Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:12-34 Sự Sống Lại của Loài Người

3,177 views

 

YouTube: https://youtu.be/Z66AFXYtCgQ

Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:12-34
Sự Sống Lại của Loài Người
và Sự Cầm Quyền của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 15:12-34

12 Nhưng, nếu Đấng Christ được giảng rằng, Ngài đã được sống lại từ những kẻ chết, thì sao vài người trong các anh chị em nói rằng, chẳng có sự sống lại của những người chết?

13 Nếu chẳng có sự sống lại của những người chết, thì Đấng Christ đã không được sống lại.

14 Và, nếu Đấng Christ đã không được sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi là vô ích, đức tin của các anh chị em cũng là vô ích.

15 Hơn nữa, chúng tôi bị xem là những người làm chứng dối, vì chúng tôi đã làm chứng về Đức Chúa Trời rằng, Ngài đã làm sống lại Đấng Christ, Đấng mà Ngài chẳng làm cho sống lại nếu những người chết không được sống lại.

16 Vì, nếu những người chết không được sống lại, thì Đấng Christ đã không được sống lại.

17 Và, nếu Đấng Christ đã không được sống lại, thì đức tin của các anh chị em là vô ích, các anh chị em còn ở trong những tội lỗi của các anh chị em.

18 Vậy, những người đã được ngủ trong Đấng Christ cũng bị hư mất.

19 Nếu chúng ta có sự trông cậy trong Đấng Christ chỉ trong đời này, thì trong cả mọi người, chúng ta là đáng được thương hại hơn hết.

20 Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ.

21 Vì sự chết đến bởi một người, thì sự sống lại của những kẻ chết cũng đến bởi một người.

22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại.

23 Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.

24 Kế đó, sự cuối cùng sẽ đến, khi Ngài sẽ giao vương quốc cho Đức Chúa Trời, là Đức Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi sự cai trị, mọi thẩm quyền, và mọi sức mạnh.

25 Vì Ngài phải cầm quyền cho đến khi Ngài đặt mọi kẻ thù nghịch dưới chân Ngài.

26 Kẻ thù sau cùng sẽ bị hủy diệt là sự chết.

27 Vì Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Ngài. Nhưng khi Ngài phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Ngài. [Dịch diễn ý: Vì Đức Chúa Trời đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ. Nhưng khi Đức Chúa Trời phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, lời ấy ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Đấng Christ.]

28 Khi muôn vật đã phục Ngài, thì chính mình Con cũng sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, để cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.

29 Nếu không, những người chịu báp-tem thay cho những người chết sẽ làm gì? Nếu những người chết không được sống lại bao giờ, thì sao họ chịu báp-tem thay cho những người chết?

30 Sao chúng tôi ở trong sự nguy hiểm từng giờ?

31 Tôi chết mỗi ngày, bởi sự vinh hiển của các anh chị em mà tôi có trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

32 Nếu tôi theo cách của loài người, đã đánh cùng loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu những người chết không được sống lại, thì chúng ta hãy ăn và hãy uống, vì ngày mai chúng ta chết!

33 Các anh chị em chớ bị mắc lừa! Những sự kết giao xấu làm hư những tính tốt.

34 Các anh chị em hãy tỉnh thức theo cách công chính! Và các anh chị em chớ phạm tội! Vì có người có sự không biết Thiên Chúa chút nào. Tôi nói với các anh chị em về sự hổ thẹn.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng, khi Thánh Kinh nói về: sự được sinh ra, sự rao giảng Tin Lành, sự chết, sự sống lại, sự thăng thiên, sự cầu thay cho Hội Thánh, sự tái lâm, và sự cai trị Vương Quốc Ngàn Năm của Đức Chúa Jesus Christ, thì đều là nói về bản tính và việc làm của Ngài trong thân vị loài người. Trong thân vị loài người, với danh hiệu Jesus Christ, Ngài vâng phục Đức Chúa Trời, thờ phượng Đức Chúa Trời, và phụng sự Đức Chúa Trời, làm kiểu mẫu cho loài người. Nhưng trong thân vị Thiên Chúa, với danh hiệu Ngôi Lời, Ngài bình đẳng, bình quyền với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh trên mọi phương diện.

