Chủ đề: Các Bài Giảng Trên Núi (Phần 02)
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến,
Tuần này chúng ta tiếp tục về các bài giảng trên núi.
Tuần trước chúng ta đã học về các phước lành, tuần này chúng ta học về muối và sự sáng, luật pháp và các lời tiên tri.
Bài giảng này được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5: 13-48.
Bài giảng có những điều Đức Chúa Jesus phán dạy như sau:
- Muối và sự sáng.
- Đức Chúa Jesus làm trọn luật pháp và không được thêm bớt về các điều răn.
- Chớ giết người.
- Chớ phạm tội tà dâm.
- Chớ ngoại tình .
- Chớ thề dối.
- Không chống cự kẻ giữ.
- Yêu kẻ thù mình ( Lu-ca 6: 27-30).
- Hãy nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời là trọn vẹn.
Trong phân đoạn này từ câu 13 đến câu 16 là lời giảng dạy riêng cho những ai tin nhận Chúa, các lời còn lại thì cho cả đám đông.
- Muối:
Theo như sự giảng dạy của người chăn, muối là một nguyên liệu không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Muối có tính mặn công dụng của muối thì rất nhiều đối với đời sống con người. Điều Chúa Jesus muốn nói các ngươi là muối của đất là nói một người tin Chúa cũng mang lấy đặc tính rất quan trọng đó là tình yêu của Chúa và có Lời Chúa. Nếu chúng ta là muối của đất thì chất mặn của chúng ta đó là kết quả của Lời Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, là tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta. Tình yêu là động lực để chúng ta sống nếp sống đẹp lòng Chúa, có tình yêu của Chúa chúng ta mới có thể mang tình yêu đến cho người xung quanh. Con dân Chúa là muối của thế gian là làm cho thế gian mặn mà tình yêu của Thiên Chúa qua chúng ta.
I Cô-rinh-tô 13:1-3:
1 Dù tôi nói các thứ tiếng của loài người và của các thiên sứ, nhưng không có tình yêu thì tôi chỉ là đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng.
2 Dù tôi có sự nói tiên tri, biết hết mọi sự mầu nhiệm và mọi sự trí thức, dù tôi có hết thảy đức tin để tôi có thể dời các núi, nhưng không có tình yêu thì tôi chẳng ra gì.
3 Dù tôi nuôi ăn những người nghèo với hết thảy gia tài của tôi, dù tôi trao thân thể của mình để chịu đốt, nhưng không có tình yêu thì tôi chẳng được ích lợi gì.
Vậy nếu chẳng được ích lợi gì thì chỉ có quăng ra ngoài mà thôi, và Thiên Chúa cũng không sử dụng người đó được nữa. Dù cho chúng ta có giỏi Lời Chúa bao nhiêu đi chăng nữa cũng không có ích lợi gì cả. Không có gì để có thể lấy lại được tình yêu nơi Đức Chúa Trời. Có tình yêu của Chúa thì chúng ta đem lại những đạo đức, những ích lợi cho thế gian.
Ngày hôm nay điều này vẫn đã và đang có đối với những người xưng nhận mình là con dân Chúa. Họ hiểu biết Lời Chúa, trí thức và kiến thức dồi giàu, nhưng họ không có tình yêu của Đức Chúa Trời. Tình yêu của Đức Chúa Trời luôn song song với nhau hai phương diện đó là yêu thương, tha thứ, nhẫn nại, thương xót và răn đe, quở trách, sửa phạt, nghiêm khắc. Thánh Kinh cho chúng ta biết điều đó. Những kẻ Ngài yêu thì Ngài mới sửa phạt. (Hê-bơ-rơ 12:6).
Áp dụng cho điều này là chúng ta yêu mến những người lân cận mình, sẵn lòng giúp đỡ, cứu giúp cho họ trong khả năng của mình. Khi người khác phạm lỗi với chúng ta thì chúng ta nói cho họ biết sự sai trái đó, về phần chúng ta thì chậm giận, tha thứ cho họ. Đối với anh chị em trong Chúa thì chúng ta yêu hơn cả chính bản thân của mình. Không so đo tính toán thiệt hơn, không ganh tị, nhưng luôn chan hòa, bao dung và tha thứ. Đặt lợi ích của anh chị em lên trên lợi ích của mình.
