Dân Số Ký 2 Thứ Tự Đóng Trại

632 lượt xem

Thứ Tự Đóng Trại

Nguyễn Thị Thu Thủy

Các bạn thiếu niên thân mến,

Dân Số Ký chương 2 là lời phán dặn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu với Môi-se và A-rôn một cách chi tiết về việc đóng trại.

“Dân I-sơ-ra-ên mỗi người phải đóng trại gần bên ngọn cờ mình, ở dưới bảng hiệu của tông tộc mình, đối ngang nhau vây chung quanh hội mạc.” (Dân Số Ký 2:2).

Chúng ta thấy Chúa phán dặn rằng, dân I-sơ-ra-ên phải đóng trại gần bên ngọn cờ mình, và dưới bảng hiệu của tông tộc mình. Có nghĩa là chi phái nào đóng trại ở vị trí cờ và bảng hiệu của chi phái đó, không được có sự lộn xộn. Các trại đối ngang nhau, vây chung quanh hội mạc. Hội mạc ở giữa các trại quân.

Hình Ảnh Minh Họa Thứ Tự Đóng Trại của Dân I-sơ-ra-ên
(Ghi chú bằng tiếng Việt bởi Phạm Trịnh Minh Anh)

Qua hình ảnh giúp chúng ta hình dung được rõ hơn về cách bố trí, sắp xếp mà Chúa phán dặn dân sự. Một sự bố trí thật ngay ngắn, gọn gàng. Nhìn vào là thấy được sự trật tự, nề nếp của một quân đội có người chỉ huy, dẫn dắt. Nhìn vào sự sắp xếp của Chúa, chúng ta thấy rõ Đền Tạm rất quan trọng. Chúa muốn dân sự biết rằng trong hành trình của họ dầu khởi hành tiến đi hay tạm dừng đóng trại, Đền Tạm luôn là trung tâm điểm của họ. Bởi vì Đền Tạm là nơi dân sự thờ phượng Ngài, tương giao với Ngài, xin sự dạy dỗ, dẫn dắt từ nơi Ngài.

Như vậy, chúng ta rút ra bài học rằng chúng ta cần làm việc cách có kế hoạch có thứ tự và trật tự. Lời Chúa cũng dạy rằng:

“Mọi sự đều nên làm cách phải lẽ và theo thứ tự.” (I Cô-rinh-tô 14:40).

Cần sắp xếp, phân bố thời gian cho các công việc một cách hợp lý để luôn đảm bảo cho mình có thời gian để hoàn thành các công việc thuộc linh được tốt. Mỗi chúng ta cần có một thời gian biểu cụ thể hàng ngày cho các công việc của mình, vừa là để hoàn thành tốt bổn phận của một học sinh trên trường lớp, vừa là hoàn thành tốt bổn phận của một người con trong gia đình, và cũng là để chúng ta luôn có được thời gian cho sự tương giao với Chúa qua việc cầu nguyện và suy ngẫm Lời Ngài. Khi chúng ta làm các công việc thì luôn trong sự hướng dẫn theo thứ tự và trật tự đã được phân công của những người mà Chúa đặt để trên họ chức vụ hoặc thẩm quyền. Khi chúng ta hết lòng làm tròn đúng bổn phận của mình thì ấy chính là bông trái tỏ ra của một người yêu kính Chúa.

Qua sự phán dặn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, mười hai chi phái được chia thành bốn trại quân được bố trí đóng tại bốn phía vây chung quanh Đền Tạm. Bao gồm:

  • Trại quân Giu-đa đóng tại hướng đông (trước cửa Đền Tạm), bao gồm ba chi phái: Giu-đa, I-sa-ca, Sa-bu-lôn với tổng số người nam có thể đi ra trận là 186.400 người.
  • Trại quân Ru-bên đóng tại hướng nam, bao gồm ba chi phái: Ru-bên, Si-mê-ôn, Gát với tổng số người nam có thể đi ra trận là 151.450 người.
  • Trại quân Ép-ra-im đóng tại hướng tây (phía sau Đền Tạm), bao gồm ba chi phái: Ép-ra-im, Ma-na-se, Bên-gia-min với tổng số người nam có thể đi ra trận là 108.100 người.
  • Trại quân Đan đóng tại hướng bắc, bao gồm ba chi phái: Đan, A-se, Nép-ta-li với tổng số người nam có thể đi ra trận là 157.600 người.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không chỉ phán dặn họ cách đóng trại sao cho theo thứ tự, trật tự. Mà Ngài còn phán dặn khi dân sự khởi đi thì các trại quân phải đi ra theo thứ tự. Trại quân Giu-đa sẽ đi tiên phong, rồi trại quân Ru-bên đi thứ hai. Kế đó, Đền Tạm sẽ đi với trại quân Lê-vi. Tiếp đến tới trại quân Ép-ra-im, cuối cùng là trại quân Đan đi hậu binh.

Chúng ta để ý sẽ thấy, hai trại quân đi đầu tiên và đi cuối cùng là Giu-đa và Đan với số lượng người nam đông nhất trong bốn trại quân. Đây là một sự sắp xếp, phân chia lực lượng thật khôn sáng, lực lượng đông đảo và hùng mạnh đi trước và đi sau nhằm bảo vệ trước và sau một cách an toàn cho dân sự.

Dân I-sơ-ra-ên trước đây sống và làm việc trong sự nô lệ 400 năm, họ đã quen với cuộc sống lệ thuộc vào chủ. Mọi sinh hoạt, công việc và thời gian của họ đều phải phụ thuộc. Họ không được tự chủ trong cuộc sống của mình và có lẽ họ cũng không quen với nếp sống nề nếp có trật tự, có kỷ luật. Nhưng nay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rèn tập họ trở nên một quân đội có trật tự, có nề nếp. Từ việc đóng trại dừng nghỉ sắp xếp theo trật tự, chi phái nào phải đóng ở chi phái đó. Đến việc đi ra cũng theo thứ tự được sắp xếp. Chúng ta hình dung một đội quân gồm bốn trại quân lần lượt đi ra, hành quân theo một thứ tự, trật tự thật là hùng mạnh.

Mỗi chúng ta trước đây khi chưa tin nhận Chúa cũng là một tội nhân sống đời sống nô lệ cho tội lỗi, cho những ưa muốn xác thịt của thế gian này. Nhưng kể từ khi tin nhận Chúa thì đời sống của chúng ta là những người lính, bắt đầu cuộc hành trình tiến về Thiên Quốc. Chúa đang tập rèn mỗi chúng ta để trở nên một người lính giỏi của Ngài.

“Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết rằng, để có thể ra trận thì trước đó một người lính phải được huấn luyện và rèn tập. Sau thời gian trải qua sự huấn luyện, người lính sẽ có một nếp sống có kỷ luật, nề nếp, trật tự, một thân thể khỏe mạnh, ý chí can đảm, góp phần sức lực của mình trong các cuộc chiến. Nhưng điều trước nhất mà một người lính cần học đó là tính vâng phục. Nếu không có sự vâng phục cấp trên thì người lính làm sao rèn giũa được nếp sống nề nếp, một thân thể khỏe mạnh, một ý chí can đảm.

Cũng vậy, mỗi chúng ta là một người lính của Chúa. Thì điều đầu tiên chúng ta phải học là tính vâng phục, biết tự kỷ luật bản thân mình luôn làm theo Lời Chúa dạy. Giống như:

“Dân I-sơ-ra-ên làm y theo mọi điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn Môi-se, đóng trại tùy theo ngọn cờ mình, và mỗi người ra đi tùy theo họ hàng và tông tộc mình.” (Dân Số Ký 2:34).

Như Sứ Đồ Phao-lô đã từng nói:

“nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Việc đóng trại và đi ra cách thứ tự, trật tự giúp cho dân sự học được và hình thành một nếp sống có kỷ luật, có trật tự, biết vâng phục. Cũng thông qua việc Chúa phán dặn, dân sự làm theo mà họ học được sự vâng phục Môi-se là người lãnh đạo mà Chúa dùng để dẫn dắt dân sự. Vậy chúng ta rút ra bài học rằng, có những điều người chăn, các trưởng lão là những người dẫn dắt lại hướng dẫn chúng ta khác với lối sống quen thuộc, khác với cách làm việc xưa nay của mình. Đó là bởi vì Chúa cho phép xảy ra, để thông qua đó mà Chúa rèn tập chúng ta sự vâng phục, và rèn tập chúng ta cách làm việc có thứ tự, có trật tự, có nề nếp. Mà chỉ khi chúng ta hết lòng vâng và làm theo, thì khi ấy chúng ta mới nhận được những bài học ích lợi cho mình.

Cô lấy ví dụ như khi các cô chú chấm điểm bài chia sẻ hàng tuần của các con. Các cô chú thường hướng dẫn và chỉnh sửa cho các con từ hình thức trình bày, định dạng một bài viết; cho đến nội dung của đoạn văn, từng câu từng chữ. Rồi có quy định cho thời gian nộp bài, có thể lệ phạt nếu các con nộp trễ là bị trừ điểm. Có thể, các con thấy điều đó khó với mình, vì mình đã quá quen thuộc cách trình bày, cách viết như vậy rồi. Nhưng ấy chính là lúc Chúa cho phép sự việc xảy ra để rèn tập các con tính vâng phục và cách làm việc có thứ tự, có trật tự, có nề nếp. Qua sự viết văn mỗi tuần, qua sự các con vâng lời chỉnh sửa, sẽ giúp các con biết trình bày bài viết cách gọn gàng, các câu văn được trau chuốt. Sau này, điều đó sẽ ích lợi cho các con trong việc chia sẻ Lời Chúa hoặc rao giảng Lời Chúa. Qua sự nề nếp trong cách hành văn của các con, mà người ngoại nhìn thấy được rằng Chúa thật là Đấng làm việc có trật tự, thứ tự. Ấy chính là làm sáng danh Chúa.

Nguyện rằng, qua bài học về lời phán dặn của Chúa dành cho dân I-sơ-ra-ên cách đóng trại và đi ra theo thứ tự giúp cho các bạn thiếu niên rút ra được những bài học thực tế để áp dụng trên đời sống thuộc thể và thuộc linh của mình. Nguyện đời sống của các bạn thiếu niên từ thuộc thể đến thuộc linh gặt được nhiều kết quả, nhiều bông trái khi hết lòng áp dụng Lời Chúa dạy vào trong đời sống của mình. A-men!

Để lại một bình luận