Trong I Cô-rinh-tô 15:1-11, chúng ta đã học về sự thân thể xác thịt của Đấng Christ, sau khi đã chết và được chôn trong lòng đất trọn ba ngày, ba đêm, thì đã sống lại và hiện ra nhiều lần cho nhiều người. Sự sống lại của Đấng Christ đã được hơn 500 môn đồ của Ngài nhận biết và được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Sự sống lại của Đấng Christ mở đầu cho sự sống lại của toàn thể loài người, theo lời tiên tri trong Thánh Kinh:

“Nhiều người ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, người thì để được sự sống vĩnh cửu, kẻ thì chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc vĩnh cửu.” (Đa-ni-ên 12:2).

Trong I Cô-rinh-tô 15:12-34, chúng ta sẽ học tiếp về sự sống lại của Đấng Christ, sự sống lại của loài người, và sự cầm quyền cai trị của Đấng Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm.

12 Nhưng, nếu Đấng Christ được giảng rằng, Ngài đã được sống lại từ những kẻ chết, thì sao vài người trong các anh chị em nói rằng, chẳng có sự sống lại của những người chết?

Như chúng ta đã biết, Tin Lành về sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người nhấn mạnh đến sự chết chuộc tội của Đấng Christ và sự sống lại của Ngài. Giảng Tin Lành là giảng về sự chết và sự sống lại của Đấng Christ để cứu chuộc những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, ban cho họ sự sống lại và sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời. Sự sống lại của những người được cứu bao gồm bản ngã là linh hồn, bản thể thiêng liêng là tâm thần, và bản thể vật chất là xác thịt. Linh hồn và tâm thần của những người tin nhận Tin Lành đã được tái sinh trong đời này, nhưng thân thể xác thịt của họ chỉ được tái sinh trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Sự tái sinh của thân thể xác thịt bao gồm sự sống lại của thân thể xác thịt đã chết và sự biến hóa của thân thể xác thịt đang sống.

Thế nhưng, trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô vào thời của Phao-lô lại có vài người không tin rằng, thân thể xác thịt của những người chết sẽ được sống lại. Những người ấy tin nhận sự cứu rỗi của Tin Lành nhưng họ nghĩ rằng, thân thể xác thịt của loài người sau khi chết sẽ không được sống lại. Họ nghĩ rằng, những người được cứu sẽ chỉ là những linh hồn được sống an vui trong Nước Trời, sau khi thân thể xác thịt đã chết.

Không riêng gì trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô mà trong Hội Thánh tại nhiều địa phương khác vào thời bấy giờ, cũng có một số con dân Chúa bị tiêm nhiễm tà giáo từ những giáo sư giả và tiên tri giả. Một trong các tà giáo thịnh hành vào thời ấy là tà giáo dạy rằng: Thân thể xác thịt là ô uế và tội lỗi, sau khi chết sẽ không có sự sống lại. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi linh hồn của những ai tin nhận Tin Lành. Vì thân thể xác thịt là ô uế, tội lỗi nên nó sẽ cứ tiếp tục phạm tội cho đến chết. Miễn sao linh hồn tin nhận Tin Lành thì sau khi thân thể xác thịt chết đi, linh hồn sẽ vào trong nơi vĩnh phúc. Và như vậy, cứ để cho thân thể xác thịt tha hồ phạm tội.

Những người tin theo tà giáo thật ra là những người vừa muốn được cứu rỗi, vừa muốn tiếp tục thỏa mãn những thú vui tội lỗi của xác thịt. Vì thế, họ sẵn sàng tin nhận bất cứ lời giảng nào hợp với sự ham muốn của họ mà không cần đối chiếu với các lẽ thật của Tin Lành.

13 Nếu chẳng có sự sống lại của những người chết, thì Đấng Christ đã không được sống lại.

Tin Lành nhấn mạnh đến sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, ngay cả một người bình dân, ít học, nếu đã tin nhận Tin Lành thì cũng biết rằng, có sự sống lại của những người chết. Vì nếu không có sự sống lại của những người chết thì Đấng Christ cũng không thể được sống lại.

14 Và, nếu Đấng Christ đã không được sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi là vô ích, đức tin của các anh chị em cũng là vô ích.

Sự giảng Tin Lành là sự giảng về sự chết và sự sống lại của Đấng Christ. Nhưng nếu không có sự những người chết được sống lại, dẫn đến sự Đấng Christ cũng không được sống lại, thì sự giảng Tin Lành trở thành vô ích, vì là giảng về điều không có thật. Nếu Tin Lành là điều không có thật thì sự tin nhận Tin Lành cũng trở thành vô ích, vì đức tin vào một sự dối trá không đem lại ích lợi gì cho người tin.

15 Hơn nữa, chúng tôi bị xem là những người làm chứng dối, vì chúng tôi đã làm chứng về Đức Chúa Trời rằng, Ngài đã làm sống lại Đấng Christ, Đấng mà Ngài chẳng làm cho sống lại nếu những người chết không được sống lại.