- Sự sáng:
Sự sáng thì chúng ta ai cũng đã hiểu được nghĩa đen của nó. Về sự sáng mà Chúa Jesus muốn nói ở đây là sự chúng ta chiếu sáng cho thế gian. Chiếu sáng những gì? Khi chúng ta là con dân Chúa, chúng ta có tình yêu của Chúa trong chúng ta, chúng ta có được sự cứu rỗi thì chúng ta chiếu rọi ra cho thế gian, giúp cho thế gian nhận biết con đường hư mất và con đường cứu rỗi qua sự rao giảng Tin Lành. Sự chiếu sáng của chúng ta giúp cho thế gian nhận biết được tình yêu, ân điển của Đức Chúa Trời. Thế gian mờ tối bởi tội lỗi làm cho u mê, người không biết Chúa bước đi trong bóng tối và trong nẽo của sự chết. Vậy chúng ta là sự sáng chiếu rọi trên họ, giúp họ tìm đến ơn cứu rỗi. Vì thế không dám rao giảng Tin Lành, không dám xưng nhận mình là con dân Chúa, không nói về Chúa cho người lân cận khi có dịp thì như cái đèn để dưới chân thùng là như vậy. Và khi một cái thành ở trên núi thì không bị khuất bởi vật gì vì ở trên cao thì ai ai cũng nhìn thấy được nó, nhìn thấy được sự vinh quang của nó.
Áp dụng cho chúng ta ngày nay đời sống chúng ta là một sự chiếu sáng. Tiếp theo là sự mạnh mẽ nói về Chúa cho người lân cận, trong nơi làm việc, trong lớp học, trong nhà trường. Đời sống của chúng ta phải khác biệt họ thì mới có thể chiếu rọi cho họ. Từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, hành động, cách ăn mặc, cách giao tiếp, cách đối xử tất cả là sự chiếu sáng. Con dân Chúa mà ăn mặc lố lăng, hở hang, lôm thuộm thì chiếu sáng cho ai, con dân Chúa nói bậy, chửi tục thì chiếu sáng cho ai, con dân Chúa thiếu lễ phép, bất kính thì chiếu rọi cho ai. Thế nên sự chiếu sáng này không phân biệt ở độ tuổi nào hay giới hạn những ai. Nếu ai xưng nhận mình là con dân Chúa, có đức tin nơi Chúa thì phải ghi nhớ lời dạy này. Đặc biệt là ở tuổi thiếu niên. Vì sao độ tuổi của các con là một bước ngoặc mới và quan trọng, độ tuổi mà các con đã tự mình quyết định làm ra một việc gì, và việc làm đó sẽ ảnh hưởng luôn tới khi các con trưởng thành, nếu ở tuổi này các con là một sự sáng thì chắc chắn trong tuổi trưởng thành các con là những cái thành vững chắc ở trên núi cao. Làm thế nào để người khác nhìn vào tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải chê cười danh Chúa.
- Đức Chúa Jesus làm trọn luật pháp và không được thêm bớt vào các điều răn.
Ngày nay có nhiều giáo phái dạy rằng không cần vâng giữ điều răn vì chúng ta đang sống trong thời kỳ ân điển. Chúa đến là đã chết thay tội cho chúng ta rồi. Chúng ta không ở dưới quyền của luật pháp. Chúng ta không ở dưới quyền của luật pháp là bởi vì chúng ta phạm tội thì Đức Chúa Jesus đã gánh thay hình phạt đó cho chúng ta. Nhưng không có nghĩa là vì Chúa Jesus chết thay cho chúng ta rồi thì chúng ta cứ tiếp tục phạm tội, sống như thế nào thì sống. Và có những giáo phái giáo hội vâng giữ hết nhưng điều răn Thứ Tư thì không vâng giữ, hoặc là tự ý đổi ngày khác. Đây là những hình thức thêm bớt vào điều răn của Thiên Chúa. Ngôi Lời nhập thể làm người để làm trọn luật pháp, có nghĩa là sẽ thi hành án phạt trên những ai vẫn tiếp tục làm ra tội, sống trong tội. Còn những ai vâng giữ luật pháp thì có được năng lực để vâng giữ. Trước khi Ngôi Lời xuống thế gian thì chưa có Đức Thánh Linh, nhưng khi Đức Chúa Jesus sống lại, Ngài thăng thiên thì Đức Thánh Linh được ban cho những ai tin nhận sự cứu rỗi, nhờ đó nhận được thánh linh là năng lực để họ có thể vâng giữ được luật pháp và họ sống trên luật pháp, mọi tội lỗi đã được tha, nhưng nếu họ tiếp tục phạm tội thì vẫn bị luật pháp phán xét.
“Nhưng nếu các anh chị em tư vị người ta, thì các anh chị em phạm tội, bị luật pháp định tội như những kẻ phạm luật.” (Gia-cơ 2:9).
“Còn ai kết quả tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” (I Giăng 3:4).
- Chớ giết người
Giết người là hành động lấy đi mạng sống của người khác, giết người luôn xuất phát từ sự hơn thua, ganh ghét, cướp giật hay trả thù. Không ai có quyền lấy đi một mạng sống vì đó là một linh hồn được Thiên Chúa tạo dựng nên. Ai giết người là con cái của Ma Qủy. Trừ khi được Thiên Chúa ban cho thẩm quyền, như là thi hành xử tử kẻ ác, khi ra chiến trường. Tuy nhiên Thánh Kinh còn cho chúng ta biết, ghét anh em mình cũng đồng là một tội giết người.
“Các ngươi là ra từ cha Ma Quỷ của các ngươi. Các ngươi sẽ làm theo sự tham muốn của cha các ngươi. Nó đã là kẻ giết người từ lúc ban đầu; chẳng đứng vững trong lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó. Khi nó nói dối, nó nói bởi chính nó, vì nó là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối.” (Giăng 8:44).
“Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người. Các con biết rằng chẳng một kẻ nào giết người mà có sự sống vĩnh cửu ở trong mình.” (I Giăng 3:15).
Vậy nên Chúa không nhận của lễ của một người khi họ còn đang có sự bất hòa với anh em của mình. Khi họ còn ở trong sự đó chưa được giải quyết thì họ đang là con cái của Ma Qủy, nên không thể nào dâng của lễ cho Chúa.
- Chớ phạm tội tà dâm
Tội tà dâm là bao gồm các hình thức sau đây:
Thủ dâm, xem những hình ảnh, báo chí hở hang, khiêu gợi, xem phim, đọc truyện đồi trụy, khiêu dâm, Quan hệ tính dục với người khác phái khi chưa phải là vợ là chồng. Tà dâm còn là hình thức đồng tính luyến ái và tất cả những hình thức nào tạo nên những ham muốn, khoái cảm của tình dục. Tội tà dâm không giới hạn ở độ tuổi nào, trẻ hay già. Tuổi thiếu niên là độ tuổi rất dễ bị phạm tội này, vì trong độ tuổi này là tuổi dậy thì, tuổi mới lớn, sẽ có sự thay đổi các hooc môn trong cơ thể, có sự tò mò về người khác phái, và những khoái cảm tình dục. Thế nên tuổi thiếu niên phải thật hết sức giữ mình, cậy ơn Chúa và dùng năng lực của Chúa, dùng thẩm quyền của Chúa để chống trả mỗi khi cám dỗ đến, phải biết tự giác tránh xa môi trường cám dỗ. Tội tà dâm là tội nằm trong điều răn của Đức Thánh Linh được chép trong:
“Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và chớ tà dâm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:25).
- Chớ ngoại tình
Ngoại tình là sự quan hệ tính dục với người không phải là chồng hay là vợ của mình, tội ngoại tình này là đối với những người đã kết hôn, đã có gia đình, nhưng vẫn quan hệ bất chính với người khác. Sự ngoại tình này không phải chỉ là hành động đi ra ngoài quan hệ tính dục mà ngay cả trong tư tưởng, nhìn ngó, nghĩ tới cũng vi phạm, gọi là phạm tội trong tư tưởng. Thánh Kinh Chúa dạy bất cứ ai ngó đàn bà mà động lòng tham muốn thì đã là phạm tội ngoại tình rồi. (Ma-thi-ơ 5:28). Hành động Chúa dạy hãy móc mắt chặt tay để không bị phạm tội đó chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và vẫn có thể áp dụng theo nghĩa đen là thật sự móc mắt, chặt tay mình đi để được cứu linh hồn.
Câu hỏi đặt ra, phạm tội là xuất phát từ trong tư tưởng rồi mới dẫn đến hành động, vậy việc móc mắt, chặt tay đó có ích lợi gì đâu.
