Hỏi:
“Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16).
Câu hỏi: Những việc lành mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm (theo câu Thánh Kinh trên) là gì?
Trả lời:
Giăng 3:19-21
19 Đây là sự định tội: Sự sáng đã vào trong thế gian và người ta đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì những việc làm của họ là xấu.
20 Vì ai làm ác {thì} ghét sự sáng, cũng không đến với sự sáng, kẻo những việc làm của kẻ ấy bị quở trách.
21 Nhưng ai làm {theo} lẽ thật {thì} đến với sự sáng để những việc làm của người ấy được bày tỏ ra, là chúng đã được làm ra trong Thiên Chúa.
Chúng ta thấy sự sáng của con dân Chúa soi trước mặt những người trong thế gian là bởi con dân Chúa làm những công việc theo lẽ thật. Những việc lành của con dân Chúa làm ra trước nhất là sự vâng giữ các điều răn. Chỉ khi vâng giữ các điều răn thì người đó mới sống đẹp lòng Chúa, khi ấy chính nếp sống đó là những việc lành chiếu ra cho những người trong thế gian thấy. Họ sẽ thấy sự khác biệt giữa những người thật lòng tin Chúa và những người không có Chúa khác nhau.
Các câu Thánh Kinh trong Ma-thi-ơ 5:17-48 liệt kê rất rõ các việc lành mà Chúa muốn chúng ta làm.
Hỏi:
“Hãy vui vẻ và mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm! Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:12).
Câu hỏi: Phần thưởng mà Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta dựa theo điều kiện gì, khi Ngài còn đặt để chúng ta trên thế gian này?
Trả lời:
Điều kiện để một người nhận được phần thưởng ở trên trời của Thiên Chúa, đó là:
Có đức tin vào Thiên Chúa (Rô-ma 5:1).
Hết lòng yêu kính Chúa (Ma-thi-ơ 22:37), và vâng giữ các điều răn của Ngài (I Giăng 5:3).
Trung tín cho đến cuối cùng. (Khải Huyền 2:10).
Hỏi:
Câu hỏi 1: Vì sao có vài điều luật của Chúa ở thời Cựu Ước lại khác với ở thời Tân Ước vậy ạ? Chẳng hạn như ở thời Cựu Ước là mắt đền mắt, răng đền răng thì ở thời Tân Ước, Chúa dạy rằng chúng ta đừng chống cự kẻ dữ; hay ở thời Cựu Ước, Chúa phán rằng hãy yêu người lân cận, ghét kẻ thù nghịch mình, nhưng ở thời Tân Ước Chúa dạy chúng ta rằng hãy yêu luôn kẻ thù của mình ạ?
Trả lời:
Ý thứ nhất:
Trong thời Cựu Ước, những hình phạt trong luật pháp như mắt đền mắt, răng đền răng là hình phạt dành cho những người đã gây nên thương tích cho người lân cận mình. Ví như ngày nay luật pháp của quốc gia có hình phạt cho những người gây ra các cuộc ẩu đả, đánh nhau.
Trong thời Tân Ước, Chúa dạy rằng đừng chống cự kẻ dữ là khi những người nghịch cùng chúng ta mạnh hơn chúng ta, lại có vũ khí dễ gây sát thương, tổn hại cho thân thể mình thì chúng ta không nên chống cự. Vì nếu chống cự thì chúng ta sẽ bị thiệt hại. Hãy để cho luật pháp của quốc gia có hình phạt thích đáng dành cho họ.
Điều đó có nghĩa là chúng ta không tự ý thi hành luật pháp khi chúng ta không có quyền hạn. Quyền hình phạt những người làm sai thuộc về các bậc cầm quyền. Và chúng ta cũng không có ý định hay hành động trả thù người gây ra lỗi với mình.
Ý thứ hai:
Trong thời Cựu Ước Chúa không phán rằng yêu người lân cận, ghét kẻ thù nghịch. Mà Chúa dạy rằng:
“Nếu như ngươi gặp bò hay lừa của kẻ thù nghịch mình đi lạc thì buộc phải đem về cho họ. Nếu ngươi thấy lừa của kẻ ghét mình bị chở nặng phải quỵ, chớ hãy bỏ ngơ, phải cứu nó cho được nhẹ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:4-5).
Ma-thi-ơ 5:43.
“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận ngươi và hãy ghét kẻ thù nghịch ngươi.”
Chúa nói rằng các người có nghe lời phán rằng, không phải là Chúa phán. Đó giống như lời truyền nhau, một lời bình thường hiển nhiên đối với người không có Chúa thì họ sẽ ghét kẻ thù.
Hỏi:
Giả sử như nếu khi bị người khác hay chính quyền trong tương lai ức hiếp, đánh đập vì sự bảo vệ Danh Chúa của chúng ta. Thì chúng ta có được chống trả lại họ không hay chúng ta nhịn nhục chịu đựng sự bắt bớ ạ, phải chăng thậm chí nếu phải hy sinh cả mạng sống của mình ạ?
Trả lời:
Nếu chính quyền có sự ức hiếp, đánh đập thì chúng ta không chống trả. Mà áp dụng lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 10:23b
“Khi nào người ta bách hại các ngươi trong thành này, thì hãy trốn qua thành kia”
Nếu Chúa cho phép chính quyền bách hại chúng ta khiến chúng ta phải chết, thì đó là sự cho phép của Chúa, để qua đó mang chúng ta về với Ngài. Đó là sự chịu khổ, chịu chết vì danh Chúa.
Hỏi:
Bạn A bị một người bạn cùng lớp gọi là B ghét mà không biết lí do là gì, nhưng vì B thể hiện quá rõ rệt nên A cảm nhận được ác cảm đó. A nhận thấy B hay cố tình kiếm chuyện với mình. A lại bắt đầu sợ khi bị ghép vào hoạt động gì cùng với B, cũng sợ không dám hỏi B vì sao lại ghét mình. A bắt đầu mặc cảm, ngày nào cũng buồn bã. Biểu hiện và hành động của A là đúng hay sai? A nên làm gì để vượt qua được sự tự ti về bản thân và dạn dĩ yêu thương B như Lời Chúa đã dạy?
Trả lời:
A nên cầu nguyện dâng trình sự việc của B lên Chúa. Sau đó, cứ làm mọi việc, tham gia các hoạt động trong lớp như bình thường..
Áp dụng Lời Chúa dạy “yêu người lân cận như chính mình”, và “làm việc hết lòng”.
Khi mình đúng trước Chúa, Chúa sẽ bênh vực mình và giải quyết nan đề cho mình.
Hỏi:
Tuổi thiếu niên chúng ta rất dễ vấp phạm, nhất là qua lời nói và cám dỗ. Vậy chúng ta nên làm gì để hạn chế nhất sự vấp phạm do hai điều đó để trở nên trọn vẹn như Chúa đã dạy?
Trả lời:
- Rời khỏi môi trường cám dỗ.
- Nhân danh Chúa truyền sự cám dỗ ra khỏi mình.
- Nếu lỡ phạm tội, lập tức ăn năn.
- Mỗi ngày kêu cầu Chúa gìn giữ mình khỏi mọi sự cám dỗ, và giúp mình vượt qua sự thử thách. Dâng thân thể mình lên Chúa để Chúa gìn giữ và bảo vệ.
- Suy ngẫm lời Chúa, để lấy lời Chúa làm vũ khí đáp trả lại sự tấn công của ma quỷ.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy