Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 28:01-31 Phao-lô Trên Đảo Man-tơ và tại Thành Rô-ma

1,025 views

YouTube: https://youtu.be/ybFc3NPziV0

44058 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 28:1-31
Phao-lô Trên Đảo Man-tơ và tại Thành Rô-ma

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản đồ minh họa cuộc hải trình của Phao-lô từ Sê-sa-rê đến Rô-ma
Ghi chú bằng tiếng Việt bởi Phạm Trịnh Minh Anh
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/07/HanhTrinhVeRomaCuaPhaolo.jpg

Công Vụ Các Sứ Đồ 28:1-31

1 Khi đã được cứu, họ biết rằng, đảo ấy được gọi là Man-tơ.

2 Thổ dân đã đối đãi chúng tôi cách tử tế không ít. Vì họ đã nhóm lửa và tiếp đón hết thảy chúng tôi, bởi đang có mưa và bởi sự lạnh lẽo.

3 Phao-lô đã lượm một số củi khô và đặt chúng trên lửa. Một con rắn độc đã thoát nóng, bò ra, quấn tay của người.

4 Khi thổ dân thấy con vật đeo trên tay của người, họ đã nói với nhau: Chẳng còn gì để ngờ! Người này là kẻ giết người; dù đã được cứu khỏi biển nhưng lẽ công chính chẳng cho phép sống!

5 Nhưng thực tế, người đã vẩy con vật vào lửa, chẳng cảm thấy tổn thương.

6 Họ đã trông chờ, người sẽ bị sưng lên hoặc ngã xuống, chết tức thì. Nhưng họ trông chờ khá lâu, chẳng thấy xảy ra sự tổn thương cho người; họ đã đổi ý, nói, người là một vị thần.

7 Tại khu vực chung quanh chỗ đó là đất của người đứng đầu đảo, tên là Búp-li-u. Người này đã tiếp đãi chúng tôi cách tử tế trong ba ngày.

8 Đã xảy ra, cha của Búp-li-u đã nằm bệnh vì các cơn sốt và chứng kiết lỵ. Phao-lô đã đi đến người, cầu nguyện, đặt tay lên người, và chữa lành người.

9 Sự ấy đã xảy ra như vậy, những người khác trên đảo có bệnh cũng đã đến và được chữa lành.

10 Họ cũng đã tôn trọng chúng tôi với nhiều sự vinh dự. Lúc chúng tôi hải hành, họ đã cung cấp cho sự nhu cầu của chúng tôi.

11 Sau ba tháng, chúng tôi đã hải hành trên tàu từ A-léc-xan-tri, là tàu đã qua mùa đông tại đảo, bảng hiệu là Đi-ốt-cua.

12 Tại thành Si-ra-cu-sơ, chúng tôi đã xuống tàu, ở lại ba ngày.

13 Từ nơi đó, chúng tôi đã đi chữ chi, đến tại thành Rê-ghi-um. Sau một ngày, gió nam đã đến. Ngày hôm sau, chúng tôi đã tới tại thành Bu-xô-lơ. [Đi chữ chi: Vì gió thổi ngang nên tàu luân phiên đi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái, thay vì đi thẳng.]

14 Tại đó, chúng tôi đã gặp các anh chị em cùng Cha và được mời ở lại với họ bảy ngày. Rồi như vậy, chúng tôi đã đi đến thành Rô-ma.

15 Sau đó, các anh chị em cùng Cha nghe nói về chúng tôi, họ đã đến tại Áp-bi-u Phô-rum và Ba Quán để gặp chúng tôi. Khi Phao-lô thấy họ, người đã cảm tạ Đức Chúa Trời và lấy can đảm.

16 Khi chúng tôi đã đến tại thành Rô-ma, viên đại đội trưởng đã giao các tù nhân cho viên chỉ huy lính gác. Nhưng Phao-lô đã được phép ở riêng với người lính canh giữ người.

17 Đã xảy ra, sau ba ngày, Phao-lô đã mời những người đứng đầu dân Do-thái. Họ đã đến với nhau. Người đã nói với họ: Hỡi mọi người! Hỡi các anh em! Tôi đã chẳng phạm điều gì nghịch lại dân chúng hoặc thói tục của các tổ phụ chúng ta, nhưng tôi đã là người tù bị giải giao từ Giê-ru-sa-lem vào trong tay của các người La-mã.

18 Các người ấy đã xem xét tôi, muốn tha ra, vì chẳng có sự đáng chết trong tôi.

19 Nhưng những người Do-thái đã phản đối, nên tôi buộc phải kêu nài đến Sê-sa. Tuy nhiên, chẳng phải như là tôi có sự gì kiện dân của tôi.

20 Vậy nên, vì cớ đó, tôi đã mời các anh em để gặp và nói chuyện với; bởi vì sự trông cậy của dân I-sơ-ra-ên mà tôi mang lấy xiềng này.

21 Họ đã nói với người: Chúng tôi đã chẳng nhận thư từ xứ Giu-đê về anh, cũng chẳng ai trong các anh em đã đến, thông báo hay nói xấu gì về anh.

