biệt là đối với những người đồng cam, cộng khổ với ông trong mục vụ vừa chiếu sáng tình yêu của Thiên Chúa qua ông, vừa là tấm gương cho tất cả những người hầu việc Chúa qua các chức vụ trong Hội Thánh noi theo.

Nguyện rằng, trong những ngày cuối cùng này, Hội Thánh của Chúa giữa lòng dân tộc Việt Nam sẽ có được nhiều người hết lòng hầu việc Chúa như Phao-lô, Ti-mô-thê, và Ép-ba-phô-đích. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/11/2016

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.