Nếu không có sự sống lại của những người chết thì Đấng Christ cũng không được sống lại, và những người rao giảng Tin Lành đã phạm tội làm chứng dối về Đức Chúa Trời.

16 Vì, nếu những người chết không được sống lại, thì Đấng Christ đã không được sống lại.

17 Và, nếu Đấng Christ đã không được sống lại, thì đức tin của các anh chị em là vô ích, các anh chị em còn ở trong những tội lỗi của các anh chị em.

18 Vậy, những người đã được ngủ trong Đấng Christ cũng bị hư mất.

Phao-lô lập đi lập lại lý luận: Nếu những người chết không được sống lại, thì Đấng Christ cũng không được sống lại. Nếu Đấng Christ không được sống lại thì đức tin của những ai tin vào Tin Lành trở nên vô ích.

Mặc dù bởi sự tiền định của Đức Chúa Trời, thân thể xác thịt của mỗi người sau khi chết đều được sống lại nhưng sự thân thể của Đấng Christ được sống lại chứng minh rằng, thân thể xác thịt của một người được Đức Chúa Trời xưng là công bình, sau khi chết, sẽ được Đức Chúa Trời phục sinh một cách vinh quang để vui hưởng cơ nghiệp của Ngài.

Đức Chúa Jesus Christ là một người công bình, vì Ngài không hề phạm tội. Thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ bị chết, vì hình phạt của tội lỗi là sự chết (Sáng Thế Ký 2:17; Rô-ma 6:23) mà Ngài tự nguyện gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người. Tội lỗi được làm ra trong xác thịt thì tội lỗi phải bị hình phạt trên xác thịt. Sau khi án phạt đã thi hành, xác thịt đã chết, thì thân thể vốn không phạm tội của Đức Chúa Jesus Christ được Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Đó chính là sự công bình của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là tình yêu nên Ngài chấp nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ để tha thứ loài người về sự phạm tội của họ. Đức Chúa Trời là thánh khiết nên Ngài phải giáng hình phạt của tội lỗi trên thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng Đức Chúa Trời là công chính nên Ngài phục hồi sự sống cho thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ một cách vinh quang.

Những người tin nhận Tin Lành là những người công bình theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Họ được Đức Chúa Trời xưng là công bình vì họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Thật lòng ăn năn tội là hối tiếc vì đã phạm tội và không tiếp tục cố ý phạm tội. Tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là công nhận sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Đức Chúa Trời. Thân thể xác thịt của mỗi người phạm tội đều bị chết, nhưng vì họ tin nhận Tin Lành thì được Đức Chúa Trời kể là những người công bình, nên thân thể xác thịt của họ được sống lại trong vinh quang như thân thể phục sinh của Đấng Christ, và được đời đời vui hưởng Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jesus Christ là người công bình vì Ngài không hề phạm tội. Những người tin nhận Tin Lành là những người công bình dù họ là những người phạm tội, vì sự phạm tội của họ đã được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay án phạt, và chính họ thật lòng ăn năn, từ bỏ sự phạm tội.

Nếu thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã không sống lại thì thân thể xác thịt của những người chết cũng không được sống lại. Và như vậy, thân thể của những người tin nhận Tin Lành vẫn ở trong sự hư mất, tức ở trong sự chết, vì sự phạm tội của họ. Điều đó hoàn toàn nghịch lại với lẽ thật của Tin Lành, nghịch lại bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Đức Chúa Trời.

“Được ngủ trong Đấng Christ” có nghĩa là được chết trong sự tin nhận Tin Lành. Nghĩa là giữ vững đức tin trong sự tin nhận Tin Lành cho đến chết. Nghĩa là không tiếp tục sống trong tội nhưng hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, bao gồm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ, và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Giăng 13:34; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

Động từ “bị hư mất” (G622) được dùng trong câu này có nghĩa là bị phá hủy, bị tiêu diệt. Nếu không có sự sống lại của những người chết thì thân thể xác thịt đã chết của những người tin nhận Tin Lành sẽ mãi mãi là bụi đất, mãi mãi bị phân rẽ khỏi linh hồn của họ.

19 Nếu chúng ta có sự trông cậy trong Đấng Christ chỉ trong đời này, thì trong cả mọi người, chúng ta là đáng được thương hại hơn hết.