22 Nhưng chúng tôi nghĩ đáng nghe từ anh. Anh nghĩ gì? Vì thực tế, về giáo phái này, thì chúng tôi biết rằng, nó bị nói nghịch khắp nơi.

23 Họ đã hẹn ngày với người và đã đến với người tại nhà trọ rất đông. Người đã giãi bày và làm chứng về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, thuyết phục họ về Đức Chúa Jesus từ luật pháp của Môi-se và từ các đấng tiên tri, từ sáng cho tới tối.

24 Thực tế, có người tin những lời đã được nói, có kẻ đã chẳng tin.

25 Họ không đồng ý với nhau, đã bỏ về. Phao-lô đã nói một lời: Phải! Đức Thánh Linh đã phán bởi đấng Tiên Tri Ê-sai cùng các tổ phụ của chúng ta.

26 Phán, hãy đến nơi dân này và nói: Hãy nghe! Các ngươi sẽ nghe mà chẳng hiểu. Hãy xem! Các ngươi sẽ xem mà chẳng thấy.

27 Vì lòng của dân này đã béo, lỗ tai của chúng đã nặng nghe, chính mắt của chúng đã nhắm lại; e rằng, chúng sẽ thấy bởi mắt, nghe bởi tai, hiểu bởi lòng mà chúng trở lại và Ta sẽ chữa lành chúng. [Ê-sai 6:9-10]

28 Vậy, các ngươi hãy biết rằng, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được gửi đến cho các dân ngoại. Họ sẽ nghe. [Thi Thiên 67:2]

29 Khi người đã nói các lời ấy, những người Do-thái đã bỏ đi và có cuộc biện luận lớn giữa họ.

30 Phao-lô đã ở trọn hai năm tại một nhà trọ người đã thuê. Người đã tiếp đón hết thảy những ai đã đến với người;

31 giảng về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, và dạy những sự về Đức Chúa Jesus Christ với mọi sự dạn dĩ, cách tự do.

Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 28 là đoạn cuối cùng, kết thúc sách Công Vụ Các Sứ Đồ và cũng kết thúc lời ký thuật về Sứ Đồ Phao-lô. Chúng ta hiểu rằng, Lu-ca, người viết sách Công Vụ Các Sứ Đồ, đã cùng đến thành Rô-ma với Phao-lô và có thể đã ở lại với Phao-lô một thời gian. Trong khoảng thời gian đó, Lu-ca đã lần lượt viết sách Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Nhưng có lẽ Lu-ca đã rời thành Rô-ma, trước khi Phao-lô được trả tự do. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng, ngay cả sau khi Phao-lô đã được trả tự do thì Lu-ca cũng đã không đồng hành với Phao-lô, trong những năm còn lại của Phao-lô, cho tới khi Phao-lô bị giết.

Nội dung của Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 28 ghi lại sự kiện 276 người trên chiếc tàu chở Phao-lô đều được sống và bơi vào bờ một hòn đảo, sau khi tàu bị chìm. Trên đảo, họ đã được thổ dân tiếp đón tử tế. Bởi các phép lạ Chúa đã làm qua Phao-lô mà dân trên đảo được chữa lành bệnh. Dù Lu-ca không ghi lại nhưng lịch sử Hội Thánh đã ghi rằng, toàn dân trên đảo đã tin nhận Tin Lành. Sau ba tháng trú đông trên đảo, mọi người đã lên một chiếc tàu khác, tiếp tục cuộc hải trình đến thành Rô-ma. Tại Rô-ma, Phao-lô được quyền thuê một nhà trọ ở với một người lính La-mã có nhiệm vụ canh giữ ông; chờ được ra trước sự phán xử của hoàng đế La-mã về lời khiếu nại của ông. Trong suốt hai năm chờ đợi, Phao-lô đã được tự do giảng và dạy cho những ai tìm đến với ông. Giảng là giảng Tin Lành. Dạy là dạy Lời Chúa. Rất có thể, ông cũng đã được tự do làm nghề may vá lều trại.

Phao-lô đã được trả tự do vào mùa xuân năm 63. Có thể sau đó, ông đã làm cuộc hành trình truyền giáo đến Tây-ban-nha. Vào năm 67, trong cơn đế quốc La-mã bách hại Hội Thánh, có thể Phao-lô đã trở về thành Rô-ma và bị bắt hoặc đã bị bắt ở nơi khác và bị giải giao về thành Rô-ma. Ông đã bị chém đầu theo lệnh của Hoàng Đế Nê-rô, vào khoảng tháng Năm hoặc tháng Sáu, năm 68.

Vị trí đắm tàu so với toàn đảo Man-tơ
Tọa độ trên Google Map: 35.966105959880025, 14.400271454291897
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/07/DaoManto.jpg

1 Khi đã được cứu, họ biết rằng, đảo ấy được gọi là Man-tơ.

2 Thổ dân đã đối đãi chúng tôi cách tử tế không ít. Vì họ đã nhóm lửa và tiếp đón hết thảy chúng tôi, bởi đang có mưa và bởi sự lạnh lẽo.

Đại danh từ “họ” được dùng để chỉ các thủy thủ và quân lính La-mã. Có lẽ, qua trao đổi với thổ dân mà họ biết, hòn đảo nhỏ họ vừa đặt chân lên là một phần của đảo Man-tơ. Hòn đảo nhỏ này nằm rất gần đảo Man-tơ, là phần đất thuộc về đảo Man-tơ, không có tên riêng và được gộp chung với đảo Man-tơ.

Danh từ “thổ dân” (G195) trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “dân mọi rợ”, là một danh từ được người Hy-lạp dùng để gọi chung bất cứ dân tộc nào không biết nói tiếng Hy-lạp và không sống nếp sống theo văn hóa Hy-lạp. Ở đây, được dịch sang tiếng Việt là “thổ dân”, tức là dân chúng sống tại một địa phương từ thuở xa xưa và kém văn minh hơn những người mới đến, là dịch sát ý của câu văn, thay vì dịch sát nghĩa của từ ngữ.

Mặc dù bão đã tan nhưng trời vẫn còn đang mưa. Số người trên tàu vào đến bờ đều đã bị ướt vì nước biển và nước mưa, nên thổ dân đã đốt lửa cho họ sưởi ấm và hong khô quần áo. Động từ “tiếp đón” (G3930) hàm ý cung cấp các nhu cầu như: thực phẩm, thuốc men, quần áo, và chỗ trọ.

3 Phao-lô đã lượm một số củi khô và đặt chúng trên lửa. Một con rắn độc đã thoát nóng, bò ra, quấn tay của người.

Vào lúc này đây thì mọi người vẫn quây quần tại một nơi có thể là nơi dùng để tụ họp của dân địa phương. Một nơi khá rộng, có thể chứa được 276 vị khách và một số thổ dân. Một đống lửa lớn đã được đốt lên để các vị khách được sưởi ấm và hong khô quần áo. Phao-lô cũng dự phần trong việc ôm một số củi khô từ chỗ chứa củi đến đống lửa. Chúng ta thấy, Phao-lô năng động và không chờ cho người khác phục vụ mình, nhưng luôn làm những gì mình có thể tự làm. Khi Phao-lô đặt củi lên đống lửa thì có một con rắn độc núp trong củi bị nóng, đã bò ra, quấn trên tay của ông. Danh từ “rắn độc” (G2191) có lẽ để chỉ một loại rắn cỏ rất độc mà trong tiếng Việt thường gọi là rắn lục, vì toàn thân nó có màu xanh của cỏ.

4 Khi thổ dân thấy con vật đeo trên tay của người, họ đã nói với nhau: Chẳng còn gì để ngờ! Người này là kẻ giết người; dù đã được cứu khỏi biển nhưng lẽ công chính chẳng cho phép sống!

Không riêng gì các thổ dân, mà có lẽ các người cùng tàu với Phao-lô cũng đã nhìn thấy con rắn độc từ trong củi bò ra, quấn vào tay của Phao-lô. Nhưng các thổ dân là những người có kinh nghiệm hơn hết về loại rắn độc này. Họ biết rõ, chất độc của nó có tác dụng gì trên người bị nó cắn. Họ nghĩ rằng, Phao-lô ắt sẽ chết vì bị rắn độc cắn. Có lẽ một vài thổ dân đã nói lên suy nghĩ chung của họ lúc bấy giờ. Được biết Phao-lô là một trong các tù nhân nên họ cho rằng, Phao-lô là một kẻ giết người, nên dù mới được thoát chết vì tai nạn chìm tàu, nhưng thiên lý vẫn không cho phép ông sống.

Danh từ “lẽ công chính” (G1349) còn là tên của “Nữ Thần Công Lý” (Dike), theo huyền thoại Hy-lạp. Nhưng nghĩa của nó chính là thiên lý. Thiên lý là lẽ công chính của Thiên Chúa, với nguyên tắc thưởng thiện phạt ác, do chính Thiên Chúa thi hành. Đó là điều Thiên Chúa đã đặt để trong sự tri thức của loài người. Những thổ dân nhìn thấy hiện tượng trước mắt và kết luận theo sự nhận thức của họ về thiên lý.

5 Nhưng thực tế, người đã vẩy con vật vào lửa, chẳng cảm thấy tổn thương.

Về phần của Phao-lô, ông vẫn thản nhiên, vẩy con rắn đang quấn trên tay ông vào lửa. Câu văn không xác nhận nhưng hàm ý, con rắn có cắn vào tay của Phao-lô. Chúng ta có thể hiểu rằng, có lẽ đây là lần thứ ba Sa-tan tìm cách giết Phao-lô, trong cuộc hải trình từ Sê-sa-rê đến Rô-ma. Lần thứ nhất là nạn chìm tàu. Lần thứ nhì là xui cho quân lính giết ông. Lần thứ ba là dùng một con rắn độc. Nếu con rắn đã không cắn vào tay của Phao-lô thì đó là sự ngăn cản của Thiên Chúa. Nếu con rắn đã cắn vào tay của Phao-lô thì cũng chính Thiên Chúa đã hóa giải nọc độc của rắn. Dù là trong trường hợp nào thì lời phán của Đức Chúa Jesus Christ đã ứng nghiệm trên Phao-lô.

