Loài Người: Tâm Thần (Phần 02)

Loài Người: Tâm Thần (Phần 02)

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến

Tuần này chúng ta tiếp tục học về Tâm Thần, chúng ta học phần 02

Hôm nay chúng ta tìm hiểu sơ qua nghĩa thứ 7, thứ 8 và thứ 9. Tâm thần còn có nghĩa là gió và hơi thở.

Nói cách dễ hiểu là tâm thần được dịch ra nhiều nghĩa khác nhau, thuộc về những phần thiêng liêng vô hình chúng ta không nhìn thấy được, như là Thiên Chúa, ma quỷ, thiên sứ, gió và hơi thở, chúng ta chỉ cảm nhận được, hiểu được, biết được chứ không nhìn thấy được. Như khi chúng ta đang đi dạo thì cảm nhận được có một cảm giác mát mẻ rồi thấy cây cối lung lay, thì chúng ta biết là có gió, nhưng mắt chúng ta không nhìn thấy. 

  1. Khuynh hướng của loài người: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “tâm thần”. 

Các khuynh hướng như “nhút nhát”, “sợ hãi”, “gan dạ”, “dũng mãnh”… đều được gọi là “tâm thần” hoặc “thần trí” hoặc “tinh thần.”

Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.” (II Ti-mô-thê 1:7). 

Ví dụ:  bạn Trí Dũng thật có tinh thần gan dạ, bạn Anh Duy rất là nhút nhát.

Trong bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu về “tâm thần” loài người.

Đặc Tính của Tâm Thần

Đặc tính có nghĩa là một tính chất đặc biệt, riêng biệt của một vật hay việc nào đó. Ví dụ như quả chanh thì chua,  muối thì mặn, đường thì ngọt. 

Chúng ta nhìn những sự sinh hoạt, hoạt động của thân thể xác thịt mà mắt chúng ta nhìn thấy đây trong thế giới vật chất mà chúng ta có thể hiểu được các hoạt động và chức năng của thân thể thiêng liêng, là tâm thần, trong thế giới thuộc linh (không nhìn thấy). Chúng ta cần ghi nhớ rằng, thân thể xác thịt của chúng ta sinh hoạt trong thế giới thuộc thể như thế nào, thì thân thể thiêng liêng của chúng ta cũng sinh hoạt trong thế giới thuộc linh như thế ấy. Đó là lúc chúng ta ngủ nằm mơ, hoặc một khải tượng. Khi chúng ta thức thì chúng ta mỗi ngày làm gì? ăn uống, tắm gội, đi học và chơi thể thao…Thì khi chúng ta ngủ chúng ta nằm mơ cũng thấy những điều đó. Chúng ta thấy ăn món gì ngon, ăn bánh, kẹo, thấy đang chơi bóng đá…Còn khải tượng là một hiện tượng chúng ta chưa ngủ, vẫn còn thức nhưng Chúa cho chúng ta nhìn thấy, mà mình cứ tưởng là giấc mơ thôi, nhưng không phải, đó là những sự sinh hoạt trong thế giới thuộc linh.

Tâm thần giúp cho chúng ta nhìn thấy, tiếp xúc với, và cảm nhận được thế giới thuộc linh. Qua tâm thần mà chúng ta có thể:

  • Nhận thức có một Thiên Chúa, nhận thức năng lực và bản tính của Ngài (Rô-ma 1:19-20), nghe được tiếng phán của Ngài (Hê-bơ-rơ 3:7-8), biết được ý muốn của Ngài (Phi-líp 2:13). Nhìn thấy được những mạc khải từ Ngài (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:11-16; II Cô-rinh-tô 12:1-4; Khải Huyền 1:10-11). Điều này chỉ có loài người chúng ta mới có được vì loài người có tâm thần, còn các loài thọ tạo khác thì không có được. Con gà có nhận thức được có một Thiên Chúa không? Nó có nghe được Chúa phán hay nó biết được ý muốn của Chúa không? 
  • Nhận thức được các tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, đồng thời ghi khắc sự nhận thức đó trong lương tâm: Có nghĩa là nhờ loài người có tâm thần nên chúng ta nhận biết được Chúa yêu chúng ta, Chúa là Đấng thánh khiết, không chấp nhận tội lỗi, Chúa là Đấng công chính không có tư vị ai. 

“…Ta sẽ đặt luật pháp của Ta bên trong chúng nó và chép trong lòng của chúng nó. Ta sẽ làm Thiên Chúa của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân Ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn…” (Giê-rê-mi 31:33-34).

Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.” (Hê-bơ-rơ 10:16).

Giao ước là cam kết với nhau về những điều sẽ làm: Ví dụ như khi các con chơi trò chơi trốn tìm, các con cam kết là khi người khác đi trốn thì người tìm phải nhắm mắt lại, những người kia đi trốn xong hết thì người tìm mới được mở mắt, và tất cả những bạn cùng chơi đó đồng ý với nhau. Đó gọi là giao ước hoặc là cam kết. 