Sự trông cậy trong Đấng Christ của con dân Chúa bao gồm sự trông cậy trong đời này lẫn trong đời sau. Đời này là cuộc sống trong thân thể xác thịt hiện tại. Đời sau là cuộc sống trong thân thể xác thịt phục sinh và bất tử.

Trong đời này, con dân Chúa nhẫn nại sống theo Lời Chúa cho dù phải gánh chịu mọi hoạn nạn, đau khổ, bất công, và bị bách hại vì danh Chúa, vì họ trông cậy sự ban thưởng của Chúa trong đời sau. Sự ban thưởng ấy là sự thân thể xác thịt của họ được sống lại trong vinh quang và bất tử, vui hưởng Vương Quốc Trời cho đến đời đời. Nếu sự trông cậy trong Đấng Christ của họ chỉ hướng về đời này mà không hướng về đời sau thì họ sẽ không có gì hết ngoài sự chịu khổ; vì trong đời này, họ được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa (Phi-líp 1:29; I Phi-e-rơ 2:21). Và như vậy, họ thật là đáng thương hại hơn tất cả mọi người trong thế gian, vì họ phải chịu khổ để sống theo Lời Chúa trong đời này mà trong đời sau họ lại không được gì hết.

20 Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ.

Trước khi Đấng Christ chịu chết và được sống lại thì cũng có nhiều người chết được sống lại, nhưng sự sống lại của những người ấy chỉ là tạm thời để tỏ ra quyền phép của Thiên Chúa. Khi đến thời điểm thì họ cũng sẽ chết trở lại. Nhưng sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ là sự sống lại kèm theo sự biến hóa của thân thể xác thịt được sống lại. Thân thể xác thịt được sống lại của Ngài trở thành một thân thể vật chất siêu nhiên (vượt qua các định luật vật lý thiên nhiên), sẽ không bao giờ bị phân rẽ khỏi bản ngã là linh hồn, có thể sinh hoạt trong thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh.

“Trái đầu mùa của những kẻ ngủ” có nghĩa là người đầu tiên sống lại một cách vinh quang trong số những người chết và thân thể xác thịt được biến hóa cách siêu nhiên, mở đường cho những người chết cũng sẽ được sống lại cách siêu nhiên như vậy.

21 Vì sự chết đến bởi một người, thì sự sống lại của những kẻ chết cũng đến bởi một người.

22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại.

Sự chết vào trong thế gian bởi sự phạm tội của tổ phụ loài người là A-đam, khiến cho mọi người đều chết, thì sự sống lại cũng được ban cho loài người, trong Đức Chúa Jesus Christ, bởi sự chuộc tội Ngài đã làm ra cho loài người. Vì thế, mỗi một người sau khi chết đều sẽ được sống lại.

23 Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.

Ngoài Đấng Christ là người đầu tiên sống lại cách siêu nhiên, cầm quyền trên sự chết, thì sự sống lại của loài người được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn trước thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, còn được gọi là sự sống lại thứ nhất, dành riêng cho những người thuộc về Chúa, có sự cứu rỗi. Sự sống lại thứ nhất bao gồm ít nhất là ba thời điểm:

Thời điểm 1: Con dân Chúa thuộc Hội Thánh được sống lại trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Thời điểm này xảy ra trước Kỳ Tận Thế.

Thời điểm 2: Hai chứng nhân của Đức Chúa Trời bị giết và được sống lại vào giữa Kỳ Tận Thế.

Thời điểm 3: Các thánh đồ bị AntiChrist giết trong Kỳ Tận Thế được sống lại vào cuối Kỳ Tận Thế, trước khi Vương Quốc Ngàn Năm được Đức Chúa Jesus Christ thành lập. Cũng có thể, vào thời điểm này các thánh đồ thời trước Cựu Ước và thời Cựu Ước cũng được sống lại để bước vào Vương Quốc Ngàn Năm.

Giai đoạn sau thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm là sự sống lại sau cùng, dành cho tất cả những người không có sự cứu rỗi. Những người được sống lại trong giai đoạn này sẽ phải chịu phán xét về mỗi tội lỗi họ đã làm ra và chịu khổ đời đời trong hỏa ngục. Họ được sống lại nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ nhưng vì họ không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài nên họ bị hình phạt, chịu khổ đời đời trong hỏa ngục chung với các thiên sứ phạm tội.

Chúng ta đã biết, khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì sự vinh quang bao phủ loài người, loài người không cần quần áo che thân. Chỉ sau khi loài người phạm tội, bị thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23), thì loài người mới cần quần áo che thân. Tội lỗi cũng làm cho thân thể xác thịt của loài người trở nên yếu đuối, bệnh tật, già, xấu. Chúng ta có thể hiểu rằng, bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ nên khi mỗi người được sống lại trong Đấng Christ thì ai nấy cũng có sự vinh quang đầy trọn như A-đam và Ê-va trong buổi ban đầu, kể cả những người không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người thuộc về Chúa, có sự cứu rỗi, thì có sự vinh quang càng hơn, tùy theo mỗi việc lành họ đã làm ra trong danh Chúa (Khải Huyền 19:8). Nhưng người không thuộc về Chúa, không có sự cứu rỗi, thì sự vinh quang của thân thể phục sinh sẽ mất dần theo mỗi tội bị phán xét. Sau cùng thì họ bị giam vào trong hỏa ngục cho đến đời đời.

Bởi sự tiền định của Đức Chúa Trời, các loài thọ tạo được ban cho thân vị, tức là có nhận thức, có suy nghĩ, có tự do quyết định, như các thiên sứ và loài người, nếu phạm tội chống nghịch Thiên Chúa thì phải chịu hình phạt hư mất đời đời trong hỏa ngục. Riêng loài người được Thiên Chúa dựng nên với thân thể xác thịt để cai trị thế giới vật chất, thì sự phạm tội khiến cho thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi bản ngã là linh hồn và thân thể thiêng liêng là tâm thần, còn gọi là sự chết của thân thể xác thịt. Đó là sự phán xét thứ nhất.

Trong ngày phán xét chung cuộc, thân thể xác thịt đã chết của mỗi người đều được sống lại, tái kết hiệp với bản ngã là linh hồn, và chịu phán xét về mỗi một tội lỗi đã làm ra. Mỗi một tội sẽ bị hình phạt cách công chính theo luật pháp của Đức Chúa Trời trên thân thể phục sinh của người phạm tội, nhưng hình phạt chung cho mỗi tội nhân là bị giam đời đời trong hỏa ngục, bị đời đời phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Đó là sự phán xét chung cuộc mà án phạt được gọi là sự chết đời đời.

Bởi tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người, Ngài đã ban cho loài người cơ hội được thoát khỏi sự chết đời đời, qua ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy được cứu rỗi ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi sẽ không còn sức mạnh bắt ép người ấy tiếp tục phạm tội, và Đức Chúa Trời tha thứ mọi sự phạm tội của người ấy.

24 Kế đó, sự cuối cùng sẽ đến, khi Ngài sẽ giao vương quốc cho Đức Chúa Trời, là Đức Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi sự cai trị, mọi thẩm quyền, và mọi sức mạnh.

25 Vì Ngài phải cầm quyền cho đến khi Ngài đặt mọi kẻ thù nghịch dưới chân Ngài.

26 Kẻ thù sau cùng sẽ bị hủy diệt là sự chết.

“Kế đó” là theo sau thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

“Sự cuối cùng sẽ đến” là sự kết thúc trời cũ đất cũ và sự phán xét chung cuộc.

Đấng Christ trong thân vị loài người với danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” sẽ cầm quyền cai trị Vương Quốc Ngàn Năm. Sau khi Ngài đã tiêu diệt mọi thế lực cầm quyền và mọi sức mạnh của loài người, của Sa-tan, nhốt mọi thiên sứ phạm tội và những người phạm tội vào trong hỏa ngục, ném sự chết và âm phủ vào trong hỏa ngục (Khải Huyền 20:14), thì Ngài sẽ dâng vương quốc của Ngài lên Đức Chúa Trời để Đức Chúa Trời khiến vương quốc ấy thành Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới. Trong Vương Quốc Đời Đời, Đấng Christ với danh hiệu Chiên Con, đồng trị với Đức Chúa Trời, và Hội Thánh đồng trị với Đấng Christ.

27 Vì Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Ngài. Nhưng khi Ngài phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Ngài. [Dịch diễn ý: Vì Đức Chúa Trời đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ. Nhưng khi Đức Chúa Trời phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, lời ấy ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Đấng Christ.]

28 Khi muôn vật đã phục Ngài, thì chính mình Con cũng sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, để cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.

Chữ “Ngài” thứ nhất và thứ ba trong câu 27 là chỉ về Đức Chúa Trời. Chữ “Ngài” thứ nhì và thứ tư là chỉ về Đức Chúa Jesus Christ.

Đức Chúa Jesus Christ trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời là Đấng trực tiếp dựng nên muôn loài vạn vật (Giăng 1:1-3), thì đương nhiên muôn loài, vạn vật phải quy phục Ngài. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ trong thân vị loài người, làm vua cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời, thì phải được sự ban cho quyền cai trị từ Đức Chúa Trời.

