Hỏi:
Ông bà của bạn A muốn bạn A sang nhà ông bà ngủ với ông bà một hôm vì ông bà nhớ cháu. Nhưng hôm sau là ngày Sa-bát, trời thì mưa bão, nhà ông bà không có mạng và cách khá xa nhà bạn A. Ba mẹ nói bạn A nên ở nhà. Chúa dạy rằng chúng ta phải hiếu kính cha mẹ ông bà, vậy bạn A nên nghe theo ai trong tình huống này?
Đáp:
Trong tình huống này bạn A nên nghe theo lời ba mẹ. Có hai lý do:
-Vì ba mẹ là người giám hộ của mình, chứ không phải là ông bà. Và việc vâng lời này không những không vi phạm lời Chúa, mà còn giúp mình nhóm hiệp thuận tiện hơn.
-Vì trời mưa bão và lý do đến ngủ với ông bà chỉ là nhớ con cháu thì đây là việc không cấp bách.
Hỏi:
Là con dân Chúa, chúng ta có nên tham dự vào những sự không thánh khiết của người ngoại không, ví dụ như thờ phượng các thần khác và cấu hiệp với người nhà của mình.
Đáp:
Câu này thì giống như câu trả lời nằm luôn trong câu hỏi vậy, đã là không thánh khiết thì chắc chắn là mình không tham dự rồi, thậm chí là mình còn phải lên tiếng giải thích, bày tỏ lẽ thật cho bạn bè, gia đình của mình nếu có dịp tiện nữa.
Và sẵn đây cũng muốn nhắc nhở các em, có một vài lễ của người ngoại như Halloween, Lễ giáng sinh 24/12, Lễ Tình Nhân Valentine,.v..v. thì các em không được tham dự các lễ hội, các hình thức sinh hoạt (như ăn mặc, mua bán, vui chơi giống họ) hoặc không nên tham gia bàn tán về nó.
Hỏi:
Qua việc Đức Chúa Jesus lên đền thờ và lúc đối đáp với các nhà thông thái rồi được khen nhờ đó làm sáng danh Chúa. Vậy chúng ta cần làm những việc gì qua việc học tập để qua đó cũng làm sáng danh Chúa?
Đáp:
Các em hãy cậy ơn Chúa, xin Chúa ban cho các em có sự khôn sáng để học tập. Luôn hoàn thành các nhiệm vụ trường lớp đề ra, nếu điều đó không vi phạm lời Chúa. Khi gặp những điều đi ngược lại với niềm tin của chúng ta, chúng ta sẽ không ủng hộ, không làm theo, nếu có cơ hội để lên tiếng,thì cầu nguyện hỏi ý Chúa rồi mạnh dạn bày tỏ quan điểm chúng ta, vì có thể đó là những lúc Chúa dùng chúng ta để nói lên một lẽ thật nào đó, làm sáng danh Chúa.
Trong học tập, có thể các em không phải là một học sinh xuất sắc, luôn đứng nhất trong mọi lĩnh vực. Nhưng hãy là một học sinh có đạo đức tốt, làm sáng danh Chúa qua nếp sống, là một người dù người khác có không thích chúng ta, thì họ cũng không thể tìm được lỗi nào mà bắt bẻ chúng ta.
Hỏi:
Mai là một thiếu nhi sống trong gia đình tin Chúa, từ nhỏ Mai đã được cha mẹ dạy thế nào là tội lỗi, cần phải tránh xa tội lỗi. Nhưng Mai ham mến thế gian nên em có suy nghĩ vì mình còn thiếu nhi, còn bé nên cứ thỏa thích sống phạm tội, rồi Chúa sẽ thương xót tha thứ cho mình, còn lớn rồi mà phạm tội thì mới sợ. Suy nghĩ của Mai như vậy có đúng Lời Chúa không? Trong trường hợp là bạn, bạn sẽ khuyên em ấy như thế nào?
Đáp:
Suy nghĩ của Mai vậy là không đúng lời Chúa.
Kể từ lúc Mai nhận biết tội lỗi thì đó là lúc Mai đã bị phán xét bởi luật pháp, nếu có phạm tội.
Người biết càng sớm và biết càng nhiều, mà lại phạm tội, thì cái hình phạt nó còn nặng hơn gấp nhiều lần nữa
Thánh Kinh được chép ở Hê-bơ-rơ 10: 26, 29:
“Vì {nếu} chúng ta cố ý phạm tội {sau khi} đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, {thì} không còn được chừa lại {cho chúng ta} sinh tế chuộc những tội lỗi.”
“Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó {kẻ ấy} được nên thánh {là} ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.”
Hỏi:
Ở tuổi thiếu niên thì có đôi khi các bạn vẫn thích sự được khen ngợi bởi người khác. Thế thì sự thích được khen này có phải là sai hay không? Và làm cách nào để mỗi lần được khen như vậy chúng ta không trở nên kiêu ngạo?
Đáp:
Thật sự thì, ở cái tuổi nào người ta cũng đều thích được khen hết. Vì cái lời khen thưởng giúp chúng ta biết được rằng mình đã hoàn thành tốt điều đó, và nó cũng là cái sự khích lệ, cái động lực để bản thân mình cố gắng mỗi ngày, càng tốt và tốt hơn nữa. Thích được khen, được thưởng, không sai.
Nhưng nó sẽ sai nếu chúng ta dùng sự khen thưởng đó để nâng mình lên cao, hay nói sát với câu hỏi đó là mình trở nên kiêu ngạo, thì lúc đó nó sẽ sai. Vậy thì chúng ta phải làm gì để tránh nó:
Chúng ta biết mọi tội lỗi nó đều xuất phát từ trong suy nghĩ, vậy nếu chúng ta có suy nghĩ muốn nâng mình lên, nghĩ mình đáng được chú ý, đáng được tôn sùng. Thì mình hãy nhanh chóng kêu cầu Chúa giúp đem mình ra khỏi suy nghĩ đó, rồi dâng cái sự khen thưởng đó lên cho Chúa, cảm tạ Chúa đã giúp mình hoàn thành công việc. Khi mà các em đã làm vậy rồi, thì tự nhiên Chúa sẽ mở trí mình ra thêm nữa, mình khôn ngoan hơn để mình biết mình nhỏ bé thế nào, mình cần Chúa như thế nào, và rồi sự khiêm nhường nhu mì nó đến một cách rất là tự nhiên mà chúng ta không cần phải cố gắng một chút gì cả.
Trong Châm Ngôn 27:2 có chép:
“Hãy để cho kẻ khác tôn vinh con, miệng con chẳng nên làm; để cho một người ngoài tán mỹ con, môi con đừng làm.”
Chúng ta cứ để cho sự khen ngợi, khen thưởng đến một cách tự nhiên, đừng cố gắng tìm kiếm nó, vì đó là sự ban cho của Chúa, có cố kiếm cũng không được.
Và nếu chúng ta làm việc mà chỉ chăm chăm đợi người khác khen mình, thì mình chỉ nhận toàn thất bại thôi, vì lúc đó mình đâu có chú tâm làm việc.
Hỏi:
Tại sao Đức Chúa Jesus không chọn đi về cùng với cha mẹ mà chọn ở lại Đền Thờ?
Đáp:
Theo như Luca 2:46-49 thì chúng ta biết Ngài đã ở lại để đối đáp với các thầy thông thái và làm những việc của Cha Ngài.
Hỏi:
Luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là gì?
Đáp:
Luật pháp là hình phạt dành cho ai vi phạm các điều răn của Thiên Chúa và hướng dẫn người có tội cách thức chuộc tội.
Hỏi:
Bạn A ngày xưa có thói quen thường hay chửi thề. Bạn biết điều đó là sai và đã có ăn năn với Chúa nhưng vẫn cứ tái phạm hoài do vô ý. Thế thì trường hợp “tái phạm hoài do vô ý” này của bạn có phải là tội lỗi không? Và bạn đã nên thánh chưa?
Đáp:
Đó vẫn là tội lỗi, cho dù là vô ý.
Người nên thánh không phải là người không còn phạm tội, mà là người phạm tội nhưng biết ăn năn từ bỏ.
Vậy là bạn chưa nên thánh, vì bạn vẫn còn tái phạm lại liên tục.
Nếu bạn A muốn thay đổi, thì A nên tránh xa những người bạn hay nói tục, tránh những môi trường, những câu chuyện, video, hình ảnh nào mà nó gợi lại cho mình những từ ngữ ô uế đó.
Hỏi:
Vì sao ở thời Cựu Ước, khi dân I-sơ-ra-ên phạm các tội như bất kính với cha mẹ, quan hệ cận huyết, tà dâm,… thì Chúa liền ra lệnh xử tử họ. Trong khi đó, ở thời của chúng ta, Chúa lại cho chúng ta có cơ hội để kịp ăn năn? Phải chăng là Chúa thương xót cho thế hệ của chúng ta hiện nay hơn?
Đáp:
Thời nay có một số điểm mà chúng ta cần biết như sau:
- Thời nay Chúa Jesus Christ đã chịu chết thay, đã trả giá chết cho chúng ta.
- Thời nay, vẫn có những tội mà chúng ta cũng bị xử chết, nếu gây hậu quả tức thì. Ví dụ: Như giết người, buôn ma tuý vượt quá giới hạn,…
Thời xưa thì lại có một số đặc điểm sau đây:
- Ngày xưa, một số tội Chúa cũng có cho họ ăn năn bằng cách dâng sinh tế chuộc lỗi, nhưng một số tội buộc họ phải chết ngay để trả giá như các em đã biết.
- Ngày xưa, họ được chứng kiến nhiều phép lạ, quyền năng của Chúa, còn được Chúa phán trực tiếp thông qua ông Môi-se.
Còn về vấn đề, Chúa có phải thương thế hệ mình hơn không, thì chắc chắn là không phải. Vì Chúa của chúng ta công bình, không tư vị.
Chúng ta có thể thấy như trên, mỗi thời đều có những đặc điểm khác nhau, nên luật pháp Chúa ban mỗi thời cũng sẽ có sự khác nhau.
Án chết ngay thì thời nào cũng có, mục đích để Ngài răn đe tất cả, nhưng nếu ai vẫn cứ cố tình phạm. Thì cái chết ngay là điều chính đáng cho người đó.
Hỏi:
Dũng tin Chúa nhưng bạn lại sống trong một gia đình không tin Chúa. Vào Sa-bat, Dũng rất muốn đi nhóm cùng Hội Thánh nhưng bị cha mẹ ngăn cấm kịch liệt, vì Dũng chưa đủ tuổi trưởng thành nên phải chịu dưới sự quản lý của cha mẹ. Một hôm, Dũng lén ba mẹ đi nhóm, khi mẹ gọi điện thoại hỏi Dũng đang ở đâu, vì quá bối rối nên bạn lỡ nói dối rằng con qua nhà bạn chơi. Nếu là Dũng, trong tình huống bị ba mẹ phản đối việc đi nhóm thờ phượng Chúa, bạn sẽ làm gì?
Đáp:
Thì trước khi trả lời câu hỏi này, anh muốn đọc một câu Thánh Kinh mà có lẽ đã rất quen thuộc với mọi người, đó là:
“Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là {vâng phục} loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).
Chúng ta vẫn cứ tiếp tục thờ phượng Chúa một cách âm thầm lén lút, nhưng chúng ta không được nói dối như bạn Dũng.
