Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=iTKkIAwCMsE
Luật Lệ Dành Cho Các Thầy Tế Lễ
Nguyễn Thị Thu Thủy
Các em thiếu niên thân mến,
Lời Chúa trong Lê-vi Ký chương 21 hôm nay nói về những luật lệ mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu quy định cho các thầy tế lễ.
Từ câu 1 đến câu 9 là luật lệ quy định đối với các thầy tế lễ:
– Không được lại gần xác chết, vì xác chết là ô uế. Ngoại trừ người chết là bà con thân thích: cha, mẹ, con trai, con gái, anh em, hoặc chị em ruột chưa lấy chồng.
– Không được học theo thói tục của dân ngoại: làm sói đầu, cạo mép râu, đau buồn vì người chết mà cắt thịt mình.
– Không được cưới người kỹ nữ, kẻ dâm ô, hoặc người bị chồng ly dị.
– Phải nên thánh, biệt riêng ra thánh, vì họ là những người dâng các của lễ cho Thiên Chúa.
– Con gái của thầy tế lễ đi dâm ô, làm kỹ nữ, thì phải bị thiêu lửa.
Từ câu 10 đến câu 15 là luật lệ quy định đối với thầy tế lễ cả. Thầy tế lễ cả là người đứng đầu trong các thầy tế lễ:
– Thầy tế lễ cả không được lại gần bất kì một người chết nào. Dù là cha hay là mẹ.
– Không được đi ra khỏi nơi thánh, không được làm cho nơi thánh ra ô uế.
– Phải cưới người nữ đồng trinh làm vợ.
Từ câu 16 đến hết câu 24 là luật lệ quy định cho những người thuộc dòng họ Lê-vi nhưng có tật bệnh trong thân thể:
– Người có tật bệnh không được làm công việc của thầy tế lễ, không được đến gần bàn thờ, không được dâng tế lễ cho Thiên Chúa.
– Nhưng được hưởng sự ban cho từ Chúa như các thầy tế lễ khác: đó là được ăn các thức ăn, các lễ vật.
Đọc Lê-vi Ký chương 21, chúng ta thấy rằng dường như đối với các thầy tế lễ thì có những quy định nghiêm hơn. Bởi vì như có chép trong câu gốc:
“Người là bậc đứng đầu trong dân sự mình, chớ tự làm ô uế mà tự ô nhiễm mình.” (Lê-vi Ký 21:4).
Thầy tế lễ được kể là bậc đứng đầu trong dân sự là vì họ được Chúa biệt riêng ra cho sự thờ phượng và hầu việc Chúa. Họ được Chúa đặt để vào chức vụ thầy tế lễ, người đại diện cho dân sự dâng các của lễ để thờ phượng Thiên Chúa, đại diện cho dân sự dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa.
Thiên Chúa là thánh, nên những người biệt riêng ra để hầu việc Chúa, cũng phải nên thánh. Vì vậy, các thầy tế lễ phải ý thức được tầm quan trọng của chức vụ mà Chúa đã giao phó. Phải giữ gìn chính mình cách cẩn thận, không được tự làm cho mình ra ô uế, không được để sự ô uế lây nhiễm đến mình.
Không được tự làm mình ra ô uế, nghĩa là không chủ động lại gần những sự bị cho là ô uế. Như việc các thầy tế lễ không được chủ động lại gần xác chết nếu người đó không phải là họ hàng thân thiết của mình. Riêng đối với thầy tế lễ thượng phẩm thì không được đến gần bất kỳ người chết nào, dù đó là cha hay mẹ của mình.
Không được để sự ô uế lây nhiễm đến mình, nghĩa là phải chủ động tránh khỏi những sự ô uế, không chấp nhận sự ô uế nào dính dáng đến mình. Như việc các thầy tế lễ không được cưới kỹ nữ, kẻ dâm ô làm vợ, mà phải cưới một người nữ đồng trinh trong vòng dân I-sơ-ra-ên.
Các em thiếu niên thương mến,
Trong thời kì Tân Ước hiện nay, mỗi người khi thật lòng tin nhận Chúa thì chính là thầy tế lễ của Chúa, được biệt riêng ra thánh, thuộc về Ngài.
“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài,…” (I Phi-e-rơ 2:9).
Vậy chúng ta áp dụng bài học trong Lê-vi Ký chương 21 này vào đời sống thực tế như thế nào?
Thứ nhất, trong địa vị một thầy tế lễ chúng ta tránh việc lại gần, đụng chạm xác chết, vì xác chết là ô uế. Trừ khi người chết là họ hàng thân thiết. Đối với người chết là họ hàng thân thiết chúng ta có thể giúp tắm rửa, tẩm liệm xác chết, cũng như chôn cất,…gọi chung là lo hậu sự cho người đã chết. Nhưng với người chết không phải là họ hàng thân thiết thì chúng ta không nên đụng đến xác chết. Nếu có người nào Chúa muốn biệt riêng họ cho Chúa, không cho phép họ động chạm đến bất kì xác chết nào thì họ không được động chạm dù là họ hàng thân thiết. Trường hợp của người đó, chúng ta hiểu rằng giống như trường hợp của thầy tế lễ thượng phẩm. Chúa muốn biệt riêng họ ra cho việc phụng sự Ngài, không muốn họ đụng chạm đến bất kỳ sự ô uế nào.
Thứ hai, trong địa vị một thầy tế lễ, chúng ta không được bắt chước những thói tục của dân ngoại như: làm sói trên đầu, cạo mép râu, hay bày tỏ sự đau đớn khi người thân qua đời bằng cách cắt thịt mình. Ngày nay, có một số thói tục của dân ngoại như nói những lời “hot trend” trên mạng, mặc áo ủng hộ đồng tính luyến ái, tập tành hút thuốc lá điện tử,… Là con dân Chúa chúng ta không bắt chước, không học theo những thói tục đó của dân ngoại.
“Nhưng phải tránh những kẻ không tin kính {nói} những lời hư không; vì chúng chỉ càng thêm lên sự không tin kính.” (II Ti-mô-thê 2:16).
“Hãy tránh mọi hình thức của sự ác!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22).
Thứ ba, trong địa vị là thầy tế lễ, chúng ta không được kết hôn với người ngoại, là người không tin kính Chúa, vì như vậy là nghịch lại với Lời Chúa dạy:
“{Các anh chị em} chớ trở nên mang ách chung {với} những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch {có} sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối {có} sự thông công gì?” (II Cô-rinh-tô 6:14).
Ở độ tuổi của các em, chúng ta cũng không nên có tình cảm yêu thích nam nữ với người ngoại. Nếu lỡ có chúng ta cần xin Chúa tha thứ, cất điều đó khỏi chúng ta, nhân danh Chúa truyền cho cảm xúc xác thịt ra khỏi tư tưởng của chúng ta ngay mỗi khi nó đến.
Thứ tư, trong địa vị thầy tế lễ, nếu con cái trong gia đình ngỗ nghịch, trở lòng không còn tin kính Chúa thì phải dứt thông công. Lời Chúa dạy đối với các giám mục, trưởng lão, cũng là lời dạy với các con dân Chúa khác như sau:
“Người nào cũng phải không chỗ trách được; chồng của một vợ; có con cái trung tín, không bị cáo là phóng đãng hoặc ngỗ nghịch.” (Tít 1:6).
Ở độ tuổi các em thì chưa có con cái. Nhưng nếu trong gia đình, cha mẹ dứt thông công với đứa con nào vì phạm tội không ăn năn, thì chúng ta cũng cần dứt thông công với người đó, dù là anh chị em ruột của mình.
Thứ năm, trong địa vị thầy tế lễ, chúng ta giữ mình thánh khiết, không tì vết để luôn trong sự thờ phượng Chúa, hầu việc Ngài.
“Mỗi người trong các anh chị em phải biết giữ thân mình trong sự thánh sạch và sự tôn trọng; không ở trong sự ham muốn điều ham muốn bất chính như những dân ngoại không biết Đức Chúa Trời.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:4-5).
Trong địa vị là một thầy tế lễ của Thiên Chúa, chúng ta luôn hết sức mình, cậy ơn Chúa để gìn giữ chính mình khỏi những sự ô uế cả về thuộc thể lẫn thuộc linh. Người có nếp sống thánh khiết, cẩn thận canh giữ thuộc linh tránh khỏi mọi sự ô uế, tội lỗi, thì người đó cũng có một nếp sống thuộc thể gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Chúng ta ghi nhớ rằng, phải giữ gìn chính mình khỏi mọi sự ô uế là cả về hai phương diện thuộc thể và thuộc linh. Người dễ dàng để cho thuộc thể bề bộn, không sạch sẽ, không ngăn nắp cũng dễ dàng để cho thuộc linh bị ô nhiễm bởi tội lỗi.
Ví dụ, trong thời buổi dịch bệnh Covid hiện nay, bạn A đi ra ngoài về nhà không rửa tay, rửa mặt bằng xà phòng. Nhưng thản nhiên vào nhà ăn uống, sinh hoạt bình thường. Dầu cho đã nhận được sự cảnh báo, nhắc nhở thường xuyên từ chính quyền địa phương, bộ y tế, các anh chị em trong Hội Thánh. Như vậy, bạn A không có sự cẩn thận và cảnh giác trước dịch bệnh. Một người không chú ý, cảnh giác những sự thuộc thể nhìn rõ trước mắt, thì khó mà cảnh giác, tỉnh thức trước những âm mưu, bẫy rập của ma quỷ được.
Nguyện rằng qua bài học ngày hôm nay, ai nấy trong chúng ta xem như có cơ hội tra xét lại đời sống của mình, một thầy tế lễ của Thiên Chúa phải như thế nào về cả thuộc thể lẫn thuộc linh. Nguyện rằng Chúa ban ơn, thêm sức cho chúng ta để thuộc linh được thánh khiết trước mặt Chúa, thuộc thể được tốt đẹp chiếu ra sự vinh quang của Chúa. Nguyện rằng ai nấy trong chúng ta ý thức được địa vị cao trọng, chức vụ thầy tế lễ mà Chúa ban cho để hết lòng phụng sự Thiên Chúa kính yêu! Amen!