Hê-bơ-rơ 01:07-09

450 views

 

Hê-bơ-rơ 01:07-09

7 Về các thiên sứ, Ngài phán: Ngài làm ra các thiên sứ của Ngài {như} các luồng gió, và các tôi tớ của Ngài {như} một ngọn lửa. [Thi Thiên 104:4]
8 Nhưng về Con {thì lại phán rằng}: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài {còn đến} đời đời. Vương trượng công chính {là} vương trượng của vương quyền Ngài.
9 Ngài yêu sự công bình và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài. [Thi Thiên 45:6-7]

Tham khảo: Giăng 17:11 và Phi-líp 2:9 để biết vì sao Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ bằng danh xưng “Đức Chúa Trời”.

“Về” (G4314) là một giới từ dùng trước một danh từ mà danh từ đó là túc từ, tiếp nhận hành động của chủ từ. Thí dụ: “Phao-lô giảng Tin Lành cho các dân ngoại.”

“Các thiên sứ” (G32) là một danh từ số nhiều. Nghĩa hẹp: Các sứ giả; những người được sai đi để truyền đạt ý muốn của cấp trên. Nghĩa rộng: Các thiên sứ của Thiên Chúa; Các thần linh do Thiên Chúa dựng nên để phụng sự Ngài.

“Ngài phán” (G3004) là một động từ, được dùng với ngôi thứ ba số ít, có nghĩa: Ngài phán; Ngài nói; ông ấy nói.

“Ngài làm ra” (G4160) là một động từ, được dùng với ngôi thứ ba số ít, có nghĩa: Ngài làm ra; Ngài làm thành; ông ấy làm ra; ông ấy làm thành.

“Của Ngài” (G848) là một sở hữu nhân xưng đại danh từ, ngôi thứ ba, số ít: Của mỗi người; của Ngài; của ông ấy; của nó.

“Những thần linh” (G4151) là một danh từ, số nhiều, có mạo từ G3588 đứng trước, và dùng cho thiên sứ, được dịch là “những thần linh”. Xem thêm “Linh”.

“Linh” (G4151) là một danh từ, có nghĩa thuộc thể là: Hơi thở được thổi ra từ mũi hoặc miệng; gió; làn gió, luồng gió. Về thuộc linh thì:

  • Nếu không có mạo từ xác định (G3588) đi chung, khi dùng cho Thiên Chúa, được dịch là “thần” để chỉ bản thể của Thiên Chúa, hoặc dịch là “thần trí” để chỉ ý chí của Thiên Chúa, hoặc dịch là “linh” hay “thánh linh” khi có chữ thánh (G80) kèm theo, để chỉ sức sống, năng lực, thẩm quyền, ân tứ (các sự ban cho) ra từ Thiên Chúa qua Đức Thánh Linh.

  • Nếu không có mạo từ xác định (G3588) đi chung, khi dùng cho loài người được dịch là thần trí, tinh thần, khuynh hướng.

  • Nếu có mạo từ xác định (G3588) đi chung và dùng cho Thiên Chúa, thì được dịch là Đấng Thần Linh, hoặc dịch là Đức Thánh Linh, khi có chữ thánh (G80) kèm theo.

  • Nếu có mạo từ xác định (G3588) đi chung và dùng cho thiên sứ được dịch là thần linh; nếu dùng cho thiên sứ phạm tội thì được dịch là tà linh.

  • Nếu có mạo từ xác định (G3588) đi chung và dùng cho loài người được dịch là tâm thần để chỉ về thân thể thiêng liêng của loài người.

“Và” (G2532) là một liên từ, có nghĩa: Và; cũng; nhưng… hoặc được dùng như một dấu phẩy, để ngắt câu.

“Các tôi tớ” (G3011) là một danh từ số nhiều, có nghĩa: Những người phục vụ công chúng; những công nhân viên của chính phủ; những người phục vụ trong đền thờ; những thiên sứ hoặc những người hầu việc Chúa.

“Một ngọn” (G5395) là một danh từ, có nghĩa: Một ngọn như ngọn lửa; sự bùng lên của lửa.

“Lửa” (G4442) là một danh từ, có nghĩa: Lửa.

“Nhưng” (G1161) là một liên từ, có nghĩa: Nhưng; và; hơn nữa; tuy nhiên.

Con” (G5207) là một danh từ, có nghĩa: Con cái; con cháu; con trai; cháu trai. Khi được dùng với mạo từ xác định G3588 để chỉ Đấng Christ như trong Hê-bơ-rơ 1:8 thì có nghĩa là “Thiên Chúa Đức Con”.

Đức Chúa Trời” (G2316) là một danh từ có mạo từ xác định G3588 đứng trước, chỉ Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời, còn gọi là Đức Cha. Xem thêm “Thiên Chúa”.