Họ sẽ bắt những rắn và nếu họ uống chất độc gì, nó sẽ chẳng hại họ. Họ sẽ đặt tay trên những kẻ bệnh thì chúng sẽ được lành.” (Mác 16:18).

Danh từ “con vật” (G2342) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ các loài động vật hoang dã hung hãn, nguy hiểm, hoặc có chất độc.

Động từ “cảm thấy” (G3958) có nghĩa là sự cảm nhận điều gì đó tác động vào một người. Mệnh đề “chẳng cảm thấy tổn thương” hàm ý, con rắn có cắn vào tay của Phao-lô, nhưng ông đã không cảm thấy bị tổn thương, như trường hợp của một người bị rắn độc cắn.

6 Họ đã trông chờ, người sẽ bị sưng lên hoặc ngã xuống, chết tức thì. Nhưng họ trông chờ khá lâu, chẳng thấy xảy ra sự tổn thương cho người; họ đã đổi ý, nói, người là một vị thần.

Có lẽ chính vì các thổ dân nhìn thấy con rắn đã cắn vào tay của Phao-lô nên họ trông chờ sẽ nhìn thấy tay của Phao-lô bị sưng lên, hoặc sẽ nhìn thấy ông ngã xuống đất và chết tức thì, vì nọc độc của rắn. Trường hợp chỗ bị rắn cắn sưng lên nhưng nạn nhân không chết, là vì con rắn không còn đủ chất độc để truyền qua vết cắn vào nạn nhân. Đó là trường hợp ngay trước đó, rắn đã tấn công một sinh vật khác và đã hao phí nọc độc. Trường hợp người bị rắn độc cắn, ngã xuống, chết ngay, là vì con rắn có đầy đủ chất độc trong khi cắn. Nhưng cả hai trường hợp đều đã không xảy ra đối với Phao-lô.

Khi các thổ dân nhìn thấy Phao-lô không bị hề hấn gì, sau khi bị rắn độc cắn, thì họ đã thay đổi sự nhận định của họ. Từ chỗ cho rằng, Phao-lô là kẻ giết người nên thiên lý không cho phép ông sống, họ đã cho rằng, Phao-lô là một thần linh. Chắc chắn thổ dân Man-tơ là những người thờ lạy hình tượng và thờ lạy đa thần. Nhưng chúng ta không biết gì về tín ngưỡng của họ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy ý định tốt lành của Thiên Chúa đối với họ và chương trình của Ngài đã định cho họ. Sự sắp xếp trước của Thiên Chúa thật là tuyệt vời.

  • Nếu Phao-lô không bị giải giao về Rô-ma thì ông đã không có dịp đem Tin Lành đến cho họ vào thời điểm ấy.

  • Nếu Phao-lô bị giải giao về Rô-ma nhưng không bằng đường biển mà bằng đường bộ thì ông đã không có dịp đem Tin Lành đến cho họ vào thời điểm ấy.

  • Nếu Phao-lô bị giải giao về Rô-ma bằng đường biển nhưng không bị bão, đắm tàu, và bơi vào đảo của họ thì ông đã không có dịp đem Tin Lành đến cho họ vào thời điểm ấy.

Ngoài ra, còn sự kiện Phao-lô bị rắn độc cắn mà không chết, lại qua phép lạ của Đức Chúa Trời, chữa lành bệnh cho thổ dân trên đảo, đã khiến cho Tin Lành mà ông rao giảng được thổ dân tiếp nhận.

7 Tại khu vực chung quanh chỗ đó là đất của người đứng đầu đảo, tên là Búp-li-u. Người này đã tiếp đãi chúng tôi cách tử tế trong ba ngày.

Chỗ đó” là địa điểm 267 người bị đắm tàu đang được thổ dân tiếp đón. Có thể đó là nơi họp mặt của dân chúng trên đảo cho các sinh hoạt công cộng. Có thể đó là một nền đất bằng phẳng và rộng, với một mái che lớn. Khu vực chung quanh đó là đất của người đứng đầu đảo, có nghĩa là chỗ họp mặt của dân chúng đã được xây dựng ngay trên phần đất của người đứng đầu đảo.

Danh từ “người đứng đầu” (G4413) được dùng trong câu này để chỉ người cai trị có thẩm quyền cao nhất trong một địa phương.

Sự tiếp đãi cách tử tế trong ba ngày hàm ý, Búp-li-u, người đứng đầu đảo, đã vui lòng, bỏ của riêng ra để cung cấp các nhu cầu cho Phao-lô và các bạn của ông, ngay tại nhà của người ấy. Cũng có thể sự tiếp đãi này bao gồm luôn các người lính La-mã. Sau đó, có lẽ cả 276 người trên tàu đã tạm trú ngay tại chỗ nhóm hiệp của dân chúng và được thổ dân cung cấp thực phẩm, trong suốt ba tháng trú đông.

