Đức Chúa Jesus Chịu Báp-Têm

290 lượt xem

Chủ đề: Đức Chúa Jesus Chịu Báp-Têm

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến!

Tuần này chúng ta cùng nhau học Lời Chúa với chủ đề: Đức Chúa Jesus chịu báp têm. 

Sự kiện này thì được các sách Ma-thi-ơ 3:13-17, Mác 1:9-11, Lu-ca 3: 21-22, Sách Giăng thì ghi lại lời chứng của Giăng Báp-tít, không ghi rõ cụ thể như ba sách kia. Về sự kiện Đức Chúa Jesus chịu báp-têm chúng ta có những ý chính để học như sau. 

1/ Đấng không bị nhiễm tội, nhưng vẫn chịu báp-têm, để làm trọn sự công chính. 

2/ Đấng khiêm nhường

3/ Sự ấn chứng chắc chắn. 

  • Đấng không bị nhiễm tội, nhưng vẫn chịu báp-têm, để làm trọn sự công chính. 

Như trong bài học trước, chúng ta đã học về ý nghĩa của lễ báp-têm, Báp têm “Là hình thức dìm mình hoàn toàn xuống dưới mặt nước tiêu biểu cho tội lỗi bị hình phạt bởi sự chết trên thân thể xác thịt của tội nhân. Sự ra khỏi nước tiêu biểu cho sự tội nhân được cứu từ trong sự chết, bởi đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, mà được cùng sống lại với Đức Chúa Jesus Christ. Báp-têm còn là hình thức tiêu biểu cho sự rửa nhúng chìm những bản chất tội lỗi của con người xưa cũ, khi lên khỏi mặt nước là sống lại một đời sống mới trong Chúa. Đương nhiên một người nhận thức được mình là tội nhân, muốn được tha tội, muốn được nhận sự sống đời đời, thì người ấy đã ăn năn tội và kế tiếp là chịu lễ báp-têm. Nhưng lễ báp-têm không phải là một bí tích quyết định người đó đã hoàn toàn không bị hư mất nữa mà phải dựa vào người đó có thật lòng ăn năn tội hay không, có sống vâng giữ điều răn của Thiên Chúa và nếp sống nên thánh hay không. 

Chúng ta đã từng học qua về thần tính của Đức Chúa Jesus, chúng ta hiểu được rằng, Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa, được sinh ra từ Đức Chúa Trời bởi Đấng Thần Linh, không qua một người nam nào hay là sự sinh ra theo thể thông thường của người nam người nữ qua sự quan hệ tính dục, vậy nên Đức Chúa Jesus hoàn toàn không bị nhiễm tội, Ngài không có tội. Vậy tại sao Đức Chúa Jesus lại chịu lễ báp-têm như bao tội nhân khác? 

Theo sự giải thích của bác Tim thì chúng ta có thể hiểu như sau: Mặc dù Đức Chúa Jesus không bị nhiễm tội nhưng bởi vì Đức Chúa Jesus bằng lòng chết vì tội lỗi của chúng ta, sự báp-tem là sự dìm mình trong sự đoán phạt của Đức Chúa Cha. Đức Chúa Jesus dìm mình dưới nước có nghĩa là Chúa chịu chết thay cho chúng ta. Lễ báp-têm của Giăng Báp-tít là chuẩn bị tấm lòng của người có tội ăn năn tội, để được tha tội, còn lễ báp-têm mà Đức Chúa Jesus chịu chấp nhận hết tội lỗi của loài người và mang hết tội lỗi của loài người. Chúa chịu sự hình phạt của Đức Chúa Trời trên chính thân thể của Ngài, Ngài dìm mình xuống nước là Ngài chịu chết trong cơn đoán phạt đó, dòng nước sông Giô-đanh bấy giờ trở thành sự đoán phạt của Đức Chúa Trời như là nước lụt ngày xưa đã bao phủ địa cầu, và Đức Chúa Jesus nằm dưới dòng nước sông Giô-đanh đó giống như tất cả từng tội lỗi của loài người chết trong cơn nước lụt. Khi Chúa Jesus sống lại, Chúa Jesus ra khỏi đó, cũng báo trước ngày Chúa phục sinh, Chúa Jesus ra khỏi dòng nước sông Giô-đanh đó nói lên sự sống lại của Ngài, và Ngài cũng ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tin nhận nơi Ngài. Vì vậy câu nói của Đức Chúa Jesus  “để làm trọn sự công chính” ý nói lên là muốn tha tội thì tội phải được giải quyết. 

  •  Đấng vâng phục và khiêm nhường. 

Như chúng ta đã từng học biết, Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa, Ngài vô tội, không bị nhiễm tội, cho nên Giăng Báp-tít đã từ chối làm lễ báp-têm cho Ngài mà ông nói chính ông mới là người phải chịu Đức Chúa Jesus làm báp-têm cho ông. Nhưng Chúa vẫn đi đến Giăng để chịu lễ báp têm như bao nhiêu tội nhân, mặc dù ý nghĩa lễ báp-têm mà Đức Chúa Jesus chịu đó khắc với ý nghĩa mà ông Giăng đã làm cho những tội nhân lúc bấy giờ. Đức Chúa Jesus đã không ỷ lại hay cho rằng Ta là Chúa là không có tội thì không cần làm bước này, rất có thể lúc bấy giờ khi Đức Chúa Jesus chịu báp-têm thì những người ở đó họ cũng nghĩ Chúa Jesus như họ thôi, cũng đến để ăn năn tội và chịu báp-têm như Giăng đã làm cho bao nhiêu người khác. Chỉ có Giăng Bap-tit là người duy nhất lúc đó biết Ngài thật sự là ai, và thấy mình không đáng xách giày cho Ngài thì làm sao ông có thể dám làm báp-têm cho Chúa. Và với sự vâng phục Đức Chúa Cha và sự khiêm nhường mà Ngài đã làm trọn sự công chính dìm mình dưới dòng sông Giô-đanh đó. 

Thêm ý nữa là sự suy ngẫm của cô, cô hiểu được là bởi sự làm trọn sự công chính đó mà Ngài làm báp-têm theo đúng tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, Ngài làm đủ, đúng và trọn, không bỏ qua nghi thức nào, điều mầu nhiệm đó là những nghi thức Chúa Jesus làm đó, cũng giống như loài người làm, khi họ biết, tôn kính và thờ phượng Đức Chúa Trời, từ nhỏ Ngài cũng chịu phép cắt bì (Lu-ca 2:21). Ngài vẫn vâng giữ ngày Sa-bát và hằng năm theo cha mẹ đi dự Lễ Vượt Qua, và khi đã trưởng thành thì Đức Chúa Jesus chịu lễ báp-tem, cho chúng ta thấy một đời sống gương mẫu từ khi còn tấm bé của Chúa Jesus, và qua đó những kẻ chống nghịch là ma quỷ và thế lực con người không tin kính họ sẽ không còn lý lẽ nào nào kiện cáo hay bắt bẽ Ngài. Họ không tin Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế nên họ sẽ dễ dàng tìm cách này kia để dìm Chúa Jesus bởi lòng ganh ghét của họ. 

  • Sự ấn chứng chắc chắn. 

Ma-thi-ơ 3:16-17:

16 Chịu báp-têm xong, Đức Chúa Jesus liền ra khỏi nước. Kìa, các tầng trời mở ra trên Ngài, Ngài thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.

17 Kìa, có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!

Sự kiện này xảy ra khi Đức Chúa Jesus lên khỏi nước. Có lẽ sự kiện này chỉ có một mình ông Giăng thấy những người xung quanh họ có thấy không thì chúng ta không biết, Thánh Kinh không có ghi lại chi tiết này, nên trong sách Tin Lành Giăng ông Giăng Báp-tít đã làm chứng lại điều này. sự kiện các tầng trời mở ra, rồi Đấng Thần Linh như chim bồ câu đậu trên Ngài như một khải tượng. Tiếng phán từ trời chính là tiếng của Đức Chúa Trời. Một sự chắc chắn và khẳng định, “Đây là Con yêu dấu của Ta!. 

Ngày nay có giáo phái phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, họ không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, điển hình như do thái giáo họ không công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi, họ cho rằng, Đức Chúa Jesus có mẹ đồng trinh, nhưng không có cha, thì sao theo dòng dõi Đa-vít được? Và Đức Chúa Jesus không có tư cách là Đấng Cứu Rỗi, nên họ vẫn cứ chờ đợi Đấng Mê-si-a xuất hiện. 

Như bài học đầu tiên chúng ta học về thần tính của Đức Chúa Jesus Christ. Đọc lại trong sách Tin Lành Giăng chương  1 chúng ta sẽ thấy rằng, Thánh Kinh khẳng định Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể làm người mang tên Jesus.

Và ngày hôm nay khi Đức Chúa Jesus chịu lễ báp-têm thì một lần nữa Thánh Kinh ghi lại cho chúng ta biết: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Cảm tạ Chúa những chi tiết này Thánh Kinh ghi lại cho chúng ta có thêm sự hiểu biết chắc chắn và có thể nhận ra đâu là tà giáo, giảng dạy sai nghịch với Thánh Kinh. 

“Trong Ngài Ta thỏa lòng! Thỏa lòng là sự mình chúng ta thấy vui, thích về một người nào đó hay vật việc gì đó. Không có chỗ chê trách hay là điểm nào xấu cần phải phê bình. 

Một đứa con ngoan, chăm chỉ học hành, vâng lời ba mẹ, không se sua, ăn chơi với những bạn bè xấu, đứa con đó làm thỏa lòng ba mẹ mình. 

Một người cha, mẹ yêu thương con cái, sống nếp sống làm gương, chăm chỉ làm lụng, không rượu chè, cờ bạc, người cha mẹ đó làm thỏa lòng con cái mình. 

Đức Chúa Jesus đã sống một nếp sống không có điểm chê trách, sự vâng phục, khiêm nhu, sự trung tín, hết lòng lo làm phận sự mà Đức Cha giao phó. Và có thể còn nhiều nữa mà Thánh Kinh không có ghi lại cho chúng ta. Một Đức Chúa Trời Thánh Khiết, Công Chính, Yêu Thương mà thỏa lòng về một người thì người đó thật là không tì không vết, không chỗ trách được. 

Qua ba ý mà chúng ta vừa cùng nhau học qua trong chủ đề Đức Chúa Jesus chịu báp têm này chúng ta rút ra được bài học sự dạy dỗ cho chúng ta đó chính là: 

  • Tấm gương về Đức Chúa Jesus luôn vâng phục, khiêm nhu. Ngài làm theo đúng những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, Nếp sống của Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời làm chứng tốt cho Ngài. Làm chứng tốt là sự mà được một người khác nói tốt về mình, khen mình, khích lệ mình. Họ thấy vui thỏa về mình. 
  • Còn chúng ta ngày nay thì sao? Bản chất của con người đó là sự kiêu ngạo, không vâng phục, làm theo tiêu chuẩn của loài người, nếp sống không được làm chứng tốt. Nhiều điểm xấu cần phải chê trách, thậm chí lên án, xử phạt. Nhưng khi chúng ta tin nhận Chúa, ăn năn tội lỗi của mình, thì chúng ta được tha tội, được cứu khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, chúng ta có thẩm quyền và chúng ta sống trên luật pháp. Chúng ta có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của mỗi con dân của Ngài. Vậy thì chúng ta ngày nay hoàn toàn có năng lực để sống nếp sống như Đức Chúa Jesus đã sống, nên nhớ, khi Chúa Jesus nhập thể làm người thì Ngài hoàn toàn là người như chúng ta, Ngài không dùng thần tính của Ngài. Ngài đắc thắng là vì Ngài chọn không phạm tội, chọn vâng lời và chọn sống thánh khiết, yêu thương. Ngày nay chúng ta vẫn có thể làm được như vậy. Việc của chúng ta là có muốn hay không mà thôi. Lời làm chứng tốt ở đây không phải là được người khác khen mình vì mình xinh đẹp, hay mình hơn người này, hơn người kia, mà là lời chứng về nếp sống, về đức tín, về những hành động, lời nói của chúng ta.

Để lại một bình luận