Câu trả lời là, đúng là phạm tội xuất phát từ trong tư tưởng. Nhưng khi người đó nhìn thấy, sờ chạm thì mới nảy sinh ra tư tưởng, con mắt hay nhìn ngó đàn bà, hay xem hình ảnh khiêu dâm khi móc đi rồi thì không còn nhìn thấy nữa thì tư tưởng không bị cám dỗ. Cái tay hay ăn cắp, hay sờ chạm tìm cảm giác nay chặt nó đi thì không còn tay để lấy nữa. Giả sử như một người họ thật làm như vậy, móc mắt và chặt tay mình thì cô thiết nghĩ người đó đã thật quyết tâm tránh xa tội, ghét tội thì mới có thể làm được như vậy, và khi đã mù, đã què thì sao còn dám tơ tưởng đến phạm tội nữa. Thánh Kinh ghi lại tấm gương quyết tâm không phạm tội ngoại tình của ông Gióp như sau: Ông nói:
“Tôi đã lập giao ước với mắt của tôi. Sao tôi có thể tư tưởng đến một người nữ đồng trinh?” (Gióp 31:1).
- Chớ thề dối
Một người mà hay có cái tính thề thốt thì thường là người đó không có đáng tin. Họ tìm cách chứng minh là điều mình đang làm là đúng, hoặc là mình sẽ làm, nhưng rốt cuộc thì họ không làm được như lời mình đã thề. Mà đã là thề dối nữa thì không còn gì để tin tưởng nữa. Bài làm của Mỹ Đức phân tích về sự thề dối rất là hay. Cô trích đọc:
“Ngày nay có thể không hiếm khi ta bắt gặp những người mở miệng ra là thề, thề có Chúa,… chỉ để muốn khẳng định việc mình đang nói, trong khi nội dung cuộc nói chuyện là một loại chuyện rất bình thường. Ngoài ra, cũng có rất nhiều người xem thường lời thề và biến nó thành thề dối. Có kẻ thề với vợ mình không ngoại tình, trong khi sau lưng thì vụng trộm. Có kẻ chỉ thề vì muốn khẳng định điều mình nói, nhưng một ngày nào đó lại dùng chính lời thề để nói dối, bao biện.
Không nên chỉ bất cứ điều gì khi thề, đặc biệt khi ấy là những điều liên quan đến Chúa, vì điều ấy thể hiện thái độ xem thường và thử thách Chúa. Bởi lẽ một kẻ bất toàn, hèn mọn dù có chỉ trời mà thề thì nếu lời thề bị bác bỏ, kẻ đó cũng không thể thay đổi được cái gì của bầu trời. Lấy Chúa ra thề không khác nào thử Chúa, xem Ngài như món đồ vật đem ra cá cược. Những người suốt ngày miệng chỉ thề thường không có được lòng tin của người khác. Người ta thường xem trọng kẻ nói ít làm nhiều hơn là kẻ nói nhiều làm ít. Khi ta thề với ai mà là thề dối hoặc không thực hiện đúng lời thề, ta đã làm ra lỗi với họ và có tội với Chúa. Và quả thật, hầu như những người như thế chỉ được cái hình thức hào nhoáng, cầu kì mà bên trong lại gian dối và ác độc.
Chúa muốn con dân Ngài khi khẳng định, phủ định điều gì chỉ cần nói phải hoặc không. Như thế là đã đủ. Đôi khi nói quá nhiều chữ, làm quá nhiều việc dư thừa cũng không tốt. Tuổi thiếu niên chúng ta ngày nay cũng cần tránh lối nói thề thốt của thế gian và chỉ để môi miệng mình nói ra những lời hay ý đẹp đúng ý Chúa.” Cảm tạ ơn Chúa đã soi dẫn cho Mỹ Đức sự hiểu biết Lời Chúa và ban ơn cho con trong khi suy ngẫm Lời Chúa.” [hết tích].
- Không chống cự kẻ giữ.
