Sự Ra Đời của Đức Chúa Jesus
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến!
Tuần này chúng ta sẽ cùng nhau học Lời Chúa với chủ đề: Sự Ra Đời của Đức Chúa Jesus
Trong bốn sách Tin Lành thì chỉ có sách Ma-thi-ơ và Lu-ca có viết về sự kiện Chúa Jesus ra đời, còn sách Mác và Giăng thì bắt đầu từ sự ra đời và chức vụ của Giăng Báp-tít.
Đọc sách Ma-thi-ơ chúng ta thấy sự kiện Chúa Jesus ra đời viết nhiều chi tiết hơn, sách này bắt đầu khi thiên sứ phán với Giô-sép trong giấc chiêm bao, nhưng không thấy viết gì về bà Ma-ri, nhưng khi chúng ta đọc qua sách Lu-ca thì có ghi lại chi tiết thiên sứ phán với bà Ma-ri về việc bà sẽ mang thai bởi Đức Thánh Linh. Khi chúng ta tổng hợp lại hai sách này chúng ta sẽ có những thời điểm diễn ra như sau:
- Thiên Sứ báo tin cho Giô-sép và bà Ma-ri
- Giô-sép đem Ma-ri về làm vợ mình
- Giô-sép và Ma-ri về xứ Giu-đê để khai sổ sách
- Đức Chúa Jesus ra đời
- Thiên sứ báo tin cho những người chăn chiên
- Các nhà thông thái tìm đến dâng của lễ cho Chúa Jesus
- Vua Hê-rốt ra lệnh giết các con trẻ
- Sự trốn qua nước Ê-díp-tô
- Sự trở về và lánh qua xứ Ga-li-lê ở thành Na-xa-rét.
Đó là chín sự kiện xảy ra từ khi thiên sứ báo tin cho Giô-sép và bà Ma-ri cho tới khi họ trở về quê hương nhưng lánh qua ở thành Na-xa-rét.
Sự kiện Đức Chúa Jesus ra đời đã ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai đã tiên tri trước cho dân sự Ngài. Ê-sai 7:13-14:
“Ê-sai nói rằng: Hỡi nhà Đa-vít, hãy nghe! Các ngươi cho làm phiền người ta là chuyện nhỏ, mà muốn làm phiền Thiên Chúa ta nữa sao? Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: Này một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sinh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên.”
Chúa Jesus sinh ra khi nào?
Ngay nay chúng ta thấy hằng năm người ta kỷ niệm ngày Chúa Jesus giáng sinh, trong các nhà thờ, trong các giáo hội, nhưng thật sự chúng ta không biết Chúa sinh vào ngày nào. Thánh Kinh không có ghi lại cho chúng ta biết. Chúng ta chỉ biết rằng Chúa Jesus không sinh ra vào mùa đông lạnh giá như từ trước đến nay trong các bài thánh ca hay trong sự giảng dạy của các giáo hội. Như vậy sự tin đó là không đúng Lời Chúa. Vì trong Thánh Kinh có chi tiết cho chúng ta biết khi thiên sứ báo tin cho những người chăn chiên thì họ còn ở ngoài đồng, nếu như Chúa Jesus sinh ra vào mùa đông lạnh giá, tuyết rơi…thì những người chăn chiên này sẽ không thể chăn bầy ở ngoài đồng được. Cô hoàn toàn đồng ý với sự giải thích này của bác Tim, bởi vì cô cũng đã từng sống ở nơi rất lạnh vào mùa đông và có tuyết rơi, thì vào những mùa đông như vậy ngoài đồng cây cỏ đều chết hết, tuyết rơi thì sau khi tan ra nó như 1 lớp nước đá ở trên thì cây cỏ làm sao sống được, cả đến những cây cổ thụ to còn chuyển màu lá và rụng hết, cho đến khi màu xuân đến ấm áp một chút thì cây cỏ mới bắt đầu ra lá non trở lại. Nên việc tin rằng Chúa Jesus sinh ra vào mùa đông là không hợp lý, không đúng Thánh Kinh.
Về sự kiện Chúa Jesus ra đời chúng ta sẽ học về ba ý chính như sau:
- Sự mầu nhiệm về Thiên Chúa làm người trong xác thịt
- Chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho loài người.
- Đức tin của Giô-sép và Ma-ri
Thứ nhất: Thiên Chúa làm người trong xác thịt
Như trong bài học lần trước chúng ta đã học về thần tính của Đức Chúa Jesus. Thì chúng ta hiểu được rằng, Đức Chúa Jesus chính là Thiên Chúa. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người. Về thần tính Ngài là Thiên Chúa tự có và sẽ mãi có, hoàn toàn bình đẳng bình quyền với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh. Danh xưng của Ngài là Ngôi Lời.
Sự mang thai trong lòng trinh nữ Ma-ri là một sự mầu nhiệm khi linh hồn và tâm thần của Ngôi Lời kết hiệp với (một phần) xác thịt của Ma-ri. Chúng ta chú ý chi tiết một phần xác thịt của Ma-ri, nếu chúng ta không viết rõ thì người đọc sẽ hiểu là Thiên Chúa Ngôi Lời kết hiệp với chính Ma-ri thì nó lại sai với Lẽ Thật. Cảm tạ Chúa trong tuần qua bác Tim đã giải thích cho cô hiểu rõ điều này, và cũng giúp cho cô có thể chia sẻ lại với các con để có thể hiểu rõ hơn. Quá trình đó là bởi năng lực của Đấng Thần Linh. Để Đức Chúa Jesus vừa là người mà cũng vừa là Thiên Chúa, về thần tính Ngài là Thiên Chúa, về nhân tính Ngài là con người xác thịt. Trong thân vị Thiên Chúa thì Ngài kết hiệp với Đức Chúa Trời, trong thân vị loài người thì Ngài kết hiệp với Hội Thánh. Về nhân tính khi Chúa Jesus làm người xác thịt ở trần gian thì Chúa Jesus hoàn toàn là người giống như chúng ta, chỉ khác với chúng ta là Ngài vô tội, Ngài không bị nhiễm tội. Ngài còn là Đấng Trung Bảo giữa loài người và Đức Chúa Trời. Với trí hiểu hạn hẹp của loài người chúng ta sẽ không thể nào hiểu hết được những sự lạ lùng này, chỉ đến khi nào chúng ta được về với Chúa thì chúng ta mới có thể hiểu được, cảm tạ Chúa Ngài ban Thánh Kinh cho chúng ta, ban Đức Thánh Linh để soi dẫn dạy dỗ, ban người chăn cho chúng ta để giúp chúng ta phần nào hiểu được những sự mầu nhiệm này.
Thứ hai: Chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho loài người.
Qua sự kiện Chúa Jesus ra đời không chỉ cho chúng ta học và hiểu được về thần tính của Đức Chúa Jesus mà chúng ta còn hiểu được chương trình cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi.
Là một Thiên Chúa toàn năng, Ngài Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài bình đẳng bình quyền với Đức Chúa Trời, mà Ngài bằng lòng chịu bị giới hạn làm một con người xác thịt. Để cứu chuộc loài người mà một Thiên Chúa không có tội phải vì nhân loại mà gánh tội, hạ sinh trong một nơi thấp hèn. Bởi sự công chính của Thiên Chúa mà chính Ngài phải nhập thế làm người trả giá bằng mạng sống.
Câu hỏi đặt ra: Nếu như Chúa là Đấng Toàn Tri, Ngài biết hết mọi sự, biết trước mọi sự, Ngài cũng biết loài người sẽ phạm tội vậy tại sao Ngài còn dựng nên loài người làm gì?
Đây cũng là câu thắc mắc mà chính cô đã từng thắc mắc. Cảm tạ ơn Chúa đã giải đáp thắc mắc này của cô qua bài giảng của người chăn và cô hoàn toàn tiếp nhận sự giải đáp này. Đó là vì Chúa muốn tìm cho Ngài một dòng dõi thánh, Ngài biết trước loài người sẽ phạm tội, nhưng Ngài cũng biết trước sẽ có những người hết lòng tin kính Chúa, hết lòng vâng phục Ngài, hết lòng yêu kính Ngài thậm chí họ phải chịu trãi qua bao khó khăn, bách hại, tù đày, đánh đập và ngay cả trả giá bằng mạng sống. Thiên Chúa là Đấng Công Chính và Ngài cho loài người có quyền tự do chọn lựa, Chúa đã làm đủ mọi cách để kéo loài người lại gần Ngài, được hưởng tình yêu, ân điển của Ngài, nhưng sự lựa chọn là tùy thuộc ở mỗi một người.
Chương trình cứu chuộc loài người thể hiện sự công chính của Thiên Chúa, loài người không thể nào tự mình thoát ra được tội lỗi, sự hư mất đời đời là cái bản án cho loài người, nhưng nếu một người hoặc một thiên sứ thì chỉ có thể cứu được một linh hồn mà thôi, thế nên một Thiên Chúa vô tội không thể chết phải chịu chết để gánh tội, chuộc tội cho tất cả loài người.
“Nhưng chúng ta thấy Đức Chúa Jesus, Đấng bị làm cho thấp hơn các thiên sứ trong một thời gian, qua sự chết Ngài đã chịu, được đội mão vinh quang và tôn trọng. Bởi ân điển của Thiên Chúa, Ngài đã nếm sự chết thay cho mỗi người.” (Hê-bơ-rơ 2:9).
Thứ ba: Đức tin của Giô-sép và Ma-ri.
Đọc qua sự kiện Đức Chúa Jesus ra đời mà Thánh Kinh cho chúng ta biết về Giô-sép và Ma-ri. Hai người này họ chỉ là một người bình thường trong xã hội, không có chức vụ hay danh vọng, cũng chẳng giàu sang gì, theo như Thánh Kinh cho biết thì Giô-sép làm nghề thợ mộc. Vậy tại sao Chúa lại dùng họ trong chương trình cứu chuộc loài người của Ngài? Như Thánh Kinh cho chúng ta biết Giô-sép và Ma-ri là người kính sợ Chúa, và có một đức tin đặc biệt nơi Thiên Chúa, khi Chúa phán bảo thì họ vâng theo, không thắc mắc, không băn khoăn. Theo như luật pháp thời bấy giờ một người nữ chưa chồng mà có thai thì có thể nhận án chết, Ma-ri khi nhận được tin báo từ thiên sứ bà đã không lo sợ tín mạng bà sẽ ra sao, cuộc sống sắp tới bà sẽ thế nào, chồng sắp cưới của bà sẽ nghĩ bà ra sao. Lu-ca 1:46-55 chép lại cho chúng ta thấy chẳng những bà không lo lắng, không sợ hãi mà bà còn vui mừng ngợi tôn Chúa. Về phần Giô-sép thì khi nghe thiên sứ báo tin và phán bảo thì ông lập tức thực hiện ngay, không chần chừ cũng không thắc mắc. Chúng ta có thể hiểu được rằng Chúa chọn ông bà là vì Chúa biết được tấm lòng và đức tin của ông bà đối với Thiên Chúa, Chúa sử dụng ông bà là vì tấm lòng của họ, Chúa xét ở tấm lòng chứ không xét ở bên ngoài.
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng xem điều gì loài người xem. Loài người xem bề ngoài, nhưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhìn thấy trong lòng.” (I Sa-mu-ên 16:7b).
Bài học chúng ta rút ra được qua sự kiện Chúa Jesus ra đời đó là về tình yêu của Thiên Chúa ban cho loài người, sự hy sinh của Thiên Chúa Ngôi Lời đã bằng lòng chịu nhập thế làm người, chịu bị giới hạn, chịu sinh một nơi thấp hèn, chịu gánh hết mọi tội lỗi của loài người. Chúng ta học được sự mầu nhiệm của một Thiên Chúa khi nhập thế làm người, Ngài vừa là người mà cũng vừa là Thiên Chúa, không có ai, không có vị thần nào giống như Ngài. Tất cả cũng vì tình yêu, Ngài đã trả một cái giá rất đắt vì nhân loại.
Bài học chúng ta học được qua tấm gương của Giô-sép và Ma-ri. Chúng ta cần cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, ban cho chúng ta một tấm lòng vâng phục Chúa hoàn toàn, Thánh Kinh Chúa dạy dỗ như thế nào thì làm y theo như vậy, bằng một tấm lòng đơn sơ vâng lời. Chúng ta cũng ghi nhớ một điều Chúa sử dụng chúng ta không phải vì chúng ta tài giỏi hơn người, chúng ta dồi giàu kinh nghiệm sống, hay chúng ta giàu có, địa vị trong thế gian mà Chúa sử dụng chúng ta Ngài xét ở tấm lòng của chúng ta.
Câu hỏi thứ nhất: Tại sao thiên sứ chỉ hiện ra và báo tin cho những người chăn chiên mà không báo cho ai khác nữa.
- Qua sự kiện thiên sứ chỉ báo tin cho những người chăn chiên thì chúng ta có thể suy ngẫm như thế này. Việc Đức Chúa Jesus nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại là cứu tất cả những người có tội và mọi kẻ tin. Không phân biệt giai cấp, nghề chăn chiên là một nghề thấp kém trong xã hội thời bấy giờ. Với một tấm lòng đơn sơ của họ thì họ sẽ dễ dàng tiếp nhận Tin Lành hơn những người quyền thế lúc bấy giờ. Và sự thật thì Thánh Kinh cũng ghi lại cho chúng ta thấy, khi thiên sứ báo tin cho những người chăn chiên thì họ liền bảo nhau đi đến xem thực hư thế nào và họ tôn vinh Đức Chúa Trời. Còn vua Hê-rốt khi biết tin Đấng Christ sinh ra thì lại tìm cách giết Ngài. Nói như vậy thì không phải tất cả những người giàu có, địa vị thì họ không chịu tin Tin Lành, cũng có những người chịu bỏ mọi sự để theo Chúa mà trong những chương tới chúng ta sẽ học đến. Nhưng chúng ta đang suy ngẫm về sự kiện này thì chúng ta có thể hiểu như vậy. Hiểu là vì sao thiên sứ chỉ báo tin cho những người chăn chiên thấp hèn.
- “Bỗng có muôn vàn thiên binh cùng với thiên sứ đó tôn vinh Đức Chúa Trời, Lu-ca 2:13 ghi lại cho chúng ta biết. Thì chúng ta thấy được sự đặc biệt của sự ra đời của Đức Chúa Jesus. Sinh ra trong một nơi thấp hèn, nhưng lại được cả muôn vàn thiên binh tôn vinh Đức Chúa Trời. Đối với người ở thế gian thì sự ra đời của Chúa Jesus nghèo nàn, thấp hèn chẳng có gì đặc biệt. Nhưng về thuộc linh thì được muôn vàn thiên binh tôn vinh Đức Chúa Trời, có thể nói chỉ duy nhất Đức Chúa Jesus là người trong xác thịt được như vậy. Và qua cái sự kiện đó chúng ta cũng liên tưởng được đến chúng ta đây là những người mà thế gian cũng chẳng coi mình ra gì, không địa vị, không giàu sang, không nhiều tiền. Nhưng chúng ta có một giá trị mà người thế gian không bao giờ có được. Đó là địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời.
“Vì các anh chị em đã chẳng nhận lấy thần trí của nô lệ để lại sợ hãi; nhưng các anh chị em đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, nhờ đó, chúng ta gọi: A-ba! Cha!” (Rô-ma 8:15).
“Không những {chúng}, mà chúng ta nữa, là những người có trái đầu mùa của Đấng Thần Linh. Chính chúng ta cũng than thở trong chúng ta, trông đợi sự làm con nuôi, {là} sự cứu chuộc thân thể của chúng ta.” (Rô-ma 8:23).
“Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài.” (Ê-phê-sô 1:5).
Cảm tạ Đức Chúa Trời đã yêu thương chúng ta, cảm tạ ơn Thiên Chúa Ngôi Lời đã bằng lòng chịu từ bỏ ngôi vinh quang nhập thế làm người cứu chuộc chúng ta. Nguyện rằng qua bài học này chúng ta càng ý thức hơn về địa vị mà Đức Chúa Trời ban cho, để chúng ta sống xứng đáng với tình yêu, sự hy sinh mà Đấng Christ đã vì chúng ta.