8 Đã xảy ra, cha của Búp-li-u đã nằm bệnh vì các cơn sốt và chứng kiết lỵ. Phao-lô đã đi đến người, cầu nguyện, đặt tay lên người, và chữa lành người.

9 Sự ấy đã xảy ra như vậy, những người khác trên đảo có bệnh cũng đã đến và được chữa lành.

Sự kiện được ghi lại trong hai câu này cho thấy, lời phán của Đức Chúa Jesus, được ghi lại trong Mác 16:18, đã hoàn toàn ứng nghiệm trên Phao-lô. Chúng ta thấy rằng, sự Chúa chữa lành cho cha của Búp-li-u và các bệnh nhân trên đảo chính là ơn phước lớn Chúa ban cho những thổ dân có lòng tử tế, tiếp đãi những người bị nạn. Bên cạnh sự chữa lành bệnh thuộc thể, Chúa còn ban cho họ ơn phước được chữa lành bệnh thuộc linh. Họ được nghe giảng Tin Lành, và bởi sự tin nhận Tin Lành mà họ được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Theo sử liệu của Hội Thánh thì về sau, Búp-li-u đã làm giám mục của Hội Thánh tại Man-tơ.

Danh từ “cơn sốt” (G4446) được dùng với hình thức số nhiều hàm ý, bệnh nhân phải trải qua nhiều cơn sốt.

Chứng kiết lỵ” là bệnh bị nhiễm trùng đường ruột, khiến cho bị buồn nôn; bị đau bụng; bị tiêu chảy mà trong phân thường có máu, có chất nhầy; và bị sốt cao.

10 Họ cũng đã tôn trọng chúng tôi với nhiều sự vinh dự. Lúc chúng tôi hải hành, họ đã cung cấp cho sự nhu cầu của chúng tôi.

Đại danh từ “họ” được dùng để chỉ thổ dân trên đảo. Đại danh từ “chúng tôi” được dùng để chỉ Phao-lô và các bạn của ông. Mệnh đề “tôn trọng chúng tôi với nhiều sự vinh dự” hàm ý, các thổ dân trên đảo đã tỏ lòng tôn trọng Phao-lô và các bạn của ông qua sự cung kính trong thái độ, hành động, và lời nói. Họ cũng đã cùng nhau chu cấp các nhu cầu đi đường cho Phao-lô và các bạn của ông, trong cuộc hải trình đến thành Rô-ma.

11 Sau ba tháng, chúng tôi đã hải hành trên tàu từ A-léc-xan-tri, là tàu đã qua mùa đông tại đảo, bảng hiệu là Đi-ốt-cua.

12 Tại thành Si-ra-cu-sơ, chúng tôi đã xuống tàu, ở lại ba ngày.

Sau ba tháng” là sau khi bị đắm tàu và lưu trú qua mùa đông trên đảo được ba tháng. Tại Man-tơ lúc bấy giờ, có chiếc tàu mang bảng hiệu là Đi-ốt-cua, xuất xứ từ A-léc-xan-tri, đã trú qua mùa đông tại đó. Khi tàu hải hành trở lại thì đội lính La-mã và các tù nhân do họ giải giao, trong đó có Phao-lô, đã lên tàu. Dĩ nhiên là các bạn của Phao-lô đã cùng đi với ông. Nhưng chúng ta không biết chủ tàu, người lái tàu, và các thủy thủ của chiếc tàu bị chìm có đi chung hay không.

Thành Si-ra-cu-sơ là một hải cảng của đảo Si-xi-li (Sicily), một đảo lớn, nằm về phía nam của I-ta-li. Tại đó, Phao-lô và các bạn của ông, cũng như các người lính La-mã và các hành khách khác đã xuống tàu, nghỉ ngơi ba ngày. Trong khi đó, có lẽ tàu đã xuống hàng và lên hàng.

13 Từ nơi đó, chúng tôi đã đi chữ chi, đến tại thành Rê-ghi-um. Sau một ngày, gió nam đã đến. Ngày hôm sau, chúng tôi đã tới tại thành Bu-xô-lơ. [Đi chữ chi: Vì gió thổi ngang nên tàu luân phiên đi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái, thay vì đi thẳng.]

14 Tại đó, chúng tôi đã gặp các anh chị em cùng Cha và được mời ở lại với họ bảy ngày. Rồi như vậy, chúng tôi đã đi đến thành Rô-ma.

Từ Si-ra-cu-sơ đến Rê-ghi-um, nếu thuận gió, gió nam, thì tàu có thể chạy dọc theo bờ biển. Nhưng nếu bị gió thổi ngang, gió đông, thì tàu phải chạy hình chữ chi, nghĩa là phải canh buồm xéo, luân phiên đi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái, thay vì đi thẳng. Hải trình vì thế kéo dài gấp nhiều lần thời gian. Một ngày sau khi tàu rời thành Rê-ghi-um thì có gió nam và như vậy, tàu cứ dong buồm đi thẳng đến thành Bu-xô-lơ.

Khi tàu đã đến Bu-xô-lơ, mọi người đã xuống tàu. Phao-lô và các bạn của ông đã gặp được con dân Chúa tại đó. Chúng ta không biết cuộc gặp gỡ đó đã xảy ra như thế nào. Có thể con dân Chúa làm việc tại bến cảng thấy lính giải tù nên đến hỏi thăm và được biết Phao-lô và các bạn của ông cũng là con dân Chúa. Sau đó lại biết Phao-lô là sứ đồ của Chúa. Vì thế, họ đã mời Phao-lô cùng các bạn của ông, và đương nhiên cả đội lính La-mã và các người tù ở lại với họ bảy ngày. Lý do mời ở lại bảy ngày có lẽ là vì họ muốn Phao-lô giảng cho Hội Thánh vào ngày Sa-bát.

Chúng ta có thể hiểu rằng, viên đại đội trưởng vốn có cảm tình với Phao-lô. Sau đó, ông được chứng kiến sự ứng nghiệm khải tượng của Phao-lô về sự không có sự thiệt hại mạng sống của những người đi trên tàu; chứng kiến sự Phao-lô không bị rắn độc cắn chết; chứng kiến sự Phao-lô chữa lành bệnh cho thổ dân trên đảo; ông càng quý trọng Phao-lô càng hơn. Vì thế, ông dễ dàng nhận lời mời của con dân Chúa tại Bu-xô-lơ để lưu lại đó bảy ngày. Mặt khác, ông cùng quân lính của ông, cùng các tù nhân cũng có cơ hội được nghỉ ngơi, dưỡng sức, trước khi đi đường bộ về thành Rô-ma.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể tin rằng, chính Chúa đã tác động vào lòng viên đại đội trưởng để ông tiếp nhận lời mời của con dân Chúa. Vì Ngài đã có ý muốn dùng Phao-lô để gây dựng đức tin cho Hội Thánh tại đó.

Sau thời gian lưu lại bảy ngày tại Bu-xô-lơ, mọi người đã tiếp tục đi đường bộ về thành Rô-ma.

15 Sau đó, các anh chị em cùng Cha nghe nói về chúng tôi, họ đã đến tại Áp-bi-u Phô-rum và Ba Quán để gặp chúng tôi. Khi Phao-lô thấy họ, người đã cảm tạ Đức Chúa Trời và lấy can đảm.

Có lẽ trong thời gian bảy ngày Phao-lô và các bạn của ông lưu lại tại Bu-xô-lơ thì con dân Chúa đã từ Bu-xô-lơ đi đến các thành nằm trên lộ trình về thành Rô-ma để báo tin về Phao-lô cho các Hội Thánh ở các thành đó. Vì thế, con dân Chúa tại Áp-bi-u Phô-rum, tại Ba Quán đều ra đón Phao-lô tại các nơi đó. Chúng ta cũng không ngoại trừ là có một số đông con dân Chúa từ thành Rô-ma cũng đã đến hai thành đó để đón Phao-lô.

Khi Phao-lô được nhìn thấy con dân Chúa tiếp đón mình, ông đã dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời và lấy được can đảm.

Động từ “lấy” (G2983) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là dùng tay nắm lấy người hay vật, giữ lại, và mang theo để dùng. Sự can đảm được Chúa ban cho Phao-lô qua sự kiện con dân Chúa nhiệt tình tiếp đón ông. Phao-lô đã nhanh chóng, nắm bắt sự can đảm đó, để đem theo mình, và dùng đến trong những ngày sắp tới.

16 Khi chúng tôi đã đến tại thành Rô-ma, viên đại đội trưởng đã giao các tù nhân cho viên chỉ huy lính gác. Nhưng Phao-lô đã được phép ở riêng với người lính canh giữ người.

Dù vẫn bị kể là tù nhân vì đang bị tạm giam để chờ xét án, nhưng bản cáo trạng về Phao-lô cho thấy, ông không phạm trọng tội nên Phao-lô không bị giam cầm cách nghiêm khắc như các tù nhân khác. Phao-lô được phép ở riêng trong nơi mà ông chọn với một người lính thường xuyên canh giữ ông. Dựa vào câu 30, chúng ta biết rằng, Phao-lô đã thuê một nhà trọ để ở trong suốt thời gian ông bị tạm giam, chờ ngày ra tòa do hoàng đế La-mã phán xử.

17 Đã xảy ra, sau ba ngày, Phao-lô đã mời những người đứng đầu dân Do-thái. Họ đã đến với nhau. Người đã nói với họ: Hỡi mọi người! Hỡi các anh em! Tôi đã chẳng phạm điều gì nghịch lại dân chúng hoặc thói tục của các tổ phụ chúng ta, nhưng tôi đã là người tù bị giải giao từ Giê-ru-sa-lem vào trong tay của các người La-mã.

Sau khi đã ổn định chỗ ở được ba ngày thì Phao-lô đã mời các trưởng lão trong dân I-sơ-ra-ên tại thành Rô-ma đến gặp ông. Họ đã nhận lời mời và cùng nhau đến, gặp Phao-lô. Phao-lô đã trình bày sự ông bị cáo oan bởi những người I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem; sự ông bị giao nộp vào trong tay nhà cầm quyền La-mã.

18 Các người ấy đã xem xét tôi, muốn tha ra, vì chẳng có sự đáng chết trong tôi.

19 Nhưng những người Do-thái đã phản đối, nên tôi buộc phải kêu nài đến Sê-sa. Tuy nhiên, chẳng phải như là tôi có sự gì kiện dân của tôi.

Phao-lô thuật lại sự các nhà cầm quyền La-mã đã xét xử các lời kiện cáo ông và đã tìm thấy ông vô tội. Nhưng những người I-sơ-ra-ên cáo tội ông đã phản đối phán quyết cho rằng Phao-lô vô tội. Vì thế, Phao-lô đã khiếu nại đến hoàng đế La-mã, yêu cầu được chính hoàng đế phán xét sự việc của ông. Đó chính là lý do Phao-lô được giải giao đến thành Rô-ma.

Phao-lô nhận thức rằng, ông có bổn phận trình bày sự việc của ông trước những người đứng đầu dân I-sơ-ra-ên tại thành Rô-ma, để họ đừng nghĩ rằng, ông đã kiện cáo dân I-sơ-ra-ên trước hoàng đế La-mã.

20 Vậy nên, vì cớ đó, tôi đã mời các anh em để gặp và nói chuyện với; bởi vì sự trông cậy của dân I-sơ-ra-ên mà tôi mang lấy xiềng này.

Phao-lô khẳng định với các trưởng lão dân I-sơ-ra-ên tại Rô-ma rằng, vì sự trông cậy của dân I-sơ-ra-ên mà ông bị tù. Lời của Phao-lô hàm ý, vì sự ông rao giảng về Đấng Christ đã hứa trong Sách Luật Pháp của Môi-se và các sách tiên tri mà ông bị tù.

21 Họ đã nói với người: Chúng tôi đã chẳng nhận thư từ xứ Giu-đê về anh, cũng chẳng ai trong các anh em đã đến, thông báo hay nói xấu gì về anh.

22 Nhưng chúng tôi nghĩ đáng nghe từ anh. Anh nghĩ gì? Vì thực tế, về giáo phái này, thì chúng tôi biết rằng, nó bị nói nghịch khắp nơi.

Các trưởng lão đã cho Phao-lô biết là không có ai từ xứ Giu-đê, tức là từ Giê-ru-sa-lem, đã gửi thư cho họ, nói về vụ án của Phao-lô. Cũng không có ai từ Giê-ru-sa-lem đến đã nói điều gì xấu về Phao-lô. Nhưng họ có nghe biết về Đức Chúa Jesus Christ và những người theo Ngài. Họ nghĩ đó là một giáo phái mới ra từ Do-thái Giáo. Bản thân họ chưa trực tiếp nghe giảng nhưng họ nghe nhiều tin đồn về sự những người tin theo Đức Chúa Jesus Christ bị nói nghịch khắp nơi. Sự nói nghịch này phần lớn là do những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Vì thế, họ muốn được nghe ý kiến của Phao-lô.

23 Họ đã hẹn ngày với người và đã đến với người tại nhà trọ rất đông. Người đã giãi bày và làm chứng về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, thuyết phục họ về Đức Chúa Jesus từ luật pháp của Môi-se và từ các đấng tiên tri, từ sáng cho tới tối.

24 Thực tế, có người tin những lời đã được nói, có kẻ đã chẳng tin.

Các trưởng lão đã lấy hẹn với Phao-lô và sau đó, rất đông người trong số họ đã đến gặp Phao-lô trong căn nhà trọ của ông, để được nghe ông nói về Đấng Christ. Trọn một ngày, từ sáng đến tối, Phao-lô đã dùng toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước để giãi bày với họ về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, để chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Đấng ban ơn cứu chuộc cho chẳng những dân I-sơ-ra-ên mà cho tất cả các dân ngoại.

Giãi bày là giảng giải ý nghĩa của Lời Chúa. Làm chứng là thuật lại kinh nghiệm bản thân về nếp sống trong đức tin, theo Lời Chúa. Chúng ta có thể tin rằng, Phao-lô đã làm chứng lại sự kiện ông đã gặp Đức Chúa Jesus trong khi ông đang trên đường đi Đa-mách để bách hại con dân Chúa, và sự Ngài đã kêu gọi ông rao giảng Tin Lành cho muôn dân.

Trong số những người đến nghe, có người đã tin những lời Phao-lô giãi bày và làm chứng, nhưng cũng có người không tin. Chúng ta có thể hiểu rằng, người tin là người có tấm lòng khao khát tìm kiếm Chúa, tìm kiếm lẽ thật, biết dựa vào Lời Chúa chứ không dựa vào các giáo lý không có trong Thánh Kinh. Người không tin là người kiêu ngạo trong sự trí thức và lý luận của xác thịt, không tôn kính Lời Chúa, không dựa trên Lời Chúa cách hợp lý, nhưng tìm cách bẻ cong Lời Chúa để phục vụ cho quan điểm nghịch Lời Chúa của mình.

25 Họ không đồng ý với nhau, đã bỏ về. Phao-lô đã nói một lời: Phải! Đức Thánh Linh đã phán bởi đấng Tiên Tri Ê-sai cùng các tổ phụ của chúng ta.

26 Phán, hãy đến nơi dân này và nói: Hãy nghe! Các ngươi sẽ nghe mà chẳng hiểu. Hãy xem! Các ngươi sẽ xem mà chẳng thấy.

27 Vì lòng của dân này đã béo, lỗ tai của chúng đã nặng nghe, chính mắt của chúng đã nhắm lại; e rằng, chúng sẽ thấy bởi mắt, nghe bởi tai, hiểu bởi lòng mà chúng trở lại và Ta sẽ chữa lành chúng. [Ê-sai 6:9-10]

Đến cuối ngày, các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên tại thành Rô-ma đã không thể thống nhất với nhau để tiếp nhận những lời rao giảng của Phao-lô. Họ đã bỏ về. Nhưng Phao-lô, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đã nhắc lại lời của Tiên Tri Ê-sai, là lời mà Đấng Thần Linh đã phán về những kẻ thuộc dân I-sơ-ra-ên mà từ chối tin nhận lẽ thật.

Dân này” là dân I-sơ-ra-ên.

Dân I-sơ-ra-ên đã lún sâu trong nếp sống tội, chỉ ưa thích làm theo những sự ưa muốn của xác thịt, không muốn nghe những lời lên án nếp sống tội lỗi của họ và kêu gọi họ ăn năn. Vì thế, họ nghe rao giảng Lời Chúa mà họ không hiểu. Các việc làm mầu nhiệm của Chúa thể hiện trước mắt họ mà họ không thấy. Lòng của họ không thể hiểu được lẽ thật của Lời Chúa vì đã mập béo với các dục vọng.

Thậm chí, họ còn sợ phải nghe những lời của lẽ thật, khiến họ ăn năn và được Chúa phục hồi thì họ sẽ không còn được sống nếp sống vui thú trong tội lỗi. Vì thế, họ đã tự nhắm mắt để khỏi thấy, đã tự làm cho tai mình trở nên khó nghe để khỏi nghe, và đã tự làm cho lòng mình ngập tràn các dục vọng để không còn hướng về sự thiêng liêng, thánh khiết.

28 Vậy, các ngươi hãy biết rằng, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được gửi đến cho các dân ngoại. Họ sẽ nghe. [Thi Thiên 67:2]

29 Khi người đã nói các lời ấy, những người Do-thái đã bỏ đi và có cuộc biện luận lớn giữa họ.

Phao-lô đã chính thức dùng Lời Chúa trong Thi Thiên để công bố cho các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên biết rằng, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được rao giảng cho các dân ngoại và các dân ngoại sẽ nghe. Động từ “nghe” (G191) ở đây hàm ý, nghe và hiểu.

Lời công bố của Phao-lô đã được các trưởng lão nghe, trước khi họ bỏ về. Trên đường về, họ đã sôi nổi bàn luận với nhau về những lời mà Phao-lô đã giãi bày và làm chứng cho họ.

30 Phao-lô đã ở trọn hai năm tại một nhà trọ người đã thuê. Người đã tiếp đón hết thảy những ai đã đến với người;

31 giảng về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, và dạy những sự về Đức Chúa Jesus Christ với mọi sự dạn dĩ, cách tự do.

Luật pháp của La-mã vào thời bấy giờ cho phép những tù nhân không phạm trọng tội trong khi chờ ra tòa có thể được tạm giam ngay tại nhà riêng của họ. Khi bị tạm giam như vậy sẽ có một người lính La-mã được biệt phái để canh giữ họ, và họ phải lo chi phí ăn uống cho người lính. Nhờ đó, Phao-lô đã có thể thuê nhà trọ để ở và được tự do rao giảng Tin Lành, tự do giảng dạy Lời Chúa cho bất cứ ai đến nghe ông, trong suốt hai năm chờ được Sê-sa xét xử.

Hai câu cuối cùng này của Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 28 kết thúc sách Công Vụ Các Sứ Đồ và cũng kết thúc các tường trình của Lu-ca về các hành trình truyền giáo của Sứ Đồ Phao-lô. Rất có thể Lu-ca đã không ở với Phao-lô suốt hai năm Phao-lô bị tù tại Rô-ma. Hai câu này đã được Lu-ca viết khi ông hay tin Phao-lô được trả tự do. Và như vậy, một phần cuối của sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã được Lu-ca viết ở một địa phương nào đó, không phải là thành Rô-ma. Vì chúng ta có thể hiểu rằng, nếu Lu-ca có mặt với Phao-lô trong suốt hai năm Phao-lô bị tù tại Rô-ma thì ông đã ghi chép sinh hoạt của Phao-lô trong hai năm đó.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/07/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Xin Cha Xót Thương Con”
https://karaokethanhca.net/xin-cha-xot-thuong-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.