Khi bị bắt gặp thì phải mạnh dạn bày tỏ đức tin, và phải nói sự thật là mình đang thờ phượng Chúa. Có thể sau đó, chúng ta có thể bị đánh đập, bị chửi mắng, nhưng đó là thử thách mà Chúa cho phép xảy ra, để xem chúng ta yêu Chúa như thế nào.
Và các em cũng phải nhớ rằng, Chúa biết mình có thể vượt qua được thử thách đó, thì Chúa mới đem cái sự thử thách đó đến cho mình. Như có chép ở I Cô-rinh-tô 10:13:
“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu {sự ấy} thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, {là} Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách {có} một lối thoát, {để} các anh chị em có năng lực chịu đựng.”
Hy vọng những bạn thiếu niên đang phải sống trong một gia đình không tin kính Chúa, thì phải thật mạnh mẽ nhưng cũng phải thật mềm mại, để đời sống các em là bài giảng Tin Lành hay nhất cho gia đình của các em.
Hỏi:
Trong những bài viết văn ở trên trường, sẽ có những đề bài mà mình chưa trải qua lần nào như: Em hãy kể lại sự việc em dẫn một bà cụ qua đường. Vậy trong trường hợp này thì chúng ta phải làm như thế nào?
Đáp:
Với những bài viết văn như vậy, các em có thể mở bài với đại ý như thế này:
Đối với em, em chưa từng được trải qua một việc như vậy. Nhưng nếu có cơ hội được gặp, em nghĩ bản thân mình sẽ cư xử như thế này…Và rồi các em kể tiếp câu chuyện của chính mình.
Hoặc các em có thể hỏi ý cô giáo xem, mình có thể thay đổi đối tượng trong đề bài không. Ví dụ, đổi thành em gái, bạn, hay ai đó mà mình từng dẫn qua đường.
Hỏi:
Khi một người đã nên thánh, tích cực làm những việc tốt cho Chúa nhưng vì lỡ một lúc yếu đuối mà phạm tội thì phần thưởng của họ trên trời cho những việc làm trước đó có bị mất đi không ạ?
Đáp:
Đầu tiên, các em cần biết rằng, yếu đuối cũng chính là một hình thức chúng ta cố tình phạm tội, bởi vì lúc đó chúng ta đã hiểu biết về tội lỗi đó, nhưng đã không hết lòng nhờ cậy sức Chúa, mà lại cố tình dùng sức riêng. Dẫn đến chúng ta gục ngã.
Ví dụ điển hình như tội tà dâm.
Và rõ ràng, khi cố tình phạm tội, thì chúng ta lại đóng đinh Chúa thêm một lần, lúc này chúng ta như được sống lại lần nữa, tức chúng ta phải làm mọi việc lại từ đầu. Chúa yêu thương chịu đóng đinh thêm một lần cho chúng ta đã là điều quá lớn lao rồi, làm sao chúng ta có thể đòi hỏi những phần thưởng kia?
Chỉ khi rằng, việc phạm tội vì vô ý hay thiếu hiểu biết mà phạm thì mới có thể được Chúa giữ phần thưởng.
Ví dụ như: Nhất thời buột miệng nói dối do có người bất chợt hỏi chúng ta điều gì đó mà chúng ta không muốn nói sự thật chẳng hạn…Trong tình huống này, chúng ta có thể chọn im lặng để không phạm tội.
Trong Ê-xê-chi-ên 18:24 có chép cho những người cố tình phạm tội rằng:
“Nhưng nếu người công chính xoay khỏi sự công chính của mình và phạm sự gian ác, làm theo mọi sự gớm ghiếc mà kẻ ác làm, thì người ấy sẽ sống không? Mọi việc công chính người ấy đã làm sẽ không được nhớ lại. Trong sự phạm pháp mà người ấy đã phạm, trong sự tội lỗi mà người ấy đã phạm, người ấy sẽ chết trong chúng.”