Ngụ Ngôn về Đầy Tớ Không Thương Xót
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến.
Tuần này chúng ta cùng nhau tiếp tục học về ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus, ngụ ngôn về đầy tớ không thương xót. Được chép trong Ma-thi-ơ 18: 15-35.
Thật ra nếu chỉ học về ngụ ngôn thì chúng ta chỉ cần học từ Ma-thi-ơ câu 23 đến câu 35. Nhưng nếu chúng ta đọc từ câu 15 thì chúng ta sẽ hiểu hơn về ngụ ngôn vì nằm cùng một văn mạch, và cũng học được thêm những bài học khác.
Trong phân đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 18: 15-35 nói về sự thương xót bên cạnh đó còn có các sự dạy dỗ khác như:
- Cách thức từng bước hành xử khi có sự bất hòa hay có người gây ra lầm lỗi với mình.
- Hội Thánh có thẩm quyền buộc và mở
- Sự quan trọng trong mối quan hệ giữa hai người
- Sự tha thứ được dạy qua ngụ ngôn.
Chúng ta cùng tìm hiểu qua từng ý trong bài học hôm nay
1/ Cách thức từng bước hành xử khi có sự bất hòa hay có người gây ra lầm lỗi với mình.
Ma-thi-ơ 18:15-17:
15 Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, thì hãy đi, nói cho người biết lỗi, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, thì ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình.
16 Nhưng nếu người không nghe ngươi, hãy đem thêm với ngươi một hoặc hai người, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15]
17 Nếu người không chịu nghe họ, thì hãy thông báo cho Hội Thánh. Nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy xem người ấy như người ngoại và kẻ thu thuế.
Lời này Chúa Jesus dạy rất rõ ràng về các bước hành xử như thế nào khi có một anh chị em phạm tội, phạm lỗi với mình.
Thông thường nếu một người bị người khác làm ra lỗi với mình thì người ấy không muốn nói đến, một là sợ mất lòng, hai là cũng giận người đó rồi không muốn nói tới. Đó là cách hành xử mà chúng ta thường gặp nhất trong xã hội lẫn trong gia đình người thân của chúng ta. Nhưng đã là con dân Chúa thì chúng ta phải làm theo đúng như tiêu chuẩn mà Chúa đã dạy.
Bước đầu tiên là đi đến nói với người đó về sự phạm tội, phạm lỗi của người đó. Có thể là lỗi người đó gây ra với mình, hoặc là với anh chị em khác, hoặc là người ấy phạm tội với Chúa mà chúng ta nhìn thấy ở nơi người đó. Nếu mà sau khi chúng ta đến nói với người đó mà người đó hạ mình tiếp nhận và ăn năn, xin lỗi nhận lỗi thì chúng ta tha thứ như vậy chúng được lại anh chị em của mình. Được lại ở đây là được lại linh hồn của họ. Giả sử như khi chúng ta đến nói cho họ biết sự sai phạm của họ mà họ còn đùng đùng nóng giận, tự ái không chịu nghe, không chịu ăn năn thì chúng ta đã bị mất một người anh chị em khi họ không chịu ăn năn, một khi phạm tội mà không ăn năn thì sẽ bị hư mất linh hồn.
Điều cần tránh: Khi chúng ta biết anh chị em đó có sự phạm lỗi, phạm tội thì chúng ta tuyệt đối không được đi nói xấu, rêu rao sự phạm tội đó cho người khác trong Hội Thánh. Mà chúng ta chỉ đến gặp riêng người đó mà khuyên bảo. Vì điều đó gây ra sự chia rẻ, hiểu lầm lần nhau, để cho ma quỷ có cơ Hội Thánh phá, điều đó cũng là gieo sự tranh cạnh trong lòng anh em mình. Khi người anh chị em đã ăn năn thì không nhắc lại tội lỗi đó nữa.
Điều nên làm: Khi có sự bất hòa, hiểu lầm giữa hai người thì phải đến gặp mặt trực tiếp giải bày để giải quyết, tuyệt đối không được để trong lòng rồi đi nói với người khác, khiến cho người kia cũng hiểu lầm theo, gây sự chia rẽ trong Hội Thánh.
Châm Ngôn 6: 16-19.
16 Có sáu điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ghét, và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc:
17 Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ máu vô tội,
18 lòng định những mưu ác, chân vội vàng chạy đến sự dữ,
19 kẻ làm chứng gian và nói điều dối, cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em.
Bước thứ hai: Sau khi chúng ta đến gặp trực tiếp khuyên bảo nhưng người anh chị em đó không nghe thì chúng ta gọi thêm một hoặc hai người nữa đến cùng để khuyên bảo, có thể là một người anh chị em cùng Cha khác, hoặc một trưởng lão đến để tiếp tục khuyên bảo chỉ ra cho người có lỗi nhận thấy sự sai phạm của mình, và những lời mà một hoặc hai người cùng đi đó cũng là những là những lời và những người làm chứng nếu người kia vẫn tiếp tục không ăn năn.
Đến bước thứ ba: Sau khi mời thêm người đến để khuyên bảo mà người kia vẫn không chịu nghe thì đưa ra Hội Thánh để giải quyết, nếu vẫn không chịu nghe Hội Thánh thì xem người đó như người ngoại và như kẻ thu thuế.
Em hiểu Lời Chúa bảo hãy xem người đó như người ngoại và như kẻ thu thuế là ý nghĩa gì?
Người ngoại là người không cùng đức tin với chúng ta, người thu thế là người tội lỗi và gian ác. Thời bấy giờ người thu thuế là người không được ưa thích, có lẽ họ làm việc không công chính và có những sự gian lận, thu giá cao cho riêng họ, không có sự thương xót nên người ta xa lánh.
Tuy nhiên, việc Chúa dạy chúng ta xem người có tội không ăn năn như người ngoại và người thu thuế là chúng ta không tiếp xúc, không thông công, không hiệp một với họ nữa, để tránh lây lan sự phạm tội trong Hội Thánh, nếu để họ ở trong Hội Thánh sẽ bị mất phước và dứt thông công để người phạm tội bị cắt đứt ơn phước của Chúa, không còn được sự quan phòng, bảo vệ của Chúa để họ cải hối mà ăn năn. Nhưng chúng ta không ghét họ, phân biệt đối xử hay kỳ thị họ, mà chúng ta vẫn cầu thay cho họ, nếu họ gặp sự nguy hiểm thì chúng ta vẫn có thể cứu giúp họ.
Theo em thì vì sao Chúa lại đưa ra từng bước như vậy đối với người có lỗi, có tội?
Đó là vì sự thương xót của Chúa đối với người có lỗi, có tội. Chúa muốn cho người đó ăn năn và nhận biết sự sai phạm của mình, quở trách khuyên bảo từ nhẹ đến mạnh. Một cách hành xử vô cùng tế nhị và yêu thương chứ không có sự phân biệt đối xử, xa lánh hay bêu rếu người phạm lỗi, phạm tội. Như chúng ta biết Đức Chúa Trời ghét tội lỗi nhưng yêu tội nhân.
2/ Hội Thánh có thẩm quyền buộc và mở
“Thật! Ta nói với các ngươi, nếu bất cứ điều gì các ngươi sẽ buộc trên đất, nó sẽ bị buộc trên trời; và nếu bất cứ điều gì các ngươi sẽ mở trên đất, nó sẽ được mở trên trời.” (Ma-thi-ơ 18:18).
Một người bị dứt thông công có suy nghĩ rằng, họ cố gắng vâng giữ điều răn, họ nhóm hiệp mỗi tuần, nhưng họ vẫn chưa được Hội Thánh tiếp nhận trở lại họ nghĩ Chúa biết lòng họ. Vậy theo em suy nghĩ đó đúng hay sai. Vì sao?
Lời Chúa khẳng định cho chúng ta biết rằng. Hội Thánh đã được Chúa ban cho thẩm quyền buộc và mở. Có nghĩa là có quyền tha tội và có quyền buộc tội, thẩm quyền dứt thông công hay tiếp nhận lại một người.
“Những tội lỗi nào của bất cứ những ai được các ngươi tha cho, chúng được tha cho họ. Những tội lỗi nào của bất cứ những ai bị các ngươi cầm giữ, chúng đã bị cầm giữ.” (Giăng 20:23).
Quyền buộc và mở ở đây không phải là Hội Thánh có quyền muốn làm gì làm hay muốn cho ai thì cho, mà thẩm quyền Chúa giao cho Hội Thánh là được quyền tiếp nhận một người nếu họ thật lòng ăn năn, và cũng có quyền dứt thông công một người khi họ phạm tội mà không ăn năn. Vậy nên nếu một người phạm tội không ăn năn bị Hội Thánh dứt thông công mà không quay lại để Hội Thánh tiếp nhận trở lại thì cho dù họ có tự ý vâng giữ hết các điều răn nhưng cũng sẽ không được cứu, bởi vì đó cũng là một hành động kiêu ngạo, không muốn hạ mình trước Hội Thánh mà Chúa đã giao quyền cho để được tiếp nhận trở lại.
3/ Sự quan trọng trong mối quan hệ giữa hai người
“Thật vậy! Ta lại nói với các ngươi rằng, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin bất cứ điều gì, thì điều ấy sẽ được làm cho họ bởi Cha Ta, Đấng ở trên trời. Vì nơi nào có hai hay ba người nhóm hiệp trong danh Ta, thì Ta ở giữa họ tại đó.” (Ma-thi-ơ 18:19-20).
Sự dạy dỗ này của Chúa không có nghĩa là khi chúng ta một mình cầu nguyện thì không được Chúa nhậm lời cầu xin. Hoặc là một người chỉ tin Chúa có một mình không có Hội Thánh, anh chị em ở gần mà nhóm hiệp thì Chúa không hiện diện ở đó với họ. Mà Chúa muốn dạy dỗ về sự hòa thuận hiệp một của con dân Chúa là điều Chúa rất ưa thích và vui lòng. Chúa vui lòng lắng nghe những lời cầu xin phải lẽ của họ và hiện diện giữa họ.
“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy vui mừng! Hãy nên trọn vẹn! Hãy được an ủi! Hãy đồng một tâm trí! Hãy sống hòa thuận! Thì Đức Chúa Trời của tình yêu và của sự bình an sẽ ở với các anh chị em.” (II Cô-rinh-tô 13:11).
“Phước cho những ai làm cho người hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa!” (Ma-thi-ơ 5:9).
4/ Sự tha thứ được dạy qua ngụ ngôn.
Khi Phi-e-rơ đến hỏi Chúa nếu anh em phạm tội nghịch lại mình thì sẽ tha lỗi cho họ bao nhiêu lần. Có phải là bảy lần không. Thì Chúa Jesus đáp lời với ông là bảy mươi lần bảy.
Chúng ta nên hiểu rằng. Không phải chúng ta lấy 7 nhân cho 70 ra con số bao nhiêu thì chúng ta tha cho người kia bấy nhiêu. Mà số 7 là ý nghĩa về sự trọn vẹn thuộc linh. Ý của Chúa dạy ở đây là sự luôn luôn có lòng bao dung và tha thứ nếu người kia thật lòng ăn năn hối cải. Giong như Thiên Chúa Ngài yêu chúng ta. Trong cuộc đời của chúng ta đã biết bao nhiêu lần phạm tội với Chúa và phạm lỗi với anh chị em cùng Cha của mình. Nhưng Chúa Ngài vẫn luôn rộng lòng tha thứ cho chúng ta, không giới hạn số lần. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta lạm dụng ơn thương xót của Chúa mà cứ tha hồ phạm tội rồi nghĩ rằng Chúa sẽ nhân từ tha thứ cho chúng ta. Lúc đó Lời Chúa sau đây sẽ là điều áp dụng cho người đó.
“Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7).
Về ngụ ngôn Đức Chúa Jesus giảng dạy về một người đầy tớ không có lòng thương xót khi đã nhận được ơn thương xót từ người khác là một vị vua.
Tuy là một ngụ ngôn nhưng thực tế đời thực vẫn rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra. Thực tế là một người đã nhận ơn thương xót của Đức Chúa Trời nhưng lại không chịu thương xót mà tha thứ cho anh chị em cùng Cha của mình. Đức Chúa Jesus đã dùng một hình ảnh đời thực để chúng ta có thể hiểu và hình dung được sự dạy dỗ của Ngài.
Qua ngụ ngôn Chúa Jesus muốn dạy chúng ta về sự biết nhận lãnh thì cũng phải biết ban ra. Khi chúng ta nhận sự thương xót thì cũng hay ban ra sự thương xót đó đối với người khác, không phải chỉ riêng anh chị em trong Hội Thánh, mà kể cả người ngoại không tin Chúa, để họ nhìn thấy được hình ảnh của Thiên Chúa qua chúng ta. Chúng ta gieo gì thì sẽ nhận lại được điều đó.
“Phước cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 5:7)
Thử hỏi trên bước đường theo Chúa từ đây cho đến ngày Chúa trở lại, chúng ta có dám chắc rằng chúng ta sẽ không bao giờ phạm tội không, chúng ta sẽ không bao giờ lâm vấp không? Nếu vậy chúng ta có cần được sự tha thứ của Thiên Chúa không? Việc tha thứ cho người khác sẽ không dễ dàng, nhưng qua bài học hôm nay chúng ta sẽ lấy lòng run rẩy kính sợ mà thực hiện bởi vì chính Chúa đã khẳng định cho chúng ta biết.
“Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh chị em của mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 18:35).
Câu hỏi thực tế: Lời Chúa dạy phải thương xót và tha thứ cách rời rộng, vậy nếu một người cứ luôn làm mình tổn thương rồi cứ đến xin lỗi, rồi lại lập lại lỗi đó. Vậy chúng ta phải làm như thế nào? Và nếu người đó không phải là anh em trong Chúa mà là người ngoại như hàng xóm hay bạn học, người xung quanh, cứ hết lần này đến lần khác cố tình làm tổn thương chúng ta thì chúng ta phải làm như thế nào?
Nếu là anh chị em trong Hội Thánh mà cứ lập lại việc làm tổn thương mình theo Lời Chúa dạy mình vẫn tha thứ, nhưng cứ lập lại nhiều lần thì cần nhờ người chăn, trưởng lão giải quyết để có hình thức kỷ luật với người đó.
Nếu là người ngoại không tin Chúa thì sau nhiều lần tha thứ họ vẫn cố tình làm tổn thương mình thì chúng ta nên tránh xa họ, tuy nhiên không giận ghét nhưng cầu thay cho họ.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