Khi chúng ta đọc về Đấng Christ trong Thánh Kinh, chúng ta phải biết phân biệt khi nào Thánh Kinh nói về thần tính của Ngài, tức sự thực hữu của Ngài trong thân vị Thiên Chúa; và khi nào Thánh Kinh nói về nhân tính của Ngài, tức sự thực hữu của Ngài trong thân vị loài người:

  • Con người xác thịt Jesus không bình đẳng, không bình quyền với Đức Chúa Trời, vì thân thể xác thịt ấy là loài người, còn Đức Chúa Trời là Thiên Chúa. Nhưng Ngôi Lời bình đẳng và bình quyền với Đức Chúa Trời, vì Ngôi Lời cũng là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời.
  • Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người nên Ngài là thực thể duy nhất vừa là Thiên Chúa vừa là loài người.
  • Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị khác nhau: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Ba thân vị đều là Thiên Chúa, bình đẳng, bình quyền, nhưng không phải có ba Thiên Chúa. Tương tự như chỉ có một chính quyền Hoa Kỳ thực hữu trong ba cơ quan: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Cơ quan Lập Pháp Hoa Kỳ là chính quyền Hoa Kỳ, cơ quan Hành Pháp Hoa Kỳ là chính quyền Hoa Kỳ, cơ quan Tư Pháp Hoa Kỳ là chính quyền Hoa Kỳ; nhưng không phải có ba chính quyền Hoa Kỳ. Xin đọc bài: “Sự Bình Quyền và Phân Quyền Giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1].

Từ hàng ngàn năm trước, Sa-tan đã tạo ra tà giáo phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, phủ nhận thần tính và thân vị của Đức Thánh Linh. Ngày nay, tà giáo ấy đang được một vài giáo sư giả và tiên tri giả người Việt rao giảng cho con dân Chúa người Việt.

Kể từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để thi hành công cuộc cứu chuộc nhân loại, thì thân vị loài người và thân vị Thiên Chúa của Ngài hiệp một. Trong Ngài vừa có thần tính lại vừa có nhân tính. Trước khi Ngài hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại thì Ngài không thể hiện thần tính trong thân thể xác thịt của Ngài. Sau khi Ngài hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại thì Ngài tùy ý thể hiện thần tính và nhân tính trong thân thể xác thịt phục sinh của Ngài. Ngài triệt hạ AntiChrist và Sa-tan bằng thần tính nhưng Ngài cai trị loài người bằng nhân tính. Vì Ngài cai trị loài người bằng nhân tính nên Ngài phục tùng Đức Chúa Trời và dâng vương quốc của Ngài lên Đức Chúa Trời.

Minh họa: Giả sử có ba người bạn cùng chung vốn thành lập một công ty. Ba người xuất vốn bằng nhau, bình đẳng và bình quyền trong mọi quyết định về công ty, cùng ở trong ban giám đốc. Nhưng để việc điều hành công ty được tốt đẹp thì người thứ nhất được bầu làm tổng giám đốc của công ty, đại diện công ty ký kết các quyết định của ban giám đốc. Người thứ nhì được bầu làm giám đốc nhân sự chuyên về việc thuê mướn và sắp xếp các nhân viên trong công ty. Người thứ ba được bầu làm giám đốc sản xuất, chuyên về việc sản xuất của công ty.

Trong buổi họp của ban giám đốc thì cả ba người bạn cùng có quyền ngang nhau để quyết định về mọi hoạt động của công ty. Nhưng trong hoạt động của công ty thì giám đốc nhân sự và giám đốc sản xuất phải phục tùng tổng giám đốc; còn tổng giám đốc thì phải theo đúng quyết định của ban giám đốc.

29 Nếu không, những người chịu báp-tem thay cho những người chết sẽ làm gì? Nếu những người chết không được sống lại bao giờ, thì sao họ chịu báp-tem thay cho những người chết?

Từ câu 29 đến câu 32 là tiếp theo mạch văn từ câu 19, sau khi tạm gián đoạn để nói về sự sống lại của Đấng Christ và sự cầm quyền của Ngài từ câu 20 đến câu 28.

“Nếu không” là nếu không có sự sống lại của những người chết, nhất là sự sống lại của những người tin nhận Tin Lành. Nếu không có sự sống lại của những người chết thì việc chịu báp-tem cho những người chết là một việc làm vô ích. Vì nghi thức báp-tem thể hiện đức tin về sự sống lại một con người mới trong Đấng Christ của người chịu báp-tem.

