Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL021 Phép Lạ Đầu Tiên của Đức Chúa Jesus

735 views

YouTube: https://youtu.be/DyP4IytvoVU

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL021 Phép Lạ Đầu Tiên của Đức Chúa Jesus
Giăng 2:1-12

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Giăng 2:1-12

1 Ngày thứ ba, có một đám cưới trong thành Ca-na, thuộc xứ Ga-li-lê; và mẹ của Đức Chúa Jesus đã ở đó.

2 Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài cũng được mời dự đám cưới.

3 Khi rượu bị thiếu, mẹ của Đức Chúa Jesus nói với Ngài rằng: Họ không có rượu nữa.

4 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi đàn bà! Có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ của Ta chưa đến! [Cách gọi: “Hỡi đàn bà!” là cách gọi tôn kính của người I-sơ-ra-ên.]

5 Mẹ của Ngài nói với mấy người phục vụ rằng: Bất cứ điều gì Ngài bảo các ngươi, hãy làm theo!

6 Tại đó, có đặt sáu cái lu chứa nước bằng đá, theo tục thanh tẩy của người Do-thái, mỗi cái chứa hai hay ba giạ nước. [Một giạ bằng 40 lít].

7 Đức Chúa Jesus bảo họ: Hãy đổ nước đầy những cái lu chứa nước này! Thì họ đã đổ cho đầy chúng.

8 Ngài bảo họ: Bây giờ, hãy múc ra và đem cho người coi tiệc. Thì họ đã đem đi.

9 Khi người coi tiệc nếm thì nước đã trở thành rượu, và người không biết từ đâu (còn các người phục vụ múc nước thì biết). Người coi tiệc đã gọi chàng rể.

10 Người bảo chàng: Mọi người lúc đầu đãi rượu ngon và khi khách đã say thì đãi rượu dở. Còn ngươi, đã giữ rượu ngon tới bây giờ.

11 Ấy là sự khởi đầu các phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm tại Ca-na, thuộc xứ Ga-li-lê, và bày tỏ sự vinh quang của Ngài. Các môn đồ của Ngài tin nơi Ngài.

12 Sau việc đó, Ngài đã đi xuống thành Ca-bê-na-um. Ngài, mẹ của Ngài, các em trai của Ngài, và các môn đồ của Ngài, họ đã ở lại đó ít ngày.

Bản đồ minh họa vị trí các thành trong xứ Ga-li-lê
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/02/Betsaida-Cana.png

Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về phép lạ đầu tiên mà Đức Chúa Jesus đã làm ra trong buổi đầu bước vào chức vụ của Ngài. Vào lúc này đây thì dường như các môn đồ của Chúa chỉ mới là: Anh-rê, Phi-e-rơ, Giăng, Phi-líp, và Na-tha-na-ên. Chúng ta không thấy Thánh Kinh nói đến Gia-cơ, anh của Giăng, nên chúng ta không biết chắc là Gia-cơ có mặt hay không.

Phép lạ đầu tiên Đức Chúa Jesus làm là hóa nước dùng để rửa chân thành rượu ngon, trong một tiệc cưới, tại thành Ca-na, xứ Ga-li-lê. Chúng ta không biết Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã được mời dự tiệc cưới từ khi nào. Nhưng có lẽ Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã đi từ thành Bết-sai-đa đến thành Ca-bê-na-um. Đó là một chặng đường khoảng 12 km. Có thể đi đường bộ mà cũng có thể đi bằng thuyền. Từ Ca-bê-na-um, Đức Chúa Jesus và các môn đồ đã đi đường bộ, khoảng 38 km, về hướng tây nam, để về lại nhà của Ngài, ở thành Na-xa-rét. Sau đó, được biết là Ngài và các môn đồ được mời dự lễ cưới ở thành Ca-na nên Chúa đã cùng các môn đồ đi đến thành Ca-na.

Lễ cưới của người I-sơ-ra-ên vào thời của Đức Chúa Jesus là một sự kiện xã hội và tôn giáo quan trọng, thường kéo dài trong vài ngày. Đó là dịp vui mừng, được tổ chức với nhiều sự phô trương và yến tiệc, thường có sự tham dự của cả cộng đồng. Lễ cưới thường diễn ra tại nhà của chú rể. Cô dâu được cha hoặc một người họ hàng thân thiết thuộc nam giới đưa đến nhà chú rể. Chú rể và những người bạn của chàng sẽ đợi cô dâu ở bên ngoài nhà. Khi cô dâu được đưa đến, họ sẽ hộ tống cô vào phòng tân hôn. Tại đó, hôn lễ được hoàn thành.

Lễ cưới thực tế diễn ra đơn giản, thường bao gồm việc trao lời thề nguyện và ký kết hôn thú với sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình và bạn bè. Lễ cưới thường bao gồm phần đọc “Bảy Lời Phước” (שבע ברכות‎ trong tiếng Hebrew, phiên âm /sheva brachot/). Đó là một loạt bảy lời chúc phước truyền thống được đọc trên một cốc rượu. Chúng thể hiện hy vọng và lời cầu nguyện cho hạnh phúc, tình yêu, và sự thịnh vượng của đôi vợ chồng mới cưới trong tương lai của họ. Bảy Lời Phước thường được đọc bởi một Ra-bi, hoặc một người bạn, hoặc một thành viên trong gia đình gần gũi với đôi vợ chồng mới cưới, dưới mái vòm tân hôn (chuppah), sau khi đôi nam nữ đã trao đổi lời hứa và nhẫn. Mỗi lời chúc phước tập trung vào một khía cạnh khác nhau của cuộc sống vợ chồng, bao gồm tình yêu, niềm vui, tình bạn, và hạnh phúc trong tương lai. Nội dung của Bảy Lời Phước là:

1. Ngài là đáng tôn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng con, Đấng cai trị muôn loài, Đấng đã sáng tạo ra trái nho.

2. Ngài là đáng tôn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng con, Đấng cai trị muôn loài, Đấng đã sáng tạo ra mọi thứ vì sự vinh quang của Ngài.

3. Ngài là đáng tôn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng con, Đấng cai trị muôn loài, Đấng đã tạo ra con người đầu tiên theo hình và tượng của Ngài; và đã lập ra giao ước hôn nhân vĩnh cửu.

4. Ngài là đáng tôn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng con, Đấng cai trị muôn loài, Đấng đã mang cô dâu và chú rể đến với nhau để họ vui mừng trong nhau.

5. Ngài là đáng tôn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng con, Đấng cai trị muôn loài, Đấng đã tạo ra niềm vui và lễ hội, cô dâu và chú rể, sự vui vẻ, mừng rỡ, nhảy múa, hân hoan, tình yêu, tình bạn, hòa bình, và tình thân cận.

6. Ngài là đáng tôn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng con, Đấng cai trị muôn loài, Đấng đã mang đến cho cô dâu và chú rể niềm vui bởi sự có mặt của Ngài và niềm vui của thiên đàng.

7. Ngài là đáng tôn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng con, Đấng cai trị muôn loài, Đấng đã khiến cho Si-ôn và con cái của nó, chú rể và cô dâu, được vui mừng.

Các lời chúc phước được kết thúc với lời cầu nguyện cho sự hòa bình ở Giê-ru-sa-lem và toàn thế giới. Bảy Lời Phước là một phần không thể thiếu của truyền thống lễ cưới trong dân I-sơ-ra-ên. Nó thường được kèm theo những bài hát và các điệu múa. Các lời chúc phước được đọc trong lễ cưới và sau đó lại được đọc trong bảy ngày tiếp theo sau lễ cưới, như một lời nhắc nhở về niềm vui của cơ hội đặc biệt và để tiếp tục kỷ niệm cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng mới.

Sau buổi lễ, tiệc cưới sẽ bắt đầu, thường kéo dài trong vài ngày, có khi là một tuần, có khi là hai tuần; và là thời gian ăn mừng, tiệc tùng trọng đại. Trong bữa tiệc, sẽ có ca hát, nhảy múa, và các hình thức giải trí khác. Các vị khách sẽ được phục vụ đồ ăn, thức uống, bao gồm cả rượu vang, tức rượu nho, vốn là một phần thiết yếu trong tiệc cưới. Thực tế, rượu đóng một vai trò quan trọng trong tiệc cưới, đến nỗi nếu xảy ra sự kiện hết rượu thì nó được coi là một sự xấu hổ lớn đối với chủ nhà.

1 Ngày thứ ba, có một đám cưới trong thành Ca-na, thuộc xứ Ga-li-lê; và mẹ của Đức Chúa Jesus đã ở đó.

Ngày thứ ba” là ngày thứ ba sau khi Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã rời thành Bết-sai-đa để về lại nhà của Ngài, ở thành Na-xa-rét. Ngày thứ nhất, Chúa và các môn đồ đã đi từ Bết-sai-đa đến Na-xa-rét. Ngày thứ nhì, Chúa và các môn đồ đã nghỉ ngơi tại Na-xa-rét. Ngày thứ ba, Chúa và các môn đồ đã đi đến thành Ca-na để dự lễ cưới. Thành Ca-na ở về phía bắc của thành Na-xa-rét khoảng 6 km. Có lẽ gia đình có đám cưới đã rất quen biết với gia đình của Đức Chúa Jesus.

Mẹ của Đức Chúa Jesus là bà Ma-ri đã có mặt trước đó, có lẽ để giúp đỡ cho việc chuẩn bị lễ cưới. Chi tiết này cũng giúp cho chúng ta hiểu là gia đình có đám cưới với gia đình của Đức Chúa Jesus có sự quen thân với nhau.

2 Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài cũng được mời dự đám cưới.

Khi Đức Chúa Jesus rời nhà, đi đến gặp Giăng Báp-tít để được báp-tem thì chắc chắn là cả thành Na-xa-rét không ai biết Ngài là một Ra-bi, một người giảng dạy Lời Chúa. Vì Ngài chỉ bắt đầu chức vụ rao giảng, sau khi Ngài chịu báp-tem, chịu Ma Quỷ cám dỗ, quay về xứ Ga-li-lê, làm phép lạ đầu tiên tại thành Ca-na.

Có lẽ, khi biết tin Đức Chúa Jesus đã về tới nhà, có đem theo các “bạn” của Ngài thì gia đình có đám cưới đã mời Ngài và các “bạn” của Ngài đến dự lễ cưới. Chúng tôi dùng chữ “bạn” trong ngoặc kép tại đây để nói đến các môn đồ của Chúa. Vì chúng tôi hiểu rằng, khi đó, người ta chưa biết họ là các môn đồ của Ngài, và nghĩ rằng, đó là các bạn của Ngài. Sự gia đình có đám cưới mời luôn các môn đồ của Chúa dự đám cưới là một việc làm tốt đẹp, bày tỏ lòng hiếu khách của họ và lòng quý mến của họ dành cho Đức Chúa Jesus.

Cũng không ngoại trừ, các môn đồ của Chúa có quen biết với gia đình có lễ cưới. Và như vậy, họ đương nhiên được mời.

3 Khi rượu bị thiếu, mẹ của Đức Chúa Jesus nói với Ngài rằng: Họ không có rượu nữa.

Chúng ta không biết vì lý do gì mà tiệc cưới đã xảy ra sự thiếu rượu. Nhưng có lẽ là vì gia đình của chàng rể không thuộc hạng giàu có, không dự trữ được nhiều rượu. Đối với người I-sơ-ra-ên, tiệc cưới mà thiếu rượu là một sự sỉ nhục lớn. Chính vì thế, nếu không phải là con nhà khá giả, thì các chàng rể thường phải dành dụm nhiều năm để có đủ tiền lo cho đám cưới.

Có thể, bà Ma-ri đã không đặt mình làm khách mà xem mình như người nhà, chăm lo việc khoản đãi khách. Vì thế, bà đã nhanh chóng nhận biết là rượu bị thiếu. Và bà đã đến, báo với Chúa về việc chủ nhà đã hết rượu. Chúng ta thật sự không biết bà Ma-ri đã nghĩ gì, khi bà báo cho Chúa biết về sự thiếu rượu. Nhưng dựa vào câu 5, chúng ta có thể hiểu rằng, bà có sự cảm nhận là Đức Chúa Jesus sẽ bằng cách nào đó, giúp giải quyết nan đề thiếu rượu.

4 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi đàn bà! Có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ của Ta chưa đến! [Cách gọi: “Hỡi đàn bà!” là cách gọi tôn kính của người I-sơ-ra-ên.]

Trước hết, chúng ta cần phải biết rằng, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus đã gọi bà Ma-ri là “Hỡi đàn bà!” Ngài cũng gọi bà Ma-ri như vậy, khi Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá (Giăng 19:26). Ngài đã dùng cùng cách gọi đó với người đàn bà Ca-na-an (Ma-thi-ơ 15:28), với người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước (Giăng 4:21), với người đàn bà phạm tội ngoại tình (Giăng 8:10). Sau khi Ngài sống lại, Ngài cũng dùng cách gọi đó để gọi Ma-ri Ma-đơ-len (Giăng 20:15). Hai thiên sứ cũng gọi Ma-ri Ma-đơ-len: “Hỡi đàn bà!” (Giăng 20:13). Trong văn hóa I-sơ-ra-ên, gọi một phụ nữ bằng cách gọi “Hỡi đàn bà” không phải là thiếu tôn trọng, mà trái lại, đó là cách gọi kính trọng, tương tự như cách gọi “Madam” trong tiếng Anh. Cách gọi này có thể dịch thành “Thưa bà” trong tiếng Việt.

Có một số người cho rằng, nếu dịch đúng lời phán của Chúa sang tiếng Việt là “Hỡi đàn bà” thì sẽ gây khó chịu cho người đọc. Vì người Việt sẽ xem đó là sự Đức Chúa Jesus vô lễ với mẹ. Vì thế, họ đã dịch thành “Thưa mẹ”. Nhưng chúng ta là ai mà dám cố ý đổi lời phán của Chúa từ “đàn bà” thành “mẹ”?

Lời phán của Đức Chúa Jesus với bà Ma-ri có nghĩa là: việc hết rượu không liên quan gì đến Ngài hay mẹ của Ngài. Vì họ chỉ là khách. Việc lo cho có đủ rượu là việc của chủ nhà và của chủ tiệc. Đồng thời, lời phán của Ngài cũng tỏ ra là Ngài hiểu ý bà Ma-ri muốn Ngài can thiệp, để giải quyết việc thiếu rượu, khi Ngài đã nói thêm: Giờ của Ta chưa đến!

Giờ của Chúa chưa đến là giờ mà Ngài can thiệp để giải quyết sự thiếu rượu chưa đến. Có thể là rượu trong nhà bếp đã hết nhưng trên các bàn tiệc thì vẫn còn rượu.

Câu phán của Chúa có thể được hiểu như sau: việc thiếu rượu không phải là trách nhiệm của bà Ma-ri hay của Chúa; nhưng khi đúng thời điểm thì Chúa sẽ hành động để giải quyết nan đề.

5 Mẹ của Ngài nói với mấy người phục vụ rằng: Bất cứ điều gì Ngài bảo các ngươi, hãy làm theo!

Nghe Chúa phán xong, bà Ma-ri yên tâm, bảo các người phục vụ hãy làm theo sự phán bảo của Đức Chúa Jesus, dù là Ngài bảo họ làm gì. Điều này cho thấy, bà Ma-ri có quen lớn với chủ nhà, thậm chí, có thể là bà con với chủ nhà, và các người phục vụ xem bà như chủ nhà.

Bà Ma-ri không biết Chúa sẽ làm gì, nhưng bà tin rằng, bất cứ điều gì Chúa làm cũng sẽ giải quyết nan đề thiếu rượu. Bà cũng có sự cảm nhận rằng, việc làm của Đức Chúa Jesus có liên quan đến sự vâng phục của các người phục vụ tiệc. Các người phục vụ tiệc có thể là bà con, hàng xóm của chủ nhà, hoặc người được thuê mướn. Vì thế, bà yêu cầu họ vâng theo sự phán bảo của Chúa.

6 Tại đó, có đặt sáu cái lu chứa nước bằng đá, theo tục thanh tẩy của người Do-thái, mỗi cái chứa hai hay ba giạ nước. [Một giạ bằng 40 lít].

Sự rửa chân cho khách là một phần quan trọng trong truyền thống của người I-sơ-ra-ên. Chủ nhà sẽ đón tiếp khách bằng lời chào và bằng sự rửa chân cho khách, trước khi khách vào nhà. Nó thể hiện sự tôn trọng và tình cảm của chủ nhà đối với khách. Thường thì những nhà giàu sẽ có tôi tớ phụ trách việc rửa chân cho khách. Những nhà không có tôi tớ hoặc trong trường hợp có khách quý thì chính chủ nhà phụ trách việc rửa chân cho khách.

Trong các lễ cưới thì chủ nhà thường phải mượn thêm các lu chứa nước từ hàng xóm để có thể có đủ nước dùng cho sự rửa chân khách. Lu bằng đá là loại lu được đẽo từ các khối đá. Sáu cái lu đá được nói đến trong câu chuyện chúng ta đang học có thể chứa hơn 500 lít nước. Vì mỗi lu có thể chứa hai hay ba giạ mà mỗi giạ tương đương 40 lít.

7 Đức Chúa Jesus bảo họ: Hãy đổ nước đầy những cái lu chứa nước này! Thì họ đã đổ cho đầy chúng.

8 Ngài bảo họ: Bây giờ, hãy múc ra và đem cho người coi tiệc. Thì họ đã đem đi.

Khi Đức Chúa Jesus bảo các người phục vụ tiệc cưới đổ nước đầy những cái lu chứa nước dùng để rửa chân thì có lẽ họ rất ngạc nhiên, nhưng họ vẫn vâng lời Ngài. Họ thật sự đổ nước đầy các lu ấy mà không có một lời than van hay thắc mắc. Tuy nhiên, đó là một việc dễ vâng theo. Nhưng khi Đức Chúa Jesus bảo họ múc nước từ trong lu đem cho người coi tiệc mà họ cũng vâng lời Ngài thì chúng ta thấy, các người phục vụ này đã vâng lời Đức Chúa Jesus cách tuyệt đối. Người coi tiệc là người đứng đầu các người phục vụ, chịu trách nhiệm chính với chủ nhà về thức ăn, thức uống, và sự phục vụ khách. Vì thế, người coi tiệc chính là sếp của các người phục vụ tiệc. Đối với các người phục vụ thì việc múc nước đổ cho đầy các lu có thể tốn kém thời gian nhưng cũng không hại gì. Việc múc nước trong lu dùng để chứa nước rửa chân đem cho người coi tiệc, là sếp của mình, nếm thử là một điều không dễ làm. Nhưng chúng ta không thấy có người phục vụ nào thắc mắc hay phản đối yêu cầu của Chúa.

Hai câu văn:

Thì họ đã đổ cho đầy chúng.

Thì họ đã đem đi.

Giúp cho chúng ta thấy, các người phục vụ tiệc cưới đã vâng lời bà Ma-ri và vâng phục Chúa cách tuyệt đối.

Trong đời sống của chúng ta, khi chúng ta đọc Lời Chúa và nhận được mệnh lệnh của Chúa qua Lời của Ngài; hoặc khi chúng ta cầu nguyện với Chúa và được Ngài phán dạy cho chúng ta làm điều gì đó thì chúng ta có vâng phục Chúa, làm ngay, như các người phục vụ tiệc cưới này không? Khi chúng ta nhận được lời khuyên, sự hướng dẫn của người chăn và trưởng lão liên quan nếp sống trong Chúa của chúng ta thì chúng ta có lập tức vâng theo không?

9 Khi người coi tiệc nếm thì nước đã trở thành rượu, và người không biết từ đâu (còn các người phục vụ múc nước thì biết). Người coi tiệc đã gọi chàng rể.

10 Người bảo chàng: Mọi người lúc đầu đãi rượu ngon và khi khách đã say thì đãi rượu dở. Còn ngươi, đã giữ rượu ngon tới bây giờ.

Chúng ta thật sự không biết là nước đã hóa thành rượu từ khi nào.

  • Ngay sau khi nước được đổ vào lu?

  • Khi nước đã đầy đến miệng lu?

  • Khi nước được múc ra từ lu?

  • Đang khi nước được các người phục vụ đem đến cho người coi tiệc?

Nhưng chắc chắn là khi người coi tiệc nếm thì nước đã trở thành rượu. Nếu xét về phương diện đức tin mang lại phép lạ thì chúng tôi nghĩ rằng, nước đã biến thành rượu đang khi nước được các người phục vụ mang đến cho người coi tiệc. Vì khi ấy, sự vâng phục của các người phục vụ đã thể hiện cách trọn vẹn.

Người coi tiệc vì không ở trong bếp nên không biết rượu bị thiếu và cũng không biết Đức Chúa Jesus đã hóa nước trong sáu cái lu chứa nước rửa chân thành rượu ngon. Nhưng các người phục vụ thì biết rõ sự việc. Người coi tiệc đã gọi chàng rể đến để khen rượu ngon, đồng thời cũng tỏ sự ngạc nhiên. Vì ông cho rằng, chàng rể đã không làm theo thói quen đãi rượu của dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ. Đó là đãi rượu ngon trước, chờ khi khách đã say thì đãi rượu dở.

11 Ấy là sự khởi đầu các phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm tại Ca-na, thuộc xứ Ga-li-lê, và bày tỏ sự vinh quang của Ngài. Các môn đồ của Ngài tin nơi Ngài.

Sứ Đồ Giăng khẳng định, sự hóa nước dùng để rửa chân thành rượu ngon, trong tiệc cưới tại Ca-na là phép lạ đầu tiên mà Đức Chúa Jesus đã làm. Phép lạ ấy đã bày tỏ sự vinh quang của Ngài, khiến cho các môn đồ càng vững tin rằng, Ngài là Đấng Christ.

Trước đó hơn bốn ngàn năm, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã dựng nên loài người và phân rẽ loài người thành nam và nữ. Rồi, Ngài lại kết hiệp người nam và người nữ thành một, trở nên vợ chồng. Giờ đây, khi Ngài ở trong thân vị loài người, Ngài đã khởi đầu mục vụ của Ngài bằng sự ban phước cho một đôi vợ chồng mới, qua phép lạ hóa nước thành rượu. Rượu tiêu biểu cho sự vui vẻ, mừng rỡ. Sự sỉ nhục đã nhờ Chúa mà biến thành sự vui vẻ, mừng rỡ.

Có một số người cho rằng, Đức Chúa Jesus chỉ hóa nước thành nước nho, chứ không phải là rượu làm cho say. Những người đó phản đối việc con dân Chúa uống rượu nên đã tìm cách bẻ cong Lời của Chúa. Thánh Kinh dùng rõ từ ngữ “rượu” (G3641) để gọi chất mà Đức Chúa Jesus đã dùng nước hóa thành. Trong câu nói của người coi tiệc, ông đã dùng danh từ “rượu ngon” (G3641 G2570) để gọi chất mà Đức Chúa Jesus đã dùng nước hóa thành. Nếu cố ý nói rằng, Đức Chúa Jesus chỉ hóa nước thành nước nho chứ không phải rượu, thì đó là sự sửa đổi Lời Chúa.

Thánh Kinh dạy con dân Chúa không nên say rượu chứ Thánh Kinh không hề cấm con dân Chúa uống rượu. Rượu là một trong các ơn phước Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài. Chính Thiên Chúa ra lệnh cho con dân Chúa mua rượu để uống với gia đình:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:23-26

23 Trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, trong nơi mà Ngài sẽ chọn để đặt danh của Ngài tại đó, ngươi sẽ ăn vật thuế một phần mười về ngũ cốc của ngươi, rượu của ngươi, dầu của ngươi, và con đầu lòng thuộc bầy bò hay bầy chiên của ngươi, để cho ngươi tập kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, trong mọi lúc.

24 Nếu đường đi quá dài cho ngươi nên ngươi không thể đem vật thuế; nếu chỗ mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, sẽ chọn để đặt danh của Ngài tại đó cách ngươi quá xa; khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, ban phước cho ngươi.

25 Thì ngươi hãy đổi ra bạc và giữ bạc trong tay, đi đến nơi mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, sẽ chọn.

26 Ngươi sẽ đổi bạc cho mọi thứ linh hồn ngươi thèm muốn, bò hay chiên, hoặc rượu hay đồ uống say, hoặc mọi thứ linh hồn ngươi đòi hỏi. Ngươi sẽ ăn tại đó, trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, và ngươi sẽ vui vẻ với gia đình của ngươi.

Lời Chúa trong Truyền Đạo cũng khuyên loài người ăn bánh, uống rượu cách vui mừng, hớn hở, khi được Đức Chúa Trời tiếp nhận những việc họ đã làm.

Hãy đi, ăn bánh của ngươi với sự vui mừng, và uống rượu của ngươi với lòng hớn hở; vì Đức Chúa Trời đã nhận những việc làm của ngươi.” (Truyền Đạo 9:7).

Lời Chúa cũng dạy rằng, rượu khiến cho Thiên Chúa và loài người vui. Chính vì thế mà trong của lễ thức uống, Thiên Chúa yêu cầu con dân Chúa dâng rượu.

Nhưng cây nho đáp: Ta sẽ bỏ rượu mới của ta, là chất làm cho vui Thiên Chúa và loài người, để đi xao động trên các cây cối sao?” (Các Quan Xét 9:13).

Và của lễ thức uống, ngươi sẽ dâng một phần ba hin rượu, mùi thơm dễ chịu cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Dân Số Ký 15:7).

Những ai cho rằng Thánh Kinh cấm uống rượu thì phải trưng dẫn câu Thánh Kinh nào dạy rằng, con dân Chúa không được uống rượu. Có thể họ sẽ đưa ra Rô-ma 14:21. Nhưng câu Thánh Kinh ấy chỉ khuyên con dân Chúa đừng uống rượu hay làm bất cứ việc gì mà trong sự uống rượu hay làm việc ấy khiến cho anh chị em của mình bị vấp phạm. Đó không phải là mệnh lệnh cấm uống rượu.

Điều đáng quý ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, đừng làm bất cứ sự gì mà trong những sự ấy anh chị em cùng Cha của ngươi bị vấp chân, hoặc bị vấp ngã, hoặc bị yếu đuối.” (Rô-ma 14:21).

Người nào dựa vào Rô-ma 14:21 để nói rằng, Thánh Kinh cấm uống rượu thì người ấy cũng không được ăn các thứ thịt, cũng không được làm bất cứ sự gì.

Con dân Chúa có thể uống rượu và các thức uống say, như bia. Nhưng con dân Chúa không được say rượu. Vì say rượu sẽ khiến cho không còn khôn sáng, không còn tự chủ được lời nói, hành động.

12 Sau việc đó, Ngài đã đi xuống thành Ca-bê-na-um. Ngài, mẹ của Ngài, các em trai của Ngài, và các môn đồ của Ngài, họ đã ở lại đó ít ngày.

Chúng ta không biết Đức Chúa Jesus đã ở lại lễ cưới bao nhiêu ngày. Nhưng sau lễ cưới thì Ngài đã cùng với mẹ, các em trai, và các môn đồ của Ngài đi đến thành Ca-bê-na-um, cách đó khoảng 32 km, về hướng đông bắc. Thành Ca-bê-na-um nằm ngay trên bờ Biển Ga-li-lê. Ngài và các người đi theo Ngài đã ở lại thành Ca-bê-na-um ít ngày. Rồi từ đó, họ đi đến thành Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, và Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa.

Từ Ca-bê-na-um đến Giê-ru-sa-lem là một hành trình có thể đi bằng nhiều lộ trình khác nhau nhưng lộ trình gần nhất cũng vào khoảng 136 km, nếu đi nhanh thì mất khoảng ba ngày đi đường.

Vào đầu câu chuyện, chúng ta không thấy nói đến các em trai của Đức Chúa Jesus, nhưng câu 12 hàm ý, cả gia đình của Đức Chúa Jesus đã cùng với Ngài và các môn đồ của Ngài đi từ Ca-na đến Ca-bê-na-um. Chúng ta có thể hiểu rằng:

  • Vì gia đình của Đức Chúa Jesus quen thân, có thể là bà con với gia đình có lễ cưới nên cả gia đình Đức Chúa Jesus đều được mời dự lễ cưới.

  • Cũng chính vì sự thân thiết đó mà các môn đồ của Đức Chúa Jesus cũng được mời dự lễ cưới; hoặc chính các môn đồ của Đức Chúa Jesus cũng quen với gia đình có lễ cưới.

  • Vì ngày Lễ Vượt Qua sắp đến nên cả gia đình Đức Chúa Jesus đều theo Ngài đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ. Trên đường đến Giê-ru-sa-lem, họ đã cùng Ngài ghé qua Ca-bê-na-um.

  • Đức Chúa Jesus đưa mọi người đến Ca-bê-na-um có lẽ là để chuẩn bị chỗ cư trú của Ngài tại đó. Vì không bao lâu sau, dân thành Na-xa-rét sẽ đuổi Ngài ra khỏi Na-xa-rét.

  • Vậy nên, mọi người đã ở lại Ca-bê-na-um ít ngày trước khi lên đường đến Giê-ru-sa-lem để tham dự Lễ Vượt Qua.

Giăng 2:12 cũng là câu đầu tiên trong Thánh Kinh Tân Ước nhắc đến các em trai của Đức Chúa Jesus. Có mấy điều chúng ta cần chú ý:

  • Thánh Kinh dùng từ ngữ “anh em ruột” (G80) để gọi các em của Đức Chúa Jesus. Từ ngữ này chỉ được dùng để gọi anh em cùng cha cùng mẹ, hoặc anh em cùng cha, hoặc anh em cùng mẹ. Danh từ “anh em họ” trong tiếng Hy-lạp là một từ ngữ khác (G431), như được dùng trong Cô-lô-se 4:10 để gọi Mác là anh em họ của Ba-na-ba.

  • Có một số giả thuyết cho rằng, ông Giô-sép đã có con riêng trước khi kết hôn với bà Ma-ri. Nhưng theo truyền thuyết trong Hội Thánh thì Giô-sép và Ma-ri có hôn ước từ khi họ còn bé, và họ đã kết hôn khi họ còn trẻ, lúc cả hai chưa tới 20 tuổi. Cho dù ông Giô-sép có con riêng trước khi kết hôn với bà Ma-ri thì các con của ông cũng không thể gọi là anh em ruột của Đức Chúa Jesus. Vì giữa Đức Chúa Jesus và họ hoàn toàn không có quan hệ huyết thống.

  • Đức Chúa Jesus là con đầu lòng của bà Ma-ri. Vì vậy, các con còn lại của bà phải là em cùng mẹ với Đức Chúa Jesus.

  • Bà Ma-ri là nữ đồng trinh khi mang thai Đức Chúa Jesus nhưng bà không là nữ đồng trinh trọn đời.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/02/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Linh Hồn Con Mong Đợi Chúa”
https://karaokethanhca.net/linh-hon-con-mong-doi-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.