Rô-ma 12:01-02

532 views

 

Rô-ma 12:01-02

1 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, {ấy là} sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.
2 Đừng làm theo đời này, nhưng các anh chị em hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí các anh chị em, để các anh chị em chứng nghiệm điều gì là ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.

“Vậy” (G3767) là một phân từ, có nghĩa: Vậy; nên; vì vậy; vì thế.

“Các anh chị em cùng Cha” (G80) là một danh từ. Nghĩa đen gọi những người có chung một cha, hoặc có chung một mẹ, hoặc có chung cả cha lẫn mẹ. Nghĩa bóng gọi những người bởi đức tin vào Tin Lành của Đức Chúa Trời, ăn năn tội, nhận lãnh sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà được Đức Chúa Trời tái sinh thành người mới (II Cô-rinh-tô 5:17), là người được dựng nên mới giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật, là người đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10).

“Khuyên” (G3870) là một động từ, có nghĩa: Gọi ai đó đến gần; nói với ai đó để khuyên bảo, dạy dỗ, khích lệ, khen ngợi, an ủi, van xin, nài nỉ.

“Các anh chị em” (G5209) là một nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhì, số nhiều, đối cách (đại danh từ theo sau động từ), dùng để gọi chung những người nghe mình nói. Thí dụ, trong câu: “Đức Chúa Trời yêu các anh chị em.” nhân xưng đại danh từ “các anh chị em” đứng sau động từ “yêu”.

“Bởi” (G1223) là một giới từ, có nghĩa: Bởi; nhờ; do; bằng cách.

“Những sự thương xót” (G3628) là một danh từ số nhiều, có nghĩa: Có chung những cảm xúc trong các hoàn cảnh của người khác; những sự đồng cảm với người khác; những sự đau lòng vì thông cảm cho mọi hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của người khác.

“Của Đức Chúa Trời” (G3588 G2316) là một sở hữu danh từ, chỉ sự thuộc về Đức Chúa Trời, quyền sở hữu của Đức Chúa Trời. Xem thêm “Thiên Chúa”.

“Thiên Chúa” (G2316) là một danh từ, chỉ bất cứ một thần linh nào, từ Thiên Chúa, cho đến các thần linh do Thiên Chúa tạo nên, như các thiên sứ, cho đến các thiên sứ phạm tội, trở thành ma quỷ, và các tà thần trong các tôn giáo và tín ngưỡng của loài người.

Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, dù là tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng A-ra-mai, hay tiếng Hy-lạp, đều có sự phân biệt rõ ràng khi dùng các danh từ chỉ chung về ba thân vị của Thiên Chúa và khi dùng các danh từ chỉ riêng về Thiên Chúa Đức Cha. Đó là:

Không dùng mạo từ xác định cho các danh từ chỉ chung cả ba thân vị hoặc bất cứ thân vị nào trong ba thân vị của Thiên Chúa, mà văn mạch đã giúp cho chúng ta biết đó là thân vị nào, như trong I Ti-mô-thê 3:15-16, văn mạch đã cho chúng ta biết danh từ Thiên Chúa chỉ về thân vị Ngôi Lời: “Nhưng nếu ta chậm trễ, thì con biết cần phải xử sự như thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống, trụ và nền của lẽ thật. Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra cho các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.”

Dùng mạo từ xác định cho các danh từ chỉ riêng về Thiên Chúa Đức Cha. Tuy nhiên, khi Thánh Kinh được dịch sang tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác thì cách dùng ấy đã bị mất đi.

G2316 không có mạo từ xác định G3588 đi chung, nếu dùng cho Thiên Chúa, thì được dịch là “Thiên Chúa” chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc bất cứ thân vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

G2316 có mạo từ xác định G3588 đi chung, nếu dùng cho Thiên Chúa, thì được dịch là “Đức Chúa Trời” để chỉ thân vị Thiên Chúa Đức Cha.

“Dâng” (G3936) là một động từ, có nghĩa: Dâng lên; trình ra; trình diện; ra mắt; đặt vật gì đó trên tay để trình ra, để dâng lên cho người trên mình; giao phó một người hay một vật vào quyền sử dụng của ai đó; trình diện ai đó cho sự xem xét, phán đoán; đem ai đó vào trong mối quan hệ mật thiết.

“Các thân thể” (G4983) là một danh từ số nhiều, chỉ thân thể xác thịt của loài người hoặc loài vật; chỉ khối vật chất của các ngôi sao và hành tinh; chỉ một tập thể người đoàn kết với nhau; chỉ Hội Thánh của Thiên Chúa (thân thể của Đấng Christ).

“Của lễ” (G2378) là một danh từ, có nghĩa: Mạng sống của một sinh vật được dâng hiến cho Thiên Chúa hoặc cho các tà thần.

“Sống” (G2198) là một động từ, có nghĩa: Sống; sống động; trái nghĩa với chết.

“Thánh” (G40) là một tính từ, chỉ sự thiêng liêng, thánh khiết, trong sạch thuộc về Thiên Chúa hoặc được biệt riêng cho Thiên Chúa.

“Đẹp lòng” (G2101) là một tính từ, có nghĩa: Có tính cách làm vui lòng; khiến cho được chấp nhận.

“Đức Chúa Trời” (G3588 G2316) là một danh từ, chỉ Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời, còn gọi là Đức Cha. Xem thêm “Thiên Chúa”.

“Sự thờ phượng” (G2999) là một động từ. Nghĩa đen: Sự phục vụ được thuê mướn. Nghĩa bóng: Sự phụng sự và thờ phượng Thiên Chúa; sự thi hành các nghi thức thờ phượng Thiên Chúa.

“Phải lẽ” (G3050) là một tính từ, có nghĩa: Hợp lý; phải lẽ; thích hợp; đúng cách; y theo lời nói, lời dạy.

“Của các anh chị em” (G5216) là một sở hữu nhân xưng đại danh từ, ngôi thứ nhì, số nhiều, có nghĩa: Của các anh chị em; thuộc về các anh chị em.

“Đừng” (G3361) là một phân từ, có nghĩa: Đừng; chớ; đừng nên; chớ nên; không nên.

“Làm theo” (G4964) là một động từ, có nghĩa: Khiến cho hành động của mình đúng theo một tiêu chuẩn nào đó.

“Đời” (G165) là một danh từ. Nghĩa hẹp: Khoảng thời gian kéo dài, không bị gián đoạn. Nghĩa rộng: Đời đời; vĩnh cửu; vĩnh hằng. Nghĩa bóng: Cuộc đời; nếp sống của thế gian.

“Này” (G5129) là một đại danh từ, có nghĩa: Này; cái này; điều này; sự này; việc này; người này.

“Nhưng” (G235) là một liên từ, có nghĩa: Nhưng; nhưng mà; tuy nhiên; dù sao; tốt hơn; ngoại trừ…

“Biến hóa” (G3339) là một động từ, có nghĩa: Biến hóa; thay đổi hình dáng; thay đổi tính cách.

“Sự đổi mới” (G342) là một danh từ, có nghĩa: Sự làm cho mới lại; sự hoàn toàn phục hồi; sự hoàn toàn đổi mới. Khi có mạo từ xác định (G3588) đứng trước như trong câu này, thì nói đến sự đổi mới do Thiên Chúa làm ra cho con dân của Ngài.

“Tâm trí” (G3563) là một danh từ, bao gồm sự nhận thức, cảm xúc, phân tích, lý luận, quyết định của thể xác (lý trí) lẫn tâm thần (thần trí).

“Chứng nghiệm” (G1381) là một động từ, có nghĩa: Thử nghiệm để xác chứng; công nhận là chân thật sau khi đã xét nghiệm.

“Điều gì” (G5101) là một đại danh từ, có nghĩa: Ai đó; sự gì đó,vật gì đó; việc gì đó.

“Ý muốn” (G2307) là một danh từ, có nghĩa: Điều mà ai đó mong muốn hay quyết định sẽ thực hiện; sự ưa thích, chọn lựa, khao khát.

“Tốt lành” (G18) là một tính từ, có nghĩa: Tốt lành, có ích lợi, có gây dựng, đem lại sự vui thỏa.

“Trọn vẹn” (G5046) là một tính từ, có nghĩa: Hoàn toàn; trọn vẹn; không cần thêm hay bớt gì.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/11/2018