Giới từ “ὑπέρ”, (G5228), phiên âm quốc tế /hyper/, phiên âm tiếng Việt /hu-be/ đứng trước danh từ “những người chết” có thể được dùng với các nghĩa như sau:

1. Hơn, vượt trội, trên hết: “Môn đồ thì không hơn thầy; tôi tớ cũng không hơn chủ của mình.” (Ma-thi-ơ 10:24).

2. Liên quan đến, về…: “Còn Ê-sai đã kêu lên về dân I-sơ-ra-ên: Dù số con cái I-sơ-ra-ên như cát biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu.” (Rô-ma 9:27).

3. Thay cho, đại diện, vì quyền lợi của…: “Đấng dò xét những tấm lòng hiểu biết ý tưởng của Đấng Thần Linh là thế nào. Vì Ngài cầu thay cho các thánh đồ theo ý muốn của Thiên Chúa.” (Rô-ma 8:27).

Sau khi cầu nguyện, suy ngẫm và tham khảo các bài viết về lịch sử của Hội Thánh, chúng tôi chọn dịch giới từ “hu-be” trong câu 29 với nghĩa thứ ba là “thay cho”: “chịu báp-tem thay cho những người chết”. Vì chịu báp-tem thay cho người chết là nghi thức được áp dụng trong một số Hội Thánh địa phương, vào khoảng 300 năm đầu lịch sử của Hội Thánh. Các Hội Thánh địa phương ấy cho phép một người chịu báp-tem thay cho người thân hay bạn bè mới tin Chúa nhưng đã qua đời khi chưa kịp chịu báp-tem. Việc chịu báp-tem thay cho người chết không hề được dạy trong Thánh Kinh và là việc không cần thiết. Vì sự cứu rỗi không đến bởi sự được báp-tem. Sự cứu rỗi đến bởi sự thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Lễ báp-tem chỉ là nghi thức thể hiện lòng ăn năn tội và đức tin vào Tin Lành. Tin rằng, một người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy cũng chết đối với tội lỗi và được sống lại một con người mới trong Đấng Christ. Tin rằng, thân thể xác thịt của người tin nhận Tin Lành cũng sẽ sống lại vinh quang như thân thể xác thịt của Đấng Christ.

Nếu xét về phương diện đúng hay sai thì sự chịu báp-tem thay cho người chết không sai nghịch các nguyên tắc trong Thánh Kinh. Của lễ chuộc tội trong Thánh Kinh chính là một ứng dụng nổi bật trong nguyên tắc thay thế. Có lẽ vì thế mà Phao-lô không quở trách thói tục này. Nhưng ông không khích lệ việc chịu báp-tem cho người chết, vì đó không phải là điều Chúa truyền dạy cho con dân của Ngài.

30 Sao chúng tôi ở trong sự nguy hiểm từng giờ?

Nếu những người chết không được sống lại thì tại sao Phao-lô và các bạn của ông phải chịu nguy hiểm để rao giảng Tin Lành về sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, dẫn đến sự sống lại cho những ai ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài?

“Sự nguy hiểm từng giờ” là sự nguy hiểm thường xuyên vì bị bách hại bởi những kẻ chống đối sự rao giảng Tin Lành; cùng với sự nguy hiểm của thiên tai, hoạn nạn, trộm cướp, đói khát, dịch bệnh…

31 Tôi chết mỗi ngày, bởi sự vinh hiển của các anh chị em mà tôi có trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

Sự chết mỗi ngày có thể là sự chết đi bản tính tội lỗi của con người cũ để sống nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa trong con người mới, mà cũng có thể là sự chịu khổ mỗi ngày vì danh Chúa. Phao-lô sống đẹp lòng Chúa và chịu khổ vì danh Chúa mỗi ngày để đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, để họ được chiếu ra sự vinh quang của Đấng Christ là sự vinh quang mà chính ông cũng có.

32 Nếu tôi theo cách của loài người, đã đánh cùng loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu những người chết không được sống lại, thì chúng ta hãy ăn và hãy uống, vì ngày mai chúng ta chết!

“Đánh cùng loài thú ở thành Ê-phê-sô” có thể là sự chống lại những kẻ chống đối sự giảng dạy của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:9), mà cũng có thể là Phao-lô phải chống cự với thú dữ ở ngoại thành Ê-phê-sô trong các lần ông tới lui thành ấy. Dù là hiểu theo cách nào thì cũng là Phao-lô phải nhiều khi chịu khổ, chịu nguy hiểm trong mục vụ, như ông đã tâm sự trong II Cô-rinh-tô 11:23-30. Nếu những người chết không được sống lại thì có phải sự khó nhọc của Phao-lô là vô ích? Vì ông sẽ không có phần thưởng gì cả.

Nếu những người chết không được sống lại thì sẽ không có sự thưởng phạt trong đời sau, chết là hết, như những người vô thần thường nói. Vậy thì mỗi người hãy cứ sống sao cho thỏa những sự ham muốn của mình, điển hình là ăn, uống cho thỏa thích… trước khi cuộc đời này qua đi.

33 Các anh chị em chớ bị mắc lừa! Những sự kết giao xấu làm hư những tính tốt.

Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô chớ bị mắc lừa bởi các giáo sư giả và tiên tri giả, là những kẻ rao giảng tà giáo.

“Sự kết giao xấu” là sự thông công với những kẻ xấu, điển hình là các giáo sư giả và tiên tri giả, điển hình là những kẻ xưng nhận mình là môn đồ của Chúa mà không sống theo Lời Chúa. Sự thông công với những kẻ xấu sẽ khiến cho con dân Chúa dễ bị mắc lừa và tiêm nhiễm những thói xấu của họ. Khi một người bắt đầu tiêm nhiễm những thói xấu thì những đức tính tốt cũng dần biến đi. Vì thói xấu là sự phản diện của tính tốt. Thí dụ, khi tiêm nhiễm thói ở bẩn thì đức tính về sự giữ vệ sinh sẽ mất đi; khi tiêm nhiễm thói nói dối thì đức tính chân thật sẽ mất đi; khi tiêm nhiễm thói độc ác thì đức tính nhân từ sẽ mất đi…

34 Các anh chị em hãy tỉnh thức theo cách công chính! Và các anh chị em chớ phạm tội! Vì có người có sự không biết Thiên Chúa chút nào. Tôi nói với các anh chị em về sự hổ thẹn.

“Tỉnh thức theo cách công chính” là cảnh giác về mọi sự, dựa trên lẽ thật của Lời Chúa.

“Chớ phạm tội” là khi đã biết việc gì đó nghịch lại Lời Chúa thì đừng làm.

“Có người có sự không biết Thiên Chúa chút nào” là có người mang danh là con dân Chúa nhưng không quan tâm đến sự tìm hiểu về Chúa để nhận biết Ngài cách rõ ràng, ngày càng hơn. Danh từ “sự không biết” (G56) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự ngu dốt, sự thiếu hiểu biết. Một người có sự ngu dốt về Thiên Chúa, thiếu hiểu biết về Thiên Chúa là một người không có lòng tìm kiếm Thiên Chúa. Người ấy có thể nghe hiểu và tin nhận Tin Lành nhưng sau đó thì không sốt sắng học biết về Chúa. Đó là một sự hổ thẹn cho người nào xưng nhận mình là con dân của Chúa. Người như vậy khó mà tỉnh thức một cách công chính, khó mà tránh sự phạm tội.

Giáo lý về sự sống lại của những người chết, sự sống lại của Đấng Christ, sự sống lại trong vinh quang và hạnh phúc của con dân Chúa, sự sống lại để chịu sự phán xét và hình phạt đời đời của những người không thuộc về Chúa là lẽ thật căn bản của Thánh Kinh.

Thiên Chúa sáng tạo nên thế giới thiêng liêng và thế giới vật chất làm cơ nghiệp đời đời của Ngài. Ngài sáng tạo loài người để loài người vui hưởng và cùng cai trị cơ nghiệp của Ngài. Nhưng loài người đã thất bại trong sự thử thách về đức tin và lòng vâng phục Thiên Chúa, khiến cho tội lỗi và sự chết vào trong thế gian. Bởi tình yêu, Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự cứu rỗi để bất cứ ai tin Ngài, ăn năn tội, và tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài, thì được thoát khỏi hình phạt của tội lỗi, được phục hồi địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi được hoàn tất trong ngày thân thể xác thịt của người tin nhận Tin Lành được phục sinh hoặc được biến hóa thành thân thể vật chất siêu nhiên. Đó cũng chính là sự trông cậy hạnh phúc của mỗi con dân Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/06/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-11_su-binh-quyen-va-phan-quyen-giua-ba-ngoi-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Tôi Mãi Nhớ Ơn Ngài”
https://karaokethanhca.net/toi-mai-nho-on-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây:
https://christ.thanhkinhvietngu.net