- Yêu kẻ thù mình ( Lu-ca 6: 27-30)
Không chống cự kẻ giữ là chúng ta không chống cự lại một sức mạnh hay thế lực nào đó tấn công chúng ta mà chúng ta không có khả năng để chống cự lại họ. Vì nếu có chống cự thì chúng ta chỉ thêm bị thiệt hại mà thôi. Trong câu chuyện một môn đồ rút gươm ra chém đứt một tai của người lính thì bị Chúa can ngăn. Thật ra với cả một đoàn quân lính đến để bắt Chúa Jesus thì một mình người môn đồ đó làm sao chống cự lại tất cả. Ví dụ như ngày nay đi trên đường bị cướp xe có vũ khí, trong khi mình thì không có sức mạnh để trống trả thì không nên chống cự, nhưng nếu chúng ta có khả năng tự vệ chính mình thì chúng ta chống lại. Nếu một tên trộm vào nhà mà chúng ta hoàn toàn có sức và có vũ khí để chống trả thì chúng ta phải chống trả để bảo vệ mạng sống và gia đình, nhưng nếu mình yếu sức hơn thì trong trường hợp này áp dụng Lời Chúa là không chống cự lại kẻ dữ.
- Yêu kẻ thù mình ( Lu-ca 6: 27-30)
Là một điều hết sức là khó khăn, và nếu xét theo tiêu chuẩn thế gian thì thật là phi lý. Kẻ thù làm hại mình, xúc phạm mình, tổn thương mình thì nhìn thôi là đã đủ ghét đủ hận rồi thì làm sao mà yêu cho được. Nhưng Chúa dạy mình phải yêu họ, để làm được điều này thì chúng ta phải thật sự được tái sinh, được trở nên người mới giống Chúa thì mới có thể làm được, vì lúc đó chúng ta mới có thể mang lấy bản tính yêu thương của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong chúng ta thì chúng ta mới có thể tuông đổ ra với người khác, đặc biệt là kẻ thù. Nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta mới thật là muối của đất và ánh sáng của thế gian, vì chúng ta khác họ, họ thì yêu người yêu mình, nhưng là con dân của Chúa thì yêu luôn kẻ thù của mình.
Khi đối diện với người làm hại mình, tổn thương mình chúng ta làm các bước sau:
1/Tha thứ cho họ
2/ Cầu thay cho họ
3/ Cầu nguyện xin Chúa cất đi những sự buồn giận trong chúng ta, nhân danh Chúa xua đuổi cảm giác giận ghét ra khỏi chúng ta. Cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta có thể yêu họ như Lời Chúa dạy.
Chắc chắn sau khi thực hiện ba bước này rồi thì chúng ta sẽ yêu được họ, lúc đó chúng ta thấy họ thật đáng thương hơn là đáng giận.
- Hãy nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời là trọn vẹn.
Đây chính là bài học đúc kết cho những gì mà chúng ta vừa cùng nhau học trên đây.
Trọn vẹn là sự hoàn toàn đạt được một điều gì đó cách đầy đủ về mọi mặt, không một chút thiếu sót, trở nên hoàn toàn tốt đẹp, hoàn hảo. Không chê trách được.
Đức Chúa Trời của chúng ta là như vậy.
Sự trọn vẹn Chúa muốn ở chúng ta là trọn vẹn từ tâm thần, linh hồn cho đến thể xác. Từ tư tưởng, lời nói, cử chỉ, hành động mọi sự đều phải nên trọn vẹn, không tì vết, không chê trách được. Những điều mà chúng ta vừa học qua trên đây, các điều răn Chúa dạy Chúa muốn chúng ta làm theo từ trong suy nghĩ cho tới hành động. Thật khó để trở nên trọn vẹn khi chúng ta còn sống giữa thế gian tội lỗi, chúng ta còn những thiếu sót, bất toàn trong bản ngã của chúng ta, nhưng cô tin. Miễn lòng chúng ta không muốn phạm tội, ghét tội, tránh xa tội, không tư tưởng tội và xoay khỏi mọi điều ác, chúng ta quyết tâm từ bỏ tội thật lòng ăn năn tội thì Chúa tha thứ cho chúng ta, khi ấy chúng ta được trọn vẹn, và cho đến ngày Đức Chúa Jesus trở lại đón chúng ta đi, ngày đó chính Chúa sẽ thánh hóa chúng ta được hoàn toàn trở nên trọn vẹn không tì vết.
“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).
Để được trở nên trọn vẹn thì chúng ta cần làm theo lời dạy trong Giô-suê 1:8. Dâng thân thể mình lên Chúa và tránh xa môi trường cám dỗ, dùng danh Chúa để xua đuổi, chống trả sự cám dỗ.