Hỏi:
Trong Ma-thi-ơ 6:12, Chúa kêu gọi chúng ta phải biết tha thứ cho người khác thì Chúa cũng sẽ tha thứ tội cho chúng ta. Vậy chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa, xin Ngài cũng có thể tha thứ tội của họ không, dù họ đang ở trong tình trạng phạm tội, chưa ăn năn? Liệu Chúa sẽ tha thứ cho họ qua lời cầu xin của chúng ta ạ?
Đáp:
Lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 6:12
“Xin tha cho chúng con các món nợ của chúng con, như chúng con tha cho những kẻ thiếu nợ chúng con.”
Là Chúa muốn dạy chúng ta hãy tha thứ cho người gây lỗi, mắc nợ mình. Chúa muốn chúng ta học sự bao dung, tha thứ của Chúa. Ngài không muốn chúng ta để sự giận trong lòng, vì sự giận làm con người mất khôn và dễ có hành động muốn trả thù. Chúa muốn chúng ta biết rằng mình muốn được như thế nào, thì hãy làm cho người ta như thể ấy. Nếu chúng ta có những lúc lầm lỡ muốn được Chúa tha thứ, thì chúng ta cũng hãy tha cho những người phạm lỗi với mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa, xin Ngài tha thứ tội cho người phạm tội với Chúa, phạm lỗi với mình. Vì Lời Chúa dạy: “cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi và bách hại các ngươi!” (Ma-thi-ơ 5:44).
Khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho họ, chính là xin Chúa cho họ có cơ hội được nghe biết về Chúa, có cơ hội ăn năn tội và tin nhận Chúa, xin Chúa cũng thay đổi lòng họ để nhận ra lỗi mà có hành động sửa sai, khắc phục hậu quả. Có thể bởi ơn thương xót của Chúa và qua lời cầu nguyện của mình, Ngài sẽ ban cho người đó có cơ hội nghe biết về Chúa và ăn năn tội.
Không phải cứ hễ ai phạm tội, mình cầu xin Chúa tha thứ cho họ, là Chúa tha hết tội cho người đó. Như vậy giống như hình thức những người xưng là “cha” trong giáo hội Công Giáo vẫn làm là cầu nguyện và rửa tội cho người khác. Điều đó không đúng Lời Chúa dạy.
Hỏi:
Nếu bạn A thấy một người xung quanh bạn nói những lời xúc phạm đến danh Chúa. Vậy bạn A phải làm sao để ngay tại lúc đó bạn có thể dũng cảm nói lên hành động sai của bạn đó? Và chúng ta nên nói như thế nào ạ?
Đáp:
Nếu người xúc phạm danh Chúa là anh chị em cùng đức tin mà chúng ta biết, thì chúng ta sẽ nói cho người đó biết họ đã phạm tội, và khuyên họ hãy ăn năn. Chỉ cho họ đọc Lê-vi Ký chương 24 về hình phạt dành cho kẻ rủa sả danh Chúa. Bạn A có thể cầu nguyện với Chúa xin Chúa cho mình sự dạn dĩ để nói, cầu thay cho người đó trước khi mình nói.
Nếu người xúc phạm danh Chúa là bạn cùng lớp, bạn của chúng ta, và trong lúc họ đang nói chuyện với chúng ta mà họ buông lời xúc phạm danh Chúa; thì chúng ta chỉ cần nói bạn đã phạm tội phỉ báng danh Chúa, xin Chúa thương xót mà tha thứ cho bạn. Sau đó, chúng ta rời đi chỗ khác.
Nếu người xúc phạm danh Chúa chỉ là người qua đường, chúng ta không quen biết thì chúng ta không cần nói gì với họ. Chúng ta cũng có thể thầm xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của họ.
Hỏi:
Là con dân Chúa, chúng ta có thể tích cóp của cải nơi Thiên Quốc bằng cách nào?
Đáp:
- Đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Lời Chúa còn lại đến đời đời. Giá trị đời đời của Lời Chúa chính là của cải rất quý báu nơi Thiên Quốc.
- Hầu việc Chúa qua các mục vụ: hát tôn vinh, chia sẻ Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa, dâng hiến vào các mục vụ…
- Giúp đỡ anh chị em cùng Cha qua sự: cầu thay, tiếp trợ, khuyên bảo, khích lệ, quở trách…
Tóm lại, mọi sự chúng ta làm đúng như Lời Chúa dạy với tấm lòng kính sợ Chúa, bằng tình yêu thương thì đó chính là tích trữ của cải nơi Thiên Đàng.
Hỏi:
Nếu chúng ta gặp một người già cả, bị ngã trên đường, thì chúng ta sẽ sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng của mình. Nhưng người già cả đó cứ luôn miệng kêu danh thần của thế gian… cảm ơn người giúp đỡ. Tại nơi giữa đường đông đúc như vậy, chúng ta sẽ xử sự thế nào?
Đáp:
Chúng ta cứ hết lòng giúp đỡ người già đang bị ngã đó. Không cần e ngại dù họ đang kêu thần của thế gian. Sau khi giúp đỡ họ, có lẽ họ sẽ cảm ơn mình. Khi đó, chúng ta nhân cơ hội ấy mà nói về Chúa cho người gặp nạn biết.
Hỏi:
A học trong một lớp học mà có vài bạn nam cá biệt. Một bạn nam trong số đó gọi là B, có mang hiềm khích với A trong khi A chưa làm gì sai. Ngày nọ khi biết được A theo Chúa, B đã cố tình nói lời chế nhạo, phạm thượng tới Chúa. A rất bực mình và lao vào gây gổ với B. Hành động của A là đúng hay sai? Vì sao?
Đáp:
Hành động của A là sai. Vì Chúa dạy:
“Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi, chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi, làm điều lành cho những kẻ ghét các ngươi, cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi và bách hại các ngươi!” (Ma-thi-ơ 5:44).
Chúng ta chỉ cần nói rõ một lần cho bạn B là bạn đã phạm tội, xin Chúa thương xót bạn, rồi rời đi. Nếu B tiếp tục thì chúng ta cứ làm thinh, bỏ đi, tránh xa. Nếu B vẫn tiếp tục thì báo cho bố mẹ, Ban Chăm Sóc biết để được giúp đỡ. Nếu bố mẹ tin Chúa thì có thể nhờ bố mẹ báo với thầy cô.
Hỏi:
Vì sao một người nhiều tiền của ở thế gian thì rất dễ vấp phạm Lời Chúa? Có cách nào để khắc phục sự vấp phạm ấy hay không?
Đáp:
Nếu một người nhiều tiền của ở thế gian là người không tin Chúa thì họ phạm tội là điều hiển nhiên. Chỉ có một cách để không phạm tội nữa là thật lòng ăn năn tội và tin nhận Chúa.
Nếu một người nhiều tiền của ở thế gian là người tin Chúa mà lại rất dễ vấp phạm, phạm tội với Chúa thì đó là vì họ không thật lòng kính sợ Chúa. Người đó cần ăn năn xin Chúa tha thứ cho mình và hãy hằng cầu xin Chúa rằng:
“Xin đem xa khỏi tôi sự tàn hại và những lời dối trá. Chớ cho tôi sự nghèo khổ hoặc sự giàu sang, nhưng xé cho tôi phần bánh đủ dùng. Kẻo khi no đủ, tôi từ chối Ngài mà nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ai? Hoặc khi bị nghèo khổ, tôi trộm cắp mà làm ô danh Thiên Chúa của tôi.” (Châm Ngôn 30:8-9).
Thật ra, nếu một người có nhiều tiền của, mà thật lòng kính sợ Chúa thì họ sẽ luôn ý thức rằng mọi thứ mình đang có là của Chúa. Vì Chúa phán “bạc là của Ta, vàng là của Ta” (A-ghê 2:8). Và họ chỉ là một quản gia mà Chúa giao cho những tài sản đó vào trong tay, để làm lợi ra ta-lâng của Chúa, để hầu việc Chúa. Họ sẽ luôn ý thức rằng, nếu họ không cai quản tốt những điều Chúa ban cho thì:
“…ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.” (Lu-ca 12:48b).
Vì vậy, nếu một người có nhiều tiền của mà có lòng kính sợ Chúa thì họ sẽ biết sử dụng của cải mà Chúa ban cho theo sự dạy dỗ của Ngài.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy