Ngụ Ngôn Về Chiên Bị Lạc, Đồng Bạc Mất và Con Trai Phá Của.

427 lượt xem

Ngụ Ngôn Về Chi Bị Lạc, Đồng Bạc Mất và Con Trai Phá Của.

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến!

Tuần này chúng ta tiếp tục học về các ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus. Hôm nay chúng ta học các ngụ ngôn về Chiên Bị Lạc, Đồng Bạc Mất và Con Trai Phá Của.

Ba ngụ ngôn này được chép trong sách Lu-ca chương 15. 

Đây là ba ngụ ngôn ngắn mà Đức Chúa Jesus giảng dạy khi người Pha-ri-si họ phàn nàn Đức Chúa Jesus tiếp những người tội lỗi và ăn cùng với họ. 

Tuy là ba câu chuyện nhưng cùng một sự dạy dỗ, ý nghĩa giống nhau đó là về sự thương xót và tình yêu đối với người có tội và qua những ngụ ngôn này Chúa Jesus cũng muốn dạy dỗ cho họ mục đích của Ngài nhập thể làm người đến thế gian cũng để tìm và cứu người có tội. Chúa Jesus dùng những ngụ ngôn thật là thực tế trong cuộc sống thường nhật để dạy dỗ họ, giúp họ có thể dễ dàng hiểu và tiếp thu. 

Khi chúng ta học Lời Chúa thì Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng: 

vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời,” (Rô-ma 3:23).

Từ khi tổ phụ của loài người là ông A-đam và bà Ê-va phạm tội thì tội lỗi đã vào trong thế gian, mỗi người sinh ra đều phạm tội từ trong lòng mẹ, tác giả Thi Thiên chép rằng. 

Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

Chúng ta thấy rằng loài người ai cũng tội lỗi và xấu xa đều như nhau, không ai tốt hơn ai hay cao trọng hơn ai cả. Đối với Đức Chúa Trời thì tội vẫn là tội không kể tội lớn hay tội nhỏ, phạm tội thì có hình phạt. Nhưng một sự thật phũ phàng là loài người có bản tính kiêu ngạo và xem mình là cao trọng hơn người khác, xem khinh người khác. 

Như chúng ta từng học biết, thời bấy giờ người Pha-ri-si, các thầy thông thái, thầy dạy luật là những người họ tự biệt riêng mình ra để học luật pháp của Chúa, những thầy dạy luật, nhà thông thái thì họ còn dạy luật trong nhà hội, họ biết rõ và thành thạo luật pháp của Chúa. Tuy nhiên qua Thánh Kinh thì chúng ta cũng biết họ chỉ được cái vẻ bên ngoài, dọ mặc áo cho dài, hay đứng trước chợ và nhà hội, họ làm ra sự cao trọng, muốn người khác chào hỏi mình, nhưng đời sống của họ thì Chúa Jesus gọi là mồ mả tô cho trắng, bên trong thì ô uế. Có nghĩa là họ sống giả hình chỉ được bộ dạng bề ngoài. 

Họ lấy làm phàn nàn khi Chúa Jesus ăn cùng và tiếp những người có tội, những người mà họ cho là có tội, thấp hèn thời bấy giờ là những người thu thuế, người làm nghề bán dâm…

Đối với họ có lẽ họ nghĩ rằng họ thánh thiện và cao trọng nên họ tránh xa những người mà họ cho là tội lỗi. Họ phiền lòng khi nghĩ rằng Chúa Jesus dạy đạo, giảng dạy về nước trời nhưng sao lại giao du với những người tội lỗi. Qua sự kiện này Chúa dạy cho họ một bài học thâm sâu mà chẳng phải riêng gì họ mà kể cả chúng ta ngày nay khi học đến. Bởi vì thật ra thời đại chúng ta và ngay cả chúng ta cũng đã từng giống như những người Pha-ri-si đó. 

Về hai ngụ ngôn chiên bị lạc và đồng bạc bị lạc mất thì chúng ta thấy sự thật là như vậy, khi chúng ta lỡ làm mất hay đánh rơi thì phản xạ tự nhiên, cảm xúc tự nhiên của mình là đi tìm, khi tìm được rồi thì rất là vui mừng. Một cảm xúc thật lạ trong khi mình vẫn còn cái khác để sử dụng, ví dụ như mất một con chiên thì vẫn còn 99 con nhưng người chăn chiên sẵn sàng bỏ lại 99 con mà đi tìm một con bị mất, khi tìm được thì rất là vui mừng. 

Con chiên lạc và đồng bạc bị mất nói đến người tội lỗi bị hư mất. Đức Chúa Jesus đến thế gian để tìm và cứu những người như vậy. 

Câu hỏi: Theo các con những người tội lỗi trầm trọng, làm nhiều điều ác thì họ có xứng đáng được cứu không? 

Sự thật thì tất cả loài người ở thế gian này không ai xứng đáng được cứu cả, kể cả những người có đời sống hiền lành, không làm hại gì ai, siêng năng làm điều thiện, nhưng đối với Đức Chúa Trời họ là những người tội lỗi đáng bị hư mất. Vì loài người đã bị nhiễm tội từ tổ phụ của mình. Đức Chúa Trời là thánh khiết Ngài không chấp nhận tội lỗi. Vậy nên người càng làm ác, càng làm ra tội thì càng cần nhận được sự tha thứ, sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời yêu thương tất cả mọi người đồng đều như nhau, Ngài không phân biệt người nào nhiều hay ít tội, mà thậm chí Ngài yêu kẻ có tội nhiều nếu như họ biết ăn năn. 

Câu hỏi: Các con nghĩ sao khi người chăn chiên tìm được con chiên lạc mất lại vui mừng hơn chín mươi chín con chiên còn lại? Có phải con chiên bị lạc kia có giá trị hơn chín con chiên còn lại? 

Chúng ta hiểu rằng con chiên lạc mất nói đến người phạm tội bị hư mất, tội càng nhiều thì hình phạt càng nặng. Nếu người phạm tội nhiều dường ấy ăn năn cải hối thì linh hồn họ sẽ được cứu. Vì vậy không phải vì con chiên đó giá trị hơn 99 con chiên kia mà giá trị nằm ở chỗ người đó biết ăn năn, người đó cần được sự cứu rỗi. 

Về ngụ ngôn người con trai phá của. Ngụ ngôn này có nhiều chi tiết hơn hai ngụ ngôn kia, kể về một người cha chia gia tài cho hai người con trai, ít ngày sau người em thu tóm hết, đi phương xa, ăn chơi tiêu sạch hết tiền, khi đó người em rơi vào cảnh nghèo thiếu phải đi chăn heo, lúc này người em mới biết ăn năn cải hối và quyết định quay trở về tìm cha của mình ăn năn những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Người cha chẳng những không mắng chửi, đuổi đi mà còn lấy đồ vật tốt, đeo nhẫn và làm tiệc lớn vui mừng vì con trai của mình đã trở về. Lúc này người anh đã tỏ vẻ không vui và bất bình về cách hành xử của cha mình, phân bì cho rằng người cha đã tư vị. 

Đây là ngụ ngôn rất quen thuộc và cũng là một trong những ngụ ngôn nổi bật được ghi chép lại trong Thánh Kinh. Tuy có nhiều chi tiết hơn, nhưng ngụ ngôn này cũng cùng mang ý nghĩa như hai ngụ ngôn kia. Hai ngụ ngôn kia chỉ về tài sản của một người bị mất, còn ngụ ngôn này chỉ về tình cảm của con người với nhau, giữa người cha và con ruột của mình. Sự thương xót, bao dung của người cha đối với người con. Ngụ ngôn này Chúa muốn nói đến những người Pha-ri-si những người đang có sự than phiền Chúa. Họ là người anh trai không có lòng thương xót và sự tha thứ. 

Câu hỏi: Trong cuộc sống các con đã có bao giờ có suy nghĩ, mình phạm tội nhiều quá có lẽ Chúa sẽ không tha thứ cho mình không? 

Bản thân cô đã từng có suy nghĩ như vậy mà đã rất sợ hãi. Sợ rằng mình không còn nhận được sự tha thứ và ơn thương xót nữa, tự mình thấy ghê sợ chính mình, tự mình còn không thể chấp nhận được mình. Trong Chúa Thiên Chúa là Đấng Thánh Khiết. Nhưng tạ ơn Chúa qua thời gian cô cũng hiểu được rằng, Chúa không bao giờ bỏ mặt những ai biết ăn năn, Ngài ghét tội lỗi nhưng Ngài yêu tội nhân. Chỉ cần người phạm tội biết ăn năn hối cải thì Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương sẽ tha thứ và phục hồi chúng ta. Ban lại cho chúng ta địa vị làm con của Ngài. Một linh hồn được cứu thì cả Thiên Đàng đều vui mừng. Thường thì một người sống làm theo ý riêng và theo sự ham thích tư dục mình, khi bị té ngã, bị thảm hại thì mới biết trân quý tình yêu mà người thân dành cho mình. Cũng giống như chúng ta không vâng Lời Chúa, quay lưng làm thinh với những sự kêu gọi và tiếng cáo trách của Chúa mỗi khi chúng ta phạm tội, rồi khi hậu quả tội lỗi quá lớn, thì chúng ta mới nhận biết được chỉ có Chúa mới là Đấng thật sự yêu thương chúng ta, nhẫn nại với chúng ta. 

Một người có giá trị hay không nằm ở chỗ người đó có chịu thật lòng ăn năn hay không. Ân điển Chúa ban cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai ai cũng hết lòng, vui mừng nhận lấy cả. Bởi thế một linh hồn được cứu là sự vui mừng lớn. 

Ở ngụ ngôn thứ ba chúng ta thấy có chi tiết người anh trai khi thấy em mình được cha chào đón cách nồng nhiệt sau thời gian đi hoang đàng trở về thì nổi giận và có những lời tị nạnh trách móc người cha, cho rằng người cha đã tư vị. 

Cách hành xử này, bản tính này hầu như ở loài người ai ai cũng có, chỉ là ít hay nhiều, ngay kể cả người đã tin Chúa và xưng mình là con dân Chúa, bản tính ganh tị, ích kỷ và không có lòng thương xót. Người có lòng thương xót và yêu thương thì thay vì nổi giận trong tình huống này mà người đó sẽ tỏ ra vui mừng khi em mình nay đã trở về, chỉ cần nó biết ăn năn cải hối thì mình tiếp nhận. 

Thật ra hình ảnh người anh trai này chúng ta cũng nhìn thấy được qua chính con người chúng ta, chúng ta đã ganh tị, ích kỷ với người khác khi thấy họ có điều kiện hơn mình, có phước hơn mình, có được nhiều ân tứ hơn mình. Chúng ta cho rằng người phạm tội phải bị trừng phạt cho thích đáng, đáng bị bỏ, bị xa lánh và bị khinh khi. 

Dân gian có câu: Đánh người chạy đi không ai đánh người chạy lại. – “Đánh kẻ chạy đi”: những người mắc lỗi mà không biết ăn năn, hối cải mà vẫn tiếp tục mắc sai lầm.

– “Không ai đánh người chạy lại”: Cần tha thứ, bỏ qua lỗi lầm cho những người biết nhận ra lỗi lầm của mình và có ý thức sửa sai để hoàn thiện mình.

https://thptsoctrang.edu.vn/giai-thich-cau-danh-ke-chay-di-khong-ai-danh-nguoi-chay-lai/

Người đời họ còn nhận thức được như vậy thì huống hồ gì mỗi chúng ta là con dân Chúa, thừa hưởng bản tính của Thiên Chúa, thì chúng ta phải giống như Ngài. Thật ra nếu ngày nay chúng ta không biết Chúa thì chúng ta là những người không khác gì như vậy, thậm chí còn tệ hơn. 

Qua ba ngụ ngôn chúng ta học ngày hôm nay giúp chúng ta càng thấu hiểu hơn về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Ngài không chê bai kỳ thị ai, Đức Chúa Jesus Christ đến để tìm và cứu những người bị hư mất. Chúng ta cũng không phải mặc cảm tội lỗi của mình mà không dám đến gần Chúa. Chúa không đòi hỏi mỗi chúng ta phải thật tinh tuyền rồi Ngài mới cứu mà Ngài cần tấm lòng ăn năn, tấm lòng biết cải hối. Chúng ta là những đứa con hoang đàng nay được Chúa tiếp nhận và phục hồi lại trở nên con cái của Ngài bởi tấm lòng ăn năn của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhớ rằng, không phải nói lời ăn năn là đủ mà sau đó chúng ta phải kết quả với sự ăn năn của mình. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Để lại một bình luận