Thiếu Niên Thảo Luận Tháng 10/2022

214 lượt xem

Hỏi:

Có con dân Chúa cho rằng, người hứa nguyện Na-xi-rê trong thời Cựu Ước phải tuân theo các luật định mà Đức Chúa Trời đã phán truyền, nhưng ngày nay là thời ân điển, con dân Chúa chỉ cần vâng giữ Các Điều Răn của Ngài, còn những lời hứa nguyện thì làm được đến đâu thì làm. Như vậy là đúng hay sai? Hãy phân tích đúng – sai.  

Đáp:

Trong thời kỳ Tân Ước hiện nay, mỗi khi con dân Chúa muốn biệt riêng thời gian để cầu nguyện hay làm công việc mà Chúa giao thì không cần phải tuân theo các luật định của sự hứa nguyện Na-xi-rê. Đúng là chúng ta trong thời Tân Ước thì chỉ cần hết lòng sống và làm theo Các Điều Răn của Thiên Chúa, mà không cần phải dâng các của lễ như trong thời Cựu Ước. 

Nhưng nếu trong thời Tân Ước hiện nay, chúng ta có điều gì đã hứa nguyện với Chúa thì chúng ta phải gắng sức hoàn thành lời hứa nguyện đó. Lời hứa nguyện với Chúa phải là lời hứa nguyện theo sự dẫn dắt và tác động của Chúa, không sai nghịch với Thánh Kinh. Nếu chúng ta hứa nguyện với Chúa mà không làm thì chúng ta đã phạm tội.

“Khi ngươi hứa nguyện cùng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, thì chớ trì hoãn làm cho xong; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi hẳn sẽ đòi sự hoàn nguyện ấy; nếu không làm cho xong, ngươi sẽ mang lấy tội. Nhưng nếu ngươi không hứa nguyện, thì không phạm tội. Khi môi ngươi đã hứa cùng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi một sự hứa nguyện vui lòng, thì hãy cẩn thận làm trọn lời ra khỏi miệng mình đó.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21-23).

“Khi ngươi khấn hứa sự gì với Thiên Chúa, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại: Vậy, hãy trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả.” (Truyền Đạo 5:4-5).

Một người mà có sự hứa nguyện với Chúa nhưng lại có suy nghĩ “còn những lời hứa nguyện thì làm được đến đâu thì làm” là một người không có lòng kính sợ Chúa, xem thường Chúa, lừa dối Chúa. Bởi vì họ đã không tôn kính Chúa, xem lời mình đã hứa với Chúa chỉ như một trò đùa, có khả năng làm thì làm, không thì thôi. 

Lời Chúa chép:

“Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét.” (Ma-thi-ơ 12:36).

Một lời nói vô ích còn phải khai trình trước Chúa trong ngày phán xét. Thì huống chi là một lời hứa nguyện với Chúa. Nếu họ xem thường Chúa mà không giữ lời mình đã hứa nguyện, thì trong ngày phán xét, những lời đó cũng phải thưa trình với Chúa.

Hỏi:

Mỗi khi chúng ta phạm tội vì yếu đuối và rồi chúng ta lập tức xưng tội với Chúa thì đó có phải là chúng ta đang hứa nguyện với Chúa không? Đó là những lời hứa như thế nào?

Đáp:

Khi một người thật lòng thống hối ăn năn tội lỗi của mình trong thần trí thì chắc chắn họ tha thiết xin Chúa tha thứ sự vi phạm của mình và mong muốn tránh xa khỏi những tội lỗi ô uế đó và khao khát Chúa dựng lại mình một thần trí ngay thẳng.

“Thiên Chúa ôi! Xin sáng tạo trong tôi một lòng trong sạch, và làm mới lại trong tôi một thần trí ngay thẳng.” (Thi Thiên 51:10).

Những lời như “Nguyện xin Chúa gìn giữ con trước những cám dỗ và thử thách, xin Chúa gìn giữ tấm lòng con luôn yêu kính Ngài, gìn giữ con để con không phạm tội với Ngài, luôn trung tín với Chúa cho đến cuối cùng”,… là những lời nói lên sự mong ước, hứa nguyện của mình với Chúa. 