“Thiên Chúa” (G2316) là một danh từ, chỉ bất cứ một thần linh nào, từ Thiên Chúa, cho đến các thần linh do Thiên Chúa tạo nên, như các thiên sứ, cho đến các thiên sứ phạm tội, trở thành ma quỷ, và các tà thần trong các tôn giáo và tín ngưỡng của loài người.

Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, dù là tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng A-ra-mai, hay tiếng Hy-lạp, đều có sự phân biệt rõ ràng khi dùng các danh từ chỉ chung về ba thân vị của Thiên Chúa và khi dùng các danh từ chỉ riêng về Thiên Chúa Đức Cha. Đó là:

  • Không dùng mạo từ xác định cho các danh từ chỉ chung cả ba thân vị hoặc bất cứ thân vị nào trong ba thân vị của Thiên Chúa, mà văn mạch đã giúp cho chúng ta biết đó là thân vị nào, như trong I Ti-mô-thê 3:15-16, văn mạch đã cho chúng ta biết danh từ Thiên Chúa chỉ về thân vị Ngôi Lời: “Nhưng nếu ta chậm trễ, thì con biết cần phải xử sự như thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống, trụ và nền của lẽ thật. Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra cho các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.”

  • Dùng mạo từ xác định cho các danh từ chỉ riêng về Thiên Chúa Đức Cha.

Tuy nhiên, khi Thánh Kinh được dịch sang tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác thì cách dùng ấy đã bị mất đi.

G2316 không có mạo từ xác định G3588 đi chung, nếu dùng cho Thiên Chúa, thì được dịch là “Thiên Chúa” chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc bất cứ thân vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

G2316 có mạo từ xác định G3588 đi chung, nếu dùng cho Thiên Chúa, thì được dịch là “Đức Chúa Trời” để chỉ thân vị Thiên Chúa Đức Cha.

“Ngai” (G2362) là một danh từ, có nghĩa: Chỗ ngồi của Thiên Chúa, vua, quan toà, trưởng lão trong I-sơ-ra-ên.

“Của Ngài” (G4675) là một sở hữu nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhì, số ít, có nghĩa: Của Ngài; của ông.

Còn đến” (G1519) là một giới từ, có nghĩa: Vào trong; cho tới khi; còn đến; về phía.

“Đời” (G165) là một danh từ. Nghĩa hẹp: Khoảng thời gian kéo dài, không bị gián đoạn. Nghĩa rộng: Đời đời; vĩnh cửu; vĩnh hằng. Nghĩa bóng: Cuộc đời; nếp sống của thế gian.

“Vương trượng” (G4464) là một danh từ, có nghĩa: Cây gậy (để chống khi đi đường); cây trượng của người chăn; vương trượng (tiêu biểu cho quyền cai trị của vua).

“Công chính” (G2118) là một danh từ, có nghĩa: Sự công bình, chính trực.

“Vương quyền” (G932) là một danh từ, có nghĩa: Vương quyền (quyền cai trị của vua).

“Ngài yêu” (G25) là một động từ dùng với ngôi thứ ba, số ít, có nghĩa: Ngài yêu; ông ấy yêu.

“Sự công bình” (G1343) là một danh từ, có nghĩa: Sự công bình đối với một người; tình trạng công bình của một người.

Ngài ghét” (G3404) là một động từ dùng với ngôi thứ ba, số ít, có nghĩa: Ngài ghét; ông ấy ghét.

“Sự phạm pháp” (G458) là một danh từ, có nghĩa: Sự phạm pháp; sự không vâng theo luật pháp.

“Bởi” (G1223) là một giới từ, có nghĩa: Bởi; nhờ; do; bằng cách.

“Cớ ấy” (G5124) là một đại danh từ, có nghĩa: Cớ ấy; điều ấy; sự ấy; việc ấy.

“Xức dầu” (G5548) là một động từ. Nghĩa đen: Xức dầu trong nghi thức phong chức thầy tế lễ, tiên tri, vua. Đức Chúa Trời phong cho Đấng Christ cả ba chức vụ. Nghĩa bóng: Ban cho thánh linh của Thiên Chúa, bao gồm: thẩm quyền, năng lực, và các ân tứ đến từ Thiên Chúa.

“Cho Ngài” (G4571) là một nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhì, số ít, dùng làm túc từ, có nghĩa: Cho Ngài; cho ông.

“Dầu” (G1637) là một danh từ, có nghĩa: Dầu ô-li-ve.

“Của sự vui mừng” (G20) là một danh từ dùng với sở hữu cách, có nghĩa: Của sự vui mừng; của sự mừng rỡ.

“Bên cạnh” (G3844) là một giới từ, có nghĩa: Bên cạnh; gần bên; giữa vòng.

“Những người cùng dự phần” (G3353) là một danh từ số nhiều, có nghĩa: Những người cùng dự phần (trong một công việc, trong một bổn phận, trong một chức vụ, trong một vinh dự).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/11/2018