Vậy Chúa phán: “Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó.” Giao ước giữa Đức Chúa Trời và loài người là giao ước về sự Đức Chúa Trời tha thứ và ban ơn cho loài người, còn loài người thì ăn năn tội và vâng phục Đức Chúa Trời. [1]

“Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.” Luật pháp sự thi hành hình phạt trên những ai vi phạm các điều răn.  Khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và vâng phục Thiên Chúa thì chính Ngài sẽ ban luật pháp và ghi vào tâm trí của chúng ta những nhận thức về Thiên Chúa, như là trong tâm trí chúng ta biết được Thiên Chúa có thật và là Đấng tạo dựng nên muôn loài vạn vật, chúng ta nhận biết Lời Chúa có năng lực làm biến đổi chúng ta thành người mới, chúng ta làm theo các điều răn của Thiên Chúa…Rồi Chúa ghi chép Lời Chúa vào trong tấm lòng của chúng ta, để chúng ta nhớ Lời Chúa để làm theo. Ở độ tuổi của các con là các con đã nhận thức được điều xấu, điều tốt, biết đúng và biết sai. Mà điều đó mỗi ngày một lớn các con sẽ nhận thức được, nhưng chỉ là điều cơ bản thôi, rồi khi các con tin Chúa, học Lời Chúa là các con ở trong sự giao ước của Thiên Chúa, và từ đó Thiên Chúa sẽ ban luật pháp vào trong tấm lòng của các con, khiến cho các con nhận thức rõ ràng càng hơn. Các con biết được nếu vi phạm thì sẽ phải chịu nhận lấy hình phạt. Ví dụ:

Nếu chúng ta nói dối sẽ bị gì? Nếu chúng ta đi đến những nơi có hình tượng, chơi đồ chơi hình tượng, cãi lời cha mẹ thì sẽ bị gì? Ngày Chúa trở lại chúng ta có được đi theo Chúa không? Bài học cho câu gốc tuần này của các con đó là, Chúa đã ban và ghi chép vào lòng chúng ta rồi, chúng ta hiểu biết hết rồi, nên chúng ta phải biết run sợ mà giữ mình không phạm tội, không nói dối, không cãi lời ba mẹ, không chơi đồ hình tượng và phải biết kính sợ Chúa ghét tội. Để khi Chúa đến chúng ta được đem đi mà không bị bỏ lại. 

  • Từ chỗ nhận thức Thiên Chúa và các tiêu chuẩn của Ngài, đức tin vào trong Thiên Chúa nảy sinh. Nhận thức Thiên Chúa là khi chúng ta nhìn vào vũ trụ bao la, từng cây cỏ, hoa lá, từng con vật, và nhìn vào chính chúng ta, hơi thở, các bộ phận trên cơ thể, chúng ta biết phải có một Đấng Toàn Năng tạo ra chúng. Chúng ta thấy loài người có tình thương, biết đúng sai, thiện, ác thì chúng ta biết Thiên Chúa đặt để điều đó trong tâm thần của loài người, rồi từ đó chúng ta bắt đầu nảy sinh đức tin nơi Thiên Chúa, tin rằng Thiên Chúa là có thật.
  • Đức tin vào Thiên Chúa dẫn đến sự vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa. Là khi chúng ta tin rằng Thiên Chúa là có thật thì chúng ta vâng theo mọi lời Chúa phán dạy trong Thánh Kinh và chỉ thờ phượng Thiên Chúa. 

Ba chức năng của tâm thần loài người mà các loài thú vật không hề có đó là 

Lương tâm, đức tin, và thờ phượng. Lương tâm là tấm lòng của mỗi chúng ta đây, tấm lòng Chúa đặt để sẵn tốt, biết điều nhân nghĩa, đạo đức. Khi chúng ta thấy một người làm ác thì chúng ta hay nói: Người không có lương tâm, đức tin là sự tin chắc vào Thiên Chúa, tin là Chúa có thật và làm theo điều Chúa dạy, thờ phượng Chúa là chúng ta tôn vinh, cảm tạ, chúc tụng, kính sợ và vâng giữ Lời Chúa. Những điều này ở thú vật không hề có. 

Các con thấy con gà nó có biết tin Chúa không, nó có biết cầu nguyện với Chúa không, hoặc con cá có biết làm theo điều răn của Chúa không? Vậy thì lương tâm, đức tin và thờ phượng chỉ có ở đâu? và điều đó chính là tâm thần của loài người đó các con, chỉ có loài người mới có tâm thần và tâm thần để tương giao với thân thể thiêng liêng mà các loài vật không có được.

Ghi chú:

Bài giảng thiếu nhi được tổng hợp từ bài giảng của người chăn Huynh Christian Timothy:

Loài Người (03): Tâm Thần

Ghi chú:

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-he-bo-ro-0801-13-den-tho-tren-troi-giao-uoc-moi-tot-hon-giao-uoc-cu/