Hỏi: 

Bạn A sống trong gia đình có ba mẹ là người tin Chúa. Dù vậy nhưng bạn có đời sống hâm hẩm, bạn nghĩ rằng nếu mình phạm tội với Chúa thì sẽ luôn có ba mẹ kề bên để nhắc nhở, cáo trách. Thế nên bạn không cố gắng hết sức mình để sửa sai, hết lòng ăn năn mà chỉ chờ đợi sự đốc thúc từ ba mẹ tin Chúa của mình. Khi Chúa đến, bạn A có được Chúa cứu hay không dù bạn A được sống trong gia đình có ba mẹ theo Chúa?   

Đáp:

Bạn A như vậy là một người không có sự kính sợ Chúa, vì đã không có lòng ăn năn và sửa đổi những điều sai phạm. Một người kính sợ Chúa thì luôn nhìn vào Lời Chúa để cố gắng sửa đổi mình, khi phạm tội thì mau chóng ăn năn. Không ai có thể tin Chúa hộ mình, dù cho người đó là cha mẹ của mình.

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

Người làm theo ý muốn của Chúa là người mỗi ngày đọc Lời Chúa để soi mình vào đó mà sửa đổi, không phải người ỷ lại và phải để người khác thúc giục trong sự ăn năn.

Hỏi:

A trước kia là một người có lối sống tội lỗi, vô kỉ luật. Nhưng từ khi tin Chúa, A thay đổi và cố gắng từ bỏ hết tất cả những thói quen xấu mà đã gắn với mình bao nhiêu năm liền. A cho rằng miễn sao A từ bỏ tội, sống đúng theo Điều Răn và luật pháp là được, còn làm việc lành thì không cần thiết. Suy nghĩ của A đúng hay sai? Vì sao?

Đáp:

Việc từ bỏ thói quen xấu, từ bỏ tội, sống theo đúng điều răn và luật pháp của Chúa là đúng. Nhưng suy nghĩ làm việc lành không cần thiết là sai. Vì Lời Chúa dạy rằng:

“Chớ từ chối làm lành cho kẻ nào xứng đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy.” (Châm Ngôn 3:27).

“Chớ mệt nhọc về sự làm lành; vì nếu chúng ta không chậm trễ, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt.” (Ga-la-ti 6:9).

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em chớ mệt nhọc {về sự} làm lành.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:13).

“Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:16).

Hỏi:

Dựa theo ngụ ngôn ta-lâng của Chúa, nếu một người có ân tứ trong Hội Thánh nhưng lại vì ngại, tự ti mà giấu đi, ít khi hoặc không dám sử dụng ân tứ đó thì người đó có tội không? 

Đáp:

Một con dân của Chúa nhận biết mình được Chúa ban cho các ân tứ nhưng vì ngại, tự ti mà giấu đi, ít khi hoặc không dám sử dụng thì có thể vì họ còn thiếu hiểu biết, hoặc họ chưa hết lòng sống cho Chúa. 

Có thể vì họ còn thiếu hiểu biết Lời Chúa, họ chưa biết rằng chính những việc họ làm đem đến sự gây dựng và ích lợi cho Hội Thánh, là hầu việc Chúa. Nhưng nếu họ có tấm lòng khao khát được hầu việc Chúa thì họ sẽ sớm hiểu ra qua Lời Chúa, qua bài giảng hoặc qua các anh chị em trong Hội Thánh. Khi ấy, Chúa sẽ xét trên tấm lòng của người đó, nên không bị kể là phạm tội.

Nếu là vì họ chưa hết lòng sống cho Chúa nên không sử dụng các ân tứ để gây dựng và hầu việc Chúa thì đương nhiên là họ đã phạm tội với Chúa. Như trong các thí dụ về ta-lâng mà chúng ta đã học trong Ma-thi-ơ 25:14-30.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận